Võ Thái Hà tổng hợp
Hoa Kỳ và Ấn Độ đạt đồng thuận về chương trình hợp tác quốc phòng
Minh Anh /RFI
07/6/2023
Washington và New Dehli hôm qua, 06/06/2023, đã thống nhất một lộ trình hợp tác công nghiệp quân sự, vào lúc Ấn Độ tìm cách giảm phụ thuộc vào nguồn cung ứng vũ khí từ Nga và trong bối cảnh căng thẳng với Trung Quốc.
Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Lloyd Austin (P) bắt tay đồng nhiệm Ấn Độ Rajnath Singh trong lễ đón tiếp tại New Delhi, Ấn Độ, ngày 05/06/2023. REUTERS - ANUSHREE FADNAVIS
Kết thúc chuyến thăm Ấn Độ trong khuôn khổ vòng công du châu Á, bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Lloyd Austin khẳng định « lộ trình hợp tác mới đầy tham vọng » cho phép Ấn Độ và Mỹ tăng cường hợp tác phát triển và sản xuất các công nghệ dùng cho hệ thống chiến đấu cơ và di chuyển trên bộ, cũng như là trong lĩnh vực tầu ngầm, tình báo, giám sát và nhận dạng, theo như tuyên bố từ bộ Quốc Phòng Mỹ.
Như vậy với sáng kiến này, hợp tác quốc phòng Mỹ - Ấn chuyển sang một tiêu chí mới, đồng thời còn cho phép Ấn Độ tiếp cận các ngành công nghệ tiên tiến, hỗ trợ cho kế hoạch hiện đại hóa nền quốc phòng đất nước.
AFP cho biết nhiều nước phương Tây, bao gồm cả Mỹ và Pháp, đang thương lượng với Ấn Độ các hợp đồng trị giá nhiều tỷ đô la. Tuy nhiên, theo một số nhà ngoại giao, New Delhi mong muốn được chuyển giao công nghệ trong các thỏa thuận đang đàm phán.
Từ nhiều thập niên, Nga vẫn là nhà cung cấp vũ khí chính cho Ấn Độ. Cho đến lúc này, Ấn Độ không lên án Nga xâm lược Ukraina, nhưng cũng đang nỗ lực chấm dứt tình trạng phụ thuộc trong lĩnh vực quân sự, đồng thời mở rộng nguồn cung nhập khẩu vũ khí và gia tăng mức sản xuất trong nước.
Thông báo Mỹ - Ấn Độ tăng cường hợp tác quân sự được đưa ra vào lúc Trung Quốc và Mỹ cạnh tranh gay gắt trong nhiều lĩnh vực từ ngoại giao, quân sự, công nghệ cho đến kinh tế, quan hệ giữa Án Độ - Trung Quốc cũng căng thẳng do những tranh chấp lãnh thổ và trong thương mại.
Sau cuyến thăm New Dehli của bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ, thủ tướng Ấn Độ sẽ đến thăm Washington trong tháng Sáu này.
Tại Tòa án Công lý Quốc tế, Ukraina cáo buộc Nga là ‘‘Nhà nước khủng bố’’
Ukraina và Nga một lần nữa đối mặt tại Tòa án Công lý Quốc tế, có trụ sở tại La Haye, Hà Lan, hôm qua, 06/06/2023. Kiev cáo buộc Matxcơva vi phạm các công ước về chống tài trợ khủng bố, và công ước chống kỳ thị chủng tộc. Đơn kiện được đệ trình năm 2017.
Ngoại trưởng Ukraina Oksana Zolotaryova (G) cùng với các luật sư của Ukraina tại Tòa án Công lý Quốc tế ở La Haye, Hà Lan ngày 06/06/2023. AFP - REMKO DE WAAL
Trọng Thành /RFI
Trước các thẩm phán của Tòa Công lý Quốc Tế, đại diện Ukraina cũng tố cáo Nga ‘‘không thể giành chiến thắng trên chiến trường’’, đã nhắm vào các cơ sở hạ tầng dân sự ‘‘để buộc Ukraina phải khuất phục’’, cụ thể là vụ tấn công vào ngôi đập Kakhovka ở Kherson, ít giờ trước khi diễn ra phiên tòa.
