Nguồn: Chris Buckley & Paul Sonne, “习近平生日普京发贺电,中俄关系存隐忧”, New York Times, 16/06/2023.
Biên dịch: Nguyễn Hải Hoành
Rất ít khi việc chúc mừng sinh nhật lại có ý nghĩa quan trọng. Thế nhưng khi Tổng thống Nga Putin đang ở vào tình thế khó khăn bầy tỏ tình cảm thân thiện với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thì ngay cả cái việc xem ra có vẻ rất nhỏ ấy cũng trở thành tín hiệu gửi cho thế giới, nhất là cho đối thủ cạnh tranh phương Tây.
Hôm Thứ Năm [15/6] vừa rồi là sinh nhật lần thứ 70 của Chủ tịch Tập Cận Bình, Tổng thống Putin đã gửi điện chúc mừng nhà lãnh đạo Trung Quốc, chúc “Bạn thân mến” của ông mạnh khoẻ, hạnh phúc, thuận lợi. Bức điện ấy đã tăng cường thêm ấn tượng của mọi người đối với mối quan hệ cá nhân giữa hai nhà lãnh đạo quyền uy này.
“Khó có thể đánh giá được hết cống hiến của Ngài vào việc tăng cường mối quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước chúng ta trong nhiều năm qua,” Putin viết trong bức điện.
Kể từ ngày Nga xâm lược Ukraine cách đây gần 16 tháng, mối quan hệ thân mật giữa hai nhà lãnh đạo và giữa hai nước này luôn luôn là nền tảng cho sự sống còn về kinh tế của nước Nga. Thế nhưng cùng với việc Nga ngày càng dựa dẫm hơn vào Trung Quốc còn Bắc Kinh thì lại có thái độ ngày một thận trọng hơn với Moskva, đồng thời tái tìm kiếm một số ủng hộ của châu Âu, thì xét về lâu dài, mối quan hệ nói trên xem ra đang có những rủi ro khiến người ta ngày càng lo lắng.
Tại Nga, Trung Quốc được chào đón như một đối tác kinh tế thay thế phương Tây, cho dù có những lo ngại rằng Moskva có thể trở thành chư hầu của Bắc Kinh. Khi các công ty phương Tây rút khỏi thị trường Nga, Trung Quốc đã cung cấp nhiều sản phẩm cho quốc gia bị cô lập này. Trung Quốc là khách hàng năng lượng quan trọng nhất của Nga, mua nhiều dầu của Nga hơn bất kỳ quốc gia nào khác, và có khả năng trở thành nước tiêu dùng khí đốt lớn hơn của Nga, bởi lẽ châu Âu không còn mua khí đốt của Nga nữa. Doanh thu năng lượng tiếp tục không ngừng đã giúp chính phủ Nga cung cấp kinh phí cho cuộc chiến.
Ở Trung Quốc, Nga được coi là một đối tác quan trọng chống lại một phương Tây ngày càng đoàn kết và thù địch. Nhưng nhu cầu của Nga cần được hỗ trợ về kinh tế và chính trị – và yêu cầu cung cấp vũ khí cho cuộc chiến ở Ukraine – cũng làm gia tăng mối lo ngại của mọi người rằng Trung Quốc bị buộc quá chặt vào cuộc chiến của Putin, khiến Trung Quốc ngày càng dễ bị tổn hại về mặt ngoại giao bởi cuộc chiến này.
Đặc biệt, Trung Quốc ngày càng lo ngại về việc mình đang xa rời châu Âu, một đối tác thương mại lớn hơn nhiều so với Nga và cũng là nhân tố chính trong cuộc cạnh tranh giữa Bắc Kinh với Washington. Chính phủ Trung Quốc đã tìm cách xoa dịu căng thẳng không ngừng leo thang với Mỹ, đồng ý đàm phán hai ngày với Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tại Bắc Kinh bắt đầu từ Chủ nhật [18/6] này.
