Tần Sóc
Phạm Như Hồ dịch
Nguồn: “Chine: la répression, la révolte et les chaines d’approvisionnement”, Le Grand Continent, 27.11.2022
20/6/2023
Một phong trào chưa từng có đang lan rộng ở Trung Quốc. Dân chúng nổi lên chống lại chính sách không có Covid. Đằng sau những cuộc nổi dậy này, có lẽ một sự thay đổi sâu sắc đang diễn ra. Dù sao đi nữa, chúng cũng đã bộc lộ một nỗi lo âu về cuộc sống: tính dễ bị tổn thương của các chuỗi cung ứng – công cụ chính của quyền lực Trung Quốc.
Qin Shuo/Tần Sóc (1968-) là đảng viên Đảng Cộng sản Trung Quốc và là một nhà bình luận khá nổi tiếng ở Trung Quốc. Năm 2000, sau khi được đào tạo trong ngành báo chí, Shuo theo học tại Đại học bang California, nơi ông lấy bằng thạc sĩ hành chính công. Từ năm 2001, ông hoàn thành bằng tiến sĩ tại Đại học Tôn Trung Sơn, tập trung vào tiếp thị và hành vi người tiêu dùng ở Trung Quốc. Vào tháng 6 năm 2015, Qin Shuo từ chức chức tổng biên tập của China Business News/Tài Kinh (Caijing 财经), tờ báo mà ông có tham vọng biến thành tờ Tạp chí Wall Street Journal của Trung Quốc. Vào ngày 16 tháng 10 cùng năm, ông thành lập phương tiện truyền thông của riêng mình mang tên Câu Lạc Bộ những người bạn của Qin Shuo/Tần Sóc bằng hữu quyển (秦朔朋友圈), liên quan đến bản tin tức thời sự mà tất cả người dùng WeChat có và tập hợp xung quanh các ý tưởng của Qin Shuo với 278.000 người đăng ký.
Gần đây, dịch bùng phát trở lại ở nhiều nơi, và sự kiện ở Trịnh Châu - nhà máy Apple lớn nhất Trung Quốc, nơi công nhân nổi dậy chống lại các biện pháp đàn áp của chính sách không có Covid - đã gây chấn động dư luận Trung Quốc và thế giới. Tuy nhiên, dưới góc nhìn của một số trí thức, nỗi lo lắng không chỉ là phòng chống và kiểm soát dịch, bảo vệ quyền và lợi ích của người lao động, khôi phục sản xuất, mà còn là sự an toàn của ngành công nghiệp chế tạo và chuỗi cung ứng.
Bài viết này được xuất bản vào ngày 16 tháng 5 năm 2022 và được Tạp chí Văn hóa Bắc Kinh/Beijing Cultural Review đăng lại vào ngày 3 tháng 11 khi các công nhân tại nhà sản xuất Foxconn cố gắng thoát khỏi các biện pháp y tế nghiêm ngặt có khả năng phong tỏa nhà máy và khu vực xung quanh. Bài này khẳng định rằng, trong khuôn khổ của tiến trình bình thường hóa công tác phòng chống và kiểm soát dịch bệnh, của sự phát triển kinh tế xã hội, người Trung Quốc cần hiểu sâu hơn về chuỗi cung ứng. Tần Sóc đưa ra năm điểm đi theo hướng này.
Đầu tiên, chuỗi cung ứng của Trung Quốc phải được bảo vệ về mặt chính trị và chiến lược. Các chuỗi cung ứng là một trong những nền tảng xây dựng xã hội và phép màu kinh tế của Trung Quốc trong những thập kỷ qua chủ yếu phụ thuộc vào hệ thống chuỗi cung ứng mạnh mẽ và hoạt động hiệu quả của Trung Quốc.
Thứ hai, tính dễ bị tổn thương của các chuỗi cung ứng phải được hiểu đầy đủ từ quan điểm của các mối liên kết phổ quát. Ở một số nơi, các nguyên liệu thô, các nhà sản xuất, các hàng hóa, các xe tải và những người lái xe trong chuỗi cung ứng cảm thấy ít liên quan và không được yêu thương bởi chuỗi cung ứng, điều này có hậu quả là làm cho các mối liên kết bị hạn chế hoặc thậm chí bị rối loạn.