Thông tín viên Stéphanie Maupas tường trình từ La Haye :
‘‘Đây là ‘‘một chiến dịch hù dọa, reo rắc sợ hãi’’. Trước 16 thẩm phán của Tòa án Công lý Quốc tế, các luật sư của Ukraina đã tố cáo như trên. Đại sứ chuyên trách về tư pháp quốc tế của Ukraina, Anton Korynevitch, nhắc lại rằng cuộc chiến – với ‘‘quy mô’’ chưa từng có kể từ Thế chiến Hai – đã khởi sự ngay từ năm 2014. Ba năm sau, Ukraina đệ đơn kiện Nga.
Ông Anton Korynevitch cũng nhắc lại rằng, kể từ đó đã có thêm vụ thảm sát Butcha, trung tâm tra tấn ở Kherson, các trại giam được lập ra nhằm cưỡng bức người Ukraina sang Nga, cho đến vụ tấn công vào ngôi đập Kakhovka, vài giờ trước khi diễn ra phiên xử, điều mà đại diện Ukraina gọi là ‘‘hành động khủng bố’’.
Về nội dung, đơn kiện của Ukraina đặc biệt nhắm vào việc Nga ủng hộ và tài trợ cho các lực lượng ly khai thân Nga tại các vùng đất mà họ kiểm soát ở Donbass, kể từ năm 2014. Các luật sư cũng nêu lên vấn đề các vũ khí Nga cung cấp, không phân biệt giữa dân sự và quân sự.
Các luật sư cũng nhấn mạnh rằng trước mỗi cuộc họp nhằm thực thi các thỏa thuận Minsk, lại có nhiều vụ tấn công. Ukraina cáo buộc Nga đã vi phạm công ước chống kỳ thị chủng tộc. Hôm qua, 06/06, Ukraina cáo buộc Matxcơva có chính sách sách ‘‘Nga hóa’’ dân cư các vùng đất chiếm đóng. Phiên tòa sẽ tiếp tục vào ngày mai, thứ Năm 08/06. Đến lượt phía Nga trình bày quan điểm’’.
Tin tặc Triều Tiên nhắm vào các định chế tài chính của Mỹ, Đông Á
07/6/2023
Tin tặc Triều Tiên đánh sập mạng lưới hệ thống ngân hàng nông nghiệp Hàn Quốc Nonghyup ngày 3/5/2011.
Có những lo ngại mới về đội quân tin tặc của Triều Tiên đang nhắm mục tiêu vào các định chế tài chính để hỗ trợ chế độ ở Bình Nhưỡng và có thể tài trợ cho các chương trình vũ khí của nước này.
Một phúc trình được công ty an ninh mạng Recorded Future công bố ngày 6/6 cho thấy những kẻ có liên quan đến Triều Tiên đã lường gạt các công ty tài chính nổi tiếng ở Nhật Bản, Việt Nam và Hoa Kỳ bằng cách gửi email và tài liệu mà khi người nhận mở ra thì tin tặc có thể truy cập vào các hệ thống quan trọng.
Theo báo cáo của Nhóm Insikt thuộc Recorded Future, “Việc nhắm mục tiêu vào ngân hàng đầu tư và các công ty đầu tư mạo hiểm có thể làm lộ thông tin nhạy cảm hoặc bí mật của các tổ chức này hoặc khách hàng của họ”.
“[Việc này] có thể dẫn đến hành động pháp lý hoặc hành động điều chỉnh, gây nguy hiểm cho các cuộc đàm phán hoặc thỏa thuận kinh doanh đang chờ xử lý hoặc tiết lộ thông tin gây tổn hại đến danh mục đầu tư chiến lược của công ty,” phúc trình cho biết.
Phúc trình nói cụm hoạt động gần đây nhất diễn ra từ tháng 9 năm 2022 đến tháng 3 năm 2023, sử dụng ba địa chỉ internet mới và hai địa chỉ cũ cùng hơn 20 tên miền.
