(Nỗi lòng của người Chưa Thua Cuộc)
Nếu tính từ ngày 30-4-1975, một số người Việt tị nạn tại Hoa Kỳ đã sống qua 48 năm. Sống ở Mỹ đã 48 năm rồi thì chúng ta có cảm giác như thế nào? Chúng ta có nhớ quê hương hay không? Chúng ta có làm được điều gì để giúp đồng bào ở quê nhà sớm thoát khỏi ách kềm kẹp của bạo quyền CS hay không? Tôi thiết nghĩ rằng có thể đã có một số người làm được nhiều điều hữu ích cho đồng bào ruột thịt ở quê nhà. Riêng cá nhân Vĩnh Liêm thì chỉ biết dùng giấy bút để bày tỏ nỗi lòng trắc ẩn của mình qua những vần thơ. Nay, Vĩnh Liêm gom góp lại những bài thơ ấy, tạm gọi là “NGUỒN THƠ DẬY LỬA”. Tác giả chia nó làm 7 phần, sắp xếp theo những ý tưởng (chủ quan) như sau:
PHẦN I: GIẢI PHÓNG (Những hành động đốt sách và kinh tế mới của VC…)
PHẦN II: CON ĐƯỜNG CỦA “BÁC” (Những chiêu bài hòa đàm, hòa bình, hiệp định…)
PHẦN III: ĐỔI MỚI (Những bùa phép, chính sách, bao cấp, cởi trói, kinh tế mới…)
PHẦN IV: ĐỊNH HƯỚNG (Xã hội chủ nghĩa, quốc doanh, thị trường, sở hữu hóa toàn dân…)
PHẦN V: KẺ THÙ LỊCH SỬ (Hồ Chí Minh, Võ Văn Kiệt, cán bộ VC cao cấp…)
PHẦN VI: GIỤC LÒNG ÁI QUỐC (Nhắc nhở thanh niên lòng yêu nước)
PHẦN VII: THA THIẾT (Nỗi lòng ái quốc đối với quê hương)
Xin mời quý vị ghé mắt qua những dòng thơ tạm gọi là “dậy lửa” do Vĩnh Liêm đã làm trong suốt 48 năm xa quê hương.
(Thung lũng Liên-Sơn, 26-01-2023)
VĨNH LIÊM
---------------
Phần VI - Kỳ 2 (Tiếp theo Kỳ 1)
7. NIỀM TIN VÀ BẠO LỰC
Chân giá trị con người là cao cả,
Và niềm tin là ngọn đuốc tâm hồn.
Ánh Từ Bi soi sáng lẽ thiệt hơn,
Là chất liệu làm con người thăng tiến.
Đời và Đạo – hai con đường giáp tuyến,
Không thể nào chia rẽ, tách rời nhau.
Khi tâm hồn yếu đuối vói theo phao,
Nuôi hy vọng, vượt những gì gian khổ.
Đời là Đạo, Đạo là Đời – quá rõ,
Đạo dẫn đời đi nẻo thẳng đường ngay.
Đạo vì Đời vạch chân lý, tương lai,
Đời vì Đạo hy sinh luôn mạng sống.
Người có Đạo thì tâm hồn khai phóng,
Tâm đạo ngời tính Nhân bản, Nhân văn.
Dẹp hận thù, cố chấp; chẳng quyền năng,
Lòng thanh thản, sống cuộc đời lý tưởng.
Còn Bạo Lực là gian tà chí hướng,
Gây khổ người, nuôi dục vọng xấu xa.
Dùng bạo quyền để trấn áp người ta,
Nuôi ảo mộng mà tưởng là chân lý!
Dùng bạo lực với tà tâm, tà ý,
Làm mọi người phải điêu đứng, lầm than.
Chúng say sưa nhìn người khác gian nan,
Lòng hể hả cuồng say men chiến thắng.
Kẻ bạo lực chẳng bao giờ yên lặng,
Để tâm hồn suy xét lẽ công bình.
Chúng điên cuồng khát vọng ánh bình minh,
Một ánh sáng chan hòa màu máu đỏ.
