Quê Hương tổng hợp
Huế: Làn sóng vỡ nợ khi đầu tư bất động sản tăng dần
Lê Thiệt /SGN
Thị trường bất động sản thành phố Huế ảm đạm – Ảnh: Nhịp sống Thị trường
Thị trường bất động sản đã qua rồi thời kỳ hoàng kim, và đang tiến tới… đáy! Dân kinh doanh địa ốc chỉ nhận định nó “đang tiến tới” thôi, vì họ cũng chưa biết đáy nằm ở chỗ nào.
Thị trường địa ốc ở Thừa Thiên – Huế cũng thế, thậm chí còn thê thảm hơn, khi nhiều chủ đất vỡ nợ rao bán bất động sản với mức giá giảm trung bình 30-40%, mà vẫn không bán được.
Cách đây khoảng hai năm, Thừa Thiên Huế là tâm điểm của thị trường bất động sản khi giá đất tăng rất nhanh. Tại thời điểm đó, nhiều nhà đầu tư từ Hà Nội bay vào Huế, bỏ tiền “cọc và lướt” (mua bán sang tay nhanh). Đó cũng là thời điểm các dự án bao quanh trung tâm thành phố Huế liên tục “bung hàng”.
Những căn biệt thự trị giá gần chục tỷ đồng, chỉ ít tháng, nhà đầu tư lướt cọc đã lãi tiền tỷ. Không chỉ bất động sản dự án mà đất đấu giá, đất thổ cư tại thành phố Huế cũng “ăn theo” tăng giá chóng mặt.
Giá bất động sản tại thành phố Huế giảm sâu – Ảnh: Nhịp sống Thị trường
Anh Minh, một tài xế taxi tại Huế kể, năm 2019 giá lô đất tại Khu đô thị Phú Mỹ (nơi gia đình anh ở) chí có giá khoảng 1.7 tỉ đồng. Đến năm 2021, cũng miếng đất đó được “thổi giá” lên đến 3 tỉ đồng. Nhiều nhà đầu tư lao vào mua với nhận định giá sẽ tiếp tục lên, thế nhưng đến nay tất cả đểu “ôm quả đắng” khi sẵn sàng bán dưới giá vốn từ 20% đến 30% mà vẫn không ai thèm hỏi.
Không chỉ những nhà đầu tư nhỏ lẻ đang đứng trước nguy cơ vỡ nợ, nhiều công ty bất động sản lớn cũng ồ ạt đổ quân về Huế làm dự án trong những năm 2020-2021 như Bitexco, VinGroup, BRG… với các dự án ngàn tỉ đồng hiện nay cũng đang bị chôn hàng.
Nhà đầu tư Nguyễn Dũng ở Hà Nội là người may mắn khi thoát hàng thành công vào đầu năm 2022. Anh kể vào năm 2021, anh và đội nhóm thắng đậm trong cơn sốt. Đội nhóm của anh chủ yếu lướt sóng đất biệt thự, đất nhà phố… Sau đó, anh từng kẹt lại một lô đất biệt thự. May mắn đến đầu năm 2022, anh thoát hàng và chấp nhận cắt lỗ nhẹ.
“Nếu không thoát hàng, chắc tôi cũng vỡ nợ”, anh cho biết nhiều nhà đầu tư miền Bắc vào Huế mua nhà đất không may mắn như anh. “Thị trường khó thanh khoản như hiện nay mà nhà đầu tư vay nợ nhiều sẽ buộc phải cắt lỗ sâu”.
Không chỉ ở Huế, mà ngay tại Sài Gòn, đất nền Củ Chi, Hóc Môn đang chứng kiến làn sóng cắt lỗ, giảm giá lan rộng – Ảnh: Nhịp sống Thị trường
Một môi giới địa ốc tên Dự cho biết, đây là thời điểm rất tốt để mua vào do giá giảm mạnh, nhưng anh lại không trả lời được là giá bất động sản đã “đụng đáy” chưa, dù có miếng đất đã giảm tới 40% giá mua vào.
