Header Ads

  • Breaking News

    “Ai Đang Viết Sử Cho Chúng ta?”

    Triều Giang

    Tháng 1/2023


    Phỏng vấn Gs. Vũ Tường, giám đốc Trung Tâm Nghiên Cứu Việt-Mỹ, Đại học Oregon
    Hai Cuốn Sử Đầu Tiên Về Lịch Sử Người Việt Hải Ngoại
    Sách Giáo Khoa Tại Trung Và Đại Học Hoa Kỳ

    https://petruskyaus.files.wordpress.com/2023/02/ai-dang-viet-su-01.jpg


    https://petruskyaus.files.wordpress.com/2023/02/ai-dang-viet-su-02.jpg

    Gs. Tường Vũ,  giám đốc Trung tâm Nghiên Cứu Việt-Mỹ và cũng là giáo sư và khoa trưởng Khoa Chính trị Học tại Đại học Oregon


    LTG: Vào những ngày cuối năm 2022, chúng tôi có cho phổ biến bài viết “Ai Sẽ Viết Sử Cho Chúng Ta?”, bài viết này đã được chúng tôi viết và phổ biến rộng rãi năm 2007, là những năm đầu khi hội Bảo Tồn Lịch Sử và Văn Hóa Người Mỹ Gốc Việt (VAHF) được thành lập vào năm 2004 để chia sẻ với thân hữu và đồng hương về sự lo âu và buồn bực khi thấy lịch sử và chiến tranh Việt Nam, đặc biệt là lịch sử Người Mỹ Gốc Việt đã bỉ bóp méo, xuyên tạc qua những sách báo, phim ảnh và nhất là sách giáo khoa trong các trường tiểu, trung và Đại học tại Hoa Kỳ, nơi mà con em chúng ta đã và đang phải học những bài học sai sót và còn mang tính cách sỉ nhục cha ông các em. Bài viết này đã được quan tâm và đón nhận rất tích cực vào lúc đó của đồng hương, không những thế, đồg hương đã nâng đỡ, hỗ trợ hội VAHF trong gần 20 năm qua cho những chương trình hội theo đuổi; từ việc hoàn thành bộ sưu tập Tù Nhân Chính Trị Việt Nam hiện đang đặt tại Việt Nam Center (2007). Năm 2008, hợp tác với các Đại học UT Austin, Rice University, University of California Irvine thực hiện chương trình Lịch sử Truyền Khầu (Oral History, đã có trên 12 triệu người xem. Năm 2015 sản suất 2 cuốn phim Master Hoa’s Requiem về thảm cảnh thuyền nhân và VIETNAMERICA về chiến tranh Việt Nam, hành trình tìm tự do và những đóng góp của cộng đồng người Mỹ gốc Việt vào quê hương thứ hai. Ngoài ra, hội cũng tổ chức nhiều cuộc triển lãm tại các Trung tâm sử liệu, các cuộc Hội thảo, và tại  các trường Trung và Đại học.

    Tuy những việc làm kể trên đóng góp một phần vào việc giới thiệu cho đại chúng về lịch sử và nguồn gốc của người Mỹ gốc Việt, nhưng phần sách giáo khoa giảng dạy tại các trường Hoa kỳ vẫn là điều lo lắng chính của hội VAHF. May mắn thay năm 2019 hội VAHF chúng tôi có gặp Gs. Tường Vũ từ Đại học Oregon tham dự hội thảo tại Việt nam Center cùng với một số viên chức VNCH đang có những nỗ lưc viết sách nói về những công trình vừa giữ nước và dựng nước của VNCH, chúng tôi có đưa ý kiến về viết sử cho Người Mỹ Gốc Việt vì đây là nhu cầu cấp thiết cho chúng ta và con cháu chúng ta hôm nay và mai sau. Từ đó dự án” Di Sản VNCH/ Lịch Sử Người Mỹ Gốc Việt ra đời và hội VAHF nhận công tác nối kết và  phổ biến tới cộng đồng những công trình của dự án.

    Để giới thiệu tới đồng hương về hai cuốn sách vừa được phát hành về Lịch sử Người Mỹ Gốc Việt chúng tôi đã tìm đến Gs. Tường Vũ hiện là giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Việt Mỹ và đang dạy học và là Khoa trưởng khoa Chính trị học tại Đại học Oregon. Xin xem tiểu sử của Gs. Tường Vũ qua link dưới đây: https://polisci.uoregon.edu/profile/thvu/.  Với một quá trình giảng dạy, nghiên cứu, viết hàng chục quyển sách về lịch sử và chính trị học Á Châu và khả năng điều hành, Gs. Tường Vũ đã có đủ kinh nghiệm và uy tín để thu hút 17 sử gia, tiến sĩ trong đó có 14 tác giả là người Mỹ gốc Việt để nghiên cứu và viết trong hơn hai năm qua hai cuốn sử: “BUILDING A REPUBLICAN NATION IN VIETNAM, 1920-1963” (Xây Dựng Một Quốc Gia Cộng Hòa Tại Việt Nam, 1920-1963) và “TOWARD A FRAMEWORK FORVIETNAMESE AMERICAN STUDIES: HISTORY, COMMUNITY, MEMORY” (Hướng tới Xây dựng Ngành học Người Mỹ gốc Việt: Lịch sử, Cộng đồng và Ký ức). Để tìm hiểu về quá trình thực hiện, những thuận lợi và khó khăn và những chương trình tiếp nối với mong ước được sự đón nhận, phổ biến, hỗ trợ và nâng đỡ của cộng đồng.

