Header Ads

  • Breaking News

    Vụ nổ súng ở Đắk Lắk: Tai họa đâu chỉ một ngày

    Tranh chấp đất đai ở Tây nguyên

    Vụ nổ súng Đắk Lắk: 39 nghi phạm bị bắt giữ - mạng xã hội có gì?

    Tin tổng hợp

    13/6/2023


    https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/06/truyy-bat-9339-1686624191.jpg


    Cảnh sát cơ động ra quân truy bắt những người Thượng nổ súng giết cán bộ ở Đắk Lắk hôm 11/06/2023. Ảnh TTXVN 

    Vụ người dân bất ngờ tấn công trụ sở ủy ban hai xã Ea Tiêu và Ea Ktur thuộc huyện Cư Kuin tỉnh Đắk Lắk giết chết bảy người, trong đó có bốn sĩ quan công an, đang thu hút sự quan tâm của dư luận và làm dấy lên nhiều ý kiến đa dạng. 

    SGN là tờ báo tiếng Việt ở hải ngoại sớm đưa tin về sự kiện chấn động ngay sau khi nó xảy ra (Bạo động đánh giết công an đồn trú ở Tây Nguyên) và đã có bài thứ hai (Vụ đột kích ở Đắk Lắk: Vì sao người Thượng nổi giận?) phân tích những nguyên nhân khả dĩ dẫn tới sự kiện chấn động đó và điểm qua những ý kiến bình luận trên các mạng xã hội.

    Cho đến chiều tối ngày 12 tháng Sáu, tức trưa ngày 13 tháng Sáu ở Việt Nam, hai ngày sau vụ nổ súng, vẫn không có nhiều tin tức mới về sự kiện, trừ những thông tin do công an cung cấp cho báo chí chính thức, theo đó:

    • Đã có 39 người bị bắt giam và các lực lượng đang tiếp tục truy tìm số nghi phạm còn lại.

    • Thủ tướng đã cấp bằng Tổ quốc ghi công cho 4 liệt sĩ thuộc Bộ Công an và 2 liệt sĩ thuộc tỉnh Đăk Lăk hy sinh trong khi làm nhiệm vụ là: thiếu tá Hoàng Trung và đại úy Nguyễn Đăng Nhân, công an xã Ea Ktur; thiếu tá Trần Quốc Thắng và đại úy Hà Tuấn Anh, công an xã Ea Tiêu; Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Ea Ktur Nguyễn Văn Kiên; Chủ tịch UBND xã Ea Tiêu Nguyễn Văn Dũng.

    Báo chí chính thức hoàn toàn không đề cập đến lý do vì sao người dân nổ súng tấn công cơ quan công quyền, hoặc chỉ coi đây là một vụ “khủng bố”, “sát hại người dân”, tạo căn cứ cho các dư luận viên của đảng Cộng sản lên mạng chửi bới, đòi trừng trị đích đáng những kẻ bạo loạn. Trong khi đó, trên báo chí hải ngoại và mạng xã hội, có không ít nhận định chỉ ra nguyên nhân của sự kiện là nỗi phẫn uất của người dân hai xã Ea Tiêu và Ea Ktur – chỉ cách thành phố Buôn Ma Thuột hơn 5km về phía đông nam theo đường chim bay và nằm rất gần sân bay Buôn Ma Thuột – khi họ bị cưỡng chế lấy đất phục vụ dự án xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn tránh phía đông thành phố Buôn Ma Thuột và xây khu đô thị mới Trung Hòa mở rộng thành phố.

    Những vụ người dân dùng súng đạn nói chuyện với chính quyền khi họ bị cưỡng chế ra khỏi nơi cư trú hoặc canh tác đã không còn là chuyện hiếm; có thể kể ra các vụ Đoàn Văn Vươn ở Hải Phòng, Đặng Ngọc Viết ở Thái Bình hoặc Đặng Văn Hiến ở Đắk Nông mà thông tin còn khá đầy đủ trên mạng Internet. Vụ gần đây nhất và cũng gây phẫn nộ lớn nhất là vụ nhà cầm quyền huy động 3,000 công an tấn công vào thôn Hoành xã Đồng Tâm ngoại thành Hà Nội trong đêm khuya và bắn chết ông cụ Lê Đình Kình ngay trên giường ngủ với dã tâm chiếm khu đất Đồng Sênh đang tranh chấp với dân làng.

