Header Ads

  • Breaking News

    Chuyện Việt Nam ngày Thứ năm 20 tháng 7 năm 2023

    Quê Hương tổng hợp

    Việt Nam sẽ cắt Internet những ai chống đối trên mạng? 

    VOA Tiếng Việt 

    19/7/2023


    Hai bạn trẻ vào mạng xã hội ở một quán cà phê tại Hà Nội


    Hai bạn trẻ vào mạng xã hội ở một quán cà phê tại Hà Nội 

    Nhà chức trách Việt Nam đang cân nhắc sẽ cắt mạng đối với những ai bị cho là vi phạm pháp luật khi đưa thông tin lên mạng, một sự leo thang kiểm duyệt đối với môi trường mạng vốn đã hà khắc ở quốc gia này, theo tìm hiểu của VOA.

    Đây là một trong 11 điểm mới trong Nghị định mới thay thế cho các Nghị định 72 và Nghị định 27 về quản lý thông tin trên mạng được Bộ Thông tin-Truyền thông soạn thảo và đưa ra lấy ý người dân, trang mạng VnExpress cho biết.

    Theo đó, các nhà mạng Internet sẽ bị yêu cầu ngừng hoặc tạm ngừng cung cấp dịch vụ đối với tổ chức, cá nhân có nội dung vi phạm pháp luật trên không gian mạng.

    Theo tờ trình của Bộ này gửi báo cáo Chính phủ được VnExpress dẫn lại thì ‘qua thực tế công tác quản lý nhà nước’ thì họ thấy cần phải có thêm biện pháp này mà họ cho là cách ‘xử lý nhanh’ đối với những ai dùng mạng để ‘cung cấp nội dung chống phá Đảng và Nhà nước’.

    Bộ Thông tin-Truyền thông đặc biệt nhắm vào những người livestream trên mạng xã hội vốn sẽ bị khóa mạng và không thể lên sóng được nữa nếu họ nói những gì làm chính quyền không hài lòng.

    Theo lập luận của Bộ này được VnExpress này dẫn lại thì việc chặn ngay từ nguồn phát tán thông tin sẽ ‘giúp giảm thời gian và nguồn lực’ của họ trong việc rà soát và gỡ bỏ từng nội dung như cách làm hiện nay.

    Ngoài ra, các nhà mạng Internet cũng phải ngăn chặn, gỡ bỏ nội dung, dịch vụ, ứng dụng được cho là sai phạm theo yêu cầu của Bộ này trong thời hạn ‘không quá 24 giờ kể từ khi nhận được lệnh’. Các trang, nhóm, kênh, tài khoản đưa nội dung vi phạm ‘sẽ bị khóa tạm thời hay vĩnh viễn’.

    Giới chức Việt Nam lâu nay vẫn buộc các mạng xã hội như Facebook, YouTube hay TikTok phải chặn hay gỡ xuống nhưng nội dung mà họ cho là độc hại hay có tính chống đối chính quyền.

    Nghị định mới này cũng sẽ siết chặt việc quản lý người dùng trên các mạng xã hội mà theo đó các chủ tài khoản phải cung cấp số điện thoại di động để xác thực tài khoản và đó phải là số điện thoại di động Việt Nam.

    Cục trưởng Phát thanh, truyền hình và Thông tin điện tử của Bộ, ông Lê Quang Tự Do, phát biểu hôm 30/6 tại hội nghị sơ kết của Bộ rằng các nền tảng mạng xã hội đặt ở nước ngoài là ‘ổ phát tán thông tin xấu độc’ và chính quyền Việt Nam đã phải dùng mọi biện pháp ‘kỹ thuật, kinh tế, truyền thông’ để yêu cầu các công ty mạng xã hội này phải gỡ bài.

    EuroCham kêu gọi Việt Nam bỏ thị thực cho toàn bộ du khách châu Âu 

    VOA Tiếng Việt 

    19/7/2023

    Xe du lịch hai tầng đưa du khách thăm quan thủ đô Hà Nội của Việt Nam.

    Xe du lịch hai tầng đưa du khách thăm quan thủ đô Hà Nội của Việt Nam. 

