Header Ads

  • Breaking News

    Thời sự đó đây ngày Thứ hai 19 tháng 6 năm 2023

    Võ Thái Hà tổng hợp

    Chủ tịch Tập Cận Bình tiếp đón Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken

    BBC News

    19/6/2023

    Reuters

    Nguồn hình ảnh, Reuters

    Chụp lại hình ảnh, 

    Ngoại trưởng Blinken (trái) đang có chuyến công du hai ngày tới Trung Quốc 

    Cuộc gặp gỡ giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken vừa kết thúc lúc 17:09 (09:09 GMT) tại Bắc Kinh.

    Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhanh chóng ra thông cáo về cuộc họp.

    Trong thông cáo, ông Tập cho biết phía Trung Quốc đã "làm rõ quan điểm của mình" và đạt được một số tiến bộ cũng như thỏa thuận về "các vấn đề cụ thể".

    Ông Tập nói các cuộc đàm phán của ông Blinken với những người đồng cấp Trung Quốc diễn ra "thẳng thắn và sâu sắc", và ông hy vọng Ngoại trưởng Mỹ, thông qua chuyến thăm này, có thể góp phần "ổn định quan hệ Mỹ-Trung".

    Cuộc gặp gửi ra một thông điệp rằng chính phủ của ông Tập đang cố gắng ngăn chặn tình trạng trượt dốc trong quan hệ Trung-Mỹ, phóng viên BBC chuyên theo dõi tình hình Trung Quốc, Stephen McDonell, tường thuật.

    Nghi lễ buổi đón tiếp ông Blinken là nghi lễ thường chỉ áp dụng khi lãnh đạo Trung Quốc gặp gỡ các nguyên thủ quốc gia; tuy nhiên, có lẽ những căng thẳng gần đây giữa Washington và Bắc Kinh đòi hỏi cần một cử chỉ mang tính biểu tượng lớn để tạo thay đổi hướng đi giữa hai quốc gia, phóng viên chúng tôi nói.

    Ông Blinken hiện đang có chuyến thăm hai ngày tới Trung Quốc. Chuyến công du lẽ ra đã diễn ra hồi tháng Hai nhưng bị trì hoãn quanh vụ Hoa Kỳ bắn hạ khinh khí cầu bị cho là phục vụ mục đích gián điệp của Trung Quốc.

    Trước đó, Ngoại trưởng Hoa Kỳ đã gặp gỡ quan chức ngoại giao cấp cao của Đảng Cộng sản Trung Quốc, ông Vương Nghị, người đã quy trách nhiệm cho Hoa Kỳ về tình trạng bất ổn hiện tại, và nói rằng chính quyền ông Biden nên “ngừng thổi phồng mối đe dọa từ Trung Quốc”.

    Với TQ, vẫn đề Đài Loan là điểm bất di bất dịch về ngoại giao, ông Vương nói với vị khách Mỹ.

    Tuy nhiên, cả hai bên sẽ vui vẻ vì chuyến đi này ít nhất đã nối lại thông tin liên lạc giữa Mỹ-Trung và mở đường cho nhiều cuộc tiếp xúc ở cấp cao hơn.

    Cả hai nước đều có vai trò quan trọng trong nhiều hồ sơ địa chính trị quốc tế, gồm cả Ukraine.

    Trung Quốc muốn có vai trò ở châu Âu về Ukraine?

    Các hoạt động ngoại giao Mỹ-Trung diễn ra sau khi Trung Quốc cử một đặc sứ, ông Lý Huy, sang Ukraine và Ba Lan gần đây (trong tháng 5) để vận động cho “sáng kiến hòa bình” của Bắc Kinh.

    Thế nhưng, điều ông Lý Huy được nghe từ lãnh đạo Ukraine là họ “bác bỏ hoàn toàn ý tưởng đổi lãnh thổ để có hòa bình”, theo các báo châu Âu tuần qua.

    Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine, Oleksii Reznikov nhắn trên Twitter hôm 14/05 rằng "Đặc sứ Lý Huy đang ở đây tại Kyiv khi Nga bắn tên lửa Kinzhal vào Ukraine".

    Tại Ba Lan, sau cuộc gặp của ông Lý Huy với Thứ trưởng Ngoại giao Woicjech Gerwek (người từng làm đại sứ Ba Lan ở Việt Nam) hồi tháng 5, chính phủ Ba Lan ra ngay một thông cáo báo chí cảnh báo Trung Quốc.

    Nội dung của thông cáo này nhắc Trung Quốc không nên đánh đồng “quốc gia xâm lược là Nga” với nước bị xâm lăng là Ukraine.

    Các nhà quan sát tại Warsaw cho rằng thái độ của Bắc Kinh ngầm ủng hộ chiến tranh của Nga ở Ukraine là cản trở lớn cho bất cứ hợp tác nào với Ba Lan về vấn đề Ukraine.

