Header Ads

  • Breaking News

    Thời sự đó đây ngày Thứ sáu 16 tháng 6 năm 2023

    Võ Thái Hà tổng hợp

    Ngoại trưởng Mỹ – Trung điện đàm trước chuyến thăm Bắc Kinh của ông Blinken

    https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2023/06/ngoai-truong-my-trung-dien-dam-truoc-chuyen-cong-du-cap-cao-695.jpg


    Ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương (phải) và Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken (The Australian) 

    Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken và Ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương đã có cuộc điện đàm hôm thứ Tư (14/6), cuộc đàm phán cấp cao nhất trong một loạt các hoạt động ngoại giao gần đây giữa hai nước.

    Căng thẳng đã gia tăng mạnh mẽ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới trong những năm gần đây, đặc biệt là về vấn đề Đài Loan.

    Ông Blinken dự kiến đến Bắc Kinh vào Chủ nhật để đàm phán nhằm xoa dịu căng thẳng, sau khi chuyến thăm được lên kế hoạch trước đó đột ngột bị hủy bỏ vào tháng Hai.

    Nhưng trong cuộc điện đàm diễn ra vào thứ Tư theo giờ Bắc Kinh, ông Tần Cương đã cảnh báo rằng quan hệ giữa hai nước đã phải đối mặt với “những khó khăn và thách thức mới” kể từ đầu năm.

    “Trung Quốc luôn xem và quản lý quan hệ Trung-Mỹ theo các nguyên tắc tôn trọng lẫn nhau, cùng tồn tại hòa bình và hợp tác cùng có lợi do Chủ tịch Tập Cận Bình đưa ra,” ông Tần nói, theo một bản ghi của Bộ Ngoại giao Trung Quốc về cuộc gọi điện thoại.

    Trong khi đó, viết trên Twitter, ông Blinken cho biết “[Tôi] đã nói chuyện tối nay với Ủy viên Quốc vụ kiêm Ngoại trưởng CHND Trung Hoa Tần Cương qua điện thoại. Thảo luận về những nỗ lực liên tục để duy trì các kênh liên lạc mở cũng như các vấn đề song phương và toàn cầu.”

    Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Matthew Miller cho biết ông Blinken đã nhấn mạnh “tầm quan trọng của việc duy trì các đường dây liên lạc cởi mở để quản lý một cách có trách nhiệm mối quan hệ Hoa Kỳ-Trung Quốc nhằm tránh tính toán sai lầm và xung đột” với ông Tần.

    Ngoại trưởng Blinken cũng “nói rõ rằng Hoa Kỳ sẽ tiếp tục sử dụng các biện pháp ngoại giao để bày tỏ về các lĩnh vực quan tâm cũng như các lĩnh vực hợp tác tiềm năng”, ông Miller nói.

    Ông Blinken dự kiến sẽ đến Bắc Kinh vào ngày 18/6, chuyến đi đầu tiên của một nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ tới Trung Quốc kể từ người tiền nhiệm Mike Pompeo vào tháng 10/2018.

    Tổng thống Joe Biden và ông Tập đã gặp nhau ở Bali vào tháng 11 và đồng ý cố gắng kiềm chế căng thẳng vốn đã cao vượt khỏi tầm kiểm soát.

    Trước đó, ông Blinken đã đột ngột hủy chuyến đi dự kiến vào đầu tháng 2 sau khi Hoa Kỳ cho biết họ phát hiện và sau đó bắn hạ một khinh khí cầu giám sát của Trung Quốc bay qua lục địa Hoa Kỳ.

    Gần đây, hai bên đã xem xét lại để kiểm soát căng thẳng, bao gồm cả cuộc gặp mở rộng cũng như họp kín giữa cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan và nhà ngoại giao cấp cao Trung Quốc Vương Nghị tại Vienna vào tháng trước.

    Ngân Hà (theo AFP)

    Lãnh đạo Cuba, Iran gặp mặt tại Havana, cam kết đương đầu với ‘Đế quốc Mỹ’

    https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2023/06/cuba.jpeg_1718483346.jpeg


    Presidents Miguel Diaz-Canel (L) & Ebrahim Raisi (R), Havana, Cuba, June 15, 2023. | Photo: Twitter/ @_Davidcu 

    Tổng thống Iran Ebrahim Raisi đã gặp người đồng cấp Cuba Miguel Diaz-Canel tại Havana hôm thứ Năm (15/6). Nguyên thủ hai nước đồng minh này cam kết củng cố mối quan hệ song phương và cùng đương đầu với “đế quốc Mỹ”.

    Cuba là điểm dừng cuối cùng của Tổng thống Iran Ebrahim Raisi trong chuyến công du ba quốc gia Mỹ Latinh nhằm mục đích tăng cường sự ủng hộ của các đồng minh ở khu vực này vốn cũng đang bị chế tài nặng nề từ Mỹ như Iran.

