Võ Thái Hà tổng hợp
Thượng viện Hoa Kỳ thông qua dự luật về mức trần nợ, chấm dứt nguy cơ vỡ nợ
Lawrence Wilson
Tòa nhà Quốc hội Hoa Kỳ ở Hoa Thịnh Đốn, hôm 01/06/2023. (Ảnh: Anna Moneymaker/Getty Images)
Hôm 01/06, bằng cách thông qua Đạo luật Trách nhiệm Tài khóa 2023, Thượng viện đã chấm dứt nguy cơ Hoa Kỳ không thực hiện được các nghĩa vụ tài chính của mình. Hiện tại, dự luật này được chuyển đến bàn của Tổng thống Joe Biden. Chữ ký của ông sẽ chấm dứt vấn đề này trong ít nhất 19 tháng tiếp theo.
Dự luật này đã được thông qua trong một cuộc bỏ phiếu lưỡng đảng với tỷ lệ 63 phiếu thuận và 36 phiếu chống.
Dự luật thỏa hiệp
Dự luật này là kết quả của một sự thỏa hiệp do Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy (Cộng Hòa-California) dẫn đầu để đình chỉ hạn mức nợ cho đến ngày 01/01/2025, đồng thời giảm nhẹ chi tiêu tùy ý phi quốc phòng và tăng vừa phải chi tiêu quốc phòng vào năm 2024. Việc gia tăng chi tiêu tùy ý được giới hạn ở mức 1% cho năm 2025.
Dự luật này cũng thực hiện các thay đổi về yêu cầu công việc đối với một số chương trình phúc lợi xã hội, cải tổ cho tốt hơn về thủ tục cấp phép khoan dầu và khí đốt tự nhiên, đồng thời thu hồi 20 tỷ USD tài trợ cho IRS và 30 tỷ USD trong quỹ cứu trợ COVID chưa sử dụng, trong số những điều khoản khác.
Với việc một vụ vỡ nợ có thể xảy ra chỉ trong 4 ngày nữa, Thượng viện vốn thường hành động chậm chạp đã thông qua dự luật này trong một phiên họp buổi tối chỉ 24 giờ sau khi Hạ viện thông qua.
Lãnh đạo Đa số Thượng viện, Thượng nghị sĩ Chuck Schumer (Dân Chủ-New York) trình bày trong một cuộc họp báo tại Điện Capitol, hôm 07/02/2023. (Ảnh: Alex Wong/Getty Images)
“Thật tốt cho đất nước này khi cuối cùng cả hai bên cũng đã hiệp lực để tránh được tình trạng vỡ nợ. Tôi cảm ơn các vị đồng sự của tôi ở cả hai đảng vì sự phối hợp của họ,” Lãnh đạo Đa số Thượng viện Chuck Schumer (Dân Chủ-New York) bày tỏ ngay trước cuộc bỏ phiếu này.
Trình bày tại Thượng viện, Lãnh đạo khối Thiểu số, Thượng nghị sĩ Mitch McConnell (Cộng Hòa-Kentucky), gọi đó là “một biện pháp khẩn cấp và quan trọng theo đúng hướng vì sức khỏe của nền kinh tế và tương lai của đất nước chúng ta.”
Những lo ngại về chi tiêu quốc phòng
Về dự luật này, điều lo ngại chủ yếu của các thượng nghị sĩ Đảng Cộng Hòa là những gì mà họ cho là một khoản chi tiêu quân sự không thỏa đáng.
Viện dẫn sự gia tăng chi tiêu và hoạt động quân sự của Trung Quốc và các quốc gia khác, các thượng nghị sĩ gồm Tom Cotton (Cộng Hòa-Arkansas), Susan Collins (Cộng Hòa-Maine), và Lindsay Graham (Cộng Hòa-South Carolina) đã chỉ trích dự luật này vì có một điều khoản cho phép tự động cắt giảm chi tiêu quốc phòng nếu một ngân sách liên bang không được thông qua kịp thời.
“Nghị quyết tiếp diễn này (continuing resolution, CR), nếu chúng ta không thực hiện công việc lập pháp của mình, thì sẽ làm tăng chi tiêu phi quốc phòng, giảm chi tiêu quốc phòng,” Thượng nghị sĩ Lindsay Graham (Cộng Hòa-South Carolina) cho biết trong khi tranh luận về dự luật này hôm 01/06. “Nếu ngân sách này là kết quả cuối cùng của cuộc thảo luận và chúng ta không sửa đổi gì cả, thì con em của quý vị sẽ đối mặt với nhiều chiến tranh hơn, chứ không phải ít hơn.”
“Dự luật này thực sự sẽ làm giảm quy mô lực lượng hải quân của chúng ta,” bà Collins nói. “Trong khi đó, hiện nay Trung Quốc sở hữu lực lượng hải quân lớn nhất thế giới.” Bà Collins kêu gọi một khoản phân bổ bổ sung khẩn cấp để tăng thêm chi tiêu quốc phòng vào năm 2024.
Thượng nghị sĩ James Lankford (Cộng Hòa-Oklahoma) cũng phản đối, cho rằng dự luật này thực sự sẽ tăng chứ không giảm chi tiêu liên bang.
Thượng nghị sĩ Susan Collins (Cộng Hòa-Maine) trình bày trong một phiên điều trần ở Capitol Hill vào ngày 23/02/2021. (Ảnh: Leigh Vogel/Pool/AFP qua Getty Images)
“Tôi tìm hiểu những điều khoản được in bằng chữ nhỏ và phát hiện ra, trên thực tế, dự luật này tăng chi tiêu lên 3.3% trong năm tới. Và năm sau đó, việc chi tiêu lại tăng thêm 1%. Kỳ thực dự luật này không hề làm giảm chi tiêu,” ông Lankford nhận định trong khi tranh luận về dự luật này hôm 01/06.
