Header Ads

  • Breaking News

    Thời sự đó đây ngày Thứ tư 31 tháng 5 năm 2023

    Võ Thái Hà tổng hợp

    Triều Tiên phóng vệ tinh không gian; còi báo động rú vang tại Hàn Quốc và Nhật Bản

    Triều Tiên đã phóng một vệ tinh không gian hướng về phía nam vào sáng thứ Tư (31/5). Sự kiện này khiến Hàn Quốc và Nhật Bản phải báo động khẩn cấp và cảnh báo sơ tán ở một số nơi.

    Triều Triên trước đó đã loan báo với Nhật Bản rằng họ sẽ phóng một vệ tinh giám sát quân sự đầu tiên vào khoảng thời gian giữa ngày 31/5 và 11/6 để tăng cường theo dõi các hoạt động của Mỹ.

    Theo Reuters, trong dữ liệu được cung cấp cho giới chức quốc tế, Triều Tiên nói vụ phóng sẽ mang theo rocket về phía nam với nhiều giai đoạn và các mảnh vỡ khác dự kiến sẽ rơi xuống Hoàng Hải và Thái Bình Dương.

    Còi báo động phòng không đã rú vang khắp thủ đô Seoul của Hàn Quốc vào khoảng 6:32 sáng thứ Tư (31/5, giờ địa phương) khi thành phố này phát đi cảnh báo yêu cầu người dân chuẩn bị cho khả năng sẽ phải sơ tán. Sau đó, giới chức cho biết cảnh báo của thành phố đã gửi đi là lỗi.

    Chính phủ Nhật Bản cũng đã phát đi cảnh báo khẩn cấp qua hệ thống truyền phát J-Alert cho người dân ở tỉnh Okinawa, miền nam Nhật Bản vào sáng sớm thứ Tư (31/5, giờ địa phương). Chính phủ cảnh báo người dân hãy tìm nơi ẩn núp có mái che nếu họ đang ở ngoài.

    Chính phủ Nhật Bản sau đó nói rằng tên lửa phóng từ Triều Tiên sẽ không bay qua lãnh thổ Nhật Bản và đã gỡ cảnh báo.

    Bộ Quốc phòng Nhật Bản hôm thứ Hai (29/5) tuyên bố nước này sẽ bắn phá tất cả tên lửa Triều Tiên vi phạm không phận và đã sẵn sàng làm vậy.

    Hôm thứ Ba (30/5), ông Ri Pyong Chol, phó chủ tịch Quân Ủy Trung ương Triều Tiên cho biết các cuộc tập trận chung sắp tới của Mỹ và Hàn Quốc đòi hỏi Bình Nhưỡng phải có “các phương tiện có khả năng thu thập thông tin về các hoạt động quân sự của kẻ thù theo thời gian thực”.

    Trước vụ phóng hôm 31/5, Bộ Ngoại giao Mỹ nói rằng bất kỳ vụ phóng nào của Triều Tiên mà sử dụng công nghệ tên lửa đạn đạo đều vi phạm nhiều nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.

    Hải Đăng

    Tên lửa đẩy bị hỏng, vệ tinh Triều Tiên lao xuống biển 

    31/5/2023 


    Bức ảnh này do Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cung cấp, cho thấy một vật thể được quân đội Hàn Quốc trục vớt được cho là một phần của phương tiện phóng vũ trụ của Triều Tiên đã rơi xuống biển sau một vụ phóng thất bại ở vùng biển ngoài khơi đảo Eocheongdo, Hàn Quốc, ngày 31/5/2023.


    Bức ảnh này do Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cung cấp, cho thấy một vật thể được quân đội Hàn Quốc trục vớt được cho là một phần của phương tiện phóng vũ trụ của Triều Tiên đã rơi xuống biển sau một vụ phóng thất bại ở vùng biển ngoài khơi đảo Eocheongdo, Hàn Quốc, ngày 31/5/2023. 

    Một vụ phóng vệ tinh của Triều Tiên hôm thứ Tư (31/5) đã kết thúc thất bại, khiến tên lửa đẩy và vệ tinh rớt xuống biển. Quân đội Hàn Quốc cho biết họ đã thu hồi được các bộ phận của phương tiện phóng này, Reuters dẫn tin từ Triều Tiên cho biết.

    Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA đưa tin rằng tên lửa phóng vệ tinh mới “Chollima-1” đã thất bại do động cơ và hệ thống nhiên liệu không ổn định.

    Vụ phóng này là nỗ lực phóng vệ tinh thứ 6 của quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân này và là lần đầu tiên kể từ năm 2016. Nó được dự trù sẽ phóng vệ tinh do thám đầu tiên của Triều Tiên lên quỹ đạo.

    Vụ phóng đã gây ra báo động khẩn cấp và cảnh báo sơ tán ngắn tại một số vùng của Hàn Quốc và Nhật Bản. Báo động đã được rút lại mà không có nguy hiểm hoặc thiệt hại nào được ghi nhận.

    Tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc hôm 31/5 cho biết quân đội đang tiến hành trục vớt để thu hồi các mảnh vỡ của tên lửa và vệ tinh đã rơi xuống biển.

