Võ Thái Hà tổng hợp
BIS: Thế giới đang ở thời khắc quan trọng trong chống lạm phát
(Nguồn: PERO studio/ Shutterstock)
Được mệnh danh là “ngân hàng trung ương của các ngân hàng trung ương“, Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) hôm Chủ nhật (ngày 25/6) cảnh báo rằng nền kinh tế thế giới hiện đang ở thời điểm quan trọng và các nước vẫn cần nỗ lực tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát.
Mặc dù lãi suất tăng trong 18 tháng qua liên tục tăng, nhưng lạm phát ở nhiều nước phát triển vẫn ở mức cao; mặt khác, chi phí đi vay tăng cao đã gây ra sự sụp đổ ngân hàng tồi tệ nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2007.
Trong báo cáo thường niên do BIS công bố, tổng giám đốc Agustin Carstens cho biết: “Nền kinh tế toàn cầu đang ở thời điểm quan trọng. Cần phải ứng phó với những thách thức nghiêm trọng”, “kỷ nguyên theo đuổi quá mức mục tiêu tăng trưởng ngắn hạn đã qua. Chính sách tiền tệ bây giờ là phải khôi phục lại sự ổn định giá cả và chính sách tài khóa cần được củng cố.”
Thách thức kinh tế lớn nhất kể từ sau Thế chiến II
Báo cáo cho biết, thế giới phải đối mặt với những thách thức chưa từng có theo tiêu chuẩn sau Thế chiến II, vì ở nhiều nơi trên thế giới, lần đầu tiên lạm phát tăng cao đi kèm với sự yếu ớt về tài chính.
Ông Claudio Borio, người đứng đầu bộ phận kinh tế và tiền tệ của BIS cho biết, nếu lãi suất tăng đến mức từng có vào giữa những năm 1990, trong khi tất cả những yếu tố khác đều như nhau, gánh nặng trả nợ chung ở các nước phát triển sẽ ở mức cao nhất mọi thời đại, “Tôi nghĩ rằng các ngân hàng trung ương sẽ kiểm soát lạm phát và đây là công việc của họ – khôi phục lại sự ổn định giá cả,” ông nói với Reuters.
Báo cáo của BIS cho biết lạm phát duy trì ở mức cao càng lâu thì việc thắt chặt chính sách cần thiết sẽ càng lớn và kéo dài.
Ngành ngân hàng đối mặt với sự rối loạn, khó hạ cánh mềm
Vào thứ Hai tuần này, các ngân hàng trung ương hàng đầu thế giới và các nhà hoạch định chính sách khác đã tập trung tại Sintra của Bồ Đào Nha, để tham dự một diễn đàn kéo dài 3 ngày do Ngân hàng Trung ương châu Âu tổ chức. Trong những ngày gần đây, BIS có trụ sở tại Thụy Sĩ đã tổ chức cuộc họp thường niên, tại cuộc họp, các lãnh đạo các ngân hàng trung ương thảo luận về tình hình hỗn loạn trong vài tháng qua.
Vào tháng 3 và tháng 4 năm nay, một số ngân hàng khu vực của Mỹ, bao gồm cả Ngân hàng Thung lũng Silicon (SVB), đã phá sản, sau đó là sự sụp đổ của Credit Suisse.
Và trong lịch sử, chu kỳ tăng lãi suất khoảng 15% gây căng thẳng nghiêm trọng cho hệ thống ngân hàng. BIS cảnh báo rằng khả năng xảy ra các vấn đề tiếp theo trong lĩnh vực ngân hàng hiện là “rất cao”.
BIS cho rằng “hạ cánh mềm” cho nền kinh tế (trong đó lãi suất tăng mà không gây ra suy thoái hoặc sụp đổ ngân hàng lớn) là vẫn có khả năng làm được, nhưng thừa nhận rằng sẽ khó đạt được.
Cần phải sửa lại cho đúng “kỳ vọng phi thực tế”
Báo cáo cũng ước tính rằng chi phí đối phó với già hóa dân số ở các nền kinh tế tiên tiến (AE) và các nền kinh tế thị trường mới nổi (EME) sẽ tăng lần lượt khoảng 4% và 5% trong 20 năm tới.