Một số thượng nghị sĩ phản đối dự luật này vì có thêm các yêu cầu công việc được áp đặt lên một số người nhận các dịch vụ xã hội trong khi vẫn duy trì việc cắt giảm thuế cho những người Mỹ giàu có nhất và các tập đoàn lớn.
Tại cuộc tranh luận về dự luật này hôm 01/06, Thượng nghị sĩ Bernie Sanders (Độc Lập-Vermont) cho biết, “Vào một thời điểm tồn tại sự bất bình đẳng lớn và khi những người giàu có chưa bao giờ có được điều đó tốt như vậy, về lương tâm, tôi không thể bỏ phiếu cho một dự luật gây phương hại cho những người đi làm [hưởng lương].”
Cựu Tổng thống Donald Trump đã bày tỏ quan điểm của mình về dự luật này trước khán giả tại một chiến dịch tranh cử ở tiểu bang Iowa trong lúc Thượng viện bàn bạc hôm 01/06. Ông nói: “Lẽ ra chúng ta nên trải qua thêm một chút khó khăn, có lẽ, trong vài ngày qua, để có thể đạt được một thỏa thuận.”
Các sửa đổi không được thông qua
Để đẩy nhanh tiến trình xem xét dự luật này, Đảng Cộng Hòa và Đảng Dân Chủ đã đồng ý cho phép đưa ra chỉ 11 sửa đổi và hạn chế tranh luận trong vòng 4 đến 6 phút cho mỗi một sửa đổi. Tất cả các sửa đổi đều không được thông qua.
Khi buổi tối ngày 01/06 trôi qua, ông Schumer kêu gọi các thượng nghị sĩ nhanh chóng bỏ phiếu. Tại một thời điểm, người ta tình cờ nghe ông ấy nói với Thượng nghị sĩ John Cornyn (Cộng Hòa-Texas) rằng, “Nói ít thôi, mà bỏ phiếu nhiều hơn.”
Trong khi nhiều thượng nghị sĩ hoan nghênh dự luật này vì đã tránh được một vụ vỡ nợ tài chính thảm hại, thì dường như không có ai đặc biệt hào hứng với các điều khoản trong đó.
“Tôi nghĩ những gì chúng ta có là một sự thỏa hiệp mà không bao gồm những gì mọi người mong muốn,” Thượng nghị sĩ Jeanne Shaheen (Dân Chủ-New Hampshire) nói với The Epoch Times hôm 01/06. “Mà đó là về vấn đề điều hành. Đó là về việc thực hiện những thỏa hiệp.”
https://www.epochtimesviet.com/thuong-vien-hoa-ky-thong-qua-du-luat-ve-muc-tran-no-cham-dut-nguy-co-vo-no_384937.html
Căng thẳng Mỹ-Trung chi phối Đối thoại An ninh châu Á Shangri-La
Hôm nay, 02/06/2023, Đối thoại An ninh châu Á Shangri-La khai mạc tại Singapore và kéo dài cho đến Chủ Nhật 04/6. Theo giới quan sát, căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc chi phối hội nghị, vì đây là dịp để hai siêu cường tranh giành ảnh hưởng tại châu Á-Thái Bình Dương.
Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Lloyd Austin đến dự một cuộc họp giữa Hoa Kỳ với các nước Đông Nam Á bên lề Đối thoại Shangri-La ngày 02/06/2023, Singapore. AP - Vincent Thian
Minh Anh /RFI
Đối thoại An ninh Shangri-La do Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế tổ chức hàng năm tại Singapore, với sự tham dự của giới lãnh đạo quân sự, chính trị, ngoại giao, các tập đoàn sản xuất vũ khí và các nhà phân tích an ninh quốc tế.
Theo Reuters, thủ tướng Úc Anthony Albanese có bài diễn văn quan trọng đầu tiên vào tối nay, trước khi bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Lloyd Austin và tân bộ trưởng Quốc Phòng Trung Quốc Lý Thượng Phúc có những bài phát biểu được dự báo là sẽ « đả kích » nhau vào cuối tuần.
Diễn đàn năm nay đặc biệt diễn ra trong bối cảnh quan hệ Mỹ - Trung đã xuống đến mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ do những bất đồng sâu sắc trong nhiều hồ sơ, từ vấn đề Đài Loan, gián điệp mạng, cho đến tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông.
Hy vọng hội nghị là dịp để Mỹ-Trung đối thoại, giảm căng thẳng đã gần như bị dập tắt vào tuần trước, khi bộ trưởng Quốc Phòng Trung Quốc Lý Thượng Phúc, bị Mỹ trừng phạt, đã từ chối gặp đồng nhiệm Mỹ Lloyd Austin, theo đề nghị từ phía Washington.
Cạnh tranh Mỹ - Trung đẩy Hiệp hội các nước Đông Nam Á ASEAN vào tình thế khó khăn, như nhận định của thông tín viên RFI trong khu vực, Juliette Piétrachefski :
« Căng thẳng xung quanh đảo Đài Loan, hay tình hình ở Miến Điện, Những hồ sơ này sẽ được tất cả mọi người tham dự diễn đàn Shangri-La quan tâm. Đó là những chủ đề mà ASEAN nỗ lực áp dụng "nguyên tắc vai trò trung tâm của vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương". Một nguyên tắc đang được Indonesia, chủ tịch luân phiên của ASEAN, bảo vệ, theo như nhận định của bà Delphine Allès, giáo sư ngành Khoa học Chính trị và Quan hệ Quốc tế, nhà nghiên cứu thuộc Trung tâm Đông Nam Á.
Bà giải thích : "Khó khăn cho nhiệm kỳ chủ tịch của Indonesia, hiện vẫn chưa vượt qua được, đó là tạo ra tầm mức chính trị cho khái niệm Ấn Độ - Thái Bình Dương. Nhưng cho đến thời điểm hiện tại, người ta buộc phải thừa nhận rằng các đề xuất của Indonesia, và nhất là những đề xuất nhận được một chút sự chú ý của các đối tác, lại là những đề nghị phi chính trị, trong lĩnh vực kinh tế, phát triển, chứ không phải là sự khẳng định lập trường chính trị thật sự sắc bén so với đề xuất từ nhiều nước khác."
