Hòn đảo Xinh đẹp từng có một quá khứ rất nhọc nhằn.
September 25, 2021
( Gồm 4 kỳ)
Người Việt Nam ngày nay biết tới Đài Loan như là mảnh đất lành cho lao động phổ thông và cho cả những cô dâu Việt Nam. Nhiều người cũng biết Đài Loan có một mối quan hệ căng thẳng và phức tạp với Trung Quốc, và rằng Đài Loan là một nước dân chủ thịnh vượng.
Nhưng hòn đảo xinh đẹp này từng có một quá khứ rất nhọc nhằn. Sử gia J. Bruce Jacobs tổng kết rằng tồn tại một góc nhìn lịch sử Đài Loan thời kỳ trước năm 1988 là lịch sử thuộc địa, khi hòn đảo này chịu sự cai trị của sáu thế lực thực dân, bao gồm cả chế độ độc tài của Quốc dân Đảng. [1] Góc nhìn này đặc biệt được nhiều người Đài Loan bản địa chia sẻ, trong đó có nhà đấu tranh nổi tiếng Su Beng, người được mệnh danh là cha đẻ của phong trào đòi độc lập cho Đài Loan. [2] Còn với người Trung Quốc di cư từ đại lục sang vào cuối thập niên 1940 thì dĩ nhiên là không.
Các nghiên cứu địa lý cho thấy Đài Loan từng gắn liền với châu Á lục địa, cùng với cả đảo Hải Nam. Tuy vậy, quá trình tan băng sau Kỳ Băng Hà cách đây 12 ngàn năm đã khiến mực nước biển dâng cao và chia cắt vùng này với phần còn lại của châu Á. [3]
Trước năm 1624, Đài Loan - dù chỉ là một hòn đảo nhỏ - không phải là một dân tộc thống nhất, mà bao gồm rất nhiều bộ tộc sinh sống rải rác khắp nơi, chủ yếu sống bằng nghề săn bắn, trồng trọt. Nhiều bộ tộc trong đó có cùng gốc gác ngôn ngữ Nam Đảo (Austronesian) với người Cham ở miền Trung Việt Nam cũng như nhiều sắc dân khác ở Đông Nam Á, châu Đại Dương và châu Phi. [4] Vào thời kỳ đó, Việt Nam đã bắt đầu cuộc chia ly và huynh đệ tương tàn giữa nhà Trịnh ở Đàng Ngoài và nhà Nguyễn ở Đàng Trong, còn vương quốc Champa của người Cham thì đang trên đà diệt vong. [5]
Bộ tộc Bunun ở Đài Loan, đầu thế kỷ XX. Ảnh: Wikipedia/TaiwanNews.
Tàu bè phương Tây qua lại ở vùng biển Đài Loan gọi hòn đảo này là “Ilha Formosa”, tức “Mỹ Lệ Đảo”, hay “Hòn đảo Xinh đẹp”. (Nếu bạn đang thắc mắc thì đúng, công ty Hưng Nghiệp Formosa ở Việt Nam - một cơ sở của tập đoàn Formosa - có tên xuất phát từ Ilha Formosa.)
Rồi người Hà Lan tới và thuộc địa hóa một phần phía Nam hòn đảo này (vùng Đài Nam ngày nay) từ năm 1624. Hai năm sau, người Tây Ban Nha cũng tới thuộc địa hóa một phần phía Bắc (vùng Đạm Thủy, Cơ Long ngày nay). Người Hán từ miền Nam Trung Hoa bắt đầu di cư sang đây để làm ăn và định cư theo chương trình của Hà Lan. Kể từ đây, người bản địa Đài Loan bắt đầu bị áp bức và bị gạt ra bên lề lịch sử, để rồi phải nỗ lực đấu tranh sinh tồn và giữ gìn danh phận cho đến tận ngày nay.
Vì nhiều lý do, người Tây Ban Nha và Hà Lan lần lượt rời đi năm 1642 và 1662. Thay thế họ thống trị hòn đảo này là một thế lực mới: người Trung Hoa. Ban đầu là gia đình Trịnh Thành Công - một thế lực kháng chiến chống nhà Thanh chạy sang Đài Loan tị nạn. [6] Cùng khoảng thời gian đó, một số tàn binh chống Thanh từ Trung Quốc chạy xuống xứ Đàng Trong xin chúa Nguyễn cho lưu trú và được chấp nhận với điều kiện phải vào sống ở vùng đồng bằng sông Cửu Long. Họ sau này lập ra các thị trấn Biên Hòa, Mỹ Tho, Hà Tiên, v.v.