Báo cáo cho biết, nếu các chính phủ không thắt lưng buộc bụng, nợ ở các nước EA và EME sẽ lần lượt trên 200% và 150% GDP vào năm 2050, và nợ có thể còn cao hơn nếu tốc độ tăng trưởng kinh tế giảm.
Bình luận thêm về tình hình kinh tế, ông Agustin Carstens cho biết, trọng tâm hiện tại là các nhà hoạch định chính sách phải hành động, “Kể từ cuộc khủng hoảng tài chính và đại dịch COVID-19, mọi người đã sinh ra kỳ vọng không thực tế và mức độ và tính lâu dài của hỗ trợ tài chính và tiền tệ. Những kỳ vọng này cần sửa chữa lại cho đúng.”
Các nhà phân tích của Bank of America đã tính toán ra, trong 2 năm qua, trên toàn cầu có 470 lần tăng lãi suất, còn kể từ khi khủng hoảng tài chính đến nay, đã có 1.202 lần cắt giảm lãi suất. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đã tăng lãi suất thêm 500 điểm cơ bản từ mức gần bằng 0, Ngân hàng Trung ương Châu Âu đã tăng lãi suất trong khu vực đồng euro thêm 400 điểm cơ bản.
Từ Giản, Epoch Times
Đài Loan phát hiện hai tàu chiến Nga ngoài khơi bờ biển phía đông
28/06/2023
Tàu khu trục Đô đốc Gorshkov của Nga.
Hôm 27/6, Đài Loan phát hiện hai tàu chiến Nga ngoài khơi bờ biển phía đông và đã điều máy bay và tàu để theo dõi, Reuters dẫn thông tin từ Bộ Quốc phòng của hòn đảo cho biết.
Trong một tuyên bố vào tối ngày thứ Ba (27/6), Bộ Quốc phòng Đài Loan cho biết hai tàu khu trục đã đi theo hướng bắc ngoài khơi bờ biển phía đông của Đài Loan và sau đó “rời khỏi khu vực phản ứng của chúng tôi” theo hướng đông nam ngoài khơi thành phố cảng Suao, nơi đóng quân của một căn cứ hải quân lớn của Đài Loan.
Quân đội Đài Loan điều máy bay và tàu để theo dõi và kích hoạt các hệ thống tên lửa trên bờ, bộ này cho biết thêm, mà không cung cấp thêm thông tin chi tiết.
Hãng thông tấn Interfax của Nga hôm 27/6 đưa tin một đội tàu thuộc Hạm đội Thái Bình Dương của Nga đã tiến vào phần phía nam của Biển Philippines để thực hiện các nhiệm vụ trong khuôn khổ một hải trình tầm xa.
Đài Loan cùng với Hoa Kỳ và các đồng minh áp các lệnh trừng phạt trên diện rộng đối với Nga sau khi Moscow xâm lược Ukraine.
Tác động của vụ binh biến Wagner lên kinh tế Nga
Cuộc binh biến dở chừng của Wagner hôm 24 tháng 6 trong một khoảng khắc đã làm lung lay nền kinh tế lớn thứ 11 thế giới, khiến đồng rúp giảm mạnh trước khi tăng trở lại. Giá cổ phiếu của một số công ty lớn nhất Nga chao đảo. Một loạt dữ liệu kinh tế được công bố vào thứ Tư, bao gồm doanh số bán lẻ và sản xuất công nghiệp, sẽ chưa cho thấy tình trạng hỗn loạn trong những ngày gần đây. Nhưng tương lai có vẻ bất định hơn.
Hiện tại, nhiều nhà kỹ trị được kính trọng của Nga – bao gồm các lãnh đạo ngân hàng trung ương và bộ kinh tế – vẫn tại vị. Sự hiện diện của họ loại trừ bất kỳ chính sách điên rồ nào, chẳng hạn như in tiền. Nhưng cuộc nổi dậy của Wagner đã kéo chiến tranh Ukraine về nước theo cách mà một cuộc chiến ở nước ngoài không thể làm được, khi gây tổn hại niềm tin của người tiêu dùng và doanh nghiệp. Nga vẫn có khả năng tránh được suy thoái: dữ liệu mới nhất cho thấy mức tăng trưởng theo năm vào khoảng 1,5%. Song nếu có nhiều bất ổn hơn, điều đó có thể thay đổi nhanh chóng.