Nếu như diễn đàn Shangri-La là một sự kiện có tính chất bán ngoại giao, thì sự hiện diện của các quan chức, đại diện chính phủ, như mọi năm, góp phần thu hút sự quan tâm đối với sự kiện này. »
Tổng thống Joe Biden ‘ổn’ sau cú ngã trên sân khấu ở Colorado
Nguồn hình ảnh, Getty Images
Sam Cabral
BBC News
Tổng thống Joe Biden ‘ổn’ sau khi vấp và ngã tại một sự kiện ở Colorado, giới chức Nhà Trắng cho hay.
Ông vấp phải một túi cát khi phát bằng tốt nghiệp cho học viên Học viện Không quân Mỹ.
Ông Biden, 80 tuổi, là vị tổng thống đương nhiệm cao tuổi nhất của Mỹ. Ông được phụ tá đỡ dậy và dường như không bị đau sau khi ngã.
“Tôi bị túi cát đánh!” vị tổng thống đùa với các phóng viên khi ông trở về Nhà Trắng tối qua.
Trước khi ngã, ông đã đứng khoảng một tiếng rưỡi để bắt tay với tất cả 921 học viên tốt nghiệp.
Hình ảnh cho thấy ông Biden dường như chỉ vào hai túi cát được dùng để đỡ máy nhắc chữ (teleprompter) khi ông được một sỹ quan Không quân và hai nhân viên Đặc nhiệm đỡ dậy.
Ông trở về ghế ngồi mà không cần trợ giúp và sau đó đi bộ tới nơi đoàn xe đỗ khi lễ tốt nghiệp kết thúc.
"Có một túi cát trên sân khấu khi ông ấy bắt tay [học viên]”, giám đốc truyền thông Nhà Trắng Ben Labolt viết trên Twitter. “Ông ấy ổn.”
Thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre nói ông Biden bước lên máy bay với một “nụ cười tươi”, tuy nhiên một phóng viên bình luận rằng ông không nhận câu hỏi của báo giới trước khi lên máy bay.
Chụp lại video,
Ông Joe Biden bị ngã khi phát bằng trong lễ tốt nghiệp Học viện Không quân Mỹ ở Colorado
Có ý kiến chỉ trích nói ông Biden quá già để tranh cử vào Nhà Trắng thêm một nhiệm kỳ nữa.
Các cuộc thăm dò gần đây cho thấy đại đa số cử tri Mỹ lo ngại về tuổi cao của ông.
Nếu ông thắng cử, ông sẽ bắt đầu nhiệm kỳ thứ hai ở tuổi 82.
Cú ngã này, cùng với lần ông ngã xe đạp và lần vấp khi lên cầu thang chiếc Air Force One, làm gia tăng những lo ngại đó.
Cựu Tổng thống Donald Trump, ứng viên hàng đầu của đảng Cộng hòa để đối đầu với ông Biden trong kỳ bầu cử 2024, có phản ứng về cú ngã của ông Biden. Từ một sự kiện vận động ở Iowa, ông nói “tất cả thật là điên rồ”.
“Tôi hy vọng ông ta không bị đau,” ông Trump, 76 tuổi, người thường chễ nhạo tuổi của ông Biden. “Cũng không có gì ngạc nhiên”.
“Bạn phải cẩn thận vì nếu bạn không cẩn thận – bạn không muốn chuyện đó xảy ra. Ngay cả khi bạn phải đi rón rén xuống cầu thang,” ông Trump đùa, nhắc tới lần chính ông phải cẩn thận xuống sân khấu hồi 2020 khiến báo chí đưa tin.
Ông Trump nói khi đó cầu thang tại Học viện Quân sự Mỹ ở West Point, New York, rất trơn, và trả lời các câu hỏi của báo chí về sức khỏe của chính ông, nói rằng đó là tin giả.
Thống đốc bang Florida Ron DeSantis, một ứng viên đảng Cộng hòa khác cho 2024, cũng có bình luận sau cú ngã của ông Biden từ một sự kiện vận động ở New Hampshire: “Chúng tôi mong và chúc ông Biden phục hồi nhanh chóng từ bất kỳ chấn thương nào ông có thể đã gặp.
“Nhưng chúng tôi cũng mong Hoa Kỳ phục hồi nhanh chóng từ những chấn thương mà đất nước gặp do ông Joe Biden và các chính sách của ông ấy.”
Ông Biden có lần kiểm tra sức khỏe hồi tháng Hai.
Bác sỹ Nhà Trắng Kevin O’Connor viết khi đó: “Tổng thống vẫn đủ khỏe để làm việc, và thực hiện đầy đủ tất cả các trách nhiệm mà không có bất kỳ miễn trừ hay ngoại lệ nào.”
BS O’Connor nói thêm rằng ông Biden đi lại cứng nhắc chủ yếu là vì cột sống của ông xuống cấp và đau thần kinh ở bàn chân, nhưng những chứng này không thay đổi gì kể từ lần khám sức khỏe trước hồi tháng 11/2021.
Ông Biden không phải là tổng thống Mỹ đầu tiên vấp ngã trước ống kính.
Tổng thống Barack Obama vấp khi bước lên cầu thang hồi 2021, còn Tổng thống Gerald Ford ngã xuống cầu thang phi cơ Air Force One hồi 1975.
Mỹ ký hiệp ước thương mại với Đài Loan, Trung Quốc phản đối
02/06/2023
Bà Katherine Tai, Đại diện Thương mại Mỹ họp báo tại Tokyo ngày 20/4/2023 về thỏa thuận thương mại đạt được với Đài Loan.