Thứ ba, điều quan trọng là dự đoán khủng hoảng và tạo ra một chuỗi cung ứng mang tính hòa nhập. Từ góc độ của chính phủ, cần phải đảm bảo tính lưu chuyển tối thiểu của chuỗi cung ứng cần thiết. Từ góc độ các công ty, chúng ta cần chuẩn bị cho các cuộc khủng hoảng xảy ra trong thời gian bình thường và phản ứng một cách quyết đoán khi chúng phát sinh.
Thứ tư, Trung Quốc phải khôn ngoan trong trường hợp khẩn cấp và tạo ra chuỗi cung ứng cứu trợ với nhiều điểm triển khai linh hoạt. Trước đây, trọng tâm của chuỗi cung ứng là sự quản lý tinh gọn, nhưng ngày nay chúng ta cần xem xét quản lý chuỗi cung ứng phi tập trung trên nhiều địa điểm, không chỉ ở các thành phố khác nhau, mà còn ở các tỉnh khác nhau.
Thứ năm, Trung Quốc cần tăng cường “tính tổ chức và sức mạnh tâm lý của mình” để xây dựng một chuỗi cung ứng bền vững. Để đối phó với các khó khăn, trước hết phải có một khả năng ra quyết định linh hoạt và nhanh chóng, nền văn hóa tổ chức và sự quan tâm của nhân viên là cần thiết để tạo nền tảng nội tại cho việc xây dựng một chuỗi cung ứng có khả năng phục hồi/đề kháng.
Thứ sáu, Trung Quốc phải tận dụng công nghệ để tạo ra một chuỗi cung ứng kỹ thuật số và thông minh. Số hóa, trí tuệ nhân tạo cũng như các công nghệ và công cụ không tiếp xúc khác có thể là một sự đóng góp rất quan trọng để “bảo vệ” chúng ta chống lại thời gian ngừng hoạt động của chuỗi cung ứng.
Tần Sóc: Cuối cùng chúng tôi cũng sẽ vượt qua đại dịch Omicron, nhưng “âm mưu” Omicron cũng đã được thực hiện một phần. Đó là làm suy yếu mối quan hệ giữa Trung Quốc và thế giới, làm suy yếu mối quan hệ giữa các tỉnh khác nhau của Trung Quốc, phá hoại sự thống nhất giữa sự phòng ngừa và kiểm soát thường xuyên đại dịch và sự phát triển kinh tế, xã hội, và cuối cùng là phá hoại niềm tin của dân chúng.
Những thiệt hại này đối với nền kinh tế và xã hội không chỉ là một nỗi đau thoáng qua.
Điều quan trọng là phải học hỏi từ nỗi đau này và suy nghĩ về sự thay đổi, đồng thời sử dụng đại dịch như một điểm khởi đầu mới để tìm kiếm sự đồng thuận, ngay cả khi ngày nay càng ngày càng khó thiết lập sự đồng thuận.
Bài viết này cố gắng phác thảo những bước khởi đầu của sự đồng thuận từ góc độ của chuỗi cung ứng. Vì thiên nga đen[1] và tê giác xám[2] chắc chắn sẽ quay trở lại vì chuỗi cung ứng không chỉ là vấn đề kinh tế, mà còn là vấn đề ổn định và phát triển của toàn xã hội.
Tôi có một số kiến thức về chuỗi cung ứng do tôi đã quan tâm đến nhà máy trong dài hạn. Tôi cũng nhìn thấy hy vọng trong sự vất vả chống dịch của các công ty, như chúng nói: “Mỗi chuyến xe chở vật liệu đến là một quá trình đáng sợ”, và chi phí thậm chí gấp 8-10 lần bình thường, nhưng chúng vẫn kiên trì. Có câu ngạn ngữ Quảng Đông, “Đừng cầu may một cách tuyệt vọng, một cái bắt tay không ngừng đấu tranh có thể mở ra một con đường máu mới”, là sự phản ánh tinh thần của các công ty. Chúng khiến tôi tin rằng những người không biết mệt mỏi sẽ chế tạo được thép.
Nhiều người cho rằng sự phòng chống và sự kiểm soát các bệnh dịch là chính sách lớn nhất, rằng chuỗi cung ứng sẽ bị ảnh hưởng nhất thời và có thể phục hồi sau.