    Nhiều thập kỷ qua, hàng nhiều trăm cuốn sách sử của hàng trăm tác giả và các sử gia phản chiến với sự lèo lái bởi sự tuyên truyền của CSVN đã hướng dẫn dư luận một cách sai lạc, con đường còn rất dài để gột rửa những độc hại trên sách vở, trong suy nghĩ của người Mỹ và thế giới. May mắn thay chúng ta có những sử gia gốc Việt tải giỏi và thấu hiểu lịch sử của chúng ta đã lãnh nhận trọng trách này. Mời  quý độc giả theo dõi cuộc phỏng vấn.dưới đây để biết được giới trẻ khoa bảng và trí thức đã và đang gánh vác việc viết sử cho cộng đồng chúng ta ra sao? Chân thành cám ơn quý vị.

    Triều Giang: Xin chào Gs. Vũ Tường, xin Gs có thể cho biết đôi dòng tiểu sử ?

    Gs. Tường Vũ:  Tôi là giám đốc Trung tâm Nghiên Cứu Việt-Mỹ và cũng là giáo sư và trưởng khoa Khoa Chính trị Học tại Đại học Oregon ở thành phố Eugene, bang Oregon, Hoa Kỳ. Tôi đã giảng dạy ở đây 14 năm, trước đó dạy ở Trường Cao Đẳng Hải Quân Hoa Kỳ ở Monterey, California. Trước đây tôi từng làm việc nghiên cứu ngắn hạn ở Đại học Princeton và Viện Nghiên cứu Á Châu ở Singapore. Tôi lớn lên ở Sài gòn, Việt Nam và đến Mỹ tỵ nạn theo chương trình H.O. vào cuối năm 1990, và đã từng sống ở Minnesota, Massachusetts, New Jersey, và California. Tôi chuyên nghiên cứu về chính trị Á châu liên quan đến tổ chức nhà nước, thể chế chính trị, cũng như chiến tranh và cách mạng ở Á châu và trên thế giới. Trung Tâm Nghiên Cứu Việt-Mỹ được thành lập năm 2019 nhằm khuếch trương nghiên cứu và giáo dục trong ba lãnh vực: cộng đồng người Việt ở Mỹ, quan hệ Việt-Mỹ, và Việt nam đương đại. Các hoạt động nghiên cứu, hợp tác, và giáo dục của Trung Tâm nhằm nâng cao hiểu biết trong các lãnh vực trên. Các hình thức hoạt động của Trung Tâm gồm có việc bảo trợ các nhà nghiên cứu trẻ, tổ chức nghiên cứu, hội thảo, xuất bản, và công bố các tư liệu lịch sử.

    Rất bất bình với những quan điểm một chiều về chiến tranh và lịch sử Việt Nam và Tin vui đầu Năm 2023

    Triều Giang: Được biết đầu năm 2023, Trung Tâm Nghiên Cứu Việt-Mỹ sẽ cho ra mắt hai cuốn sách nghiên cứu và giáo khoa viết bằng tiếng Anh đầu tiên cho Dự án “Di sản Việt Nam Cộng Hoà/Lịch sử Người Mỹ gốc Việt” mà Gs. là một đồng chủ biên : “BUILDING A REPUBLICAN NATION IN VIETNAM, 1920-1963” (Xây Dựng Một Quốc Gia Cộng Hòa Tại Việt Nam, 1920-1963) và “TOWARD A FRAMEWORK FORVIETNAMESE AMERICAN STUDIES : HISTORY, COMMUNITY, MEMORY” (Hướng tới Xây dựng Ngành học Người Mỹ gốc Việt: Lịch sử, Cộng đồng và Ký ức), thật là một tin vui đáp ứng sự mong đợi gần 50 năm của người Việt tại Hoa kỳ và trên toàn thế giới, kể cả người Việt trong nước muốn tìm hiểu một cách đúng đắn về lịch sử của một sắc dân khá đông đảo và có những đóng góp quan trọng mọi mặt tại Hoa kỳ, xin Gs. cho biết sách đã được biên soạn trong hoàn cảnh nào và với mục đích gì?