Chính phủ Trung Quốc ngày 1/6 chỉ trích việc Mỹ ký hiệp ước thương mại với Đài Loan và kêu gọi Washington ngừng liên lạc chính thức với hòn đảo dân chủ tự trị mà Bắc Kinh tuyên bố là một phần lãnh thổ của họ.
Thỏa thuận giữa Mỹ và Đài Loan được ký kết sáng 1/6 trong bối cảnh Trung Quốc gia tăng nỗ lực đe dọa Đài Loan bằng cách cho máy bay chiến đấu và máy bay ném bom bay gần hòn đảo, một trung tâm toàn cầu về công nghiệp công nghệ cao. Các chính trị gia Mỹ và châu Âu đã đến thăm Đài Loan để thể hiện sự ủng hộ đối với chính phủ dân cử tại đây.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc cáo buộc Washington vi phạm các thỏa thuận về tình trạng của Đài Loan, vốn đã tách ra khỏi đại lục vào năm 1949 sau một cuộc nội chiến. Hoa Kỳ không có quan hệ chính thức với Đài Loan nhưng có quan hệ không chính thức sâu rộng và thương mại hàng năm trị giá nhiều tỷ đô la.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, bà Mao Ninh, nói: “Hoa Kỳ nên ngừng mọi hình thức trao đổi chính thức với Đài Loan, kiềm chế đàm phán các thỏa thuận với Đài Loan mang hàm ý về chủ quyền hoặc có tính chất chính thức cũng như kiềm chế gửi tín hiệu sai đến lực lượng ly khai ‘độc lập Đài Loan’.”
Đài Loan chưa bao giờ là một phần của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, nhưng Đảng Cộng sản cầm quyền của đại lục nói rằng hòn đảo này có nghĩa vụ phải thống nhất với Trung Quốc, kể cả bằng vũ lực nếu cần. Bắc Kinh đã đe dọa sẽ tấn công nếu Đài Loan tuyên bố độc lập chính thức hoặc trì hoãn các cuộc đàm phán về thống nhất.
Các quan chức Mỹ và Đài Loan cho biết Sáng kiến Hoa Kỳ-Đài Loan về Thương mại Thế kỷ 21 sẽ tăng cường thương mại bằng cách đơn giản hóa hải quan, đầu tư và các quy tắc khác.
Thị trường lao động Mỹ vẫn còn khá nóng
Về mặt tương đối, thị trường lao động Mỹ có thể đang nguội đi một chút. Nhưng tính theo mức tuyệt đối thì nó vẫn còn rất nóng. Dữ liệu được công bố vào thứ Sáu sẽ cho thấy nền kinh tế tạo thêm khoảng 180.000 việc làm trong tháng 5. Dù có giảm nhẹ so với con số 250.000 của tháng 4, nhưng nó đánh dấu tháng thứ 29 liên tiếp có dữ liệu việc làm dương. Tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ có thể đã tăng lên 3,5% trong tháng 5, ngay trên mức thấp nhất 50 năm qua.
Sức mạnh của thị trường lao động là minh chứng cho khả năng phục hồi của nền kinh tế trước các đợt tăng lãi suất mạnh tay của Cục Dự trữ Liên bang. Điều lo lắng đối với ngân hàng trung ương là liệu tuyển dụng có dẫn đến tăng lương và làm suy yếu nỗ lực kiềm chế lạm phát hay không. Chưa có nhiều bằng chứng về điều đó, với tốc độ tăng trưởng tiền lương giảm nhẹ kể từ giữa năm 2022. Nhưng thị trường việc làm của Mỹ càng nóng lâu thì nguy cơ nó lan sang áp lực giá cả càng lớn.
Alphabet họp đại hội đồng cổ đông
Công ty mẹ của Google, Alphabet, sẽ tổ chức họp thường niên vào thứ Sáu. Các cổ đông đã nộp 13 kiến nghị ủy quyền. Chúng bao gồm yêu cầu cung cấp thêm thông tin về cách thức hoạt động của các thuật toán và kế hoạch thay đổi quyền biểu quyết của cổ đông. Hiện tại, hai nhà đồng sáng lập Larry Page và Sergey Brin dù chỉ nắm 12% cổ phần nhưng kiểm soát tới 51% quyền bỏ phiếu của cổ đông. Đề xuất đặt ra mô hình mỗi cổ phiếu một phiếu bầu.
Song các nhà đầu tư chủ động không nên quá háo hức. Trong hai năm qua, Alphabet đã từ chối mọi kiến nghị ủy quyền. Thay vào đó, ban quản trị của công ty sẽ nêu bật tiến bộ của họ trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo. Công ty từng bị coi là tụt hậu so với đối thủ Microsoft, bên đã bổ sung các tính năng AI cho công cụ tìm kiếm Bing từ tháng 2. Nhưng vào ngày 10 tháng 5, Alphabet đã công bố khoảng 15 sản phẩm và tính năng AI mới, bao gồm phần mềm cải tiến văn xuôi của người dùng và tạo nhạc từ văn bản. Nhà đầu tư trông vẫn hạnh phúc. Chưa rõ liệu công ty có thể biến các tính năng trên thành lợi nhuận hay không.
Philippines tổ chức du thuyền đến Trường Sa
Vào thứ Sáu, một chiếc du thuyền mang tên Dolphin dự kiến sẽ khởi hành từ phía tây Philippines trong chuyến hành trình đầu tiên đến quần đảo Trường Sa gần đó. Trên tàu sẽ có 20 khách du lịch thuộc nhiều quốc tịch khác nhau. Chuyến hải trình hứa hẹn một tuần câu cá và lặn biển thuận lợi ở Biển Đông — và, có lẽ, cả cuộc chạm trán với những thủy thủ Trung Quốc có vũ trang. Đó là bởi vì Dolphin sẽ hoạt động trong vùng biển tranh chấp giữa Trung Quốc và Philippines. Cuộc xung đột của họ có khả năng kéo Mỹ, vốn cam kết bảo vệ Philippines, vào cuộc chiến với Trung Quốc.
