Header Ads

  • Breaking News

    Vũ khí được phương Tây mua cho Ukraine hầu như bị hỏng hoặc không được giao đến

    New York Times

    Cù Tuấn, biên dịch

    20/6/2023

    Tóm tắt: Một số vũ khí do các quốc gia khác gửi đến Ukraine đã không thể sử dụng được và hàng trăm triệu đô la trong các hợp đồng đã được thanh toán trước mà vẫn chưa được giao hàng.

    Ukraine đã trả cho các nhà thầu hàng trăm triệu đô la Mỹ cho những vũ khí chưa được chuyển giao, và một số vũ khí được các đồng minh tặng đã cũ nát đến mức chúng chỉ phù hợp để làm phụ tùng thay thế.

    Các tài liệu của chính phủ Ukraine cho thấy tính đến cuối năm ngoái, Kyiv đã trả cho các công ty cung cấp vũ khí hơn 800 triệu đô la kể từ cuộc xâm lược của Nga vào tháng 2 năm 2022 đối với các hợp đồng không được thực hiện hoàn toàn hoặc một phần.

    Hai công ty liên quan đến việc mua vũ khí của Ukraine nói rằng số lượng vũ khí bị thiếu cuối cùng đã được chuyển giao, và trong những trường hợp khác thì những người môi giới đã hoàn lại tiền. Nhưng vào đầu mùa xuân năm nay, hàng trăm triệu đô la đã được trả trước – kể cả cho các công ty nhà nước – để mua vũ khí mà không được giao chút gì, một trong những công ty này cho biết.

    Volodymyr Havrylov, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng làm việc về mua sắm vũ khí, cho biết trong một cuộc phỏng vấn gần đây: “Chúng tôi đã có những trường hợp trả tiền nhưng không nhận được hàng”. Ông cho biết chính phủ Ukraine năm nay đã bắt đầu phân tích các giao dịch mua vũ khí trước đây và loại bỏ các nhà thầu có vấn đề.

    Các vấn đề là không thể tránh khỏi trong một chuỗi mua bán vũ khí điên cuồng với quy mô như của Ukraine. Kể từ khi Nga xâm lược vào năm ngoái, các đồng minh phương Tây đã gửi cho Ukraine số vũ khí trị giá hàng chục tỷ đô la. Tính đến tuần trước, chỉ riêng Hoa Kỳ đã cam kết viện trợ quân sự trị giá khoảng 40 tỷ đô la (và nhiều hơn nữa về hỗ trợ tài chính và nhân đạo), và các đồng minh châu Âu cũng đã đóng góp hàng chục tỷ đô la. Ngoài ra, Ukraine đã chi hàng tỷ đô la cho thị trường vũ khí tư nhân.

    Nhiều hoạt động chuyển giao từ các đồng minh phương Tây có liên quan đến vũ khí hiện đại như hệ thống phòng không của Mỹ đã được chứng minh là có hiệu quả cao trước máy bay không người lái và tên lửa của Nga. Nhưng đối với những trường hợp khác, các đồng minh đã cung cấp các thiết bị trong kho dự trữ mà tối thiểu cần phải đại tu toàn diện.

    Các chuyên gia quốc phòng cho biết, có tới 30% vũ khí của Kyiv đang được sửa chữa vào bất kỳ thời điểm nào – một tỷ lệ cao đối với một quân đội đang cần mọi loại vũ khí có thể có để thực hiện phản công.

    Ben Barry, một chuyên gia chiến tranh trên bộ tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế ở London, cho biết: “Nếu tôi là người đứng đầu một quân đội đã tặng bộ vũ khí cho Ukraine, tôi sẽ rất xấu hổ về mặt chuyên môn nếu đống vũ khí đó không sử dụng được”.

    Việc chuyển giao 33 khẩu lựu pháo tự hành gần đây do chính phủ Ý cho tặng là một ví dụ điển hình. Các video cho thấy khói bốc lên từ động cơ của một khẩu pháo và chất làm mát động cơ rò rỉ từ một khẩu pháo khác.

    Bộ Quốc phòng Ý cho biết trong một tuyên bố rằng các phương tiện này đã ngừng hoạt động nhiều năm trước nhưng Ukraine vẫn yêu cầu chúng “được đại tu và chuyển giao, do nhu cầu cấp thiết về phương tiện để đối mặt với sự xâm lược của Nga”.