    Bà Alicja Bachulska, nhà nghiên cứu thuộc thinktank European Council on Foreign Relations được South China Morning Post trích lời nói dư luận Ba Lan ngày càng cảm thấy Trung Quốc ủng hộ Nga đánh Ukraine, và vì thế, gián tiếp khiến Ba Lan cảm thấy an ninh của mình bị đe dọa.

    Dù chưa có bằng chứng Trung Quốc gửi vũ khí cho Nga để đánh Ukraine, nếu điều đó xảy ra thì đấy chính là “lằn ranh đỏ” và Ba Lan sẵn sàng làm tất cả, kể cả đi ngược lại các ý kiến của đồng minh Tây Âu như Pháp, Đức trong EU và Nato, để bảo vệ an ninh của mình, và trừng phạt Trung Quốc, theo bà Bachulska.

    Với Ba Lan, cuộc chiến của Nga ở Ukraine là vấn đề sống còn của dân tộc họ, nên Warsaw sẽ không ngần ngại coi quan hệ với Trung Quốc, vốn “đang rất quan trọng” như một thách thức mới, một khi Trung Quốc ủng hộ Nga.

    Ngoài ra, phía Ba Lan ngỏ ý rằng nếu TQ có một ghế bên bàn đàm phán hòa bình về tương lai Ukraine thì Warsaw cũng phải có một ghế.

    Blinken thăm Trung Quốc : Washington và Bắc Kinh tìm được “nhiều điểm chung”

    Thu Hằng /RFI

    Ngày 19/06/2023, ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã được chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tiếp xã giao. Ông Tập cho biết đã đạt được “nhiều điểm chung” với Washington. Trước đó, trong chuyến công du nhằm làm giảm căng thẳng song phương, ông Blinken đã gặp ông Vương Nghị, chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác đối ngoại Trung ương đảng Cộng Sản Trung Quốc và hội đàm với ngoại trưởng Tần Cương. 


    Ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương (Qin Gang) tiếp đồng nhiệm Mỹ Antony Blinken (T) tại nhà khách chính phủ Điếu Ngư Đài, Bắc Kinh, Trung Quốc ngày 18/06/2023. REUTERS - LEAH MILLIS 

    Theo AFP, cuộc gặp với chủ tịch Trung Quốc được quyết định vào phút chót. Ông Tập Cận Bình hy vọng “qua chuyến công du này, ngoại trưởng Mỹ sẽ có những đóng góp tích cực để ổn định mối quan hệ Mỹ-Trung”. Nguyên thủ Trung Quốc đánh giá những tiến bộ đạt được trước đó trong các cuộc gặp giữa ngoại trưởng Mỹ và các nhà lãnh đạo ngoại giao Trung Quốc là “điều tốt”.

    Sáng 19/06, trước khi gặp chủ tịch Trung Quốc, ông Antony Blinken đã làm việc với ông Vương Nghị. Hai bên đã trao đổi lập trường chủ đề Đài Loan, tình hình Ukraina và nhiều hồ sơ khác.

    Vấn đề Đài Loan cũng là điểm bất đồng trong cuộc hội đàm hôm trước giữa hai ngoại trưởng Mỹ-Trung. Theo Đài truyền hình Nhà nước Trung Quốc CCTV, ông Tần Cương nhấn mạnh rằng “Đài Loan là vấn đề cốt yếu trong những lợi ích cơ bản của Trung Quốc, là chủ đề quan trọng nhất trong mối quan hệ Trung-Mỹ và là mối nguy hiểm lớn nhất”.

    Ngoại trưởng Trung Quốc cũng lưu ý mối quan hệ giữa hai nước đang “ở mức thấp chưa từng có” kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1979, theo tin nhắn trên Twitter của bà Hoa Xuân Oánh, trợ lý ngoại trưởng Trung Quốc được AFP trích dẫn. Hai nhà lãnh đạo ngoại giao đã nhất trí về 5 điểm, trong đó có việc duy trì trao đổi ở cấp cao giữa hai chính phủ “nhằm giảm nguy cơ hiểu nhầm và tính toán sai”, theo ngoại trưởng Mỹ.

    Một điểm tiến bộ được AFP nhắc đến là hai bên nhất trí về chuyến công du Washington trong thời gian tới của ông Tần Cương. Nhưng nhìn chung, không khí vẫn căng thẳng dù có những cái bắt tay. Thông tín viên RFI Stéphane Lagarde tại Bắc Kinh tường trình :

    “Phía Mỹ ít dài dòng hơn. Chuyến công du được tổ chức trong bối cảnh căng thẳng giữa hai nước. Có thể sẽ biết thêm nhiều hơn từ phía Mỹ vào tối nay (19/06) trong buổi họp báo trước khi ngoại trưởng Mỹ lên đường đến Luân Đôn.

