Header Ads

  • Breaking News

    Chuyện Việt Nam ngày Thứ ba 25 tháng 7 năm 2023

    Quê Hương tổng hợp

    Bạo động ở Đắk Lắk: Mỹ sẵn sàng hợp tác với Việt Nam tìm ra ‘những kẻ đứng sau’ 

    VOA Tiếng Việt 

    24/7/2023


    Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc Knapper nói với phóng viên trong cuộc họp báo hôm 24/7 ở Hà Nội rằng Hoa Kỳ sẽ giúp Việt Nam điều tra vụ tấn công ở Đắk Lắk mà Bộ Công an xem là "khủng bố".


    Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc Knapper nói với phóng viên trong cuộc họp báo hôm 24/7 ở Hà Nội rằng Hoa Kỳ sẽ giúp Việt Nam điều tra vụ tấn công ở Đắk Lắk mà Bộ Công an xem là "khủng bố". 

    Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc Knapper hôm 24/7 nói rằng chính phủ Hoa Kỳ sẵn sàng hợp tác với phía Việt Nam để điều tra vụ tấn công tại Đắk Lắk xảy ra hồi tháng trước mà chính quyền Hà Nội cáo buộc là khủng bố và có dính líu tới tổ chức ở Mỹ, theo truyền thông trong nước.

    Vụ tấn công được mô tả là do một nhóm người bịt mặt mang theo các loại vũ khí gồm súng và bom xăng vào hai trụ sở chính quyền ở tỉnh thuộc Tây Nguyên của Việt Nam hôm 11/6 đã làm 9 người thiệt mạng, trong đó có 4 viên chức công an và 2 cán bộ xã.

    Bộ Công an Việt Nam xem đây là một vụ “tấn công khủng bố” được chỉ đạo và tiếp tay bởi “các thế lực thù địch ở nước ngoài” nhưng không nêu cụ thể ai.

    Trong một cuộc gặp báo chí tại Hà Nội hôm 24/7, Đại sứ Knapper được truyền thông trong nước trích lời khẳng định rằng Mỹ phản đối vụ tấn công ở Đắk Lắk và sẽ phối hợp với Việt Nam trong vụ điều tra.

    “Tôi khẳng định rằng Mỹ không chấp nhận những gì đã xảy ra tại Đắk Lắk, cũng như phản đối bạo lực dưới mọi hình thức,” đại sứ Mỹ được VnExpress trích lời nói với phóng viên. “Chúng tôi xin gửi lời chia buồn đến gia đình những người bị hại, đồng thời lên án bằng những ngôn từ mạnh mẽ nhất đối với việc sử dụng bạo lực để đạt mục đích.”

    Tại một hội nghị về chống khủng bố do Liên Hiệp Quốc tổ chức ở New York hồi tháng trước, Cục trưởng Cục An ninh nội địa của Việt Nam, Phạm Ngọc Việt, nói rằng trong số những nghi phạm bị công an Việt Nam đã bắt giữ, có “đối tượng là thành viên của một tổ chức có trụ sở tại Mỹ.” Ông Việt cho biết đối tượng “nhận lệnh chỉ đạo từ tổ chức này xâm nhập về Việt Nam và dàn dựng vụ tấn công.”

    Đại sứ Knapper nói rằng “Mỹ sẵn sàng hợp tác với chính phủ Việt Nam bằng mọi cách cần thiết nhằm làm rõ sự việc và những kẻ đứng sau.”

    “Đây là một thông điệp rõ ràng từ chúng tôi, đặc biệt là khi có thông tin về một tổ chức có trụ sở tại Mỹ,” ông Knapper được Tuổi Trẻ trích lời nói với báo chí.

    Thông điệp tương tự từng được đại sứ Mỹ nêu ra khi gặp Bộ trưởng Công an Việt Nam Tô Lâm hôm 30/6. Trong cuộc gặp này, ông Knapper nhấn mạnh quan điểm của Mỹ là phản đối, lên án và “không dung túng bất kỳ tổ chức, cá nhân nào liên quan đến vụ việc phức tạp về an ninh, trật tự xảy ra tại huyện Cư Kuin” của Đắk Lắk.