Không lâu sau khi chạy sang Đài Loan, gia tộc Trịnh Thành Công cũng bị nhà Thanh đánh bại. Đài Loan chính thức trở thành một phần của đế chế Trung Hoa dưới triều nhà Thanh từ năm 1683. Tuy vậy, nhà Thanh không đối xử với Đài Loan như một tỉnh của mình. Vì nhiều lý do, trong hơn 300 năm dưới triều Thanh, Đài Loan giống như một thuộc địa hoặc một đứa con ghẻ hơn.
Năm 1895, do thua trận, nhà Thanh buộc phải nhượng lại Đài Loan cho một thế lực mới trỗi dậy ở châu Á: Nhật Bản. Đài Loan trở thành thuộc địa đầu tiên trên con đường bá chủ của đại cường này. Về sau, người Đài theo bước chân các quân đoàn Nhật Bản đi chinh chiến ở khắp nơi, trong đó có Việt Nam (1941 - 1945). [7]
Dinh Toàn quyền của Nhật Bản ở Đài Bắc năm 1923, nay là Phủ Tổng thống Đài Loan. Ảnh: english.president.gov.tw.
Khu vực Bảo tàng Taihoku, nay là Bảo tàng Quốc gia Đài Loan ở Đài Bắc, gần Taipei Main Station. Ảnh: politika.io.
Cùng lúc đó, ở Hawaii, một chàng trai trẻ mới 29 tuổi người Trung Quốc đã rục rịch bắt đầu con đường cách mạng của mình, để rồi về sau, và cho đến tận bây giờ, chân dung của ông sẽ được treo khắp nơi trên hòn đảo Đài Loan: Tôn Trung Sơn. [8]
Người Nhật mất 20 năm để dẹp tan các nhóm phản kháng người Đài. Và mặc dù mang thân phận thuộc địa, người Đài được hưởng lợi từ một thứ mà ngày nay đã trở thành huyền thoại: công cuộc Duy Tân và hiện đại hóa của Nhật Bản. Người Nhật không chỉ mang tới đường xá, cầu cống, nhà cửa cho người Đài, mà còn mang tới những tư tưởng tự do, dân chủ phương Tây mà chính họ mới hấp thụ cách đó không lâu. [9] Hiện tượng tương tự cũng xảy ra đồng thời ở Việt Nam dưới sự đô hộ của thực dân Pháp.
Năm 1912, ở những nơi xa xôi cách Mỹ Lệ Đảo hàng ngàn cây số, có hai chuyện xảy ra khiến cho lịch sử Đài Loan sẽ thay đổi đến mức chóng mặt.
Một là Nhật hoàng Minh Trị (Meiji) qua đời ở Tokyo, [10] chấm dứt thời kỳ Duy Tân Minh Trị, mở ra một thời kỳ mới trong lịch sử Nhật Bản với vai trò lớn hơn của một thiết chế dân chủ: nghị viện. Người Đài Loan bắt đầu tận dụng các cơ chế dân chủ còn khá sơ khai của Nhật Bản để đấu tranh đòi mở rộng các quyền dân sự và chính trị cũng như quyền tự trị, đạt được nhiều thành công đáng kể, mà tiêu biểu là cuộc bầu cử đầu tiên ở Đài Loan được tổ chức năm 1935. [11] Một thứ mới mẻ khác cũng ra đời: chủ nghĩa dân tộc Đài Loan.
Chuyện thứ hai xảy ra ở Trung Hoa đại lục sau cuộc Cách mạng Tân Hợi, khi chàng trai Tôn Trung Sơn mà chúng ta mới nhắc đến ở trên sáng lập ra nền cộng hòa đầu tiên trong lịch sử nước này: Trung Hoa Dân Quốc (Republic of China). Vào thời điểm này, Đài Loan vẫn là thuộc địa của Nhật, nhưng cái tên Trung Hoa Dân Quốc rồi một ngày không xa sẽ gắn chặt với Đài Loan cho đến tận ngày nay.
Bà Thái Anh Văn tuyên thệ nhậm chức tổng thống Đài Loan trước chân dung Tôn Trung Sơn, tháng 5/2020. Ảnh: Taiwan Presidential Office Handout via EPA.
