Thăm Hà Nội, thủ tướng Úc thưởng thức bia hơi, bánh mì và chờ ngoại giao Úc-Việt nâng tầm trong 'vài tháng tới'
BBC News
Nguồn hình ảnh, Getty Images
Chụp lại hình ảnh,
Năm 2023 là năm kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 5 năm thiết lập quan hệ 'Đối tác chiến lược' giữa Úc và Việt Nam
Thủ tướng Anthony Albanese mong muốn đưa quan hệ hai nước lên mức cao nhất là 'Đối tác chiến lược toàn diện' trong chuyến công du hai ngày đến Việt Nam, kết thúc vào hôm nay.
Cho đến nay, Việt Nam chỉ mới thiết lập quan hệ 'Đối tác chiến lược toàn diện' với Trung Quốc (năm 2008), Nga (năm 2012), Ấn Độ (năm 2016) và Hàn Quốc (năm 2022).
Năm 2023 là năm kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 5 năm thiết lập quan hệ 'Đối tác chiến lược' giữa Úc và Việt Nam.
Trước chuyến thăm của Thủ tướng Albanese, Toàn quyền Úc, David Hurley cũng đã có chuyến thăm Việt Nam vào đầu tháng Tư.
Quan hệ kinh tế giữa hai quốc gia phát triển mạnh, khi Úc và Việt Nam đều nằm trong top 10 đối tác thương mại hàng đầu của đôi bên.
Việt Nam và Úc đã thông qua 'Chiến lược tăng cường hợp tác kinh tế năm 2021, cũng như cơ hội hợp tác mới trong lĩnh vực chuyển đổi năng lượng và khai khoáng, nhất là đất hiếm.
Triển vọng 'rất sáng sủa'
Nguồn hình ảnh, Getty Images
Chụp lại hình ảnh,
Ông Albanese thưởng thức bia hơi và ăn bánh mì ở Đường Thành, Hà Nội vào ngày 03/06
Hình ảnh ông Albanese thưởng thức bia hơi, hô "một, hai, ba dô!", ăn bánh mì ngay giữa những ngày hè ở Hà Nội đã thu hút sự quan tâm của dư luận Việt Nam vì sự thân thiện của nhà lãnh đạo Úc.
Ông Albanese viết trên Twitter, "99% bia Việt Nam được ủ từ đại mạch Úc, và nhiều chiếc bánh mì của Việt Nam cũng làm từ lúa mì Úc. Bánh mì và bia thậm chí ngon hơn khi biết rằng chúng được làm từ lúa mì và đại mạch Úc."
Từ năm 2022, trong chuyến thăm chính thức của Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Vương Đình Huệ, Việt Nam và Úc đã đạt được đồng thuận về việc nâng cấp quan hệ hai nước lên thành đối tác chiến lược toàn diện trong dịp hai nước kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, nghĩa là trong năm 2023 này.
Từ Úc, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Hải, từ Đại học Queensland bình luận triển vọng nâng cấp quan hệ giữa hai nước trong năm nay là "rất sáng sủa", và có ba căn cứ để ông đưa ra nhận định này.
"Thứ nhất, Việt Nam và Úc đã nhất trí nâng cấp quan hệ trong năm 2023. Thứ hai, Thủ tướng Albanese đã phát biểu tại Hà Nội rằng hai thủ tướng đã bàn việc nâng cấp quan hệ sẽ diễn ra sớm nhất có thể để gửi đi tín hiệu về lòng tin của hai nước với nhau như là những đối tác hàng đầu và với tư cách là những người bạn trường tồn cùng nhau. Thứ ba, Thủ tướng Albanese đã mời Thủ tướng Phạm Minh Chính sang thăm Úc trong năm 2023 và Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhận lời", ông nói với BBC News Tiếng Việt.
Nhà nghiên cứu Hạnh Nguyễn, từ Viện Pacific Forum, nghiên cứu sinh tiến sĩ tại trường Đại học Quốc gia Úc nhận định Việt Nam và Úc có quan hệ song phương tốt và không vấp nhiều vấn đề bất đồng lớn.