Đấy, Bạo Lực khác Niềm Tin chỗ đó,
Nên Niềm Tin sẽ thắng kẻ hung tàn.
Ánh Từ Bi xua đuổi cảnh lầm than,
Chân giá trị mới là nguồn mạch sống.
Xin hãy giữ tâm hồn luôn khai phóng,
Đạo và Đời cùng đồng điệu hoan ca.
Khi con người có cuộc sống thăng hoa,
Thì Bạo Lực sẽ không còn đất sống.
(Đức Phố, 29-10-1993)
VĨNH LIÊM
-------------------
8. TRANG SỬ 40 NĂM
Chiều lịch sử cũng dài như cuộc sống,
Bốn mươi năm đằng đẵng có là bao!
Tháng Bảy năm xưa cứ ngỡ hôm nào!
Nay tính lại, giật mình, ôi nhanh thế!
Nhớ tháng 7/54 ai gạt lệ,
Xuống thuyền nan vượt sóng để vào Nam.
Thế mà nay vừa chẵn bốn mươi năm!
Đầu đã bạc, sức mòn, chân cũng mỏi.
Sực nhớ lại, lòng bùi ngùi tự hỏi:
Sao giang sơn ruồng bỏ đứa con yêu?
Dù quê nghèo với cuộc sống hẩm hiu,
Vẫn yêu mến nơi chôn nhao cắt rốn.
Ai đặt bút làm nhân dân khốn đốn?
Ai nhẫn tâm chia lãnh thổ làm đôi?
Ai chủ trương gây chia rẽ giống nòi?
Ai mù quáng chia dân thành giai cấp?
Ai miệng lưỡi hô hào giành độc lập?
Nướng con dân trong Biên Phủ trùng trùng!
Ai hô hào kháng chiến kiểu Sô-Trung?
Theo Mác-Xít làm tan hoang xứ sở.
Độc Lập đấy? Tự Do ư? Khiếp sợ!
Cảnh trả thù, chồng vợ phải lìa nhau!
Hàng triệu người chạy loạn nếm khổ đau,
Bỏ sản nghiệp, gia tài, cùng mồ mã!...
Gạt nước mắt ra đi tìm đất lạ,
Để sống còn, hít thở chút Tự Do.
Đất Miền Nam dang rộng cánh tay chờ,
Cùng hợp sức vun bồi nền Dân Chủ.
Nhưng giặc Đỏ vẫn cuồng ngông một lũ,
Mang chiêu bài “giải phóng” để xâm lăng.
Chúng giở trò qủi quyệt chiếm Miền Nam,
Một lần nữa, hàng triệu người chạy nạn!
Từ dạo ấy, quê hương thôi bom đạn,
Nhưng gông cùm xiết chặt mọi người dân.
Hai mươi năm đằng đẵng chẳng mùa xuân,
Hồn Dân Tộc quặn đau từng giây phút.
Bọn cai trị tham lam làm quốc nhục,
Mối hận này phải rửa sạch, ai ơi!
Bốn mươi năm đau khổ, quá đủ rồi!
Không thể để sài lang cai trị mãi!
Quốc dân hỡi! Hãy mau mau đứng dậy!
Giương ngọn cờ Chính Nghĩa, phất cho cao.
Đất nước ta từng tô thắm máu đào,
Giang sơn Việt phải thuộc người dân Việt.
Xin mạnh dạn, hỡi những người hào kiệt!
(Đức Phố, 01-07-1994)
VĨNH LIÊM
-------------------
9. 30-4: NGÀY LỊCH SỬ
Ngày lịch sử có ai không còn nhớ?
Hỡi đồng bào lưu lạc khắp năm châu!
Ngày đau thương lịch sử, hãy cúi đầu!
Xin tưởng niệm các Anh Hùng đã khuất!
Giờ lịch sử, hỡi đồng bào bất khuất!
Hãy vùng lên điểm mặt kẻ thù chung!
Dân Việt Nam là giòng giống anh hùng,
Lẽ nào lại yếu mềm và nhu nhược?!
