Header Ads

  • Breaking News

    Thảm hại: Thực tại & tương lai Trung Cộng

    DainamaxForum



    Đường tuyến Hồ Hoán Dung. 


    Hoa Kỳ đang ồn ào trôi vào một cuộc khủng hoảng khi cha con Tổng thống đương nhiệm cố tránh một vụ điều tra có chứng cớ ngay từ đầu, trong khi kẻ tiền nhiệm thì bị (lại) truy tố nữa khi ông chuẩn bị ra tái ứng cử vào năm tới… Dù các dấu hiệu đã được thấy từ cả chục năm rồi (trước 2015), hệ thống chính trị Mỹ không thể tồn tại như thế này: một giải pháp khác sẽ ra đời để Tổng thống đắc cử vào cuối thập niên này (2028) bắt đầu thực hiện…

    Từ nay tới đó, chúng ta có cơ hội kiểm nghiệm mấy điều dự đoán mà không nên quên vài yếu tố sau đây: (1) Hoa Kỳ có nền kinh tế giàu mạnh nhất trên một lãnh thổ rộng lớn và vuông vức; (2) có lực lượng quân sự mạnh nhất, kể cả hải quân và quân chủng đầu tiên của nhân loại là Không Gian; (3) được hai đại dương lớn nhất bảo vệ bên hai láng giềng yếu kém hơn mình; (4) có quyền tự do phát huy khả năng sáng tạo số một trong các quốc gia tiên tiến nhất của thế giới.

    Nhưng Hoa Kỳ là quốc gia quá trẻ - cỡ 250 năm so với các đế chế khác và chỉ dẫn đầu thế giới từ trăm năm - nên thiếu kinh nghiệm giữa hai phản ứng tâm lý của quần chúng là lạc quan thái quá rồi lại hốt hoảng khi thấy có thách đố mới. Do các đặc tính hiếm hoi về địa dư, lịch sử và văn hóa, nước Mỹ cứ bị chấn động xã hội vào mỗi chu kỳ nửa thế kỷ, gây ra mối nguy cho kinh tế và cơ chế liên bang chừng bảy tám chục năm. Rồi lại tìm ra nền tảng mới. 

    Hoa Kỳ đang ở vào giai đoạn bị thách đố và phải thoát xác như từng thấy trong lịch sử. Có lẽ điểm lật sẽ là cuối thập niên này...

    Trung Hoa không được như vậy dù đã góp phần phát minh ra nhiều điều cho nhân loại. Vì thế, chúng tôi muốn giới thiệu một cơn chấn động hụt là vụ “Diêm Thiết Luận” năm 81 trước Công nguyên. Mà Trung Cộng lại còn tệ hơn nhiều vì đáng lẽ lãnh đạo phải biết trước, từ khá sớm rồi. Kỳ này, ta sẽ nói về chuyện đó.

    Khởi đầu là địa dư hình thể: chúng ta thấy lãnh thổ Hoa Kỳ (trừ hai tiểu bang Alaska và Hawaii ở cách xa) có đặc tính vuông vức. Từ hai đại dương ở hai hướng Đông Tây vào đất liền thì trải qua hai rặng núi là khu vực rộng lớn toàn những bình nguyên có châu thổ đan kết của sáu dòng sông, thuận tiện cho đời sống, sản xuất và thống nhất tâm tư hay nét căn thuộc, căn cước (identity). Nói theo thành ngữ Trung Hoa, đây là một quốc gia khét tiếng là nhờ con người, chứ không nhờ núi cao nước sâu để gặp tiên hay rồng. 

    Chế độ liên bang của một nền cộng hòa làm nốt phần còn lại: duy trì nét riêng của từng tiểu bang trong một quốc gia thống nhất. Hoa Kỳ có một phát minh tuyệt vời là lập ra một nước không kể sắc tộc vì là nơi sinh sống của mọi chủng tộc đã định cư trước sau. Các nước như Ấn, Tầu, Nga, Anh, Ý… còn có một sắc tộc chính, được coi như làm chủ. Hoa Kỳ có một sắc tộc là… ‘dân Mỹ’ và một chủ nghĩa là tự do, nguồn gốc của kinh tế tư bản chủ nghĩa!

    Trung Hoa thì không, mặc dù từ thời Chiến Quốc (xin tạm lấy thời khoảng là từ năm 475 hay 403 tới 221 trước Công nguyên) văn hóa tư tưởng đã có “bách gia, chư tử”, trăm nhà và nhiều thầy. Mà sau cùng chỉ còn một thầy được tôn là Thánh, đức Thánh Khổng, làm bình phong cho một đấng siêu phàm là Thiên Tử, con của trời! Chính đức Thánh Khổng còn bảo “Trời có nói gì đâu!”

