Võ Thái Hà tổng hợp
Tới Mỹ tăng cường quan hệ, Thủ tướng Modi nói chớ nghi ngờ lập trường của Ấn với Ukraine
21/6/2023
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi ngày 20/6 lên đường tới Hoa Kỳ trong chuyến thăm cấp nhà nước được dự đoán là một cột mốc quan trọng trong quan hệ giữa hai nước và làm sâu sắc cũng như đa dạng hóa quan hệ đối tác của họ.
Ông Modi đã đến Mỹ năm lần kể từ khi trở thành thủ tướng vào năm 2014 nhưng chuyến đi từ ngày 21 đến ngày 24 tháng 6 sẽ là chuyến đi đầu tiên của ông với đầy đủ quy chế ngoại giao của một chuyến thăm chính thức cấp nhà nước.
Đây cũng là chuyến thăm cấp nhà nước thứ ba trong nhiệm kỳ tổng thống của ông Joe Biden và là chuyến thăm thứ ba của một nhà lãnh đạo Ấn Độ tới Mỹ, cho thấy mối quan hệ ngày càng bền chặt giữa Washington và New Delhi cũng như khoảng cách mà họ đã đi kể từ khi ở hai bên đối lập trong Chiến tranh Lạnh.
Chuyến thăm dự trù sẽ chứng kiến hai nước mở rộng hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng và công nghệ cao, với việc Ấn Độ tiếp cận các công nghệ quan trọng của Mỹ mà Washington hiếm khi chia sẻ với các nước không phải đồng minh.
“Lời mời đặc biệt này phản ánh sự mạnh mẽ và sức sống của mối quan hệ đối tác giữa các nền dân chủ của chúng ta”, ông Modi nói trong một tuyên bố trước khi khởi hành.
“Tôi cũng sẽ gặp một số CEO hàng đầu để thảo luận về các cơ hội nâng cao mối quan hệ thương mại và đầu tư của chúng ta cũng như xây dựng chuỗi cung ứng toàn cầu bền vững,” ông nói.
Washington coi Ấn Độ là một đối tác quan trọng trong nỗ lực đẩy lùi ảnh hưởng ngày càng mở rộng của Trung Quốc trên toàn thế giới.
Hoa Kỳ hy vọng rằng một Ấn Độ mạnh hơn, có thể bảo vệ lợi ích của chính mình và có thể đóng góp cho an ninh khu vực ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, là điều tốt cho Mỹ.
Các nhà lập pháp Hoa Kỳ đã mời ông Modi phát biểu tại một cuộc họp chung của Quốc hội. Đây sẽ là bài phát biểu thứ hai của ông Modi, một vinh dự hiếm có đối với một nhà lãnh đạo từng bị từ chối cấp thị thực vào Hoa Kỳ vì những lo ngại về nhân quyền.
Gặp Elon Musk
Giám đốc điều hành công ty Tesla Elon Musk nằm trong số các nhà lãnh đạo doanh nghiệp mà ông Modi dự kiến gặp trong chuyến đi, TV ANI đưa tin.
Các quan chức cấp cao của Tesla đã gặp Thứ trưởng Bộ Công nghệ Ấn Độ và các quan chức khác vào tháng trước, làm rõ kế hoạch đầy tham vọng của nhà sản xuất xe điện là thành lập cơ sở sản xuất ở Ấn Độ.
Các quan chức đã thảo luận với chính phủ về các ưu đãi mà Ấn Độ đưa ra cho sản xuất ô tô và pin, đồng thời đề nghị thành lập một nhà máy ở Ấn Độ để chế tạo xe điện, Reuters đưa tin vào tháng Năm vừa qua.
Tesla không trả lời ngay yêu cầu bình luận. Không liên lạc được với Bộ Ngoại giao Ấn Độ.
Ngoại trưởng Ấn Độ Vinay Kwatra hôm 19/6 nói rằng chi tiết về các cuộc gặp của ông Modi tại Washington sẽ được chia sẻ khi chuyến thăm diễn ra.
Ông Musk cũng là chủ tịch điều hành của Twitter, vốn đã có mâu thuẫn với chính phủ của ông Modi.
Tuần trước, người đồng sáng lập Twitter Jack Dorsey cho biết Ấn Độ đe dọa đóng cửa nền tảng này ở nước này trừ khi họ tuân thủ lệnh hạn chế các tài khoản chỉ trích việc xử lý các cuộc biểu tình của nông dân, một cáo buộc mà chính phủ của ông Modi gọi là “sự dối trá trắng trợn”.
