An Vui /SGN
24/6/2023
Nhà vườn vận chuyển trái vải bằng xe gắn máy đến một điểm cân vải ở thị trấn Chũ, huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) – Ảnh: Tuổi Trẻ
Người Việt ở Hoa Kỳ mỗi lần mua trái vải nhập từ Việt Nam, hẳn không thể biết đường đi lòng vòng của loại trái cây mùa Hè mọng nước này.
Các công ty xuất khẩu trái vải sang Hoa Kỳ đã phải đưa loại trái cây từ thủ phủ Bắc Giang đến phi trường Nội Bài (Hà Nội) đi Tân Sơn Nhất (Sài Gòn), sau đó trải qua sáu công đoạn: Xử lý kiểm dịch thực vật, chiếu xạ, thủ tục hải quan, kéo container, đóng lạnh, cảng Cát Lái (xuất bằng tàu) hoặc phi trường Tân Sơn Nhất (xuất bằng máy bay).
Hành trình lòng vòng này vừa mất thời gian, vừa tốn chi phí, trái vải cũng kém tươi khi xuất cảng. Và đó là lý do trái cây Việt mất lợi thế khi cạnh tranh với trái cây của các quốc gia trong khu vực, nhất là khi so với Thái Lan.
Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Đình Tùng, Giám đốc công ty Vina T&T, trong buổi tọa đàm do Hiệp hội Rau quả Việt Nam (VINAFRUIT) và Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) tổ chức hôm 23 Tháng Sáu để tìm các giải pháp xuất cảng nông sản, Tuổi Trẻ đưa tin ngày 24 Tháng Sáu 2023.
Lý do của hành trình lòng vòng này là phía Bắc chưa có nhà máy chiếu xạ!
Con đường vận chuyển trái vải sang Hoa Kỳ lòng vòng thế này đây – Đồ họa: Tuổi Trẻ
Ông Tùng còn phàn nàn cơ sở hạ tầng Việt Nam yếu kém, thu hoạch một loại trái cây nào đó phải vận chuyển bằng xe gắn máy hoặc bằng ghe để ra được đường lớn, từ đó mới có xe tải nhỏ chuyển ra nhà máy đóng gói, rồi dùng xe tải lớn chuyển đến phi trường vào Nam để được chiếu xạ… mới xuất cảng được. Việc phải qua nhiều công đoạn quá mất thời gian, chi phí cầu đường đội lên mà phẩm chất của sản phẩm lại giảm.
Tương tự, bà Nguyễn Tú Uyên, Giám đốc công ty logistics CMU, cũng thừa nhận những nghịch lý của nông sản Việt Nam. Bà so sánh: Trái vải hay các loại nông sản khác xuất cảng được qua Hoa Kỳ rất phức tạp, mất thời gian. Ngay cả khâu cuối cùng là chuyển hàng từ container lên phi cơ thì Thái Lan họ chuyển bằng đường ống, có độ lạnh duy trì suốt lúc bỏ hàng, còn Việt Nam thì không!
Những xe bán rong trái cây theo mùa này xuất hiện ngày càng nhiều ở Sài Gòn, nhiều khi người dân phải mua “giải cứu” – Ảnh: An Vui
Ngoài vấn đề trên, Tuổi Trẻ ngày 23 Tháng Sáu còn cho biết các công ty đều kêu ca phí logistics của Việt Nam quá cao, giảm khả năng cạnh tranh. Tại tọa đàm, ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch VINAFRUIT, cho biết mặc dù rau quả Việt Nam có sản lượng lớn, hơn 34.7 triệu tấn (trong đó, rau các loại hơn 16.1 triệu tấn; quả các loại 18.6 triệu tấn) nhưng tỷ lệ sản phẩm đạt tiêu chuẩn xuất cảng thấp, nhiều loại sản phẩm chưa đáp ứng nhu cầu. Còn hạ tầng cơ sở vừa thiếu vừa không thích hợp, dẫn đến tổn thất sau thu hoạch từ 30-35%.
Ông Nguyễn Đình Tùng phân tích: Logistics chiếm hơn 30% doanh thu của công ty, chưa kể các chi phí nhập trái cây vào kho, chiếu xạ… Vì thế, công ty còn lời rất ít.
Còn bà Nguyễn Tú Uyên nhắc đến việc thiếu các cơ sở logistics tại các vùng nguyên liệu của Việt Nam là cản trở lớn cho xuất cảng. Bà dẫn chứng: So sánh giá với Thái Lan thì nông sản Việt đắt hơn bởi Thái Lan có nhiều chuyến bay đến Hoa Kỳ, châu Âu, Úc, Trung Đông… tần suất đều mỗi ngày; còn các hãng tàu có 70 điểm đến ở châu Á, Ấn Độ, Trung Đông, thế nên giá vận tải của Thái Lan thấp hơn so với Hà Nội, Sài Gòn từ $1 – $1.2/kg.
Một công ty có mặt hàng nông sản xuất cảng qua Osaka (Nhật Bản) chia sẻ bên cạnh những khó khăn chung là chi phí logistics cao hay những yếu kém về cơ sở hạ tầng, Việt Nam có những “chi phí phụ” không có giá nhất định như phí làm thủ tục hải quan, kiểm dịch; chi phí xếp dỡ tại cảng biển; chi phí hạ tầng cảng biển, phí neo bãi.
Xuất cảng khó nên trái cây được mùa dội chợ ở Sài Gòn được bày bán trên lề đường với giá rẻ thế này đây – Ảnh: An Vui
Trước đó, ngày 27 Tháng Năm 2023, trong chương trình “Giới thiệu sản phẩm nông sản sạch cho kênh bán sỉ”, Tuổi Trẻ dẫn lời bà Hạ Thúy Hạnh, phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết thống kế từ hiệp hội ngành hàng cho thấy nông sản Việt đủ điều kiện để vươn ra thị trường quốc tế mới đạt khoảng 20%!
Một khách hàng là bà Trang Như, chuyên xuất cảng trái cây sang thị trường Trung Đông, khi đến chương trình này cũng nhận định nhiều đơn vị mới chỉ cam kết sản xuất theo hướng hữu cơ chứ chưa đáp ứng đủ các tiêu chuẩn, tín chỉ xanh quốc tế.
Mặc khác, theo bà Hạnh, trước khi sản xuất xanh (để đủ điều kiện xuất cảng), nhà nông cần bảo đảm đủ nông sản sạch đáp ứng cho thị trường 100 triệu dân và gây được ấn tượng với du khách quốc tế khi đến du lịch Việt Nam
Tương tự, ông Lê Duy Minh, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp và trang trại nông nghiệp Việt Nam, cho biết nông sản Việt Nam đa dạng chủng loại với hơn 1,500 sản phẩm nông sản đa dạng, phong phú, nhưng trước khi gia tăng xuất cảng, cần chinh phục thị trường trong nước và đây mới là hướng đi lâu dài.
Không có nhận xét nào