    Ông Raisi nói với báo giới tại một diễn đàn thương mại tại Havana vào sáng 15/6 rằng Cuba và Iran sẽ tìm kiếm các cơ hội để làm việc cùng nhau về sản xuất điện, công nghệ sinh học, khai khoáng và nhiều lĩnh vực khác.

    “Trong những điều kiện và hoàn cảnh ngày nay, Iran và Cuba cùng tìm thấy có nhiều điểm chung”, ông Raisi nói trong cuộc đối thoại với Chủ tịch Cuba Miguel Diaz-Canel.

    “Mỗi ngày mối quan hệ của chúng ta càng trở nên mạnh mẽ hơn”, ông Raisi khẳng định.

    Các quan chức cấp cao hai nước đã ký các thỏa thuận hành chính cam kết thúc đẩy hợp tác giữa các bộ tư pháp, các cơ quan hải quan cũng như các cơ quan viễn thông của hai nước.

    Tổng thống Iran Raisi đầu tuần này đã tới thăm các lãnh đạo của Venezuela, quốc gia sản xuất dầu mỏ hàng đầu thế giới. Tại đây, ông Raisi cam kết tăng cường thương mại song phương và mở rộng hợp tác trong lĩnh vực hóa dầu. Trước khi tới Cuba, tổng thống Iran cũng đã tới Nicaragua gặp Tổng thống Daniel Ortega.

    Chủ tịch Cuba Diaz-Canel nói với người đồng cấp Iran rằng: “Venezuela, Nicaragua, Cuba và Iran là những quốc gia đã đang anh dũng đối đầu bằng sự kháng cự kiên cường trước các chế tài… đe dọa, phong tỏa và can thiệp từ đế quốc Mỹ và các đồng minh của Mỹ”.

    “Chuyến thăm này đã củng cố niềm tin rằng chúng tôi có Iran tại Trung Đông là một quốc gia bạn hữu mà chúng tôi có thể thổ lộ… và trao đổi về những vấn đề toàn cầu phức tạp nhất”, ông Diaz-Canel nói thêm.

    Đầu tuần này khi được khỏi về chuyến công du Mỹ Latinh của Tổng thống Iran Raisi, phát ngôn viên an ninh quốc gia Nhà Trắng John Kirby nói rằng nguyên thủ Iran có thể nói về nghị trình của chính ông ta.

    “Chúng tôi không yêu cầu các quốc gia trong bán cầu này hoặc bất kỳ quốc gia nào khác phải lựa chọn họ sẽ hợp tác với ai hoặc họ sẽ nói chuyện với ai hoặc họ sẽ cho phép ai đến thăm. Nói gì và nói với ai là quyền của họ. Chúng tôi chỉ tập trung vào lợi ích an ninh quốc gia của chính chúng tôi trong khu vực”, ông Kirby nói.

    Ông Raisi gọi chuyến công du của ông tới các đồng minh Mỹ Latinh quan trọng của Iran là “bước ngoặt” trong các mối quan hệ ngoại giao này.

    Chuyến thăm Cuba của ông Raisi đến vào thời điểm chế độ Havana cũng đang xúc tiến tăng cường các mối quan hệ với các đồng minh xa xôi nhưng quan trọng như Nga và Trung Quốc, hai nước cũng đang chịu chế tài của Mỹ.

    Chủ tịch Cuba Diaz-Canel năm ngoái cũng đã gặp những người đồng cấp Nga và Trung Quốc, củng cố mối quan hệ và ký các thỏa thuận để giảm gánh nặng nợ quốc gia và đảm bảo nhận được viện trợ sau khi quốc đảo Caribe phải gánh chịu ảnh hưởng tàn phá từ Bão nhiệt đới Ian.

    Hải Đăng (Theo CNA)

    Úc tìm cách ngăn Nga xây tòa đại sứ mới gần quốc hội

    https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2023/06/russian-sanction.jpg


    (Ảnh minh họa: elladoro/Shutterstock) 

    Ngày 15/6, Thủ tướng Úc Anthony Albanese cho biết ông sẽ đưa ra một dự luật chấm dứt hợp đồng cho thuê một khu đất ở Canberra, nơi Nga có kế hoạch xây dựng trụ sở mới của đại sứ quán nước này, theo hãng tin CNN.

    Cụ thể, ông Albanese cho hay: “Chính phủ đã nhận được lời khuyên an ninh rất rõ ràng liên quan tới rủi ro mà khi Nga hiện diện rất gần Tòa nhà Quốc hội. Chúng tôi đang hành động nhanh chóng để đảm bảo địa điểm cho thuê không trở thành một nơi hiện diện ngoại giao chính thức”.

    Thủ tướng Úc nói thêm rằng ông hy vọng dự luật trên sẽ được thông qua ở cả Hạ viện và Thượng viện vào cuối ngày 15/6.