    Các tài liệu của chính phủ Ukraine cho thấy Bộ Quốc phòng nước này đã trả 19,8 triệu đô la cho một đại lý vũ khí của Mỹ, Tập đoàn Ultra Defense có trụ sở tại Tampa, để sửa chữa 33 khẩu lựu pháo này. Vào tháng 1, 13 trong số những khẩu lựu pháo đó đã được chuyển đến Ukraine nhưng đến nơi “không phù hợp cho các nhiệm vụ chiến đấu”, theo giấy tờ đi kèm.

    Các quan chức ở Kiev cáo buộc công ty Mỹ trên không hoàn thành công việc đáng lẽ phải hoàn thành vào cuối tháng 12. “Công ty Mỹ này trước đó không có ý định thực hiện nghĩa vụ sửa chữa của mình”, giám đốc mua sắm quốc phòng của Ukraine, Volodymyr Pikuzo, đã viết trong một bức thư ngày 3 tháng 2 gửi tổng thanh tra Lầu Năm Góc.

    Matthew Herring, giám đốc điều hành của công ty trên, đã phủ nhận mạnh mẽ lời buộc tội. “Mỗi khẩu pháo đều hoạt động tốt khi chúng tôi giao chúng”, ông viết trong một tin nhắn vào tháng này, nói rằng quân đội Ukraine đã không bảo dưỡng đúng cách các khẩu pháo sau khi chúng được bàn giao. Việc bảo dưỡng sai này bao gồm việc rò rỉ chất làm mát, thứ mà Herring nói đã “xuất hiện một cách kỳ diệu sau khi giao hàng ở Ukraine”.

    Tổng thanh tra Lầu Năm Góc đang điều tra vấn đề này, theo một quan chức quốc phòng Hoa Kỳ và một người Mỹ đã làm việc với Ukraine để mua vũ khí.

    Các quan chức Ukraine hầu như không phàn nàn về các thiết bị bị hỏng, để không làm mất mặt các nhà tài trợ. Ông Havrylov nói: “Có vấn đề về chất lượng đối với một số khẩu pháo, nhưng chúng tôi phải nhớ rằng đó là một món quà tặng”.

    Nhưng chính phủ ở Kiev đã trở nên mệt mỏi, một quan chức cấp cao khác của Ukraine cho biết, khi được thông báo rằng họ có đủ vũ khí của phương Tây, trong khi một số vũ khí này đang trong tình trạng tồi tệ hoặc không sử dụng được, bị loại khỏi chiến trường và bị xẻ thịt để lấy phụ tùng.

    Quan chức này, giống như một số người khác được phỏng vấn, đã phát biểu với điều kiện giấu tên để thảo luận thẳng thắn về một vấn đề an ninh nhạy cảm có nguy cơ gây xích mích giữa các đồng minh. Bộ Quốc phòng Ukraine đã từ chối bình luận.

    Các vấn đề về trang bị vũ khí cho quân đội cũng lâu đời như chính Ukraine thời hậu Xô Viết. Chúng kéo dài hàng thập kỷ giữa các phe phái cạnh tranh với tầm nhìn khác nhau đối với ngành công nghiệp vũ khí của đất nước này.

    Sau khi Ukraine giành được độc lập vào năm 1991, nước này đã kiếm được một khoản tiền đáng kể bằng cách bán bớt các mặt hàng từ kho vũ khí phong phú thời Liên Xô. Kho vũ khí của Ukraine đã bị thu nhỏ, đặc biệt là dưới thời Tổng thống Viktor F. Yanukovych, nhà lãnh đạo thân Nga của Ukraine vào đầu những năm 2010. Trong những năm sau khi Nga sáp nhập Crimea vào năm 2014, một cuộc tranh luận sôi nổi đã nổ ra về việc có nên khôi phục ngành công nghiệp vũ khí của nước này hay không và ở mức độ nào.

    Nhưng những thay đổi này diễn ra chậm chạp, và khi Nga xâm lược Ukraine vào năm ngoái, Kyiv đã thấy họ không có đủ vũ khí và đạn dược. Các nhà lãnh đạo Ukraine điên cuồng tìm vũ khí bất cứ nơi nào họ có thể. Ông Havrylov cho biết các nhà môi giới, trong số này có nhiều người không đáng tin cậy, lao đến Ukraine với những lời đề nghị.

