Gồm 4 kỳ
Mỹ Lệ Đảo trở thành toàn bộ lãnh thổ của một quốc gia vì một biến cố ít ai ngờ.
October 2, 2021
Tưởng Giới Thạch ở Đài Loan năm 1963. Ảnh: John Dominis/LIFE/Getty Images.
Trước khi Đài Loan được trao trả lại cho Trung Hoa Dân Quốc không lâu, vào tháng Ba năm 1945, một quốc gia tuyên bố độc lập cách đó không xa: Đế quốc Việt Nam, do Hoàng đế Bảo Đại đứng đầu, với chính phủ của Thủ tướng Trần Trọng Kim. [1] Số phận không cho phép họ tồn tại lâu, khi tháng Tám cùng năm, Việt Minh cướp chính quyền và lập ra nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vào tháng Chín. Nhà nước mới này sẽ phải dành ra những tháng tiếp theo để đối phó với quân Pháp phía dưới vĩ tuyến 16 và quân Trung Hoa Dân Quốc ở phía trên vĩ tuyến này. [2] Cả hai đều tới Việt Nam với danh nghĩa Đồng Minh để giải giáp quân Nhật.
Trong số những binh lính, sĩ quan, công chức Nhật mà quân Tưởng Giới Thạch có nhiệm vụ giải giáp ở phía Bắc, có nhiều người bỏ trốn do sợ bị trả thù, rồi bị kẹt lại ở Việt Nam. Rất nhiều người trong số họ, thực ra, là người Đài. Có khoảng 700 người như vậy. Hàng trăm người sẽ tìm cách bơi thuyền về lại Đài Loan vào năm 1946 để rồi phân nửa chết trên biển, một số khác thì định cư luôn ở Việt Nam cho tới khi qua đời, như ông Wu Lianyi (mất năm 2006). [3]
Do Nội chiến Trung Hoa nổ ra từ năm 1945, Tưởng Giới Thạch buộc phải rút quân từ Việt Nam về để chiến đấu với quân của Cộng sản Đảng Trung Quốc từ đầu năm 1946. Nhưng họ không chỉ dàn quân ra để chiến đấu ở đại lục. Rắc rối bắt đầu nảy sinh ở hòn đảo họ mới giành được: Đài Loan.
Hoàn toàn không chia sẻ những gì người Đài Loan đã trải qua trong 50 năm dưới sự đô hộ của Nhật, các quan chức Quốc dân Đảng lập tức áp đặt quyền lực ở Đài Loan. Khác với nền kinh tế thị trường và không khí chính trị tương đối cởi mở mà người Đài có được dưới thời Nhật trước Thế chiến thứ Hai, Quốc dân Đảng lập tức thi hành chính sách bàn tay sắt ở hòn đảo này. Người Đài lập tức phản đối và đòi quyền tham gia chính trị nhiều hơn, đòi bãi bỏ các lệnh cấm buôn bán một số mặt hàng (chẳng hạn thuốc lá) cũng như các chính sách can thiệp kinh tế khác.
Ảnh trái: Người biểu tình tập trung trước Cục độc quyền thuốc lá ngày 28/2/1947 (Wikimedia Commons). Ảnh phải: Một bài báo trên The New York Times về sự kiện (OfTaiwan).
Đỉnh điểm căng thẳng xảy ra vào ngày 28/2/1947, khi cảnh sát giết chết một người bán thuốc lá lậu, dẫn đến một cuộc nổi dậy của hàng chục nghìn người ở khắp nơi. Thay vì đáp ứng yêu cầu của người dân, Quốc dân Đảng quyết định ra lệnh thiết quân luật, điều binh lính từ đại lục sang đàn áp phong trào nổi dậy. Kết quả là có khoảng 10.000 - 30.000 người bị giết hại, xử tử, một bộ phận lớn giới trí thức Đài Loan biến mất trong vài tháng. [4]
Lệnh thiết quân luật này về sau sẽ đi vào lịch sử với tư cách là khởi điểm của thời kỳ thiết quân luật dài nhất trong lịch sử thế giới hiện đại tính cho tới khi nó được bãi bỏ năm 1987. [5]
Tuần hành tưởng nhớ sự kiện 228 vào tháng 2/2021 tại Đài Bắc. Ảnh: Taipei Times.