    Bộ trưởng Bộ Nội vụ Úc Clare O’Neil cũng cho rằng vấn đề chính với tòa nhà mà Nga muốn xây chính là vị trí.

    Vào năm 2022, Chính quyền Thủ đô Quốc gia Úc (NCA) đã quyết định thu hồi hợp đồng cho Nga thuê một khu đất ở ngoại ô Yarralumla, cách Tòa nhà Quốc hội 500 mét. Tuy nhiên, Tòa án Liên bang Úc đã ra phán quyết vào cuối tháng trước rằng động thái này là không hợp lệ và không có hiệu lực, cấm chính phủ Úc ngăn cản chính phủ Nga hưởng dụng mảnh đất.

    Đại sứ quán Nga tại Úc đã mô tả quyết định chấm dứt hợp đồng thuê vào thời điểm đó là một động thái chưa từng có và rất không thân thiện.

    Một số nước phương Tây đã trục xuất các nhà ngoại giao Nga hoặc chuyển sang chiếm giữ các tòa nhà mà các cơ quan đại diện của Nga ở nước ngoài sử dụng để đáp trả chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine. Nga lập luận rằng hành động đó là bất hợp pháp.

    Trước đó, ngày 29/4, cảnh sát và quan chức thành phố Warsaw (Ba Lan) đã dùng vũ lực để vào một trường học do Đại sứ quán Nga ở Warsaw điều hành. Giới chức Ba Lan đã khóa cổng nhằm ngăn di dời tài sản ra khỏi tòa nhà.

    Ngày 26/4, Đại sứ Nga tại Ba Lan Sergey Andreyev cho biết tất cả số tiền trong tài khoản của Đại sứ quán và Văn phòng Thương mại Nga tại Warsaw đã bị văn phòng công tố Ba Lan tịch thu. Theo ông Andreyev, có một lượng đáng kể cả USD và đồng zloty của Ba Lan trong cả hai tài khoản. Ông Andreyev gọi vụ việc là vi phạm trắng trợn Công ước Vienna về quan hệ ngoại giao. Đây là công ước năm 1961 quy định quyền và trách nhiệm của các nhà ngoại giao.

    Chính quyền Ba Lan từng đóng băng tài khoản của Đại sứ quán Nga với lý do nghi ngờ rằng đại sứ quán này có thể liên quan đến rửa tiền hoặc khủng bố. Việc này khiến Đại sứ quán Nga không thể trả tiền thuê một cơ sở giải trí gần Warsaw, sau đó chính quyền Ba Lan đã chấm dứt hợp đồng thuê và tịch thu tài sản vào tháng 11/2022.

    Một tài sản khác là ngôi nhà tại số 100 Phố Sobieski đã bị tịch thu vào mùa xuân năm ngoái. Vào thời điểm đó, Thị trưởng Warsaw là ông Rafal Trzaskowski nói rằng nên trao số tiền này cho những người tị nạn Ukraine. Bộ Ngoại giao Ba Lan cho rằng Đại sứ quán Nga sở hữu bất hợp pháp tòa nhà trên vì nó không được sử dụng cho mục đích ngoại giao hoặc lãnh sự. Phía Ba Lan đã phớt lờ lời giải thích của Đại sứ quán Nga rằng tòa nhà này không thích hợp để ở vì cần sửa chữa. Ba Lan cũng đã tìm cách tịch thu trường học do Đại sứ quán Nga vận hành ở Warsaw với lý do tương tự.

    Bộ Ngoại giao Nga đã phản đối cả hai vụ tịch thu tài sản trên và coi đây là hành vi vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế.

    Phan Anh

    Anh Quốc đầu tư 5,4 triệu USD để truyền điện Mặt Trời về Trái Đất

    https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2023/06/traidat.jpg


    (Ảnh minh họa: Aleksandr Kukharskiy/Shutterstock) 

    Các trường đại học và công ty công nghệ ở Anh sẽ nhận được 5,4 triệu USD vốn đầu tư từ chính phủ để phát triển điện Mặt Trời ngoài không gian, theo tờ The Guardian.

    Công nghệ thu thập năng lượng từ Mặt Trời thông qua pin quang năng đặt trên vệ tinh và truyền về Trái Đất có tiềm năng khổng lồ trong việc tăng cường an ninh năng lượng của Anh.

    Dù ý tưởng xây dựng nhà máy điện thương mại trong vũ trụ có vẻ xa xôi, từ lâu ngành công nghiệp không gian đã ở tuyến đầu của phát triển điện Mặt Trời. Trên thực tế, nhu cầu cấp điện cho vệ tinh là động lực chính để gia tăng hiệu suất của pin quang năng vốn được dùng để sản xuất điện cho các hộ gia đình và doanh nghiệp, theo tiến sĩ Mamatha Maheshwarappa, chuyên gia về hệ thống tải hàng ở Cơ quan Vũ trụ Anh.