    Trời khỏi nói gì vì đã có thông dịch viên: một hệ thống chính trị cai trị và đàn áp với “lũ thông ngôn cho Thiên Tử”. Khi thiên tử là bù nhìn – cuối thời nhà Chu – đám thông ngôn leo lên làm vua và tranh nhau vị thế chư hầu trước sự câm nín bất lực của Thiên Tử. Ban đầu họ còn xưng là công, hầu, rồi lên tước vương, ngang hàng Thiên Tử và còn lên cao hơn thế: trở ngược về ngôi hoàng đế, ngang tầm Tam Hoàng, Ngũ Đế đời thượng cổ còn khuyết sử.

    Mà không chỉ thời Chiến Quốc mới cứ ưa chiến tranh. 

    Mỗi triều đại thành hình đều có vài chục năm yên bình, sau đó là nội loạn, rồi lại tàn sát để tranh giành quyền bính. Nếp văn hóa đó có ưu điểm là sáng tác rất nhiều về binh pháp và luận về đủ mọi khía cạnh của thuật chinh chiến. Làm đại học Mỹ đọc mệt nghỉ và - rất Mỹ - còn cho vào lãnh vực kinh doanh rút tỉa kinh nghiệm làm giàu…

    Hóa ra ‘dân giầu nước mạnh’ có thể là một tôn chỉ Hoa Kỳ!

    Trên kia vừa nói đến địa dư hình thể của Hoa Kỳ, bây giờ xin nói về Trung Hoa mà lại quá trễ cho lãnh đạo Trung Cộng! Năm 1934, nhà nhân khẩu học (chuyên nghiên cứu về dân số) Hồ Hoán Dung đã… xuýt làm nên lịch sử. 

    Ông Hu Huanyong sinh năm 1901 tại Giang Tô, và mất năm 1998. Tốt nghiệp sư phạm tại Đại học Nam Kinh về văn chương, lịch sử và địa dư, ông qua Pháp du học 1926-1928 tại Đại học Paris (sau cứ gọi là Sorbonne, một đại học cổ nhất của Pháp, thành lập từ thế kỷ 12). Ông trở về làm giáo sư tại Đại học Nam Kinh, rồi làm khoa trưởng phân khoa địa dư ở đây. Năm 1951, ba đại học là Đại học Thánh St. John (do người Mỹ theo đạo Tin Lành thành lập từ 1879!) và hai đại học Trung Hoa ra đời từ 1924, 1925 được sát nhập tại Thượng Hải thành Đại học Sư phạm Hoa Đông. Năm 1953 giáo sư Hồ Hoán Dung về đó giảng dạy và năm 1957 trở thành giám đốc một trung tâm nghiên cứu về địa dư dân số do ông góp phần thành lập ở đây.

    Ta nhớ Cộng hòa Nhân dân Trung Quốc mới ra đời từ năm 1949. Năm 1934, giáo sư Hồ Hoán Dung đã vẽ qua trí tưởng tượng một đường thẳng nối liền vùng Hắc Hà (Heihe) của tỉnh Hắc Long Giang tại biên giới với Nga trên vùng Đông-Bắc xuống tới huyện Đằng Xung (Tengshong) của Vân Nam, giáp giới Miến Điện trên vùng Tây-Nam. Năm sau, ông chính thức thông báo công việc đo đếm ước lượng ấy. Sau này, thế giới gọi đó là đường tuyến Hồ Hoán Dung (Hu Huanyong Line), hay Heihe-Tengchong Line, đường tuyến Hắc Hà – Đằng Xung. 

    Khi đó, ông Hồ đã tính ra diện tích trên hướng Tây của đường tuyến là 64% diện tích toàn quốc mà lại chỉ có 4% dân số. Bài toán địa dư thôi: phía Đông của đường tuyến là các bình nguyên được ba con sông tiêu tưới là Hoàng Hà, Dương Tử, Châu Giang với độ ẩm nhờ mưa càng thuận tiện cho canh tác. Phía Tây là vùng đất khô cằn của sa mạc và núi cao vực sâu nên là nơi khó sống.

    Nếu vẽ bản đồ “đẳng cao tuyến” về độ ẩm gọi là “isohyet” (iso là bằng nhau, hyet là mưa) của Trung Hoa ta cũng thấy ra… bản đồ mật độ dân số (bao nhiêu người sống trên một cây số vuông) và diện tích canh tác, từ đó dễ tìm ra cơ sở thực tế về lợi tức. 

    Khi đảng Cộng sản lên lãnh đạo xứ này và biến Trung Hoa thành Trung Cộng thì việc tái phân lợi tức lẫn dân số phải là một ưu tiên của chế độ có toàn quyền chứ? Thưa rằng không! 

