Nguyễn Văn Chữ
(Bức tranh “Chiến hạm Hà Lan trong cơn bão” của họa sỹ Hà Lan Hendrick Cornelisz Vroom, 1562 – 1640)
Đặt Vấn Đề
Biển Đông là khu vực rất quan trọng. Tại đây, các cường quốc đang triển khai nhiều động tác kinh tế, ngoại giao và quân sự cho khu vực Châu Á Thái Bình Dương. Trong sự tranh giành quốc tế này, mặc dù Việt Nam tuyên bố theo đuổi chính sách “ba không” nhưng sẽ không tránh khỏi nhiều sức ép từ nhiều phía.
Trong khi đó, mặc dù Mỹ đang là một siêu cường nhưng, trong các thập niên qua, dường như Mỹ theo đuổi chính sách ngoại giao mang bản chất trao đổi để thỏa mãn những mục tiêu cụ thể của từng giai đoạn. Tiêu biểu cho chính sách ngoại giao giai đoạn này là cách hành xử của chính phủ Mỹ tại Afganistan, Iraq, Syria, Venezuela, Ukraine, Bắc Hàn.
Một vấn đề phức tạp Mỹ- Trung và là nét đậm thực chất của cuộc “thương chiến” Mỹ- Trung không phải chỉ hạn hẹp đóng khung trong khía cạnh thương mại hay kinh tế. Định kiến cho rằng cuộc tranh chấp Mỹ-Trung đặt trọng tâm vào ý thức hệ xung khắc và dị biệt giữa hai quốc gia tư bản và cộng sản cũng không phản ảnh đúng và đủ về các điều kiện địa lý chính trị hay địa lý chiến lược.
Việt Nam và Đài Loan cũng như toàn khối ASEAN là láng giềng của môt bá quyền Trung Quốc to lớn. Vị thế này đồng dạng với Phần Lan, toàn khối Đông Âu với đế quốc đầy tham vọng Liên bang Xô viết ngày xưa và Ukraine với Nga ngày nay. Giải pháp Phần Lan Hóa đã từng được đề nghị như là một giải pháp tiềm năng cho các quốc gia này. Con đường dẫn tới Phần Lan Hóa có thể là một trong các chính sách ngoại giao được đề nghị trong tương lai bởi một hay một nhóm của thành phần can dự vào khu vực Đông Nam Á.
Phần Lan Hóa là chính sách ngoại giao không được diễn tả phổ quát trên truyền thông và hàm chứa nhiều vấn đề có cả tích cực lẫn tiêu cực. Đồng thời, Forsberg và Pesu (2016) chỉ ra rằng các bình luận về chủ đề Phần Lan Hóa thường xem đề tài này như một lý tưởng trừu tượng mà không bàn luận gì về ảnh hưởng của Phần Lan Hóa đến chính Phần Lan. Một số học giả, Mouritzen (1988) chẳng hạn, thậm chí đã sử dụng khái niệm này để xây dựng một lý thuyết tổng quát về thích ứng chính trị (a generalised theory of political adaptation). Và, Eric Nordlinger (1996) cũng đã dùng khái niệm này để đưa ra lý thuyết Chủ Nghĩa Biệt Lập Tái Định Hình (Isolationism Reconfigured).
Có lẽ đây sẽ là một đôi điều để nhớ cho tương lai và ngày mai sẽ khác với hôm nay như Heraclitus đã nói “Không ai tắm hai lần trong cùng một dòng sông.” Do đó, ở đây chúng tôi chỉ bàn một cách đại cương để thỏa mãn phần nào sự hiếu kỳ, qua những dòng sau đây người viết sẽ ngắn gọn duyệt qua. Nội dung bài viết gồm những phần sau đây.
Phần Lan Hóa Và Các Vấn Đề Tiềm Ẩn:
Các vấn đề Phần Lan Hóa;
Nguyên nhân cho một lân bang của TC, như VN, có thể phải đối mặt với kịch bản này;
Các vấn đề tiềm ẩn trong Phần Lan Hóa; và, sau cùng,
Một Trong Các Kịch Bản Mà Một Lân Bang Của TC, Như Việt Nam, Có Thể Phải Ứng Xử:
Các vấn đề chung của các lân bang của TC;
Các vấn đề thêm cho VN.
Thay lời kết.
Dưới đây là phần đầu của bài.
Phần Lan Hóa Và Các Vấn Đề Tiềm Ẩn
Sơ lược các vấn đề Phần Lan Hóa
“Phần Lan Hóa” là thuật ngữ mô tả hiện tượng xảy ra khi một quốc gia nhỏ, do sống kề cận với một nước láng giềng lớn và hung hăng, nên phải chấp nhận giảm chủ quyền của mình, đặc biệt là trong lãnh vực chính sách đối ngoại, để duy trì độc lập một cách tương đối.