    Trước khi xảy ra vụ nổ súng giết các viên chức chính quyền ở Đăk Lắk, người dân đã bị chính quyền cưỡng chế thu hồi đất tại xã Ea Tiêu hồi tháng Năm năm ngoái, và bị đàn áp dã man trong vụ biểu tình ngày 20 và 21 tháng Tư vừa qua để phản đối việc xả nước thải vào hồ Ea M’Ta chứa nước của khu vực khiến bảy người bị thương phải vào bệnh viện điều trị. Một nguồn tin nói, cả sáu nạn nhân của vụ tấn công đều là những quan chức tham gia và chỉ đạo vụ cưỡng chế đất và đàn áp biểu tình. Cho nên, nói đây là vụ trả thù, “tức nước vỡ bờ”, “con giun xéo mãi cũng quằn” như một số bình luận trên mạng xã hội cũng có căn cứ. 

    Tai họa đâu chỉ một ngày

     

    https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/06/Cac_doi_tuong_tham_gia_trong_vu_1686547401109.jpg


    Một người Thượng bị bắt sau vụ nổ súng ở Đắk Lắk. Ảnh Văn Thành báo CAND 

    Nhưng sự kiện ở Đắk Lắk hôm 11 tháng Sáu dường như có nguyên nhân sâu xa hơn là chuyện chính quyền cưỡng chế để lấy đất làm dự án và đây cũng không phải là lần đầu tiên một nhóm người dân cao nguyên dùng vũ khí nói chuyện với nhà cầm quyền. Vùng cao nguyên Trung phần, gọi là Tây Nguyên, từ lâu đã trở thành một điểm nóng xung đột giữa nhà cầm quyền cộng sản với các cộng đồng người dân tộc thiểu số xoay quanh ba vấn đề chính: đất đai, tín ngưỡng tôn giáo và văn hóa. Những lĩnh vực xung đột này lại bắt nguồn từ chủ trương “phát triển Tây Nguyên” của đảng Cộng sản Việt Nam thực thi trong suốt 48 năm qua, kể từ khi chiếm được miền Nam.

    Chủ trương đối với Tây Nguyên có trọng tâm là phát triển kinh tế kết hợp với an ninh quốc phòng nhưng được thực hiện bằng những chính sách sai lầm và tàn bạo, không hiểu biết về đặc tính dân tộc và văn hóa của người bản địa nên đã dẫn tới hậu quả là sự tàn phá môi sinh, đảo lộn cơ cấu dân cư và xã hội. 

    Trong một tiểu luận dài và sâu sắc dưới nhan đề “Phát triển bền vững ở Tây Nguyên”, nhà văn Nguyên Ngọc – người có hàng chục năm sống và làm việc, và có nhiều tác phẩm đặc sắc về con người và vùng đất này – đã tóm tắt các chính sách lớn của đảng CSVN là tổ chức một cuộc di cư khổng lồ khoảng 5 triệu dân từ châu thổ sông Hồng và duyên hải Nam Trung Phần lên Tây Nguyên; tổ chức toàn bộ Tây Nguyên thành các đơn vị kinh tế lớn, quốc hữu hóa toàn bộ đất và rừng Tây Nguyên, giao cho các binh đoàn làm kinh tế kết hợp với quốc phòng, người bản địa chỉ còn phần đất thổ cư và một ít đất làm rẫy.

    Hậu quả của các chính sách đó, cũng theo nhà văn Nguyên Ngọc, là dân số Tây Nguyên tăng nhanh với cường độ lớn; chỉ sau vài chục năm các dân tộc bản địa chỉ còn chiếm 15-20% dân số toàn địa bàn; làng – tế bào căn bản của xã hội Tây Nguyên – bị tan vỡ; môi trường bị tàn phá nghiêm trọng; người dân tộc bản địa bị mất đất và văn hóa Tây Nguyên bị mai một.

    Ông Nguyên Ngọc chưa đề cập tới xung đột văn hóa, trong đó khối người Kinh từ đồng bằng lên chiếm đất và khinh bỉ người dân tộc bản địa, chèn ép họ về kinh tế và chính trị, xóa bỏ văn hóa và lối sống của họ. Khối người Kinh di cư này lại là nòng cốt của chính quyền, hành xử như một lực lượng chiếm đóng, một chế độ thực dân trá hình. Có sống một thời gian ở Pleiku, Buôn Ma Thuột mới cảm được cảnh người Thượng đi làm thuê làm mướn cho các chủ trang trại người Kinh ngay trên đất đai của tổ tiên họ, phải giấu nỗi buồn trong men rượu!