    Trên 90 người liên quan đến vụ tấn công đã bị công an Việt Nam bắt giữ với các cáo buộc gồm: khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân, không tố giác tội phạm, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh trái phép vào Việt Nam. Phần lớn trong số họ bị cáo buộc tội “khủng bố” với mức án lên đến tử hình.

    Trong khi chính quyền Việt Nam xem đây là một vụ tấn công khủng bố có tổ chức thì các nhà hoạt động và giới quan sát cho rằng vụ việc có thể bắt nguồn từ tình trạng “kỳ thị sắc tộc” đối với người Thượng ở Tây Nguyên. Nhưng người phát ngôn Bộ Ngoại giao ở Hà Nội hôm 6/7 đã bác bỏ những ý kiến trên mạng xã hội cho rằng vụ tấn công có nguồn gốc từ “kỳ thị sắc tộc.”

    Cộng đồng người Thượng ở Mỹ không tin vào cáo buộc khủng bố của Bộ Công an Việt Nam và cho rằng đây có thể là một “âm mưu” của chính quyền Cộng sản nhằm có cớ đàn áp người Thượng mạnh tay hơn. Để phản đối việc này, cộng đồng người Thượng ở Mỹ đã tổ chức một cuộc tuần hành trước Quốc hội Mỹ, Nhà Trắng và Đại sứ quán Việt Nam ở thủ đô Washington hôm 10/7. Họ kêu gọi chính phủ Mỹ và Liên Hợp Quốc tiến hành điều tra độc lập vụ việc cũng như giúp đỡ những người thiểu số đang gánh chịu tình trạng bị “dồn đến đường cùng.”

    Đại sứ Knapper hôm 24/7 cũng nhấn mạnh về sự hợp tác an ninh và thực thi pháp luật giữa Mỹ và Việt Nam, đề cập đến sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Công an Việt Nam với Cục điều tra Liên bang (FBI) và Cơ quan phòng chống ma túy (DEA) của Hoa Kỳ, theo Dân Trí.

    Từ chuyện ông Chủ tịch tỉnh Hà Tĩnh nhận hơn 1.000 cuộc gọi điện thoại

    Mạc Văn Trang

    25/7/2023


    Ông Võ Trọng Hải, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh. Ảnh: Đ.V 

    Bỗng nhiên có chuyện hay, đó là ông Võ Trọng Hải, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, công bố số điện thoại cá nhân để dân phản ánh những nỗi niềm. Thế là sau ngày đầu công bố số điện thoại, ông Chủ tịch đã nhận được hơn 1000 cuộc gọi “nóng”, nhờ giải quyết những oan khiên, bức xúc…

    Đúng là ông phải có “nghìn mắt, nghìn tay” mới hy vọng đáp ứng được mong đợi của dân. Nhưng rất tiếc ông chỉ có 2 tay, 2 mắt thôi!

    Từ chuyện này, tôi nảy ra vài ý nghĩ, xin chia sẻ để bà con luận bàn cho vui.

    1. Ngày xửa ngày xưa, dân sống trong xã hội phong kiến, lạc hậu, khép kín, vua chúa quan liêu xa cách, quan lại, cường hào địa phương cậy quyền, hống hách, bắt chẹt. Người dân chỉ cầu mong Thần, Phật cứu độ, có phải vì thế mà dân gian sáng tạo nên hình tượng Phật nghìn mắt nghìn tay, với hy vọng Ngài thấu tỏ mọi nỗi oan khiên của dân đen và ra tay cứu vớt. Vì quá nhiều người oan ức nên phải nghìn mắt, nghìn tay mới hy vọng Ngài một lúc có thể “độ” được ngàn chúng sinh…

    2. Ngày nay ông Chủ tịch có hệ thống cơ quan công quyền từ tỉnh đến huyện, xã/phường, tổ dân phố; đặc biệt có công an khu vực, gắn chip từng người dân; khi cần là ông ra lệnh “toàn hệ thống chính trị đồng loạt ra quân”, thế là Đảng, Công an, Đoàn, Mặt trận, Phụ nữ, Cựu chiến binh,… “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”… Vậy là “toàn hệ thống” trong tay ông có mấy ngàn quân, hàng vạn mắt, hàng vạn tay mà không giúp ông thấu tỏ dân tình? Ông phải nghe dân gọi trực tiếp!?