    Gs, Tường Vũ:  Nhiều năm nghiên cứu và giảng dạy, chúng tôi rất bất bình với những quan điểm một chiều về chiến tranh và lịch sử Việt Nam. Đây là quan điểm của đa số trí thức, học giả, ký giả, và cả công chúng Mỹ. Họ bị ảnh hưởng của tuyên truyền từ Hà Nội trong thời chiến nên coi Việt Nam Cộng Hoà (VNCH) là sản phẩm và tay sai của Mỹ mặc dù họ có rất ít hiểu biết hay thậm chí không thèm tìm hiểu về VNCH. Họ coi bản chất của cuộc chiến là Mỹ xâm lược Việt Nam, coi miền Bắc Cộng sản là đại diện thực sự và duy nhất cho dân tộc Việt Nam, coi người Việt Quốc gia là thành phần vọng ngoại và người Việt hải ngoại là đồng loã với chủ nghĩa đế quốc Mỹ. Quan điểm này được giảng dạy trong hầu hết các lớp học ở trung học và đại học về lịch sử Mỹ và lịch sử Việt Nam VNCH đúng là lệ thuộc Mỹ về viện trợ, và có nhiều khiếm khuyết từ kinh tế đến chính trị và xã hội. Nhưng tinh thần cộng hoà khởi nguồn với Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Phạm Quỳnh, và Trần Trọng Kim là những nhà ái quốc dấn thân cho một quốc gia Việt Nam độc lập đi trước những người cộng sản hàng thập kỷ. Chủ nghĩa quốc gia cộng hoà của họ sau đó được tiếp nối bởi Việt Nam Quốc Dân Đảng, Đại Việt Quốc Dân Đảng, Đảng Duy Dân, Dân Xã Đảng, và nhiều nhóm cách mạng không cộng sản khác, cho đến năm 1955 trở thành nền tảng chính trị của quốc gia VNCH. Cho đến năm 1953-1954 Mỹ chỉ giúp Pháp nhưng không giúp gì các lực lượng quốc gia của Việt Nam. Cũng không thể đồng hoá cộng sản với dân tộc Việt Nam. Từ thập niên 30 đến 60 của thế kỷ trước những nhà lãnh đạo cộng sản sùng kính Stalin và Mao Trạch Đông như thánh sống, và tin tưởng tuyệt đối vào chủ nghĩa quốc tế vô sản. Không thể coi họ là đại diện cho tất cả dân tộc Việt Nam. Trong khi Tổng thống Ngô Đình Diệm không đồng ý cho Mỹ đưa quân vào miền Nam, Lê Duẩn mời quân Trung Cộng vào miền Bắc năm 1967. Sau khi ký Mật Ước Thành Đô năm 1991 cho đến tận năm 2014, chính sách của nhà nước Việt Nam là tuân thủ “14 chữ vàng” do Chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân dạy bảo, phản bội sự hy sinh của hàng trăm ngàn bộ đội của chính họ ở Campuchia và biên giới phía bắc.

    Trong gần 1 triệu người từ miền Bắc di cư vào miền Nam năm 1954, đại đa số không chấp nhận chế độ cộng sản vì đã chứng kiến hoặc nghe nói về chính sách đàn áp trí thức, cấm đoán tôn giáo, và cải cách ruộng đất dã man của đảng cộng sản do rập khuôn mô hình Mao-ít ở Trung Quốc. Trong số hàng triệu người Việt bỏ nước ra đi từ 1975 đến 2000, đại đa số không thể chấp nhận chế độ cộng sản vì cũng những lý do đó, thêm vào việc chế độ cộng sản trả thù quân cán chính của VNCH và gia đình của họ. Rất ít người muốn bỏ nước ra đi đến một xã hội xa lạ phải làm lại tất cả từ đầu với hai bàn tay trắng. Nói người Việt tự do ở Mỹ là sản phẩm của chủ nghĩa đế quốc Mỹ là một lập luận nông cạn gán ghép. Trên đây là lý do chúng ta cần có những nghiên cứu nghiêm túc để nói lên trung thực lịch sử Việt Nam và người Mỹ gốc Việt. Vì thế chúng tôi đã tổ chức hai Hội thảo lớn về Việt Nam Cộng Hoà bằng Anh ngữ, một ở Đại học California, Berkeley năm 2016, và một ở Đại học Oregon năm 2019. Mỗi Hội thảo kéo dài 2 ngày với gần 100 người tham dự, đến từ khắp nước Mỹ và các nước khác, có cả một số đến từ Việt Nam. Từ những bài trình bày ở Hội thảo tại Berkley, chúng tôi đã in quyển “Việt Nam Cộng Hoà: 1955-1975: Kinh Nghiệm Kiến Quốc” (bản tiếng Việt) và “The Republic of Vietnam, 1955-1975: Vietnamese Perspectives on Nation-Building” (bản tiếng Anh). Hai quyển này đã được chúng tôi giới thiệu với cộng đồng ở Orange County, Dallas, và Houston và được tiếp nhận rất nhiệt tình.