Một môi giới địa ốc khác nhận định rằng, hiện giờ có rất nhiều nhà đầu tư xả hàng, chấp nhận lỗ để thu hồi vốn, thế nên giá sẽ còn xuống nữa.
Tuy vậy, theo phân tích của một số chuyên gia, những nhà đầu tư ôm đất đã từng có lãi rất lớn. Trong giai đoạn khó khăn này, họ giảm giá 20-30%, thậm chí giảm tới 40% để ra hàng. Trong số này có người cắt lỗ nhưng có người chỉ giảm lãi. Trường hợp nhà đầu tư cắt lỗ phần lớn rơi vào nhóm nhà đầu tư mới, non kinh nghiệm và dùng đòn bẩy tài chính quá đà.
Quảng Ninh: Lãnh đạo đăng kiểm chết nghi do nhảy từ tầng 7
Thi thể ông H.A.D được phát hiện tại trụ sở liên cơ quan số 3. (Ảnh: Công an TP. Hạ Long)
Thi thể ông H.A.D được phát hiện tại trụ sở Liên cơ quan số 3 của tỉnh Quảng Ninh.
Ngày 2/7, Công an TP. Hạ Long cho biết đang điều tra nguyên nhân tử vong của một người đàn ông tại khu vực liên cơ quan số 3 (thuộc phường Hồng Hà).
Nạn nhân được xác định là ông H.A.D (SN 1979, trú phường Giếng Đáy, TP. Hạ Long, Quảng Ninh), lãnh đạo một công ty đăng kiểm xe cơ giới ở tỉnh Quảng Ninh.
Theo thông tin ban đầu, ngày 1/7, ông D. lái xe ra khỏi nhà. Sau 1 ngày không thấy chồng về, vợ ông D. đi tìm và nhờ Ban quản lý trụ sở liên cơ quan số 3 hỗ trợ tìm kiếm.
Thông qua trích xuất camera an ninh của tòa nhà, cơ quan chức năng xác định ông D. đã vào tòa nhà Trụ sở liên cơ quan số 3, rồi đi lên trên tầng 7 từ ngày 1/7.
Đến khoảng 8h50 sáng nay, thi thể của ông D. được người thân và Ban quản lý trụ sở liên cơ quan số 3 phát hiện trong khuôn viên tòa nhà, nghi nhảy lầu từ tầng 7. Ông D. có để lại thư tuyệt mệnh.
Minh Long
Vĩnh Phúc: Bờ kè vừa thi công xong đã sạt lở, một ngôi đền nguy cơ bị ‘nuốt chửng’
Đền Mẫu có nguy cơ bị ‘nuốt chửng. (Ảnh: Chụp màn hình/video/tuoitre.vn)
Vừa thi công xong, công trình kè chống sạt lở sông Phó Đáy ở khu vực đền Mẫu (huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc) đã bị sụt lún, hư hỏng nghiêm trọng.
Ngày 2/7, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai cho biết đã có công văn gửi Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Vĩnh Phúc xử lý sự cố sạt trượt bờ hữu sông Phó Đáy, tại khu vực đền Mẫu, xã Sơn Đông (huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc).
Theo báo cáo của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Vĩnh Phúc, ngày 28/6 đã xảy ra sự cố sạt lở bờ hữu sông Phó Đáy làm sụt lún, hư hỏng nghiêm trọng đoạn kè bờ tại khu vực đền Mẫu với chiều dài 100m và sụt lún, sạt lở toàn bộ phần diện tích sân đền Mẫu, móng nhà bếp với diện tích khoảng 250m2.
Đền Mẫu được xây dựng bằng bê tông, cốt thép bị rạn nứt và có nguy cơ sạt lở toàn bộ cùng với cây đề – được công nhận là di sản và một số hạng mục khác.