    Gần đây lại có thêm xung đột tôn giáo khi những người dân Tây Nguyên theo đạo Tin Lành liên tục bị sách nhiễu, bị đánh đập để buộc họ phải từ bỏ tín ngưỡng, hoặc ngăn cản không cho họ thực hành đức tin.

    Bị tước đoạt đất đai, bị đàn áp về tôn giáo, bị khinh bỉ về văn hóa, người Thượng đã không ít lần biểu tình phản kháng trong các năm 2001, 2004 và kéo dài nhiều năm về sau. Nhà cầm quyền ở Hà Nội tổ chức đàn áp, săn đuổi khiến hàng ngàn người phải bỏ nhà cửa lánh nạn sang Cambodia và Thái Lan. Bằng chứng về những vụ đàn áp, bắt bớ, giam cầm người bản địa Tây Nguyên để ngăn họ phản đối không hiếm, rất dễ tìm thấy trên mạng, trong các cơ sở dữ liệu của các tổ chức nhân quyền, tự do tôn giáo hoặc các cơ quan truyền thông quốc tế.

    Những chính sách và lối cai trị của chính quyền cộng sản đối với người Thượng ở Tây Nguyên không khác nhiều so với cách mà Trung Quốc cư xử với người Tây Tạng và người theo Hồi giáo ở Tân Cương, Thanh Hải – một chủ trương diệt chủng từ từ bằng đàn áp và đồng hóa. Cũng như ở Trung Quốc, sự phản kháng của người Thượng ở Tây Nguyên đã được cảnh báo từ lâu, sớm muộn cũng sẽ xảy ra nếu nhà cầm quyền không thay đổi chính sách. 

    Bạo lực kích thích bạo lực

    https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/06/vu-tan-cong-o-Dac-Lac-4549-1686627021.jpg


    Công an và lực lượng đặc nhiệm truy bắt các nghi can tại cầu Cá Ngựa, thôn Đồng Sơn, huyện Cư Kuin. Ảnh TTXVN 

    Trước nỗi đau khổ và phẫn nộ của các cộng đồng người Thượng Tây Nguyên, thay vì tìm hiểu tình hình và đối thoại để đề ra giải pháp, chính quyền cộng sản chỉ sử dụng bạo lực để trấn áp. Đảng CSVN lập ra Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, trong đó công an và quân đội giữ vai trò nòng cốt, để “bình định” vùng đất này, đập tan những vụ phản kháng của người dân. 

    Đảng CSVN không bao giờ coi các vụ biểu tình, phản kháng của người Tây Nguyên là do chính sách sai lầm của họ mà luôn lập luận người dân bị các “thế lực thù địch” lợi dụng, tổ chức và xúi giục để chống lại chính quyền. Thế lực thù địch đó đôi khi họ bảo là Mặt trận Thống nhất Đấu tranh của các Sắc tộc bị Áp bức (FULRO) – một tổ chức vũ trang đã tan rã từ lâu, có khi là đạo Tin Lành Đề Ga – một thứ tôn giáo chưa ai từng biết đến. Cho đến nay, Tin Lành Đề Ga và FULRO vẫn là lý do chính để chính quyền vin vào đó mà đẩy những người bản địa bất đồng chính kiến, có tinh thần phản kháng vào nhà giam dù thực chất hai bóng ma này hầu như chỉ tồn tại trong nỗi hoang tưởng của nhà cầm quyền. Có điều, bạo lực sẽ kích thích bạo lực, tạo ra một cái vòng lẩn quẩn không lối thoát.

    Lần này, ngay sau khi xảy ra vụ nổ súng ở trụ sở hai xã Ea Tiêu và Ea Ktur, nhà cầm quyền lập tức điều động các đơn vị công an và quân đội phong tỏa khu vực, thiết lập nhiều lớp kiểm tra, tuần tra để truy lùng nghi phạm đồng thời ngăn chặn thông tin từ người dân, từ các nguồn độc lập để có thể có bức tranh đầy đủ về vụ việc.

    Đồng thời, thông qua các cơ quan báo chí do chính quyền kiểm soát, đảng CSVN nhanh chóng tuyên truyền rằng vụ tấn công là hành động khủng bố, tạo cớ để kích thích sự lên án của công chúng đối với các nghi phạm, và biện minh cho hành vi tra tấn, ép cung, tước đoạt nhân quyền của những người bị bắt. Khủng bố thường được hiểu là hành vi bạo lực nhắm mục tiêu vào thường dân, những người vô tội và không có phương tiện tự bảo vệ; vụ tấn công cơ quan công quyền, giết chết các quan chức lãnh đạo đảng và sĩ quan công an – những người có vũ khí bất ly thân – có thể không hoàn toàn là hành vi khủng bố mà chỉ là sự phản kháng bằng bạo lực trong hoàn cảnh tuyệt vọng của những người dân bị ép vào đường cùng bởi một nhà nước bạo lực.

