Võ Thái Hà tổng hợp
Ngoại trưởng Trung-Mỹ điện đàm tỏ ý muốn giảm căng thẳng quan hệ song phương
Anh Vũ /RFI
Trước chuyến công du Bắc Kinh nhằm hạ nhiệt căng thẳng quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh, ngoại trưởng Mỹ, Trung Quốc đã có cuộc điện đàm vào tối qua 13/06/2023. Nội dung chủ yếu cuộc nói chuyện được hai bên công bố, thừa nhận có những khó khăn trong quan hệ hai nước.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hoãn chuyến công du Bắc Kinh sau vụ khinh khí cầu Trung Quốc thâm nhập không phận Mỹ. Ảnh minh họa : ngoại trưởng Mỹ tại Nusa Dua, Bali, Indonesia, ngày 09/07/2022. AP - Stefani Reynolds
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã thông báo về cuộc nói chuyện với đồng nhiệm Trung Quốc Tần Cương (Qin Gang) trên Twitter hôm nay.
Theo AFP, bộ Ngoại Giao Trung Quốc ra thông cáo về cuộc điện đàm này, theo đó ông Tần Cương ghi nhận « từ đầu năm nay, quan hệ Trung-Mỹ đang đối mặt với những khó khăn và thách thức. Trách nhiệm thuộc về ai thì đã rõ ». Thông cáo nhấn mạnh, ngoại trưởng Tần Cương đã « bày tỏ rõ lập trường kiên quyết của Trung Quốc về vấn đề Đài Loan », điểm bất hòa chủ yếu giữa hai cường quốc, cũng như về những « mối quan tâm chủ chốt khác » của Bắc Kinh.
Thông cáo của Bắc Kinh cũng cho biết, ông Tần Cương nhấn mạnh « Hoa kỳ phải tôn trọng những quan tâm của Trung Quốc, chấm dứt can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc và chấm dứt nhân danh cạnh tranh, gây phương hại đến chủ quyền lãnh thổ, an ninh và các lợi ích phát triển của Trung Quốc ». Tuy nhiên ngoại trưởng Trung Quốc hy vọng Washington sẽ làm việc với Bắc Kinh để xử lý có hiệu quả những bất đồng, thúc đẩy trao đổi và hợp tác ổn định quan hệ Mỹ -Trung để hai nước cùng phát triển.
Về phía Washington, phát ngôn viên ngoại giao Hoa Kỳ, Matthew Miller trong một thông cáo cho biết, ngoại trưởng Antony Blinken đã đề cập đến « tầm quan trọng duy trì các đường liên lạc mở để xử lý có trách nhiệm quan hệ Trung -Mỹ nhằm tránh các tính toán sai lầm và xung đột ».
Theo một số quan chức Mỹ ẩn danh, ông Antony Blinke dự kiến tới Bắc Kinh vào Chủ nhật 18/06. Tuy nhiên bộ Ngoại Giao của hai nước chưa có thông báo chính thức. Gần đây có nhiều dấu hiệu hai bên muốn hạ nhiệt căng thẳng. Hồi tháng 5 vừa qua, tại Vienna, Áo, cố vấn An ninh Quốc gia của Nhà Trắng, Jake Sullivan đã có cuộc họp với ông Vương Nghị, lãnh đạo cao nhất ngành ngoại giao của chế độ Bắc Kinh.
Nếu chuyến đi Bắc Kinh của ông Blinken diễn ra vào cuối tuần, thì đây sẽ là chuyến công du đầu tiên của ngoại trưởng Mỹ đến Trung Quốc kể từ sau chuyến thăm của ngoại trưởng Mike Pompeo vào tháng 10/2018.