    Phòng Thương mại Châu Âu tại Việt Nam đã gửi một bức thư tới Thủ tướng Phạm Minh Chính để thúc giục chính phủ Hà Nội mở rộng việc miễn thị thực cho tất cả 27 nước thành viên của Liên minh châu Âu.

    Hiện tại, chỉ có công dân của 7 nước châu Âu – gồm Đức, Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Đan Mạch, Thụy Điển và Phần Lan – được miễn thị thực khi nhập cảnh vào Việt Nam trong thời gian 15 ngày.

    Trong một thông cáo đưa ra hôm 16/7, EuroCham Vietnam nói họ đã gửi đề xuất mở rộng miễn visa cho toàn bộ các nước thành viên của EU tới Thủ tướng Chính vì cho rằng việc này đóng vai trò “quan trọng sống còn” trong việc thúc đẩy “các cơ hội thương mại và đầu tư” giữa hai bên.

    “Việc mở rộng này sẽ thu hút một lượng lớn du khách từ thị trường EU, vốn có số dân hơn 500 triệu người,” Chủ tich EuroCham Vietnam Gabor Fluit nói trong thông cáo. “Bằng việc loại bỏ các rào cản đối với du khách quốc tế có thu nhập cao đến thăm Việt Nam, chúng tôi chắc chắn rằng nó sẽ mở ra những cơ hội tuyệt vời cho nền kinh tế của đất nước sau một vài năm khó khăn vừa qua.”

    Sau một thời gian thực hiện các hạn chế du hành để khống chế đại dịch COVID-19, Việt Nam, cũng như nhiều nước khác trong khu vực và thế giới, đang tìm cách phục hồi ngành du lịch, vốn đóng góp khoảng 6,6% vào GDP của quốc gia.

    EuroCham Vietnam cho biết họ đánh giá cao việc chính phủ Việt Nam nâng thời hạn thị thực điện tử (e-visa) từ 30 lên 90 ngày. Dự luật, với mục đích đáp ứng nhu cầu của khách quốc tế muốn vào Việt Nam tìm cơ hội đầu tư cũng như tăng sức cạnh tranh của du lịch Việt Nam, vừa được Quốc hội Việt Nam thông qua hôm 24/6 và sẽ có hiệu lực từ 15/8. Việt Nam hiện đang cấp thị thực điện tử cho công dân của 80 nước.

    Chính phủ Việt Nam cũng vừa nâng thời hạn miễn thị thực lên 45 ngày nhằm nâng cao tính cạnh tranh của Việt Nam trong thu hút du khách tới quốc gia Đông Nam Á.

    EuroCham Vietnam cho biết với số lượng khách du lịch lớn, ngày lưu trú dài hơn và sức mua đáng kể, du khách từ châu Âu thực sự là một nhóm khách hàng tiềm năng.

    “Khách du lịch châu Âu thường có xu hướng ở lại lâu hơn, từ hai tuần trở lên. Khoảng thời gian kéo dài này cho phép họ có nhiều cơ hội hơn để đóng góp cho nền kinh tế và thậm chí có thể khám phá các triển vọng kinh doanh trong thời gian ở đây,” ông Fluit nói.

    VOA đã gửi yêu cầu bình luận tới người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam về đề xuất của EuroCham Vietnam muốn mở rộng miễn thị thực cho toàn bộ các nước thành viên châu Âu tới Thủ tướng Chính.

    Lời kêu gọi của EuroCham – cũng được gửi tới các bộ Ngoại giao, Văn hóa-Thể thao-Du lịch, và Công an – có 18 đại sứ của EU tại Việt Nam, chủ tịch các hiệp hội doanh nghiệp châu Âu cùng các Phòng Thương mại của nhiều nước trong liên minh đồng ký tên và ủng hộ.

    Hiện khách du lịch châu Á vẫn đứng đầu về số lượng du khách tới Việt Nam. Trong 6 tháng đầu năm nay, Việt Nam đón hơn 4,1 triệu du khách từ châu Á trong khi chỉ có gần 700.000 du khách đến từ châu Âu, chỉ bằng một nửa so với con số trước đại dịch, theo số liệu của Tổng cục Thống kê được Nhân Dân trích dẫn. Việt Nam nhắm mục tiêu đón khoảng 8 triệu du khách trong năm nay.