    Cho nên, hiện giờ mới chỉ có những tường trình từ phía Trung Quốc, những hình ảnh tường thuật trên đài truyền hình Nhà nước Trung Quốc và cái bắt tay sáng nay giữa ông Vương Nghị và ông Antony Blinken ở nhà khách quốc gia Điếu Ngư Đài ở Bắc Kinh.

    Đây là nơi ông Blinken và ông Tần Cương đã gặp nhau hôm qua. Dường như hai nhà lãnh đạo ngoại giao đã có rất nhiều điều để nói. Hơn 5 tiếng trao đổi được báo chí Trung Quốc đánh giá là “thẳng thắn và xây dựng”, có những “kết quả tích cực”. Trong cuộc họp, hai nhà lãnh đạo cũng nêu tầm quan trọng của việc nối lại các cuộc gặp gỡ trực tiếp giữa hai nước.

    Sau bữa ăn trưa, ông Blinken đã tham gia một cuộc trao đổi bàn tròn với sinh viên trong chương trình trao đổi Mỹ-Trung. Trong chiều 19/06, ông cũng tham gia một cuộc thảo luận khác với các chủ doanh nghiệp Mỹ”.

    Cuộc phản công của Ukraine đang diễn ra, nhưng kết quả vẫn chưa rõ ràng

    Time

    Cù Tuấn, biên dịch

    19/6/2023

    https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2023/06/phancong-700x480.jpg


    Các mũi phản công tiềm năng của Ukraine. Đồ họa: Times 

    Tuần này, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky xác nhận rằng cuộc phản công được chờ đợi từ lâu của Ukraine đã bắt đầu. Quân Ukraine đang cố gắng giành lại lãnh thổ bằng cách tấn công tiền tuyến của Nga và tìm kiếm những điểm yếu.

    Cho đến nay, quân Ukraine thông báo đã chiếm lại một số ngôi làng ở vùng Donbas, bao gồm các làng Blahodatne, Makarivka, Neskuchne và Storozhov ở tỉnh Donetsk, cũng như Lobkove, Levadne và Novodrivka ở tỉnh Luhansk. Giao tranh cũng đang diễn ra ở phần đông nam của mặt trận ở Zaporizhzhia, thuộc tỉnh cùng tên.

    “Quân Ukraine hiện chỉ đang thăm dò hệ thống phòng thủ của Nga. Nicolò Fasola, một nhà nghiên cứu tại Đại học Bologna, người có nghiên cứu tập trung vào các chiến lược quân sự của Nga, cho biết họ đang đạt được những đột phá nhưng không phải là những bước tiến mang tính quyết định. Những bước đột phá quân Ukraine đạt được đã được bản địa hóa”.

    Để có thể phản công thực sự, Ukraine sẽ phải xuyên thủng các tuyến phòng thủ kiên cố của Nga và nhanh chóng phân phối lại lực lượng của họ.

    Fasola nói: “Một khi quân Ukraine xác định được điểm đột phá có thể xảy ra, một trong những yếu tố quan trọng dẫn đến thành công sẽ là khả năng tái triển khai và tập trung lực lượng của họ, vốn hiện đang trải rộng trên toàn bộ tuyến tấn công. Việc này sẽ phụ thuộc vào mức độ hiệu quả và các con số”.

    Trong hầu hết các trận chiến, quân đội phòng thủ có lợi thế chiến lược nên việc tấn công sẽ gây tốn kém về người cho quân Ukraine. Kể từ chiến dịch phản công cuối cùng của Ukraine vào mùa thu năm ngoái, trong đó chứng kiến việc tái chiếm thành công 7.500 dặm vuông ở vùng Kharkiv, Nga đã có thời gian chuẩn bị và cũng có một đợt tổng động viên bổ sung, mặc dù Moscow cho biết họ sẽ không gửi bất kỳ lính nghĩa vụ mới nào tới Ukraine.

    Các chuyên gia nói với TIME rằng một chiến lược tiềm năng mà Ukraine có thể nghĩ đến là cố gắng phá bỏ cây cầu trên đất liền nối đất liền Nga với bán đảo Crimea. Điều này sẽ đặc biệt có lợi cho Ukraine vì nó sẽ khiến Moscow gặp khó khăn hơn trong việc phối hợp tấn công với quân đội ở Crimea. Nhưng kế hoạch trở nên phức tạp vì việc đập Kakhovka bị phá hủy vào tuần trước đã hạn chế khả năng tiến công của các lực lượng Ukraine ở phía nam.

    Nga cũng đã xây dựng các công sự kiên cố dọc theo chiến tuyến dài 600 dặm, mà các nhà phân tích quân sự Seth G. Jones, Alexander Palmer và Joseph S. Bermudez Jr. nói với tờ New York Times là “công trình phòng thủ quy mô nhất ở châu Âu kể từ Thế chiến II”.