Những ai quan tâm tới lịch sử Đài Loan sẽ phải đặc biệt chú ý tới sự kiện 228 này, bởi nó sẽ định hình những diễn biến lịch sử mấy chục năm về sau. Không phải ngẫu nhiên mà ngày nay, ở Đài Bắc, công viên ngay bên cạnh Phủ Tổng thống được đặt tên là Công viên Hòa bình Tưởng niệm 228. Bộ phim “Bi tình thành thị” (A City of Sadness) được công chiếu năm 1989 với sự góp mặt của diễn viên Lương Triều Vỹ cho đến nay vẫn là tác phẩm điện ảnh tiêu biểu nói về sự kiện này. [6]
Mọi nỗ lực của Quốc dân Đảng không giúp họ chiến thắng ở đại lục. Năm 1949, Tưởng Giới Thạch buộc phải nhường đại lục lại cho Cộng sản Đảng, rút ra đảo Đài Loan, mang theo hai triệu người và toàn bộ bảo vật quốc gia. Hai triệu người này về sau sẽ được gọi là “người đại lục” (mainlander) để phân biệt với “người hải đảo” (islander) vốn đã sinh sống ở Đài Loan từ lâu. Còn số bảo vật quốc gia ngày nay đang được lưu giữ tại một địa điểm mà rất nhiều người Việt Nam biết: Bảo tàng Cố cung Quốc gia (National Palace) ở Đài Bắc.
Đến đây, lần đầu tiên trong lịch sử, và vì một biến cố lịch sử ít ai tính tới và ngờ tới, Mỹ Lệ Đảo trở thành toàn bộ lãnh thổ mà một quốc gia sở hữu: Trung Hoa Dân Quốc. Tình trạng này được duy trì cho tới tận ngày nay. Học giả Hsiao-ting Lin gọi Đài Loan là một quốc gia tình cờ (accidental state). [7]
Cùng năm đó, ở Việt Nam, một nhà nước mới cũng tuyên bố ra đời, Quốc gia Việt Nam, được Pháp hậu thuẫn, do cựu hoàng Bảo Đại làm quốc trưởng và chọn lá cờ vàng ba sọc đỏ làm quốc kỳ. [8] Một người lính trẻ tên Nguyễn Văn Thiệu cũng được phong làm binh nhì trong Quân đội Quốc gia Việt Nam vốn mới được thành lập. [9] Số phận của họ về sau, ngẫu nhiên thế nào, lại ít nhiều gắn với Đài Loan.
Chú thích
1. Chieu, V. (1986). The Other Side of the 1945 Vietnamese Revolution: The Empire of Viet-Nam (March-August 1945). The Journal of Asian Studies, 45(2), 293-328. doi:10.2307/2055845
2. Kiernan, B. (2019). Viet Nam: A History from Earliest Times to the Present (Reprint ed.). Oxford University Press.
3. Morris, A. D., & Gerteis, C. (2017). Japanese Taiwan: Colonial Rule and its Contested Legacy (SOAS Studies in Modern and Contemporary Japan) (Reprint ed.). Bloomsbury Academic.
4. Shih, C., & Chen, M. (2010). TAIWANESE IDENTITY AND THE MEMORIES OF 2-28: A CASE FOR POLITICAL RECONCILIATION. Asian Perspective, 34(4), 85-113. Retrieved May 15, 2021, from http://www.jstor.org/stable/42704735
5. Harrison, M. (2017, July 17). The end of martial law: An important anniversary for Taiwan. Lowy Institute. https://www.lowyinstitute.org/the-interpreter/end-martial-law-important-anniversary-taiwan
6. A City of Sadness (1989). (n.d.). IMDb. Retrieved May 15, 2021, from https://www.imdb.com/title/tt0096908/
7. Lin, H. (2016). Accidental state: Chiang Kai-shek, the United States, and the making of Taiwan.
8. Balázs Szalontai; The “Sole Legal Government of Vietnam”: The Bao Dai Factor and Soviet Attitudes toward Vietnam, 1947–1950. Journal of Cold War Studies 2018; 20 (3): 3–56. doi: https://doi.org/10.1162/jcws_a_00813
9. The Irish Times. (2001, October 6). US-backed president before the collapse of Saigon. https://www.irishtimes.com/news/us-backed-president-before-the-collapse-of-saigon-1.330821
https://www.luatkhoa.com/2021/10
Không có nhận xét nào