    Trong số các trường và tổ chức nhận kinh phí từ cuộc thi sáng kiến năng lượng Mặt Trời ngoài không gian của chính phủ Anh có Đại học Cambridge, nơi đang phát triển pin quang năng siêu nhẹ có thể chịu bức xạ cao trong vũ trụ, và Đại học Queen Mary ở London với hệ thống không dây cho phép truyền năng lượng Mặt Trời thu hoạch được về Trái Đất.

    Đầu tháng 6, nhóm nhà khoa học ở Viện Công nghệ California (Caltech) tại Mỹ thông báo truyền thành công năng lượng Mặt Trời từ không gian về Trái Đất lần đầu tiên, sử dụng một tàu vũ trụ nguyên mẫu mang tên Maple phóng lên quỹ đạo hồi tháng 1. Con tàu dùng một loạt bộ truyền phát siêu nhẹ để biến đổi điện thành vi sóng trước khi truyền tới địa điểm cụ thể trên mặt đất, trong trường hợp này là thiết bị nhận trên mái một tòa nhà ở khuôn viên của Caltech tại Pasadena. Ở đó, chùm vi sóng được biến đổi trở lại thành điện.

    Nếu công nghệ trên có thể hoạt động ở quy mô lớn, trang trại điện Mặt Trời ngoài không gian sẽ có một số lợi thế quan trọng. Do trong vũ trụ không có không khí, ánh sáng Mặt Trời không bị loãng đi, có nghĩa mỗi tấm pin có thể sản xuất nhiều năng lượng hơn so với trên Trái Đất. Năng lượng Mặt Trời cũng dễ dự đoán và có thể sản xuất liên tục do không bị gián đoạn bởi chu kỳ ngày – đêm, độ che phủ mây và biến động ánh sáng theo mùa.

    Một nghiên cứu độc lập của chính phủ Anh vào năm 2021 cho thấy năng lượng Mặt Trời ngoài không gian có thể sản xuất tới 10 GW điện một năm, bằng 1/4 nhu cầu điện của Anh, vào năm 2050. Bộ An ninh Năng lượng nhận định điều này có thể tạo ra ngành công nghiệp hàng tỷ USD và 143.000 việc làm.

    Phan Anh

    Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ: Chưa có quyết định về việc liệu có mời Hồng Kông tham dự APEC

    https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2023/06/daidienHK.jpg


    Đặc khu trưởng Hồng Kông Lý Gia Siêu hôm 06/06/2023. (Ảnh: Bill Cox/The Epoch Times) 

    Hôm 13/06, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã đính chính bình luận của mình liên quan đến việc mời lãnh đạo Hồng Kông, ông Lý Gia Siêu (John Lee Ka Chiu), tới tham dự hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương (APEC) năm 2023, nói rằng thư mời tham dự APEC của bộ là một sai sót. Tuyên bố đính chính này được đưa ra sau khi các nhà lập pháp kêu gọi hủy bỏ lời mời, dựa trên thực tế là Hoa Kỳ đã trừng phạt ông Lý kể từ năm 2020 vì vai trò của ông trong việc phá hoại các quy trình dân chủ và tự trị của Hồng Kông.

    Hội nghị thượng đỉnh Doanh nghiệp APEC 2023 thường niên sẽ được tổ chức tại San Francisco, California vào tháng 11/2023. Hồi tháng 02/2023, Thứ trưởng Ngoại giao Wendy Sherman đã gửi thư mời Đặc khu trưởng Hồng Kông Lý Gia Siêu đến tham dự APEC.

    Thứ Tư tuần trước (07/06), bốn nhà lập pháp — gồm thượng nghị sĩ cao cấp của Hoa Kỳ đến từ Florida, ông Marco Rubio, thành viên kỳ cựu của Ủy ban Ngoại giao Hạ viện, ông Chris Smith, Thượng nghị sĩ đến từ Oregon, ông Jeff Merkley, và một thành viên của Hạ viện Hoa Kỳ, ông Jim McGovern — đã kêu gọi hủy bỏ lời mời ông Lý, viện dẫn các hành động phản dân chủ và các hành vi vi phạm nhân quyền của ông.

    Các nhà lập pháp viết trong thư, “Xét đến cuộc đàn áp bạo lực của chính quyền Hồng Kông đối với những người biểu tình ôn hòa vào năm 2019, thì việc mời Đặc khu trưởng Lý tham dự cuộc họp APEC đang gửi đi một tín hiệu khủng khiếp đến những người vi phạm nhân quyền trên toàn thế giới.”

    Họ cũng mô tả ông Lý là một “người vi phạm nhân quyền,” và sự hiện diện của ông sẽ mang lại cho Trung Quốc “sự đại diện không tương xứng” tại APEC.