    1. “Chúng ta đang bước vào lãnh thổ không xác định”

    Đối với người Ukraine, nhiệm vụ phía trước sẽ rất khó khăn. Ngoài những khó khăn cố hữu của chiến tranh tấn công, như Nga đã phát hiện ra khi tiến quân tới Kyiv năm ngoái, là việc Ukraine thiếu sức mạnh không quân. Vald Mykhnenko, giáo sư địa lý và kinh tế chính trị tại Đại học Oxford, người cũng đến từ Ukraine, cho biết: “Điều đáng lo ngại là đây là hoạt động quân sự quốc tế lớn đầu tiên ở quy mô này được thực hiện mà không có nhiều sự hỗ trợ của không quân. “Chúng ta đang bước vào lãnh thổ chưa được xác định nếu nói về chiến lược quân sự”.

    Do không có sự hỗ trợ từ trên không, nên quân Ukraine rất khó để biết quân Nga dự định sử dụng loại vũ khí nào từ hệ thống phòng thủ của họ. Ngoài ra, mìn do quân Nga gài có thể gây nguy hiểm khi bộ binh tiến lên. Mykhnenko nói: “Ngay cả khi bạn rà phá xong bãi mìn, quân Nga vẫn có thể cài lại cả bãi mìn chỉ sau một đêm”.

    Các quan chức Hoa Kỳ nói với New York Times rằng đòn tấn công chính của cuộc phản công vẫn chưa bắt đầu, với lý do thiếu các đội hình xe bọc thép lớn tham gia vào các cuộc tấn công. Điều đó có nghĩa là vẫn còn quá sớm để biết liệu cuộc phản công có thành công hay không.

    Nhưng Mykhnenko nói rằng cho đến nay kết quả là rất đáng khích lệ. “Tôi nghĩ rằng nếu chúng ta so sánh 100 km2 mà bộ tham mưu Ukraine cho biết đã được giải phóng trong tuần này với 600 km2 mà Nga đã giành được trong vòng 6 tháng trước đó, thì kết quả vậy là khá tốt”, ông nói, đề cập đến ước tính của chính mình dựa trên việc quân đội Nga đã tiến được bao xa trong sáu tháng trước cuộc phản công.

    Tuy nhiên, bất kể điều gì xảy ra tiếp theo, các chuyên gia đều đồng ý rằng vũ khí phương Tây sẽ rất quan trọng đối với tương lai của Ukraine. Fasola nói: “Các nguồn lực của phương Tây sẽ là chìa khóa cho sự thành công của cuộc phản công này, nhưng hãy lưu ý rằng rất nhiều nguồn lực đó sẽ bị phá hủy”.

    Ukraine đã mất các xe bọc thép, bao gồm cả xe bọc thép Bradleys do Mỹ cung cấp, Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin cho biết trong một cuộc họp báo hôm thứ Năm 13/6. Tuy nhiên, ông cảnh báo rằng Nga đang thổi phồng quá cao những thiệt hại của Ukraine và Ukraine vẫn còn có “rất nhiều năng lực chiến đấu”.

    Tuy nhiên, các nhà phân tích nói với TIME rằng ngay cả trong trường hợp tốt nhất đối với Ukraine, nước này khó có thể chiếm lại toàn bộ lãnh thổ của mình trong cuộc phản công lần này.

    Mykhnenko nói: “Áp lực và mức độ kỳ vọng đối với quân đội Ukraine là rất cao. “Tôi chỉ hy vọng chúng ta hạ thấp một chút những kỳ vọng đó và không yêu cầu họ chiếm lại Mariupol trong một tuần, và chiếm lại bán đảo Crimea vào tuần sau. Mọi người nên hiểu rằng việc này sẽ mất hàng tháng trời chứ không phải một hoặc hai tuần đâu”.

    Quốc hội Thụy Điển: Không loại trừ khả năng Nga tấn công Thụy Điển

    https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2023/06/russia-attack-sweden.jpg


    Google Maps/Business Insider 

    Truyền hình công cộng Thụy Điển SVT hôm Chủ Nhật (18/6) dẫn các nguồn tin riêng cho biết một báo cáo của ủy ban quốc phòng của quốc hội Thụy Điển tuyên bố không thể loại trừ khả năng Nga tấn công quân sự vào Thụy Điển.

    Thụy Điển gần đây đã đang nhanh chóng tăng cường quốc phòng và năm ngoái đã nộp đơn gia nhập NATO cùng Phần Lan sau khi Nga đem quân xâm lược Ukraine. Trong khi Phần Lan hôm 4/4 đã chính thức trở thành thành viên thứ 31 của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), nhưng đơn xin gia nhập của Thụy Điển vẫn chưa được duyệt do bị hai thành viên NATO là Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary phản đối.