    EuroCham Vietnam dự đoán một “sự gia tăng đáng kể về lượng khách du lịch châu Âu” đến Việt Nam nếu đề xuất mở rộng thị thực cho toàn khối được thông qua. Theo nhóm doanh nghiệp của châu Âu, điều đó sẽ dẫn tới “sự gia tăng trong các hoạt động kinh doanh” và “đóng một vai trò quan trọng trong việc kích thích nền kinh tế, mở rộng cơ hội thương mại và tăng dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài” vào Việt Nam.

    Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Janet Yellen đến Việt Nam

    Nguyễn Huỳnh/VNTB

    20/7/2023

    VNTB – Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Janet Yellen đến Việt Nam

    Truyền thông Nga dè bỉu rằng bà Janet Yellen chìa cành ô-liu cho Việt Nam bằng thông điệp “friend-shoring”.

    Theo thông tin từ Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội, bà Yellen sẽ có cuộc gặp song phương với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng vào ngày 20-7. Trong đó, Bộ trưởng Yellen bày tỏ vui mừng về sự hợp tác giữa hai bên nhằm hỗ trợ sức chống chịu của nền kinh tế vĩ mô và tài chính của Việt Nam.

    Dự kiến, Bộ trưởng Yellen cũng sẽ có cuộc gặp với Thủ tướng Phạm Minh Chính. Trong cuộc gặp, Bộ trưởng Yellen sẽ nhấn mạnh mối quan hệ kinh tế sâu sắc giữa Mỹ và Việt Nam giúp tạo ra khả năng phục hồi kinh tế lớn hơn thông qua cái gọi là “friend-shoring”, chiến lược đặt sản xuất tại các nước bằng hữu.

    Tin tức ngoại giao cũng cho biết Bộ trưởng Yellen có bài phát biểu về tầm quan trọng của việc phát triển chuỗi cung ứng có sức chống chịu mạnh mẽ thông qua các nỗ lực như “friend-shoring” và ứng phó với biến đổi khí hậu.

    Bình luận về chuyến công du với thông điệp “friend-shoring” của Bộ trưởng Yellen, một quan sát viên đang cộng tác với trang Việt Nam Thời Báo cho rằng cần xem xét luôn chuỗi phát biểu trước đó của bà Yellen: “Bà Yellen có tiếng là thường xuyên phát biểu về nhiều chủ đề và các bài phát biểu của bà thường được dùng để báo hiệu những thay đổi về chính sách quản lý đối với công chúng và chính phủ nước ngoài.

    Trong cuộc họp báo hôm 16-7, trước thềm các cuộc họp G20, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đánh giá: “Trung Quốc là nhà nhập khẩu rất lớn đối với nhiều quốc gia trên thế giới. Vì vậy, khi tăng trưởng của nước này chậm lại, nó sẽ tác động đến tăng trưởng ở nhiều quốc gia. Và, chúng ta đang thấy điều đó”.

    Mặc dù vậy, theo bà, “vẫn là quá sớm” để chính quyền Joe Biden xem xét dỡ bỏ thuế quan đối với hơn 350 tỷ USD hàng xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ. Điều này, rõ ràng, khó có thể khiến mối quan hệ Mỹ – Trung trở nên “ấm nồng” hơn, đủ để có thể khiến hai nền kinh tế lớn nhất thế giới thực hiện nghĩa vụ “hợp tác trong những lĩnh vực cùng quan tâm”, nhằm giải quyết các thách thức toàn cầu, như chính Bộ trưởng Tài chính Mỹ nhấn mạnh.

    Ở cuộc họp báo, bà Yellen nói đến “Friend-shoring”, tức chuyển sản xuất đến những nước bằng hữu, là sự chuyển hướng từ quá trình toàn cầu hóa kinh tế trong vài thập kỷ gần đây, với việc các quốc gia như Mỹ và các đồng minh, đối tác đang thúc đẩy việc sản xuất và kinh doanh hàng thiết yếu tại các quốc gia thân thiện.

    “Friend-shoring là một nền tảng quan trọng trong cách tiếp cận của chúng tôi nhằm tăng cường khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng và chúng tôi coi Ấn Độ là một đối tác không thể thiếu trong đó”, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Yellen nói với các phóng viên hôm 16-7 trong chuyến thăm tới Gandhinagar, Ấn Độ.