Một số tên miền bắt chước những tên miền được sử dụng bởi các định chế tài chính bị nhắm mục tiêu.
Recorded Future đã nêu tên nhóm đứng sau các cuộc tấn công của Nhóm Hoạt động Đe dọa 71 (TAG-71), còn được gọi là APT38; Bluenoroff; Stardust Chollima; và Nhóm Lazarus.
Tháng 4 vừa qua, Hoa Kỳ đã chế tài ba cá nhân có liên quan đến Nhóm Lazarus, cáo buộc họ giúp Triều Tiên rửa tiền ảo ăn cắp và biến nó thành tiền mặt.
Các quan chức Bộ Tài chính Hoa Kỳ đã áp dụng các chế tài bổ sung vào tháng trước đối với Cục Trinh sát Kỹ thuật của Triều Tiên, nơi phát triển các công cụ và hoạt động do Nhóm Lazarus thực hiện.
Nhóm Lazarus được cho là chịu trách nhiệm về vụ trộm tiền ảo lớn nhất cho đến nay, đánh cắp khoảng 620 triệu đô la liên quan đến một trò chơi trực tuyến phổ biến.
Đầu tháng này, các cơ quan của Hoa Kỳ và Hàn Quốc đã đưa ra cảnh báo về một nhóm tác nhân mạng khác của Triều Tiên mạo danh các viện nghiên cứu, tổ chức học thuật và nhà báo nhằm thu thập thông tin tình báo.
Iran giới thiệu tên lửa đạn đạo siêu thanh đầu tiên của đất nước
07/6/2023
Tổng thống Iran Ebrahim Raisi phát biểu trong buổi lễ ra mắt tên lửa đạn đạo mới có tên "Fattah" với tầm bắn 1400 km, tại Tehran, Iran, vào ngày 6 tháng 6 năm 2023.
Iran hôm 6/6 giới thiệu tên lửa đạn đạo siêu thanh đầu tiên do Iran sản xuất, theo lời mô tả của các quan chức nước này, hãng thông tấn chính thức IRNA đưa tin. Đây được xem là một thông báo có khả năng làm tăng mối lo ngại của phương Tây về khả năng tên lửa của Tehran, theo Reuters.
Truyền thông nhà nước Iran công bố hình ảnh tên lửa Fattah tại một buổi lễ có sự tham dự của Tổng thống Ebrahim Rahisi và các chỉ huy Lực lượng Vệ binh Cách mạng tinh nhuệ của Iran.
“Tên lửa siêu thanh được dẫn đường chính xác Fattah có tầm bắn 1.400 km và nó có khả năng xuyên thủng mọi lá chắn phòng thủ”, Amirali Hajizadeh, người đứng đầu lực lượng hàng không vũ trụ của Vệ binh, được truyền thông nhà nước Iran trích dẫn.
Tên lửa siêu thanh có thể bay nhanh hơn ít nhất 5 lần so với tốc độ âm thanh và bay theo quỹ đạo phức tạp, khiến chúng khó bị đánh chặn.
Năm ngoái, quốc gia Cộng hòa Hồi giáo cho biết họ đã chế tạo được một tên lửa đạn đạo siêu thanh có thể di chuyển vào và ra khỏi bầu khí quyển.
Truyền hình nhà nước cho biết tên lửa Fattah của Iran có thể nhắm mục tiêu vào “các hệ thống chống tên lửa tiên tiến của kẻ thù và là một bước nhảy vọt lớn trong lĩnh vực tên lửa”.
“Nó có thể vượt qua các hệ thống tên lửa chống đạn đạo tiên tiến nhất của Hoa Kỳ và chế độ phục quốc Do Thái, bao gồm cả hệ thống đánh chặn tên lửa ‘Vòm sắt’ (Iron Dome) của Israel”, đài truyền hình nhà nước Iran nói.
Tốc độ tối đa của Fattah đạt mức mach 14 (15.000km/h).
Bất chấp sự phản đối của Mỹ và châu Âu, nước Cộng hòa Hồi giáo cho biết họ sẽ tiếp tục phát triển chương trình tên lửa phòng thủ. Tuy nhiên, các nhà phân tích quân sự phương Tây cho rằng Iran đôi khi phóng đại khả năng tên lửa của mình.