“Vị trí này, ngày 8/10/2022 đã bị sạt lở, sụt lún. Sau đó UBND huyện báo cáo và đã được UBND tỉnh cho thực hiện dự án cấp bách kè chống sạt lở do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm chủ đầu tư. Đến nay công trình đã được thi công xong.
Ngày 28/6, toàn bộ các hạng mục của dự án bị sụt, lún, sạt lở và đổ gãy. Hiện chưa xác định rõ nguyên nhân sạt lở, sụt lún” , đại điện UBND huyện Lập Thạch nói với báo Tuổi trẻ.
Sau khi sự cố xảy ra, cơ quan chức năng đã triển khai các biện pháp để đảm bảo an toàn cho người, tài sản; đồng thời hoàn thiện các thủ tục để xử lý sự cố sạt lở.
Công trình xử lý sạt trượt sông Phó Đáy khu vực đền Mẫu và trạm bơm Phú Bình II xã Sơn Đông (huyện Lập Thạch) được UBND tỉnh Vĩnh Phúc quyết định thực hiện với mức đầu tư là 19,5 tỷ đồng. Hình thức lựa chọn nhà thầu là chỉ định thầu trong nước.
Công trình gồm 2 hạng mục chính gồm xử lý sạt trượt khu vực đền Mẫu và xử lý sạt trượt trạm bơm Phú Bình II với tổng chiều dài khoảng 350m. Chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Vĩnh Phúc, đơn vị thi công xây lắp là liên danh Công ty CP đầu tư xây dựng và phát triển Phú Thành An và Công ty trách nhiệm hữu hạn thương mại và đầu tư xây dựng Long Khánh.
Khánh Vy
Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình lỗ thêm 1.400 tỷ đồng sau kiểm toán
Thị trường bất động sản trầm lắng, thanh khoản suy giảm khiến các doanh nghiệp xây dựng cũng bị vạ lây. (Ảnh minh họa: xaydung.gov.vn)
Sau khi báo cáo kiểm toán bởi E&Y được công bố, Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình báo lỗ hơn 2.570 tỷ đồng. Nguyên nhân trong đó do trích lập dự phòng phải thu khó đòi trong năm 2022 thêm gần 1.700 tỷ đồng.
Theo báo cáo này, Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình lỗ hợp nhất cả năm 2022 hơn 2.570 tỷ đồng, mức lỗ lớn nhất trong lịch sử hoạt động hơn 35 năm của doanh nghiệp này. Trước đó, theo báo cáo công ty tự lập, khoản lỗ ở mức hơn 1.140 tỷ đồng.
Một trong những nguyên nhân lỗ là Hòa Bình trích lập dự phòng phải thu khó đòi gần 1.690 tỷ đồng.
Ngoài ra, các chi phí của tập đoàn trong năm đều tăng mạnh so với năm trước đó.
Chi phí quản lý doanh nghiệp bị tăng lên hơn 2.240 tỷ đồng, gấp 5,4 lần năm 2021, chủ yếu là do dự phòng khoản phải thu khó đòi lên tới 1.689 tỷ đồng.
Cùng với đó, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp cũng âm 883 tỷ đồng, lưu chuyển tiền thuần sử dụng vào hoạt động đầu tư âm 553 tỷ đồng, trong khi dòng tiền cho hoạt động tài chính dương 1.198 tỷ đồng.
Kiểm toán viên lưu ý tại ngày phát hành báo cáo, tập đoàn có các khoản nợ vay đã quá hạn.
Trong đó, một số khoản vay đã được các ngân hàng đồng ý gia hạn. Đối với các khoản vay còn lại đã quá hạn hoặc sắp đến hạn, tập đoàn đang trong quá trình thương thảo với các ngân hàng để xin gia hạn nợ.
Ban lãnh đạo doanh nghiệp cho biết đã có những kế hoạch để khắc phục về dòng tiền trong thời gian tới, gồm việc phát hành thêm 274 triệu cổ phiếu, tái cấu trúc các khoản vay.