    Hoa Kỳ: Lời mời là một sai sót

    Đáp lại bức thư, hôm 08/06, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tại Bắc Kinh cho biết: “Trung Quốc tin rằng Hoa Kỳ sẽ thực hiện các cam kết của mình để bảo đảm rằng tất cả các thành viên APEC, bao gồm cả Hồng Kông, Trung Quốc, có thể tham dự hội nghị này một cách suôn sẻ.”

    Tuy nhiên, hôm 13/06, Bộ Ngoại giao tuyên bố lá thư mời này là một sai sót. Bộ cho hay, “Chưa có quyết định nào về việc mời tham dự,” điều này xác nhận rằng ông Lý vẫn chưa được mời tham dự hội nghị thượng đỉnh APEC.

    Ông Lý, nhà lãnh đạo thân ĐCSTQ, đang bị trừng phạt

    Điều đáng chú ý là vào năm 2019, ông Lý Gia Siêu, lúc bấy giờ là Cục trưởng Cục An ninh, đã đóng một vai trò quan trọng trong phong trào chống dự luật dẫn độ, vốn gây ra các cuộc biểu tình lan rộng và tình trạng bất ổn dân sự ở Hồng Kông.

    Trong thời gian xảy ra phong trào chống dẫn độ, hai triệu công dân, hay khoảng một phần tư dân số Hồng Kông, đã tham gia vào cuộc biểu tình quy mô lớn chống lại dự luật này. Ông Lý Gia Siêu, Cục trưởng Cục An ninh đương thời, là một người ủng hộ dự luật. Ông đã bị chỉ trích vì sử dụng nhiều loại vũ khí như vòi rồng, hơi cay, và đạn cao su để ứng phó với các cuộc biểu tình. Ngoài ra, hơn 10,000 người biểu tình đòi dân chủ đã bị bắt trong phong trào này.

    Hồi tháng 11/2019, cựu Tổng thống Trump đã ký thành luật S. 1838, “Đạo luật Dân chủ và Nhân quyền Hồng Kông năm 2019”, đồng thời thể hiện sự ủng hộ đối với những người biểu tình. Vào ngày 14/07/2020, ông đã ký Đạo luật Tự trị Hồng Kông, được thông qua vào ngày 01/07, ngay sau khi ĐCSTQ cưỡng bức áp đặt Luật An ninh Quốc gia Hồng Kông (HKNSL). Đạo luật này cho phép chính phủ liên bang Hoa Kỳ áp dụng các biện pháp trừng phạt tài chính đối với “các quan chức và tổ chức ở Hồng Kông cũng như ở Trung Quốc đại lục bị xem là tiếp tay cho hành vi vi phạm quyền tự trị của Hồng Kông, và trừng phạt các tổ chức tài chính làm ăn với họ.”

    Ông Lý nằm trong nhóm quan chức Hồng Kông và Trung Quốc đại lục đầu tiên bị Hoa Kỳ trừng phạt, theo đó ông “bị chỉ định vì có liên quan đến việc cưỡng ép, bắt bớ, giam giữ, hoặc bỏ tù các cá nhân theo thẩm quyền của Luật An ninh Quốc gia, như cũng như tham gia vào quá trình phát triển, áp dụng, hoặc thi hành luật này.”

    Tiếp tục cản trở dân chủ và tự do

    Kể từ khi lên nắm quyền với tư cách là Đặc khu trưởng vào năm 2021, ông Lý đã tiếp tục đường lối cứng rắn đối với các nhà hoạt động ủng hộ dân chủ và quyền tự do ngôn luận, quyền tự do báo chí, và quyền tự do hội họp ở Hồng Kông.

    Sau khi thực thi Luật An ninh Quốc gia (NSL), trong ba năm ông Lý giữ chức Đặc khu trưởng Hồng Kông, hàng chục hãng truyền thông độc lập đã bị buộc phải đóng cửa, nhiều ký giả và nhà hoạt động đã bị bắt giữ. Các cố vấn của phe ủng hộ dân chủ bị buộc tội lật đổ. Nhiều hiệp hội và tổ chức xã hội dân sự đã bị giải tán. Các cuộc biểu tình quy mô lớn, các cuộc tập hợp và biểu tình công khai từng diễn ra trong vài thập niên qua đã không còn nữa.

    Chính quyền Hồng Kông thậm chí còn tìm cách có được một lệnh cấm của tòa án đối với một bài hát biểu tình. Theo số liệu do cảnh sát cung cấp, tính đến tháng 03/2023, 175 người đã bị bắt theo Luật An ninh Quốc gia, và 110 người khác đã bị buộc tội. Vì Luật An ninh Quốc gia mạnh hơn hệ thống thông luật ban đầu của Hồng Kông, nên những người bị truy tố theo bộ luật mới này phải đối mặt với nhiều năm giam giữ trước khi xét xử.