    Chúng tôi đã nhận được sự giúp đỡ nhiệt tình về tổ chức và ủng hộ tài chính của nhiều Mạnh thường quân trong cộng đồng như ông bà Nguyễn Đức Cường, ông Hoàng Đức Nhã, và nhiều vị khác, cũng như những đóng góp của trường Đại học California, Berkeley và Đại học Oregon. Từ những bài trình bày ở Hội thảo Oregon, chúng tôi chọn một số để đưa vào sách “Xây Dựng Một Quốc Gia Cộng Hòa Tại Việt Nam, 1920-1963”. Chúng tôi cũng muốn nhân đây cảm tạ bà (Nancy Bùi hay Triều Giang) vì ý tưởng làm sách “Hướng tới Xây dựng Ngành học Người Mỹ gốc Việt: Lịch sử, Cộng đồng và Ký ức” đến từ một cuộc trò chuyện với bà tại Hội thảo, sau đó qua bà được Hội Bảo Tồn Lịch Sử và Văn Hóa người Mỹ Gốc Việt hỗ trợ tài chính để làm sách. Chúng tôi hết sức tri ân tất cả các ân nhân và Hội Bảo Tồn Lịch Sử và Văn Hóa người Mỹ Gốc Việt về sự giúp đỡ này.

    https://petruskyaus.files.wordpress.com/2023/02/ai-dang-viet-su-03.jpg?w=875

    Gs. Tường Vũ, ông Hoàng Đức Nhã, Gs.Dennis Galvan, Khoa trưởng, Phó hiệu trưởng Đại học Oregon, bà Nancy Bùi VAHF, ông Nguyễn Đức Cường tai Hội thảo  về Việt Nam Cộng Hoà bằng Anh ngữ, một ở Đại học Oregon năm 2019 

    Chủ nghĩa Cộng Hòa và Chủ nghĩa Cộng Sản không thể nhầm lẫn hoặc đánh tráo

    Triều Giang: Xin Gs. cho biết sơ lược về nội dung của hai cuốn sách viết về các đề tài gì và những chủ biên và các tác giả?

    Gs. Tường VũNội dung của quyển sách thứ nhất, “Xây Dựng Một Quốc Gia Cộng Hòa Tại Việt Nam, 1920-1963”, là về tinh thần và chủ nghĩa cộng hoà thể hiện qua tư tưởng (bộ sách Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim in năm 1920 từng được dùng làm sách giáo khoa ở miền Nam trong khi bị cấm ở miền Bắc), phong trào chính trị những năm 30 (Tự Lực Văn Đoàn), và tổ chức chính trị và chính quyền quốc gia cũng như hoạt động văn hoá giáo dục (Thư viện Quốc gia, nhóm Sáng Tạo) dưới thời Đệ nhất Cộng hoà (1955-1963). Sách cho thấy những nhà hoạt động cộng hoà khác với cộng sản thế nào và tinh thần ái quốc của họ ra sao. Sách cho thấy VNCH thừa kế tinh thần cộng hoà đã có từ rất lâu trước khi Mỹ can thiệp vào Việt Nam, cho thấy từ chính trị đến văn hoá giáo dục của nền Đệ nhất Cộng hoà đều hun đúc tinh thần quốc gia hình thành trong cuộc tranh đấu giành độc lập và chống lại cộng sản.