Gilley (2010) cho rằng thuật ngữ này bắt nguồn từ thỏa thuận năm 1948 của Phần Lan với Liên bang Sô Viết (LBSV), theo đó Helsinki đồng ý không tham gia các liên minh thách thức Mạc Tư Khoa hoặc làm đồng minh với bất kỳ quốc gia nào thách thức quyền lợi của Liên bang Sô Viết (LBSV). Đổi lại, Điện Cẩm Linh đồng ý duy trì quyền tự trị và tôn trọng hệ thống dân chủ của Phần Lan.
Kirchick (2014) cũng như Forsberg và Pesu (2016) lập luận rằng, tại Phần Lan, thuật ngữ Phần Lan Hóa có xu hướng là một danh từ miệt thị (pejorative) vì những tác động tiêu cực của nó đối với chính trị trong nước Phần Lan. Chính quyền Phần Lan luôn biện minh cho chính sách ngoại giao Phần Lan Hóa, chẳng hạn nhà ngoại giao quá cố của Phần Lan, Max Jakobson (1980) phàn nàn rằng tên gọi “Phần Lan Hóa” là một “loại lén lút sát hại uy tín” (kind of character assassination) được triển khai “để biểu thị sự phục tùng tuyệt đối sự thống trị của Liên Sô.”
Forsberg và Pesu (2016) chỉ ra rằng cũng có nhiều bình luận gia viện dẫn các lý do sau đây để kết luận rằng chính sách ngoại giao của Phần Lan là một thành công: quốc gia này đã bảo tồn hệ thống dân chủ, thịnh vượng về kinh tế, củng cố vị thế quốc tế của mình. Một số trong các bình luận gia này còn cho rằng, trong thời kỳ chiến tranh lạnh, “bảo toàn (survival)” được nền dân chủ đã đủ để xem Phần Lan Hóa là thành công rồi. Và, ngày nay người Phần Lan có mức độ hạnh phúc, do họ tự đánh giá, cao nhất thế giới.
Nguyên nhân cho kịch bản Phần Lan Hóa mà một quốc gia như Việt Nam có thể phải đối mặt
Bảng 1: Dữ liệu thống kê-Kinh tế, Địa lý, Chính trị và Giáo dục
Nguồn: IMF, World Bank, CIA World Factbook, nhiều nguồn khác, và người viết chiết tính.
Ghi Chú: * CIA World Factbook.
Bảng 1 tóm lược dữ liệu thống kê giữa Việt Nam với Trung Cộng ngày nay và Phần Lan với LBSV đưa đến chính sách ngoại giao mệnh danh là “Phần Lan Hóa” và dữ kiện về kinh tế, chính trị cũng như giáo dục ngày nay.
Sau một thời gian vắng bóng, “Phần Lan Hóa” đã trở thành một từ thông dụng và một giải pháp có tiềm năng cao. Gilley (2010) bàn đến Phần Lan Hóa đối với Đài Loan và các lân bang Đông Á. Còn Kaplan (2014) lập luận rằng vận mệnh và tình trạng Việt Nam bị Trung Quốc “Phần Lan Hóa” tùy thuộc vào khả năng giữ thế thượng phong quân sự của Mỹ tại Thái Bình Dương trong thế kỷ thứ 21. Cũng trong năm 2014, hai cựu cố vấn an ninh quốc gia kỳ cựu của Hoa Kỳ, Zbigniew Brzezinski và Henry Kissinger, đã đề xuất rằng Phần Lan Hóa có thể đóng vai trò là hình mẫu cho vị thế quốc tế của Ukraine.
Các vấn đề Phần Lan Hóa
Trở lại vấn đề chọn lựa của công dân trong một quốc gia như Việt Nam, trội điểm nơi đây là hệ quả của sự chọn lựa đến chủ quyền quốc gia và lợi ích dân tộc. Laqueur (1977) chỉ ra rằng tuy Phần Lan cố gắng giữ vị thế độc lập của mình, đã phải trả các giá sau đây:
Mặc dù trên danh nghĩa, Phần Lan là một quốc gia trung lập, nhưng không hoàn toàn độc lập đối với LBSV, vì Phần Lan phải thi hành nhiều “nghĩa vụ đặc biệt” do LBSV quy định:
Phần Lan không được phản đối bất kỳ sáng kiến về chính sách đối ngoại lớn nào của LBSV hoặc tham gia vào bất kỳ cam kết nào mà không có sự chấp thuận của LBSV, và Phần Lan phải hỗ trợ tích cực cho một số khía cạnh của chính sách đối ngoại của Liên Xô.
Nga chiếm giữ vùng Karelia, 11% lãnh thổ của Phần Lan, 30% sản lượng kinh tế, và gây cuộc di cư của 500.000 người Phần Lan (25% dân số) để tránh chế độ cộng sản. Đồng thời LBSV cũng chiếm bán đảo Hanko của Phần Lan để xây một quân cảng hầu khống chế vùng biển Baltic và các quốc gia Bắc Âu.
Phần Lan được phép có một quân đội, nhưng chỉ trong giới hạn do LBSV đặt ra.