Chuyến thăm của ông Modi diễn ra trong bối cảnh có sự khác biệt trong quan điểm của Washington và New Delhi về cuộc xâm lược của Nga tại Ukraine.
Ấn Độ đã không lên án cuộc chiến của Nga và kêu gọi cả hai bên giải quyết những khác biệt thông qua ngoại giao.
Nước này vẫn phụ thuộc vào người bạn cũ Moscow để đáp ứng nhu cầu quốc phòng và đã tăng mạnh nhập khẩu dầu giá rẻ của Nga, khiến phương Tây bất bình.
Khi được hỏi trong một cuộc phỏng vấn với tờ Wall Street Journal về những chỉ trích ở Mỹ vì không có lập trường mạnh mẽ hơn chống lại cuộc xâm lược của Nga, ông Modi nói: “Tôi không nghĩ rằng kiểu nhận thức này phổ biến ở Mỹ.”
“Tôi nghĩ lập trường của Ấn Độ đã được cả thế giới biết đến và hiểu rõ. Thế giới hoàn toàn tin tưởng rằng ưu tiên hàng đầu của Ấn Độ là hòa bình”, ông nói trong cuộc phỏng vấn được công bố ngày 20/6.
Tờ Wall Street Journal loan tin, ông Modi kêu gọi thay đổi các tổ chức toàn cầu như Liên hiệp quốc để thích ứng với “trật tự thế giới đa cực” ngày càng tăng và khiến chúng trở nên đại diện hơn cho các quốc gia kém giàu có trên thế giới.
Ông nói, Ấn Độ muốn trở thành thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an.
“Thế giới nên được hỏi liệu họ có muốn Ấn Độ ở đó hay không”, ông Modi nói.
Biển Đông: ASEAN dời diễn tập chung ra ngoài vùng biển có tranh chấp với Trung Quốc
Anh Vũ /RFI
Hãng tin Pháp AFP dẫn thông báo của quân đội Indonesia ngày 20/06/2023 cho biết Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á - ASEAN đã quyết định chuyển địa điểm cuộc diễn tập chung đầu tiên của khối ra xa vùng biển có tranh chấp với Trung Quốc.
Đô đốc Indonesia, Yudo Margono (G) vớimột số tướng lĩnh các quốc gia Đông Nam Á, bên lề cuộc họp tại Nusa Dua, Bali, Indonesia, ngày 07/06/2023. © AP
Thông cáo của quân đội Indonesia cho hay, cuộc diễn tập chung của hải quân các nước ASEAN từ ngày 18 đến 25/09 tới đây sẽ diễn ra trong vùng biển phía nam quần đảo Natuna, tránh xa khu vực đang có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc.
Cuộc tập trận chung đầu tiên Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á ban đầu dự kiến diễn ra trong vùng biển phía bắc đảo quần Natuna, nơi đang có tranh chấp chủ quyền lãnh thổ giữa Indonesia và Trung Quốc.
Jakarta vẫn coi vùng biển phía bắc quần đảo này thuộc vùng đặc quyền kinh tế của mình, nhưng Bắc Kinh đòi hỏi chủ quyền, thỉnh thoảng vẫn đưa tàu tuần tra vào vùng biển này bất chấp sự phản đối của Indonesia.
Với bản đồ “đường 9 đoạn” riêng của mình, Trung Quốc đòi hỏi chủ quyền gần như toàn bộ vùng Biển Đông, tạo ra những tranh chấp chủ quyền với nhiều nước khu vực Đông Nam Á, đặc biệt với Việt Nam, Philippines, Malaysia và Indonesia.
Sau cuộc họp bộ trưởng Quốc Phòng của ASEAN hôm 08/06, quân đội Indonesia đã thông báo tổ chức cuộc diễn tập của hải quân các nước thành viên trên Biển Đông. Sáng kiến được các nước có biển trong ASEAN hưởng ứng, duy nhất chỉ Cam Bốt từ chối xác nhận có tham gia hay không.
Trong thông cáo ra hôm qua, quân đội Indonesia cho biết các chỉ huy quân sự cấp cao của 10 nước ASEAN sẽ tham dự cuộc tập trận này. Trước đó, đô đốc Indonesia, Yudo Margono đã cho báo chí biết, cuộc diễn tập sắp tới sẽ tập trung vào các bài tập về an ninh hàng hải và cứu hộ, sẽ không có thao tác chiến đấu.