Doanh nghiệp này cũng dự kiến thu được hơn 1.064 tỷ đồng từ việc thanh lý các tài sản máy móc thiết bị theo các hợp đồng chuyển nhượng tài sản đã ký vào 28/6/2023.
Dựa vào đó, lãnh đạo Tập đoàn Hòa Bình tin rằng tập đoàn sẽ có đủ nguồn vốn lưu động cho hoạt động kinh doanh và có dòng tiền đủ khả năng đáp ứng các nghĩa vụ của tập đoàn trong vòng 12 tháng tới.
Trong năm nay, Tập đoàn Hòa Bình đặt mục tiêu tổng doanh thu 12.500 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 125 tỷ đồng. Đồng thời, chỉ tiêu trúng thầu cũng được đặt ra là 17.000 tỷ đồng.
Tuấn Minh
Tuấn Minh
UBND TP Hà Nội: Đề xuất phương án xây dựng sân bay thứ hai
UBND TP Hà Nội vừa đưa ra đề xuất phương án để xây sân bay thứ hai, công suất dự kiến 30 – 50 triệu khách mỗi năm, diện tích đất sử dụng từ 1.300 – 1.500 ha.
Cụ thể, UBND TP Hà Nội đề xuất phương án thứ nhất, sân bay nằm ở 4 xã thuộc huyện Thường Tín và Thanh Oai. Còn phương án thứ hai, sân bay nằm trên địa bàn 5 xã của huyện Ứng Hoà.
Tờ trình của UBND Hà Nội cho biết sân bay thứ 2 nằm ở phía Nam, Đông Nam, là cảng nội địa đảm bảo đủ điều kiện để chuyển đổi sang phục vụ cảng hàng không quốc tế khi cần thiết.
Sân bay thứ 2 này có công suất dự kiến 30 – 50 triệu khách/năm, diện tích sử dụng đất từ 1.300 – 1.500 ha và sẽ triển khai sau năm 2030.
Với phương án 1, khi xây dựng sẽ giải phóng mặt bằng 2 khu dân cư xã Thanh Vân với hơn 52 ha và khoảng 5.000 người ảnh hưởng.
Bên cạnh đó, đường điện 500 kV cũng phải di chuyển khỏi ranh giới sân bay.
Ưu điểm của phương án 1 là khoảng cách vào trung tâm thành phố 20 – 30km; gần đường cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ, quốc lộ 1A, quốc lộ 21B.
Đối với phương án 2, khu vực xây dựng sân bay thuộc địa bàn 5 xã: Đồng Tân, Minh Đức, Trầm Lộng, Kim Dường và Hòa Lâm (huyện Ứng Hòa).
Diện tích xây dựng sân bay 1.700ha, dân số bị ảnh hưởng khoảng 10.000 người.
Tuy nhiên, nếu chọn vị trí này sẽ phải bổ sung tuyến đường sắt đô thị nối ga Hà Đông đến sân bay khoảng 32 km và di chuyển đường điện 500 kv ra khỏi ranh giới sân bay.
Đồng thời, quần thể di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Hương Sơn sẽ chịu ảnh hưởng bởi tiếng ồn.
Theo kế hoạch, tờ trình sẽ được HĐND TP Hà Nội xem xét thông qua tại kỳ họp tháng 7 vào ngày 3/7 tới.
Đức Minh
Đà Nẵng: Hơn 100 tài xế xe buýt lại nghỉ việc vì chưa nhận được lương tháng Ba
Lê Thiệt /SGN
Xe buýt Đà Nẵng lại nằm bãi ở bến xe Xuân Diệu vào ngày 1 Tháng Bảy – Ảnh: Tuổi Trẻ
Sáng 1 Tháng Bảy, nhiều người đi xe buýt tại Đà Nẵng một lần nữa lại bất ngờ khi không thấy chiếc xe buýt quen thuộc. Một số người gọi điện thoại đến “đường dây nóng” của thành phố, họ được trả lời là tần suất xe sẽ trở lại 30 phút/chuyến, nhưng chờ cho đến hơn hai tiếng đồng hồ, vẫn không thấy chiếc xe buýt nào xuất hiện. Tất cả đều bị lỡ công việc.