    Các tài liệu mà The New York Times có được, đến từ một cuộc kiểm toán của chính phủ Mỹ trong năm nay, cho thấy một số bộ hợp đồng chưa được giao có giá trị nhất là giữa Bộ Quốc phòng và các công ty vũ khí nhà nước Ukraine hoạt động như những nhà môi giới độc lập. Trong những tháng gần đây, Bộ này đã kiện ít nhất hai trong số các công ty nhà nước đó về các hợp đồng không được thực hiện, và Ukraine gần đây đã công bố các cải cách nhằm làm cho các công ty đó hoạt động hiệu quả hơn.

    Cũng có vấn đề tương tự với các thiết bị do phương Tây tài trợ, điều này góp phần khiến một số vũ khí được chuyển giao quá muộn hoặc không thể đoán trước thời hạn, làm phức tạp hóa kế hoạch phản công của Ukraine.

    Một báo cáo của tổng thanh tra Lầu Năm Góc được công bố vào cuối tháng 5 minh họa một số vấn đề.

    Mùa hè năm ngoái, một đơn vị Quân đội Mỹ được lệnh vận chuyển 29 chiếc Humvee tới Ukraine từ một kho hàng ở Trại Arifjan, một căn cứ ở Kuwait. Theo báo cáo của Lầu Năm Góc, mặc dù các lãnh đạo của đơn vị trước đó đã nói rằng trừ một chiếc Humvee, tất cả đều “có khả năng thực hiện đầy đủ mọi nhiệm vụ”, nhưng cuộc kiểm tra ban đầu sau khi nhận được đơn đặt hàng cho thấy 26 chiếc trong số đó đã hỏng nặng, không thể chiến đấu.

    Đến cuối tháng 8, các nhà thầu đã sửa chữa hộp số, pin chết, rò rỉ dầu, đèn hỏng, chốt cửa và dây an toàn trên những chiếc Humvee này, đồng thời báo cáo rằng tất cả 29 chiếc đã sẵn sàng đến Ukraine. Công việc sửa chữa đã được đơn vị Quân đội Mỹ ở Kuwait xác minh.

    Nhưng khi những chiếc Humvees này được chuyển đến một căn cứ dàn dựng ở Ba Lan, các quan chức phát hiện ra rằng lốp của 25 chiếc đã bị hỏng. Báo cáo của Lầu Năm Góc cho biết phải mất gần một tháng để tìm đủ lốp xe thay thế, điều này “làm chậm quá trình vận chuyển các thiết bị khác tới Ukraine và đòi hỏi thời gian và công sức đáng kể”.

    Đơn vị Quân đội Mỹ tương tự ở Kuwait cũng được cho là đã gửi sáu khẩu pháo M777 tới Ukraine chỉ vài tuần sau khi bắt đầu cuộc xâm lược toàn diện của Nga. Tuy nhiên, hóa ra, các khẩu M777 này “cần được bảo dưỡng kỹ lưỡng” trước khi chúng có thể được vận chuyển, bởi vì chúng đã không được bảo dưỡng thường xuyên trong 19 tháng, báo cáo của Lầu Năm Góc cho biết.

    Các thanh tra viên đã kết luận vào tháng 3 năm 2022 rằng ít nhất một khẩu M777 ở tình trạng tồi tệ đến mức “có thể giết chết ai đó” nếu được sử dụng.

    Ba tháng sau, những khẩu lựu pháo này đã được sửa chữa và chuyển đến kho trung tâm ở Ba Lan. Nhưng các quan chức ở đó vẫn kết luận rằng cả sáu chiếc “có lỗi khiến chúng không thể thực hiện được nhiệm vụ”, theo kiểm toán của Lầu Năm Góc. Chúng đã được sửa chữa ở Ba Lan trước khi được gửi đến Ukraine.

    Một số hệ thống vũ khí hoặc quá khan hiếm hoặc dễ bị hỏng hóc đến mức Ukraine đã biến ít nhất một số thiết bị bị lỗi của phương Tây làm nguồn cung cấp phụ tùng.

    Vào tháng 1, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace đã công bố kế hoạch chuyển giao pháo tự hành AS-90 cho Ukraine, bao gồm cả một số khẩu pháo trong “các trạng thái sẵn sàng khác nhau”. Bộ Quốc phòng Anh cho biết trong một tuyên bố hồi tháng 3 rằng 12 khẩu pháo yêu cầu Ukraine “hoặc phải tân trang hoặc chỉ dùng để lấy phụ tùng”.

    Quan chức cấp cao Ukraine xác nhận rằng 12 khẩu pháo trên chỉ được dùng để cung cấp phụ tùng thay thế cho những khẩu pháo khác.

    https://baotiengdan.com/2023/06/20


    Không có nhận xét nào