Alex Newman
02/7/2023
Bộ Ngoại giao cho biết việc tái gia nhập cơ quan này giúp thúc đẩy lợi ích và khôi phục vai trò lãnh đạo của Hoa Kỳ; các nhà phê bình nói rằng cơ quan này gây lãng phí và bị chính trị hóa cực độ
Logo của UNESCO tại Paris vào ngày 12/11/2021. (Ảnh: Julien de Rosa/Pool/AFP qua Getty Images)
Bất chấp vụ bê bối đang diễn ra liên quan đến ban lãnh đạo của Tổ chức Giáo dục, Khoa học, và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) và quyết định xem thường luật pháp Hoa Kỳ của cơ quan này khi thừa nhận “Nhà nước Palestine” là một quốc gia thành viên, Hoa Kỳ hiện đang chính thức tìm cách tái gia nhập UNESCO.
Tuy nhiên, các nhà lập pháp có thể ngăn cản nỗ lực này bằng cách từ chối cung cấp kinh phí cần thiết.
Nếu nỗ lực này tiếp diễn, thì việc tái gia nhập cơ quan văn hóa và giáo dục của Liên Hiệp Quốc dự kiến sẽ khiến người đóng thuế ở Hoa Kỳ phải trả hơn nửa tỷ dollar chỉ để tái gia nhập cùng với các khoản tài trợ bổ sung dự kiến phát sinh mỗi năm trong tương lai.
Trong Quốc hội đã có một số nghị sĩ lên tiếng chỉ trích. Và những nghị sĩ của ủy ban phân bổ ngân sách của Quốc hội đặc trách về các hoạt động ngoại quốc và tài trợ của Bộ Ngoại giao đã tuyên bố sẽ chấm dứt tài trợ cho UNESCO trong ngân sách năm 2024.
Chính phủ Tổng thống (TT) Biden và những người ủng hộ hành động này lập luận rằng việc tái gia nhập cơ quan này sẽ giúp đương đầu với ảnh hưởng của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
Một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nói với The Epoch Times rằng hành động này sẽ thúc đẩy các lợi ích của Hoa Kỳ và khôi phục vai trò lãnh đạo của Hoa Kỳ.
Bục diễn giả tại Bộ Ngoại giao ở Hoa Thịnh Đốn hôm 11/04/2023. (Ảnh: Madalina Vasiliu/The Epoch Times)
Trong một bức thư đề ngày 08/06 gửi Tổng Giám đốc UNESCO Audrey Azoulay mà The Epoch Times thu thập được, Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ đặc trách Quản lý và Tài nguyên Richard Verma cũng lập luận rằng cơ quan quốc tế này đã đạt được tiến bộ trong việc giải quyết những mối lo ngại đã khiến chính phủ Hoa Kỳ rút khỏi UNESCO hồi năm 2018.
Nhưng các nhà phê bình cho rằng, bên cạnh những mối lo ngại khác, việc tái gia nhập cơ quan Liên Hiệp Quốc thực sự sẽ mang lại lợi ích cho ĐCSTQ vì họ có các đảng viên nắm giữ các vị trí cao cấp.
Theo các chuyên gia, các nhà lập pháp, và các cựu quan chức, làm như vậy cũng sẽ tạo thuận lợi cho các lực lượng thù địch với các lợi ích của Hoa Kỳ và các đồng minh như Israel.
Những người phản đối hành động này, gồm cả các quan chức cao cấp đằng sau quyết định rời khỏi UNESCO năm 2017, đã nói chuyện với The Epoch Times và chỉ trích hành động tái gia nhập của chính phủ TT Biden.
Cựu Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ đặc trách Các vấn đề Tổ chức Quốc tế Kevin Moley, người đã cùng với cựu Đại sứ Liên Hiệp Quốc Nikki Haley dẫn đầu việc hoàn toàn rút khỏi tổ chức này, cho rằng: “Họ nên trả tiền để chúng ta tham gia.”