Theo báo Tuổi Trẻ, nguyên nhân đơn giản là do sáng sớm nay, hơn 100 người lao động là lái xe, nhân viên bán vé của Công ty CP Quảng An 1, đơn vị khai thác 7 tuyến xe buýt công cộng ở Đà Nẵng, đồng loạt nghỉ việc để phản đối việc chậm chi trả lương.
Đại diện tổ tài xế của Công ty CP Quảng An 1 cho biết công ty nợ lương “gối đầu”. Vào tháng trước khi người lao động lãn công, công ty đã trả lương Tháng Hai. Đồng thời hứa sẽ chi trả lương Tháng Ba vào cuối Tháng Sáu. Tuy nhiên tới cuối Tháng Sáu vẫn chưa được chi trả lương Tháng Ba nên người lao động quyết định ở nhà để phản đối.
Chưa tròn một tháng, xe buýt Đà Nẵng lại “đứng bánh”. Tình trạng bữa chạy bữa nghỉ khiến nhiều hành khách dùng phương tiện công cộng ngán ngẩm – Ảnh: Tuổi Trẻ
Một lái xe nói mấy tháng trước họ còn lên công ty để phản đối nhưng nay mệt mỏi quá rồi. “Đi làm công ăn lương, bị nợ lương đã đành mà tháng nào muốn có lương cũng phải làm mình làm mẩy nên anh em quyết định ở nhà nghỉ cho khỏe”.
Người này cho biết do Công ty CP Quảng An 1 nợ lương, bảo hiểm và chậm chi trả lương quá nhiều lần, nên vừa qua đã có nhiều người lao động nghỉ việc xin vào làm cho Công ty CP xe khách Phương Trang, đơn vị vừa trúng thầu vận hành 5 tuyến xe buýt tại Đà Nẵng.
Đại diện Sở Giao thông vận tải TP Đà Nẵng cho biết đã nắm được thông tin vụ việc và “đang tìm hướng xử lý”. Có nghĩa là họ cũng chưa biết phải làm gì khi Công ty CP Quang An 1 không tìm đâu ra tiền để trả lương cho nhân viên của họ.
Càng chạy càng lỗ
Ông Lưu Văn Toàn, Tổng giám đốc Công ty CP Quảng An 1 cho biết, từ khi Đà Nẵng được mở cửa trở lại sau đại dịch, cũng chỉ mới có một chuyến xe buýt trợ giá là đạt được khách như kỳ vọng, còn những chuyến xe khác thì… lỗ!
Vắng khách, nguồn thu hạn chế, trợ giá tính theo số vé bán ra cũng giảm khiến Công ty Quang An 1 nợ lương, bảo hiểm lao động liên miên.
Từ cuối năm 2016, Đà Nẵng có 11 tuyến buýt thuộc hệ thống mạng lưới xe buýt B40 hoạt động theo hình thức đấu thầu có trợ giá do Công ty cổ phần công nghiệp Quảng An 1 trúng thầu vận hành. Số thanh toán cho 11 tuyến buýt trợ giá từ năm 2017 đến Tháng Năm 2022 là gần 138 tỉ đồng.
Ông Toàn là người miền Bắc, vào Đà Nẵng mở công ty xe buýt, rồi trúng thầu. Tưởng là “phất” lên được ở “thành phố đáng sống nhất”, nhưng thực tế đã không như ông mong muốn. Ông Toàn nói:
“Xe chạy vắng khách, xin đổi, dừng tuyến không được. Người Đà Nẵng chủ yếu đi xe cá nhân. Khi đến Đà Nẵng, chúng tôi không nợ nần nhưng giờ phải gánh một số nợ khủng khiếp!”