Fed công bố kết quả kiểm tra căng thẳng thường niên
Sau khi trải qua một cuộc khủng hoảng thực, các ngân hàng Mỹ giờ đây đứng trước một cuộc khủng hoảng giả định. Cục Dự trữ Liên bang sẽ công bố kết quả của các bài kiểm tra căng thẳng (stress test) hàng năm vào thứ Tư, vốn được thiết kế để xem các ngân hàng sẽ chống chịu ra sao trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn. Đề bài năm nay của Fed thuộc hàng khó ăn nhất, bao gồm tình huống giá nhà đất giảm 38%. Song các nhà phân tích cho rằng cuộc thử nghiệm sẽ cho thấy các ngân hàng lớn có vốn hóa tốt, cho phép họ trả lại tiền mặt cho cổ đông bằng cách mua lại cổ phiếu.
Nhưng bản thân các bài kiểm tra căng thẳng gần đây đã tỏ ra thiếu sót. Fed không đưa lãi suất cao vào đề bài năm ngoái. Thị trường do đó không được cảnh báo trước đầy đủ về tình huống lãi suất – chứ không phải suy thoái kinh tế – châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng ngân hàng khu vực như hồi tháng 3, dẫn đến sự phá sản của First Republic và các nhà băng khác. Bài kiểm tra năm nay, vốn bắt đầu trước chuỗi sự kiện hỗn loạn đó, cũng loại trừ áp lực từ lãi suất cao hơn.
NATO củng cố sườn phía đông
Vào thứ Tư, tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg sẽ chào đón thủ tướng Estonia Kaja Kallas tại trụ sở của liên minh ở Brussels. Họ sẽ thảo luận về nỗ lực mới của NATO nhằm củng cố sườn phía đông sau cuộc chiến của Nga ở Ukraine.
Khối gần đây đã thực hiện một số bước theo hướng này. Hôm thứ Hai, ông Stoltenberg đã tới Litva để quan sát “Griffin Storm,” một cuộc tập trận của NATO, với Boris Pistorius, bộ trưởng quốc phòng Đức. Tại đây, ông Pistorius tuyên bố Đức sẽ đóng quân lâu dài ở Litva, với điều kiện quốc gia Baltic cung cấp cơ sở hạ tầng cần thiết cho khoảng 4.000 binh sĩ. Quyết định – mà Đức từng miễn cưỡng đưa ra – đã được tổng thống Litva Gitanas Nauseda hoan nghênh nhiệt liệt.
Estonia đã có máy bay chiến đấu và quân đội từ các nước NATO khác, và hứa hẹn sẽ còn tăng. Hội nghị thượng đỉnh tiếp theo của liên minh sẽ được tổ chức tại Vilnius, thủ đô của Litva, từ ngày 11 tháng 7.
Liệu lạm phát ở Ý đã vượt đỉnh chưa?
Các nhà kinh tế sẽ muốn thấy lạm phát của Ý ổn định trên quỹ đạo đi xuống vào thứ Tư, khi số liệu tạm thời cho tháng 6 được công bố. Họ kỳ vọng dữ liệu sẽ tiếp tục xu hướng của tháng 5 với tốc độ theo năm 7,6%, giảm từ 8,2% của tháng 4 (dù tháng 4 tăng từ 7,6% của tháng 3).
Các dấu hiệu sơ bộ có vẻ lạc quan. Lạm phát cơ bản, không bao gồm năng lượng và thực phẩm, đã giảm trong tháng 4 dù lạm phát tiêu đề có tăng. Cùng tháng đó, chỉ số giá sản xuất của Ý, một thước đo chi phí hàng hóa rời khỏi các nhà máy, đã lần đầu tiên về âm kể từ năm 2021.
Lạm phát là một vấn đề nhạy cảm trong nước. Chính phủ của Giorgia Meloni đã phàn nàn suốt mấy tháng qua về những nỗ lực kiểm soát lạm phát của Ngân hàng Trung ương châu Âu bằng cách tăng chi phí đi vay. Lãi suất cao vừa kìm hãm tăng trưởng kinh tế vừa khiến Ý khó trả khoản nợ công khổng lồ, hơn 140% GDP.