    3. Mới công bố công khai số điện thoại một ngày mà có hơn 1000 cuộc gọi đến nhờ ông “giải cứu”. Điều đó chứng tỏ “toàn hệ thống” kia chẳng giải quyết được những bức xúc của người dân. Dân không tin vào hệ thống đó và chính cái hệ thống cồng kềnh, nhằng nhịt kia đã gây nên những bức xúc, khiến dân phải cầu cứu ông Chủ tịch.

    Mới có một Hà Tĩnh đã thế, vậy cả 63 tỉnh thành thì sao? Nếu Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng hay Chủ tịch Võ Văn Thưởng công bố số điện thoại nóng thì một ngày sẽ có bao nhiêu cuộc gọi? Chắc là nghẽn không thể gọi được. Hay bây giờ ông Thưởng treo một cái trống lớn ở cổng Chủ tịch phủ, ai có oan khiên đến đánh trống thì có lẽ suốt ngày đêm tiếng trống inh tai nhức óc khắp khu Ba Đình!…

    4. Cứ mỗi ngày ông Võ Trọng Hải nghe hàng ngàn hay hàng trăm cuộc gọi thôi, nghe mỗi người dân trình bày và ông nghĩ cách tháo gỡ giúp dân từng việc, chắc chả mấy bữa mà ông bị rối loạn tâm thần! Mà ông có ra lệnh cho cấp dưới “tháo gỡ”, “xử lý” nhưng họ không làm được thì ông cũng bất lực, ông dám làm gì họ? Gần đây bà Bộ trưởng Nội Vụ kêu gọi “cán bộ dám nghĩ dám làm”, nếu có làm sai cũng không sợ bị kỷ luật… nhưng xem ra chả ai dại đi nghe lời bà này! Vậy ông Chủ tịch có tin “trên bảo, dưới nghe không”?

    5. “Hiện tượng Hà Tĩnh” cùng với đại án “Những chuyến bay giải cứu” và sắp tới là đại án “Việt Á”… cho thấy, hệ thống quản trị quốc gia từ trung ương đến địa phương, không phải “lỗi hệ thống” nữa mà là rối loạn, tê liệt hệ thống! Đảng và Nhà nước vẫn kêu gọi “cải cách thể chế”, vậy bây giờ phải làm gì để cải cách, tổ chức lại toàn hệ thống đây?

    Thành phố Uông Bí đề nghị Chùa Ba Vàng bổ sung báo cáo về tiền công đức

    24/7/2023



    Thành phố Uông Bí đề nghị Chùa Ba Vàng bổ sung báo cáo về tiền công đức


    Chùa Ba Vàng 

    https://www.rfa.org/++plone++rfa-resources/img/icon-zoom.pngDân Trí/BTC 

    Thành phố Uông Bí vào ngày 24/7 ban hành công văn đề nghị Chùa Ba Vàng trên địa bàn báo cáo bổ sung công tác quản lý tiền công đức tại chùa theo thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính về công tác trong lĩnh vực này.

    Công văn vừa nêu được công khai trên Cổng thông tin điện tử của Thành phố Uông Bí. Theo công văn này, trước đó TP Uông Bí thực hiện việc thành lập đoàn kiểm tra theo hai công văn: một do Ủy Ban Nhân Dân (UBND) tỉnh Quảng Ninh ký ngày 19/4/2023 và một do Sở Tài chính tỉnh ngày 15/5/2023 về việc báo cáo kết quả kiểm tra quản lý tiền công đức tại các di tích lịch sử-văn hóa, đình chùa theo quy định của Bộ Tài Chính.  