Năm tuyến xe buýt Đà Nẵng 05, 07, 08, 11, 12 trước đây do Công ty CP Quảng An 1 chạy sẽ được vận hành bởi Công ty CP xe khách Phương Trang từ Tháng Bảy năm nay – Ảnh: Tuổi Trẻ
Theo đánh giá của dư luận Đà Nẵng, nhiều khả năng Công ty CP Quảng An 1 sẽ phải tuyên bố phá sản, nhường “sân chơi” lại cho công ty khác. Với bài học “bỏ trứng vào một rổ”, chính quyền Đà Nẵng sẽ cân nhắc chọn một công ty vận chuyển khác, chứ không giao cho Công ty Phương Trang “ôm trọn” như Quảng An 1 trước đây.
VietinBank rao bán gần 400 tài sản thế chấp vay nợ
Lê Thiệt
VietinBank đang tính chuyện “bán tống bán tháo” tài sản thế chấp để thu hồi vốn – Minh họa: VNExpress
Ngày 2 Tháng Bảy, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) vừa thông báo một loạt danh sách tài sản bảo đảm cần bán để thu hồi nợ. Các tài sản này nằm ở nhiều địa phương trên cả nước, trong đó chủ yếu là bất động sản ở những điểm du lịch.
Trước đó, vào hai tháng đầu năm 2023, hàng loạt ngân hàng như Agribank, VietinBank, BIDV, NCB, Sacombank… liên tục rao bán các khoản nợ, tài sản bảo đảm để thu hồi và giải quyết các món nợ xấu. Tài sản đấu giá chủ yếu là bất động sản.
Đáng chú ý, một số nguồn tin cho biết, không chỉ tìm cách thu hồi những món nợ lớn, các ngân hàng còn rao bán cả những khoản vay tiêu dùng không có tài sản bảo đảm. Chưa rõ những khoản vay này là bao nhiêu, nhưng chúng chỉ được định giá vài chục ngàn đồng, bị xem như “nợ không thể thu hồi”.
Trở lại chuyện VietinBank đang tính chuyện “bán tống bán tháo” tài sản thế chấp, trong danh sách này có khoảng 35 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và biệt thự, nhà hàng, khách sạn 3-4 sao trị giá từ vài chục tỉ đồng đến vài trăm tỉ đồng. Ngoài ra, còn rất nhiều hàng tồn kho, mà nếu bán đi cũng chỉ thu hồi được chừng 1/10 giá trị cho vay mà thôi.
Như ở TP Hội An, một bất động sản là biệt thự 3 sao được rao bán 110 tỉ đồng; một khách sạn 4 sao được rao bán giá 120 tỉ đồng; hay một bất động sản khác được rao bán tới 240 tỉ đồng, một khách sạn 4 sao khác được rao bán 420 tỉ đồng… VietinBank cũng rao bán một khách sạn 5 sao tại Đà Nẵng với giá 600 tỉ đồng.
Nhiều khách sạn từ 3-4 sao được rao bán, đổi chủ thời gian qua – Ảnh: Người Lao Động
Ở các địa phương khác như Sài Gòn, Đồng Nai, Bình Dương, Long An, ngân hàng này cũng rao bán nhiều bất động sản với giá từ vài tỉ đồng đến vài chục tỉ đồng.
Xu hướng đẩy mạnh rao bán bất động sản là tài sản thế chấp cho các khoản vay của khách hàng đang được nhiều ngân hàng thực hiện, khiến các chuyên gia kinh tế lo sợ sẽ tạo hiệu ứng domino cực xấu. Ông Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu Thống đốc Ngân hàng Nhà nước báo cáo vụ việc này.