    Minh chứng cho phát biểu của bà Bộ trưởng, nhiều công ty đa quốc gia đang tìm cách chuyển bớt hoạt động khỏi Trung Quốc, trong khi Mỹ và các đồng minh đưa ra các ưu đãi mới để chấn hưng ngành sản xuất. Đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Trung Quốc – nguồn vốn quan trọng cho tăng trưởng – đã sụt giảm trong quý I năm nay.

    Điều đó cũng có nghĩa là việc định hướng lại chuỗi cung ứng toàn cầu đã bắt đầu, sẽ diễn ra trong nhiều năm. Loạt diễn biến ấy, xem ra với nỗ lực như “friend-shoring” và ứng phó với biến đổi khí hậu mà bà Yellen mang đến Việt Nam, được quyền kỳ vọng về chương làm ăn mới thịnh vượng hơn của Hà Nội với Washington” – vị quan sát viên của trang Việt Nam Thời Báo có nhận xét nhanh như vậy bên lề chuyến công du ngày 20 và 21-7-2023 của bà Yellen ở Hà Nội.

    https://vietnamthoibao.org

    Luật sư của Phạm Trung Kiên gián tiếp tố giác thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên

    Trường Sơn/VNTB

    VNTB – Luật sư của Phạm Trung Kiên gián tiếp tố giác thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên

    Luật sư Hà Mạnh Huy, một trong ba người bào chữa cho bị cáo Phạm Trung Kiên cho rằng cần thay đổi tội danh với thân chủ của ông.

    “Kiên nhận tiền là có thật nhưng thẩm quyền cấp phép chuyến bay có phải của Kiên không?”, luật sư kiến nghị cơ quan tố tụng, chỉ xem xét thân chủ về tội “Lợi dụng ảnh hưởng người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi”, thay vì “Nhận hối lộ”.

    Theo luật sư, để thỏa mãn tội Nhận hối lộ, Kiên cần phải là người có chức vụ quyền hạn, trực tiếp làm theo yêu cầu của người đưa tiền. Nguyên nhân dẫn đến hành vi phạm tội của Kiên và nhóm 21 quan chức nhận hối lộ nói chung, là bất cập trong xét duyệt thẩm định và cấp phép chuyến bay, có sự chồng chéo, không rõ ràng.

    Tại Bộ Y tế, thẩm quyền ký duyệt, trả lời các đơn vị liên quan, tất cả do thứ trưởng ký, Kiên không hề, không thể can thiệp đến nội dung các văn bản này. Do đó không thể thỏa mãn các yếu tố tội Nhận hối lộ.

    Luật sư nói trong 42,6 tỷ đồng Kiên bị cáo buộc nhận, có 15 tỷ đồng tự nguyện khai, khi “hồ sơ chưa có gì”, hiện nay cũng chưa xác định được ai đưa. Cho rằng việc khai nhận số tiền này rõ ràng bất lợi song thân chủ vẫn làm, luật sư đề nghị Viện kiểm sát xét thêm tình tiết tự thú, thành khẩn.

    Tự bào chữa sau đó, bị cáo Kiên thừa nhận hành vi phạm tội là đúng nên rất ăn năn hối cải, xin phép gửi lời xin lỗi đến Đảng, Nhà nước. Từ khi khởi tố vụ án, Kiên chủ động khai báo.

    Cùng mạch pháp lý khai thác trên, bào chữa cho bị cáo Nguyễn Quang Linh, cựu trợ lý phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, luật sư Nguyễn Duy Nguyên lập luận: Cả quy trình xin cấp phép chuyến bay và thẩm quyền xét duyệt, bị cáo không có quyền quyết định. Bởi khi hồ sơ doanh nghiệp đến tay ông Linh đã được các đơn vị có thẩm quyền phê duyệt.

    Trong việc cấp phép tổng 28 chuyến bay cho doanh nghiệp, luật sư cho rằng không chứng cứ nào chứng minh ông Linh có tác động đến xét duyệt hồ sơ. Ông Linh chỉ tư vấn “mang tính chất cá nhân”, về mặt hình thức văn bản, ngôn ngữ trình bày, để phù hợp với văn phong trình lên Văn phòng Chính phủ.

