Thanh Phương /RFI
24/6/2023
Ảnh tư liệu: Công nhân tại một nhà máy sản xuất áo thun ở ngoại ô Hà Nội, Việt Nam. Ảnh chụp ngày 09/01/2007. AP - Tran van Minh
Để Việt Nam có thể tham gia hiệp định thương mại Đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP, Hà Nội đã đồng ý từ bỏ độc quyền về công đoàn, chấp nhận cho thành lập các công đoàn độc lập. Điều khoản này đã được đưa vào Luật Lao động sửa đổi được thông qua tháng 11/2019 và đã có hiệu lực từ ngày 01/01/2021. Nhưng để cho người lao động thật sự có quyền thành lập các tổ chức độc lập với các công đoàn do nhà nước kiểm soát, Việt Nam còn phải sửa đổi Luật Công đoàn.
Nhưng có vẻ như Việt Nam không mấy vội vả trong việc sửa đổi luật này. Trong kỳ họp Quốc Hội Việt Nam hiện đang diễn ra, các đại biểu vừa thông qua quyết định là phải đến kỳ họp tháng 5/2024 mới xem xét Luật Công đoàn sửa đổi và đến kỳ họp tiếp vào tháng 10/2024 mới đưa luật này ra biểu quyết.
Công đoàn duy nhất
Hiện giờ, ở Việt Nam Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là tổ chức công đoàn duy nhất, nằm dưới sự kiểm soát của nhà nước và đảng Cộng sản Việt Nam. Chủ tịch hiện nay của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, ông Nguyễn Đình Khang, cũng là một ủy viên Trung ương Đảng.
Điều 7 Luật Công đoàn năm 2012 quy định “hệ thống tổ chức công đoàn gồm có Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và công đoàn các cấp theo quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam. Công đoàn cơ sở được tổ chức trong cơ quan nhà nước, các tổ chức trong nước, đơn vị, doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam.”
Trả lời RFI Việt ngữ ngày 20/02/2023, luật sư Hoàng Cao Sang, Công ty luật Hoàng Việt Luật, Sài Gòn, ghi nhận:
“ Ở Việt Nam hiện có một công đoàn duy nhất và theo hệ thống ngành dọc. Trên cao nhất là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, sau đó là các công đoàn cơ sở, một hệ thống công đoàn duy nhất để quản lý, hỗ trợ cho người lao động. Tuy nhiên, trên thực tế, công đoàn không hỗ trợ được gì nhiều cho người lao động, mà chủ yếu mang tính hình thức và mang tính hành chính.
Theo Luật Công đoàn thì công đoàn đại diện bảo vệ quyền lợi cho người lao động, hướng dẫn cho người lao động ký kết hợp đồng, bảo vệ người lao động khi xảy ra các tranh chấp với người sử dụng lao động. Tuy nhiên, như tôi đã nói, những quy định đó chỉ mang tính hình thức, còn trên thực tế cũng không giải quyết được vấn đề gì.
Bản chất của vấn đề ở đây, đó là công đoàn là do nhà nước lập ra, chứ không phải là do người dân lập ra, không phải là do ý chí của người dân, của người lao động, cho nên hoạt động không hiệu quả. Tôi cho rằng, sắp tới đây, với xu thế hội nhập, cũng như là để đảm bảo quyền lợi của người lao động một cách chính đáng nhất, cần phải sửa đổi những quy định của Luật Công đoàn hiện nay .
Việt Nam đã sửa đổi Luật Lao động vào năm 2019 để hội nhập với thế giới theo tinh thần của Tổ chức Lao động quốc tế, nhưng Luật Công đoàn vẫn chưa được sửa đổi. Cho nên, so với tinh thần của Luật Lao động thì Luật Công đoàn vẫn còn chưa phù hợp, hay cách khác là còn lạc hậu so với những sửa đổi của Luật Lao động. Cụ thể là Luật Lao động đã cho người lao động, ngoài công đoàn của nhà nước, có quyền thành lập và có quyền tham gia các tổ chức để bảo vệ quyền lợi của người lao động. Cho nên Luật Công đoàn còn bất cập với quy định về thành lập công đoàn, hay nói rộng hơn là bất cập với quy định về tự do thành lập các tổ chức, các hội của người lao động, cũng như của người dân nói chung.”