Chuyến đi này do nhà nước phê chuẩn và nhằm khẳng định quyền hợp pháp của Philippines trong việc khai thác khu vực tranh chấp cho mục đích kinh tế. Trung Quốc khẳng định yêu sách của mình theo kiểu cơ bắp hơn: lực lượng hải cảnh hoặc dân quân biển của họ thường xua đuổi những kẻ xâm nhập bằng cách sử dụng các chiến thuật bạo lực như đâm va hoặc dùng vòi rồng. Dolphin có thể sẽ không bị cản trở. Nhưng một tàu của Cảnh sát biển Philippines vẫn sẽ hộ tống du thuyền để đề phòng.
Thủ tướng Nepal thăm Ấn Độ
Vào thứ Sáu, thủ tướng Nepal Pushpa Kamal Dahal sẽ tiếp tục chuyến thăm bốn ngày tới Ấn Độ, chuyến công du nước ngoài đầu tiên kể từ khi ông nhậm chức vào năm ngoái. Trước đó, ông đã gặp người đồng cấp Ấn Độ, Narendra Modi. Hai bên đã ký các thỏa thuận về đầu tư cơ sở hạ tầng và thương mại. Họ cũng hứa sẽ giải quyết tranh chấp biên giới thông qua đối thoại song phương.
Quan hệ kinh tế chặt chẽ hơn tốt cho cả hai nước. Nepal muốn Ấn Độ đầu tư vào các dự án thủy điện và giảm thuế hải quan để giảm thâm hụt thương mại; còn Ấn Độ muốn giảm bớt ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực. Trong nhiều năm qua, hai gã khổng lồ này đã tìm cách lôi kéo Nepal: Ấn Độ là đối tác thương mại lớn nhất, nhưng Trung Quốc bơm tiền để giúp xây dựng đường sá, đập và đường sắt. Mỹ cũng đóng một vai trò quan trọng. Năm ngoái, quốc hội Nepal đã thông qua việc tiếp nhận gói viện trợ trị giá 500 triệu USD của Mỹ, khiến Trung Quốc tức giận. Khi nói đến địa chính trị, Nepal sẽ phải vật lộn để không làm mất lòng ai.
34 năm Thảm sát Thiên An Môn, người thân của nạn nhân kiên trì đòi sự thật
Liên Thành
Năm 1989, hàng vạn người Trung Quốc, chủ yếu là sinh viên đại học, tập trung tại quảng trường Thiên An Môn để đòi tự do dân chủ (ảnh: wikipedia).
Ngày tưởng niệm Thảm sát Thiên An Môn ở Trung Quốc đang đến gần, nhóm “Những bà mẹ Thiên An Môn”, một tổ chức gồm các nạn nhân và gia đình của họ, tiếp tục đưa ra 3 yêu cầu đã kiên trì trong hơn 20 năm qua: Sự thật, bồi thường và truy cứu trách nhiệm.
RFI đưa tin, năm nay đánh dấu kỷ niệm 34 năm “Sự kiện Lục Tứ” (hay còn gọi là sự kiện Thảm sát Thiên An Môn ngày 4/6/1989). 7 thành viên của nhóm “Những bà mẹ Thiên An Môn” đã qua đời trong năm qua, nâng tổng số người qua đời trong nhóm lên 71 người, chiếm 38% tổng số thành viên. Tuy vậy, 116 thành viên còn lại thề rằng trên con đường tìm kiếm công lý từ ĐCSTQ và yêu cầu chính quyền này công bố “sự thật, bồi thường, và trách nhiệm”, “tuy chưa thấy hy vọng, nhưng chúng tôi sẽ không bỏ cuộc”.
Nhóm “Những bà mẹ Thiên An Môn” đã đăng lễ kỷ niệm của họ lên mạng như thường lệ. Bài văn tế cho biết dù nhiều thành viên của nhóm đã qua đời, nhưng di nguyện của họ vẫn hướng về nhóm “những bà mẹ” và cùng nhau đi tìm công lý. “Mặc dù, chính quyền ĐCSTQ luôn thực hiện các thủ đoạn để kiểm soát và trì hoãn các việc liên quan đến thảm kịch ‘Lục Tứ’, nhằm xóa bỏ ký ức về sự thật tàn khốc này trong tâm trí người dân,” nhưng “Những bà mẹ Thiên An Môn” sẽ tiếp tục duy trì, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình và nêu cao chính nghĩa vì các nạn nhân trong cuộc thảm sát. Họ mong rằng chính quyền ĐCSTQ sẽ xin lỗi gia đình của tất cả nạn nhân “Sự kiện Lục Tứ”, và bày tỏ sự ăn năn với người dân.
Nhóm “Những bà mẹ Thiên An Môn” nói rằng ĐCSTQ phải chịu hoàn toàn trách nhiệm và cần nói ra sự thật.
Theo Đài Á Châu Tự Do, vào ngày 4/6/1989, chồng của bà Trương Cảnh Lợi (Zhang Jingli) là ông Lưu Vĩnh Lương (Liu Yongliang) đến Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh một mình và bị bắn chết. Khi đó ông chỉ mới 26 tuổi, bỏ lại người vợ và đứa con trai 1 tuổi rưỡi. Đến nay đã 34 năm trôi qua, bà Trương Cảnh Lợi đã lên tiếng trên trang Facebook “Những bà mẹ Thiên An Môn” với tư cách là người đại diện cho các nạn nhân.
Bà nói: “Suốt 30 năm dài đằng đẵng, những khó khăn trong cuộc sống tôi đều có thể chịu đựng được, nhưng nỗi khổ đau trong lòng lại không có chỗ để nói ra, nỗi đau tinh thần luôn đeo bám tôi”. Bà đặt câu hỏi, “Có việc gì mà nhất định phải điều động quân nhân trang bị đầy đủ vũ trang, xe tăng với súng đạn thật, để bắn vào sinh viên và người dân tay không tấc sắt trên đường phố Bắc Kinh và Quảng trường Thiên An Môn, thì mới giải quyết được?”