    Khi nhận tiền, luật sư cho rằng ông Linh không hứa hẹn hoặc thỏa thuận trước, đòi hỏi hay o ép gì. “Lúc đó bị cáo Linh nhận thức đơn giản là cứ giúp đỡ tận tâm, nhiệt tình, chu đáo, họ làm ăn tốt sẽ nhớ đến mình. Khi có quà cảm ơn của doanh nghiệp, ông Linh đã nhận, không nhận thức được là vi phạm pháp luật”, luật sư nêu.

    Theo nguyên tắc suy đoán vô tội, giả dụ như chấp nhận về lập luận từ phía các luật sư bào chữa, khi ấy hàng loạt thắc mắc cụ thể sau đây cần phải lý giải, bằng không phiên tòa sẽ đi vào ngõ cụt, và các phán quyết sẽ dễ là “án bỏ túi”:

    Không có chủ trương triển khai chuyến bay combo thì không có vụ án này.

    Một, đã cấm bay thương mại, sao lại ‘thương mại hóa’ chuyến bay giải cứu? Tin tức còn lưu trữ trên mạng xã hội cho biết, ngày 1 tháng 12 năm 2020, kết luận cuộc họp về Covid-19, thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo tạm dừng các chuyến bay thương mại, chỉ thực hiện “chuyến bay giải cứu”.

    Hai, đến khi vụ án được khởi tố người dân mới biết song hành với “chuyến bay giải cứu” còn có chuyến bay combo mà “chuyến bay combo” không khác gì chuyến bay thương mại.

    Ba, chuyến bay combo chỉ khác ở chỗ ‘xin – cho’, đầu mối là Cục lãnh sự bộ Ngoại giao và 5 bộ liên quan cùng với địa phương nơi cơ sở cách ly. Muốn ‘cho’ thì phải xin và ‘cảm ơn’ bằng tiền tỷ đúng như lời khai của các bị cáo.

    Bốn, vì sao Quảng Nam có tên trong chuỗi cung ứng này? Nếu so sánh với ‘hàng xóm’ là Đà Nẵng sẽ thấy chọn Quảng Nam là quá khó hiểu vì mọi điều kiện thực hiện cách ly đều kém xa…

    Tóm lại, cần làm rõ việc ai ký chủ trương chuyến bay giải cứu có thu phí, còn gọi là “chuyến bay combo” với phân chia đều quyền lực cho 5 bộ và chính phủ?

    https://vietnamthoibao.org/vntb-luat-su-cua-pham-trung-kien-gian-tiep-to-giac-thu-truong-do-xuan-tuyen/

    Vinfast: ‘Sẽ khởi công xây nhà máy ở Mỹ vào cuối tháng 7’ 

    VOA Tiếng Việt 

    19/7/2023


    VF-8, mẫu xe điện chủ lực mà Vinfast đưa vào thị trường Mỹ

    VF-8, mẫu xe điện chủ lực mà Vinfast đưa vào thị trường Mỹ 

    Sau lần trì hoãn thì nhà máy sản xuất xe điện đầu tiên của Vinfast tại Mỹ cũng sắp được khởi công vào cuối tháng này, báo chí trong nước dẫn thông cáo từ hãng xe lớn nhất Việt Nam cho biết.

    Nhà máy này sẽ được đặt tại khu công nghiệp Triangle Innovation Point thuộc hạt Chatham, bang North Carolina và là nhà máy sản xuất xe điện đầu tiên tại tiểu bang này.

    Nhà máy của Vinfast sẽ trải rộng trên diện tích 733 ha với công suất thiết kế cho giai đoạn 1 là 150.000 xe/năm, hãng xe này cho biết, và bao gồm khu vực sản xuất-lắp ráp xe điện cùng khu công nghiệp phụ trợ cho các nhà cung cấp.

    Bà Lê Thị Thu Thủy, chủ tịch VinFast, được dẫn lời trong thông cáo nói rằng đây là ‘dự án trọng điểm của VinFast’ và sẽ là nơi cung cấp chính các sản phẩm của Vinfast cho thị trường Bắc Mỹ sau khi đi vào hoạt động.