Nhưng trên thực tế, không phải là vậy. Bất cứ ai từng trải qua trận dịch bệnh đều có thể thấy rằng chuỗi cung ứng là một trong những nền tảng trên đó xã hội được xây dựng và các chuỗi cung ứng cơ bản như nước, điện và khí đốt, giao thông và vận tải, thực phẩm và chăm sóc y tế không thể nào bị dừng lại dù chỉ trong khoảnh khắc. Chuỗi cung ứng cũng quan trọng và cấp bách như cuộc chiến chống lại dịch bệnh.
Trung Quốc là nước có nền sản xuất và thương mại lớn nhất thế giới, và đặc điểm “sản xuất + thương mại” này làm cho chuỗi cung ứng trở nên mấu chốt. Đặc điểm chính của ngành sản xuất của Trung Quốc là chi phí cao và ưu thế chính của chuỗi cung ứng của Trung Quốc để chiếm được lòng tin của thế giới là hiệu năng rất cao của nó.
Tôi đã phỏng vấn nhiều công ty sản xuất hướng tới xuất khẩu và khả năng cạnh tranh của chúng từ góc độ chuỗi cung ứng nằm ở chỗ chúng dựa vào một hệ thống thiết bị, bộ phận và linh kiện cực kỳ phát triển. Lý do thứ hai là nhân viên rất kỷ luật trong sản xuất, và lý do thứ ba là chất lượng nguyên vật liệu đầu vào và đầu ra được đảm bảo bởi một hệ thống vận tải và hậu cần mạnh, bao gồm cả các tài xế xe tải sẵn sàng can thiệp 24/24 giờ. Lần này, chúng chỉ có thể bất lực nhận thấy rằng, dưới sự tác đông của dịch bênh, rất khó để đưa nguyên vật liệu vào, kêu gọi nhân viên quay lại và lái xe, có nhiều sản phẩm không thể nào sản xuất được, nhiều đơn hàng trong nước bị chuyển ra nước ngoài.
Trong nhiều thập kỷ, nền kinh tế Trung Quốc đã trải qua năm động lực chính, đó là tiến trình thương mại hóa, công nghiệp hóa, đô thị hóa, tin học hóa và quốc tế hóa. Quốc tế hóa cung cấp nhu cầu nước ngoài, đô thị hóa tạo cơ hội cho việc dịch chuyển lao động từ nông thôn, và quốc tế hóa và đô thị hóa dẫn đến sự bùng nổ của công nghiệp hóa. Một số tiến trình “tin học hóa” được liên kết với nhau. Ngày nay, Hoa Kỳ, Châu Âu và Nhật Bản đã điều chỉnh chuỗi cung ứng của họ và không muốn đặt cược vào Trung Quốc. Nếu chúng ta không tự lo cho chuỗi cung ứng thì xuất khẩu và đầu tư nước ngoài sẽ bị đảo ngược. Khi nhu cầu nước ngoài giảm và đầu tư nước ngoài càng xa lánh, năng lực quốc gia sẽ bị căng thẳng và một lượng lớn lao động nhập cư sẽ mất việc làm, không thể ở lại thành phố và phải trở về nông thôn, đối mặt với đất đai và một lực lượng lao động kém hiệu quả. Theo cách này, quá trình đô thị hóa của Trung Quốc có thể bị đảo ngược.
Tôi dám khẳng định rằng nếu các chuỗi cung ứng của Trung Quốc thường xuyên bị dừng lại, quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa và quốc tế hóa của chúng ta đều có thể bị đảo ngược. Đây là lý do tại sao chuỗi cung ứng của Trung Quốc phải được bảo vệ về mặt chính trị và chiến lược.
Các nền kinh tế hiện đại là những hệ thống phân công lao động và cộng tác, trong đó một hàng hóa hoặc dịch vụ đơn lẻ thường được tạo ra bởi một số tác nhân kinh tế làm việc cùng nhau. Những tác nhân này không nhất thiết phải liên quan đến nhau, nhưng chắc chắn chúng sẽ liên kết với nhau ở thời điểm này hay thời điểm khác. Không ai trong số chúng có thể bị bỏ rơi. Như trong quá trình sản xuất một ô tô điện, nếu thiếu chip của bộ điều khiển điện tử (ECU), ô tô sẽ không thể xuất xưởng.
Hiệu ứng thác phổ quát này của chuỗi cung ứng hiện đại có nghĩa là những gì xảy ra ở nơi A cũng xảy ra ở nơi B và những gì xảy ra trong ngành A cũng xảy ra ở ngành B. Nếu một số thuốc nhuộm ở Thượng Hải ngừng sản xuất, một số giày ở Ninh Ba sẽ không được nhuộm. Các chuỗi cung ứng hiện đại rất hiệu quả nhưng cũng rất mong manh.