Có nhiều nguyên nhân khiến các con nợ phải “bỏ của chạy lấy người”. Ngoài chuyện do kinh tế toàn cầu đang trong giai đoạn lạm phát, đồng tiền mất giá, nên kinh tế trì trệ do Covid-19 chưa thể hồi phục, người ta cho rằng còn có chuyện lãnh đạo ngân hàng và con nợ “bắt tay” nhau rút tiền ngân hàng chia nhau qua những hợp đồng vay nợ.
Một chuyên gia kinh tế giấu tên cho biết, nếu kiểm tra các hợp đồng vay vốn, các chuyên gia ngân hàng dễ dàng tìm thấy nhiều “góc khuất” ở mỗi hợp đồng, mà nếu tính toán đúng, giá trị khối tài sản thế chấp chỉ bằng một nửa số tiền được vay, thậm chí có tài sản thế chấp chỉ bằng 1/3 số tiền được vay.
“Điều này dẫn đến việc ‘con nợ’ sẽ chẳng bao giờ chuộc về vì tình hình thị trường địa ốc bị đóng băng như hiện nay”, chuyên gia này nói thêm:
“Trong giới ‘con nợ cá mập’ đang truyền tai nhau một kịch bản như thế này: Càng nhiều tài sản thế chấp được các ngân hàng đưa ra bán, giá sẽ càng hạ. Đến khi giá hạ đến tận ‘đáy’ thì giới ‘con nợ cá mập’ này sẽ nhào vào mua lại. Thế là từ một đồng mượn lúc đầu, họ có thể ‘mua lại’ hai tài sản của chính họ”.
Việt Nam cấm phim Barbie vì có hình đường lưỡi bò trên bản đồ Biển Đông
Nguồn hình ảnh, MATTEL, WARNER BRO
Chụp lại hình ảnh,
Margot Robbie đảm nhận vai chính trong phim Barbie
Tác giả, Nicholas Yong
BBC News, Singapore
Việt Nam cấm chiếu Barbie vì trong phim có một cảnh thể hiện bản đồ miêu tả các yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc đối với vùng biển đang có tranh chấp ở Biển Đông.
Việt Nam là một trong số các quốc gia phản đối tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với gần như toàn bộ Biển Đông.
Bộ phim Barbie, hiện đã chiếm lĩnh mạng xã hội, sẽ ra rạp vào ngày 21/7.
Không rõ cảnh nào là cảnh mô tả điều mà một quan chức cấp cao gọi là "hình ảnh xúc phạm" liên quan tới đường chín đoạn của Trung Quốc.
Đường chín đoạn được vẽ trong các bản đồ của Trung Quốc về Biển Đông nhằm thể hiện những yêu sách về lãnh thổ của Bắc Kinh.
Bắc Kinh trong những năm qua đã xây dựng căn cứ quân sự trên các đảo nhân tạo ở vùng biển này, và cũng thường xuyên tiến hành các cuộc tuần tra hải quân trong khu vực nhằm khẳng định các yêu sách lãnh thổ của mình.
Đường chín đoạn đã bị tòa trọng tài thường trực quốc tế tại The Hague bác bỏ trong phán quyết ra hồi 2016, nhưng Bắc Kinh không công nhận phán quyết này.
Barbie không phải là sản phẩm duy nhất bị Việt Nam cấm vì có đường chín đoạn.
Năm 2019, bộ phim hoạt hình Abominable của hãng phim DreamWorks cũng bị cấm chiếu vì lý do tương tự.
Ba năm sau, bộ phim hành động Uncharted của hãng Sony cũng bị Cục Điện ảnh, cơ quan chính phủ chịu trách nhiệm cấp phép và kiểm duyệt phim nước ngoài, coi là có nội dung vi phạm.
Hai năm trước, bộ phim trinh thám của Úc Pine Gap đã bị Netflix gỡ khỏi thị trường Việt Nam sau khi có khiếu nại từ cơ quan chức năng.
Trung Quốc, Việt Nam, Philippines, Đài Loan, Malaysia và Brunei đều tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông.
Không có nhận xét nào