Quan hệ Mỹ - Trung đang ở mức xấu nhất từ trước tới nay vì những xung khắc trên nhiều hồ sơ, từ quan hệ của Hoa Kỳ với Đài Loan, cạnh tranh công nghệ, thương mại cho đến như những yêu sách về lãnh thổ của Trung Quốc ở Biển Đông. Trung Quốc luôn coi Đài loan là một tỉnh ly khai, chỉ chờ có cơ hội để thống nhất. Bắc Kinh phản đối mọi quan hệ chính thức của các nước với chính quyền Đài Bắc. Trung Quốc tố cáo Hoa Kỳ vẫn quan hệ với Đài Loan bất chấp các cam kết trước đây.
Cố vấn an ninh Mỹ Nhật Philippines lần đầu tiên họp ba bên
Minh Anh /RFI
Nhà Trắng ngày 13/06/2023 ra thông cáo cho biết, tổng thống Mỹ Joe Biden cử cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan đến Tokyo gặp các đồng cấp Nhật, Hàn Quốc và Philippines trong tuần này. Thông cáo của Nhà Trắng còn cho biết thêm ông Sullivan sẽ dự cuộc họp « các cố vấn an ninh ba bên Mỹ - Nhật – Philippines đầu tiên ».
Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng, Washington, ngày 24/02/2019. AP - Manuel Balce Ceneta
Tuy nhiên, Nhà Trắng cung cấp rất ít chi tiết về chuyến đi Tokyo hai ngày của ông Sullivan bắt đầu từ thứ Năm 15/6, và chỉ cho biết rằng cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng cùng các đồng cấp « sẽ thảo luận cách thức thắt chặt quan hệ hợp tác trong nhiều vấn đề chủ chốt của khu vực và toàn cầu ».
Chuyến thăm Tokyo của Jake Sullivan diễn ra không lâu sau cuộc thao dợt tuần duyên giữa Mỹ, Nhật Bản và Philippines gần vùng Biển Đông có tranh chấp, được tổ chức vào đầu tháng Sáu này. Theo hãng tin Mỹ AP, Washington đang gia tăng nỗ lực củng cố các liên minh tại châu Á trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt với Bắc Kinh.
Quan hệ Mỹ - Trung đã xuống cấp nghiêm trọng trong nhiệm kỳ tổng thống Biden. Đôi bên căng thẳng trong nhiều vấn đề từ tranh chấp chủ quyền lãnh hải ở Biển Đông giữa Trung Quốc với các nước láng giềng, hồ sơ Đài Loan, hoạt động gián điệp của Trung Quốc trên lãnh thổ Mỹ và tại Cuba.
Theo AP, hiện cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan đang có mặt tại Ấn Độ, gặp người đồng cấp Ajit Doval, để chuẩn bị cho chuyến thăm cấp nhà nước của thủ tướng Narendra Modi đến Washington vào ngày 22/6. Trong cuộc gặp ngày hôm qua, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ - Ấn đã thảo luận về khả năng hợp tác giữa đôi bên trong các lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, chất bán dẫn và quốc phòng, theo như thông báo từ bộ Ngoại Giao Ấn Độ.
Trung Quốc tập trận bắn đạn thật ở Biển Hoa Đông phía bắc Đài Loan
14/6/2023
Trung Quốc ngày 13/6 bắt đầu các cuộc tập trận quân sự ở Biển Hoa Đông phía bắc Đài Loan, bao gồm các cuộc tập trận bắn đạn thật từ tàu chiến giữa lúc Mỹ và các đồng minh tiến hành các cuộc tập trận ở Tây Thái Bình Dương.
Trung Quốc thường xuyên tiến hành các cuộc tập trận dọc theo bờ biển của mình, mặc dù những cuộc tập trận gần Đài Loan thường thu hút nhiều sự chú ý nhất.
Trung Quốc nói Đài Loan thuộc chủ quyền của Bắc Kinh.
Cục An toàn Hàng hải Trung Quốc đưa ra cảnh báo cấm đi lại từ sáng sớm đến giữa chiều ngày 13/6 đối với một khu vực ngoài khơi thành phố Thái Châu thuộc tỉnh Chiết Giang để diễn tập bắn đạn thật từ tàu chiến.
Các cuộc tập trận khác xung quanh cùng một địa điểm kéo dài đến tối ngày 13/6.