    Hồng Ân biên dịch


    Nhật Bản kiên định chính sách tiền tệ nới lỏng

    Kể từ khi đảm nhận vị trí thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản vào tháng 4, Ueda Kazuo đã xây dựng danh tiếng như một người biết kiềm chế. Đã có nhiều lời đồn đoán là ngân hàng sẽ ngừng chính sách tiền tệ cực kỳ nới lỏng. Nhưng ông Ueda khẳng định vẫn “kiên nhẫn” duy trì cách tiếp cận hiện có, vốn được thiết kế để đưa đất nước thoát khỏi tình trạng giảm phát kéo dài nhiều thập niên. Sau cuộc họp hai ngày vào thứ Sáu, ông Ueda nhiều khả năng sẽ tiếp tục các chính sách như kiểm soát đường cong lợi suất, một công cụ đặt ra mức trần cho lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm.

    Giờ đây lạm phát đã trở lại. Chỉ số giá không tính thực phẩm tươi sống và nhiên liệu đã tăng 4,1% trong tháng 4 so với một năm trước đó — cao nhất bốn mươi năm qua. Một số nhà phân tích cho rằng điều này báo trước sự khởi đầu của một chu kỳ nâng lương và chi tiêu tiêu dùng. Nhưng không có nhiều bằng chứng cho thấy điều đó. Tiền lương chỉ tăng 1% trong năm qua, có nghĩa là lương của người lao động đang giảm theo giá trị thực.

    Cuộc khủng hoảng giá sinh hoạt Anh gây áp lực lên các siêu thị

    Tesco, siêu thị lớn nhất nước Anh, sẽ công bố báo cáo giao dịch quý vào thứ Sáu. Bản cập nhật cho nhà đầu tư được đưa ra giữa áp lực từ các chính trị gia xoay quanh cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt ở Anh. Theo Văn phòng Thống kê Quốc gia, người tiêu dùng giờ đây lo lắng về giá lương thực tăng cao hơn là giá năng lượng. Văn phòng ước tính thực phẩm hiện đắt hơn khoảng 1/5 so với một năm trước, tương ứng với mức tăng cao thứ hai trong hơn 45 năm qua.

    Chính phủ Bảo thủ đã đề xuất một thỏa thuận với các siêu thị hàng đầu để kiểm soát giá một số mặt hàng cơ bản như sữa và bánh mì. Hiệp hội Bán lẻ Anh, một cơ quan thương mại, cho biết kế hoạch này sẽ không hiệu quả. Họ nói chi phí cao hơn xuất phát từ giá năng lượng và lao động tăng. Do đó lợi nhuận của Tesco sẽ được xem xét kỹ lưỡng.

    Mùa phán quyết của Toà Tối cao Mỹ

    Các thẩm phán Tòa án Tối cao Hoa Kỳ chỉ có hai tuần để đưa ra 20 phán quyết cho các vụ án được điều trần từ tháng 10 đến tháng 4 vừa qua. Phán quyết quan trọng nhất trong ba quyết định được đưa ra hôm thứ Năm là Haaland kiện Brackeen, một phán quyết với tỷ lệ 7-2 bác bỏ nỗ lực cản trở Đạo luật Phúc lợi Trẻ em Da đỏ. Luật này, ban hành năm 1978, bảo vệ trẻ em người Mỹ bản địa khỏi việc bị tách khỏi gia đình và bộ lạc. Chỉ có Thẩm phán Samuel Alito và Clarence Thomas đồng ý với các nguyên đơn là luật này vượt quá giới hạn quyền của quốc hội.

    Sẽ có nhiều phán quyết hơn vào ​​thứ Sáu. Liệu Tu chính án thứ Nhất có trao cho nhà thiết kế web theo Cơ đốc giáo quyền từ chối tạo trang web cho đám cưới đồng tính, bất chấp luật chống phân biệt đối xử của tiểu bang? Liệu tổng thống Joe Biden có thể tiến hành kế hoạch giảm nợ sinh viên cho hàng triệu người vay hay không? Người sử dụng lao động phải bao dung đến đâu đối với niềm tin tôn giáo của người lao động? Và liệu tuyển sinh đại học dựa trên chủng tộc có phù hợp với hiến pháp hay không?

    Mỹ định chung tay cùng Đài Loan sản xuất vũ khí

    Alex Wu 

    https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2023/06/iStock-960493890-scaled-e1635905815576.jpg


    Concept TAIWAN-AMERICAN RELATIONS For the Inspector. When I created this photo, I used the public domain map http://www.freemapviewer.com/en/map/Map-China_60.html 

    Ngày 12/06, Ủy ban Dịch vụ Vũ trang của Hạ viện Hoa Kỳ đã công bố phiên bản dự thảo của Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng (NDAA) năm 2024. Dự luật đề xuất rằng Hoa Kỳ và Đài Loan cùng chung tay sản xuất vũ khí, như vậy sẽ giải quyết được sự chậm trễ trong việc Mỹ cung cấp vũ khí cho Đài Loan, đồng thời giúp Đài Bắc tăng cường tốc độ tái lấp đầy kho vũ khí.