    Đến ngày 23/5, TP Uông Bí ban hành công văn gửi đến các nơi liên quan, trong đó có Chùa Ba Vàng. Tuy vậy, Ban Trị sự của cơ sở tôn giáo có thu tiền công đức này phản hồi chưa nhận được công văn của TP Uông Bí.

    TP Uông Bí cho biết đã chỉ đạo các phòng, ban liên quan kiểm tra quy trình chuyển nhận văn bản giữa các đơn vị; và nay yêu cầu Chùa Ba Vàng bổ sung báo cáo công tác quản lý tiền công đức.

    Trung Quốc cảnh báo trái cây xuất khẩu của Việt Nam ‘có sâu bệnh’ 

    24/7/2023 


    VOA Tiếng Việt 

    Sầu riêng được trồng nhiều ở miền Tây sông nước của Việt Nam. Ảnh mang tính minh họa


    Sầu riêng được trồng nhiều ở miền Tây sông nước của Việt Nam. Ảnh mang tính minh họa 

    Tổng cục Hải quan Trung Quốc vừa phát đi cảnh báo cho Việt Nam rằng một số lô hàng xuất khẩu trái cây của nước này ‘vi phạm quy tắc kiểm dịch’, khiến giới chức Việt Nam phải lên tiếng báo động.

    Cụ thể, một số lô hàng chuối, mít, xoài, nhãn, thanh long và sầu riêng mà Việt Nam xuất sang Trung Quốc bị phát hiện chưa sạch sâu bệnh và điều này vi phạm nghị định thư mà hai nước đã ký kết, tờ Tuổi Trẻ dẫn lời đại diện Cục Bảo vệ thực vật cho biết hôm 24/7.

    Trung Quốc hiện là thị trường xuất khẩu chủ yếu cho nông sản Việt Nam, trong đó có những loại trái cây đạt giá trị xuất khẩu lên đến cả tỷ đô la một năm, cho nên bất cứ biến động gì từ thị trường này đều gây chao đảo cho nông nghiệp Việt Nam.

    Vị đại diện Cục Bảo vệ thực vật dẫn ra trường hợp trái sầu riêng, nếu phía Trung Quốc phát hiện trên lô hàng có các loài rệp sáp, ruồi đục quả thì toàn bộ lô hàng đó sẽ bị Trung Quốc trả về và vùng trồng cũng như cơ sở đóng gói lô hàng sầu riêng đó sẽ bị cấm xuất khẩu sang Trung Quốc cho đến hết vụ mùa.

    Sau khi nhận được cảnh báo của Trung Quốc, ông Hoàng Trung, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, đã gửi công văn đến các tỉnh, thành phố trong cả nước yêu cầu kiểm tra chặt chẽ để đáp ứng đòi hỏi của phía Trung Quốc.

    Theo đó, Bộ này yêu cầu các địa phương bố trí thêm người để kiểm tra, giám sát các vùng trồng và cơ sở đóng gói đã được phía Trung Quốc cấp mã số, tức là được chứng nhận đủ điều kiện để xuất khẩu sang nước họ, và tăng cường tuyên truyền rộng rãi quy định của Trung Quốc cho các nhà vườn và các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam.

    Các cơ sở đóng gói được yêu cầu phải thực hiện đầy đủ các bước làm sạch trái cây trước khi xuất khẩu và có cơ chế giám sát quy trình, công văn nêu.

    Đối với các vùng trồng và cơ sở đóng gói vi phạm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tạm dừng cho xuất khẩu, công văn của Bộ cảnh báo.

    Cơ quan này cảnh báo nếu làm không kỹ, nếu để lọt lô hàng vi phạm thì nông sản xuất khẩu của Việt Nam sẽ bị phía Trung Quốc kiểm soát nghiêm ngặt hơn, thậm chí bị tạm ngừng nhập khẩu một phần hoặc toàn bộ. Khi đó, Việt Nam sẽ có nguy cơ mất thị trường Trung Quốc.