    Truyền hình SVT dẫn các nguồn tin riêng biết về báo cáo nêu trên nói rằng báo cáo đó của quốc hội Thụy Điển sẽ được công bố trong tuần này cho rằng mặc dù lực lượng bộ binh Nga đã bị sa lầy ở Ukraine, nhưng không thể loại trừ Nga tấn công Thụy Điển bằng các nhánh quân khác.

    “Nga cũng đã đang hạ thấp hơn nữa ngưỡng giới hạn cho việc sử dụng lực lượng quân sự và biểu lộ khao khát chính trị và quân sự cao. Khả năng của Nga trong việc tiến hành các hoạt động quân sự bằng không quân, hải quân, các vũ khí tầm xa hoặc vũ khí hạt nhân nhắm vào Thụy Điển vẫn còn nguyên”, Truyền hình SVT nói dẫn theo báo cáo của quốc hội.

    Truyền hình SVT cho biết báo cáo nêu trên đã vạch ra một học thuyết quốc phòng mới cho Thụy Điển căn cứ vào tiêu chuẩn của thành viên NATO thay vì dựa vào học thuyết trước đây của Thụy Điển vốn dựa theo mối quan hệ hợp tác với các quốc gia Bắc Âu láng giềng và Liên minh châu Âu (EU).

    Cũng giống như nhiều quốc gia phương Tây khác, Thụy Điển đã từng cắt giảm quy mô quân sự sau khi kết thúc Chiến tranh Lạnh, nhưng gần đây đã đang tăng cường chi tiêu quốc phòng và cũng sẽ đáp ứng tiêu chuẩn của NATO về ngưỡng chi tiêu quốc phòng 2% GDP vào năm 2026.

    Hải Đăng (Theo Reuters)

    Tình báo Anh: Tổn thất của Nga cao nhất từ đỉnh điểm trận chiến Bakhmut

    Bộ Quốc phòng Anh hôm Chủ nhật cho biết cả quân đội Nga và Ukraine đang “chịu thương vong cao” khi Kyiv giành lại lãnh thổ do Moscow kiểm soát dọc theo chiến tuyến.

    Trong một cập nhật mới nhất, Bộ Quốc phòng Anh cho biết: “Mặc dù các lực lượng Nga đã duy trì hệ thống phòng thủ “tương đối hiệu quả” ở phía nam đất nước, nhưng tổn thất của Điện Kremlin “có thể là cao nhất kể từ đỉnh điểm của trận chiến giành Bakhmut hồi tháng 3”.

    Cả Nga và Ukraine đều thường xuyên cập nhật con số thương vong của đối thủ. Song những báo cáo này hầu như không được kiểm chứng bởi bên thứ ba.

    Hôm thứ Bảy (17/6), Bộ Quốc phòng Nga cho biết có tới 735 lính Ukraine bị tiêu diệt. Trong một thống kê được công bố vào sáng Chủ nhật (18/6), Bộ Tổng tham mưu Lực lượng Vũ trang Ukraine cho biết 650 binh sĩ Nga đã bị loại khỏi vòng chiến trong 24 giờ trước đó. Một ngày trước đó, quân đội Ukraine cho biết Nga đã mất 670 binh sĩ.

    “Rất khó xác định thương vong trong một cuộc xung đột đang diễn ra vì cả hai bên sẽ cố gắng giữ bí mật dữ liệu và thổi phồng con số thương vong của đối phương”, Marina Miron, nhà nghiên cứu sau tiến sĩ tại Khoa Nghiên cứu Chiến tranh tại Đại học King’s College London, cho biết.

    Trong một diễn biến liên quan, một quan chức Nga cho biết quân đội Ukraine đã giành lại được làng Piatykhatky thuộc vùng Zaporizhzhia, hơn một tuần sau khi phát động chiến dịch phản công.

    “Các cuộc tấn công ‘như sóng’ của đối phương đã mang lại kết quả, bất chấp tổn thất to lớn”, Vladimir Rogov, quan chức do Nga bổ nhiệm ở thành phố Zaporizhzhia, đông nam Ukraine, hôm nay thông báo trên ứng dụng nhắn tin Telegram.

    Theo ông Rogov, sau khi giành kiểm soát làng Piatykhatky, lực lượng Ukraine đang cố thủ tại đây và hứng chịu hỏa lực từ pháo binh Nga. Giao tranh ác liệt vẫn tiếp diễn trong khu vực, ông cho biết thêm.

    Bộ Quốc phòng Nga cùng ngày cho hay lực lượng nước này đã đẩy lùi một loạt cuộc tấn công của Ukraine trên ba khu vực tiền tuyến, trong đó, Kyiv đang gây sức ép mạnh mẽ nhất ở Zaporizhzhia. Tuyên bố không đề cập đến làng Piatykhatky.