    Quyển sách thứ hai của chúng tôi, “Hướng tới Xây dựng Ngành học Người Mỹ gốc Việt: Lịch sử, Cộng đồng và Ký ức” tiếp nối quyển sách thứ nhất nhằm mục đích cung cấp một cái nhìn có chiều sâu lịch sử với cộng đồng chúng ta là tâm điểm. Các nghiên cứu về người Mỹ gốc Việt hiện có phần lớn coi lịch sử cộng đồng chúng ta bắt đầu từ năm 1975 khi những người Việt tỵ nạn đầu tiên đặt chân đến Mỹ. Quan điểm này thật là nông cạn vì rõ ràng đại đa số người Mỹ gốc Việt đến từ miền Nam Việt Nam, phần lớn bỏ nước ra đi vì không chấp nhận cộng sản. Chúng ta có một lịch sử đau thương từ thời thuộc địa đến giai đoạn tranh chấp quốc cộng, và thế hệ trước đã hy sinh nhiều xương máu cho VNCH dù bị thất bại. Làm thế nào họ có thể nói lịch sử chúng ta mới bắt đầu từ năm 1975? Vì thế, 3 chương đầu trong sách điểm qua xã hội sinh động và đa dạng của miền Nam Việt Nam, với vô số các tổ chức hội đoàn hoạt động tự nguyện và độc lập với chính quyền, với một nền văn hoá giáo dục đầy tinh thần tự do, tôn trọng trí thức và mở rộng với thế giới, cùng với tinh thần chống cộng quyết liệt từ những năm 30 của thế kỷ trước. Đây là cái chiều sâu lịch sử của sách, giúp cho người đọc hiểu tường tận lịch sử gian nan nhưng có nhiều việc đáng tự hào của cộng đồng người Mỹ gốc Việt, hiểu rõ tại sao người Việt ở Mỹ hoạt động tích cực trong các hội đoàn, tiếp thu nhanh các giá trị văn hoá Mỹ, và chống cộng rất mạnh mẽ. Sau khi hiểu rõ lịch sử, trong phần 2 của sách là các chương về lịch sử định cư của người Việt tỵ nạn tại thành phố Los Angeles, câu chuyện của những người phụ nữ gốc Việt kinh doanh thành đạt, nỗ lực của người Mỹ gốc Việt giúp cho đồng bào ở Việt Nam, xung đột chủng tộc giữa người Việt và các giống dân khác ở New Orleans, về thái độ của người Việt tỵ nạn đối với quê hương vẫn nằm dưới sự cai  trị của cộng sản, và tinh thần dân tộc và dân chủ trong công cuộc vận động chính trị để thay đổi Việt Nam hay để tác động vào chính sách của chính phủ Mỹ. Sau khi cảm nhận được cuộc sống nhiều mặt cả khó khăn cả tích cực của người Mỹ gốc Việt, độc giả đọc phần 3 để hiểu những cố gắng bảo tồn ký ức trong các hoạt động văn học, thư viện, và sinh hoạt tôn giáo phong phú và đầy tính sáng tạo của cộng đồng. Ba phần của quyển sách kết nối với nhau cho thấy một bức tranh khá hoàn chỉnh về cộng đồng người Mỹ gốc Việt trong gần 50 năm qua.

    Phản ứng của giới sử gia kinh điển về chiến tanh Việt Nam sẽ ra sao và những thách đố

    Triều Giang: Chúng tôi có may mắn được đọc qua hai cuốn sử này và rất thích thú khi thấy cuốn sách thứ nhất: “Xây Dựng Một Quốc Gia Cộng Hòa Tại Việt Nam, 1920-1963” các chủ biên đã dành rất nhiều trang để phân tích tại sao phần đông các tác giả và sử gia Tây phương viết về lịch sử Việt nam cũng như chiến tranh Việt Nam đã có những quan điểm sai lầm căn bản về lịch sử Việt Nam cận đại, đặc biệt là nguồn gốc và diễn biến của hai cuộc chiến tranh dành độc lập từ tay người Pháp và cuộc chiến tranh chống lại sự bành trướng của chủ nghĩa CS tại Việt Nam (1945-1975), trong đó vai trò của người Việt tự do, những người đóng vai chính trong cả hai cuộc tranh đấu cùng một lúc hai mặt trận; dành sự độc lập từ sự đô hộ của người Pháp và chống lại sự thâm nhập và bành trướng của chủ nghĩa CS, hầu như rất mờ nhạt hoặc hoàn toàn vắng bóng, theo Gs. giới sử gia này sẽ đón nhận cuốn sách này ra sao vì theo tôi được biết không dễ để những sử gia này chấp nhận mình đã sai?

    Gs. Tường Vũ: Thiển nghĩ nghiên cứu của chúng tôi đang và sẽ thuyết phục rất nhiều sử gia, đặc biệt những người hiểu biết sâu về Việt Nam và biết tiếng Việt. Dĩ nhiên vẫn còn rất nhiều sử gia nghi ngờ hoặc không hoàn toàn đồng ý và tiếp tục duy trì quan điểm của họ. Đa số họ không biết tiếng Việt. Chúng tôi sẽ phải tiếp tục công việc tranh luận với họ trên các diễn đàn học thuật, thực hiện các nghiên cứu mới, và đào tạo thế hệ trẻ để tiếp nối công việc khó khăn này trong tương lai.

    Triều Giang: Riêng cuốn “ Hướng tới Xây dựng Ngành học Người Mỹ gốc Việt: Lịch sử, Cộng đồng và Ký ức”, đây có thể nói là một công trình nghiên cứu đầu tiên mang tính các quy mô của một chương sử dài gần nửa thế kỷ, việc tìm kiếm tài liệu chắc đã không phải là một điều dễ dàng, vì hầu như không có những tài liệu được ghi chép các sự kiện trong thời gian dài, có một ít tác giả đã viết như trước đây William Joiner Center có thuê một số tác giả trong nước viết về lịch sử người Việt hải ngoại thì rất sai sót, lệch lại vì nghiên cứu hời hợt và vì thiên kiến chính trị nên những sách này đã không được đón nhận như là công trình nghiên cứu có giá trị, xin Gs. Cho biết những thách đố của các chủ biên và các đồng tác giả đã phải trải qua là những gì? Và cộng đồng người Mỹ gốc Việt đã có những hỗ trợ gì trong việc cung cấp tài liệu cho cuốn sử đầu tiên này để có thể bảo đảm rằng sách sử này là một nghiên cứu học thuật độc lập có giá trị như những trang sử chính thống của cộng đồng chúng ta?