Hãy nhất trí noi gương người đi trước,
Một giống nòi từng đánh bại xâm lăng.
Một quê hương gấm vóc bốn ngàn năm,
Không thể để ngoại lai dày xéo nữa!
Quá nguội lạnh, xin hãy cùng nhóm lửa!
Đốt sáng lên soi rõ mặt anh hùng.
Hai mươi năm dân tộc bị lao lung,
Bọn qủi đỏ hả hê cười ngạo mạn.
Hãy vùng dậy! Trời Phương Đông tỏ rạng,
Còn chờ gì? Không ngẫng mặt hiên ngang?
Còn sợ gì? Lại thốt tiếng kêu than!?
Bệnh ngần ngại là bệnh tình nhu nhược!
Người hải ngoại cũng như người trong nước,
Nối vòng tay quyết chí lật cường quyền.
Hai mươi năm rồi! Không thể ngồi yên!
Nhiều thế hệ trôi qua là mất hết!
Vì Dân Tộc, lẽ nào ta sợ chết?!
Tháng Tư Đen còn trước mặt sờ sờ.
Ngày Ba Mươi còn nhắc nhở hàng giờ,
Người dân Việt mang mối thù mất nước.
Con dân Việt là những người yêu nước,
Lẽ nào ta lại ngoảnh mặt làm ngơ?
Lẽ nào ta làm khách lạ thờ ơ?
Vì ích kỷ, khoanh tay không xúc động?!
Chờ gì nữa? Hỡi anh hùng truyền thống!
Hãy ra tay cứu vớt nước non nhà!
Dù gian nguy, quyết chí vượt phong ba,
Làm rạng rỡ bốn ngàn năm lịch sử.
Người hải ngoại đã có đầy đủ thứ,
Chớ vì danh ôm ấp mộng hão huyền.
Chớ vì tham mong kiếm chác nhiều tiền,
Để kẻ địch dẫn vào đường phản quốc.
Người hải ngoại! Ta vẫn còn Tổ Quốc!
Phải hiên ngang vì Chính Nghĩa ta còn.
Phải đồng tâm, cùng chặt dạ sắt son,
Đừng nhẹ dạ để kẻ thù lung lạc!
Ngày Lịch Sử, hãy cùng nhau ghi tạc,
Một lời thề: Quyết giành lại Quê Hương.
Ta sẽ về hàn gắn lại Tình Thương,
Nam chí Bắc cùng một giòng giống Việt.
Ngày Lịch Sử, khắc lời thề tâm huyết.
(Đức Phố, 19-04-1995)
VĨNH LIÊM
-------------------
10. ĐỊNH MỆNH NÀO?
“Trời đã định, mệnh con người như thế,
Phải tuân theo, không cưỡng lại được đâu!”
Có nghĩa là số mệnh bị dìm sâu,
Trong tâm thức, không còn cơ trổi dậy?
Cả dân tộc Việt Nam chìm tận đáy,
Trong vực sâu hình chữ S cong queo.
Sống hẩm hiu vì thân phận đói nghèo,
Hai thập kỷ không ngóc đầu lên được!
Ôi định mệnh! Hay lòng người nhu nhược?
Chỉ lo toan sao no ấm dạ dầy!
Mặc dân tình ngu dốt, chẳng bằng ai,
Đưa dân tộc đi lùi bao thế kỷ!
(“Giải phóng” năm 1975_Hình minh họa từ Internet)
Bọn ngu dốt được thời lên cai trị,
Bán dân lành làm tôi tớ ngoại bang.
Vơ vét tiền, tập tành thói làm sang,
Sống phè phỡn trên vũng lầy tội ác.
Hồn Dân Tộc bay lượn lờ, ngơ ngác,
Chẳng trụ vào một chỗ để dung thân.
Hồn anh hùng, liệt sĩ cũng bâng khuâng,
Không chỗ tựa, không dám nhìn sự thế.
Ôi định mệnh! Nỡ lòng nào khống chế,
Một giống nòi từng chiến thắng ngoại xâm.