“Đó là một điệu nhảy vụng về,” Joseph Torigian, trợ lý giáo sư chuyên nghiên cứu về chính trị Trung-Nga tại American University ở Washington cho biết trong một cuộc phỏng vấn, đề cập đến mối quan hệ đối tác giữa Moskva với Bắc Kinh. “Người Trung Quốc không muốn để phương Tây nghĩ rằng họ có thể phá vỡ mối quan hệ đối tác này, nhưng mối quan hệ ấy cũng khiến nền kinh tế và danh tiếng của Trung Quốc phải trả giá.”
Putin chúc mừng sinh nhật của Tập tại Diễn đàn Kinh tế Quốc tế, diễn đàn thường niên tương tự như Diễn đàn Davos tại quê nhà St. Petersburg của ông, là một bằng chứng khác cho thấy cuộc chiến với Ukraine khiến Nga ngày càng bị cô lập.
Trước đây, diễn đàn này chủ yếu nhằm giới thiệu thị trường Nga cho các công ty lớn của châu Âu và Mỹ. Diễn đàn St. Petersburg năm nay vắng mặt các giám đốc điều hành hàng đầu của phương Tây. Chủ đề của diễn đàn là “phi Đô-la hóa” thương mại toàn cầu và tiềm năng kinh tế của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải, một tổ chức khu vực mà Nga và Trung Quốc là thành viên.
Thế nhưng, so với những năm trước, sự tham dự của Trung Quốc tại diễn đàn lần này là không lớn, điều đó dường như là một phần trong nỗ lực của Bắc Kinh nhằm tránh bị coi là sẵn sàng ủng hộ cuộc chiến của Putin.
Các vị khách Trung Quốc chủ chốt dự định tham dự diễn đàn là đại sứ Trung Quốc tại Nga và lãnh đạo một tập đoàn thương mại Trung Quốc. Bản thân Tập Cận Bình từng tham dự Diễn đàn St. Petersburg 2019, khi ông cùng Putin lên tiếng tuyên truyền Trung Quốc và Nga là các quốc gia bảo vệ thương mại tự do toàn cầu. Nhiều nhà quản lý doanh nghiêp và quan chức cấp cao Trung Quốc cũng có mặt tại diễn đàn đó.
Mặc dù thương mại Trung-Nga trong 5 tháng đầu năm nay tăng mạnh 41% nhưng các doanh nghiệp Trung Quốc vẫn giữ thái độ thận trọng đối với việc đầu tư vào Nga, chủ yếu là do sợ bị các chính phủ phương Tây trừng phạt, đặc biệt là từ ngày nổ ra chiến tranh Nga-Ukraine.
“So với thời kỳ trước chiến tranh Nga-Ukraine, hợp tác Trung-Nga thậm chí có thể giảm đi, bởi vì rốt cuộc phải tính tới sự trừng phạt của Mỹ,” Xiao Bin, một nhà nghiên cứu về chính sách ngoại giao của Bắc Kinh nói về đầu tư của Trung Quốc.
Mặt khác, nhiều nhà lãnh đạo doanh nghiệp Nga cũng thầm lo ngại về địa vị dẫn đầu của Trung Quốc.
“Quá phụ thuộc như vậy vào Trung Quốc là cơn ác mộng đối với giới tinh hoa Nga,” Tatiana Mitrova, nhà nghiên cứu ở Trung tâm chính sách năng lượng toàn cầu tại đại học Columbia nói.
Các quan chức Trung Quốc đang cố gắng cải thiện quan hệ của Trung Quốc với các nước Tây Âu vốn đã chỉ trích Trung Quốc không sử dụng ảnh hưởng đối với Nga để ngăn chặn chiến tranh. Thậm chí một số học giả trong chính quyền Trung Quốc còn mạnh dạn lập luận Bắc Kinh cần nói rõ rằng quan hệ đối tác Trung-Nga là có giới hạn.