    Dùng bạo lực của nhà nước để trấn áp hành vi phản kháng bằng bạo lực của người dân, coi dân như kẻ thù, thì chỉ gieo thêm mầm bạo lực tồi tệ hơn trong tương lai.

    https://saigonnhonews.com/thoi-su/viet-nam/vu-no-sung-o-dak-lak-tai-hoa-dau-chi-mot-ngay/

    Tranh chấp đất đai ở Tây nguyên

    Hồng Dân – Định Tường/VNTB

    13/6/2023

    VNTB – Tranh chấp đất đai ở Tây nguyên

    Tranh chấp trong sử dụng đất lâm nghiệp gắn liền với vấn đề phá rừng, lấn chiếm rừng, di dân tự do… đã có từ thời Tây Nguyên được gọi là “Hoàng triều cương thổ”.

    Theo dòng lịch sử

    Xứ Thượng Nam Đông Dương, tiếng Pháp: Pays Montagnard du Sud Indochinois, viết tắt là PMSI, là một đơn vị hành chính tự trị của Liên bang Đông Dương tại khu vực Tây nguyên. Đơn vị hành chính này tồn tại từ 27 tháng 5 năm 1946 đến năm 1950 thì sáp nhập vào Hoàng triều cương thổ (tiếng Pháp: Domaine De La Couronne) theo Dụ số 6 của Quốc trưởng Bảo Đại.

    Xứ Thượng Nam Đông Dương gồm có 5 tỉnh vùng Cao nguyên Trung phần, gồm: Đồng Nai Thượng, Lang Biang, Pleiku, Darlac, Kontum. Thủ phủ của Xứ Thượng sơ khởi đặt tại Đà Lạt, sau đó chuyển tới Ban Mê Thuột.

    Sau hiệp ước 8 tháng 3 năm 1949 được ký kết giữa Quốc trưởng Bảo Đại và Tổng thống Pháp Vincent Auriol công nhận Quốc gia Việt Nam, thì quy chế tự trị của các sắc tộc thiểu số được gộp lại dưới danh hiệu Hoàng triều Cương thổ, và Xứ Thượng Nam Đông Dương chính thức kết thúc.

    Tại vùng này thì Bảo Đại ngoài danh nghĩa Quốc trưởng ra vẫn giữ vai trò Hoàng đế.

    Ngày 21-5-1951, Quốc trưởng Bảo Đại ban hành “Quy chế 16” với chín điều khoản đặt nền móng cho việc cai trị Xứ Thượng, và có lẽ những nội dung này là nguyên cớ cho các xung đột sắc tộc về sau, bất chấp thể chính trị. Nội dung các điều khoản đó có thể tóm tắt như sau: Quyền lợi tối cao của Quốc gia Việt Nam được bảo đảm cùng với quyền lợi của các sắc tộc thiểu số;

    Cao nguyên trực thuộc Quốc trưởng; Người Thượng cần tham gia vào việc phát triển Cao nguyên; Tôn trọng hệ thống bộ lạc và chức sắc kế truyền của người Thượng; Thành lập Hội đồng Kinh tế; Thành lập Tòa án Phong tục Thượng; Bảo đảm quyền sở hữu đất đai của người Thượng; Phát triển cơ cấu dịch vụ xã hội ở Cao nguyên như y tế, giáo dục; Thành lập đơn vị riêng quân sự riêng biệt cho người Thượng với ưu tiên phục vụ ở Cao nguyên.

    Đến năm 1955, khi Ngô Đình Diệm phế truất vua Bảo Đại, thành lập nền Đệ nhất Cộng hòa đã sáp nhập Hoàng triều cương thổ vào lại Trung phần và vùng đất này được gọi với tên là vùng Cao nguyên Trung phần.

    Ngày 10-8-1954, quy chế Hoàng triều cương thổ bị xóa bỏ. Thủ tướng Ngô Đình Diệm thông qua Dụ số 21 ngày 11-3-1955 và Quốc trưởng Bảo Đại chấp thuận, chính thức sáp nhập Hoàng triều cương thổ lại vào Trung phần, chấm dứt đặc quyền của người Pháp và Quốc trưởng trên vùng Thượng và danh xưng Cao nguyên Trung phần được dùng lại.