Thủ tướng Israel Netanyahu sẽ thăm Trung Quốc
(Bên trái) Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tham dự cuộc họp nội các làm việc đầu tiên của chính phủ mới tại Hội trường Chagall ở Knesset, Quốc hội Israel ở Jerusalem ngày 24/05/2020. (Ảnh: Abir Sultan/Pool qua Reuters), (Bên phải) Lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình tham dự một cuộc họp với các đại biểu từ Diễn đàn Kinh tế Mới 2019 tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh, Trung Quốc vào ngày 22/11/2019. (Ảnh: Jason Lee-Pool/Getty Images)
Lia Onely
28/6/2023
Hôm 27/06, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu thông báo rằng ông đã được mời đến thăm Trung Quốc, theo một tuyên bố từ văn phòng của ông.
Trong một cuộc họp hôm thứ Ba với các thành viên Quốc hội Hoa Kỳ, ông Netanyahu thông báo với họ rằng ông đã nhận được lời mời đến thăm chính thức Trung Quốc và chính phủ Tổng thống (TT) Biden được thông báo về chuyến thăm sắp tới này từ một tháng trước đó, tuyên bố cho biết.
Thủ tướng Israel nói rõ với các thành viên Quốc hội rằng “sự hợp tác về an ninh và tình báo giữa Hoa Kỳ và Israel đang ở mức cao nhất, đồng thời nhấn mạnh rằng Hoa Kỳ sẽ luôn là một đồng minh quan trọng, không thể thay thế của Israel.”
Bắc Kinh chưa xác nhận chuyến thăm này, và ngày cụ thể vẫn chưa được công bố.
Đây sẽ là chuyến công du thứ tư của ông Netanyahu tới Trung Quốc, và là chuyến đầu tiên kể từ tháng 03/2017.
Lời mời này được đưa ra trong bối cảnh ông Netanyahu vẫn đang chờ một lời mời từ Tổng thống Joe Biden đến thăm chính thức Hoa Thịnh Đốn.
Hồi tháng Ba, TT Biden cho biết ông Netanyahu sẽ không được mời đến thăm chính thức Hoa Thịnh Đốn trong thời gian tới giữa bối cảnh những cuộc biểu tình ở Israel phản đối kế hoạch cải cách ngành tư pháp của chính phủ.
Chính phủ TT Biden đã chỉ trích kế hoạch cải cách tư pháp của ông Netanyahu.
ĐCSTQ khước từ mối bang giao mật thiết hơn với Hoa Kỳ
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken đã có một “cuộc trò chuyện thẳng thắn” với nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình và các nhà ngoại giao hàng đầu khác khi ông tới Bắc Kinh hồi tháng trước, kết thúc chuyến đi hai ngày mà một số nhà phê bình cho là một chiến thắng cho Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
Ông Blinken, quan chức cao cấp nhất của Hoa Kỳ đến Trung Quốc kể từ khi ông Biden nhậm chức, đã gặp Ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương và nhà ngoại giao cao cấp nhất của chính quyền này, ông Vương Nghị.
Trong cuộc họp báo hôm 14/06, ông Kurt Campbell, điều phối viên Hội đồng An ninh Quốc gia về các vấn đề Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, cho biết: “Chúng tôi quan tâm đến việc thiết lập các phương thức liên lạc trong khủng hoảng để giảm thiểu rủi ro xung đột.”
Ông Tập, người đứng đầu quân đội của ĐCSTQ với tư cách là Chủ tịch Quân ủy Trung ương, đã từ chối đề nghị đó.
Đây không phải là lần biểu dương quyền lực duy nhất của người đứng đầu ĐCSTQ. Cuộc họp tại Đại lễ đường Nhân dân diễn ra tại một chiếc bàn hình chữ U khác thường, với chỉ có ông Tập ở vị trí đứng đầu. Các quan chức Hoa Kỳ và Trung Quốc ngồi xếp hàng ở hai bên. Ông Blinken ngồi bên phải.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken (bên trái) tham dự một cuộc họp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh hôm 19/06/2023. (Ảnh: Leah Millis/POOL/AFP qua Getty Images)
Ngoài ra, khi ông Blinken đến vì chuyến thăm này, ông đã được một quan chức cấp thấp, ông Dương Đào (Yang Tao), Vụ trưởng Vụ các vấn đề Bắc Mỹ và Châu Đại Dương của Bộ Ngoại giao, đón tại phi trường.
