Thùy Dương /RFI
Sau khoảng 3 năm không rời khỏi nước do đại dịch Covid-19, chuyến xuất ngoại đầu tiên của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là đến Trung Á, cụ thể là thăm Kazakhstan, và sau đó là Ouzbékistan, nhân cuộc họp của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải hồi tháng 09/2022. Đến tháng 05/2023, lần đầu tiên Bắc Kinh tổ chức họp thượng đỉnh với 5 quốc gia Trung Á tại Tây An, Trung Quốc.
Chủ tịch Tập Cận Bình tại thượng đỉnh Trung Quốc - Trung Á, Tây An, Trung Quốc, ngày 19/05/2023. REUTERS - FLORENCE LO
Thượng đỉnh Tây An đã khẳng định đà gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc ở Trung Á, với việc đôi bên đã ký kết 54 thỏa thuận đa phương quan trọng và 9 văn bản tăng cường hợp tác, hình thành 19 cơ chế và nền tảng khu vực theo yêu cầu cụ thể của Bắc Kinh. Tập Cận Bình thông báo tài trợ 26 tỷ nhân dân tệ (3,45 tỉ euro) cho công cuộc phát triển Trung Á và cam kết củng cố năng lực bảo đảm an ninh cho các nước trong khu vực. Nhấn mạnh « chủ quyền, an ninh, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia Trung Á phải được tôn trọng », lãnh đạo họ Tập qua đó khẳng định Trung Quốc là nước bảo đảm an ninh và ổn định cho khu vực Trung Á.
Nhưng có phải thượng đỉnh Tây An cho thấy Nga đã mất hết ảnh hưởng tại Trung Á ? Bắc Kinh có thể thay thế vai trò của Matxcơva trong khu vực ? Đà gia tăng ảnh hưởng của Bắc Kinh đối với Trung Á có khiến Matxcơva lo lắng ? RFI Tiếng Việt giới thiệu quan điểm của nhà nghiên cứu Didier Chaudet, chuyên gia địa chính trị và an ninh Đông Nam Á và Trung Á.
Thà để Trung Á ngả sang Trung Quốc còn hơn là ngả sang phương Tây ?
Đúng là chiến tranh Ukraina đã có tác động tiêu cực đến ảnh hưởng của Nga ở Trung Á. Ý đồ bảo vệ « thế giới Nga », sáp nhập các vùng lãnh thổ mà Matxcơva xem là người nói tiếng Nga đang gặp nguy hiểm, gây lo ngại, nhất là ở Kazakhstan. Hơn nữa, việc tập trung ưu tiên vào cuộc chiến ở Ukraina đã khiến Nga còn có thể quan tâm nhiều đến Trung Á. Những khó khăn quân sự của Nga trên chiến trường Ukraina cũng làm dấy lên những câu hỏi liệu Nga có khả năng và có muốn trở thành một lực lượng bảo đảm bảo nguyên trạng an ninh ở Trung Á hay không.
Một số phân tích cho rằng lợi ích, sức ảnh hưởng của Trung Quốc ở Trung Á càng tăng thì Nga càng mất ảnh hưởng trong khu vực. Tuy nhiên, theo chuyên gia địa chính trị và an ninh Trung Á Didier Chaudet, thì không hẳn là như vậy. Trong bài viết trên trang mạng châu Á, Asialyst, ngày 03/06/2023, « Trung Quốc sẽ thay thế Nga tại Trung Á ? », Didier Chaudet nhận định rằng, xét về nhiều khía cạnh, chính sách Trung Á của Bắc Kinh thậm chí còn có lợi cho điện Kremlin, bởi nếu không thể ngả sang cường quốc châu Á là Trung Quốc thì các nước Trung Á có thể sẽ bị phương Tây cám dỗ. Đối với 5 nước Trung Á, Bắc Kinh là nhân tố bên ngoài đang muốn trở thành người bảo đảm cho các lợi ích quốc gia của họ theo nghĩa truyền thống, bao gồm toàn vẹn lãnh thổ và phát triển kinh tế, trong khi Bắc Kinh vẫn duy trì được mối quan hệ thân thiện với Matxcơva bất chấp chiến tranh Ukraina.