    Quân đội Hàn Quốc đã chia sẻ hình ảnh các mảnh vỡ được vớt lên khỏi mặt nước, trong đó có một vật thể hình trụ lớn được buộc vào một chiếc phao.

    Ông George William Herbert, giáo sư tại Trung tâm Nghiên cứu Không phổ biến Vũ khí hạt nhân và là nhà tư vấn tên lửa, cho biết các hình ảnh cho thấy ít nhất một phần của tên lửa, bao gồm “tầng giữa” được thiết kế để kết nối với tầng khác.

    Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho biết các quan chức từ Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc đã tổ chức một cuộc điện đàm và “lên án mạnh mẽ” vụ phóng này.

    “Ba nước sẽ cảnh giác cao”, tuyên bố cho biết.

    Triều Tiên cho biết họ sẽ phóng vệ tinh do thám quân sự đầu tiên trong khoảng thời gian từ ngày 31/5 đến ngày 11/6 để tăng cường giám sát các hoạt động quân sự của Hoa Kỳ.

    Hàn Quốc vào tuần trước lần đầu tiên phóng các vệ tinh lên quỹ đạo bằng một tên lửa được thiết kế và sản xuất trong nước, và Trung Quốc đã phóng ba phi hành gia lên trạm vũ trụ Trung Quốc trong chương trình luân chuyển phi hành đoàn hôm thứ Ba.

    Tên lửa lao xuống biển “sau khi mất lực đẩy do động cơ giai đoạn hai khởi động bất thường", KCNA đưa tin, trong một sự thừa nhận thẳng thắn bất thường về lỗi kỹ thuật của Triều Tiên.

    KCNA cho biết Cơ quan Phát triển Hàng không Vũ trụ Quốc gia (NADA) của Bình Nhưỡng sẽ điều tra “những khiếm khuyết nghiêm trọng” và hành động để khắc phục chúng trước khi tiến hành vụ phóng thứ hai càng sớm càng tốt.

    NADA sau đó cho biết tên lửa này không bay vào lãnh thổ Nhật Bản.

    Bắc Hàn nói vệ tinh do thám bị rơi xuống biển sau khi phóng

    Mảnh vỡ của vệ tinh do thám của Bắc Hàn

    Nguồn hình ảnh, Reuters

    Chụp lại hình ảnh, 

    Hình ảnh từ Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho thấy mảnh vỡ từ vệ tinh do thám của Bắc Hàn 

    Tác giả, Jean Mackenzie từ Seoul & Oliver Slow từ London

    BBC News

    Bắc Hàn nói một tai nạn đã xảy ra khi nước này tiến hành phóng vệ tinh không gian đầu tiên, khiến vệ tinh này lao xuống biển.

    Bắc Hàn trước đó tuyên bố lên kế hoạch phóng vệ tinh trước ngày 11/06 để do thám các hoạt động quân sự của Mỹ.

    Giờ đây Bình Nhưỡng nói sẽ cố gắng phóng lần thứ hai càng sớm càng tốt.

    Vụ phóng đã kích hoạt một báo động giả ở thủ đô Seoul của Hàn Quốc, còn ở Nhật Bản, một cảnh báo được phát ra cho người dân Okinawa, ở miền nam.

    Đã có sự hỗn loạn và hoang mang ở Seoul khi mọi người thức giấc vì tiếng còi hụ báo động và một thông báo khẩn cấp yêu cầu chuẩn bị sơ tán - chỉ 20 phút sau mới có thông báo rằng đó chỉ là báo động nhầm. 

    Nguy cơ đang gia tăng cao trên bán đảo Triều Tiên, nơi căng thẳng đã kéo dài giữa hai quốc gia trong suốt 70 năm qua. Cảnh báo sai này có thể gây tổn hại nghiêm trọng đến lòng tin của người dân đối với hệ thống cảnh báo.

    Bắc Hàn đã tạo nên mối đe dọa đối với Hàn Quốc. Nếu trong tương lai có cảnh báo vang lên, câu hỏi được đặt ra là liệu người dân có coi đó là chuyện nghiêm túc hay làm ngơ vì cho rằng chỉ là một sai sót.

    Cô Kim, 33 tuổi sống tại Seoul nói với BBC là bản thân đã "rất sợ hãi" khi nhận được cảnh báo khẩn cấp và bắt đầu thu gom đồ đạc để di tản.

    "Tôi không tin là sẽ xảy ra một cuộc chiến tranh, nhưng cuộc chiến tranh Ukraine khiến tôi nghĩ rằng Bắc Hàn hoặc Trung Quốc có thể xâm lược Hàn Quốc," cô Kim nói, và cho biết cô nghĩ Bình Nhưỡng đã "mất trí" và tiến hành một cuộc xâm lược.

    REUTERS

    Nguồn hình ảnh, Reuters

    Chụp lại hình ảnh, 

    Người dân theo dõi diễn biến trên màn hình TV ở Seoul

    Quân đội Hàn Quốc cho biết tên lửa có thể đã bị vỡ giữa không trung hoặc bị rơi sau khi nó sớm biến mất sớm khỏi màn hình radar, đồng thời cho biết thêm rằng quá trình phân tích đang được tiến hành, hãng thông tấn Yonhap đưa tin.

    Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida cho biết Bắc Hàn dường như đã bắn một tên lửa đạn đạo và chính phủ đang phân tích chi tiết.

    Ông nói thêm rằng hiện không có báo cáo về thiệt hại sau vụ phóng. Nhật Bản trước đó tuyên bố sẵn sàng bắn hạ bất cứ thứ gì đe dọa lãnh thổ của mình.

    Hôm thứ Ba 30/05, Ri Pyong-chol, phó chủ tịch ủy ban quân sự trung ương của Đảng Lao động Triều Tiên, đã công bố kế hoạch phóng vệ tinh, nói rằng đó là sự đáp trả trước "các hành động quân sự liều lĩnh" của Mỹ và Hàn Quốc.

    Ông cáo buộc các nước "công khai để lộ tham vọng xâm lược liều lĩnh".

    Cùng với Hàn Quốc và Nhật Bản, Mỹ lên án vụ phóng của Bắc Hàn, gọi đây là "sự vi phạm trắng trợn" nhiều nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.

    "Cánh cửa ngoại giao không khép lại nhưng Bình Nhưỡng phải ngay lập tức dừng những hành động khiêu khích và thay vào đó chọn cùng tham gia," Adam Hodge, người phát ngôn Hội đồng an ninh quốc gia của Mỹ cho biết.

    Ông Adam cũng cho biết thêm Mỹ sẽ tiến hành "tất cả các biện pháp cần thiết" để tự bảo vệ mình và các đồng minh.

    Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres cũng lên án vụ thử, và cho biết bất kỳ vụ phóng nào của Bình Nhưỡng sử dụng công nghệ tên lửa đạn đạo là "trái ngược" với những nghị quyết liên quan của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.

    Nhà lãnh đạo Bắc Hàn, Kim Jong-un đã xác định phát triển các vệ tinh quân sự là một yếu tố trọng yếu trong nền quốc phòng.

    Leif-Eric Easley, giáo sư từ Đại học Ewha ở Seoul, cho biết chính phủ Bắc Hàn "có thể thấy mình đang trong một cuộc chạy đua vào không gian", và cho dù sứ mệnh vệ tinh hiện tại của họ có thành công hay không, thì "có thể sẽ là sự tuyên truyền chính trị về khả năng không gian của quốc gia này".

    AIEA : Nga và Ukraina đồng ý các nguyên tắc bảo vệ trung tâm hạt nhân Zaporijia

    Ngày 30/05/2023, tại Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế AIEA, ông Rafael Grossi, đã trình bày « 5 nguyên tắc » để bảo vệ nhà máy hạt nhân Zaporijia, Ukraina, sau nhiều tháng nỗ lực tìm kiếm một thỏa thuận nhằm ngăn chặn bằng mọi giá một thảm họa hạt nhân.    


    Tổng giám đốc AIEA, Rafael Grossi, tại cuộc họp Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, New York, Hoa Kỳ, ngày 30/05/2023. AP - Seth Wenig 

    Minh Anh /RFI

    Từ New York, thông tín viên đài RFI, Carrie Nooten tường thuật :  

    « Tại nhà máy hạt nhân lớn nhất châu Âu bị rơi vào tay quân Nga, những đường dây cao thế thường xuyên bị bắn phá, các tòa nhà thì bị đặt các vũ khí, nhưng Hội Đồng Bảo An lại không thể thông qua một nghị quyết nào để lên án, bởi vì Nga chắc chắn sẽ cản trở ngay lập tức bằng cách phủ quyết.  

    Thế nên, sau nhiều tháng thương lượng mà không đạt được một kết quả gì, sau khi thất bại trong việc thiết lập một vùng an toàn xung quanh nhà máy, lãnh đạo AIEA ông Rafael Grossi giờ đây tập trung vào 5 nguyên tắc mà Ukraina và Nga đều không bác bỏ. Theo ông Grossi, đó đã là một tiến bộ.  

    Ông nói : "Hiện tại, chúng tôi đã có một bước tiến theo đúng hướng. Dĩ nhiên, lịch sử đã cho thấy là trong thời chiến, những thỏa thuận đạt được không bao giờ được tuân thủ nghiêm túc. Nhưng AIEA có sức mạnh của ngòi bút : Đó là cộng đồng quốc tế sẽ biết ngay lập tức chuyện gì đang diễn ra. Chỉ bấy nhiêu thôi đủ để răn đe."  

    Do vậy, ngay từ lúc này, Kiev và Matxcơva phải ngưng mọi cuộc tấn công từ nhà máy hay hướng vào nhà máy, không được tàng trữ vũ khí hạng nặng hay đạn dược, và phải bảo đảm cung ứng điện liên tục cho các tòa nhà. Những nguyên tắc thể hiện thuần túy "ý thức chung", đã được ghi rõ trong luật quốc tế, nhưng cũng là phương cách duy nhất cho đến lúc này để có được một thỏa hiệp sơ bộ. »  


    Nvidia trở thành nhà sản xuất chip đầu tiên trên thế giới vượt mức định giá 1 nghìn tỷ đô la. Cổ phiếu công ty này tăng hơn 4% vào thứ Ba sau khi CEO của họ tuyên bố tạo ra một nền tảng siêu máy tính AI mới giúp các công ty công nghệ khác xây dựng các mô hình AI tạo sinh (generative AI models). Là bên thiết kế các công nghệ bán dẫn được lựa chọn cho nhiều máy chủ AI, Nvidia là một trong số các nhà sản xuất chip được hưởng lợi lớn từ cơn sốt AI.