Trao đổi với The Epoch Times trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại, Đại sứ Moley cho biết quyết định này sẽ không mang lại lợi ích của Hoa Kỳ. Thay vào đó, ông cho rằng việc tái gia nhập sẽ có lợi cho các đối thủ của Hoa Kỳ như Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
Nêu lên nhiều vấn đề như chủ nghĩa bài Do Thái, lãng phí, tham nhũng, và chủ nghĩa cực đoan trong cơ quan giáo dục của Liên Hiệp Quốc, chính phủ cựu TT Trump đã tuyên bố rằng chính phủ Hoa Kỳ rút khỏi tổ chức này vào năm 2017.
Chỉ ra các chế độ độc tài sát nhân trong ủy ban “nhân quyền” của cơ quan này và các chính sách khác, vào thời điểm đó Đại sứ Liên Hiệp Quốc đương thời Haley cho biết “sự chính trị hóa cực độ” của UNESCO đã “trở thành một nỗi xấu hổ kinh niên.”
Bà Haley nói: “Giống như chúng ta đã nói vào năm 1984 khi Tổng thống Reagan rút khỏi UNESCO, những người đóng thuế ở Hoa Kỳ không cần phải tiếp tục tài trợ cho các chính sách chống đối lại các giá trị của chúng ta và nhạo báng công lý cùng lẽ thường.”
Logo của Tổ chức Giáo dục, Khoa học, và Văn hóa của Liên Hiệp Quốc (UNESCO) ở Paris vào ngày 12/11/2013. (Ảnh: Jacques Brinon/AP Photo)
Ngay cả trước đó, các luật liên bang cấm Hoa Kỳ ủng hộ cho các tổ chức quốc tế chấp nhận “Nhà nước Palestine” với tư cách thành viên đã buộc chính phủ cựu TT Obama phải ngừng tài trợ tiền thuế Hoa Kỳ cho UNESCO hơn một thập niên trước. Các luật này nhằm mục đích buộc người Ả Rập phải đàm phán một thỏa thuận hòa giải với Israel thay vì đơn phương tìm kiếm tư cách nhà nước thông qua các tổ chức quốc tế.
Chính phủ TT Reagan đã chỉ ra những vấn đề tương tự như những vấn đề được chính phủ cựu TT Trump nêu ra trong nhiều thập niên về sau.
Như đã báo cáo trước đó vào tháng 11/2021, chính phủ TT Biden hy vọng sẽ gia nhập lại tổ chức này sau khi đã tái gia nhập nhiều tổ chức và thỏa thuận khác của Liên Hiệp Quốc. Vào thời điểm đó, luật pháp Hoa Kỳ khiến việc tái gia nhập như thế là không thể do Liên Hiệp Quốc công nhận tư cách thành viên của người Palestine.
Nhưng hồi tháng 12/2022, với việc Đảng Dân Chủ sắp chuyển giao quyền lực tại Hạ viện, Quốc hội đã chấp thuận dự luật tổng hợp với một quyết định miễn trừ nhằm cho phép chính phủ tái gia nhập và tài trợ cho UNESCO nếu họ tin rằng hành động này sẽ phục vụ lợi ích của Hoa Kỳ. Dự luật cũng cho phép hơn 500 triệu USD tiền thuế truy thu cho cơ quan này.
Tuy nhiên, các nguồn tin tại Capitol Hill nói với The Epoch Times rằng Đảng Cộng Hòa có ý định chấm dứt tài trợ cho UNESCO cùng nhiều cơ quan và chương trình quốc tế khác.
Một tài liệu phác thảo các ưu tiên của các dân biểu Đảng Cộng Hòa trong Tiểu ban Phân bổ ngân sách Hạ viện đặc trách các tổ chức quốc tế đã xác nhận rằng nguồn tài trợ của UNESCO đang nằm trong danh sách cắt giảm, cùng với nguồn tài trợ cho ngân sách chung của Liên Hiệp Quốc.
Tác động đến các lớp học ở Hoa Kỳ
Bà Diane Douglas, cựu Giám đốc Đặc trách Giáo dục Công lập Arizona, giải thích rằng ngay cả khi không gia nhập UNESCO, thì vẫn có thể cảm nhận được ảnh hưởng của tổ chức này trong các lớp học Mỹ.