    Trong lúc này, Tổng cục Hải quan Trung Quốc cũng vừa thông báo cho Cục Bảo vệ Thực vật Việt Nam rằng họ sẽ tiến hành kiểm tra các vùng trồng và cơ sở đóng gói trái dừa tươi của Việt Nam vào giữa tháng 8. Hình thức kiểm tra sẽ là kết hợp giữa trực tuyến, thực địa và trên tài liệu, Tuổi Trẻ cho biết.

    Đây là bước đi tiến tới ký nghị định thư để cho phép xuất khẩu chính ngạch trái dừa tươi của Việt Nam vào Trung Quốc – điều mà Việt Nam đang mong chờ.
    Hồi tháng 7 năm 2022, Việt Nam và Trung Quốc đã ký nghị định thư về kiểm dịch thực vật đối với trái sầu riêng sau nhiều năm đàm phán, mở đường cho trái sầu riêng được xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc.

    Chỉ trong năm đầu tiên được Trung Quốc mở cửa, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam đã tăng vọt và được dự báo vượt trên 1 tỷ đô la.

    Việt Nam: Cử nhân, thạc sĩ giấu bằng đi làm công nhân

    An Vui /SGN
    24/7/2023


    https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/07/24.7.23_Anh-7.jpg


    Nhiều sinh viên tìm cơ hội việc làm tại các hội chợ việc làm – Ảnh: Lao Động 

    Có 84.42% người tìm việc ở Việt Nam có bằng cử nhân, thạc sĩ, trong khi nhu cầu tuyển dụng của thị trường chỉ có 19.73% công việc dành cho họ.

    Trong khi đó, các công ty lại dành đến 80.27% công việc cho người lao động phổ thông, sơ cấp, trung cấp và cao đẳng nhưng tuyển không ra người.

    Bức tranh thừa thầy, thiếu thợ ở Việt Nam đang hiển thị rõ nét hơn bao giờ hết.

    Dân Trí ngày 22 Tháng Bảy cho biết các công ty có nhu cầu tuyển dụng 21,198 lao động phổ thông nhưng chỉ có 601 người đăng ký; cần tuyển 28,970 lao động sơ cấp, nhưng chỉ có 258 người đăng ký; cần tuyển 37,511 lao động trung cấp nhưng chỉ có 1,346 người đăng ký; cần tuyển 35,621 lao động cao đẳng thì chỉ có 6,640 người đăng ký.

    Thống kê trong sáu tháng đầu năm 2023 của Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động thành phố (Falmi, trực thuộc Sở Lao động thành phố) cho thấy, công ty cần hơn 23,000 chỗ làm việc (chiếm 15.01% tổng nhu cầu nhân lực) ở nhóm lương thấp (dưới 5 triệu đồng/tháng), chủ yếu là lao động phổ thông. Tuy nhiên, chỉ có 0.68% người tìm việc chọn mức lương này.

    Hầu hết lao động phổ thông đều tìm việc ở mức lương 5-10 triệu đồng/tháng, nếu không đạt được mức lương này, họ sẽ chuyển sang tìm kiếm các công việc tự do, với mức thu nhập theo ngày, chứ không tìm việc ở thị trường lao động chính thức.

    Tính theo ngành nghề, hai nhóm ngành mà công ty có nhu cầu tuyển dụng lớn nhất là kinh doanh thương mại (38,000 chỗ làm việc) và dịch vụ phục vụ cá nhân, bảo vệ (cần hơn 14,000 chỗ làm việc).

    Hầu hết các vị trí tuyển dụng ở hai nhóm ngành này đều là lao động phổ thông như: Nhân viên bán hàng và tư vấn bán hàng; nhân viên kinh doanh; cộng tác viên bán hàng trên mạng; bảo vệ; nhân viên đóng gói hàng hóa; nhân viên dọn dẹp vệ sinh…

    Tuy nhiên, cả hai nhóm ngành này đều khó tuyển được người làm. Như nhóm ngành dịch vụ phục vụ cá nhân, bảo vệ, công ty cần hơn 14,000 người nhưng chỉ có 251 người ứng tuyển.