Những lo ngại về tên lửa đạn đạo của Iran đã góp phần vào quyết định của tổng thống Mỹ vào năm 2018, khi đó là ông Donald Trump, từ bỏ hiệp ước hạt nhân năm 2015 của Tehran với sáu cường quốc.
Ông Trump đã áp dụng lại các biện pháp trừng phạt của Hoa Kỳ đối với Iran sau khi rút khỏi hiệp ước hạt nhân, khiến Tehran tiếp tục công việc hạt nhân bị cấm trước đó và hồi sinh những mối lo ngại của Hoa Kỳ, châu Âu và Israel rằng Iran có thể tìm cách chế tạo bom nguyên tử. Iran đã liên tục phủ nhận chuyện có tham vọng như vậy.
Các cuộc đàm phán gián tiếp giữa Tehran và chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden nhằm cứu vãn thỏa thuận hạt nhân đã bị đình trệ kể từ tháng 9 năm ngoái.
Israel, là nước mà quốc gia Cộng hòa Hồi giáo từ chối công nhận, phản đối nỗ lực của các cường quốc thế giới nhằm khôi phục thỏa thuận hạt nhân của Tehran và từ lâu đã đe dọa sẽ hành động quân sự nếu các biện pháp ngoại giao thất bại.
Hãng Singapore Airlines phát Wifi miễn phí cho tất cả hành khách
(Ảnh minh họa: Raymond Cassel/Shutterstock)
Đây là một trong những hãng hàng không quốc tế lớn đầu tiên trên toàn thế giới cung cấp Wifi miễn phí, không giới hạn cho tất cả hành khách ở mọi hạng ghế, theo tờ SCMP.
Cụ thể, từ 1/7 tới, hành khách có thể lướt web trên máy bay mà không phải trả phí thông thường hoặc bị giới hạn về dữ liệu.
Thông thường, việc trả tiền để sử dụng Internet trên máy bay từ lâu luôn là một khoản chi phí phát sinh, hay chỉ dành riêng cho những hành khách sử dụng khoang thương gia hoặc hạng nhất.
Theo We Are Social. doanh nghiệp theo dõi việc sử dụng website và phương tiện truyền thông của Anh, sau đại dịch COVID-19, mặc dù thời gian lên mạng đã giảm so với thời kỳ phong tỏa song 5 tỷ người dùng Internet thường xuyên trên thế giới vẫn dành hơn 6 giờ mỗi ngày để lướt web trong năm 2022.
Bên cạnh đó, số lượng hành khách hàng không gia tăng trở lại. Theo Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế, lưu lượng hành khách toàn cầu vào tháng 4/2023 đã trở lại mức 90% so với mức trước đại dịch COVID-19, có nghĩa là thế giới đang trên đà quay trở lại mức 4,5 tỷ lượt đi lại vào năm 2019, một năm trước khi các hạn chế đối với việc đi lại được áp đặt.
Đặt cả hai dữ liệu cùng với nhau, các hãng hàng không như Singapore Airlines đang ban hành chính sách phát Wifi miễn phí như một cách để thu hút hành khách lựa chọn bay với mình.
“Trong thế giới ngày càng siêu kết nối ngày nay, kết nối Wifi tốc độ cao trên máy bay là một trong những yêu cầu quan trọng nhất đối với khách hàng của chúng tôi”, Yeoh Phee Teik, Phó Chủ tịch phụ trách về trải nghiệm khách hàng của hãng hàng không, cho hay.
Hành khách sẽ phải đăng ký chương trình khách hàng thân thiết của hãng hàng không để truy cập Wifi, tương tự như cách một số hãng vận tải khác cung cấp Wifi miễn phí bao gồm Qatar Airways và Delta Air Lines.
Singapore Airlines cho biết tính năng này sẽ áp dụng cho 129 trong số 136 máy bay của hãng, ngoại trừ 7 chiếc Boeing 737-800 NG.