“Mặc dù tôi chắc chắn không đồng tình với việc Hoa Kỳ tái gia nhập tổ chức này, nhưng tôi không khỏi trăn trở về việc chúng ta đã thực sự bị loại khỏi chính sách và ảnh hưởng của UNESCO như thế nào,” bà nói với The Epoch Times, đồng thời cho biết thêm rằng các quan chức Hoa Kỳ vẫn tiếp tục thực thi các sáng kiến giáo dục quốc tế liên quan đến UNESCO ngay cả sau khi Hoa Kỳ đã rời khỏi đó.
Bà cũng cảnh báo rằng việc Hoa Kỳ dính dáng đến UNESCO là một cách để “cho phép các chính phủ ngoại quốc — kể cả các chế độ độc tài — có một tiếng nói trong việc giáo dục trẻ em Mỹ.”
“Như thể việc quốc hữu hóa giáo dục thông qua các Tiêu chuẩn Cốt lõi Chung vẫn chưa đủ tệ hại vậy, khi trở lại với UNESCO, một lần nữa chúng ta sẽ cho phép hệ tư tưởng quốc tế trở thành một phần trong quá trình truyền bá tư tưởng cho con em chúng ta,” bà cảnh báo, đồng thời nêu lên những lời răn trong Kinh Thánh về việc nuôi dạy và chăm sóc trẻ em đồng thời cảnh báo về sự nguy hiểm của việc cho phép các cơ quan Liên Hiệp Quốc hoặc thậm chí là các cơ quan liên bang tham gia vào việc giáo dục trẻ em.
Các nhà phê bình lên tiếng
Quyết định tái gia nhập đang ngày càng bị chỉ trích rộng rãi. Cựu Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ Moley, người đã thúc đẩy và giám sát việc rút khỏi UNESCO hồi năm 2017 và năm 2018, trước đây đã nói với The Epoch Times rằng ông cho là UNESCO khó thể cải tổ được.
“Chừng nào G77 + Trung Quốc (một nhóm hơn 130 chính phủ) còn thống trị trong các tổ chức Liên Hiệp Quốc này, thì chúng ta không nên tham gia,” ông nói với The Epoch Times hồi tuần trước (19-25/06), đồng thời lưu ý rằng các nhóm do ĐCSTQ lãnh đạo chi phối quá trình hoạch định chính sách ở các tổ chức quốc tế như UNESCO mặc dù những người đóng thuế ở Mỹ phải trả phần lớn chi phí.
“Việc tái gia nhập UNESCO không những không mang lại lợi ích gì cho Hoa Kỳ,” ông Moley tiếp tục, “mà còn mang lại lợi ích cho các đối thủ của chúng ta như ĐCSTQ, và chúng ta đang phải trả tiền cho cơ quan này.”
“Tất cả những điều này đang tăng cường ảnh hưởng của ĐCSTQ bằng cách biến chúng ta thành một phần vấn đề mà họ tạo ra,” ông Moley, người đã từng làm việc ở các chức vụ cao cấp về vấn đề quốc tế dưới nhiều thời chính phủ sau khi phục vụ ở lực lượng Thủy quân lục chiến, cho biết thêm.
Ông nói thêm: “Chúng ta thực sự đang trở thành đồng phạm bằng cách tài trợ cho các tổ chức rõ ràng là mâu thuẫn với lợi ích của chúng ta và lợi ích của các đồng minh của chúng ta.”
Mô tả quá trình và lý do dẫn đến lần rời khỏi cuối cùng hồi năm 2018, ông Moley cho biết một nghị quyết chống Israel một cách trơ trẽn hồi năm 2017 là “giọt nước làm tràn ly và cho chúng tôi cơ hội để cuối cùng nói ‘đủ rồi, không thêm nữa.’”
Nhưng ngoài thành kiến chống Israel đang lan rộng, ông Moley còn nói về tình trạng lãng phí, tham nhũng, thành kiến chống Mỹ, người đóng thuế ở Hoa Kỳ không nhận được bất kỳ lợi ích nào, ĐCSTQ gây ảnh hưởng, cùng nhiều vấn đề khác.