    Hiện tại, xe Vinfast đang được sản xuất tại nhà máy của họ tại Khu công nghiệp Đình Vũ, Hải Phòng, ở miền Bắc Việt Nam, sau đó được vận chuyển bằng tàu biển đến Mỹ. Việc có nhà máy ngay tại Mỹ sẽ giúp hãng xe Việt Nam này tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường Mỹ.

    Hãng Vinfast cho biết họ đã ‘nhận được các giấy phép cơ bản’ để bắt đầu xây dựng nhà máy giai đoạn 1 và họ dự kiến sẽ ‘góp phần tạo ra hệ sinh thái chuỗi cung ứng sản xuất xanh’ cũng như thuê mướn hàng ngàn lao động tại chỗ.

    Số tiền mà Vinfast đầu tư xây dựng nhà máy là 4 tỷ đô la Mỹ, trong đó có khoản hỗ trợ tài chính và cơ sở hạ tầng trị giá 1,2 tỷ đô la mà họ nhận được từ chính quyền bang, hạt, thành phố và Quỹ Golden Leaf.

    Giai đoạn 1 của dự án sẽ tập trung vào sản xuất xe điện và giai đoạn hai của nhà máy sẽ tập trung vào sản xuất pin để tạo ra hệ sinh thái cho xe điện của Vinfast, Reuters cho biết.

    Trước đó, cũng theo Reuters, Vinfast dự định đưa nhà máy ở Mỹ vào hoạt động từ năm 2024 nhưng với kế hoạch xây dựng bị trì hoãn thì phải đến năm 2025 cơ sở này mới đi vào hoạt động.

    Theo kế hoạch lẽ ra Vinfast đã bắt đầu xây dựng nhà máy vào năm 2022 nhưng việc xin các giấy phép, trong đó có giấy phép và đánh giá tác động môi trường, đã khiến quá trình này bị trì hoãn.

    Việc Vinfast xây nhà máy ở North Carolina đã được Tổng thống Joe Biden hoan nghênh trên trang web của Nhà Trắng hôm 29/3 năm 2022 sau khi họ loan báo kế hoạch.

    Tuy nhiên, hồi tháng 5 năm nay, kế hoạch tấn công vào thị trường Mỹ của hãng xe hơi Việt Nam đã gặp trở ngại khi Vinfast đã phải thu hồi toàn bộ số xe đã bán ra trong số 999 chiếc VF8 đầu tiên mà họ đưa sang Mỹ sau khi Cục Quản lý An toàn Giao thông Đường cao tốc Quốc gia Hoa Kỳ đưa ra cảnh báo an toàn đối với lỗi phần mềm trên màn hình bảng điều khiển xe, khiến thông tin an toàn quan trọng không hiển thị và ‘có thể làm tăng nguy cơ va chạm’.

    Đại án ‘chuyến bay giải cứu’: Các bị cáo nhận hối lộ nộp lại bao nhiêu tiền? 

    VOA Tiếng Việt 

    19/7/2023

    Các bị cáo tại phiên tòa xét xử 54 người trong vụ án đưa nhận hối lộ khi tổ chức các chuyến bay "giải cứu" cho người Việt về nước trong đại dịch COVID-19 hôm 17/7 ở Hà Nội.

    Các bị cáo tại phiên tòa xét xử 54 người trong vụ án đưa nhận hối lộ khi tổ chức các chuyến bay "giải cứu" cho người Việt về nước trong đại dịch COVID-19 hôm 17/7 ở Hà Nội. 

    Cơ quan tố tụng của Việt Nam cáo buộc 21 cựu quan chức trong vụ án ‘chuyến bay giải cứu’ đưa người Việt về nước giữa đại dịch COVID-19 nhận hối lộ hàng trăm lần với tổng số tiền 165 tỷ đồng và chỉ khoảng một nửa trong số đó đã được các bị cáo nộp lại, theo truyền thông trong nước.

    Các quan chức này nằm trong số 54 người đang bị đưa ra xét xử tại tại phiên tòa kéo dài 1 tháng ở Hà Nội từ ngày 11/7 với các cáo buộc đưa nhận hối lộ, chiếm đoạt tài sản, lợi dụng chức vụ trong số các tội danh khác trong vụ án được gọi là “chuyến bay giải cứu” liên quan đến 5 bộ, ngành trong chính phủ Việt Nam.

