Header Ads

  • Breaking News

    Vĩnh Liêm – Nguồn thơ dậy lửa Phần VI kỳ 3

    (Nỗi lòng của người Chưa Thua Cuộc)




    Nếu tính từ ngày 30-4-1975, một số người Việt tị nạn tại Hoa Kỳ đã sống qua 48 năm. Sống ở Mỹ đã 48 năm rồi thì chúng ta có cảm giác như thế nào? Chúng ta có nhớ quê hương hay không? Chúng ta có làm được điều gì để giúp đồng bào ở quê nhà sớm thoát khỏi ách kềm kẹp của bạo quyền CS hay không? Tôi thiết nghĩ rằng có thể đã có một số người làm được nhiều điều hữu ích cho đồng bào ruột thịt ở quê nhà. Riêng cá nhân Vĩnh Liêm thì chỉ biết dùng giấy bút để bày tỏ nỗi lòng trắc ẩn của mình qua những vần thơ. Nay, Vĩnh Liêm gom góp lại những bài thơ ấy, tạm gọi là “NGUỒN THƠ DẬY LỬA”. Tác giả chia nó làm 7 phần, sắp xếp theo những ý tưởng (chủ quan) như sau:



    PHẦN I: GIẢI PHÓNG (Những hành động đốt sách và kinh tế mới của VC…)

    PHẦN II: CON ĐƯỜNG CỦA “BÁC” (Những chiêu bài hòa đàm, hòa bình, hiệp định…)

    PHẦN III: ĐỔI MỚI (Những bùa phép, chính sách, bao cấp, cởi trói, kinh tế mới…)

    PHẦN IV: ĐỊNH HƯỚNG (Xã hội chủ nghĩa, quốc doanh, thị trường, sở hữu hóa toàn dân…)

    PHẦN V: KẺ THÙ LỊCH SỬ (Hồ Chí Minh, Võ Văn Kiệt, cán bộ VC cao cấp…)

    PHẦN VI: GIỤC LÒNG ÁI QUỐC (Nhắc nhở thanh niên lòng yêu nước)

    PHẦN VII: THA THIẾT (Nỗi lòng ái quốc đối với quê hương)

    Xin mời quý vị ghé mắt qua những dòng thơ tạm gọi là “dậy lửa” do Vĩnh Liêm đã làm trong suốt 48 năm xa quê hương. 


    (Thung lũng Liên-Sơn, 26-01-2023)

    VĨNH LIÊM

    ----------------

    Phần VI - Kỳ 3 (Tiếp theo Kỳ 2)

    11. GIẤC MỘNG


    Đoàn tầu đáp phi trường Tân Sơn Nhứt,

    Một rừng cờ vàng rực phất phơ bay.

    Đoàn lữ hành náo nức vẫy đôi tay,

    Dàn biểu ngữ mỉm cười trong nắng ấm.



    Những khẩu hiệu thân thương, tình rất đậm:

    “Hân hoan chào mừng đại biểu năm Châu”,

    “Tình quân dân khắng khít đợi chờ nhau”,

    “Mừng chiến hữu vinh quang trong chiến thắng”…


    Thật cảm động trước chân tình trao tặng!

    Niềm hân hoan trộn lẫn chút bùi ngùi.

    Các cụ bà lau dòng lệ sụt sùi,

    Đây sự thực hay là trong giấc mộng?


    Tiếng xe nghiến trên mặt đường gió lộng,

    Khắp phố phường chật ních bóng người xem.

    Những cụ già gầy ốm, dáng hom hem,

    Đàn trẻ nít nở nụ cười héo hắt.


    (Nhà quê Việt Nam_Hình minh họa từ Internet)


    Đây: Hậu quả nhiều năm trong tay giặc,

    Bắt dân lành làm nô lệ không công.

    Vừa ngu dân, vừa đàn áp, bất công,

    Vừa bóc lột, vừa hô hào “dân chủ”.


    Dân nhẹ dạ nên nghe lời khuyến dụ,

    Sực tỉnh người mới biết chúng gian manh.