    Ủy ban Dịch vụ Vũ trang của Hạ viện Hoa Kỳ đã yêu cầu bộ trưởng quốc phòng nộp báo cáo trước ngày 01/03 năm sau; báo cáo cần đánh giá những lợi ích và thách thức của việc Mỹ sản xuất vũ khí và đạn dược chung với Đài Loan.

    Ngay từ tháng 10 năm ngoái, Mỹ và Đài Loan đã bắt đầu thảo luận sơ bộ về việc cùng sản xuất vũ khí. Mô hình khả thi được đưa ra là: các công ty quốc phòng của Mỹ sẽ cung cấp công nghệ và sản xuất vũ khí tại Đài Loan, hoặc sẽ lắp ráp các linh kiện vũ khí do Đài Loan sản xuất tại Mỹ, theo Nikkei Asia. Máy bay chiến đấu F-16V do Mỹ sản xuất trong cuộc tập trận tại một căn cứ quân sự ở thành phố Gia Nghĩa (Chiayi), miền nam Đài Loan, ngày 15/01/2020 (Ảnh: Sam Yeh / AFP qua Getty Images)

    Vào ngày 02/05 năm nay, đại diện của 25 nhà sản xuất và kinh doanh vũ khí của Mỹ, bao gồm cả Lockheed Martin và Raytheon, đã tổ chức một phái đoàn đến Đài Loan. Theo giới truyền thông, mục đích của chuyến đi là thảo luận về việc cùng sản xuất máy bay không người lái, tên lửa và về các vấn đề liên quan khác.

    Có thể bị Trung Quốc đánh cắp bí mật

    Vào tháng 4, ông Jordan Cohen, nhà phân tích chính sách quốc phòng và đối ngoại tại Viện Cato của Mỹ, đã nói với VOA về những lo ngại về việc Hoa Kỳ hợp tác sản xuất vũ khí với các đối tác quốc tế.

    Trong lịch sử đã xuất hiện nhiều phản đối trong chính phủ Hoa Kỳ, bởi vì kiểu chia sẻ kiến thức quân sự này khiến thông tin bí mật gặp rủi ro, và bởi vì nó khiến Hoa Kỳ thu về ít lợi nhuận hơn, ông Cohen nói.

    Ông Eric Gomez, thành viên cao cấp tại Viện Cato, nói với VOA rằng Trung Quốc có thể dễ dàng đánh cắp thông tin nhạy cảm của Hoa Kỳ nếu việc hợp tác sản xuất vũ khí được thực hiện ở Đài Loan.

    “Tôi nghĩ rằng Trung Quốc có cơ sở tình báo ở Đài Loan để có thể thu thập thông tin về hệ thống vũ khí và đưa chúng về Trung Quốc”, ông nói. “Việc di chuyển giữa hai nơi tương đối dễ dàng; cũng tương đối dễ dàng để có thể thâm nhập [Đài Loan] vì có rất nhiều điểm tương đồng giữa hai nơi”.

    Trong khi đó, ông Randall Schriver, Chủ tịch hội đồng quản trị của Viện Project 2049 và cựu trợ lý bộ trưởng quốc phòng Mỹ phụ trách các vấn đề an ninh ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, nói với VOA như sau: “Việc chung tay sản xuất [vũ khí] là một ý tưởng hay, đáng để khám phá”.

    Tuy nhiên, ông nói: “Nếu chính phủ Hoa Kỳ ủng hộ, thì vẫn còn vấn đề về lợi ích thương mại. Vì vậy, ngành công nghiệp quốc phòng của chúng ta [Mỹ] có một số tiếng nói trong việc này”.

    Sẽ ‘tốt hơn’ nếu Mỹ đẩy nhanh tốc độ bán vũ khí

    Nhà nghiên cứu Jie Zhong tại Hiệp hội Tầm nhìn Chiến lược Trung Quốc tại Đài Loan, nói với Đài Á châu Tự do (RFA) hôm 13/06 rằng việc Mỹ thiết lập dây chuyền sản xuất vũ khí tại Đài Loan không thể được hoàn thành trong 10 ngày hay nửa tháng.

    Ông nói rằng việc đó đòi hỏi phải thiết kế, lập kế hoạch, thiết lập dây chuyền sản xuất, triển khai nhân sự, v.v., đồng thời nói thêm rằng sẽ quá muộn nếu những trường hợp khẩn cấp xảy ra.