Sở dĩ nhiều người cho rằng có thể dừng chuỗi cung ứng của một địa phương cụ thể để chống dịch là vì họ không hiểu rằng chuỗi cung ứng không phải là chuyện của địa phương mà là của thế giới. Trong các hoàn cảnh bình thường, hiệu ứng của chuỗi cung ứng là “tổng thể lớn hơn sự tổng cộng của các bộ phận”, 1 + 1 > 2, nhưng khi một liên kết dừng lại, nó là 2 – 1 = 0 và tất cả các khâu đều bị tác động cùng với nhau.
Do chuỗi cung ứng ăn sâu vào toàn xã hội nên mọi người đều có trách nhiệm bảo vệ chuỗi cung ứng và phải tạo điều kiện thúc đẩy chuỗi cung ứng vận hành trơn tru, để “các cá nhân có thể sử dụng tốt nhất tài năng của mình, đất đai có thể sử dụng sức mạnh của nó một cách tốt nhất, mọi thứ có thể được sử dụng ở mức tối đa và các hàng hóa có thể lưu chuyển trôi chảy”. Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản khẳng định rằng “chỉ có giải phóng toàn thể nhân loại, chúng ta mới có thể giải phóng chính mình”. Điều tương tự cũng xảy ra với chuỗi cung ứng: chỉ khi mỗi nơi không bị tắc nghẽn, thì toàn bộ quá trình sẽ không bị chặn. Nơi nào ùn tắc xảy ra, nơi đó phải xác định trách nhiệm.
Thực trạng hiện nay là nhiều mắt xích trong chuỗi cung ứng đang vận hành về nguyên liệu, hàng hóa, xe tải, tài xế, nghĩ rằng chúng không liên quan gì với nhau. Trong một thứ tư tưởng bảo hộ triết học nhất định, trong chuỗi cung ứng tất cả các mắt xích không được kết nối với nhau, điều này tạo ra các tình huống thường xảy ra như tắc nghẽn trên đường cao tốc hoặc cách ly trong 14 ngày. Chuỗi cung ứng giận dữ, điều có thể hình dung được.
Các chuỗi cung ứng rất mong manh, vì vậy khủng hoảng là không thể tránh khỏi. Trong thời khủng hoảng, từ chính phủ đến xã hội và doanh nghiệp, chúng ta phải vừa kiên quyết chống dịch, vừa phải cố gắng tạo ra một chuỗi cung ứng mang tính hòa nhập và xây dựng, hơn là đóng cửa và kéo nó tụt xuống.
Trên quan điểm của chính phủ, chính phủ phải đảm bảo tính lưu chuyển tối thiểu trong chuỗi cung ứng. Ví dụ: không nên đặt các trạm kiểm soát tùy tiện trên đường cao tốc, không nên đóng cửa các khu vực dịch vụ trên đường cao tốc một cách có hệ thống, không nên có hàng tá thủ tục hành chính mà không có liên hệ với nhau và không nên đòi hỏi giấy chứng nhận kiểm tra PCR phải được xuất trình trong mọi tình huống. Chúng ta có thể xem xét bổ sung các trạm kiểm tra chống covid nhanh ở các bãi dừng xe trên đường cao tốc, nơi các tài xế có thể được giải phóng nếu kết quả xét nghiệm âm tính và được thông báo trực tiếp nếu họ dương tính để họ dừng lại ở nơi được chỉ định gần nhất để bị cách ly. Không gian bốc hàng có thể được chia thành nhiều tình huống để đối phó với các tình huống như dời vị trí bốc hàng hoặc sự thay đổi đầu rơ moóc. Nguyên tắc chung là kiểm soát người (có khả năng bị nhiễm bệnh) chứ không phải hàng hóa và sự không hài lòng với việc kiểm soát tổng quát vì tài xế xuất thân từ hoặc đã đi qua tỉnh nơi đã có ca bệnh. Một trợ cấp có thể được cung cấp cho các khoản phí trả chậm mà các thương nhân phải trả do sự chậm trễ về mặt hậu cần.
Đối với hàng hóa ra vào sân bay, đường sắt, cảng biển có thể xem xét việc mở những làn xanh đi vòng và quản lý theo mô hình khép kín. Đặc biệt, mọi nỗ lực phải được thực hiện để giữ cho các chuỗi cung ứng quốc tế được mở, an toàn và ổn định, vì người mua quốc tế sẽ phải trả giá rất đắt khi cố gắng thu hồi lại các hàng hóa một khi họ đã từ bỏ chuỗi cung ứng Trung Quốc.