    Tỷ phú Elon Musk đến Bắc Kinh gặp Ngoại trưởng Tần Cương

    Elon Musk, ông chủ của Tesla, đã gặp ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương tại Bắc Kinh

    Chuyên cơ riêng của ông Elon Musk đã đến Bắc Kinh vào ngày 30/5. Theo trang web của Bộ Ngoại giao Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), Ngoại trưởng Tần Cương đã gặp ông Musk tại Bắc Kinh. Theo thông tin trước đó từ truyền thông Anh, chuyến thăm Trung Quốc của ông Musk nhiều khả năng là được Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường mời.

    Theo báo cáo mới nhất của Reuters hôm 30/5, trong cùng ngày, các nhân chứng nói với giới truyền thông rằng máy bay riêng của ông Elon Musk, CEO của nhà sản xuất ô tô điện Tesla của Mỹ, đã đến Bắc Kinh.

    Theo trang web chính thức của Bộ Ngoại giao ĐCSTQ, ngày 30/5/2023, Ủy viên Quốc vụ kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Tần Cương đã gặp Giám đốc điều hành Tesla – Elon Musk tại Bắc Kinh.

    Việc ông Musk một lần nữa thăm Trung Quốc đúng vào lúc Tesla đang nỗ lực muốn giải quyết nhiều vấn đề, bao gồm nhu cầu suy yếu ở thị trường ô tô lớn nhất thế giới – Trung Quốc, và sự cạnh tranh ngày càng tăng với các nhà sản xuất ô tô điện Trung Quốc. Ngoài ra, quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ xấu đi cũng ảnh hưởng xấu đến Tesla Motors. Chính quyền ĐCSTQ đã cấm xe Tesla đi vào các khu vực nhạy cảm về chính trị và quân sự của Trung Quốc, với lý do Tesla thu thập thông tin người dùng gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia của Trung Quốc.

    Ngay từ ngày 31/3 năm nay, báo cáo tin tức “độc quyền” của Reuters cho biết, hai người quen thuộc với vấn đề này đã biết rằng Giám đốc điều hành Tesla – Elon Musk, đã lên kế hoạch đến thăm Trung Quốc vào đầu tháng 4 và tìm cách gặp Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường. Một trong những nguồn tin cho biết thời gian chính xác của chuyến thăm sẽ phụ thuộc phần lớn vào thời điểm khi nào ông Lý Cường có thời gian trống.

    Ông Lý Cường, người được thăng chức Thủ tướng Quốc vụ viện ĐCSTQ vào tháng 3 năm nay, từng giữ chức Bí thư Thành ủy Thượng Hải.

    Tờ Financial Times của Anh từng đưa tin, ông Lý Cường khi làm Bí thư Thượng Hải, đã thuyết phục ông Musk xây dựng nhà máy ở nước ngoài đầu tiên của Tesla tại Thượng Hải. Việc này đã giúp thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế Thượng Hải và ngành công nghiệp xe điện của Trung Quốc, đồng thời cũng được coi là một trong những thành tích chính trị chính khi quản lý Thượng Hải của ông Lý Cường.

    So với người tiền nhiệm Lý Khắc Cường, ông Lý Cường có một lợi thế khác, là thành viên của “Chi Giang Tân quân” (phe Tập Cận Bình), ông Lý Cường đã giành được sự tin tưởng của Tập Cận Bình. Giới quan sát cho rằng ông Lý Cường vẫn được thăng chức thủ tướng dưới cái bóng của việc đóng cửa thành phố Thượng Hải, phá vỡ thông lệ các thủ tướng đều phải là người từng giữ chức phó thủ tướng kể từ thời ông Chu Ân Lai, điều này có liên quan đến sự tín nhiệm cao của ông Tập Cận Bình đối với ông ấy.

    Trung Quốc là thị trường bán xe điện lớn thứ hai thế giới của Tesla sau Mỹ. Nhà máy của Tesla ở Thượng Hải là trung tâm sản xuất lớn nhất của nhà sản xuất ô tô điện này.

    Chuyến thăm đầu tiên của ông Musk tới Trung Quốc là vào đầu năm 2020. Vào thời điểm đó, nhà máy Thượng Hải của Tesla đã hoàn thành và tổ chức lễ sản xuất. Hình ảnh và video ông Musk nhảy trên sân khấu đã trở thành cơn sốt trên mạng.

    Ông Musk trao đổi qua lại với ông Lý Cường rất nhiều. Vào tháng 4/2020, ông Lý Cường, khi đó là Bí thư Thành ủy Thượng Hải, đã tổ chức một cuộc kết nối video với ông Musk và giới thiệu rằng “công tác phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh viêm phổi virus corona mới ở Thượng Hải tiếp tục ổn định và cải thiện”. Trong quá trình kết nối, ông Lý Cường bày tỏ hy vọng rằng Tesla sẽ “tiếp tục đầu tư sâu hơn tại Thượng Hải, cải thiện bố cục kinh doanh, đẩy nhanh tiến độ xây dựng giai đoạn hai của siêu nhà máy ở Thượng Hải và đẩy nhanh việc triển khai trung tâm nghiên cứu phát triển (R&D) và đổi mới.”