Phan Anh
Ngày Môi trường Thế giới 2023 với chủ đề “Chống ô nhiễm nhựa”
Chai nhựa thông thường gây ô nhiễm môi trường. (Ảnh: Pixabay)
Năm nay, chủ đề của Ngày Môi trường Thế giới là “Chống ô nhiễm nhựa” (Beat Plastic Pollution). Dưới góc nhìn khoa học hiện đại, ô nhiễm môi trường toàn cầu không chỉ làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng thiếu nước, mà còn ảnh hưởng đến hệ sinh thái của động vật và thực vật, từ đó ảnh hưởng đến nguồn thực phẩm của con người.
Khẩn cấp chống ô nhiễm nhựa
Ngày 5/6 hàng năm là “Ngày Môi trường Thế giới” (tiếng Anh: World Environment Day). Chủ đề của Ngày Môi trường thế giới năm 2023 là “Chống ô nhiễm nhựa” để cùng nhau kiểm soát việc sử dụng nhựa quá độ, khơi dậy quan tâm của toàn cầu đối với vấn đề ô nhiễm nhựa và khuyến khích mọi người hành động cụ thể để giảm thiểu và loại bỏ ô nhiễm nhựa.
Việc sử dụng rộng rãi và tiêu thụ quá mức các sản phẩm nhựa đã dẫn đến một lượng lớn chất thải nhựa, trong đó rất nhiều là đổ xuống các vùng nước như đại dương, sông hồ, gây ra mối đe dọa lớn đối với hệ sinh thái biển và động vật hoang dã. Có thể nói ô nhiễm nhựa đã trở thành một vấn đề nghiêm trọng đối với môi trường sống và sức khỏe con người trên toàn cầu.
Dù nhựa có rất nhiều công dụng giá trị cho cuộc sống con người, nhưng việc xã hội loài người trở nên nghiện các sản phẩm nhựa dùng một lần đã gây ra những hậu quả nghiêm trọng về môi trường, xã hội, kinh tế và sức khỏe.
Kể từ những năm 1970, sản xuất nhựa đã phát triển nhanh hơn bất kỳ vật liệu nào khác, nếu cứ xu hướng tăng trưởng này thì ước tính sản lượng nhựa toàn cầu sẽ đạt 1,1 tỷ tấn vào năm 2050. Khoảng 36% tổng số nhựa sản xuất được sử dụng trong bao bì, bao gồm các sản phẩm nhựa sử dụng một lần là hộp đựng thức ăn và đồ uống, trong số đó khoảng 85% đưa vào bãi rác hoặc thành đồ bỏ vứt lung tung ngoài kiểm soát.
Ước tính trong các đại dương trái đất hiện nay chứa khoảng 199 triệu tấn nhựa. Trừ khi chúng ta thay đổi cách chúng ta sản xuất, sử dụng và thải bỏ nhựa, nếu không lượng chất thải nhựa xâm nhập vào hệ sinh thái biển có thể tăng gần gấp 3 lần, từ 9-14 triệu tấn mỗi năm vào năm 2016 lên 23-37 triệu tấn dự kiến vào năm 2040.
Rác thải nhựa – dù ở sông ngòi, đại dương hay trên đất liền – có thể tồn tại trong môi trường hàng thế kỷ. Độ bền lâu dài và khả năng chống phân hủy của nhựa khiến chúng gần như không thể phân hủy hoàn toàn trong tự nhiên. Hầu hết các vật dụng bằng nhựa không bao giờ biến mất hoàn toàn, chúng chỉ phân chia thành những mảnh không ngừng nhỏ hơn, theo đó những hạt vi nhựa có thể xâm nhập vào cơ thể con người thông qua đường hô hấp và tích tụ trong các cơ quan cơ thể. Không khó hiểu khi thấy vi hạt nhựa trong phổi, gan, lá lách và thận của chúng ta, một nghiên cứu gần đây thậm chí còn phát hiện vi hạt nhựa trong nhau thai của trẻ sơ sinh…
Mỗi người có thể làm gì?