    Ngoài nhóm lao động phổ thông, các công ty tại Sài Gòn còn cần tuyển dụng gần 36,000 lao động trình độ cao đẳng, gần 38,000 lao động trình độ trung cấp và gần 29,000 lao động trình độ sơ cấp.

    Thế nhưng, chỉ có gần 7,000 lao động trình độ cao đẳng, gần 1,400 lao động trình độ trung cấp và 258 lao động trình độ sơ cấp đăng ký tìm việc!

    Ngược lại, hơn 64,000 người có trình độ từ đại học trở lên tham gia tìm việc làm nhưng số chỗ việc làm dành cho họ chỉ có hơn 30,000.

    Lao Động ngày 24 Tháng Bảy 2023 cũng cho biết nhiều người tốt nghiệp đại học đành chấp nhận đi làm việc như công nhân, thậm chí có trường hợp phải giấu bằng đại học, chỉ dùng bằng tốt nghiệp trung học phổ thông để đi xin việc.

    Như trường hợp của anh Nguyễn Tuấn An (quê Trà Vinh) sau khi tốt nghiệp kỹ sư chuyên ngành công nghệ in (ĐH Sư Phạm Kỹ Thuật thành phố) đã xin vào làm công nhân tại công ty In số 7 (KCN Tân Tạo thành phố) và được bố trí học việc trên dây chuyền máy in.

    Nói về vấn đề này với Lao Động, ông Lưu Kim Hồng, Chủ tịch công đoàn công ty Nidec Việt Nam (Khu công nghệ cao thành phố) cho biết, trên thực tế, nhiều cử nhân, kỹ sư sau khi tốt nghiệp đại học đã phải giấu bằng cử nhân hay kỹ sư, chỉ lấy bằng tốt nghiệp THPT để xin việc trong các nhà máy, công ty, vì nhu cầu tuyển dụng của họ không cần nhân lực có trình độ đại học.

    https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/07/24.7.23_Anh-6-640x378.jpg


    Nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp và nguồn cung của thị trường đang có sự chênh lệch về mức lương, trình độ chuyên môn – Nguồn: Falmi 

    VietnamPlus ngày 24 Tháng Bảy dẫn số liệu từ Tổng cục Thống kê cho biết có 100,000 công ty ngừng hoạt động trong sáu tháng đầu năm 2023, một dấu hiệu đáng lo ngại về “sức khỏe doanh nghiệp” khi chỉ còn hơn 5 tháng nữa là hết năm 2023.

    Ông Nguyễn Quốc Hiệp, đại diện Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam, phản ảnh nhiều công ty trong ngành đang đuối sức, không đủ sức gồng nữa. Thế nhưng thủ tục phê duyệt một dự án bất động sản vẫn hành công ty.

    Để thực hiện một dự án bất động sản, doanh nghiệp phải cần tới 40 con dấu phê duyệt của bộ, ngành. Doanh nghiệp nào làm nhanh thì mất 2.5 năm, còn doanh nghiệp chậm mất từ 5-10 năm mới xong thủ tục, vì mỗi địa phương quan niệm thủ tục đầu tư dự án bất động sản khác nhau, vì văn bản pháp luật chưa rõ ràng, ai hiểu như thế nào cũng được!

    Bên cạnh đó, cán bộ, công chức đang có hiện tượng né tránh, đùn đẩy công việc, vì sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám quyết định công việc thuộc thẩm quyền, đẩy doanh nghiệp vào tình cảnh ngày càng khó khăn hơn. Điều đó khiến nhiều công trình, dự án bị kéo dài, gây thất thoát, lãng phí, doanh nghiệp mất cơ hội đầu tư.

    Đồng quan điểm, TS. Tô Hoài Nam, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, cho biết hiện nay các doanh nghiệp nhỏ và vừa có ba khó khăn dai dẳng: Một là thiếu vốn; hai là khó tiếp cận, ứng dụng khoa học công nghệ; ba là thiếu mặt bằng sản xuất và vướng mắc trong thủ tục hành chính.


    Không có nhận xét nào