Các cuộc tập trận này diễn ra gần quần đảo Dachen mà Đài Loan từng kiểm soát cho đến năm 1955, sau khi đảo này và nhiều đảo lân cận khác bị các lực lượng Trung Quốc chiếm giữ trong một trận chiến đẫm máu.
Đài Loan vẫn kiểm soát các đảo Mã Tổ và Kim Môn, ngoài khơi tỉnh Phúc Kiến của Trung Quốc.
Cục An toàn Hàng hải Trung Quốc cho biết Trung Quốc sẽ tổ chức các cuộc tập trận riêng biệt ở một khu vực phía bắc khác của Biển Hoa Đông cho đến chiều muộn ngày 14/6.
Cuộc tập trận của Trung Quốc ở Biển Hoa Đông trùng với cuộc tập trận hải quân bốn bên ở Biển Philippines bắt đầu từ hôm 9/6 với sự tham gia của Hoa Kỳ, Nhật Bản, Canada và Pháp gồm hai nhóm tàu sân bay do các tàu sân bay USS Nimitz và USS Ronald Reagan của Mỹ dẫn đầu, theo Hạm đội 7 của Mỹ.
Bộ trưởng Đài Loan gặp Chủ tịch Thượng viện Séc khiến Trung Quốc tức giận
Bộ trưởng Ngoại giao Đài Loan Joseph Wu (ảnh SBS)
Bộ trưởng Ngoại giao Đài Loan Joseph Wu đã gặp người đứng đầu thượng viện của quốc hội Séc vào thứ Ba (13/6) trong khuôn khổ chuyến công du châu Âu, khiến Trung Quốc hết sức tức giận.
Trong chuyến công du thứ hai tới quốc gia thành viên NATO và Liên minh Châu Âu ở trung tâm Châu Âu sau chuyến thăm năm 2021, ông Wu đã đã gặp ông Milos Vystrcil, người đi đầu trong các nỗ lực của Séc nhằm xây dựng mối quan hệ chặt chẽ hơn với Đài Loan và đã đến thăm hòn đảo này vào năm 2020.
Trung Quốc vẫn luôn tuyên bố là lãnh thổ của mình và chưa bao giờ từ bỏ việc sử dụng vũ lực để kiểm soát đảo quốc này. Trái lại, Đài Loan cực lực phản đối yêu sách chủ quyền của Trung Quốc và khẳng định chỉ có người dân của hòn đảo mới có thể quyết định tương lai của họ.
Đài Loan không có quan hệ ngoại giao chính thức với bất kỳ quốc gia châu Âu nào ngoại trừ Vatican.
Tuy nhiên, vẫn có những mối quan hệ không chính thức, và các nước Trung và Đông Âu vẫn luôn muốn thể hiện sự ủng hộ đối với Đài Loan – đặc biệt là sau cuộc xâm lược Ukraine của Nga – bất chấp sự giận dữ của Bắc Kinh về những liên hệ như vậy.
Ông Wu sẽ phát biểu tại một hội nghị an ninh ở Praha vào ngày 14/6, ngay sau bài phát biểu khai mạc của Tổng thống Séc Petr Pavel.
Ông Wu dự kiến còn có cuộc gặp gỡ không chính thức trong bữa tối với người đứng đầu hạ viện là bà Marketa Pekarova-Adamova trong ngày 14/6, theo phát ngôn viên của bà.
Hai nguồn thông tin giấu tên cũng tóm tắt về chuyến đi của ông Wu, theo đó ông Wu dự kiến đến thăm Brussels, trụ sở của Liên minh châu Âu.
Trước đó, ngày 9/6, Bộ Ngoại giao Trung Quốc kêu gọi châu Âu không có bất kỳ trao đổi chính thức nào với Đài Loan hoặc hỗ trợ “các lực lượng độc lập” trước chuyến đi.