Một số nước thành viên ASEAN vẫn tham gia các cuộc tập trận hoặc tuần tra chung với hải quân Hoa Kỳ trong vùng Biển Đông, nhưng chưa bao giờ tổ chức một cuộc diễn tập riêng của khối.
Bắc Kinh đặt điều kiện với Washington để giảm căng thẳng
Minh Anh /RFI
Hôm qua, 19/06/2023, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tiếp ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken và để ngỏ khả năng Bắc Kinh sẵn sàng hạ nhiệt căng thẳng với Washington nhưng theo một số điều kiện.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (P) tiếp ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken tại Đại Lễ Đường Nhân Dân ở Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 19/06/2023. AP - Leah Millis
Khi tiếp ngoại trưởng Mỹ, nguyên thủ Trung Quốc đánh giá chuyến thăm của ông Blinken đã góp phần tích cực cho « sự ổn định của mối quan hệ » giữa hai nước. Nhưng ông Tập Cận Bình cũng không ngần ngại cảnh báo, « những quan hệ tương tác giữa hai nước phải được dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau. »
Việc lãnh đạo số một Trung Quốc bỏ qua những nghi thức ngoại giao nghiêm ngặt để tiếp ngoại trưởng Mỹ được một số nhà quan sát đánh giá như là một dấu hiệu Bắc Kinh cũng muốn làm dịu căng thẳng với Washington.
Trong nhãn quan của giới lãnh đạo Trung Quốc, Hoa Kỳ là nguồn cội sâu thẳm của mọi căng thẳng giữa hai nước vì những « cảm nhận sai lệch » về Trung Quốc, động cơ của những leo thang đối đầu bắt đầu từ thời tổng thống Donald Trump.
Thế nên, bất kỳ sự nhượng bộ nào cũng có cái giá phải trả. Bắc Kinh, thông qua lời vị lãnh đạo ngoại giao cao cấp nhất, ông Vương Nghị đặt ra những điều kiện để giảm căng thẳng, buộc Hoa Kỳ phải có những nhượng bộ về vấn đề Đài Loan, dỡ bỏ các cấm vận nhắm vào lĩnh vực công nghệ của Trung Quốc và chấm dứt « những hành động can thiệp » vào nội bộ Trung Quốc, nói một cách khác là Mỹ nên ngưng chỉ trích Trung Quốc về vấn đề Tân Cương và Hồng Kông.
Cũng theo ông Vương Nghị, Hoa Kỳ nên từ bỏ những luận điệu « mối đe dọa » Trung Quốc trong các cuộc tranh luận cho cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2024. Bắc Kinh cho rằng khó thể nối lại các kênh đối thoại khi mà « cuộc cạnh tranh có nguy cơ biến thành xung đột » do việc Mỹ vẫn tiếp tục theo đuổi chiến lược « bao vây » Trung Quốc. Do vậy, ông Vương Nghị cho rằng Washington phải chọn giữa « hợp tác và xung đột ».
Ngoại trưởng Mỹ như để trấn an Bắc Kinh, đã khẳng định với chủ tịch Tập Cận Bình rằng, Hoa Kỳ không muốn « kềm hãm » đà đi lên về kinh tế của Trung Quốc, cũng không hậu thuẫn « nền độc lập » cho Đài Loan, hay tìm cách thay đổi chế độ ở Bắc Kinh. Ông Blinken nhắc lại lập trường không thay đổi của Mỹ từ năm 1979 : Thừa nhận nguyên tắc một nước Trung Hoa duy nhất, nhưng không chấp nhận việc dùng vũ lực thống nhất với Đài Loan.
Vận mệnh Đài Loan một lần nữa được đặt lên bàn cờ chính trị giữa Mỹ và Trung Quốc. Người ta còn nhớ năm 1971, để có thể bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc nhằm dễ bề chống đối Liên Xô, cả tổng thống Mỹ Richard Nixon ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger đều hiểu rằng đã đến lúc phải chấp nhận nguyên tắc một nước Trung Hoa duy nhất và phải hy sinh Đài Loan.