    Theo thống kê của Viện Kiểm sát đến ngày 18/7 được VTC News trích dẫn, 54 bị cáo trong đại án đã trả lại số tiền được gọi là “khắc phục hậu quả” gần 130 tỷ đồng và 1,5 triệu đôla.

    Riêng nhóm bị cáo nhận hối lộ, trong đó có cựu thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Trung Kiên và cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng, nộp lại gần 90 tỷ đồng.

    Ông Kiên bị cáo buộc nhận hơn 42 tỷ đồng, số tiền nhận hối lộ lớn nhất trong đại án, và đối diện mức án bị đề xuất cao nhất là tử hình. Theo VTC News, ông Kiên đã nộp lại 35 tỷ đồng và vợ ông “đang đi nộp thêm số tiền khắc phục 8 tỷ đồng” còn lại.

    Còn ông Dũng, quan chức cấp cao nhất trong vụ án này, bị cáo buộc nhận hơn 21 tỷ đồng và đã trả lại 16 tỷ đồng, theo VnExpress. Cựu thứ trưởng Ngoại giao bị đề xuất mức án 13 năm tù.

    Trên 350 năm tù được đề nghị chia lần lượt cho 53 bị cáo bên cạnh án tử hình được đề nghị cho ông Kiên.

    Ghi nhận lời khai của các bị cáo tại phiên tòa, VnExpress cho biết họ nói rằng họ “nghĩ nhận tiền như món quà cảm ơn và phủ nhận đã vòi vĩnh, ép buộc” nhưng “thấy ân hận, lo sợ” nên “đã tích cực khắc phục hậu quả vụ án.”

    Cựu cục trưởng Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao Nguyễn Thị Lan Hương, người bị cáo buộc nhận hơn 25 tỷ đồng tiền hối lộ và đối diện mức án 19 năm tù, mới trả lại 900 triệu đồng. Theo Tuổi Trẻ, Viện Kiểm sát đề nghị tiếp tục truy thu 24,1 tỷ đồng nhận hối lộ của bà Lan cùng kê biên 2 căn hộ chung cư cao cấp và một chiếc xe Lexus đứng tên bà.

    Vẫn theo VTC News, Viện Kiểm sát phong tỏa gần 20 tỷ đồng và 366.000 đôla trong các sổ tiết kiệm và tài khoản ngân hàng của ông Đỗ Hoàng Tùng, cựu cục phó Cục Lãnh sự thuộc Bộ Ngoại giao. Ông Tùng bị cáo buộc nhận hối lộ hơn 12 tỷ đồng và đối mặt mức án 10 năm tù.

    Ngoài 21 người bị cáo buộc nhận hối lộ, có 25 người bị quy vào tội lợi dụng chức vụ quyền hạn được giao để nhận hối lộ gần 165 tỷ đồng. Có 23 người là đại diện doanh nghiệp bị cáo buộc đưa hối lộ hơn 226 tỷ đồng và 4 người môi giới hối lộ gần 75 tỷ đồng cũng như lừa đảo chiếm đoạt gần 25 tỷ đồng.

    Theo VKS, đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, xảy ra giữa lúc Covid-19 căng thẳng. Các bị can đã lợi dụng dịch bệnh, bất chấp các quy định để trục lợi, khiến uy tín của Việt Nam bị giảm sút. Viện Kiểm sát cho rằng các hành vi này đã tạo điều kiện cho "thế lực thù địch xuyên tạc, kích động gây hoang mang trong nhân dân".

    Vụ tham nhũng khi tổ chức các chuyến bay “giải cứu” công dân cùng với vụ nâng khống giá kit xét nghiệm COVID là hai đại án xảy ra trong đại dịch khiến nhiều người dân trong nước và ở nước ngoài phẫn nộ. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng hai phó thủ tướng Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam được cho là bị buộc phải từ chức vì những trách nhiệm liên quan tới các đại án này.

    Việt Nam nằm trong số các nước có tham nhũng tràn lan. Transparency International xếp Việt Nam ở thứ hạng 77/180 về Chỉ số Tham nhũng năm 2022.