Các nhà phê bình trên khắp thế giới cũng bày tỏ lo ngại về lãnh đạo UNESCO vào thời đó, là bà Irina Bokova, người Bulgaria. Bà Bokova có một lịch sử lâu dài liên quan đến Đảng Cộng sản Bulgaria và chế độ tàn bạo mà đảng này kiểm soát.
Ông Moley cho biết, các chính phủ khác cũng đã ngày càng chỉ trích nhiều hơn, khi một đánh giá của Vương quốc Anh về các cơ quan đa phương hơn một thập niên trước cho thấy UNESCO là một trong những tổ chức tệ hại nhất.
Israel đã tuyên bố rút khỏi tổ chức này ngay sau Hoa Kỳ.
“Thay vì bảo vệ văn hóa và lịch sử, UNESCO đang góp phần xóa bỏ văn hóa lịch sử,” tờ báo có ảnh hưởng Jerusalem Post cho biết trong một bài xã luận gần đây, chỉ trích cách đối đãi của tổ chức này với Jerusalem khi mô tả khả năng Israel tái gia nhập một “tổ chức ô hợp” như vậy.
“Hiện đang có một khối phiếu bầu đa số mặc định chống lại Israel và nhiều tổ chức của Liên Hiệp Quốc có thành kiến chống lại nhà nước Do Thái một cách có hệ thống. Tranh luận về việc gia nhập bằng cách nói rằng Israel có thể thuyết phục các cơ quan này ủng hộ mình sẽ là điều viển vông.”
Nói chuyện với The Epoch Times với điều kiện ẩn danh để tránh các vấn đề với cấp trên của mình, các nguồn tin nội bộ bên trong UNESCO cũng đã chỉ trích hành động này.
Theo một nguồn tin ngoại giao ở Paris, hiện nay các nhà ngoại giao Ả Rập đại diện cho “Nhà nước Palestine” đang dự trù tham gia các cơ quan khác của Liên Hiệp Quốc với tư cách là một quốc gia thành viên, trong bối cảnh các đạo luật của Hoa Kỳ cấm tư cách thành viên như vậy bị suy yếu.
Việc tái gia nhập sẽ ‘khôi phục’ vai trò lãnh đạo của Hoa Kỳ
Trong một tuyên bố gửi qua thư điện tử cho The Epoch Times, một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết, “chính phủ ông Biden tin chắc rằng Hoa Kỳ phải hiện diện và tích cực trên vũ đài toàn cầu, bất cứ nơi nào mà những lợi ích của Hoa Kỳ có thể được bảo vệ và nâng cao.”
Phát ngôn viên này tiếp tục cho rằng việc tái gia nhập UNESCO sẽ “cho phép Hoa Kỳ khôi phục vai trò lãnh đạo của mình trong một loạt vấn đề, bao gồm mở rộng khả năng tiếp cận giáo dục, bảo tồn di sản văn hóa, bảo vệ các ký giả, định hình các phương pháp hay nhất cho các công nghệ mới và mới nổi, giáo dục về nạn diệt chủng người Do Thái, và nhiều hơn nữa.”
Phát ngôn viên này tiếp tục: “UNESCO ảnh hưởng đến những hiểu biết quốc tế chung của chúng ta về các vấn đề như sự phát triển của trí tuệ nhân tạo, trách nhiệm của các quốc gia trong việc tôn trọng các quyền tự do truyền thông, thiệt hại to lớn của thảm họa Holocaust, và bảo vệ di sản thế giới bằng các biện pháp tức thì cũng như từng bước.”
Trong bức thư gửi cho người đứng đầu UNESCO Azoulay mà The Epoch Times thu thập được, chính phủ lập luận rằng UNESCO đã hiện đại hóa công tác quản lý và giảm căng thẳng chính trị trong tổ chức này, đặc biệt là liên quan đến “các vấn đề Trung Đông,” một ám chỉ rõ ràng về những lo ngại đối với thành kiến chống Israel.