Theo như lời thuật từ Lyle J. Goldstein, biên tập viên cho tạp chí Defense Priorities, với kênh truyền hình Arte, vào thời điểm đó Hoa Kỳ đã chấp nhận mọi yêu cầu từ Trung Quốc như rút hết các căn cứ quân sự, nhân sự và các loại vũ khí, kể cả các chiến đấu cơ và đầu đạn hạt nhân. Vào thời điểm đó, Trung Quốc chưa là cường quốc kinh tế thứ hai như hiện nay và dân số chỉ khoảng 800 triệu dân.
Le Figaro nhắc lại, căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc không ngừng gia tăng kể từ sau cuộc gặp thượng đỉnh giữa tổng thống Mỹ Joe Biden và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bali, Indonesia hồi tháng 11/2022. Những cáo buộc về hoạt động gián điệp của Trung Quốc (vụ khinh khí cầu) buộc ngoại trưởng Mỹ phải hoãn chuyến công du Bắc Kinh dự trù từ tháng 2/2023. Washington nhiều lần tìm cách nối lại các kênh đối thoại nhưng bất thành, và gần đây nhất Bắc Kinh từ chối đề nghị cuộc gặp giữa bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Lloyd Austin với đồng nhiệm Trung Quốc Lý Thượng Phúc bên lề diễn đàn An ninh Shangri-La, ở Singapore hồi tháng 5/2023.
Có nguy cơ Tổng thống Putin sử dụng vũ khí hạt nhân
Military parade in Red Square in Moscow on May 9, 2016. Kremlin Photo
Tổng thống Mỹ Joe Biden cho rằng việc Nga sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật là mối đe dọa có thật, sau khi Moscow triển khai loại vũ khí này sang Belarus.
Reuters đưa tin, hôm 19/6, khi nói chuyện với một nhóm nhà tài trợ môi trường ở thành phố Palo Alto, bang California, về tình trạng hạn hán, Tổng thống Mỹ Biden cho biết: “Khoảng hai năm trước, khi tôi đến đây và bày tỏ lo lắng về việc sông Colorado sẽ cạn nước, mọi người nhìn tôi như thể tôi bị điên rồi. Họ nhìn tôi giống như khi tôi bày tỏ lo lắng về việc Tổng thống Nga Vladimir Putin sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật. Mối đe dọa đó là có thật”.
Sông Colorado là nguồn nước quan trọng cho 7 bang ở phía tây bắc Mỹ. Từ cuối năm 2022, đầu năm 2023, dòng sông này rơi vào tình trạng cạn đến mức báo động, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc sản xuất và sinh hoạt trong khu vực.
Bình luận của ông Biden đưa ra sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố xác nhận hôm 16/6 rằng những đầu đạn hạt nhân đầu tiên đã được đưa đến Belarus. Ông Putin cho hay số vũ khí còn lại sẽ được chuyển xong trước cuối năm nay. Bộ Quốc phòng Nga đã công bố những khí tài mang vũ khí hạt nhân chiến thuật, gồm tổ hợp tên lửa đạn đạo chiến thuật Iskander-M và cường kích Su-25.
Hôm 13/6, Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko cũng xác nhận đã nhận được những vũ khí hạt nhân chiến thuật đầu tiên từ Nga. Theo lời ông Lukashenko, trong số vũ khí được chuyển có những đầu đạn với sức công phá mạnh gấp 3 lần hai quả bom nguyên tử được Mỹ thả xuống Nhật Bản vào năm 1945.
Phản ứng đáp lại, ngày 17/6, ông Biden đã lên tiếng chỉ trích quyết định triển khai vũ khí hạt nhân của Moscow ở lãnh thổ Belarus là “hoàn toàn vô trách nhiệm”.
Theo TASS, đây là lần đầu tiên Nga đưa vũ khí hạt nhân ra khỏi lãnh thổ nước này từ khi Liên Xô tan rã. Tổng thống Putin nói rằng quyết định được đưa ra theo đề nghị của Belarus nhằm đáp trả “chính sách hung hăng của NATO” và cũng tương tự như việc Mỹ triển khai vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ của các đồng minh trong vài thập niên qua.
Chủ nhân Điện Kremlin nhấn mạnh đây là công cụ răn đe, “để bất cứ ai có ý định tấn công chúng tôi sẽ phải nhớ về thực tế đó”, ý nói sự hiện diện của vũ khí hạt nhân tại Belarus. Mới đây nhất, Bộ Ngoại giao Nga gợi ý số vũ khí sẽ lưu lại Belarus vô thời hạn, trừ khi Mỹ thu hồi toàn bộ vũ khí hạt nhân và phá hủy các cơ sở liên quan tại châu Âu, đồng thời cùng NATO cam kết “không gây ảnh hưởng an ninh và chủ quyền của Nga và Belarus”.