    Tiếng kêu gào chẳng thấu được trời xanh,

    Hồn Dân Tộc cũng ngậm ngùi, uất ức.


    Sự chiến đấu trong nhiều năm khổ cực,

    Mới có ngày chiến thắng của hôm nay.

    Sài Gòn ơi! Ta trở lại nơi này,

    Đem hạnh phúc cho mọi người phấn khởi.


    Giờ đã điểm, xin mọi người vươn tới,

    Nắm tay nhau trong tình nghĩa anh em.

    Xây đời vui, xóa bỏ mọi màn đêm,

    Đời rực sáng, chan hòa tình dân tộc.


    Niềm hoan hỉ rộn tiếng cười, tiếng khóc…

    Tỉnh cơn mơ, giấc mộng vẫn còn nguyên!

    Làm thế nào giấc mộng trở thành duyên?

    Mộng là thực, ngày trở về thật ngắn.


    (Đức Phố, 12-04-1998)

    VĨNH LIÊM

    -------------------

    12. QUỐC HẬN


    Thời gian vẫn trôi đều không trở lại,
    Nhưng con người ôm quá khứ đau thương.
    Có những điều ta còn mãi vấn vương,
    Nhục vong quốc mà ta chưa rửa được!



    Ngày Quốc Hận năm nay như năm trước,
    Vẫn là ngày Quốc Hận của năm sau!
    Nếu mọi người còn chung một niềm đau,
    Còn quay quắt ôm nỗi sầu vong quốc.

    Quên sao được những niềm đau thảm khốc!
    Những chia lìa, những mất mát thân thương.
    Những tinh hoa cùng tinh túy quê hương...
    Giờ còn lại đống tro tàn dĩ vãng!

    Ðấy, hậu quả kinh qua ngày quốc nạn,
    Ngày thảm sầu, ngày vượt thoát gian nguy.
    Chọn lựa nào? Ở lại hoặc ra đi?
    “Ở” cũng chết, mà “đi” càng nguy hiểm!

    Giờ lịch sử đau thương như đã điểm,
    Ta không còn chọn lựa cách nào hơn!
    Miền Nam ơi! Ðây chung một mối hờn!
    Ai tước đoạt quyền tự do dân tộc?

    Ngày đen tối, cả Miền Nam bật khóc,
    Các anh hùng tự tận để làm gương.
    Binh sĩ ta chiến đấu rất can trường,
    Không chấp nhận đầu hàng trong nhục nhã.





    Hỡi chiến sĩ! Những anh hùng gan dạ!
    Ngày năm xưa, giờ anh ở nơi đâu?
    Chúng ta còn thao thức suốt canh thâu,
    Cùng ôn lại bài học xưa đau đớn.

    Hỡi! Những kẻ giàu sang đang phè phỡn!
    Trước niềm đau Quốc Hận của dân Nam!
    Hỡi! Những người từng buôn bán gian tham!
    Cam tâm sống trên đống tiền vơ vét!

    Nhục vong quốc làm sao ta rửa hết?
    Mối thù chung sao ai nỡ làm ngơ?
    Mãi chờ trông “lãnh tụ” – đến bao giờ?
    Còn ủ rũ – làm được gì lợi ích?

    Lòng nguội lạnh hay không còn ưa thích?
    Chuyện nước nhà là chuyện của người dưng?
    Nên không cùng đấu cật với chung lưng,
    Mặc việc nước, miễn sao mình no đủ?

    Ngày Quốc Hận năm nay, ai thức ngủ?
    Ai thành tâm thắp sáng một niềm tin?
    Ai lo toan cho hạnh phúc dân mình?
    Hãy đứng dậy cùng đi làm lịch sử!

    Giờ đã điểm, ta không còn do dự,
    Lịch sử nào cũng có lúc sang trang.
    Là anh hùng nên dõng dạc, hiên ngang,
    Viết trang sử, tạo nên thời thế mới.

    Hãy đứng dậy cùng anh em đi tới,
    Thiên-địa-nhân ta nắm chặt trong tay.
    Thế bên trong, thời đang ở bên ngoài,
    “Cùng tắc biến, biến tắc thông” là thế!