Chưa phê chuẩn Công ước 87
Cũng theo luật sư Hoàng Cao Sang, công ước cuối cùng của Tổ chức Lao động Quốc tế mà Việt Nam hứa phê chuẩn là Công ước 87, liên quan đến tự do lập hội, thành lập công đoàn độc lập, vẫn chưa được Việt Nam ký kết:
“Trong năm 2023 này, theo lộ trình thì Việt Nam sẽ ký Công ước 87. Khi Việt Nam ký công ước đó thì đồng thời cũng phải sửa Luật Công đoàn sao cho phù hợp với tinh thần của hội nhập. Việt Nam phải sửa đổi, chứ không thể nào để pháp luật trì trệ khi mình muốn hội nhập để bảo đảm quyền lợi của mình trong cuộc chơi với các nước khác.
Tôi nghĩ rằng khi mà trong cuộc đua đã có hai đội trở lên, thì hai đội đều phải có tinh thần thay đổi. Nếu luật cho người lao động quyền thành lập một tổ chức mới, người lao động có quyền tham gia và điều hành các tổ chức đó để bảo vệ quyền lợi của họ, thì bản thân công đoàn của nhà nước cũng phải thay đổi theo tinh thần bảo vệ quyền lợi người lao động và tổ chức các hoạt động hiệu quả hơn. Nếu không hoạt động hiệu quả thì họ sẽ bị đào thải theo quy luật.
Đoạn 3 của điều 170 Luật Lao động có quy định là các tổ chức đại diện người lao động bình đẳng về quyền và nghĩa vụ trong việc đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động trong quan hệ lao động. Với quy định đó, các công đoàn của nhà nước cũng như tổ chức do người lao động tự thành lập sẽ hoạt động tốt hơn so với bây giờ.”
Hiện giờ Việt Nam chỉ mới trong giai đoạn “góp ý, hoàn thiện dự án luật Công đoàn sửa đổi”, trong khi theo lẽ Luật Công đoàn sửa đổi phải được thông qua ngay từ năm nay. Trước mắt, theo kế hoạch của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, trước ngày 01/03/2023, cơ quan này đã gởi hồ sơ đề nghị xây dựng luật đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội để xem xét đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024. Vì sao có sự chậm trễ như vậy, luật sư Hoàng Cao Sang giải thích:
“ Luật Công đoàn là một vấn đề nhạy cảm, vì thường ở đây có nhiều người nói rằng thành lập công đoàn độc lập có nghĩa là có nhiều tổ chức dân sự gần giống như là tự phát, như vậy thì nhà nước khó quản lý như trước đây và dẫn đến “bất ổn chính trị” cho Việt Nam.
Nhưng theo tôi, nhận định đó là không phù hợp, bởi lẽ vấn đề liên quan đến pháp luật thì phải đặt quyền lợi của người dân lên hàng đầu, quyền lợi của người lao động phải được đảm bảo, đặc biệt là khi Việt Nam tham gia hội nhập quốc tế, sân chơi chung, thì phải có sự thống nhất.
Tôi nghĩ rằng quan điểm của một số người cũng dẫn đến việc sửa đổi bổ sung Luật Công đoàn bị chậm trễ. Tôi cho rằng không thể để chậm trễ hơn nữa, chúng ta càng đi chậm thì chúng ta sẽ càng bị tụt hậu so với hội nhập quốc tế”.