Vũ khí hạt nhân chiến thuật là loại đầu đạn hạt nhân cỡ nhỏ, được sử dụng để đạt lợi ích chiến thuật cụ thể trên chiến trường, thay vì tàn phá trên diện rộng như đầu đạn hạt nhân chiến lược lắp cho tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) hay bom cỡ lớn. Vũ khí hạt nhân chiến thuật có thể được gắn trên tên lửa hành trình, tên lửa chống hạm, ngư lôi, phóng từ máy bay hoặc bắn từ pháo.
Học thuyết hạt nhân của Nga quy định nước này có thể sử dụng vũ khí hạt nhân nếu bị tấn công nguyên tử hoặc phải đối mặt với một cuộc tấn công bằng vũ khí thông thường đe dọa “sự tồn vong” của nhà nước Nga.
Viên Minh (Tổng hợp)
Hunter Biden nhận án treo
Tuần này Hunter Biden, cậu con trai nổi tiếng rắc rối của tổng thống Mỹ, sẽ ra hầu tòa liên bang ở Delaware. Hôm thứ Ba, ông đã đạt được thỏa thuận với các công tố viên: nhận hai tội nhẹ vì không nộp hơn 200.000 đô la tiền thuế từ năm 2017 đến 2018, và chịu án treo hai năm với cáo buộc nói dối về việc sử dụng ma túy trong đơn kiểm tra lý lịch trước khi mua súng. Ông khả năng cao sẽ không ngồi tù.
Donald Trump, người cũng đang đối mặt cáo trạng liên bang, ví hình phạt của Hunter Biden giống như một “vé phạt giao thông.” Ông phàn nàn rằng các công tố viên đã lén lút “xoá tội.” Nhiều đảng viên Cộng hòa cáo buộc Hunter và Joe Biden trốn tránh các cáo buộc tham nhũng, với cáo buộc họ nhận hối lộ từ người nước ngoài để đổi lấy những nhượng bộ chính sách.
Song cho tới nay phe Cộng hòa không đưa ra được bằng chứng cho những tuyên bố của mình, dù vẫn đang tìm cách. Thay vào đó cuộc điều tra của họ lại lại cho thấy Hunter Biden lợi dụng tên tuổi cha mình để tư lợi. Dù nghe có vẻ không phù hợp, điều này không phải bất hợp pháp.
Hội nghị bàn về chương trình tái thiết Ukraine
Cuộc chiến của Nga ở Ukraine đã tàn phá các cơ sở hạ tầng, công nghiệp và nhà ở, với chi phí khắc phục được Ngân hàng Thế giới ước tính lên tới ít nhất 411 tỷ USD. Vào thứ Tư, một hội nghị kéo dài hai ngày sẽ khai mạc ở Luân Đôn để thảo luận về cách huy động và sử dụng số tiền đó.
Danh sách đại biểu bao gồm các nhà ngoại giao từ Ukraine và các nước đồng minh, các nhà tài trợ lớn, các tổ chức tài chính đa phương, doanh nghiệp và các nhóm xã hội dân sự. Ukraine muốn phương Tây sử dụng các khoản tiền của Nga đang bị đóng băng ở nước ngoài để chi trả cho việc tái thiết. Nhưng một số người lo ngại có tham nhũng khi các khoản quyên góp lớn được đổ vào.
Câu hỏi đặt ra là chính phủ Ukraine có thể thêm bao nhiêu chi tiết vào kế hoạch được trình bày vào tháng 7 năm ngoái. Ukraine muốn “xây dựng lại tốt hơn” và nâng tiêu chuẩn cơ sở hạ tầng lên phù hợp với EU. Nhưng tất cả còn phụ thuộc vào việc họ sẽ giành lại được bao nhiêu lãnh thổ từ tay Nga. Trong khi đó, thiệt hại do chiến tranh, bao gồm cả sự tàn phá thảm khốc về mặt sinh thái của vụ vỡ đập Kakhovka, tiếp tục gia tăng.
Ngày Yoga và Narenda Modi
Narendra Modi sẽ đánh dấu Ngày Quốc tế Yoga vào thứ Tư bằng cách chủ trì một buổi tập thể dục tại trụ sở Liên Hợp Quốc ở New York. Lễ kỷ niệm hàng năm là một sáng kiến do Liên Hợp Quốc đưa ra vào năm 2015, theo sự thúc giục của thủ tướng Ấn Độ, chỉ một năm sau khi ông lên nắm quyền.