    VinFast chỉ có 128 xe đăng ký tại Mỹ trong 5 tháng qua

    19/7/2023

    VinFast chỉ có 128 xe đăng ký tại Mỹ trong 5 tháng qua

    Người mua hàng đi ngang qua một cửa hàng của VinFast tại California, Mỹ hôm 2/7/2022 

    https://www.rfa.org/++plone++rfa-resources/img/icon-zoom.pngReuters 

    Hãng xe điện VinFast non trẻ của Việt Nam trong năm tháng qua chỉ mới có 128 xe VF 8 đăng ký tại Hoa Kỳ.

    Số liệu của hãng đa quốc gia Experian chuyên phân tích số liệu và báo cáo tín dụng tiêu dùng được các mạng báo chuyên về xe tại Hoa Kỳ dẫn lại.

    Theo số liệu cụ thể, trong tháng hai chỉ có một xe VF 8 đăng ký, sang tháng ba có 16 chiếc, tháng tư 66 chiếc và tháng năm 45 chiếc; tổng cộng là 128 xe.

    Số lượng bán ít ỏi như vừa nêu được nhận định là những khó khăn đáng kể mà VinFast phải đối mặt tại thị trường Hoa Kỳ. Điều này cũng được phân tích là hãng này thất bại trong việc thu hút người tiêu dùng Mỹ.

    Tin cho biết mặc dù VinFast cố gắng thúc đẩy doanh số bán bằng những biện pháp như giảm giá và cho thuê ưu đãi; nhưng hàng xe điện của tỷ phú Phạm Nhật Vượng vẫn đang phải đối mặt với cuộc canh tranh khốc liệt với những tên tuổi nội địa Hoa Kỳ như Tesla, Ford…

    Giá của xe VF 8 của VinFast cũng được cho là cao hơn giá của những dòng xe cùng loại của các đối thủ cạnh tranh; đặc biệt đối với xe Model Y của Tesla được giảm thuế Liên bang đến 7.500 USD vì sản xuất nội địa.

     Một bất lợi khác đối với xe điện VinFast bán tại Hoa Kỳ mà giới thạo xe nêu ra là sản phẩm làm quá gấp khiến khách hàng tiềm năng do dự.

    Hồi tháng 11 năm ngoái, VinFast đã xuất 999 xe điện đầu tiên sang thị trường Mỹ nhưng việc chuyển xe đến khách hàng bị trì hoãn đến cuối tháng 2 do một số lỗi về phần mềm phải chỉnh sửa.

    HP sẽ sản xuất máy tính tại Việt Nam từ năm 2024

    19/7/2023



    HP sẽ sản xuất máy tính tại Việt Nam từ năm 2024

    Logo của HP tại trụ sở của hãng ở Palo Alto, California 

    https://www.rfa.org/++plone++rfa-resources/img/icon-zoom.pngAFP 

    Hãng sản xuất máy tính Hewlett-Packard, thường gọi tắt là HP, đang làm việc với các đối tác để chuyển sản xuất máy tính từ Trung Quốc sang Việt Nam từ năm 2024.

    Theo thông báo hôm 17/7 của HP, trong năm nay hãng chuyển sản xuất máy tính xách tay (notebook, laptop) từ Hoa Lục sang Thái Lan và Mexico, còn Việt Nam kể từ sang năm.

    Biện pháp vừa nêu của HP là nhằm đa dạng hóa chuỗi cung ứng, tránh lệ thuộc vào Trung Quốc. Bên cạnh nguy cơ địa chính trị, HP còn xem xét đến các yếu tố chi phí sản xuất, vấn đề tuyển dụng lao động… tại Hoa Lục.

    Chuyên gia Kieren Jessop của Canalys được hãng tin Nikkei dẫn lời rằng mục đích chính của biện pháp đa dạng hóa chuỗi cung cứng là để giảm thiểu rủi ro do căng thẳng quan hệ Mỹ - Trung, cũng như tận dụng lợi thế các trung tâm sản xuất mới nổi tại Đông Nam Á và Việt Nam.

    Dữ liệu của hãng nghiên cứu thị trường Canalys cho thấy HP sản xuất hơn 55 triệu máy tính hồi năm 2022; đứng thứ nhì thế giới sau hãng Lenovo.


    Không có nhận xét nào