Những nỗ lực đấu tranh dân chủ và đòi tự trị của người Đài kéo dài không đầy 20 năm thì Nhật Bản bắt đầu quá trình phát-xít hóa, rục rịch chuẩn bị cho chiến tranh từ đầu những năm 1930. [12] Mọi thứ được đặt trong tình trạng thời chiến, thanh niên Đài Loan bị huy động vào công cuộc binh đao của người Nhật. Trong số đó, có một người tên là Lý Đăng Huy (Lee Teng-hui) - một người Hán ở Đạm Thủy (gần Đài Bắc) có tổ tiên di cư sang Đài Loan từ thời nhà Thanh. [13] Chúng ta sẽ trở lại với nhân vật cực kỳ quan trọng này trong các phần sau.
Chiến tranh Thế giới thứ Hai kết thúc năm 1945 với phần thắng thuộc về phe Đồng Minh. Nhật Bản đầu hàng và chấp nhận bị cắt thuộc địa Đài Loan cho Trung Quốc. Trung Hoa Dân Quốc, thực thể kế thừa quốc gia từ nhà Thanh, với sự lãnh đạo của Thống chế Tưởng Giới Thạch và Quốc dân Đảng, [14] là đại diện của quốc gia này trên trường quốc tế, là thành viên sáng lập của Liên Hiệp Quốc và là thành viên thường trực của cơ quan quyền lực nhất của tổ chức này, Hội đồng Bảo An.
Lịch sử Đài Loan kể từ đây sang một trang mới, không kém nhọc nhằn hơn.
Kỳ 2: Quốc gia tình cờ
Chú thích
1. Jacobs, J. B. (2016). A History of Pre-Invasion Taiwan. Taiwan Historical Research 臺灣史研究, 23 (4), 1-38.
2. Horton, C. (2019, October 4). Su Beng, a Father of Taiwan Independence, Dies at 100. The New York Times. https://www.nytimes.com/2019/10/04/world/asia/su-beng-dead.html
3. Wan-Yao Chou, & Casey, T. B. C. P. A. T. (2021). A New Illustrated History of Taiwan (1st ed.). SMC Publishing Inc.
4. Blust, R. A. (n.d.). Austronesian languages | Origin, History, Language Map, & Facts. Encyclopedia Britannica. Retrieved May 16, 2021, from https://www.britannica.com/topic/Austronesian-languages
5. Papin, P. (2011). Việt Nam - Hành trình một dân tộc. Giấy Vụn Publisher.
6. Croizier, R. C. (n.d.). Zheng Chenggong | Chinese pirate. Encyclopedia Britannica. Retrieved May 15, 2021, from https://www.britannica.com/biography/Zheng-Chenggong
7. PING-HUI, L., & WANG, D. (Eds.). (2006). Taiwan Under Japanese Colonial Rule, 1895-1945: History, Culture, Memory. New York: Columbia University Press. doi:10.7312/liao13798
8. Wang, Y. C. (n.d.). Sun Yat-sen | Biography, Achievements, & Facts. Encyclopedia Britannica. Retrieved May 15, 2021, from https://www.britannica.com/biography/Sun-Yat-sen
9. Fulda, A. M. (2002). Reevaluating the Taiwanese Democracy Movement: A Comparative Analysis of Opposition Organizations under Japanese and KMT Rule. Critical Asian Studies, 34(3), 357–394. https://doi.org/10.1080/1467271022000008938
10. The Editors of Encyclopaedia Britannica. (n.d.-c). Meiji Restoration | Definition, History, & Facts. Encyclopedia Britannica. Retrieved May 15, 2021, from https://www.britannica.com/event/Meiji-Restoration
11. Taiwan - Taiwan as part of the Japanese empire. (n.d.). Encyclopedia Britannica. Retrieved September 23, 2021, from https://www.britannica.com/place/Taiwan/Taiwan-as-part-of-the-Japanese-empire
12. Japan - The rise of the militarists. (n.d.). Encyclopedia Britannica. Retrieved May 15, 2021, from https://www.britannica.com/place/Japan/The-rise-of-the-militarists
13. Kagan, R. C. (2007). Taiwan’s Statesman: Lee Teng-Hui and Democracy in Asia. US Naval Institute Press.
14. The Editors of Encyclopaedia Britannica. (2021a, April 1). Chiang Kai-shek | Biography & Facts. Encyclopedia Britannica. https://www.britannica.com/biography/Chiang-Kai-shek
https://www.luatkhoa.com/2021/09
Không có nhận xét nào