Từ góc độ các doanh nghiệp, chúng ta nên xây dựng các kế hoạch cho các cuộc khủng hoảng nói chung và chuẩn bị sẵn sàng cho các cuộc khủng hoảng trong thời bình. Miễn là chúng có một cơ sở quản lý vững chắc, chúng nên cố gắng chuẩn hóa tối đa sự cung ứng.
Nhà máy của SAIC Motor Passenger Vehicle ở thành phố Nam Hối đã bắt đầu quản lý theo mô hình khép kín vào giữa tháng Ba. Hơn 4.000 nhân viên đang làm việc ở đó và không có trường hợp dương tính nào được phát hiện. Kinh nghiệm của họ là giữ sự thống nhất cho toàn bộ các nhân viên ở mức tối thiểu, với các nhóm dưới hình thức của một đơn vị và một lưới ngăn cách các nhóm, mà không có liên hệ giữa các nhóm. Tất cả các xe tải vào nhà máy mà không cần tài xế phải xuống xe, và toàn bộ các xe tải được khử trùng trước, sau đó các vật tư được khử trùng bằng tia cực tím.
Vào đầu tháng 4, khi dự trữ hàng của nhà máy cạn kiệt, họ bước vào giai đoạn tạm ngừng hoạt động và có một mối liên hệ theo thời gian thực hàng ngày với các nhà cung cấp cũng như tổ chức các cuộc họp về nguồn cung của họ. Với sự hợp tác của Giang Tô, Chiết Giang và Thượng Hải, SAIC Anji Logistics đã xây dựng sáu trạm trung chuyển để cung cấp khẩn cấp các nguyên liệu quan trọng bằng cách sử dụng các trạm hiện có, bằng cách tập trung một số bộ phận của Giang Tô và Chiết Giang vào các trạm trung chuyển, sau đó vận chuyển chúng đến nhà máy trong một hệ thống thống nhất. Sáu trạm trung chuyển đầu tiên đã được hoàn thành, 2 trạm ở Thượng Hải và Chiết Giang và 2 trạm ở Giang Tô đang được xây dựng.
Vào trưa ngày 18 tháng 4, chiếc xe tải chở hàng hóa đầu tiên rời ga trung chuyển Jiading Anting, đã xác minh các thông tin nhận dạng, thông hành đi lại và kiểm tra các xét nghiệm PCR tại điểm giao cắt, và đến ga trung chuyển Hàng Châu lúc 2 giờ chiều an toàn dưới sự hướng dẫn của cảnh sát giao thông. Sau đó, nó đi vào nhà ga để khử trùng, bốc xếp hàng hóa và kiểm tra lại xét nghiệm PCR, và quay trở lại trạm trung chuyển Anting lúc 5:00 chiều để dỡ hàng mà không có sự tiếp xúc nào, do đó đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chuyển hàng hóa đầu tiên.
Nhờ cách quản lý khép kín và giao hàng “không tiếp xúc” này, mỗi trạm trung chuyển có thể đảm bảo nhu cầu trung chuyển của 30 xe có trọng lượng trên 20 tấn mỗi ngày.
Không dễ để chống lại sự bùng phát bằng một tay và duy trì nguồn cung bằng tay kia, nhưng nếu chúng ta thực sự muốn chấn chỉnh mọi thứ, có nhiều cách để làm điều đó.
Khi đối mặt với một cơn khủng hoảng của chuỗi cung ứng, chỉ cần nhìn vào vấn đề, có sự tắc nghẽn ở khắp mọi nơi. Giữa khủng hoảng, tìm kiếm các thời cơ cũng có nghĩa là tìm thấy khả năng của một thế giới mới.