"Do đó, tôi nghĩ việc nâng cấp quan hệ chỉ là vấn đề thời gian, có thể là vào năm 2024 nhân dịp Commemorative Summit hoặc nếu Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thăm Úc trong năm nay", bà Hạnh Nguyễn cho biết.
Từ đầu năm nay, đã có dự đoán từ các chuyên gia về việc nâng cấp quan hệ song phương sẽ diễn ra hoặc trong chuyến thăm của Thủ tướng Albanese sang Việt Nam, hoặc trong chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính sang Úc. Thế nhưng tuyên bố nâng cấp đã không diễn ra trong chuyến thăm của Thủ tướng Albanese lần này đến Việt Nam.
"Điều này có nghĩa là việc nâng cấp được trông đợi sẽ diễn ra trong chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính sang Úc. Vì quan hệ đặc biệt và ý nghĩa của việc nâng cấp quan hệ, tôi cho rằng Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ sang thăm Úc vào mấy tháng tới. Còn việc tham dự Hội nghị Thượng đỉnh kỷ niệm 50 năm quan hệ đối thoại Úc và ASEAN vào tháng 3 năm 2024 là một việc khác. Tôi không nghĩ là hai bên muốn kết hợp hai việc làm một", Tiến sĩ Nguyễn Hồng Hải cho biết.
Nguồn hình ảnh, Getty Images
Chụp lại hình ảnh,
Ông Albanese viết trên Twitter, "99% bia Việt Nam được ủ từ đại mạch Úc, và nhiều chiếc bánh mì của Việt Nam cũng làm từ lúa mì Úc. Bánh mì và bia thậm chí ngon hơn khi biết rằng chúng được làm từ lúa mì và đại mạch Úc."
'Nhất quán' về Biển Đông
Phát biểu trong họp báo chung với Thủ tướng Úc, người đồng cấp Việt Nam, Phạm Minh Chính tái khẳng định tầm quan trọng của việc đảm bảo hòa bình, ổn định, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông. Hai bên cũng nhắc lại sự cần thiết hải giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS 1982.
Khi trả lời câu hỏi của báo chí, Thủ tướng Albanese nói "chúng ta cần đảm bảo rằng Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển được áp dụng. Chúng ta cần đảm bảo rằng mọi hoạt động, hàng hải và hàng không trong khu vực, đều hoạt hoạt động một cách an toàn", và "chúng tôi ủng hộ Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển. Chúng tôi ủng hộ tự do hàng hải ở Biển Đông, và chúng tôi nhất quán về vấn đề này cả trong quan điểm và hành động".
Úc được đánh giá đang muốn làm 'tan băng' trong quan hệ ngoại giao với Trung Quốc sau ba năm căng thẳng thương mại khi Bắc Kinh ban hành các lệnh cấm chính thức hoặc không chính thức, trị giá hàng tỷ USD nhằm vào mặt hàng từ Canberra như than đá, lúa mì, rượu vang, tôm hùm liên quan đến cuộc điều tra nguồn gốc Covid từ thời cựu Thủ tướng Scott Morrison.
Ngày 02/06, phát biểu trong phiên khai mạc Đối thoại Shangri-La tại Singapore, ông Anthony Albanese nói "Chúng tôi có mối quan hệ cải thiện với Trung Quốc, chúng tôi muốn hợp tác ở nơi nào có thể với Trung Quốc".
Tiến sĩ Nguyễn Hồng Hải đánh giá về sự tan băng ngoại giao giữa hai nước xuất phát từ cả Úc và Trung Quốc vì có lợi cho cả hai bên.
"Cách tiếp cận của chính phủ Công Đảng của Thủ tướng Albanese thận trọng và có cân nhắc, mềm dẻo hơn nên bên ngoài cho là chỉ có Úc muốn tan băng. Chính phủ Úc đã nhiều lần nói họ sẽ hợp tác với Trung Quốc ở những điểm có thể hợp tác và vẫn bày tỏ quan điểm ở những vấn đề cần phải thể hiện."