    Giờ đã điểm, đừng chần chờ, câu nệ...
    Hãy hiên ngang lật lịch sử sang trang.
    Xưa ta “thua”, giờ địch phải đầu hàng,
    Có thế chứ! Vững niềm tin đi tới!

    Người trong nước đang nức lòng trông đợi,
    Trong và ngoài cùng nắm chặt tay nhau.
    Ngày vinh quang xóa sạch mọi niềm đau,
    Dựng lại nước, dựng lại người trong sáng.





    Hỡi hào kiệt bốn phương! Ngày quốc nạn
    Sẽ không còn vương vấn ở tâm tư.
    Nếu chúng ta quyết chí, chẳng chần chừ,
    Thắp ngọn đuốc soi niềm tin phấn khởi.

    Giờ lịch sử, ngẫng đầu cao bước tới!


    (Ðức Phố, 25-4-1998)
    VĨNH LIÊM

    -------------------

    13. TÌNH ĐẤT NƯỚC

    (Tặng các bạn trẻ Việt Nam)


    Tình đất nuớc là khối tình dân tộc,

    Tự nghìn năm gắn bó với quê hương.

    Là khối tình trong trắng rất thân thương,

    Khi mở mắt chào đời trong tay Mẹ.


    Không ai dạy mà tình thương lớn lẹ,

    Nhờ cội nguồn Dân Tộc, tấm lòng Cha.

    Nguồn sử xanh ôm ấp dãy sơn hà,

    Cho dân Việt một tấm lòng chung thủy.


    Tình đất nước đã bao đời tinh túy,

    Nên giống nòi được kết trái đơm hoa.

    Ðể mọi người chung hưởng buổi thăng hoa,

    Ðể dân tộc ngửng đầu cao thế giới.


    Kẻ vong bản chỉ vì điều tư lợi,

    Cố bám vào một tà thuyết ngoại bang.

    Khiến dân lành phải chịu cảnh lầm than,

    Biến dân tộc thành hạng người dốt nát.


    Cảnh đất nước ngày nay đà tan nát,

    Kẻ bạo quyền mặc sức vét vơ thêm.

    Phản kháng à? Tai ách vẫn hằng đêm,

    Chúng ghép tội là đời tiêu tan hết!


    Người dân sống mà hồn như đã chết!

    Thôi cũng đành sống nốt kiếp lầm than!

    Tội nghiệp thay! Một kiếp sống cơ hàn!

    Một xã hội bị lầm đường lạc lối!


    Ðừng mơ tưởng bọn bạo quyền sám hối,

    Kẻ bạo quyền nào có chút lòng nhân.

    Ðừng hão huyền mơ ước chúng thương dân,

    Dân có đói mới dễ bề cai trị.


    Chỉ mong đợi những người trai chí khí,

    Dám hiên ngang đập nát bọn bạo tàn.

    Dám can trường gìn giữ dãy giang san,

    Dám bảo vệ giống nòi khi đơn độc.


    Tình đất nước là khối tình dân tộc.

    Bắc nhịp cầu giao cảm giữa anh em.

    Những tâm hồn yêu nước đã nhiều đêm,

    Hằng thao thức viết thành trang sử mới.


    Xin kết nghĩa! Hãy nắm tay đi tới!

    Bạo lực nào rồi cũng phải tiêu vong.

    Nước Việt Nam cùng rực sáng trời Ðông,

    Hồn Dân Tộc hân hoan mừng tuổi mới.


    Khắp Nam Bắc lòng rộn ràng, phơi phới.


    (Ðức Phố, 6-4-2001)

    VĨNH LIÊM

    -------------------

    14. MÙA ANH ĐÀO: MÙA ĐAU THƯƠNG DÂN TỘC


    Tôi đã thấy hoa Anh Ðào nở rộ,
    Trong một ngày nắng ấm tháng Tư đen.
    Khi vừng hồng vừa he hé vươn lên,
    Thì màu sắc tỏa đều ra tám hướng.