Tác động của Mỹ
Chính là do sự thúc ép của Hoa Kỳ khi thương lượng về Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP, mà Việt Nam đã cam kết chấp nhận sự ra đời của các công đoàn độc lập. Nhưng chính quyền Donald Trump sau đó đã rút Mỹ khỏi thỏa thuận trước khi nó có hiệu lực. Hiệp định TPP nay đã đổi thành CPTPP, tức Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, mà vẫn chưa có sự tham gia của Mỹ.
Tuy vậy, theo trang mạng Nikkei Asia ngày 30/01/2023, chính phủ Hoa Kỳ đang hối thúc Việt Nam thông qua Luật Công đoàn mới. Ông Chad Salitan, tùy viên lao động tại sứ quán Hoa Kỳ ở Hà Nội, nói với Nikkei Asia: “Chúng tôi muốn giải quyết những vấn đề này không phải với tư cách kẻ cả, mà là với tư cách bạn bè, đối tác. Tất cả chúng tôi đều đang cố gắng làm ngày càng tốt hơn trong việc tuân thủ các tiêu chuẩn lao động quốc tế."
Ông cho biết các quan chức Hoa Kỳ đang đóng góp ý kiến cho các nhà hoạch định chính sách Việt Nam để bảo đảm luật về công đoàn không chỉ "có trên giấy tờ" và người lao động thực sự có thể tham gia lập một tổ chức để bảo vệ quyền lợi cho họ.
Nikkei Asia nhắc lại vào năm 2022, Salitan đã là quan chức đầu tiên của Bộ Lao Động Hoa Kỳ được cử đến làm việc ở Việt Nam, đánh dấu một giai đoạn mới trong các cuộc đàm phán song phương về lao động trong bối cảnh chính quyền Biden đưa ra chính sách thương mại "lấy người lao động làm trung tâm".
Salitan cho biết ê kíp của ông và các đối tác Việt Nam đang thảo luận về thương lượng tập thể và quyền tự do hiệp hội để "người lao động có tiếng nói tại nơi làm việc". Theo ông, “các tổ chức đại diện của người lao động sẽ cho phép người lao động có tiếng nói tại nơi làm việc của họ độc lập với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam”.
Nhưng Nikkei Asia trích lời ông Joe Buckley, một chuyên gia về chính sách lao động ở Việt Nam, cảnh báo rằng các tổ chức này sẽ không phải là công đoàn thực sự, và luật vẫn sẽ hạn chế khả năng mở rộng hoạt động công đoàn ra bên ngoài công ty của họ hoặc tham gia vào các cuộc thảo luận về chính sách.
Hơn nữa, ông Joe Buckley lưu ý, Hoa Kỳ không có một cơ chế chính thức nào để buộc Hà Nội phải tuân thủ cam kết của mình. Tuy vậy, các hiệp định CPTPP và EVFTA ( Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – Liên Âu ) cho phép các thành viên khiếu nại về việc thực thi. Khi được hỏi liệu Hoa Kỳ có đang hợp tác với các thành viên của những khối đó hay không, Salitan nói rằng thông thường Mỹ "hợp tác với các đồng minh có cùng chí hướng của chúng tôi."
Trên trang mạng Fulcrum, chuyên phân tích tình hình các nước Đông Nam Á, ông Joe Buckley tuy vậy cho rằng Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam có thể đóng một vai trò lớn hơn trong việc bảo vệ quyền lợi cho người lao động và trước mắt đã đạt được một số “thành tựu khiêm tốn” trong bối cảnh suy thoái hiện nay ở Việt Nam, khiến đời sống công nhân thêm khó khăn.
Nhưng ông Joe Buckley ghi nhận Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam vẫn bị hạn chế lớn nhất, vì đây là một tổ chức do nhà nước lãnh đạo, nằm gọn trong cơ cấu cầm quyền và trực thuộc Đảng Cộng sản, nên khó có thể là đại diện độc lập của người lao động đối với nhà nước và người sử dụng lao động.
Không có nhận xét nào