Trong số những ưu tiên của Hoa Kỳ trong các cuộc thảo luận ở Bắc Kinh là nối lại trao đổi song phương ở cấp độ quân sự. Nhưng “tại thời điểm này, Trung Quốc đã không đồng ý tiến tới điều đó,” ông Blinken nói với các phóng viên, mặc dù ông đã “nhiều lần” nêu ra vấn đề này.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken (phải) được Vụ trưởng Vụ Bắc Mỹ và Châu Đại Dương của Bộ Ngoại giao Dương Đào và Đại sứ Hoa Kỳ tại Trung Quốc Nicholas Burns (bên trái) chào đón khi ông đến Bắc Kinh hôm 18/06/2023. (Ảnh: Leah Millis/Pool/AFP qua Getty Images)
ĐCSTQ tăng cường hiện diện ở Trung Đông
ĐCSTQ đã can dự sâu hơn vào Trung Đông trong những tháng gần đây.
Hồi tháng Ba, họ môi giới cho việc nối lại mối bang giao giữa Iran và Saudi Arabia
Hồi tháng Tư, ông Tần đã nói chuyện với Ngoại trưởng Israel Eli Cohen và Ngoại trưởng Palestine Riyad al-Maliki. Trong các cuộc hội đàm này, ông Tần cho biết Bắc Kinh sẵn sàng trợ giúp các cuộc đàm phán hòa bình dựa trên giải pháp hai nhà nước.
Trong tháng Sáu, ĐCSTQ công bố quan hệ đối tác chiến lược với giới lãnh đạo Palestine. Tuyên bố này được đưa ra trong cuộc gặp giữa người đứng đầu Chính quyền Palestine Mahmoud Abbas và ông Tập.
Trong cuộc gặp của họ, ông Tập, ngồi đối diện với ông Abbas, nói rằng Bắc Kinh sẽ sẵn sàng trợ giúp người Palestine đạt được sự hòa giải nội bộ và thúc đẩy các cuộc đàm phán hòa bình với Israel, theo truyền thông nhà nước Trung Quốc.
Lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình (bên phải) và lãnh đạo Palestine Mahmud Abbas tham dự lễ đón tiếp tại Bắc Kinh hôm 14/06/2023. (Ảnh: Jade Gao/Pool qua Getty Images)
Ông Tập cho biết Bắc Kinh và Chính quyền Palestine là những đối tác tốt tin tưởng và hỗ trợ lẫn nhau. Ông lưu ý rằng ĐCSTQ ủng hộ lý tưởng của người dân Palestine nhằm khôi phục các quyền dân tộc của họ, và ông đưa ra một đề nghị ba điểm chung để giải quyết xung đột với Israel, mà trong đó Trung Quốc hy vọng sẽ đóng vai trò trung gian hòa giải.
Bản tin có sự đóng góp của Frank Fang và Dorothy Li.
Cẩm An biên dịch
Các nghị sĩ Cộng hòa kêu gọi Mỹ hủy thỏa thuận khoa học với Trung Quốc
28/06/2023
Chủ tịch ủy ban của Hạ viện Mỹ về Trung Quốc Mike Gallagher.
Các nhà lập pháp Đảng Cộng hòa ngày 27/6 kêu gọi Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ chớ gia hạn thỏa thuận hợp tác khoa học Mỹ-Trung đã có mấy chục năm qua, cho rằng Bắc Kinh sẽ tìm cách tận dụng thỏa thuận này để giúp quân đội của họ.
Thỏa thuận, được ký khi Bắc Kinh và Washington thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1979 và được gia hạn khoảng 5 năm một lần kể từ đó, đã dẫn đến sự hợp tác trong các lĩnh vực từ khoa học khí quyển và nông nghiệp đến nghiên cứu cơ bản về vật lý và hóa học.