    “Tốt hơn hết là Hoa Kỳ chú trọng đến các đơn hàng bán vũ khí cho Đài Loan ngang bằng cho các đồng minh chính trong NATO thông qua các biện pháp và thủ tục hành chính, điều này có thể giải quyết các vấn đề hiện tại”, ông đề xuất.

    Chuyên gia quân sự Đài Loan Chen Guoming nói với RFA rằng trong trường hợp xảy ra chiến tranh ở eo biển Đài Loan, tính kịp thời/năng lực vận chuyển đúng thời hạn của vận tải đường biển hoặc đường hàng không của Hoa Kỳ sẽ gặp thách thức.

    “Hy vọng rằng trong kho đạn dược mới được lên kế hoạch xây dựng, hoặc dưới sự ủy quyền của Hoa Kỳ, một số tên lửa chống hạm và tên lửa tấn công mặt đất mà chúng ta cần có thể được sản xuất. Chúng tôi sẽ rất vui khi thấy điều này”, chuyên gia Chen nói.

    Dự luật cũng nêu rõ rằng Hoa Kỳ nên duy trì khả năng chống lại bất kỳ hình thức cưỡng chế nào gây nguy hiểm cho Đài Loan, bao gồm cả các mối đe dọa quân sự. Theo dự luật, quốc hội Mỹ ủng hộ các nỗ lực của Đài Loan trong việc tăng cường khả năng phòng thủ thông qua việc mua vũ khí, hợp tác công nghiệp và thương mại trực tiếp.

    Trong khi đó, có thông tin cho rằng Washington đang soạn thảo các kế hoạch sơ tán công dân Mỹ khỏi Đài Loan trong bối cảnh căng thẳng Hoa Kỳ – Trung Quốc leo thang và Bắc Kinh gia tăng gây hấn ở eo biển Đài Loan, theo hãng truyền thông The Messenger của Mỹ.

    Các chuyên gia tin rằng việc Lầu Năm Góc lên kế hoạch sơ tán khẩn cấp công dân khỏi Đài Loan cho thấy chính quyền Biden muốn sẵn sàng cho một cuộc đụng độ có thể xảy ra với Trung Quốc.

    Theo The Epoch Times

    Xuân Hoa biên dịch

    Quan chức Ý chỉ trích Trung Quốc: Nên chấm dứt mọi viện trợ cho Nga

    https://www.dkn.tv/wp-content/uploads/2023/06/anh-man-hinh-2023-06-14-luc-063958-copy-700x366.jpg


    Phó Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Italia Antonio Tajani. (Nguồn: mivzaklive). 

    Hôm 12/6, Ngoại trưởng Ý Antonio Tajani đã trực tiếp chỉ trích Tổng Bí thư ĐCSTQ Tập Cận Bình, nói rằng chính quyền Bắc Kinh nên chấm dứt mọi viện trợ cho Nga – nước đã phát động cuộc chiến tranh xâm lược Ukraina.

    Ông Tajani nói: “Tôi nghĩ chính phủ Trung Quốc đã đưa ra một số điểm giúp hòa giải cuộc xung đột Nga – Ukraina thì không thể và không nên đưa ra bất kỳ hình thức viện trợ nào cho một chính phủ vi phạm luật pháp quốc tế”.

    Ngoại trưởng Ý cùng người đồng cấp Hoa Kỳ Antony Blinken, đã chỉ trích chính quyền Bắc Kinh sau khi một nhóm nghiên cứu người Anh tìm thấy các linh kiện của Trung Quốc trong một chiếc máy bay không người lái do Iran sản xuất được Nga sử dụng để tấn công Ukraina.

    Ngoại trưởng Ý nói rằng cam kết của Trung Quốc không nên nhằm hỗ trợ Matxcova, mà nên nhằm thúc đẩy hòa bình. Vì vậy, Ý hy vọng Trung Quốc sẽ đi theo hướng đó.

    Tuyên bố của ngoại trưởng Ý là dấu hiệu mới nhất cho thấy Thủ tướng “dân túy” Giorgia Meloni của nước này có ý định đưa Ý vào sự đồng thuận xuyên Đại Tây Dương. 

    Điều này diễn ra chỉ mới 3 năm sau khi chính phủ tiền nhiệm của Ý tham gia kế hoạch cơ sở hạ tầng ​​”Một vành đai, Một con đường” do Trung Quốc khởi xướng, nhưng được coi là một bẫy nợ.

    Tổng thống Nga Putin đã phát động cuộc xâm lược Ukraina vào ngày 24 tháng 2 năm 2022. Ông Putin ban đầu có ý định đánh nhanh thắng nhanh. Tuy nhiên, sự kháng cự kiên cường của Ukraina đã khiến nguồn dự trữ trang thiết bị quân sự và nhân lực của Nga bị hao tổn.

    Tạ Linh


    Không có nhận xét nào