Hơn nữa, các đường lối chính trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc đối với Trung Á không gây ảnh hưởng đến các quyền lợi của Nga trong khu vực. Trên thực tế, nỗi sợ hãi về « các cuộc cách mạng màu », mong muốn duy trì một sự ổn định nhất định ở khu vực Trung Á, chống lại mối nguy từ Hồi Giáo cực đoan Afghanistan, và mong muốn ổn định đất nước Afghanistan, tránh để quốc gia này trở thành vấn đề cho khu vực Trung Á láng giềng là một số các điểm giống nhau giữa Matxcơva và Bắc Kinh.
Sự hiện diện quân sự của Trung Quốc ở Tadjikistan có thể làm dấy lên lo lắng trong giới quân sự Nga, bởi vì Matxcơva đã khẳng định họ là người bảo đảm an ninh cho biên giới giữa Tadjikistan với Afghanistan. Nhưng trên thực tế, ngay cả khi Trung Quốc tích cực hơn ở Trung Á trong lĩnh vực an ninh, thì theo chuyên gia Chaudet, Bắc Kinh cũng không làm gì hơn ngoài việc theo đuổi một chính sách tương tự như của Nga. Trung Quốc không thể, mà cũng không muốn thay thế Nga. Chính vì thế, việc Bắc Kinh xác nhận tại thượng đỉnh Tây An về sự tham gia kinh tế, cũng như sự can dự về an ninh, vẫn có thể là chấp nhận được đối với điện Kremlin, bởi điều đó không ảnh hưởng gì đến các lợi ích quốc gia của Nga.
Nga có thể hưởng lợi từ quan hệ Trung Quốc - Trung Á ?
Cuối cùng, tầm mức quan trọng ngày càng tăng của thương mại Trung Quốc -Trung Á cũng thực sự có lợi trực tiếp cho Nga. Theo số liệu của Hải quan Trung Quốc, thương mại Trung Quốc - Trung Á trong năm 2022 đã tăng gấp đôi, đạt 70,2 tỷ đô la Mỹ. Nhưng theo số liệu của Hải quan Trung Á, con số này chỉ là 38,35 tỷ đô la. Sự khác biệt về số liệu này có thể được giải thích như sau : Trung Quốc coi chặng quá cảnh là thuộc hoạt động xuất nhập khẩu, còn Trung Á thì không. Điều này có nghĩa là nhiều sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc đã được Trung Á tái xuất khẩu sang Nga.
Theo Ngân hàng Phát triển Châu Á, không dưới 70% hàng mà Kyrgyzistan gần đây xuất khẩu sang Nga trên thực tế là hàng Kyrgyzistan nhập khẩu từ Trung Quốc. Năm 2022, xuất khẩu của Kyrgyzistan sang Nga tăng đột biến thêm 143%. Xuất khẩu của Kazakhstan cũng tăng 25% so với cùng kỳ năm trước. Đó chủ yếu là các linh kiện điện tử, máy tính, điện thoại smartphone, ô-tô và phụ tùng. Khối lượng trao đổi thương mại này còn lớn hơn, bởi giao dịch của các quốc gia Trung Á là thành viên của Liên minh Kinh tế Á - Âu với Nga được thực hiện bằng đồng rúp, nên khó truy vết hơn.
Trong hệ thống này, sự bùng nổ thương mại song phương Trung Á - Trung Quốc chủ yếu là do nhập khẩu của Trung Á tăng mạnh, để rồi lại tái xuất khẩu sang Nga, mang lại lợi ích cho Matxcơva. Và như vậy, sự phát triển quan hệ giữa Trung Quốc và Trung Á đã giúp Matxcơva lách các đòn trừng phạt kinh tế của phương Tây nhắm vào Nga do chiến tranh Ukraina.
Đối với cả hai cường quốc Nga và Trung Quốc, vấn đề đáng quan tâm hiện nay không phải là sau này Bắc Kinh hay Matxcơva sẽ thống trị Trung Á. Điều mà cả hai lo ngại chính là thái độ của phương Tây coi Nga - Trung là đối thủ của nhau. Và điều này, theo chuyên gia Chaudet, cuối cùng đã khiến Bắc Kinh và Matxcơva duy trì và củng cố cặp đôi Trung - Nga.