Công ty máy bơm Kaiquan Thượng Hải (sau đây gọi là “Kaiquan”), nhà sản xuất máy bơm nước lớn nhất của đất nước kể từ khi dịch bệnh Vũ Hán bùng phát vào năm 2020, đặc biệt cung cấp cho các bệnh viện. Khi đợt Omicron xảy ra, Kaiquan đã phá vỡ các quy trình và hệ thống ban đầu của mình, đồng thời làm việc với các nhà cung cấp và nhân viên để lắp đặt máy 24/7, theo cách hoàn toàn khép kín, không gây gián đoạn tại một công trường được che chở. Thời gian giao hàng của mỗi đơn hàng đã được giảm từ 15 ngày xuống còn 2 ngày. Lý do chính cho tốc độ này là việc rút ngắn chu kỳ xem xét hợp đồng và thời gian sản xuất, cho phép khách hàng trực tiếp lựa chọn các sản phẩm hiện có và xác nhận các nguyên liệu. Vào thời điểm đơn đặt hàng đến, phần lớn vật liệu đã được sản xuất.
Trước đây, chuỗi cung ứng nhấn mạnh đến sự quản lý tinh gọn và đúng thời hạn/JIT (Just in time), nhưng nay là lúc xem xét việc quản lý chuỗi cung ứng phi tập trung trên nhiều địa điểm, không chỉ ở các thành phố khác nhau mà còn ở các tỉnh khác nhau. Năng lực sản xuất phải được hỗ trợ bởi một số nhà máy, để nếu có vấn đề phát sinh ở một thành phố, một nhà máy ở thành phố khác có thể can thiệp. Các sản phẩm thông thường phải được dự trữ trước để khi có dịch bệnh, các nguyên liệu có thể hỗ trợ sản xuất trong một thời gian.
Một quyết định quan trọng khác của Kaiquan là nhanh chóng chọn Hợp Phi làm trung tâm phân phối mới sau khi hoạt động hậu cần bị đình trệ, để nguyên vật liệu từ trong nước có thể được đưa trở lại Hefei. Năm 2008 chứng kiến việc mua lại một doanh nghiệp kinh doanh động cơ và máy bơm ở Hefei, làm cơ sở cho việc xây dựng cơ sở sản xuất lớn nhất của đất nước. Hợp Phi đã trở thành cảng gốc trong “thời chiến” do hoạt động hậu cần thông thường từ khắp đất nước đến đây.
Để đảm bảo sự ổn định của chuỗi cung ứng trong thời kỳ khủng hoảng, ngoài sự hỗ trợ của các điều kiện bên ngoài, tổ chức và văn hóa nội bộ là mấu chốt. Quản lý khép kín, với các nhân viên thường bị nhốt hàng chục ngày không được về nhà, rất khó duy trì nếu không có tâm lý tốt.
Nhà lãnh đạo Kaiquan tin rằng việc ra quyết định nhanh chóng và chính xác là điều cần thiết trong cơn khủng hoảng. Hội đồng quản trị cần trao cho những người chỉ huy tiền tuyến quyền tự do đưa ra quyết định, bởi vì họ đang ở trên thực địa, trong nhà máy và biết tình hình thực tế. Ở giai đoạn này thì không thể làm việc theo đúng quy trình, thẩm quyền ban đầu. Thay vào đó, tất cả các vấn đề phải được xem xét từng vấn đề một, theo mức độ quan trọng ưu tiên; cộng tác từ xa, cộng tác ở nhiều nơi, cộng tác với nhiều bên, tập hợp các nguồn lực để giải quyết vấn đề và xem xét chúng một cách riêng lẻ.
Kaiquan cũng chỉ ra rằng khi khủng hoảng đã đến, ta phải chấp nhận nó về mặt tinh thần và chấp nhận sự tồn tại của vấn đề là bước đầu tiên để giải quyết nó. Nếu ta không chấp nhận nó hoặc đối mặt với nó trong tâm trí của mình, ta sẽ tránh nó và lẫn trốn. “Có rất nhiều điều không chắc chắn trong cơn bệnh dịch, chúng tôi đã thảo luận cởi mở trong nội bộ, chúng tôi không che giấu, chúng tôi đưa ra quyết định nhanh chóng, chúng tôi công bố kịp thời, chúng tôi tiếp tục thu thập phản hồi từ nhân viên, chúng tôi điều chỉnh khi cần thiết và giải thích thêm. Khía cạnh văn hóa này của công việc rất tốt cho cả việc giải quyết vấn đề và điều chỉnh nhân viên và xoa dịu cảm xúc, cũng như cho sự gắn kết của nhân viên. Chúng tôi nhanh chóng mua hai nồi hơi để giải quyết vấn đề phòng tắm cho một số lượng lớn người sử dụng, chúng tôi đã yêu cầu các người có trách nhiệm đến thăm các nhóm nhân viên mỗi ngày để hiểu vấn đề, và chúng tôi làm bánh bao với mọi người vào cuối tuần. Khi chúng tôi hỗ trợ, khuyến khích và giúp đỡ nhân viên của mình, họ sẽ ở lại với công ty và chịu được áp lực.”