"Tôi lấy ví dụ mặc dù Úc muốn cải thiện quan hệ thương mại với Trung Quốc, nhưng yêu cầu Trung Quốc trước hết phải bãi bỏ áp đặt thương mại. Họ mềm dẻo nhưng có nguyên tắc, chứ không phải sẵn sàng từ bỏ lợi ích và nguyên tắc. Tôi cho rằng Úc giờ đây đã có nhận thức khác về Trung Quốc. Úc không còn đơn thuần quan hệ với Trung Quốc chỉ vì lợi ích thương mại, mà giờ đây quan hệ với Trung Quốc còn là vấn đề an ninh quốc gia. Sự thay đổi về nhận thức này phù hợp với sự thay đổi và trỗi dậy không hòa bình của chính Trung Quốc", nhà khoa học chính trị từ Đại học Queensland cho biết thêm.
Nguồn hình ảnh, Getty Images
Chụp lại hình ảnh,
Ngày 02/06, phát biểu trong phiên khai mạc Đối thoại Shangri-La tại Singapore, ông Anthony Albanese nói "Chúng tôi có mối quan hệ cải thiện với Trung Quốc, chúng tôi muốn hợp tác ở nơi nào có thể với Trung Quốc"
Nhà nghiên cứu Hạnh Nguyễn nhận định dựa trên phát biểu của Thủ tướng Albanese tại Đối thoại Shangri-La năm 2023, có thể thấy chính quyền của ông sẽ theo đuổi một chính sách "có phần cân bằng hơn" so với người tiền nhiệm Scott Morrison, nhất là trong quan hệ với Trung Quốc.
"Điều này không có nghĩa là Úc sẽ chấp nhận hay không có phản ứng đối với các yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông, vì nước này vẫn tiếp tục thúc đẩy hợp tác quốc phòng với Mỹ và các đồng minh khác của Mỹ như Nhật Bản và Philippines, như cuộc gặp gần đây giữa bộ trưởng quốc phòng của bốn nước này bên lề Đối thoại Shangri-La. Úc và Nhật Bản trong hai năm vừa qua cũng ký kết hai thỏa thuận hợp tác quốc phòng và an ninh. Cách tiếp cận của Úc với Trung Quốc sẽ trở nên linh hoạt hơn, vì dù sao Trung Quốc vẫn là đối tác thương mại hàng đầu của Úc."
"Trong bối cảnh này, Việt Nam nên tiếp tục tăng cường hợp tác an ninh quốc phòng với Úc, nhất là trong các lĩnh vực như tăng cường năng lực hàng hải giúp nâng cao năng lực của lực lượng Cảnh sát Biển Việt Nam để đối phó với các thách thức an ninh hàng hải, bao gồm cả việc Trung Quốc thường xuyên cử tàu khảo sát vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam trên Biển Đông", bà Hạnh Nguyễn nói với BBC News Tiếng Việt.
Tiến sĩ Nguyễn Hồng Hải đánh giá chính sách của Úc về Biển Đông sẽ "vẫn nhất quán" dù mối quan hệ sẽ nồng ấm hơn với Trung Quốc.
"Điều này có lợi cho cả Úc, vì Biển Đông đóng vai trò quan trọng cho thương mại của Úc. Nếu có sự thay đổi nào trong cách tiếp cận vấn đề Biển Đông của Úc thì đó chỉ là sự thay đổi trong cách thể hiện quan điểm. Chính phủ Công Đảng của Thủ tướng Albanese có cách tiếp cận thận trọng và phản ứng nhẹ nhàng hơn, không gay gắt như chính phủ tiền nhiệm. Nhưng điều đó không có nghĩa là Úc thiếu sự nhất quán và quyết đoán trong vấn đề Biển Đông", Tiến sĩ Hồng Hải cho biết.