Cộng hòa Séc không có quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Loan, nhưng sau nhiều năm thân thiết với Bắc Kinh, nội các trung hữu của nước này nắm quyền từ năm 2021 và ông Pavel, người nhậm chức vào tháng 3, đã rất muốn cải thiện quan hệ với Đài Bắc.
Nhật Minh (Theo Reuters)
Khai mạc Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St Petersburg
Thứ Tư là ngày khai mạc Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St Petersburg, sự kiện kinh tế lớn nhất của Nga. Diễn đàn này từng thu hút tất cả mọi người từ tổng thư ký Liên Hợp Quốc cho đến tổng thống Pháp. Chi phí tham dự (25.000 đô la) được cho là phản ánh những cơ hội có được từ sự kiện.
Nhưng năm nay sẽ khác. Bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương của Nga sẽ tham dự. Tổng thống Vladimir Putin cũng có thể ghé qua. Nhưng không nhiều chức sắc sẽ tham dự các cuộc thảo luận, vốn đề cập đến nhiều chủ đề quan trọng như “chủ quyền công nghệ trong kinh doanh nông nghiệp.” Các nhà báo phương Tây không được phép tham gia; còn doanh nhân phương Tây không muốn. Thật vậy, không rõ liệu có bất kỳ nhà lãnh đạo thế giới nào đến dự hay không. Sự kiện này thường được coi là câu trả lời của Nga cho Diễn đàn Kinh tế Thế giới Davos. Nhưng giờ đây nó chỉ cho thấy sự cô lập của họ trên trường quốc tế.
Lebanon lại bầu tổng thống
Sau 11 lần thất bại, vào thứ Tư quốc hội Lebanon sẽ lại bầu tổng thống thay thế cho Michel Aoun, người sẽ kết thúc nhiệm kỳ vào tháng 10. Các cuộc bỏ phiếu trước đây đều không được như ý khi nhiều nghị sĩ bỏ phiếu trắng hoặc không xuất hiện. Lần này có lẽ cũng không khác. Ứng viên dẫn đầu là cựu bộ trưởng tài chính Jihad Azour, người đã tuyên bố ứng cử vào thứ Hai sau nhiều tháng phủ nhận. Các đảng Cơ đốc giáo và các nghị sĩ độc lập ủng hộ ông Azour, đặc biệt vì ông có chuyên môn kinh tế giữa lúc Lebanon sa lầy trong khủng hoảng tài chính kéo dài từ năm 2019.
Nhưng ông vấp phải phản đối gay gắt từ Hizbullah, đảng dân quân kiêm chính trị dòng Shia. Họ ủng hộ Suleiman Frangieh, một chính trị gia kỳ cựu thân cận với chế độ Syria của tổng thống Bashar al-Assad. Nhiều người Lebanon cho rằng các đảng chỉ đang ủng hộ ông Azour để cố gắng thuyết phục Hizbullah từ bỏ ông Frangieh và chấp nhận một ứng viên thoả hiệp ít nổi tiếng hơn. Thế bế tắc có vẻ sẽ tiếp tục.
Đức sắp công bố Chiến lược An ninh Quốc gia đầu tiên trong lịch sử
Trước khi nhậm chức vào cuối năm 2021, liên minh ba đảng của Đức đã hứa với cử tri là sẽ nắm quyền một cách khôn ngoan. Một trong những cam kết của họ là soạn thảo Chiến lược An ninh Quốc gia đầu tiên của Đức. Bị trì hoãn bởi chiến tranh Nga-Ukraine và tranh cãi nội bộ, văn kiện này sẽ được công bố vào thứ Tư bởi thủ tướng Olaf Scholz, cùng với ngoại trưởng Annalena Baerbock và các bộ trưởng khác.