Nhưng Tập Cận Bình dường như quyết tâm tiếp tục coi Putin là một nhà lãnh đạo quốc gia được kính trọng, gắn kết với nhau bởi niềm tin chung rằng Mỹ và các đồng minh muốn làm Nga suy yếu tối đa và cản trở sự trỗi dậy của Trung Quốc như một nước lớn trên thế giới. Tại cuộc họp thượng đỉnh ở Moskva hồi tháng 3 năm nay, hai nhà lãnh đạo đã tái khẳng định mối quan hệ đối tác Trung-Nga. Kể từ khi Tập Cận Bình trở thành nhà lãnh đạo Trung Quốc vào năm 2012, hai người đã nhiều lần coi ngày sinh nhật là cơ hội để bày tỏ mối quan hệ thân thiết, trao đổi những món quà bao gồm kem, tranh thêu “Chân dung Tổng thống Putin”, và Tập Cận Bình đã nhận được [điện thoại thông minh] “YotaPhone” do Nga nghiên cứu triển khai.
Tuy vậy, Yu Bin, một chuyên gia về quan hệ Trung-Nga và là thành viên cao cấp tại Đại học Sư phạm Hoa Đông ở Thượng Hải, lại cảnh báo rằng chớ nên diễn giải quá đà về những biểu hiện quan hệ thân thiện này. “Trong chuyện này có ít nhiều tình cảm cá nhân giữa hai người, nhưng tôi sẽ không diễn giải nó quá đà,” ông nói. “Điều đầu tiên và quan trọng nhất là phải thực hiện mối quan hệ bình thường giữa hai nước lớn.”
Cho dù giữa Tập Cận Bình và Putin có tình bạn thắm thiết, nhưng mối quan hệ song phong vẫn có những hạn chế dù năm ngoái hai nhà lãnh đạo ca ngợi nó là “không có giới hạn”.
Putin muốn Bắc Kinh đưa ra cam kết xây dựng đường ống dẫn khí đốt “Power of Siberia 2” đã được đề xuất, giúp chuyển sang Trung Quốc phần khí đốt của Nga trước đây chở đi châu Âu, cho thế giới thấy rằng Điện Kremlin vẫn có một đối tác lớn sẵn sàng cung cấp động lực cho kinh tế Nga.
Bắc Kinh luôn ít nói về dự án này, có thể vì trong tình trạng cuộc chiến ở Ukraine vẫn đang tiếp tục mà lại trống giong cở mở ký kết hiệp định thì có thể khiến thiên hạ cho rằng Trung Quốc nhiệt tình ủng hộ kinh tế cho cuộc chiến của Nga.
“Trung Quốc không muốn mình trông giống như là quốc gia đang giúp kinh phí chiến tranh cho Putin“, theo lời Alexander Gabuyev, giám đốc Trung tâm Nga- Á Âu tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế. “Nếu Trung Quốc muốn thế giới tin rằng họ là kẻ kiến tạo hòa bình, thì việc cung cấp thêm nguồn kinh phí cho cuộc chiến của Putin không phải là điều tốt.”
“Chắc chắn cả hai bên đều quan tâm đến mối quan hệ này,” Gabuyev nói. “Nhưng trong mối quan hệ ấy cũng tồn tại sự bất đối xứng nội tại. Trung Quốc là bên lớn hơn, có lực lượng nghiên cứu khoa học và ngành chế tạo lớn mạnh. Nga chủ yếu là nền kinh tế một chiều. Xu hướng này hiện đang tăng tốc phát triển.”
Xét về lâu dài, có những người Nga lo ngại rằng Trung Quốc có thể lợi dụng vị thế bị chiến tranh làm suy yếu và tình trạng phân tán chú ý của Moskva để, ví dụ như, đẩy mạnh những giao dịch năng lượng không có lợi cho Nga, hoặc mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc tại các vùng tồn tại quan hệ cạnh tranh giữa hai nước, như ở Trung Á và Bắc cực.
Tuy nhiên, cho đến nay giới lãnh đạo Trung Quốc đã luôn hành sự cẩn thận, cố gắng tránh tạo ấn tượng rằng Trung Quốc tranh thủ kiếm chác lúc Moskva suy yếu.
“Tôi nghĩ là người Trung Quốc biết đâu là chỗ nhạy cảm của người Nga, đặc biệt là trong 10 năm, 15 năm qua, vì vậy không muốn giậu đổ bìm leo”, Yu Bin nói.
Không có nhận xét nào