    Tôi ngây ngất đắm say trong tận hưởng,
    Cả một vùng toàn màu trắng Phù Tang.
    Như rừng người thiếu phụ chít khăn tang,
    Ðang ngơ ngác nhìn quan tài trước huyệt.

    Ôi màu trắng! Màu khăn tang diễm tuyệt!
    Khiến lòng người lắng đọng, ngắm say mê.
    Cảnh trời trong, nắng ấm của miền quê,
    Niềm thanh vắng của nghĩa trang cuộc sống.

    Ta càng ngắm, càng thấy đời chuyển động,
    Tiếng thì thầm biển cả Thái Bình Dương.
    Hoa Anh Ðào không tỏa được mùi hương,
    Còn gió biển thì có mùi biển mặn.

    Mắt đang ngắm mà lòng nghe cay đắng,
    Cuốn phim đời quay lại tháng Tư Đen.
    Tháng Tư nào nghe mãi rất thân quen,
    Người bỏ nước, bỏ những gì thân ái.

    Phải chọn lựa: Ra đi hay ở lại,
    Ra đi thì nào biết phải đi đâu!
    Ở lại thì phải chọn chốn rừng sâu,
    Ði hay ở cũng đều nan giải cả!

    Tháng Tư đó là tháng Tư nghiệt ngã,
    Tháng Tư này tủi hận với buồn đau.
    Mỗi tháng Tư sầu tủi giống như nhau,
    Nhìn màu trắng Anh Ðào cười biếm nhẽ.




    Tôi đã thấy Anh Ðào tàn rất lẹ,
    Một trận cười của gió đủ lung lay.
    Như bạo quyền Cộng sản của hôm nay,
    Qua trận gió Tự Do thì sụp đổ.

    Hoa dù đẹp cũng phải tàn theo gió,
    Kẻ bạo quyền, đời còn ngắn hơn hoa.
    Gió là dân, kéo sập bọn gian tà,
    Dân là gió, cho mọi người khí thở.

    Tôi đã thấy bọn bạo quyền lo sợ,
    Chúng vơ vèo, thâu tóm để phòng thân.
    Vì mai kia chúng phải chạy thoát thân,
    Ðể tận hưởng những gì vơ vét được.

    Tôi đã thấy nên xin loan báo trước,
    Ðể đồng bào thêm sức, vượt gian nguy.
    Ðường ta ngay, ta cứ vững tâm đi,
    Ngày Cộng Sản tan hàng trong nháy mắt.

    Hãy bền chí! Ðừng để cho lửa tắt!


    ức Phố, 7-4-2001)

    VĨNH LIÊM

    -------------------

    15. CHUYỆN THÁNG TƯ ĐEN


    Thật kinh hãi khi nhớ hoài chuyện cũ!

    Tháng Tư Buồn – Vâng, chuyện Tháng Tư Ðen.

    Ðất nước tôi đã có những người hèn,

    Vì sợ chết nên âm thầm chạy trước.


     


    Cũng có kẻ vì tham quyền, nhu nhược,

    Nên đầu hàng, quy phục… để an thân.

    Mặc quân hùng, tướng giỏi, cả thường dân…

    Sống hay chết – chả cần! Thây kệ chúng!

     

    Trước tang tóc, họ chẳng hề nao núng,

    Miễn làm sao thân họ được an toàn.

    Vinh thân rồi thì họ phải lo toan,

    Ðể bảo vệ gia tài khi lúc biến.

     

    Chuyện đất nước như chuyện người đi biển,

    Hễ sóng to thì neo bến nằm nhà.

    Khi bình minh ló dạng, hết phong ba,

    Thì rời bến, dong thuyền ra biển cả.

     

    Làm mất nước, họ chẳng hề nhục nhã,

    Nay quay đầu quy phục kẻ thù chung.

    Nếu không ngu, thì cũng bị khật khùng,

    Thôi hết chuyện, chẳng còn gì đáng nói!

     

    (Ðức Phố, 27-03-2004)

    VĨNH LIÊM

    -------------------

    (Hết Kỳ 3 – Xem tiếp kỳ 4)



    Không có nhận xét nào