    Tính đến năm 2015 – 80 năm sau ước tính của Hồ Hoán Dung - dân số sống tại hướng Tây của đường tuyến vẫn chỉ khoảng 6% dân số toàn quốc! Tức là 94% còn lại sống tại hướng Đông… Xin xem bản đồ đính kèm thì ta hiểu phần nào vì sao Tập Cận Bình u uẩn như… vừa đưa đám chính mình từ nghĩa trang về dinh! Phần nào thôi. Vì…


    Đồ biểu về dân số của sáu nước trong 100 năm:

    Theo thống kê gần nhất của Ngân hàng Thế giới (World Bank, năm 2021) sản lượng trung bình một người dân Trung Quốc vẫn thuộc mức thấp trong các nước kỹ nghệ hóa, chỉ có 12.600 đô la một năm, so với 69.300 đô la của Mỹ. Giới kinh tế dùng số này thay cho năng suất một đầu người. Đế quốc Điền Đô, là đồ điên, chỉ vì thần dân bá tánh vẫn còn đái lè tè chưa qua tầm cỏ.

    Dĩ nhiên là đồ điên nên hùng hổ cãi: tại các tỉnh miền Đông số đó cao gấp bốn lận, hơi giống bốn lần! Rồi làm chứng: Tổng sản lượng chính thức năm 2021 của người dân Bắc Kinh tương đương với 28.611 đô la (số đó tại tỉnh nghèo nhất là Cam Túc chỉ là 6.361 đô la). Đế quốc Điền Đô tự xưng là xây dựng xã hội chủ nghĩa, lấy công bằng xã hội là chủ trương căn bản nên mới được vậy?

    Thật ra, đấy không là tư bản chủ nghĩa mà là… “tư lù chủ nghĩa”!

    Vì 20 năm trước, Hồ Cẩm Đào và Ôn Gia Bảo cùng than mà vẫn thở về nền kinh tế “bốn không” của xứ sở: không cân đối, không phối hợp, không công bằng và không bền vững. Tập Cận Bình lên thay họ cả chục năm rồi mà chưa cải tiến được gì, nói chi đến “Tuyến Hắc Hà – Đằng Xung” vẽ ra từ thế kỷ trước?

    Khi nhìn vào khác biệt về lợi tức và nhận thức của từng khu vực địa dư, chúng ta hiểu vì sao Trung Cộng không thoát khỏi “cái bẫy lợi tức trung bình” để vươn lên thành quốc gia có lợi tức cao. 

    Điều nguy hiểm cho chế độ là khu vực miền Đông gần vùng duyên hải, có thể ra khỏi bẫy, nhưng để lại một số đông đảo nghèo khốn trong các tỉnh bị khóa trong lục địa. Họ Tập có ngồi trên ngai còn lớn hơn Tần Thủy Hoàng Đế vẫn cứ thao thức vì sợ biến động xã hội sẽ cản trở nỗ lực giải quyết bài toán lão hóa dân số. Mà làm sao đưa xứ sở vượt Mỹ lên hạng nhất thế giới trong khi vẫn thuyết phục người dân phải chấp nhận ách độc tài toàn trị?

    Khi đó, chính lịch sử Trung Hoa lại là mối lo ngàn đời: giới thông ngôn của Thiên Tử muốn vật Thiên Tử để thành lãnh chúa, rồi lãnh tụ, và Hoàng Đế. Ngày nay, các Trung ương Ủy viên là giới thông ngôn có lắm tiền và lắm quyền, nên cũng nuôi tham vọng…

    Họ ngẫm nghĩ và biết đếm.

    Hai năm sau khi Mao chết, Đặng Tiểu Bình mới giành lại quyền lực, rồi xứ này mới nhúc nhích khi Đặng tiến hành cải cách và cởi mở từ đầu năm 1979. Quãng 20 năm sau, lãnh tụ Giang Trạch Dân thấy ra vấn đề và mở chiến dịch “Tây Tiến” từ 1999 để cố mở mang các khu vực nghèo tại hướng Tây. Đến năm 2004, họ lập thí điểm phát triển sáu tỉnh là Hồ Nam, Hà Bắc, Sơn Tây, An Huy, Giang Tây và Hà Nam, gọi chiến dịch là “Sự Lớn Mạnh Tại Trung Tâm Trung Quốc”. 

    Cũng lại “chiến” nữa… mà chẳng tới đâu vì gặp nhiều khó khăn và đem lại kết quả thấp hơn sự chờ đợi của trung ương. Còn các địa phương bị khóa trong đất liền và ở miền Tây lại thất vọng nữa.

    Chuyện còn đáng ngại hơn – vì đã xảy ra trong lịch sử - là tinh thần cát cứ địa phương lại dẫn đến phân hóa và tê liệt khi các tỉnh trù phú vùng duyên hải miền Đông trở nên giàu có và hướng ngoại vì mơ ước theo kịp thế giới. Họ không muốn chia sẻ gánh nặng về ngân sách và tín dụng với các tỉnh nghèo ở trong là vấn đề đã thấy từ 2004. 