Quả thực, sau thượng đỉnh G7 và thượng đỉnh Trung Quốc - Trung Á, thủ tướng Nga Mikhail Michoustine đã công du Trung Quốc. Tháp tùng ông là phó thủ tướng Alexander Novak, chuyên trách các vấn đề năng lượng, vốn có vai trò vô cùng quan trọng trong quan hệ song phương Nga - Trung. Phó thủ tướng Nga Alexander Novak thông báo năng lượng Nga cung cấp cho Trung Quốc sẽ tăng 40% trong năm 2023. Năm ngoái, Trung Quốc đã trở trành nước tiêu thụ nhiều dầu của Nga nhất.
Nga vẫn có nhiều ưu thế hơn Trung Quốc ?
Trong bối cảnh địa chính trị và kinh tế như trên, việc Bắc Kinh có thêm một chút ảnh hưởng ở Trung Á cũng chẳng mấy quan trọng đối với Matxcơva, nhất là vì Nga biết rằng họ vẫn có nhiều ưu thế ở Trung Á, trong khi năng lực của Trung Quốc trong một số lĩnh vực lại hạn chế, chẳng hạn trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị đã làm rung chuyển Kazakhstan hồi đầu năm 2022. Cảm thấy các dự án kinh tế không bị ảnh hưởng do khủng hoảng chính trị ở Kazakhstan, Bắc Kinh chỉ bày tỏ quan ngại và ở mức hạn chế. Đó cũng là do Bắc Kinh vẫn chủ trương không can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia khác, tôn trọng chủ quyền của các bên đối thoại, và điều này đương nhiên làm hài lòng cả Trung Á và Nga.
Nhưng sự thận trọng của Trung Quốc cũng là do Bắc Kinh bị bất ngờ : So với Nga, ngành ngoại giao Trung Quốc chưa có hiểu biết sâu rộng về chính trị nội bộ của các quốc gia Trung Á. Theo chuyên gia Chaudet, với những hiểu biết hơn hẳn Trung Quốc, đương nhiên Matxcơva vẫn có thể gây ảnh hưởng đối với nội bộ các nước Trung Á, điều mà Trung Quốc không thể làm được. Và cũng chính nhờ thế, các nước Trung Á vẫn sẽ tiếp tục coi điện Kremlin là một đối tác quan trọng trong khu vực, kể cả trong việc bảo vệ các lợi ích kinh tế của họ.
Đó là chưa kể đến việc Trung Quốc sẽ luôn phải thận trọng hơn trước tâm lý bài Trung của một bộ phận người dân Trung Á. Chỉ riêng ở Kazakhstan, từ năm 2018 đến năm 2023, đã xảy ra ít nhất 156 cuộc biểu tình phản đối ảnh hưởng của Trung Quốc. Thậm chí bạo lực đã nổ ra : vào tháng 08/2019, 500 người dân một làng ở Kyrgyzistan đã tấn công một khu mỏ do một công ty Trung Quốc điều hành, khiến khoảng 20 công nhân Trung Quốc bị thương. Trước thực tế này, việc để Matxcơva có tiếng nói quyết định về các vấn đề an ninh, kể cả việc can thiệp trực tiếp, cũng nằm trong logic của Bắc Kinh. Chính quyền Trung Quốc hiểu được ảnh hưởng của Nga trong khu vực có lợi như thế nào, kể cả trong việc bảo vệ lợi ích chung, nên Nga chẳng có lý do gì để phải lo ngại về thượng đỉnh Tây An.
Trong tương lai, Nga rất có thể « mất » Trung Á, nhưng trước hết đó là do hậu quả của cuộc chiến Ukraina, nhất là nếu Nga thất trận, và do chính sách tân đế quốc nhằm bảo vệ « thế giới Nga » vốn dĩ đã không làm láng giềng Kazakhstan cảm thấy yên tâm. Đó là còn chưa kể đến những vụ ngược đãi di dân Trung Á ở Nga, nhất là khi đại dịch Covid mới nổ ra. Việc Nga có thể để vuột mất Trung Á sẽ không liên quan trực tiếp đến sự trỗi dậy của Trung Quốc trong khu vực. Ngược lại, sự hòa thuận giữa Trung Quốc và Nga, xét về nhiều khía cạnh, sẽ giúp bảo vệ các lợi ích của Nga trong khu vực Trung Á.
Không có nhận xét nào