Những người phản đối chương trình nghị sự theo chủ nghĩa dân tộc Hindu của Modi nghi ngờ tinh thần yoga của ông, vì môn này đến từ đạo Hindu. “Om” — một câu tụng quen thuộc trong yoga — được coi là âm thanh linh thiêng trong kinh Hindu. Chào Mặt trời, một tập hợp các tư thế yoga phổ biến, gắn liền với lời cầu nguyện của người Hindu. Song những người khác nói sự phổ biến của yoga ở phương Tây, mà Ngày Yoga nhằm mục đích củng cố, mang ý nghĩa tích cực và hòa nhập về mặt văn hóa.
Ông Modi, người khuyến khích tập yoga hàng ngày, dường như muốn nhấn mạnh mối liên hệ của môn này với Ấn Độ. Đây là một trong nhiều ví dụ về sự khéo léo của vị thủ tướng trong việc xây dựng thương hiệu và tiếp thị — cho cả đất nước ông và chính ông.
Lạm phát ở Anh cao dai dẳng
Các số liệu công bố vào thứ Tư có thể sẽ cho thấy lạm phát giá tiêu dùng theo năm của Anh giảm trở lại vào tháng 5, từ mức 8,7% của tháng 4. Nhưng vào thứ Năm, Ngân hàng Anh sẽ gần như chắc chắn tăng lãi suất cơ bản, hiện là 4,5%, lần thứ 13 liên tiếp. Lạm phát ở Anh không chỉ cao nhất trong G7 mà còn có vẻ dai dẳng đáng lo ngại. Lạm phát “lõi” (không tính thực phẩm, năng lượng, rượu và thuốc lá) đã tăng bất ngờ vào tháng 4. Trong một thị trường lao động vẫn còn thắt chặt, tăng trưởng tiền lương đã tăng lên.
Thị trường đã phản ánh mức tăng lãi suất dự kiến vào giá chứng khoán. Lợi suất trái phiếu Anh kỳ hạn hai năm đang cao hơn cả mức đỉnh ngay sau đề xuất thuế của cựu thủ tướng Truss vào mùa thu năm ngoái, và đã nhanh chóng vượt 5% trong tuần này. Theo báo cáo của hãng dữ liệu Moneyfacts, những người vay thế chấp có hợp đồng lãi suất cố định sắp kết thúc sẽ đối mặt mức tăng đáng kinh ngạc: tỷ lệ trung bình hai năm hiện vượt quá 6%, so với 2,59% của tháng 6 năm 2021. Ngân hàng trung ương có vẻ bối rối. Sau khi tỏ ra quá lạc quan về lạm phát, họ đang cho tiến hành đánh giá từ bên ngoài về dự báo của mình. Mục tiêu 2% trông có vẻ xa vời.
Lọt bẫy nợ của Trung Quốc, Sri Lanka rao bán dần các tài sản quốc gia
Liên Thành
Cựu Tổng thống Sri Lanka Mahinda Rajapaksa đón Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình năm 2014. (Ảnh: China Daily).
Theo đài RFI, Sri Lanka đang buộc phải áp dụng chính sách khắc khổ sau khi dính bẫy nợ của Trung Quốc.
Một năm sau khi vỡ nợ và người dân nổi dậy, Sri Lanka vẫn trong tình trạng khủng hoảng vì gánh những món nợ khổng lồ của Bắc Kinh từ những công trình chẳng đem lại lợi lộc gì.
Đảo nhân tạo “Port City Colombo” rộng 269 hecta, cảng dành cho du thuyền sang trọng được công ty China Harbour Engineering Company xây dựng với hơn 1,3 tỷ đô la, gồm các trung tâm thương mại, khách sạn, nhà ở có thể nối dài danh sách những công trình dang dở của cựu Thủ tướng Mahinda Rajapaksa.
Do tham nhũng và quản lý yếu kém, tháng 4/2022 Sri Lanka không trả được khoản nợ gần 50 tỷ đô la. Cộng thêm thất bại về cải cách nông nghiệp và giảm thuế sau đại dịch, nước này bị thiếu tiền, dẫn đến thiếu thực phẩm, thuốc men, điện, xăng dầu.