Mà bây giờ chịu khuất nhục nội tâm,
Không trổi dậy đòi lại quyền dân chủ!
(Bà Triệu_Hình minh họa từ Internet)
“Mặc ai chết, miễn sao mình no đủ,
Mặc ai than, miễn địa vị vững vàng”.
Đó là điều mà Cộng sản hiên ngang,
Đặt mơ ước, làm chủ trương chiến thắng.
Hỡi kẻ sĩ! Hỡi những người trong trắng!
Có bao giờ nghe tiếng gọi non sông?
Có khi nào lòng tự hỏi mình không?
Sao dân tộc mất cả quyền tự chủ?
Hỡi dân tộc! Đã bao năm thức ngủ,
Hãy phá xiềng, hãy trổi dậy mau lên!
Hãy vươn vai, tung khí thế đi lên,
Đòi Dân Chủ, đòi Quyền Người được sống.
Cuối thế kỷ, mọi người đều sinh động,
Sao ta còn ủ rũ, khóc than chi?
Sao không bền tâm chí, quyết tâm đi?
Sống ra sống, một cuộc đời nghĩa lý.
Đời đáng sống, không thể nào ủy mị,
Đời đáng yêu, không thể chịu cúi đầu.
Sống hào hùng, dân tộc mới bền lâu,
Mở tâm sáng, làm gương cho con cháu.
Sống không thể sớm chiều ngồi húp cháo,
Đem vai gầy thay trâu ngựa nuôi thân.
Sống nhục nhằn, hèn mọn, dạ-thưa-vâng,
Làm đầy tớ cho những phường vong bản.
Sống như thế làm sao tâm xán lạn!
Sống âm u trong bóng tối cuộc đời.
Thà một lần chết đẹp, được thảnh thơi,
Về với cảnh non bồng cùng nước nhược.
Ôi định mệnh! Mi chỉ là độc dược,
Khiến mọi người lầm tưởng, có thế thôi!
Hỡi những người tâm sáng hãy cùng tôi!
Làm lịch sử, làm vẻ vang dân Việt.
Cuộc chiến đấu sẽ vô cùng quyết liệt!
Nhưng không sờn, lòng ta sáng như sao.
Dẹp giáo điều của Các-Mác và Mao,
Đem hình ảnh cáo Hồ đi chỗ khác.
Quê hương Việt với hương nồng thơm ngát,
Dân tộc ta sẽ ngững mặt nhìn nhau.
Cùng anh em trăm họ, giọt máu đào,
Xây dựng lại nước Việt Nam tươi sáng.
Hỡi kẻ sĩ! Đừng hồ đồ phê phán,
Những tấm lòng theo gương sáng Lam Sơn.
Ta nên làm những việc thật tốt hơn,
Rồi sẽ gặp lại nhau nơi tụ điểm.
Chỉ những kẻ tâm nhỏ nhen bao biếm,
Tỏ ra điều cũng hiểu biết như ai!
Nhưng cái lòng thâm hiểm chẳng được ngay,
Nên đại cuộc không thể dùng kẻ ấy.
Người hào kiệt hãy cùng nhau đứng dậy!
Hãy hiên ngang làm lịch sử oai hùng.
Chỉ một điều: Tiêu diệt kẻ thù chung,
Không danh vọng, không cầu mong thụ hưởng.
Vì “định mệnh” chẳng phải là nghiệp chướng,
Chỉ tại vì lòng nhu nhược, yếu hèn.
Nên nhìn đời toàn thấy một màu đen,
Rồi đổ lỗi, thở than: “vì định mệnh”!
Không phải vậy, đó chỉ là cơn bệnh!
Của những người mang tâm trạng bi quan.
Có lẽ nào một dân tộc hiên ngang,
Lại hèn yếu, cúi đầu, trùm chăn ngủ?
Lời tâm huyết nói thế nào cho đủ?!
(Đức Phố, 18-01-1998)
VĨNH LIÊM
-------------------
(Hết Kỳ 2 – Xem tiếp kỳ 3)
Không có nhận xét nào