Nhưng những lo ngại về sức mạnh quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc và việc đánh cắp các thành tựu khoa học và thương mại của Hoa Kỳ đã đặt ra câu hỏi về việc liệu Thỏa thuận Khoa học và Công nghệ (STA) sắp hết hạn vào ngày 27/8 có nên tiếp tục hay không.
Trong một bức thư gửi cho Ngoại trưởng Antony Blinken, chủ tịch ủy ban của Hạ viện Mỹ về Trung Quốc Mike Gallagher và chín đại diện khác của Đảng Cộng hòa cho biết thỏa thuận này nên bị hủy bỏ.
Bức thư trích dẫn những lo ngại về công việc chung giữa Cục Khí tượng Hoa Kỳ và Trung Quốc về “khí cầu có thiết bị”, cũng như hơn một chục dự án của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ với các thực thể Trung Quốc mà họ cho biết bao gồm các công nghệ có “ứng dụng sử dụng kép rõ ràng”, bao gồm kỹ thuật phân tích hình ảnh vệ tinh và máy bay không người lái phục vụ công tác quản lý tưới tiêu.
“PRC (Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa) sử dụng các nhà nghiên cứu hàn lâm, gián điệp công nghiệp, ép buộc chuyển giao công nghệ và các chiến thuật khác để đạt được lợi thế trong các công nghệ quan trọng, từ đó thúc đẩy quá trình hiện đại hóa Quân đội Giải phóng Nhân dân,” các nhà lập pháp viết.
“Hoa Kỳ phải ngừng thúc đẩy sự hủy diệt của chính mình. Để STA hết hạn là bước đầu tiên nên làm,” các nhà lập pháp nói.
Trung Quốc đã tìm cách tăng tốc các nỗ lực để đạt được sự tự lực trong công nghệ nông nghiệp, bao gồm cả việc phát triển hạt giống. Chính quyền Hoa Kỳ đã tăng cường nỗ lực chống lại những gì họ nói là gián điệp công nghiệp của các cá nhân Trung Quốc trong lĩnh vực này.
Các quan chức Trung Quốc hy vọng sẽ gia hạn thỏa thuận và đã công khai nói rằng họ đã tiếp cận Hoa Kỳ vào năm ngoái để thảo luận về việc gia hạn, nhưng Washington đã tiến hành xem xét lại thỏa thuận.
Bộ Ngoại giao hồi đầu tháng đã từ chối bình luận về “các cuộc thảo luận nội bộ về các cuộc đàm phán.”
Những người ủng hộ gia hạn thỏa thuận lập luận rằng nếu không có nó, Mỹ sẽ mất đi cái nhìn sâu sắc có giá trị về những tiến bộ kỹ thuật của Trung Quốc. Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích cho rằng thỏa thuận này phải được sửa đổi về cơ bản để bảo vệ sáng kiến của Hoa Kỳ trong thời điểm cạnh tranh chiến lược gia tăng với Trung Quốc.
Trong một diễn biến khác liên quan tới mối quan hệ Trung-Nga, Bộ Ngoại giao Nga cho biết họ và Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 27/6 đã tổ chức một vòng tham vấn về phòng thủ chống phi đạn.
“Một cuộc trao đổi quan điểm kỹ lưỡng đã diễn ra trên nhiều khía cạnh khác nhau của vấn đề này, bao gồm cả khía cạnh toàn cầu và khu vực”, Bộ này cho biết trong một tuyên bố trên trang web của mình.
“Ý định đã được tái khẳng định là tổ chức các cuộc tham vấn như vậy một cách thường xuyên trong tương lai.”
Kể từ khi xâm chiếm Ukraine vào tháng 2 năm 2022 trong cái mà nước này gọi là “chiến dịch quân sự đặc biệt”, Nga ngày càng ve vãn Trung Quốc để được hỗ trợ về thương mại và ngoại giao.
Trung Quốc đã không lên án cuộc xâm lược của Nga, và Washington và các đồng minh phương Tây đầu năm nay nói rằng Trung Quốc đang xem xét cung cấp vũ khí cho Nga, điều mà Bắc Kinh phủ nhận.
Không có nhận xét nào