    Tranh chấp đất đai trên địa bàn các tỉnh Tây nguyên hiện nay

    Ghi nhận tại hội thảo “Đánh giá thực trạng tranh chấp đất đai và giải quyết tranh chấp đất đai trên địa bàn các tỉnh Tây nguyên hiện nay” do UBND tỉnh Đắk Lắk phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, trường Đại học Luật Hà Nội tổ chức, thì vấn đề luật tục và luật pháp hiện hành được xem là những mâu thuẫn đưa đến xung đột về tranh chấp đất đai.

    Theo đó, đồng bào ở Tây nguyên coi đất đai là tài sản chung của cộng đồng buôn làng. Đó là sự kết nối thiêng liêng giữa các thế hệ từ ông, bà tổ tiên trước đây truyền lại cho các thế hệ sinh sống trong buôn làng: Đất đai, sông suối, cây rừng (là) cái nong, cái nia, cái lưng của ông (bà).

    Đất này là của bà xưa ông cũ để lại, điều đó người ta đã truyền miệng lại cho nhau đời này qua đời khác.

    Có thể thấy rằng, luật tục đã rất xem trọng yếu tố con người trong mối tương quan với thế giới tự nhiên, với cộng đồng và tín ngưỡng. Thứ đến là vấn đề sở hữu tài sản. Mọi của cải trong gia đình đều thuộc quyền quản lý của mẹ hay người đại diện cho mẹ là chị cả.

    Việc thừa kế tài sản cũng được tính theo dòng mẹ. Một phần của cải của người chồng đã chết cũng phải đem trả về cho mẹ hay chị em gái của anh ta.

    Thế nhưng ở thế chế chính trị hiện tại thì đất đai thuộc sở hữu toàn dân, nên người dân chỉ có thể chiếm hữu, sử dụng đất thông qua việc Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép nhận, chuyển nhượng quyền sử dụng đất và công nhận quyền sử dụng đất.

    Chính lẽ trên nên căn cứ theo pháp luật hiện hành thì cộng đồng buôn làng chỉ có quyền chiếm hữu, sử dụng đất hợp pháp khi được Nhà nước Việt Nam giao đất; cá nhân, hộ gia đình chỉ có quyền chiếm hữu, sử dụng đất thông qua việc Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép nhận, chuyển nhượng quyền sử dụng đất và công nhận quyền sử dụng đất.

    Những điều kể trên về nguyên tắc là hoàn toàn “xa lạ” với quan niệm của đồng bào Tây nguyên về sở hữu đất đai. Đặc biệt là, trong bối cảnh vùng Tây nguyên, người dân tộc thiểu số ở đây vẫn tự phát lấy đất rừng làm rẫy mà không cần quan tâm đất đai đó đang thuộc sở hữu toàn dân theo quy định của Nhà nước Việt Nam.

    Theo quan niệm của người dân sắc tộc ở Tây nguyên, khi người dân đặt chân tới, lao động và hưởng lợi từ một mảnh đất, thì điều đó có nghĩa là họ đã sở hữu mảnh đất đó.

    Bên cạnh đó, bao đời nay người Tây nguyên cũng quan niệm đất rẫy thuộc quyền sở hữu của người khai phá đầu tiên. Nếu họ chết, đất đó được truyền cho con cháu. Cộng đồng buôn làng khẳng định quyền sở hữu của họ. Những người thừa kế không có quyền bán đất đó cho người khác mà chỉ có thể để thừa kế lại cho con cháu, coi đất rẫy là tài sản của gia tộc được lưu truyền từ đời này sang đời khác.

    Tất cả những vấn đề thuộc luật tục ở trên là một trong những nguyên nhân làm phát sinh tranh chấp đất đai trên địa bàn các tỉnh Tây nguyên.

    https://vietnamthoibao.org/vntb-tranh-chap-dat-dai-o-tay-nguyen/

    Vụ nổ súng Đắk Lắk: 39 nghi phạm bị bắt giữ - mạng xã hội có gì?

    RFA
    13/6/2023


    Vụ nổ súng Đắk Lắk: 39 nghi phạm bị bắt giữ - mạng xã hội có gì?