Chúng ta cần hành động ngay bây giờ và phải làm nhiều hơn nữa để chấm dứt từ gốc vấn nạn sử dụng nhựa một lần. Ngày Môi trường Thế giới năm nay nhắc nhở mọi người giảm thiểu sử dụng các sản phẩm nhựa, theo đó hãy chú trọng 8 điều “Chống ô nhiễm nhựa” (Beat Plastic Pollution):
– Dọn dẹp bãi biển: Tham gia dọn dẹp bãi biển địa phương. Cùng gia đình làm sạch bãi biển và nâng cao ý thức bảo vệ môi trường.
– Xin hóa đơn điện tử thay thế hóa đơn giấy: Hóa đơn điện tử cứu thế giới!
– Làm sạch các dòng sông: Các dòng sông là con đường trực tiếp đưa các mảnh vụn nhựa vào đại dương. Mỗi khi chúng ta ra sông chơi chỉ cần thuận tay vớt rác trên sông chính là thể hiện tấm lòng dịu dàng của chúng ta với thiên nhiên.
– Mua sắm bền vững: Khi đi mua sắm, hãy cố gắng chọn thực phẩm không có bao bì nhựa, mang theo túi bảo vệ môi trường có thể tái sử dụng, mua sản phẩm địa phương thay vì sản phẩm nhập khẩu và mang theo hộp đựng riêng để giảm rác thải nhựa, qua đó tác động hữu ích đến bảo vệ môi trường.
– Thử lối sống không rác thải: Đầu tư vào các sản phẩm bền vững, thân thiện với đại dương như cốc uống cà phê, chai nước… có thể tái sử dụng. Cân nhắc các vật dụng như cốc nguyệt san, bàn chải đánh răng bằng tre và bánh dầu gội để giúp tiết kiệm tiền và bảo vệ đại dương.
– Du lịch bền vững: Khi bạn đi du lịch, hãy cố gắng lưu ý giảm thiểu lượng nhựa sử dụng một lần mà mình sử dụng.
– Trở thành người vận động bảo vệ môi trường.
– Thời trang bền vững: Ngành thời trang tạo ra 20% lượng nước thải và 10% lượng khí thải carbon toàn cầu: “Con số này nhiều hơn tất cả các chuyến bay và vận chuyển quốc tế cộng lại”. Từ bỏ các sản phẩm thời trang nhanh càng nhiều càng tốt, cố gắng chọn mua nhiều quần áo cổ điển và quần áo cũ, chọn loại vải bền, khi quần áo bị hỏng hãy ưu tiên sửa chữa thay vì mua mới. Chọn các sản phẩm làm đẹp không chứa nhựa: Các sản phẩm làm đẹp là nguồn chính chứa vi nhựa đi thẳng từ phòng tắm của chúng ta ra đại dương. Tìm kem chống nắng, sữa rửa mặt, đồ trang điểm, chất khử mùi, dầu gội đầu… có dạng không chứa nhựa.
Thông qua những hành động và nỗ lực đó, chúng ta có thể cùng nhau đánh bại ô nhiễm nhựa, bảo vệ môi trường và hệ sinh thái của trái đất, đồng thời tạo ra một tương lai tốt đẹp hơn cho sự phát triển bền vững.
Kỷ niệm 50 năm Ngày Môi trường Thế giới
Nguồn gốc của “Ngày Môi trường Thế giới” (tiếng Anh: World Environment Day) có thể truy nguồn từ năm 1972, khi Chương trình Môi trường LHQ tổ chức “Hội nghị Môi trường Con người của LHQ” lần đầu tiên tại Stockholm – Thụy Điển từ ngày 5 -16/6 năm đó, vì vậy đã đề xuất lấy ngày 5/6 là “Ngày Môi trường thế giới” (World Environment Day). Đó không chỉ là lần đầu tiên LHQ đưa vấn đề môi trường ra thảo luận, mà còn kêu gọi thế giới nâng cao ý thức bảo vệ môi trường; sau đó từ năm 1973, nhằm kỷ niệm cuộc gặp này, LHQ đã ấn định ngày 5/6 hàng năm là “Ngày Môi trường Thế giới” và đến nay vẫn được sử dụng, năm 2023 cũng là kỷ niệm 50 năm “Ngày Môi trường Thế giới”.