    Gs. Tường Vũ: Chúng tôi gặp phải rất nhiều thách đố. Thứ nhất, việc này chưa có tiền lệ — chưa ai soạn ra một chương trình nghiên cứu và giảng dạy về cộng đồng người Mỹ gốc Việt. Chúng tôi phải vừa làm vừa điều chỉnh. Ý định ban đầu là làm một quyển “Handbook” tức là tóm tắt tổng kết kiến thức và nghiên cứu sẵn có về người Mỹ gốc Việt, nhưng cách làm đó có nhiều khuyết điểm. May là chúng tôi tìm được hướng đi đúng như đã làm.

    Thách đố thứ hai là cách tiếp cận chính trong nghiên cứu về người Mỹ gốc Việt trong giới học giả hiện đang giảng dạy ở các Khoa Ethnic Studies hay chủng tộc học (nhiều người là người Mỹ gốc Việt thế hệ thứ hai nhưng không biết tiếng Việt) coi chúng ta (người Việt tỵ nạn) là biểu tượng và đồng loã cho chủ nghĩa đế quốc Mỹ. Sách của họ thậm chí không nhắc đến từ “cộng sản”, và chiến tranh Việt Nam theo họ là chiến tranh giữa đế quốc Mỹ và dân tộc Việt Nam (đại diện bởi miền Bắc). Mục tiêu nghiên cứu của họ là phê bình chính sách Mỹ chứ không phải để tìm hiểu lịch sử và văn hoá của chúng ta. Họ nhìn chúng ta như những con rối trong tay đế quốc Mỹ, và thái độ của họ là ngấm ngầm miệt thị thay vì thực tâm lắng nghe và tìm hiểu chúng ta. Khi chúng tôi gửi bản thảo sách để duyệt cũng gặp phải chỉ trích của họ. Chắc chắn sau khi sách ra họ cũng sẽ chỉ trích nhiều hơn khen.

    Thách đố thứ ba là tìm được đủ số những người cộng tác (17 người). Hướng tiếp cận của chúng tôi khá mới nên không có nhiều nhà nghiên cứu để mời tham gia. Tôi phải bắt đầu từ việc lục tìm trong cơ sở dữ liệu của thư viện các luận văn tiến sĩ mới được viết trong 10 năm gần đây, đọc qua để xem cách tiếp cận của tác giả có phù hợp không, rồi mới mời họ tham gia. Tài liệu thì thực ra không thiếu, nhưng vấn đề là có sử dụng chúng không (phải giỏi tiếng Việt) và cách tiếp cận ra sao.

    “Mới mẻ trong tư liệu, sáng tạo trong quan điểm và lập luận, và đa ngành trong cách tiếp cận”

    Triều Giang: Gs. có thể chia sẻ những nhận định của mình về các tác giả và sử gia trẻ qua quá trình làm việc với họ trong hai cuốn sách này? Đâu là những ưu điểm hay thách đố của họ so với lớp sử gia phương Tây trước đây khi viết về lịch sử Việt Nam và chiến tranh Việt Nam?

    Gs. Tường Vũ: Quyển “Hướng tới Xây dựng Ngành học Người Mỹ gốc Việt: Lịch sử, Cộng đồng và Ký ức” có 3 thế mạnh chính. Đầu tiên, đại đa số chúng tôi (14 trong số 17 tác giả) là những học giả Mỹ gốc Việt, và 5 trong số 14 vừa tốt nghiệp tiến sĩ. Đấy là ưu điểm chính của chúng tôi. Thế mạnh thứ hai là tất cả 14 chúng tôi đều biết tiếng Việt và sử dụng tư liệu tiếng Việt trong nghiên cứu. Thứ ba, chúng tôi nghiên cứu trong nhiều ngành khác nhau: chính trị học, xã hội học, lịch sử, và các ngành khoa học nhân văn. Thứ tư, chúng tôi coi lịch sử người Việt ở Mỹ bắt đầu từ VNCH, không phải chỉ từ năm 1975 như đã nói ở trên. Ba tác giả của những chương đầu tiên về VNCH không trẻ nhưng họ đại diện cho cách tiếp cận mới về VNCH—đây là quyển sách đầu tiên có sự hợp tác của những sử gia về Việt Nam với những nhà nghiên cứu về người Mỹ gốc Việt.