    Vào thời điểm đó, ông Musk đã trả lời rằng Tesla sẽ kiên định tăng cường hợp tác giữa hai bên, đảm bảo sự ổn định của chuỗi cung ứng chuỗi sản xuất, không ngừng nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm, phục vụ tốt hơn cho thị trường và người dùng Trung Quốc.

    Vào ngày 26/9/2021, Hội nghị thượng đỉnh Ô Trấn của Hội nghị Internet Thế giới năm 2021 đã khai mạc tại thành phố Ô Trấn, Chiết Giang. Ông Musk cũng đã có một bài phát biểu qua video.

    Đổng Lâm San, Vision Times

    Ấn Độ tiếp tục là điểm sáng kinh tế toàn cầu nhưng vẫn còn nhiều khó khăn

    Dữ liệu được công bố vào thứ Tư có thể cho thấy Ấn Độ vẫn là một điểm sáng của kinh tế toàn cầu. Giới phân tích kỳ vọng GDP của Ấn Độ sẽ tăng 5% trong ba tháng đầu năm, từ mức 4,4% của quý trước. Con số này sẽ đưa Ấn Độ trở thành nền kinh tế lớn phát triển nhanh nhất thế giới, với mức tăng trưởng trong năm tài chính 2022-2023 vượt 7%.

    Song con số tổng quát che dấu những điểm yếu. Thứ nhất, tăng trưởng không tạo ra việc làm. Theo Trung tâm Giám sát Kinh tế Ấn Độ, tỷ lệ thất nghiệp đã tăng đều đặn và đạt 8% trong tháng 4. Hồi tháng 2, chính phủ Ấn Độ đã công bố một khoản chi lớn cho đường xá và các cơ sở hạ tầng khác, nhưng đầu tư tư nhân vẫn còn mờ nhạt. Tăng trưởng vẫn chậm ở các vùng nông thôn, vốn có nhu cầu tiêu dùng thấp và tiền lương trì trệ. Bên cạnh đó còn có các thách thức khác. Trong những tháng tới, sự trở lại của El Niño có thể dẫn đến một đợt gió mùa khô, làm tổn thương nông dân, cản trở tăng trưởng và làm tăng lạm phát.

    Nga tăng cường bắn phá các thành phố Ukraine

    Trong những tuần gần đây, Nga đã tăng cường bắn phá các thành phố của Ukraine. Chỉ trong giai đoạn từ ngày 1 tháng 5 đến ngày 30 tháng 5 đã có 17 đòn không kích vào thủ đô Kiev. Các cuộc tấn công chủ yếu được tiến hành vào ban đêm, cho đến đòn không kích ban ngày hiếm hoi vào hôm thứ Hai. Các nhà phân tích cho rằng Điện Kremlin đang cố gắng làm kiệt quệ hệ thống phòng không của Ukraine. Các tài liệu rò rỉ của Mỹ hồi tháng 4 cho thấy Ukraine có thể đang thiếu các loại vũ khí phòng không quan trọng.

    Tuy nhiên, việc Nga nhắm mục tiêu vào thường dân là một dấu hiệu của sự yếu kém. Báo cáo gần đây của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế kết luận rằng mục đích cuối cùng của Nga là làm suy yếu tinh thần của Ukraine, từ đó buộc chính phủ này phải tìm kiếm hòa bình. Nếu đây là chiến lược thì rõ ràng họ đang thất bại. Hôm thứ Ba, một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái vào Moscow, thủ đô của Nga, đã làm hư hại một số tòa nhà. Các quan chức Ukraine phủ nhận có liên quan trực tiếp, nhưng dự đoán số vụ tấn công như vậy sẽ tăng lên. Ukraine không hề chùn bước trước các đòn oanh tạc của Nga.

    Thoả thuận trần nợ của Mỹ được trình lên Hạ viện

    Thỏa thuận đình chỉ trần nợ của Mỹ, được các bên đồng ý trong cuối tuần qua, sẽ phải vượt ải Hạ viện vào thứ Tư. Các nhà đàm phán của đảng Cộng hòa đã tuyên bố chiến thắng khi đạt được yêu sách không tăng hầu hết chi tiêu liên bang trong hai năm tới để đổi lấy việc cho phép chính phủ tiếp tục vay tiền mặt. Nhưng một số người Cộng hòa, đặc biệt là từ phe cánh hữu của đảng, không hài lòng và sẽ bỏ phiếu chống.

    Các đảng viên cấp cao của đảng Cộng hòa dự đoán có thể có tới 60 người phản đối, đồng nghĩa phe Dân chủ sẽ phải đạt đủ ủng hộ tại Hạ viện để dự luật được đưa lên Thượng viện, nơi những người phản đối sẽ tìm cách ngăn cản nó bằng các thủ tục lằng nhằng. Điều đó có thể đưa nước Mỹ đến gần ngày 5 tháng 6 một cách nguy hiểm, thời điểm mà bộ tài chính nói chính phủ sẽ cạn tiền. Nếu có bất kỳ trục trặc pháp lý nào trong quá trình thực hiện, nỗi lo về thảm họa trần nợ sẽ quay trở lại.