    Ảnh chụp màn hình Tiktok đưa các video về vụ việc xảy ra ở Cư Kuin - Đắk Lắk 

    https://www.rfa.org/++plone++rfa-resources/img/icon-zoom.pngRFA 

    Bộ Công an sáng 13/6 cho biết, có tổng cộng 39 nghi phạm liên quan đến vụ tấn công vào hai cơ quan công quyền ở huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk bị bắt giữ, trong khi các đoạn video, hình ảnh trên mạng xã hội cho thấy các vụ bắt giữ người. 

    Cụ thể, Cổng thông tin điện tử của bộ này (mps.gov.vn) cho hay, trong đêm 12/6 có hai người ra đầu thú và có 10 người khác bị bắt giữ. 

    Bộ Công an trong bản tin cập nhật mới nhất sử dụng cụm từ "nhóm đối tượng gây mất an ninh, trật tự tại UBND xã Ea Tiêu và xã Ea Ktur", tuyệt nhiên không đề cập đến việc tấn công vũ trang hay khủng bố. 

    Cơ quan này cũng cho biết, đang tiếp tục truy bắt những đối tượng còn lại đồng thời "kêu gọi những người phạm tội sớm ra đầu thú để được hưởng khoan hồng."

    Trong khi đó, tối 12/6, Tỉnh ủy - Hội đồng nhân dân - Ủy ban nhân dân - Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam tỉnh Đắk Lắk ra thư, bày tỏ "kịch liệt lên án hành động tấn công trụ sở cơ quan nhà nước, giết người, vi phạm nghiêm trọng pháp luật của nhóm đối tượng đã gây ra", đồng thời "chia sẻ với những đau thương và mất mát to lớn của gia đình các chiến sỹ công an, cán bộ và người dân."

    Các cơ quan Đảng và công quyền này kêu gọi "không đăng tải, chia sẻ các thông tin liên quan trên mạng xã hội khi chưa được kiểm chứng", và  "nêu cao cảnh giác, tuyệt đối “không nghe, không tin, không theo” các đối tượng phản động, các thế lực thù địch lợi dụng tình hình để xuyên tạc, lôi kéo chống đối chính quyền địa phương, gây mất an ninh chính trị trên địa bàn." 

    Mạng xã hội có gì? 

    Trái với sự im ắng của báo chí nhà nước khi hầu hết chỉ đưa lại các bản tin từ Bộ Công an, người dùng mạng xã hội đăng tải các đoạn video, hình ảnh cho thấy diễn biến của các vụ bắt giữ những nghi phạm của cơ quan công an. 

    Một đoạn video đăng tải hôm 12/6 cho thấy, hai thanh niên người đồng bào mặc quần rằn ri đi xe máy trên đường đến trước cửa hàng sâm yến An Nhiên, địa chỉ ở thôn Kim Châu, xã Đray Bhăng, huyện Cư Kuin thì bị ba viên công an mặc áo giáp nổ súng chỉ thiên và ra giữa đường ngăn chặn. 

    Hai thanh niên đi trên xe ô tô đen áp sát phía sau, xuống xe giúp khống chế hai người đồng bào, cùng lúc người tài xế dùng gậy ba khúc đánh nhiều lần vào đầu của một trong hai thanh niên nêu trên, mặc dù chưa biết chính xác họ là ai. 

    Không lâu sau đó, hai thanh niên này bị trói ngoặc tay ra phía sau và cảnh sát cơ động đưa lên xe cứu thương biển số 47C-2806 (của tỉnh Đắk Lắk).

    Tài khoản Tiktok W.H này cũng đăng tải video cho thấy, cảnh sát đang rượt đuổi một người dân ngay trước cổng "Thôn 4 Thôn Văn Hóa", nhưng người quay phim mau chóng đính chính "người nhà em đó", nên họ dừng lại không đuổi nữa.  

    Một số video khác cho thấy, cảnh sát cơ động bắt giữ lần lượt những người đồng bào mà họ cho rằng có liên quan đến vụ việc, tra khảo tìm người cầm đầu, vũ khí...

    Các đoạn video này mặc dù không rõ địa điểm quay do địa hình rừng núi, tuy nhiên các tài khoản đăng tải cho biết vụ việc xảy ra ở Đắk Lắk, và các video này đều là lần đầu được phóng viên nhìn thấy trên các nền tảng mạng xã hội, cũng như các cuộc nói chuyện, tra khảo đều gợi ý đến vụ việc xảy ra vào rạng sáng 11/6. 

    https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/daklak-update-03-13062023-06132023053223.html


    Không có nhận xét nào