    Viên Minh (Tổng hợp)

    LHQ cáo buộc Nga từ chối sự trợ giúp khi số người chết vì vỡ đập Kakhovka gia tăng

    https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2023/06/vo-dap-o-ukraine-nguoi-dan-mat-nha-cua-nguy-co-dich-benh-do-lu-lut-072140698.jpg


    Hàng chục nghìn người dân trụ lại ở 2 bên chiến tuyến tại Kherson giờ phải đối mặt thêm với lũ lụt do con đập thủy điện ở đây bị phá hủy. Ảnh: Reuters 

    Moscow đã từ chối đề nghị của Liên Hợp Quốc về việc giúp đỡ những cư dân bị ảnh hưởng bởi lũ lụt do đập Kakhovka bị vỡ, cơ quan thế giới cho biết hôm 18/6. Hiện tại số người chết do ảnh hưởng của lũ lụt vẫn gia tăng và các bãi biển ở miền Nam Ukraine buộc phải đóng cửa do tình trạng nước bẩn.

    Sự cố vỡ đập do Moscow kiểm soát vào ngày 6/6 đã gây ra lũ lụt khắp miền Nam Ukraine và các khu vực do Nga chiếm đóng ở vùng Kherson, phá hủy nhà cửa và đất nông nghiệp, đồng thời cắt đứt nguồn cung cấp cho cư dân.

    Số người chết hiện đã tăng lên 52, trong đó các quan chức Nga cho hay có 35 người chết ở các khu vực do Moscow kiểm soát, và Bộ Nội vụ Ukraine cũng thống kê có 17 người thiệt mạng và 31 người mất tích. Hơn 11.000 người đã được sơ tán ở vùng lãnh thổ hai bên kiểm soát.

    Liên Hợp Quốc kêu gọi Nga hành động phù hợp với nghĩa vụ của họ theo luật nhân đạo quốc tế.

    Bà Denise Brown, điều phối viên nhân đạo của Liên Hợp Quốc tại Ukraine nhấn mạnh trong một tuyên bố: “Không thể từ chối viện trợ cho những người cần nó.”

    Phía Ukraine cáo buộc Nga cho nổ tung con đập thời Liên Xô, vốn nằm dưới sự kiểm soát của Nga kể từ những ngày đầu xâm lược vào năm 2022. Một nhóm các chuyên gia pháp lý quốc tế đã hỗ trợ các công tố viên Ukraine trong cuộc điều tra của họ cho rằng, “rất có khả năng” vụ sập đập là do người Nga gài chất nổ gây ra.

    Trong khi đó, Điện Kremlin cáo buộc Kyiv phá hoại đập thủy điện, nhưng cũng chưa đưa ra được bằng chứng xác thực.

    Các nhà chức trách ở Odesa đã đóng cửa các bãi biển ở Biển Đen, cấm bơi lội cũng như tiêu thụ cá và hải sản từ các nguồn không xác định.

    “Các bãi biển của Odesa đã được tuyên bố là không thích hợp để bơi lội do nước đang xuống cấp đáng kể… và thực sự gây nguy hiểm cho sức khỏe,” chính quyền của Odesa thông báo trên ứng dụng nhắn tin Telegram.

    Các cuộc kiểm tra chất lượng nước vào tuần trước cho thấy mức độ nguy hiểm của vi khuẩn salmonella và các “tác nhân truyền nhiễm” khác, theo các quan chức Ukraine. Hiện việc giám sát bệnh tả cũng được tiến hành.

    Mặc dù nước lũ đã rút nhưng sông Dnipro nơi xây dựng đập Kakhovka đã mang hàng tấn rác thải vào Biển Đen và bờ biển Odesa, dẫn đến tình trạng mà Ukraine gọi là “sự diệt vong sinh thái”.

    Mức độ các chất độc hại trong các sinh vật biển và dưới đáy biển dự kiến sẽ trở nên tồi tệ hơn, làm tăng nguy cơ từ các mỏ đất đang dạt vào bờ biển.

    Nhật Minh (Theo Reuters)

    Thủ tướng Israel phản đối bất kỳ thỏa thuận tạm thời nào giữa Mỹ và Iran về hạt nhân

    https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2023/06/ttxvn_bibinetanyahu.jpg


    Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu. (Ảnh: THX/TTXVN) 

    Ngày 18/6, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu nhấn mạnh, ông phản đối bất kỳ thỏa thuận tạm thời nào mà Hoa Kỳ và Iran đang đàm phán về chương trình hạt nhân của Tehran.

    Phát biểu của Thủ tướng Netanyahu được đưa ra sau khi các hãng truyền thông Israel đưa tin, Washington và Tehran sắp đạt được thỏa thuận nhằm tìm cách kiềm chế phần nào chương trình hạt nhân của Iran đổi lấy việc Hoa Kỳ dỡ bỏ một số biện pháp trừng phạt đối với quốc gia Trung Đông này. Các bài báo không thể được xác nhận một cách độc lập và Hoa Kỳ đã công khai bác bỏ bất kỳ thỏa thuận nào như vậy.