    Trung Quốc phục hồi chậm sau Covid

    Không như dự đoán, việc Trung Quốc mở cửa lại sau đại dịch không gây quá nhiều tác động lên thế giới. Đợt dữ liệu kinh tế dưới kỳ vọng hồi tháng 4 đã khiến thị trường chứng khoán lao dốc, trong khi lợi suất trái phiếu thu hẹp và đồng Nhân dân tệ giảm giá. Nhà đầu tư giờ đang hồi hộp chờ đợi những con số của tháng 5.

    Vào thứ Tư, Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc sẽ công bố chỉ số quản lý mua hàng PMI hàng tháng, một thống kê dựa trên khảo sát các công ty. Tháng trước, PMI sản xuất bất ngờ giảm xuống dưới 50, cho thấy hoạt động sản xuất giảm so với tháng 3. Thị trường hầu như dự đoán một kết quả tương tự cho tháng 5. PMI “phi sản xuất” của Trung Quốc, bao gồm xây dựng cũng như dịch vụ, sẽ khá hơn, nhưng có lẽ không mạnh như hồi tháng 4.

    Ting Lu đến từ ngân hàng Nomura nói nguy cơ kinh tế Trung Quốc giảm tốc “kép” đang tăng lên. Điều này thường sẽ thúc đẩy chính phủ cắt giảm lãi suất hoặc tăng đầu tư để vực dậy nền kinh tế. Nhưng vì chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng khiêm tốn chỉ khoảng 5% trong năm nay, họ có thể không vội vàng.

    Silicon Valley và bài học Elizabeth Holmes

    Lương Thái Sỹ /SGN
    30 tháng 5, 2023

    https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2021/09/GettyImages-1181871591-1280x853.jpg


    Elizabeth Holmes (trái) bắt đầu ngồi tù (với bản án 11 năm) từ ngày 30 Tháng Năm 2023 (ảnh: Yichuan Cao/NurPhoto via Getty Images) 

    Khi nữ doanh nhân công nghệ Elizabeth Holmes vào tù, Silicon Valley có học được bài học nào không?

    Elizabeth Holmes đã cố gắng tìm cách thoát vòng lao lý, nhưng nữ doanh nhân ở Thung lũng Silicon này cuối cùng cũng phải ngồi tù từ ngày 30 Tháng Năm. Tội của Holmes không liên quan gì đến “cách vận hành và văn hoá” của trung tâm công nghệ Mỹ, vốn bị xem là nguyên nhân dẫn đến nhiều sai phạm, cả chủ quan lẫn khách quan.

    Cách nay năm năm, các công tố viên liên bang đã truy tố Holmes về nhiều tội danh âm mưu làm trái và lừa gạt từ các nhà đầu tư đến người bệnh thông qua công ty khởi nghiệp Theranos “khai trương ồn ào nhưng làm ăn mờ ám”. Bị kết luận là “có tội” vào đầu năm 2022 với bốn tội danh nhưng đến nay mới phải nhận bản án 11 năm ba tháng tù giam, Holmes đã trình diện tại một trại tù cách thành phố Houston của tiểu bang Texas khoảng 160 km.

    Ngay sau khi đối mặt với cuộc điều tra hình sự, Holmes đã tiến hành nhiều nỗ lực để thoát án tù bằng các thủ đoạn câu giờ được nhóm luật sư biện hộ lặp đi lặp lại làm tiêu tốn của bà hơn $30 triệu! Thậm chí, theo cáo trạng, Holmes còn lên kế hoạch dự đào thoát sang Mexico. Nhưng con người đa mưu này vẫn không thoát khỏi cánh tay pháp luật. Kể từ khi bị xem là có tội, Holmes và người bạn đời Billy Evans đã kịp mang thai đứa con thứ hai sinh vào Tháng Hai qua.

    Bà từng “khoe” trên tờ New York Times mình là tình nguyện viên của một đường dây nóng (hotline) chuyên thông tin về cuộc khủng hoảng hiếp dâm. Câu chuyện của Holmes được xem là một ví dụ về cách hoạt động và văn hoá kinh doanh của Silicon Valley, nơi phổ biến tâm lý “fake it till you make it” (Hãy giả vờ cho đến khi bạn làm được điều đó) trong số các công ty mới thành lập (start-up) và là một ví dụ điển hình về sự “hiểu và làm không đúng” trong lĩnh vực công nghệ. Tâm lý và lối suy nghĩ này đã được nhiều chuyên gia công nghệ cảnh báo sẽ có ngày phải trả giá.

    Làm thế nào mà một người phụ nữ lại phải ngồi tù trong khi Silicon Valley với không ít thiên tài, vẫn luôn che chở cho một số lượng đáng kể những người có quyền lực đã và đang thoải mái kiếm tiền mà không sợ bị trả giá? Khi phiên tòa xét xử Holmes bắt đầu vào Tháng Chín 2021, nhiều thông tin về vụ án đã tiết lộ một số điều đáng sợ về một ngành công nghiệp đã giúp “thay đổi thế giới” nhưng không phải lúc nào cũng làm cho thế giới tốt đẹp hơn.