    Nói chung nghiên cứu của chúng tôi mới mẻ trong tư liệu, sáng tạo trong quan điểm và lập luận, và đa ngành trong cách tiếp cận. Tôi rất phục và biết ơn những tác giả khác của sách: họ hiểu biết rất sâu về đề tài của họ, hợp tác nhiệt tình, và làm việc tận tuỵ để quyển sách có thể ra đời. Họ chia sẻ ý định của tôi và quan tâm thật sự đến cộng đồng chúng ta.

    https://petruskyaus.files.wordpress.com/2023/02/ai-dang-viet-su-04.jpg

    https://petruskyaus.files.wordpress.com/2023/02/ai-dang-viet-su-05.jpg

    Triều Giang: Gs. có thể giải thích một cuốn sách được chọn làm sách giáo khoa dạy trong Đại học Hoa kỳ thì cần phải hội đủ những điều kiện gì? Và theo Gs. thì hai cuốn sách vừa được phát hành này sẽ giúp các giáo sư, sinh viên, học sinh, nhà nghiên cứu ra sao?

    Gs. Tường Vũ: Có hai loại “sách giáo khoa”: một loại viết chỉ để dùng làm sách giáo khoa (tổng hợp kiến thức sẵn có, không có nghiên cứu mới); còn loại thứ hai là công trình nghiên cứu nhưng được dùng để giảng dạy. Ở những năm cuối bậc đại học hay ở bậc sau đại học, sinh viên cần đào sâu nhiều vấn đề nên loại thứ hai hay được dùng hơn loại thứ nhất. Hai quyển sách của chúng tôi thuộc loại thứ hai.

    Để được dùng làm sách giáo khoa hay để giảng dạy, đầu tiên sách phải có chất lượng, được soạn thảo công phu, và phù hợp với đề tài của lớp học và trình độ của sinh viên. Sách của chúng tôi được 2 nhà xuất bản danh tiếng của Đại học Mỹ và được duyệt xét kỹ lưỡng bởi nhà xuất bản nên thoả mãn hai điều kiện đầu.

    Về điều kiện thứ ba thì tuỳ người thầy cô của lớp học—họ muốn truyền đạt kiến thức gì và ở mức độ nào cho sinh viên. Theo thiển ý chúng tôi thì sách có thể dùng cho các lớp ở năm thứ hai đại học trở lên trong các lớp về lịch sử Việt Nam, chiến tranh Việt Nam, và người Mỹ gốc Việt. Sinh viên trung học hay năm đầu đại học nếu có năng khiếu về môn sử hay khoa học xã hội cũng có thể thích đọc.

    Hướng đi trong tương lai và Hội thảo về cộng đồng người Mỹ gốc Việt nhân kỷ niệm 50

    Triều Giang: Thời kỳ của cuốn sách thứ hai này ghi nhận các sự kiện lịch sử của cộng đồng người Mỹ gốc Việt từ khi thành lập đến năm 2021, mà lịch sử là một sự tiếp nối của dòng sinh hoạt của cộng đồng, Gs. có những dự án kế tiếp nào cho chương trình “Di sản Việt Nam Cộng Hoà/Lịch sử Người Mỹ gốc Việt”, và nếu có, cộng đồng người Việt có thể giúp gì trong công việc cung cấp tài liệu hoặc hỗ trợ không?

    Gs. Tường Vũ: Cần phải nhắc lại, gần đây chúng tôi mới ra mắt hai bộ sách về VNCH như có nói ở trên. Một là quyển Việt Nam Cộng Hoà, 1955-1975: Kinh Nghiệm Kiến Quốc và bản tiếng Anh là The Republic of Vietnam, 1955-1975: Vietnamese Perspectives on Nation Building. Hai là 3 quyển Đảng phái Quốc gia Việt Nam, 1945-1954: Lời kể của Nhân chứng về các chính đảng quốc gia chính (Đại Việt, Việt Nam Quốc Dân Đảng, và Duy Dân) gồm các bài phỏng vấn chi tiết trong thập niên 80 và 90 các nhân vật lão thành của các đảng trên bởi Gs Nguyễn Mạnh Hùng. Hiện nay Trung Tâm Nghiên Cứu Việt-Mỹ ở Đại học Oregon có 6 dự án nghiên cứu, lưu trữ, xuất bản, và hội thảo đang thực hiện trong chương trình “Di sản Việt Nam Cộng Hoà/Lịch sử Người Mỹ gốc Việt”.

    Về nghiên cứu có 3 dự án đang thực hiện với các đề tài sau đây:

    a) Tinh thần và giá trị của Hiến pháp 1967 thời VNCH

    b) Các tổ chức hoạt động chính trị của người Mỹ gốc Việt hướng tới thay đổi Việt Nam

    c) Xây dựng cơ sở dữ liệu về quân cán chính VNCH mất tích trong chiến tranh hay qua đời ở trại cải tạo (hợp tác với Ts. Alex-Thai Võ của Đại học Texas Tech ở Lubbock)

    Về lưu trữ có dự án Tư liệu về Đệ nhất Cộng hoà (1963-1975) bao gồm tư liệu về các biến cố chính trị và tư liệu liên quan đến bà Ngô Đình Nhu do gia đình tặng.