    Thủ tướng Netanyahu lưu ý, Israel đã thông báo cho Hoa Kỳ rằng “theo quan điểm của chúng tôi, những thỏa thuận hạn chế nhất, được gọi là ‘những thỏa thuận nhỏ’, không phục vụ mục tiêu và chúng tôi cũng phản đối chúng.”

    Các quan chức Israel tin rằng Hoa Kỳ và Iran đã đạt được một số thỏa thuận liên quan đến việc Tehran hạn chế làm giàu uranium và Washington dỡ bỏ phong tỏa một số khoản tiền của Iran. Các quan chức Israel phát biểu với điều kiện giấu tên bởi vì họ đang thảo luận về một đánh giá ngoại giao bí mật.

    Tuần trước, trang tin tức Walla của Israel đưa tin, theo những thỏa thuận mới, Iran sẽ hạn chế làm giàu uranium ở mức tối đa 60% để đổi lấy việc Hoa Kỳ dỡ bỏ các lệnh trừng phạt. Trang tin tức này cũng cho biết, Washington và Tehran đang thảo luận việc trả tự do cho tù nhân của hai bên.

    Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller tuần trước khẳng định, “không có thỏa thuận nào” và cáo buộc các bài báo đưa tin không đúng sự thật.

    Trong bài báo của mình, hãng tin Walla cho biết, Thủ tướng Netanyahu đã tiết lộ các chi tiết của thỏa thuận này cho một ủy ban quốc hội Israel trong một cuộc họp gần đây. Hoa Kỳ và Israel chia sẻ thông tin tình báo với nhau. Trọng tâm chính trong các tương tác giữa hai nước đồng minh lâu đời này là Iran và chương trình hạt nhân của nước này

    Thủ tướng Netanyahu đã phản đối kịch liệt thỏa thuận năm 2015 giữa Iran và các cường quốc thế giới do chính quyền Obama làm trung gian nhằm tìm cách kiềm chế chương trình hạt nhân của Iran. Ông là người ủng hộ nhiệt thành đối với quyết định rút khỏi thỏa thuận này của Tổng thống Mỹ Donald Trump vào năm 2018, khiến cho thỏa thuận này đi vào bế tắc.

    Iran biện minh rằng chương trình hạt nhân của họ là dành cho mục đích dân sự. Tuy nhiên, Israel coi việc Iran có vũ khí hạt nhân là một mối đe dọa lớn bởi vì Tehran luôn kêu gọi hủy diệt Israel, đồng thời ủng hộ các nhóm chiến binh chống Israel trên khắp khu vực Trung Đông.

    Israel tuyên bố họ không loại trừ hành động quân sự để ngăn chặn Iran chế tạo vũ khí hạt nhân.

    Gia Huy (Theo Newsmax)

    Gần 100 người tử vong trong đợt nắng nóng nghiêm trọng ở Ấn Độ 

    18/6/2023 

    AP 


    Nắng hạn ở Ấn Độ. [Ảnh minh họa]


    Nắng hạn ở Ấn Độ. [Ảnh minh họa] 

    Các quan chức hôm 18/6 cho biết rằng ít nhất 96 người đã tử vong ở hai bang đông dân nhất của Ấn Độ trong vài ngày qua trong khi các khu vực của nước này đang quay cuồng vì một đợt nắng nóng nghiêm trọng.

    Các vụ tử vong được ghi nhận ở bang Uttar Pradesh ở miền bắc và Bihar ở phía đông, nơi chính quyền cảnh báo cư dân trên 60 tuổi và những người mắc bệnh nên ở trong nhà vào ban ngày.

    Tất cả các trường hợp tử vong ở Uttar Pradesh, tổng cộng là 54 người, được báo cáo ở quận Ballia, cách Lucknow, thủ phủ bang khoảng 300 km về phía đông nam. Chính quyền cho biết, hầu hết những người qua đời đều trên 60 tuổi và có tiền sử bệnh, nên có lẽ nắng nóng khiến tình trạng của họ nghiêm trọng hơn.

    S. K. Yadav, quan chức y tế ở Ballia, cho biết rằng trong 3 ngày qua, khoảng 300 bệnh nhân đã được đưa vào bệnh viện huyện vì nhiều bệnh khác nhau do nắng nóng.

    Do tình hình nghiêm trọng, chính quyền đã hủy đơn xin nghỉ phép của nhân viên y tế ở Ballia và cung cấp thêm giường bệnh trong khu cấp cứu để đáp ứng số lượng bệnh nhân ngày càng đông.

    Các quan chức cho biết hầu hết các bệnh nhân nhập viện đều từ 60 tuổi trở lên, có các triệu chứng sốt cao, nôn mửa, tiêu chảy, khó thở và các vấn đề liên quan đến tim.

    R.S. Pathak, một cư dân của Ballia, người vừa mất cha hôm 17/6, nói rằng anh đã chứng kiến số lượng bệnh nhân đến khoa cấp cứu của bệnh viện ngày càng đông khi đang chăm sóc cha mình.