Ngày nay, “Ngày Môi trường Thế giới” đã trở thành nền tảng quan trọng để các bên liên quan tại hơn 100 nước trên thế giới tích cực thực hiện các hành động bảo vệ môi trường; kêu gọi mỗi người có hành động tích cực để nhiều hành động nhỏ trở thành sức mạnh to lớn chung tay bảo vệ trái đất của chúng ta, đồng thời nâng cao nhận thức cộng đồng về tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường. Chúng ta có thể làm gì cho “Ngày Môi trường Thế giới”?
Chủ đề của “Ngày Môi trường thế giới” năm 2023 là “Chống ô nhiễm nhựa” (Beat Plastic Pollution), chủ đề hy vọng khơi dậy sự quan tâm của công chúng đối với các vấn đề môi trường, còn chủ đề của năm 2022 là “Chỉ một Trái đất” (Only One Earth).
Thiên Tư, Vision Times
Nikki Haley: Nếu Ukraine thua Nga, sẽ có Thế chiến III
Ứng viên tổng thống Đảng Cộng hòa Nikki Haley (AP)
Theo ứng viên tổng thống Đảng Cộng hòa Nikki Haley, việc để Ukraine thua Nga trên chiến trường sẽ dẫn đến chiến tranh thế giới thứ ba.
Bà Haley nói trong một cuộc tọa đàm với cử tri tại Iowa hôm Chủ Nhật (4/6) rằng trang bị vũ khí cho Kyiv tất cả là để “ngăn chặn chiến tranh” và “gửi thông điệp” cho các kẻ thù của Mỹ.
Cựu Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc tuyên bố: “Khi Ukraine chiến thắng, điều đó sẽ gửi thông điệp tới Trung Quốc về Đài Loan, gửi thông điệp tới Iran vốn đang muốn chế tạo bom [hạt nhân], gửi thông điệp tới Triều Tiên đang thử tên lửa đạn đạo, gửi thông điệp tới Nga rằng mọi chuyện đã kết thúc”.
“Ukraine chiến thắng là lợi ích tốt nhất của Mỹ, là lợi ích tốt nhất của an ninh quốc gia của chúng ta. Chúng ta phải làm điều này đến cùng, chúng ta phải hoàn thành nó”, bà Haley nói thêm.
Về việc cuộc chiến tranh đó có thể kết thúc như thế nào, bà Haley cho biết: “Nó sẽ kết thúc vào ngày mà Nga sẽ rút quân. Nếu Ukraine rút lui, thì tất cả chúng ta sẽ thấy chiến tranh thế giới”. Cựu thống đốc Nam Carolina giải thích rằng để ngăn chặn thế chiến III, Kyiv cần phải được cung cấp thêm vũ khí, rất nhiều vũ khí.
“Chiến thắng cho Ukraine là chiến thắng cho tất cả chúng ta, bởi vì những kẻ bạo chúa nói với chúng ta chính xác những gì chúng sẽ làm”, bà Haley nói tiếp. Bà tuyên bố: “Nga đã nói Ba Lan và các nước vùng Baltic là mục tiêu tiếp theo”, nếu Ukraine sụp đổ. “Nếu điều đó xảy ra, chúng ta sẽ chứng kiến một cuộc chiến tranh thế giới”, bà Haley nhắc lại.
Cũng trong cuộc tọa đàm nêu trên, bà Haley đã chỉ trích quan điểm cho rằng nước Mỹ cần duy trì trung lập trong cuộc chiến tranh Nga-Ukraine. Bà khẳng định: “Đây là một cuộc chiến tranh về tự do và đó là cuộc chiến mà chúng ta phải chiến thắng”.
Bà Haley thời gian qua liên tục kêu gọi chính quyền Biden hãy cung cấp cho Ukraine các chiến đấu cơ F-16 theo đề nghị của Tổng thống Ukraine Zelensky, đồng thời cần áp đặt thêm nhiều chế tài lên Nga. Nữ ứng viên tổng thống 51 tuổi này cho rằng Washington hiện đang quá mềm yếu với Nga.
Hải Đăng
Không có nhận xét nào