Người phát ngôn Ưu Duy Khiết (You Weijie) của nhóm “Những bà mẹ Thiên An Môn” cho biết, trong năm qua có thêm 7 người thành viên đã qua đời, và trong những năm qua tổng cộng có hơn 70 người đã không còn tại thế. Bà nói rằng mặc dù chính quyền Trung Quốc đang cố gắng xóa bỏ ký ức về sự thật tàn khốc này trong tâm trí người dân, nhưng yêu cầu của gia đình các nạn nhân vẫn không thay đổi, đó là “sự thật, bồi thường và truy cứu trách nhiệm”. “Phải nói rằng chúng tôi rất thành khẩn muốn đối thoại với chính quyền. Họ đã trốn tránh trách nhiệm của mình đối với thảm kịch năm đó. Điều đáng tiếc là khi các thành viên của nhóm “Những bà mẹ Thiên An Môn” còn sống, đã không nghe được lời giải thích của chính quyền đối với gia đình các nạn nhân trong thảm án Lục Tứ. Một người thân của nạn nhân đã qua đời nói rằng chúng ta phải kiên trì, không thể từ bỏ việc này.”
Theo trang web của “Những bà mẹ Thiên An Môn”, đây là tên gọi của một nhóm bắt đầu vào năm 2000. Trước đây, nhóm này thường được gọi là “Nhóm nạn nhân Lục Tứ”, bao gồm người thân của các nạn nhân và một số người khuyết tật trong sự kiện thảm sát ngày 4/6/1989. Nhóm bắt đầu thành lập vào tháng 8/1989 sau vụ thảm sát ngày 4/6 cùng năm, Bắc Kinh vẫn còn chìm trong máu và khủng bố vào thời điểm đó. Hai bà mẹ gồm Đinh Tử Lâm (Ding Zilin) và Trường Tiên Linh (Zhang Xianling) đã mất con trai trong ngày thảm sát ngày 4/6, từ đó họ trở thành bạn cùng cảnh ngộ.
Bà Trương Tiên Linh, một trong những người sáng lập Phong trào Những bà mẹ Thiên An Môn, nói với Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA), “Là nhà nước đã phạm tội hình sự, nhà nước sử dụng quân đội để giết thường dân. Điều đầu tiên là coi thường mạng sống con người. Đây không chỉ là sự coi thường tính mạng con người một cách thông thường, mà là nhà nước đã phạm tội hình sự.
Yêu cầu thứ 3 trong số 3 yêu cầu được nhóm này đưa ra, là truy cứu trách nhiệm hình sự những người liên quan. Ai là người xúi giục thì cần truy cứu trách nhiệm hình sự người đó. Chiến tranh thế giới thứ Hai đã kéo dài bao lâu, chẳng phải vẫn đang điều tra tội phạm Đức quốc xã hay sao? Lúc đó tôi nghĩ nên điều tra. Tại sao? Tại vì không thể nói một câu mơ hồ rằng đảng và nhà nước nhận định gì gì đó. Đảng và nhà nước là ai? Dựa vào đâu để nhận định? Bằng chứng là gì? Có đúng hay không? Dựa vào cái gì để đưa ra kết luận? Ai đưa ra kết luận? Cuộc họp nào đưa ra kết luận đó? Chẳng phải là nói rằng quản trị đất nước theo pháp luật sao? Pháp luật là chính, dựa vào luật nào để đưa ra kết luận? Bằng chứng ở đâu? Ai đã làm ra nó (kết luận)? Cần phải làm cho rõ ràng. Chỉ vì có một câu nói mà khiến hàng ngàn người đã mất mạng sao?”
Trong cuốn “Chín bài bình luận về Đảng Cộng sản Trung Quốc” đã viết, “Logic về cuộc đàn áp Lục Tứ của ĐCSTQ cũng giống như logic của cường đạo: Nó nói rằng ‘sự đàn áp sinh viên’ kịp thời đã tránh được một cuộc ‘nội loạn’ có thể xảy ra. Vì vậy, so với ‘nội loạn’, thì ‘đàn áp là chính đáng’”. “Trong vấn đề Lục Tứ, ĐCSTQ và những kẻ đồng hành với nó, không xem xét vấn đề liệu kẻ giết người có nên nhận tội hay không, mà đặt câu hỏi cho xã hội, đó là ‘trấn áp tốt hơn hay là nội chiến tốt hơn’”.
Cuốn sách cũng viết: “ĐCSTQ kiểm soát toàn bộ bộ máy nhà nước và các công cụ tuyên truyền. Có thể nói 1,3 tỷ người là con tin bị ĐCSTQ bắt giữ. Chừng nào còn trong tay 1,3 tỷ con tin này, ‘thuyết con tin’ của ĐCSTQ luôn có thể nói rằng nếu không đàn áp một số người, có thể xảy ra nội chiến, quốc gia sẽ lâm vào họa diệt vong. Với cái cớ như vậy, ĐCSTQ có thể đàn áp bất cứ ai mà nó muốn, và đàn áp mọi lúc mọi nơi, hơn nữa nó sẽ luôn “đàn áp là đúng”.
Với việc cưỡng ép dân ý như thế này, còn có tổ chức nào nguy hiểm hơn ĐCSTQ?”.
Tình nghi gián điệp Trung Quốc cải trang thành khách du lịch đột nhập căn cứ quân sự Mỹ ở Alaska
Liên Thành
Gián điệp Trung Quốc cải trang thành khách du lịch đột nhập căn cứ quân sự Mỹ ở Alaska.
