Header Ads

  • Breaking News

    Ts. Phạm Đình Bá - Bài học gì từ Ukraine?


    Ukraine sẽ cố gắng lấy lại các lãnh thổ của họ bị Putin chiếm đóng trong các hoạt động phản công dường như chỉ mới bắt đầu. Nỗ lực này nếu thành công sẽ rất quan trọng đối với tương lai của người dân Ukraine, với nhiều nơi trên thế giới đang cầu nguyện cho sự thành công của họ.

    Cuộc phản công rất phức tạp vì Nga vẫn còn nhiều kho vũ khí, vũ khí hạt nhân, nhân lực và tài nguyên. Quân đội Nga khét tiếng trong thế trận phòng thủ của họ. Các lãnh chúa được Putin tuyển dụng, chẳng hạn như những người đứng đầu nhóm Wagner và lính đánh thuê Chechnya, là những kẻ giết người tàn bạo rất kinh khủng.

    Cuộc phản công cũng phức tạp vì nó sẽ vận dụng vũ khí tổng hợp, với sự kết hợp thích ứng giữa bộ binh, hỏa lực cơ động, hỏa lực tấn công và phòng thủ, điều động đồng bộ lục quân, công binh, máy bay tự động, không quân và những khả năng chung. 

    Chính việc áp dụng các tổ hợp này trong hành động thống nhất có thể cho phép quân đội Ukraine đánh bại các lực lượng phòng thủ trên mặt đất quân Nga đang chiếm giữ; chiếm lại và bảo vệ những phần đất nầy; và để đạt được những lợi thế về thể chất, thời gian và tâm lý trước quân Nga. 

    Bằng cách đồng bộ hóa các loại vũ khí kết hợp và áp dụng chúng đồng thời, quân đội Ukraine có thể đạt được hiệu quả lớn hơn so với việc sử dụng từng phần tử riêng lẻ hoặc tuần tự.

    Khả năng vũ khí kết hợp là rất quan trọng để thành công trong trận chiến, bởi vì không một vũ khí đơn lẻ nào có thể chống lại quân đội Nga đang phòng thủ đất họ chiếm giữ một cách hữu hiệu và thành công. 

    Để tích hợp tất cả các loại vũ khí vào cuộc chiến, quân đội Ukraine phải có hiểu biết về khả năng của các hệ thống và phương pháp sử dụng vượt xa năng lực hiện có của họ và điều chỉnh nhiều loại vũ khí khác nhau từ nhiều nguồn cung ứng khác nhau.

    Và quân đội Ukraine phải có khả năng tích hợp, không chỉ bộ binh, mà cả khả năng điều hành nhiều hoạt động cùng lúc, đặc biệt chú trọng đến khả năng giám sát chung, tình báo và hỏa lực.

    Đối với quân đội Ukraine, vũ khí kết hợp có nghĩa là xe tăng bộ binh cơ giới, công binh chiến đấu di chuyển với xe tăng, đại bác song song với xe tăng, phòng không với máy bay F-16 hỗ trợ cho các hoạt động trên bộ hoặc trên không để ngăn chặn máy bay Nga phản kích. 

    Chiến dịch kết hợp có thể sẽ được tiến hành với sức mạnh chiến đấu áp đảo phải được che dấu với độ bất ngờ trên một mặt trận rất hẹp được lựa chọn từ một chiến tuyến dài hàng ngàn cây số.

    Trước đây, quân đội Ukraine đã chứng tỏ rằng họ có khả năng thực hiện một số chiến dịch khó khăn nhất trong các trận chiến ở Bakhmut và thị trấn khai thác muối Soledar. 

    Họ đã rút lui trong trật tự, một trong những chiến thuật khó thực hiện đối với một lực lượng quân sự và đòi hỏi những người lính có kỷ luật rất cao. Điều này là do, nếu kẻ thù áp sát vào đội quân đang rút lui, những quân vô kỷ luật có khả năng mất tính liên kết và sự thất bại sẽ trở thành rất rõ rệt khi những người lính bỏ chạy vô trật tự.

    Hiện quân đội Ukraine đang tiến hành các hoạt động định hình để tạo điều kiện cho chiến dịch phản công. 

    Đầu tiên là một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái bí ẩn vào điện Kremlin. Tiếp đến là một “cuộc xâm lược” có thể có tác động đáng kể đối với Nga, có thể khiến quân Nga chuyển hướng quân đội tiền tuyến ở Ukraine về lại bảo vệ khu vực biên giới Nga. 

    Sau đó, Ukraine đã tiến hành một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái trên biển nhằm vào một tàu do thám của Nga ở Biển Đen. Sau đó, có tới hai chục máy bay không người lái đã tấn công Moscow. Những thao tác tạo hình này khá táo bạo và rất thông minh.

    Ngược lại, Putin đang làm gì? Hắn vẫn ngồi chờ đợi các nước châu Âu từ bỏ Ukraine. Điều này dường như chưa xảy ra trong bất cứ lúc nào vào thời gian gần.

    Gần đây, các nhà lãnh đạo G7 đã hứa với tổng thống Zelenskyy của Ukraine rằng họ sẽ hỗ trợ quân sự thêm nữa (với hỏa tiển, xe tăng, máy bay tự động, phi cơ F-16) trong chuyến thăm chớp nhoáng của Zelenskyy tới Ý, Vatican, Đức, Pháp, Anh và Nhật Bản nhằm tìm cách bổ sung nguồn cung vũ khí đã gần cạn kiệt của Ukraine.  

    Chúng ta có thể học được gì từ Ukraine?

    Trong khoảng 33 năm kể từ khi giành được độc lập và trải qua vài cuộc cách mạng màu, dân Ukraine có vẻ gần đạt được một trạng thái xã hội tiên tiến với trình độ cao về văn hóa, khoa học, công nghiệp và chính phủ. Những tiến bộ nầy dường như bắt nguồn từ nỗ lực dân chủ nhằm thiết lập cân bằng xã hội, năng động kinh tế và bản sắc dân tộc.

    Ngược lại, người dân Nga trong những thập kỷ gần đây dường như không có khả năng tạo ra những thay đổi xã hội lớn. Chế độ độc tài, kiểm soát xã hội và di sản của hệ thống Xô viết có thể là những yếu tố cản trở sự tiến bộ của người dân Nga hướng tới một xã hội tiên tiến.

    Hệ thống kiểm soát của chủ nghĩa Stalin với các mãng đảng bộ kềm kẹp vào mọi ngóc ngách của xã hội mà bè lũ Trọng đang áp đặt lên người dân Việt chắc cũng không khác gì hệ thống mà Putin đang áp đặt lên người dân Nga.

    Có lẽ không xa sự thật khi nói rằng người dân Việt Nam, Ukraine và Nga khao khát hòa bình, thịnh vượng, chất lượng cuộc sống, toàn vẹn lãnh thổ và cân bằng xã hội, cũng như những khác vọng khác về quyền con người.

    Con đường mà Ukraine đã đi trong ba thập kỷ qua có thể là con đường mà người dân Việt Nam và Nga vẫn chưa bương chải và trải nghiệm.

    Chúng ta có thể cần vài cuộc cách mạng màu để lật đổ ách độc tài và xây dựng thịnh vượng chung cho mỗi và mọi người.


    Không có nhận xét nào