Chính phủ cũng ca ngợi vai trò của UNESCO trong việc giải quyết “những thách thức mới và mới nổi” nằm ngoài trọng tâm ban đầu là văn hóa, khoa học, và giáo dục.
Một trọng tâm gần đây của cơ quan này nằm ngoài nhiệm vụ truyền thống của họ là chống lại “các thuyết âm mưu” và “thông tin sai lệch.”
Trong số những lo ngại khác, cơ quan Liên Hiệp Quốc này cảnh báo rằng những điều kể trên đang thúc đẩy các phong trào “dân túy,” làm suy yếu niềm tin vào các tổ chức công, và có thể khiến mọi người ít quan tâm hơn đến “dấu chân carbon” (carbon footprint) của mình.
Khi thông báo về hành động tái gia nhập của Hoa Kỳ, người đứng đầu UNESCO đã ca ngợi cơ quan này, chính phủ TT Biden, và chủ nghĩa đa phương nói chung.
“Đây là một hành động thể hiện sự tin tưởng mạnh mẽ vào UNESCO và chủ nghĩa đa phương,” bà Azoulay nói trong một tuyên bố đón mừng tin tức này. “Không chỉ ở trọng tâm nhiệm vụ của Tổ chức — văn hóa, giáo dục, khoa học, thông tin — mà còn ở cách thực hiện nhiệm vụ này ngày nay.”
Phản ứng của ĐCSTQ
Đại sứ của ĐCSTQ tại UNESCO đã ca ngợi hành động này và kêu gọi những người đóng thuế ở Hoa Kỳ trả hơn 600 triệu USD tiền nợ còn thiếu kể từ khi chính phủ Hoa Kỳ ngừng tài trợ cho cơ quan này.
“Việc trở thành một thành viên của một tổ chức quốc tế là một vấn đề nghiêm túc,” Đại sứ ĐCSTQ Dương Tiến (Jin Yang) được truyền thông Pháp dẫn lời nói, đồng thời cho biết thêm rằng việc Hoa Kỳ rút lui đã tác động tiêu cực đến UNESCO.
Ông nói thêm: “Chúng tôi cũng hy vọng rằng Hoa Kỳ sẽ gánh vác các trách nhiệm quốc tế và thực hiện các nghĩa vụ của mình, đồng thời bảo đảm cam kết nghiêm túc của mình trong việc tuân thủ các quy tắc quốc tế và tôn trọng luật pháp quốc tế.”
Một báo cáo gần đây của Dự án Nhân quyền Duy Ngô Nhĩ có trụ sở tại Hoa Thịnh Đốn đã lên án UNESCO vì đã cho phép hệ thống di sản này thành “đồng lõa” với các hành vi tàn bạo của ĐCSTQ và thậm chí là với “tội ác diệt chủng” đối với người Duy Ngô Nhĩ.
Các quốc gia thành viên của UNESCO cần phải chấp thuận trước khi chính phủ Hoa Kỳ có thể tái gia nhập.
Tuần trước (19/06-25/06), bà Azoulay đã triệu tập một phiên họp với các quốc gia thành viên của UNESCO để chia sẻ về yêu cầu của chính phủ TT Biden.
Cùng với sự ủng hộ của các phái đoàn khác, chính phủ Nhật Bản đã đề xướng một “phiên họp bất thường” của Đại hội đồng UNESCO để xem xét đề nghị này. Phiên họp đó hiện được dự trù vào ngày 29/06.
Các nhà ngoại giao ở Paris nói với The Epoch Times rằng yêu cầu của chính phủ ông Biden có thể sẽ nhận được rất nhiều sự ủng hộ, vì có hơn nửa tỷ dollar vẫn đang chờ giải ngân, và thực tế là từ lâu những người đóng thuế ở Hoa Kỳ đã phải chi trả cho gần ¼ ngân sách của cơ quan này.
UNESCO đã không phúc đáp các yêu cầu bình luận vào thời điểm phát hành bản tin.
Thanh Nhã và Thanh Tâm biên dịch
https://www.epochtimesviet.com
Không có nhận xét nào