Các quan chức Mỹ cho hay, trong những năm gần đây, các công dân Trung Quốc đóng giả khách du lịch nhưng bị tình nghi là gián điệp đã thực hiện nhiều nỗ lực để tiếp cận các cơ sở quân sự ở Alaska, nơi được cho là có nhiều căn cứ nhạy cảm của Hoa Kỳ.
Trong một sự cố gần đây, một chiếc xe chở công dân Trung Quốc đã lao qua một trạm kiểm soát an ninh tại Fort Wainwright ở Fairbanks. Sau khi bị kiểm tra, người ta đã tìm thấy một máy bay không người lái bên trong xe. Những người trong xe khai báo họ là khách du lịch bị lạc.
Các quan chức địa phương cho biết nhiều vụ chạm trán là do nhầm lẫn vô tội của du khách nước ngoài có ý định xem cực quang và các điểm tham quan khác ở Alaska. Tuy nhiên, rất nhiều người đã lợi dụng điều này để vào các căn cứ quân sự của Hoa Kỳ nhằm thăm dò và tìm hiểu về khả năng quân sự của Hoa Kỳ ở Alaska.
Năm 2019, một thẩm phán liên bang đã kết án một sinh viên Trung Quốc (20 tuổi) một năm tù vì chụp ảnh trái phép tại Căn cứ Không quân Hải quân Key West ở Florida. Luật sư của anh ta cho biết anh này chỉ là một du khách bị lạc, nhưng căn cứ hải quân, nơi huấn luyện phi công F-35, không phải là một điểm nóng du lịch, và máy ảnh cũng như điện thoại di động của anh này chỉ có ảnh từ trạm hàng không.
Một sĩ quan quân đội cho biết, không phải tất cả những người có vẻ là khách du lịch ở Alaska đều là khách du lịch thực sự. Thay vào đó, họ là gián điệp nước ngoài.
Thứ trưởng bộ quốc phòng Mỹ, Kathleen Hicks tỏ ra lưỡng lự khi được yêu cầu bình luận về nghi vấn Trung Quốc do thám tại các cơ sở quân sự ở Alaska. Bà cho biết quân đội đang thực hiện một số bước để đảm bảo những căn cứ đó được an toàn nhưng bà không đưa ra chi tiết cụ thể.
Trong khi đó, Giám đốc FBI Christopher Wray thường xuyên lên tiếng cảnh báo về hoạt động gián điệp do chính phủ Trung Quốc tài trợ, cho rằng đó là âm mưu của các nhà lãnh đạo chứ không phải công dân nước này hoặc người Mỹ gốc Hoa. Wray đã ước tính rằng, cứ sau 12h, FBI sẽ mở một cuộc điều tra mới về hoạt động gián điệp do chính phủ Trung Quốc tài trợ.
Wray nói trong một bài phát biểu vào tháng Tư: “Không còn nghi ngờ gì nữa, mối đe dọa lâu dài lớn nhất đối với quốc gia chúng ta, an ninh kinh tế và an ninh quốc gia của chúng ta là do chính phủ Trung Quốc gây ra”.
Đáp lại, Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington đã không trả lời email và các cuộc điện thoại yêu cầu bình luận.
Cho đến nay, thông tin chi tiết về các sự cố gián điệp hầu hết vẫn được giữ bí mật. Tuy nhiên, Ngũ Giác Đài đã công khai đưa ra lý do tại sao chính phủ Trung Quốc lại quan tâm đến Alaska.
Tại sao lại là Alaska?
Alaska có ba căn cứ quân sự lớn — Căn cứ chung Elmendorf-Richardson ở Anchorage, Căn cứ không quân Fort Wainwright và Eielson gần Fairbanks — cùng với một số cơ sở nhỏ hơn. Những năm gần đây, Ngũ Giác Đài đã tăng cường điều phối nguồn lực và quân đội tới bang này. Đây được coi là chìa khóa để bảo vệ đất nước do vị trí gần Nga, cũng như mối đe dọa tên lửa đạn đạo từ Triều Tiên và Trung Quốc ngày càng gia tăng.
Lực lượng Không quân đã đặt các máy bay chiến đấu hàng đầu của mình, F-22 và F-35 ở Alaska. Pháo đài Greely của Quân đội, gần Fairbanks, có các radar và tên lửa tinh vi sẵn sàng bảo vệ chống lại cuộc tấn công hạt nhân. Năm ngoái, Quân đội đã kích hoạt Sư đoàn Dù 11 ở Alaska với tư cách là chuyên gia chiến tranh Bắc cực. Có khoảng 12.000 binh sĩ và 10.000 nhân viên Lực lượng Không quân đang đóng quân tại Alaska.
Căng thẳng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đã gia tăng trong năm qua. Khinh khí cầu do thám Trung Quốc bay qua Mỹ gây rạn nứt ngoại giao, khiến Ngoại trưởng Antony Blinken hủy chuyến công du Bắc Kinh. Sự ủng hộ của Trung Quốc đối với Nga sau cuộc xâm lược Ukraine là một điểm bất đồng khác. Đặc biệt, sau những gì Trung Quốc đã làm đối với Đài Loan, nơi nhận hàng tỷ đô la viện trợ quân sự của Hoa Kỳ, đã làm mất lòng tin sâu sắc của Washington đối với Bắc Kinh.
Căng thẳng càng leo thang khi ngày 26 tháng 5, một máy bay chiến đấu của Trung Quốc có cuộc chạm trán nguy hiểm với một máy bay do thám của Mỹ đang bay trên vùng biển quốc tế ở Biển Đông. Theo thông báo của Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, hôm thứ Ba, máy bay phản lực Trung Quốc đã bay phía trước lực lượng trinh sát Rivet Joint của Không quân Hoa Kỳ, khiến nó gặp phải nhiễu động.