    "Điều này chưa từng xảy ra ở Ballia. Tôi chưa từng thấy người chết vì nắng nóng với số lượng lớn như vậy", anh nói. "Mọi người sợ khi ra ngoài. Đường sá và chợ hầu như vắng tanh”.

    Tình báo Estonia: Ukraina mất chưa đến 10% vũ khí do phương Tây viện trợ

    https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2023/06/xe-tang-ukraine-xe-thiet-giap-ukraine-bi-ban-chay-rt-9603.jpg


    Hình ảnh xe tăng, xe thiết giáp Ukraine bị phía Nga bắn cháy, được chia sẻ trên mạng xã hội những ngày gần đây. Ảnh: RT 

    Theo hãng tin Pravda, Đại tá Margo Grosberg, Giám đốc Trung tâm Tình báo của Lực lượng Phòng vệ Estonia, đã tuyên bố rằng Ukraina đã mất chưa tới 10% thiết bị do các nước phương Tây cung cấp trong cuộc giao tranh hiện nay.

    Trong khi đó, ông Grosberg nói rằng con số này có thể tăng lên, vì việc mất vũ khí là kết quả không thể tránh khỏi của bất kỳ cuộc tấn công nào.

    Ông nói thêm rằng các vũ khí và trang thiết bị của phương Tây bảo vệ quân nhân tốt hơn và ngay cả khi chúng bị hỏng, thì các phi hành đoàn thường sống sót mà không bị thương nặng.

    Giám đốc tình báo Estonia nói rằng các đơn vị Ukraina đã được huấn luyện trong sáu tháng qua đã không tham gia vào các cuộc xung đột gần đây nhất.

    Trước đó, người đứng đầu Ngũ Giác Đài Lloyd Austin nói rằng Ukraina cũng bị tổn thất về thiết bị do cuộc phản công, nhưng Lực lượng vũ trang Ukraina vẫn có đủ vũ khí để tiếp tục chiến đấu.

    Tạ Linh

    Tổng thống Joe Biden: Nga chuyển vũ khí hạt nhân vào Belarus là ‘hoàn toàn vô trách nhiệm’

    https://www.dkn.tv/wp-content/uploads/2023/06/anh-man-hinh-2023-06-18-luc-070903-copy-700x366.jpg


    Tổng thống Joe Biden nhắc lại rằng việc Nga chuyển vũ khí hạt nhân vào Belarus là ‘hoàn toàn vô trách nhiệm’. (Ảnh: NDTV). 

    Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden ngày 17/6 cho biết rằng việc Nga chuyển vũ khí hạt nhân vào Belarus là ‘hoàn toàn vô trách nhiệm’.

    Theo Sky News, trước khi chuẩn bị đến Philadelphia, ông Biden đã nói với các phóng viên rằng: “Tôi đã bình luận về điều đó nhiều lần – điều đó hoàn toàn vô trách nhiệm”.

    Khi được hỏi liệu ông có giúp Ukraina gia nhập NATO dễ dàng hơn không, ông trả lời: “Không. Bởi vì họ phải đáp ứng các tiêu chuẩn giống nhau. Vì vậy, tôi sẽ không làm cho nó dễ dàng”. 

    Ông nói thêm: “Tôi nghĩ họ đã làm mọi thứ liên quan đến việc thể hiện khả năng phối hợp quân sự, nhưng có một vấn đề là hệ thống của họ có an toàn không? Là nó không tham nhũng không? Nó có đáp ứng tất cả các tiêu chuẩn mà mọi người, mọi quốc gia khác trong NATO không?”.

    CNN trước đây đã đưa tin rằng Biden và nhóm của ông đang trong cuộc trò chuyện với các thành viên NATO về cách thức và thời điểm Ukraina có thể tham gia – một cuộc tranh luận có thể làm lộ ra những căng thẳng trong liên minh trước hội nghị thượng đỉnh quan trọng vào tháng tới ở Litva.

    CNN đưa tin hôm thứ Sáu rằng một nguồn tin quen thuộc với tình hình cho biết Biden cảm thấy thoải mái với việc loại bỏ một trong những rào cản để Ukraina gia nhập NATO. Theo nguồn tin này, Biden sẽ sẵn sàng từ bỏ Kế hoạch Hành động Tư cách thành viên (MAP) cho Ukraina, vốn được mô tả trong một thỏa thuận năm 2008 là “bước tiếp theo của Ukraina… trên con đường trở thành thành viên trực tiếp của họ”. 

    MAP, được mô tả là chương trình tư vấn, hỗ trợ và hỗ trợ thiết thực phù hợp với nhu cầu cá nhân của các quốc gia muốn gia nhập Liên minh, là một quá trình mà các quốc gia khác phải thực hiện để gia nhập NATO.

    Liên Thành


    Không có nhận xét nào