    Tập Cận Bình muốn tập trung quyền lực cũng để diệt trừ mầm phân liệt đó. Nhưng nào chỉ có chuyện địa dư? Còn sắc tộc nữa!

    Tinh thần cát cứ địa phương lại hòa chung với mâu thuẫn sắc tộc: xin trở lại đường tuyến Hồ Hoán Dung với hai khu vực Đông-Tây tạm gọi là Trong-Ngoài. ‘Trong’ là vùng trù phú tại hướng Đông, nơi tập trung Hán tộc, ‘Ngoài’ là vùng khô cằn, đất sống của ‘dị tộc’. Hán tộc chiếm tới 92% dân số Trung Hoa, nhưng 8% dị tộc lại sống nhiều ở phía Tây của đường tuyến. Mà dù cùng là Hán tộc, mỗi cộng đồng lại có sắc thái và cả phương ngữ (ngôn ngữ địa phương) khác biệt. Chỉ riêng hai tiếng Quan thoại (mandarin) và Quảng Đông cũng chứa đựng mầm dị biệt Bắc-Nam.

    Bây giờ, đảng muốn thống nhất Hán tộc và phát huy chủ nghĩa Đại Hán nhuốm mùi Phát xít như quốc sách vì cơ sở ‘duy tâm’ đó chi phối canh nông, lương thực, kinh tế lẫn phân phối và cả an ninh trên toàn quốc. Hóa ra đảng khuếch trương tinh thần duy tâm chủ quan vì sợ hãi!

    Tại sao như vậy? Tại vì học từ Mao Trạch Đông hay Tần Thủy Hoàng Đế! Cuộc “Vạn lý Trường chinh’ của Mao khai thác nông dân lầm than đói khổ bên trong làm đám lính chân đất tấn công các đô thị đã phát triển thịnh vượng ở vùng duyên hải. Nước Tần cũng mất trăm năm để từ khu vực lạc hậu nhất trở thành cường quốc, cho Tần Thủy Hoàng Đế sau này “gồm thâu lục quốc”!

    Chính vì các bài học lịch sử đó mà đảng Cộng sản Trung Hoa sợ nạn dị biệt rồi thất quân bình giữa các khu vực hay sắc tộc. Đâm ra, dân thiểu số Tây Tạng hay Duy Ngô Nhĩ (Hồi Hột và Đột Quyết là tên cũ của Uighurs) là mối nguy mà chưa đáng sợ bằng mâu thuẫn giữa người Hán với nhau.

    Làm sao trở thành cường quốc khi dân số co cụm vì bị lão hóa và hệ thống cai trị thì nhìn đâu cũng thấy kẻ thù? Bài này đã quá dài (gần 2.600 chữ), nên xin đi ngay vào kết luận… tạm, tuần sau sẽ phân tách nữa về tâm tư Tập Cận Bình:

    - Cuối Tháng Năm (mươi hôm trước thôi), tờ Nhân Dân Nhật báo trích dẫn lời hiệu triệu của họ Tập cho giới trẻ: ‘hãy ngậm đắng nuốt cay không phải một lần, mà gấp năm’!

    - Lý do kỳ lạ và bất ngờ là khi tạp chí The Economist có một bài về dân số trong thế kỷ 21. Lấy cơ sở là chỉ số 100 vào năm 2000 thì dân số Hoa Kỳ tới năm 2100 sẽ tăng cao nhất, là gần 140, của Brazil là quãng 105. Bốn nước còn lại đều sụt (quãng 60, dưới chỉ số 100), theo thứ tự sụt giảm từ nhẹ tới nặng là Ý, Trung Quốc, Nhật Bản và Nam Hàn.

    - Người ta cứ tưởng sức mạnh của Trung Cộng là dân số, nào ngờ lại sa sút như vậy. Mà chưa hết vì quy luật “gieo gió gặt bão”: nền kinh tế suy sụp vì đại dịch từ Tháng 11 năm ngoái; Tháng 12 vừa qua, hơn 200 triệu dân Trung Quốc nhiễm bệnh COVID-19 trong có 20 ngày. Một chuyên gia về phổi nổi tiếng của chế độ là giáo sư Chung Nam Sơn (Nanshan Zhong) tiên đoán rằng đến cuối tháng này, 65 triệu người Hoa sẽ bị nhiễm bệnh…

    - Vân vân và vân vân…

    Bây giờ, có lẽ quý vị thông cảm khi tôi phải tìm hiểu và giới thiệu về Diêm Thiết Luận rồi bị thời cuộc của Trung Cộng qua mặt mà không bóp kèn! Tuần sau ta sẽ tính thêm… Bây giờ ta đăng, rồi sửa dần.

    __


    DainamaxForum


    Không có nhận xét nào