Chiến lược này nhiều khả năng sẽ cam kết củng cố các liên minh xuyên Đại Tây Dương và châu Âu. Điều đó có nghĩa là tái khẳng định cam kết tăng chi tiêu quốc phòng lên 2% GDP – một lời hứa từ lâu với NATO mà Đức không thực hiện được. Giới phân tích sẽ nghiền ngẫm từng từ trong tài liệu để phác thảo chính sách chi tiết. Văn bản cũng có thể đề cập đến các chủ đề khó khăn, chẳng hạn như làm thế nào để cân bằng giữa các lợi ích kinh tế của Đức ở Trung Quốc và cạnh tranh ngày càng tăng giữa Bắc Kinh và Mỹ. Nhưng thông điệp mới là điều quan trọng: trong một thế giới nguy hiểm hơn, nước Đức đang nhận ra sự cần thiết phải đứng dậy.
IAEA kiểm tra nhà máy điện hạt nhân Zaporizhia
Một nhóm giám sát viên mới từ Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) của Liên Hợp Quốc có thể sẽ đến nhà máy điện hạt nhân Zaporizhia ở miền nam Ukraine sớm nhất là vào thứ Tư. Rủi ro về một tai nạn hạt nhân đang tăng. Nhà máy này lấy nước làm mát từ hồ chứa Kakhovka, vốn đã bị phá hủy do vụ vỡ đập lớn ở vùng Kherson lân cận.
Sau vụ nổ đập, nhân viên IAEA nói “không có rủi ro tức thời” vì cơ sở dự trữ đủ nước cho vài tháng. Nhóm giám sát mới sẽ đánh giá trữ lượng nước này và hệ thống làm mát của nhà máy. Tuy nhiên, vụ phá đập cũng tạo ra một khả năng đáng ngại sẽ ảnh hưởng đến công việc của nhóm. Hiện tại các lò phản ứng của nhà máy, vốn đã ở chế độ “tắt” trong nhiều tháng, khó có thể được kích hoạt lại để tạo ra điện trong tương lai gần. Nếu bị Nga cho là vô dụng, nó có thể bị họ phá hoại trên đường rút lui.
Trung Nam Hải tăng cường kiểm soát nền kinh tế
Antonio Graceffo
Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang tăng cường kiểm soát nền kinh tế với một Phó thủ tướng mới và các cơ quan giám sát mới. Ông Tập dường như đang coi trọng vấn đề ý thức hệ và tập trung hóa quyền lực hơn là tăng trưởng kinh tế.
Dưới thời nhà lãnh đạo Tập Cận Bình, ĐCSTQ đã liên tục gia tăng kiểm soát nền kinh tế, bao gồm cả tài chính và ngân hàng. Giờ đây, Phó Thủ tướng mới được bổ nhiệm Hà Lập Phong và một số cơ quan mới do đảng lãnh đạo sẽ đảm bảo hệ thống tài chính của Trung Quốc phù hợp với các nguyên tắc của ĐCSTQ. Truyền các giá trị của ĐCSTQ vào các hệ thống ngân hàng và tài chính là bước thụt lùi mới nhất trở về thời kỳ kế hoạch hóa tập trung. Giai đoạn phát triển kinh tế nhanh nhất của Trung Quốc diễn ra trong thời kỳ mở cửa, nhưng giờ đây ông Tập dường như coi trọng vấn đề ý thức hệ hơn là tăng trưởng kinh tế.
Ông Hà, một đồng minh thân cận của ông Tập, đã làm việc cho chính quyền trung ương từ những năm 1980. Ông Hà đã trải qua quá trình chuyển đổi từ hệ thống kiểu cũ sang chủ nghĩa xã hội thị trường, sang tự do hóa, và giờ là sự tập trung hóa kiểm soát của ĐCSTQ dưới thời Tập. Với tư cách là Phó thủ tướng, ông sẽ giám sát chính sách công nghiệp và đàm phán thương mại. Ông đã dành 5 năm qua với tư cách là nhà lập kế hoạch trung ương hàng đầu cho nền kinh tế Trung Quốc và giờ đây sẽ còn có nhiều ảnh hưởng hơn nữa để đảm bảo các kế hoạch và sắc lệnh của ông Tập được tuân thủ. Một công nhân nhập cư băng qua đường sau khi lên xe buýt đường dài ở Bắc Kinh, Trung Quốc, vào ngày 10/03/2021. (Ảnh: Greg Baker/AFP qua Getty Images)
Khi tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc chậm lại, cách tiếp cận của ĐCSTQ là quay trở lại tập trung vào các doanh nghiệp nhà nước và sự giám sát của ĐCSTQ đối với các doanh nghiệp. Ông Tập và ông Hà đều ủng hộ việc nhà nước dẫn dắt sự tăng trưởng, đề cao các doanh nghiệp nhà nước và khu vực công. Mặt khác, điều này có nghĩa là tăng nợ cho Trung Quốc, vốn đã bằng 300% GDP.