    Gần đây, một cuộc tranh luận về vụ lợi cá nhân trong vụ Holmes đã bộc phát với kết luận: Holmes có thể phạm bất cứ tội gì ngoài việc… lừa gạt các nhà đầu tư. Thực tế, Holmes được trắng án về tất cả các tội liên quan đến lừa gạt bệnh nhân; và bồi thẩm đoàn không thể thống nhất về việc liệu bà có lừa gạt các nhà góp vốn đầu tiên của Theranos.

    Điều đó có nghĩa là Holmes bị tống giam vì đã lừa được những người có số tiền lớn như Rupert Murdoch và Betsy DeVos, còn lừa các nhà đầu tư nhỏ lẻ khác thì không. Phán quyết kiểu này rõ ràng đã “cứu một bàn thua trông thấy” cho các công ty khởi nghiệp bị nghi ngờ về mục tiêu huy động vốn.

    Nhìn chung, hoạt động đầu tư và góp vốn của Silicon Valley vẫn không bị ảnh hưởng dù nguy cơ xuất hiện một chuyên gia lừa đảo liên quan việc dụ những con nai tơ góp vốn cho mình như trường hợp Elizabeth Holmes vẫn chực chờ. Các khoản đầu tư vào những công ty đứng sau “cuộc cách mạng ChatGPT” đang rất “hot” đã tăng hơn 10 lần, lên $4.5 tỷ vào năm ngoái so với năm 2018, báo hiệu một “cơn sốt vàng mới” bắt đầu. Ba công ty Apple, Microsoft và Alphabet (công ty mẹ của Google) có giá trị vốn hoá hơn $1 ngàn tỷ. Nvidia, công ty bán chất bán dẫn dùng cho các máy điện toán lưu trữ “các mô hình ngôn ngữ lớn” để cung cấp năng lượng cho các ứng dụng AI đã thay thế Intel để trở thành “ông trùm” thống trị chip.

    Ý bắt 40 nghi phạm mafia buôn ma túy thông qua những kẻ rửa tiền Trung Quốc 

    31/5/2023 

    Cảnh sát Ý bảo vệ an ninh tối đa phiên xử hơn 300 nghi phạm băng đảng mafia ‘Ndrangheta, trong một tòa nhà xây dựng đặc biệt kiên cố gần thị trấn Calabrian, miền nam Ý, ngày 13/1/2021.


    Cảnh sát Ý bảo vệ an ninh tối đa phiên xử hơn 300 nghi phạm băng đảng mafia ‘Ndrangheta, trong một tòa nhà xây dựng đặc biệt kiên cố gần thị trấn Calabrian, miền nam Ý, ngày 13/1/2021. 

    Cảnh sát Ý ngày 30/5 bắt giữ 40 người trong một cuộc trấn áp mới nhắm vào băng đảng mafia ‘Ndrangheta, các nghi phạm bị tố giác buôn bán ma túy với các đối tác ở Mỹ Latin bằng cách sử dụng mạng lưới ngầm của những người Trung Quốc môi giới rửa tiền.

    Đại úy cảnh sát Guardia di Finanza Angelo Santori nói: “Cuộc đột kích hôm nay là một hoạt động quan trọng cho thấy ‘Ndrangheta là một con bạch tuộc vươn tới mọi nơi với các mối liên kết trên toàn thế giới”.

    Bước đột phá này diễn ra chưa đầy một tháng sau chiến dịch mà cảnh sát châu Âu đã bắt giữ hơn 100 nghi phạm mafia trong một đợt truy quét lớn chống buôn lậu ma túy và vũ khí.

    Ông Santori, người dẫn đầu cuộc điều tra mới nhất ở thành phố phía bắc Bologna, cho biết cảnh sát đang thi hành 40 lệnh bắt giữ, bao gồm 4 người Albania và 2 nghi phạm Trung Quốc, cũng như hạn chế hoạt động của các thành viên mafia vùng Calabria bị nghi ngờ ở 7 khu vực của Ý.

    Cảnh sát Guardia di Finanza cho biết trong một tuyên bố, cuộc điều tra kéo dài từ cuối năm 2019 đến tháng 7 năm 2022, đã lần ra đường dây vận chuyển 1,2 tấn cocaine, 450 kg búp hoa cần sa ép và 95 kg cần sa.

    Cảnh sát cho biết mạng lưới này có thể xử lý các chuyến vận chuyển ma túy với các băng đảng hùng mạnh ở Nam Mỹ, bao gồm Primeiro Comando da Capital của Brazil, và các tổ chức tội phạm Colombia, Peru, Mexico và Bolivia.

    ‘Ndrangheta, có nguồn gốc từ vùng Calabria, miền nam nước Ý, đã qua mặt Cosa Nostra trở thành nhóm mafia quyền lực nhất ở Ý và là một trong những mạng lưới tội phạm lớn nhất thế giới.

    “Mạng lưới các đối tượng Trung Quốc đóng vai trò tích cực thông qua một hệ thống chuyển tiền không chính thức gọi là ‘fei chien’ với hơn 5 triệu euro (5,5 triệu đô la) đã được tẩy rửa,” ông Santori nói thêm.