Dân chúng Sri Lanka phẫn nộ xuống đường biểu tình, khiến ông Rajapaksa phải từ chức, rồi người em là Tổng thống Gotabaya Rajapaksa chạy trốn khỏi đất nước vào tháng 7/2022.
Một chính khách giàu kinh nghiệm là Ranil Wickremesinghe lên thay. Việc thương lượng với các chủ nợ mang lại hy vọng từ khi Quỹ Tiền tệ Quốc tế đồng ý cho vay khẩn cấp 2,9 tỷ đô la.
Muốn có được món tín dụng này, Sri Lanka phải thỏa thuận với Ấn Độ, Nhật Bản và nhất là Trung Quốc, nhưng Bắc Kinh có thái độ lừng khừng. Bởi vì Sri Lanka là quốc gia đầu tiên của dự án Vành đai và Con đường bị phá sản – một trường hợp điển hình được tất cả các nước đang gặp khó khăn theo dõi sát sao.
Sri Lanka phải áp dụng chính sách thắt lưng buộc bụng: tăng thuế, giảm chi, hủy trợ cấp. Ông Wickremesinghe đã phải dùng biện pháp hà khắc với 22 triệu dân, đàn áp phe đối lập, hoãn lại bầu cử. Nhưng kinh tế đất nước tiếp tục suy sụp, vật giá tăng, tỷ lệ suy dinh dưỡng, nghèo đói tăng lên.
Sri Lanka đang rao bán 7 công ty nhà nước, trong đó có hãng Sri Lanka Telecom.
Chuyên gia: Thông điệp của ông Blinken có thể khuyến khích Trung Quốc thực hiện hành động nhắm vào Đài Loan
Hannah Ng
Tiffany Meier
21/6/2023
Một bản tin của Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) chiếu cảnh Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken (bên trái) gặp gỡ lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình, trên một màn hình lớn bên ngoài một trung tâm mua sắm ở Bắc Kinh hôm 19/06/2023. (Ảnh: Greg Baker/AFP qua Getty Images)
Theo ông Michael Sekora, người sáng lập và giám đốc Dự án Socrates, một chương trình cộng đồng tình báo Hoa Kỳ được thành lập dưới thời Tòa Bạch Ốc của cố Tổng thống Reagan, thông điệp của Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken trong chuyến công du Trung Quốc tuần này có thể khuyến khích Trung Quốc thực hiện một hành động nhắm vào Đài Loan.
Sau khi gặp ông Tập Cận Bình tại Bắc Kinh hôm 19/06, ông Blinken nói với các phóng viên rằng ông đã có một “cuộc trò chuyện thẳng thắng” với nhà lãnh đạo Trung Quốc này và các nhà ngoại giao hàng đầu khác trước khi kết thúc chuyến công du hai ngày.
Tuy rằng ông Blinken và ông Tập đều bày tỏ sẵn sàng tiếp tục liên lạc, nhưng có rất ít dấu hiệu cho thấy chính quyền Trung Quốc sẽ thay đổi lập trường của mình đối với các vấn đề như Đài Loan.
Tại một cuộc họp báo hôm 19/06, ông Blinken cho biết Hoa Kỳ sẽ tiếp tục ủng hộ chính sách “Một Trung Quốc” của nước này, theo đó Hoa Thịnh Đốn chính thức công nhận Bắc Kinh chứ không phải Đài Bắc.
Tuy nhiên, ông Blinken lưu ý rằng Đạo luật Quan hệ Đài Loan nêu rõ rằng quyết định của Hoa Kỳ thiết lập quan hệ bang giao với Trung Quốc thay vì Đài Loan dựa trên kỳ vọng rằng tương lai của Đài Loan sẽ được xác định bằng các giải pháp hòa bình.
Ông nói: “Về vấn đề Đài Loan, tôi đã nhắc lại chính sách ‘Một Trung Quốc’ lâu đời của Hoa Kỳ. Chính sách đó chưa thay đổi. Chính sách đó dựa trên Đạo luật Quan hệ Đài Loan, ba Thông cáo Chung, Sáu Bảo đảm. Chúng tôi không ủng hộ Đài Loan độc lập. Chúng tôi vẫn phản đối bất kỳ sự thay đổi đơn phương nào đối với hiện trạng của bất kỳ bên nào. Chúng tôi tiếp tục mong đợi giải pháp hòa bình cho sự khác biệt giữa các quốc gia.”