Iris Ferguson, phó trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng về khả năng phục hồi ở Bắc Cực và Toàn cầu cho biết trong một cuộc phỏng vấn với hãng thông tấn của Ngũ Giác Đài vào tháng 9 năm ngoái, rằng: Các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã “đang cố gắng chen chân vào Bắc Cực. Vì vậy, chúng tôi rất lưu tâm đến hoạt động của họ và muốn đảm bảo rằng các lợi ích của chúng tôi được bảo vệ trong khu vực,”
Bắc Kinh chiêu đãi Elon Musk thế nào?
Ngày 30/5/2023, CEO Tesla – ông Elon Musk, đã bắt đầu chuyến công du Trung Quốc sau 3 năm. (Ảnh: Dimitrios Kambouris/ Getty Images cho The Met Museum/Vogue)
Ngày 30/5, Giám đốc điều hành Tesla Elon Musk đã bắt đầu chuyến công du Trung Quốc sau 3 năm. Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã tiếp đón ông vô cùng nồng hậu và hứa hẹn sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp có vốn nước ngoài tại Trung Quốc.
Để tiếp đón một doanh nhân người Mỹ như Musk, sau cuộc gặp của ông với Ngoại trưởng Tần Cương hôm 30/4, ĐCSTQ đã cử đến không ít quan chức cấp cao.
Theo nhiều kênh truyền thông đưa tin, hôm 31/5 ông Musk đã đến thăm Bộ Thương mại và Bộ Công nghiệp Trung Quốc, đồng thời gặp Bộ trưởng Thương mại Vương Văn Đào (Wang Wentao).
Ông Vương Văn Đào nói rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục cung cấp các bảo đảm dịch vụ hiệu quả và thiết thực, đồng thời hỗ trợ sự phát triển lâu dài và ổn định của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Trung Quốc.
Ông Musk đồng ý rằng mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc không phải là một trò chơi có tổng bằng 0. Ông hoàn toàn tin tưởng vào thị trường Trung Quốc và sẵn sàng tiếp tục tăng cường hợp tác cùng có lợi.
Ông Musk cũng đã gặp Bộ trưởng Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Trung Quốc. Hai bên đã trao đổi quan điểm về việc phát triển các phương tiện năng lượng mới và phương tiện kết nối mạng thông minh.
Một bức ảnh chụp ông Musk và ông Tăng Dục Quần (Zeng Yuqun) – Chủ tịch hãng sản xuất pin Trung Quốc CATL, đi cạnh nhau trong sảnh khách sạn đã được lan truyền trên mạng xã hội. Bức ảnh cho thấy theo sau đó là ông Chu Hiểu Đồng (Zhu Xiaotong) – Phó Chủ tịch toàn cầu của Tesla.
Ngày 30/5, ngày đầu tiên trong chuyến thăm Bắc Kinh của Musk, ông đã có cuộc hội đàm với ông Tần Cương, Ủy viên Quốc vụ kiêm Ngoại trưởng Trung Quốc. Cuộc tiếp đón của ĐCSTQ rất đặc sắc.
Trên trang bìa của thực đơn trực tuyến, thực đơn được thiết kế khéo léo theo chủ đề “mã” (ngựa) và “E” rất bắt mắt, sau đó giới thiệu nghĩa của chữ “mã” bằng cả tiếng Trung và tiếng Anh. (Ảnh:MXH)
Theo một báo cáo được “Yangcheng Evening News” (Dương Thành Vãn Báo) trích dẫn, trong những bức ảnh được đăng trên Internet, ông Musk đã đến bữa tiệc Mạn Phủ Yến ở khách sạn Hua Fu Hui (Hoa Phủ Hội) tối ngày 30/5, nơi được cho là khách sạn hàng đầu ở Bắc Kinh.
(Nội dung tweet: “Ngày 30/5 theo giờ Bắc Kinh, Giám đốc điều hành Tesla Elon Musk đã đến thăm Bắc Kinh và hội đàm với Ủy viên Quốc vụ kiêm Ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương. Chuyến đi của ông Musk tới Bắc Kinh có ý nghĩa to lớn và nhận được sự đón tiếp cũng rất độc đáo. (WeiDuNews.com) Thực đơn tiệc Bắc Kinh chiêu đãi Musk”).
Thực đơn của bữa tối hôm đó bắt đầu với chủ đề là “mã” (ngựa). Trên trang bìa của thực đơn có hình 2 con ngựa, phía trên có chữ tiếng Anh “TESLA” và chữ Trung Quốc “Nhất mã đương tiên” và từ tiếng Anh “Extraordinary” (nghĩa là: phi thường) ở phía dưới. Ý rằng E, chữ cái đầu của các ký tự tiếng Trung “horse” và “Extraordinary” đều tương ứng với tên viết tắt tiếng Trung và tiếng Anh của ông Elon Musk.
Về món ăn, bữa tối có tổng cộng 16 món, được chia thành 7 loại: món khai vị, súp, hải sản, thịt, rau theo mùa, thực phẩm chính và món tráng miệng, v.v.
Trong chuyến đi của ông Musk, ngoài việc gặp gỡ các quan chức cấp cao của Trung Quốc, ông còn đến thăm nhà máy Tesla tại Thượng Hải. Cư dân mạng Twitter cũng tiết lộ hình ảnh ông Musk đang ăn bánh bao hấp tại Đền Thành Hoàng ở Thượng Hải.
(Nội dung tweet: “Bánh bao hấp Thượng Hải có ngon không? Ông Musk ăn uống rất vui vẻ.”)
Ông Elon Musk vẫn chưa đưa ra tuyên bố công khai nào trong chuyến đi, Reuters cho biết.
Twitter, mạng xã hội nổi tiếng của Mỹ mà ông mới mua, vẫn bị chặn ở Trung Quốc, mặc dù hàng ngàn quan chức và các kênh truyền thông nhà nước của Trung Quốc vẫn đăng nhiều thông điệp và bình luận khác nhau trên Twitter mỗi ngày. Trong đó, có nhiều thông tin sai lệch và chỉ trích bài phát biểu của người Mỹ.
Miêu Vi / Vision Times
Không có nhận xét nào