    Theo cảnh sát Ý, sau khi nhận được tiền mặt, những kẻ môi giới rửa tiền người Trung Quốc liền chuyển tiếp cho các công ty thương mại ở Trung Quốc và Hong Kong. Sau đó, các công ty mới chuyển tiền cho những kẻ môi giới ma túy và chính các băng đảng Nam Mỹ thông qua các đại lý ở nước ngoài.

    Một số cuộc điều tra gần đây cho thấy các băng đảng ma túy ở Ý đang ngày càng sử dụng mạng lưới ngầm của các tay môi giới rửa tiền người Trung Quốc không có giấy phép để che giấu các khoản thanh toán xuyên biên giới.

    Tuyên bố của cảnh sát Ý cho biết cuộc điều tra đã được hỗ trợ bằng cách truy cập các cuộc trò chuyện được mã hóa trên một nền tảng đã bị Nhóm điều tra chung của Europol triệt phá vào năm 2021 và hợp tác với Cơ quan điều tra an ninh nội địa Hoa Kỳ.

    Chiến đấu cơ Trung Quốc lượn 'hung hãn' gần máy bay quân sự Mỹ

    Chiến đấu cơ Trung Quốc lượn 'hung hãn' gần máy bay quân sự Mỹ

    Một máy bay chiến đấu của Trung Quốc đã thực hiện một thao thác 'gây hấn không cần thiết' gần một máy bay quân sự của Mỹ trên Biển Đông trong không phận quốc tế, Hoa Kỳ cho biết hôm thứ Ba 30/05.

    Bộ chỉ huy quân sự Mỹ chịu trách nhiệm tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương nói rằng máy bay J-16 của Trung Quốc đã thực hiện thao tác 'gây hấn' này tuần trước và buộc máy bay RC-135 của Mỹ phải bay qua vùng nhiễu động.

    "Mỹ sẽ tiếp tục bay, điều tàu thuyền, và hoạt động - an toàn và có trách nhiệm - ở bất cứ đâu luật pháp quốc tế cho phép," Mỹ nói trong một tuyên bố. 

    Một video cho thấy cảnh một máy bay chiến đấu tạt ngang trước mũi máy bay của Hoa Kỳ và buồng lái chiếc RC-135 của Mỹ rung chuyển trong vùng nhiễu động. 

    Người phát ngôn của Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington, ông Lưu Bằng Vũ, không bình luận về việc này, nhưng nói rằng từ lâu, Mỹ đã thường xuyên điều máy bay và tàu do thám áp sát Trung Quốc, gây nguy hiểm nghiêm trọng cho nền an ninh quốc gia của quốc gia này. 

    "Trung Quốc kêu gọi Mỹ ngưng cách hành động khiêu khích nguy hiểm như vậy, và ngưng đổ lỗi cho Trung Quốc," ông Lưu nói trong email phản hồi đề nghị bình luận về tuyên bố của Mỹ từ Reuters

    Ông Lưu nói thêm rằng Trung Quốc sẽ "tiếp tục tiến hành các biện pháp cần thiết để kiên quyết bảo vệ lãnh thổ và an ninh của mình, và sẽ làm việc với các quốc gia trong khu vực để bảo vệ vững chắc hòa bình và ổn định trên Biển Đông"

    Trung Quốc khẳng định chủ quyền ở hầu hết Biển Đông, nơi một vài nước khác cũng có khẳng định chủ quyền. 

    Bắc Kinh thường xuyên nói rằng Mỹ đưa tàu và máy bay vào Biển Đông là hành động gây phương hại tới hòa bình. 

    Sự việc mới đây xảy ra trước khi Trung Quốc từ chối yêu cầu của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin gặp gỡ bên lề Thượng đỉnh về an ninh châu Á, Đối thoại Shangri-La, tại Singapore tuần này.

    Một quan chức quốc phòng Mỹ, phát biểu giấu tên, nói rằng từ 2021 Trung Quốc đã từ chối hoặc không phản hồi hàng loạt đề nghị đối thoại của Lầu Năm Góc, trong đó nói rằng những cuộc tiếp xúc như vậy là rất quan trọng để tránh hiểu lầm hoặc những hậu quả không lường trước.

    Cuộc chạm trán diễn ra sau điều Mỹ gọi là xu hướng hành vi ngày càng nguy hiểm gần đây của máy bay Trung Quốc. 

    Những vụ bay chặn đầu như vậy thỉnh thoảng vẫn xảy ra. Vào tháng 12, một máy bay quân sự Trung Quốc đã áp sát trong khoảng cách ba mét với một máy bay của Lực lượng Không quân Hoa Kỳ và buộc máy bay Mỹ phải lượn vòng để tránh xảy ra va chạm trong không phận quốc tế. 

    Mối quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ đang căng thẳng. Hai nền kinh tế lớn nhất thế giới có xung đột trong nhiều vấn đề, từ Đài Loan tới hồ sơ nhân quyền của Trung Quốc, tới các hành động quân sự của Trung Quốc trên Biển Đông. 


    Không có nhận xét nào