'Không áp đặt' trong nhân quyền
Nguồn hình ảnh, Getty Images
Chụp lại hình ảnh,
Ông Albanese và người đồng cấp Việt Nam, Phạm Minh Chính tại trường Quốc tế Liên Hiệp Quốc (United Nations International School - UNIS) ở Hà Nội vào ngày 04/06
Liên quan vụ ông Châu Văn Khảm, một công dân Úc 73 tuổi, bị chính quyền Việt Nam bắt vào năm 2019, và đang thụ án 12 tù giam vì bị kết tội có liên quan đến tổ chức Việt Tân, ông Albanese nói hôm 03/06 sẽ hối thúc phía Việt Nam trong các cuộc họp, theo ABC News.
"Úc luôn luôn đề cập đến vấn đề nhân quyền cho công dân Úc, và chúng tôi đề cập đến một cách thích hợp và mang tính ngoại giao để cố gắng đảm bảo một kết quả tích cực," ABC News dẫn lời ông Albanese.
Đối thoại nhân quyền lần thứ 18 giữa Việt Nam và Úc đã diễn ra vào ngày 24/04 tại Hà Nội. Theo tuyên bố từ phía Úc thì hai bên đã có cuộc trao đổi thẳng thắn và chân thành liên quan đến nhiều vấn đề.
Thủ tướng Úc đã công bố gói hỗ trợ 105 triệu AUD cho Việt Nam để chống biến đổi khí hậu. Ông tuyên bố "Úc và Việt Nam cam kết phối hợp cùng nhau để giải quyết các thách thức trong tương lai, bao gồm khủng hoảng khí hậu. Úc cam kết trở thành một siêu cường năng lượng tái tạo và ủng hộ các đối tác trong khu vực khi họ chuyển sang net zero [cắt giảm khí thải xuống gần bằng không]."
Gần đây đã xảy ra vụ bắt giữ liên tiếp những nhà hoạt động môi trường trong bối cảnh Việt Nam đang đàm phán với quốc tế để nhận được 15,5 tỷ USD tài trợ để thực hiện chuyển đổi từ điện than sang năng lượng sạch. Nhà hoạt động Hoàng Minh Hồng, người sáng lập tổ chức CHANGE là cá nhân mới nhất bị bắt giữ.
Trong khi đó, nhà hoạt động Đặng Đình Bách đã tuyên bố "tuyệt thực đến chết trong tù", ông Mai Phan Lợi, ông Bạch Hùng Dương đang thụ án, bà Ngụy Thị Khanh vừa được trả tự do.
Mặc dù nước Úc không trong nằm danh sách quốc gia trong gói tài trợ (Just Energy Transition Partnership - JETP) hơn 15 tỷ USD dành cho Việt Nam nhưng BBC News Tiếng Việt đặt câu hỏi cho các chuyên gia rằng liệu nước Úc sẽ vẫn kiên trì đối thoại với phía Hà Nội thay cho áp lực, hoặc có khả năng Úc sẽ sử dụng đòn bẩy ngoại giao giữa môi trường và nhân quyền hay không.
Trước câu hỏi này, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Hải đánh giá nước Úc lâu nay "vẫn có cách tiếp cận tôn trọng và không áp đặt" trong vấn đề nhân quyền và sẽ tiếp tục xu hướng này.
"Có thể vấn đề nhân quyền được nêu ra trong quan hệ song phương, chẳng hạn như hai bên cũng mới tổ chức đối thoại nhân quyền lần thứ 18, nhưng sẽ không có việc làm tổn hại uy tín của nhau. Tôi nghĩ, cách tiếp cận như vậy là phù hợp và thỏa đáng. Tại sao hai nước là đối tác chiến lược của nhau, xem nhau là bạn bè, mà có vấn đề khác biệt lại không thể ngồi lại với nhau để trao đổi thẳng thắn trên tinh thần xây dựng và lắng nghe để cùng giải quyết. Tôi tin vào cách tiếp cận đối thoại, và chính Thủ tướng Albanese cũng ủng hộ việc đối thoại trong giải quyết sự khác biệt", ông cho biết.
https://www.bbc.com/vietnamese
Không có nhận xét nào