Ông Hà trước đây là chủ tịch và bí thư của Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia, một cơ quan lập kế hoạch lớn của quốc gia chịu trách nhiệm đưa đất nước thoát khỏi sự phụ thuộc vào các công ty nước ngoài đồng thời phát triển các doanh nghiệp nhà nước.
Thành lập các cơ quan giám sát tài chính mới
Ngoài việc bổ nhiệm ông Hà, một số cơ quan giám sát tài chính mới đang được thành lập. Các cơ quan này sẽ được ủy ban trung ương ĐCSTQ giám sát. Chúng bao gồm Cơ quan Quản lý Nhà nước về Quy định Tài chính (SAFR), Ủy ban Tài chính Trung ương (CFC) và Ủy ban Công tác Tài chính Trung ương (CFWC).
SAFR sẽ giám sát lĩnh vực tài chính, ngoại trừ chứng khoán, và báo cáo trực tiếp với Hội đồng Nhà nước, do Thủ tướng Lý Cường làm chủ tịch. Theo ngân sách năm 2023, SAFR có kế hoạch thanh tra 2.500 tổ chức ngân hàng và 800 tổ chức tài chính phi ngân hàng trên toàn quốc. Trong khi đó, một kế hoạch cải cách của ĐCSTQ được công bố vào tháng 3 cho biết mục đích của CFC là “củng cố sự lãnh đạo tập trung và thống nhất của Ủy ban Trung ương đảng đối với công tác tài chính”.
CFWC, sẽ do một ủy viên bộ chính trị lãnh đạo, chịu trách nhiệm giám sát vai trò tư tưởng và chính trị của ĐCSTQ trong hệ thống tài chính Trung Quốc. Là một ủy ban xây dựng đảng, CFWC sẽ đảm bảo rằng hệ thống tài chính phù hợp với các mục tiêu và lý thuyết của ĐCSTQ, cũng như đạo đức và kỷ luật của đảng.
Về mặt kỹ thuật, CFWC không phải là một tổ chức mới mà là sự tái sinh của CFWC ban đầu, được thành lập vào năm 1998 dưới thời cựu lãnh đạo Giang Trạch Dân. Vào thời điểm đó, CFWC được thiết kế nhằm đảm bảo vai trò của ĐCSTQ trong hệ thống ngân hàng và tài chính nhưng không làm ảnh hưởng đến sự phát triển kinh doanh. CFWC cũ, đã bị giải tán vào năm 2003, hoạt động nhằm đảm bảo sự tách biệt giữa chính phủ và doanh nghiệp. Dưới sự lãnh đạo của ông Tập, CFWC sẽ hỗ trợ kết hợp lĩnh vực tài chính vào sự hợp nhất đang diễn ra. Với việc tái lập CFWC, ông Tập và các đồng minh của ông sẽ có thể nhanh chóng tái cấu trúc các yếu tố trong ngành tài chính, thanh trừng những nhân vật cuối cùng từ các chính quyền trước đó và lấp đầy các vị trí bằng những người trung thành với ông Tập.