    Về xuất bản, chúng tôi có một quyển sách đang in, dự định sẽ ra mắt vào cuối năm nay, đó là “Republican Vietnam, 1963-1975: War, Society, Diaspora” (Việt Nam Cộng Hoà, 1963-1975: Chiến tranh, Xã hội, và Cộng đồng Hải ngoại). Sách này tập trung vào Đệ nhị Cộng hoà với những thay đổi về chính trị, văn hoá và xã hội trong thời chiến, và di sản của nó trong cộng đồng người Việt ở hải ngoại.

    Về hội thảo, chúng tôi đang tổ chức một hội thảo về cộng đồng người Mỹ gốc Việt nhân kỷ niệm 50 năm ngày rời bỏ quê hương (1975-2025) sắp đến. Hội thảo này dự định sẽ được tổ chức ở Eugene, OR vào cuối năm nay, nhằm mục đích ôn lại lịch sử và hướng tới tương lai của cộng đồng, đặc biệt về các vấn đề di sản chiến tranh và chuyển tiếp giữa các thế hệ.


    Chương trình Ra Mắt Sách và Thảo luậntrong năm 2023 tại các thành phố có đông người Việt

    Triều Giang: Được biết Trung Tâm Nghiên Cứu Việt-Mỹ ở Đại học Oregon với sự hợp tác của hội Bảo Tồn Lịch Sử và Văn Hóa người Mỹ Gốc Việt và một số hội đoàn tại các địa phương, có chương trình Hội thảo và Ra mắt hai cuốn sách lịch sử quan trọng này để quý đồng hương có dịp đóng góp cho những chương sử quan trọng và gặp gỡ một số các tác giả, các sử gia trẻ đã và đang viết sử cho cộng đồng chúng ta, tại các thành phố có đông đảo người Việt như Boston, Houston, Dallas, Hoa Thịnh Đốn, San Jose, Atlanta… Gs. có thể cho biết Gs. mong đợi gì qua các buổi Hội thảo Ra mắt sách này?

    Gs. Tường Vũ: Chúng tôi mong có cơ hội được tiếp xúc rộng rãi với cộng đồng ở nhiều địa phương để giới thiệu hoạt động của Trung Tâm Nghiên Cứu Việt-Mỹ và để hiểu thêm về nhu cầu cũng như nguyện vọng của cộng đồng. Chúng tôi mong nhận được sự ủng hộ phương tiện và tài liệu của cộng đồng vì công việc chúng tôi đang làm đòi hỏi rất nhiều công sức. Sắp tới, vào ngày 11 tháng 3 từ 9:00 đến 11:00 giờ buổi sáng, chúng tôi đang phối hợp với Bảo Tàng Di Sản Người Việt để tổ chức ra mắt sách và thảo luận về VNCH và lịch sử cộng đồng ở địa điểm Thư Viện Việt Nam tại địa chỉ 10872 Westminster Ave Ste. 214-215, Garden Grove, CA 92843. Chúng tôi mong được sự hưởng ứng của quý đồng hương tại đây cho sự kiện này. Nếu có thể, chúng tôi hoan nghênh hỗ trợ tài chính từ các cá nhân có quan tâm cũng như các tổ chức công hay tư. Là một trung tâm nghiên cứu trực thuộc đại học, hoàn toàn phi lợi nhuận và phi đảng phái, quà tặng và quyên góp cho chúng tôi được miễn thuế. Chi phiếu cho Trung Tâm xin ghi người nhận là University of Oregon Foundation và US-Vietnam Research Center.

    Chi phiếu có thể được gửi đến:

    Cindy Nelson, Business Manager
    Global Studies Institute
    University of Oregon
    110 Gerlinger Hall
    Eugene, OR 97403

    Làm sao để mua sách?

    Triều Giang: Ngoài việc sách được bán tại các địa điểm Hội thảo và Ra mắt sách tại các địa phương, sách cũng có bán trên Amazon, xin Gs. cho biết những chi tiết để đồng hương có thể mua trực tiếp nếu họ không thể tham dự các buổi tổ chức nói trên?

    Gs. Tường Vũ: Quý vị quan tâm có thể mua sách tại các trang web dưới đây:

    “Building a Republican Nation in Vietnam, 1920-1963” (Xây Dựng Một Quốc Gia Cộng Hòa Tại Việt Nam, 1920-1963)

    “Toward a Framework for Vietnamese American Studies: History, Community, and Memory” (Hướng tới Xây dựng Ngành học Người Mỹ gốc Việt: Lịch sử, Cộng đồng và Ký ức)

    “Việt Nam Cộng Hoà: 1955-1975: Kinh Nghiệm Kiến Quốc”

    “The Republic of Vietnam, 1955-1975: Vietnamese Perspectives on Nation-Building”

    Triều Giang: Xin chân thành cám ơn Gs. đã dành cho chúng tôi buổi phỏng vấn hôm nay.

    TG

    01/2023

    https://petruskyaus.net


    Không có nhận xét nào