“Chúng tôi và nhiều nước khác lo ngại sâu sắc về một số hành động khiêu khích mà Trung Quốc đã thực hiện trong những năm gần đây, kể từ năm 2016,” ông nói với các phóng viên. “Lý do tại sao đây là mối quan tâm của rất nhiều quốc gia, không chỉ Hoa Kỳ, là vì nếu có một cuộc khủng hoảng về vấn đề Đài Loan, thì có thể điều đó sẽ tạo ra một cuộc khủng hoảng kinh tế có khả năng thực sự ảnh hưởng đến toàn thế giới.”
Theo ông Sekora, thông điệp của ông Blinken có nghĩa là chính phủ Tổng thống Biden ủng hộ việc Trung Quốc cộng sản thống nhất Đài Loan miễn là nước này không dùng đến hành động quân sự.
“Vì vậy, họ chưa chọn bên nào, và họ đang cho Trung Quốc thêm một chút cơ hội để tiến lên phía trước,” ông Sekora nói với chương trình “China in Focus” trên NTD, hãng truyền thông cùng hệ thống với The Epoch Times.
“Nhìn chung thì chính phủ này đã không còn giữ một lập trường mạnh mẽ trong việc bảo vệ Đài Loan.”
Chính sách yếu đuối trước Trung Quốc
Theo ông Sekora, việc chính phủ Tổng thống Biden liên tục đề nghị Bắc Kinh thiết lập lại các liên lạc bình thường khiến người Mỹ lo ngại vì họ xem đây là một chính sách yếu đuối trước Trung Quốc và lo ngại ảnh hưởng đến các đồng minh của Hoa Kỳ.
“Họ đang kỳ vọng vào một nhà lãnh đạo mạnh mẽ để đẩy lùi Trung Quốc. [Thế nhưng,] họ không nhìn thấy sự phản kháng đối với Trung Quốc, đó là điều thứ nhất, và điều thứ hai, điều tệ hại không kém, là có rất nhiều lo ngại về những gì sẽ xảy ra với các đồng minh của chúng ta.”
Ông nói: “Ngoài ra, những nước không nhất thiết phải là đồng minh, nhưng họ không phải là đối thủ, và họ chưa chọn bên… Tôi đã được một số quốc gia mà chúng tôi đang làm việc cùng họ cho biết, họ đang thấy Hoa Kỳ trên đà sa sút, còn Trung Quốc đang trỗi dậy.”
Ông Sekora cho hay, sự yếu kém của Hoa Kỳ sẽ có một tác động xấu đến quyết định ủng hộ bên nào của các đồng minh.
Ông nói: “Nếu họ [các đồng minh] thấy Hoa Kỳ ở một vị thế rất yếu và không sẵn sàng thúc đẩy điều đó, thì họ [các đồng minh] sẽ đứng về phía Trung Quốc nhiều hơn, không nhất thiết phải hợp tác với Trung Quốc như họ nói, mà là không khiến [Trung Quốc] phải lo lắng trong bất kỳ hoàn cảnh nào.”
“Người Mỹ thấy điều đó bởi vì chúng ta biết rằng rất nhiều sức mạnh của Mỹ quốc luôn đến từ các đồng minh của chúng ta, như Úc, các nước Âu Châu, những nơi như thế. Và nếu chúng ta thấy rằng những nước này ngày càng rời xa chúng ta, thì điều đó sẽ khiến hầu hết người Mỹ ngày càng lo lắng về tương lai với Trung Quốc,” ông nói thêm.
‘Đứng vững trước Trung Quốc’
Ông Sekora kêu gọi Hoa Kỳ “hãy bảo vệ nền dân chủ… bảo vệ những quốc gia quyết không khuất phục trước áp lực của Trung Quốc.”
Ông nói: “Và đó là bao gồm tất cả các quốc gia khác nhau. Thêm nữa, như chúng ta đã biết, trong một thời gian dài, Trung Quốc rất mềm mỏng trong cách tiếp cận với các quốc gia này, nhưng giờ đây, họ đã trở nên cứng rắn hơn như đưa ra nhiều yêu cầu hơn đối với những nơi mà họ đã có về các địa điểm khai triển khác nhau, và họ đang ngày càng gây áp lực lớn hơn. Và Mỹ cần có khả năng đứng vững trước Trung Quốc.”
The Epoch Times đã liên lạc với Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ để đề nghị bình luận.
Bản tin có sự đóng góp của Dorothy Li và Frank Fang
Thanh Nguyên biên dịch
Không có nhận xét nào