Vào thời điểm Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đang tăng lãi suất và Trung Quốc đang thực hiện các chính sách mở rộng, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc sẽ mất khả năng ban hành chính sách tiền tệ độc lập. Tại Mỹ, các đảng phái chính trị, chính phủ và doanh nghiệp là những thực thể riêng biệt. Và trong chính phủ, có sự phân chia quyền lực với sự kiểm tra và cân bằng. Hơn nữa, Fed tồn tại độc lập với chính phủ. Tại Trung Quốc, ông Tập kiểm soát các chức vụ cao nhất trong cả đảng và chính phủ. Những người trung thành với ông, những người được bổ nhiệm và các thành viên bộ chính trị giờ đây sẽ có quyền kiểm soát trực tiếp hơn đối với ngân hàng và tài chính. Người ta nói rằng ông Tập đã thiết lập Sáng kiến Vành đai và Con đường bởi vì bây giờ mọi con đường dường như đều dẫn đến ông Tập.
Bảo Nguyên biên dịch
Seoul và Bắc Kinh hối hả chạy đua tìm lượm mảnh vỡ tên lửa Bắc Triều Tiên
Minh Anh /RFI
Hai tuần sau thất bại vụ phóng tên lửa đưa vệ tinh dọ thám của Bình Nhưỡng lên quỹ đạo, hải quân Hàn Quốc và Trung Quốc đang hối hả chạy đua tìm kiếm và thu hồi các mảnh vỡ của tên lửa Bắc Triều Tiên bị rơi trên biển Hoa Đông.
Ảnh phóng tên lửa Bắc Triều Tiên Ngân Hà - 3 (Unha-3), ngày 13/12/12 Reuters
Từ Seoul, thông tín viên đài RFI, Celio Fioretti tường thuật :
« Một cuộc chạy đua tranh giành mảnh vỡ diễn ra ở ngoài khơi, cách bờ biển Hàn Quốc 200 km, gần như nằm giữa biển Hoa Đông ngăn cách Bắc Kinh và Seoul. Một chiến dịch thu lượm tế nhị, cả về mức độ nguy hiểm các linh kiện của tên lửa cũng như khó khăn tìm thấy các mảnh vỡ đã chìm sâu dưới biển.
Thay vì được chi viện, Hải quân Hàn Quốc lại phát hiện một đối thủ cạnh tranh đang đến khu vực tìm kiếm trục vớt : Đó là Trung Quốc. Khó mà biết được động cơ của đối thủ này trong cuộc đua là gì, nhưng có hai giả thuyết được giới chuyên gia nêu lên. Hoặc Trung Quốc có thể vớt những mảnh vỡ này để trao lại cho Bắc Triều Tiên.
Giả thuyết khác là Trung Quốc có thể cần thu lượm những mảnh vỡ này để tránh một cuộc điều tra gây rắc rối của quốc tế. Quả thật, vào năm 2014, qua nghiên cứu tên lửa Ngân Hà-3 (Unha-3) của Bắc Triều Tiên, Liên Hiệp Quốc đã phát hiện ra nhiều linh kiện của tên lửa có nguồn gốc từ Trung Quốc, Mỹ và thậm chí cả từ Hàn Quốc.
Bất kể ra sao, cuộc đua tìm kiếm này diễn ra dữ dội ở biển Hoa Đông và bên đầu tiên thu lượm được các mảnh vỡ đó sẽ là bên chiến thắng. »
Ông Trump không nhận tất cả 37 tội bị cáo buộc tại tòa Miami
14/6/2023
Một người đàn ông đứng bên ngoài tòa án liên bang ở Miami hôm 13/6 cầm một tấm biển có dùng chữ “Trump đã đúng”. (Ảnh: Madalina Vasiliu/Epoch Times)
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã không nhận tất cả 37 tội danh bị cáo buộc trong phiên tòa diễn ra chiều thứ Ba (13/6, giờ Mỹ) tại Miami, Florida.
Ông Trump đã bay đến Miami từ thứ hai (12/6) và lưu trú qua đêm tại khu tổ hợp nghỉ dưỡng giải trí của ông tại Doral.
Ông Trump bị buộc 37 tội danh liên quan đến cáo buộc ông xử lý sai các tài liệu mật. Phiên công bố cáo trạng tại tòa ở Miami diễn ra từ 3 giờ chiều ngày 13/6.