Nhờ vào việc ra quyết định linh hoạt và nhanh chóng, văn hóa tổ chức và sự quan tâm dành cho nhân viên, có một nền tảng nội bộ để xây dựng chuỗi cung ứng lâu bền.
Đợt Omicron lan truyền nhanh chóng và chỉ có thể bị gián đoạn với cái giá phải trả là sự dịch chuyển kinh tế và xã hội ở một mức độ nào đó. Nhờ các công nghệ và công cụ kỹ thuật số, thông minh và không tiếp xúc, chúng tôi có thể “bù lại” cho phần lớn việc tạm dừng chuỗi cung ứng.
Một số công ty chỉ ra rằng “sản xuất khép kín + làm việc tại nhà + cộng tác trên đám mây” đã trở thành mô hình làm việc mới.
Trong hiện tại và tương lai, việc thu thập nhiều dữ liệu và tín hiệu cảnh báo sớm hơn thông qua Internet vạn vật và trí tuệ nhân tạo, sử dụng nhiều hơn robot thông minh tham gia vào sản xuất, kho bãi và hậu cần, và việc sử dụng nhiều hơn các phương tiện không người lái sẽ giúp giảm thiểu sự tiếp xúc của con người và khắc phục tác động của sự lan truyền virus.
Dịch Omicron vẫn chưa kết thúc. Nó có thể chỉ là một cơn gió nhẹ với những tác động xấu của nó, nhưng nó thổi rất rộng và bất cứ nơi nào nó đi qua, chuỗi cung ứng của Trung Quốc đều bị ảnh hưởng. Trong cơn bão táp như vậy, điều đáng sợ nhất không phải là chính cơn bão táp mà là sự mất đi niềm tin và quyết tâm vượt qua nó.
Tôi đã rơm rớm nước mắt khi nghe một nhà doanh nghiệp nói phải liên hệ từng phố một để “khuyến khích người dân ra khỏi nhà” vì nhiều phố có chính sách khác nhau. Do đó, họ đã phải đưa ra một số yêu cầu và sau đó tự vận chuyển nhân viên của mình từ khu vực cư trú đến công ty bằng xe tải, tổng cộng hơn 500 lượt, để đảm bảo sản xuất bình thường. Công ty đã làm mọi thứ có thể để bù cho các khoản lỗ và tạo ra giá trị cho người tiêu dùng, nhân viên và xã hội. Doanh nghiệp là xương sống của nền kinh tế, là tế bào của xã hội. Chúng có thể đi bao xa và bao lâu nữa nếu không có sự thấu hiểu, giúp đỡ và động viên nhiều hơn từ chính quyền và xã hội?
Tôi rất đau lòng khi đợt Omicron đã gây ra một sự lãng phí như vậy cho chuỗi cung ứng ở Trung Quốc, nhưng tôi vẫn có được rất nhiều sức mạnh và ý tưởng mới thông qua sự tương tác cá nhân với các nhà doanh nghiệp.
Không có hoàn cảnh tuyệt vọng, chỉ có những người tuyệt vọng.
Mọi thứ đều có vết nứt, và đó là nơi ánh sáng chiếu vào.
Tôi cầu nguyện rằng, sau thử thách này, chuỗi cung ứng của Trung Quốc sẽ không còn bị ảnh hưởng quá nhiều như vậy, rằng nó vẫn đồng nghĩa với sự đáng tin.
Phạm Như Hồ dịch
Nguồn: “Chine: la répression, la révolte et les chaines d’approvisionnement”, Le Grand Continent, 27.11.2022
Chú thích:
[1] Thiên nga đen (cygne noir) là một ý tưởng do Nasim Taleb, một nhà thống kê học, sáng tạo để chỉ một số sự kiện không thể đoán trước có xác suất xảy ra thấp (được gọi là “sự kiện hiếm” trong lý thuyết xác suất) và nếu nó xảy ra, sẽ có những hậu quả sâu rộng và đặc biệt (ND).
[2] Tê giác xám (rhinocéros gris) chỉ một mối nguy hiểm rõ ràng nhưng đã không được biết đến từ lâu (ND).
http://www.phantichkinhte123.com/2023/06
Không có nhận xét nào