Giới chức liên bang, tiểu bang và địa phương đã tăng cường công tác an ninh tại tòa trước khi ông Trump xuất hiện.
Hàng trăm người ủng hộ ông Trump đã tập hợp bên ngoài tòa án để biểu tình phản đối bản cáo trạng truy tố cựu tổng thống.
Trong phiên tòa không cho phép quay phim, chụp ảnh. Các nhân viên tòa án đã lấy vân tay của ông Trump. Nhưng ông không phải chụp ảnh chân dung. Các thủ tục này kéo dài khoảng 10 phút.
Trong phiên tòa công bố cáo trạng dài khoảng 35 phút, ông Trump xuất hiện với bộ com-lê màu xanh dương và cà-vạt đỏ quen thuộc. Ông tỏ vẻ bình tĩnh.
Bản cáo trạng cáo buộc rằng ông Trump đã cất giữ trái phép 31 tài liệu chính phủ, trong đó có một số được xếp vào nhóm tài liệu tuyệt mật.
Bản cáo trạng cũng cáo buộc rằng ông Trump đã cho những người khác xem các tài liệu mật hai lần vào năm 2021 và hành động này được cho là vi phạm Đạo luật Gián điệp.
Những cáo buộc nghiêm trọng nhất có thể khiến ông Trump bị phạt tù giam lên tới 20 năm.
Khi tòa hỏi về việc nhận tội, luật sư Blanche của ông Trump phát biểu thay thân chủ rằng: “Chúng tôi chắc chắn đưa ra lời biện hộ vô tội”.
Ông Trump đã đang kiên định tuyên bố ông vô tội, gọi những cáo buộc này là “trò hề tư pháp”, “can thiệp bầu cử” và “cuộc săn phù thủy”.
Bà Alina Habba, một trong những luật sư của cựu Tổng thống Trump, nói rằng “việc truy tố nhắm mục tiêu vào một đối thủ chính trị hàng đầu là kiểu mà quý vị thấy trong các chế độ độc tài như Cuba và Venezuela”.
“Ở những nơi đó phổ biến các đối thủ chính trị bị truy tố, bức hại và bỏ tù”, bà Alina Habba nói hôm 13/6.
Ông Trump trên đường tới tòa án Miami đã viết trên Truth Social: “Một trong những ngày tồi tệ nhất trong lịch sử đất nước chúng ta. Chúng ta đang là quốc gia suy thoái!!!”
Ông Trump đã được tại ngoại hậu tra theo yêu cầu của vụ truy tố này. Hầu hết các điều kiện tại ngoài trước xét xử đều được bỏ qua.
Tuy nhiên, Thẩm phán chủ tọa phiên tòa Jonathan Goodman có áp đặt lệnh cấm ông Trump nói chuyện với các nhân chứng hoặc các nạn nhân trừ trường hợp trao đổi thông qua các luật sư của những người này. Thẩm phán đặt ngoại lệ đối với các nhân chứng mà ông Trump đã đang thường xuyên liên lạc, trong đó có đồng bị đơn, trợ lý của ông, bà Walt Nauta. Trong những trường hợp ngoại lệ này, thẩm phán cấm ông Trump thảo luận với các nhân chứng hoặc nạn nhân về vụ án liên quan.
Các chuyên gia pháp lý tin rằng đội luật sư bào chữa cho ông Trump sẽ nỗ lực kéo dài tiến trình tố tụng càng lâu càng tốt để các phiên xét xử chính thức diễn ra sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2024.
Đối với ông Trump, chiến dịch tranh cử 2024 của ông vẫn sẽ tiếp diễn bình thường. Ngay cả khi bị kết tội các cáo buộc, thì cũng không luật nào tại Mỹ ngăn chặn ông Trump tranh cử và thắng cử vào Nhà Trắng.
Xuân Thành (Theo Just the News và The Epoch Times)
https://vietluan.com.au/104104
Không có nhận xét nào