Tuy không có sự can thiệp trực tiếp về kiểm duyệt của LBSV, nhưng người Phần Lan được cho là tự kiểm duyệt. Sự tham gia của đảng viên cộng sản vào chính phủ là không hoàn toàn bắt buộc, nhưng các chính khách Phần Lan được yêu cầu không chính thức đưa ra tuyên bố thường xuyên nhấn mạnh mối quan hệ thân thiện và cùng có lợi của họ với LBSV.
Phần Lan lúc đó được dự kiến sẽ có mối quan hệ thương mại chặt chẽ với khối cộng sản, nhưng về mặt này, không có quy tắc cứng và nhanh, và áp lực đã trở nên lỏng lẻo hơn trong các lĩnh vực khác – có lẽ theo quan điểm về tầm quan trọng hạn chế của Phần Lan với tư cách là đối tác thương mại và năng lực hạn chế của COMECON trong việc cung cấp hàng tiêu dùng.
Laqueur (1977) cũng cho rằng “Điều quan trọng hơn tính trung lập là vấn đề tự̣ do, có liên quan thực tế ngay lập tức đến đời sống chính trị, xã hội và văn hóa của người dân Phần Lan. So với các quốc gia vệ tinh Đông Âu của LBSV, Phần Lan vừa độc lập vừa tự do. Quốc gia này có nhiều đảng chính trị (10 đảng), và nhiều cuộc bầu cử tự do. Các cơ chế của Phần Lan đặt trên nền tảng dân chủ, và hiến pháp được triệt để tôn trọng. Không có vụ bắt giữ tùy tiện; trên thực tế, không ai từng bị tống vào tù vì lý do chính trị. Người Phần Lan có thể tự do đi du lịch nước ngoài. Phần lớn nền kinh tế Phần Lan không bị quốc hữu hóa, một nếp sống văn hóa mạnh mẽ, và ảnh hưởng của LBSV đối với quốc gia này không mang tính chất áp đảo. Sách và báo nước ngoài tự do phổ biến một cách rộng rãi. Nói tóm lại, Phần Lan được hưởng các quyền tự do tương tự như các quốc gia phương Tây.”
Nhưng có một mặt khác của bức tranh, ít nhìn thấy hơn nhưng luôn hiện diện đó là Mạc Tư Khoa đã nhiều lần can thiệp vào nội tình của Phần Lan một cách trắng trợn. Các trường hợp can thiệp trắng trợn nhất của LBSV xảy ra vào năm 1958, khi LBSV yêu cầu chính phủ Fagerholm Dân Chủ Xã Hội từ chức, và vào năm 1961, khi Nga đe dọa viện dẫn hiệp ước năm 1948 trừ khi Kekkonen được tái đắc cử tổng thống.
Ảnh hưởng của LBSV thể hiện theo vô số cách. Trong cuộc sống chính trị Phần Lan, lòng trung thành với LBSV không nhất thiết, nhưng nếu bị xếp vào thành phần các chính trị gia “chống Liên Xô” thì cơ hội của họ khi theo đuổi một sự nghiệp quan trọng trong chính trị và chính phủ trở nên mỏng manh.
Forsberg và Pesu (2016) chỉ ra một đặc điểm quan trọng của Phần Lan Hóa mà các nhà phê bình cho là thoái hóa; đó là sự tự kiểm duyệt (self-censorship) của các phương tiện truyền thông Phần Lan. Trong những năm của thập niên 1950, vẫn còn những bình luận chỉ trích về chính sách đối ngoại của Liên Sô và Phần Lan đối với lân bang, nhưng sau đó tự kiểm duyệt bắt đầu kềm kẹp những sự chỉ trích này.
Chính quyền của chính phủ Kekkonen còn đòi truyền thông Phần Lan báo cáo phù hợp với chính sách đối ngoại chính thức của chính phủ, được hiểu là không được chỉ trích LBSV trên hệ thống truyền thông dưới bất cứ hình thức nào.
Khác với một quốc gia trong khu vực Đông Nam Á Châu, như Việt Nam hôm nay, Forsberg và Pesu (2016) nêu ra rằng chỉ có vài nghìn người Nga cư ngụ tại Phần Lan và họ là người di cư thời Nga Hoàng nên kịch liệt chỉ trích sự cai trị của cộng sản trong quê hương cũ của họ. Cũng theo Forsberg và Pesu (2016), phần lớn những người cộng sản Phần Lan là những người sẵn sàng ủng hộ chủ nghĩa xã hội ở Phần Lan; tuy nhiên, những người này thật ra rất yêu nước trong bất kỳ cuộc khủng hoảng nào liên quan đến chủ quyền của Phần Lan.
Forsberg và Pesu (2016) cảnh báo rằng “Bên cạnh mối quan hệ thân thiện trong chính sách đối ngoại, sự thành công của Phần Lan Hóa như một chiến lược sinh tồn trong một hệ thống quốc tế vô chính phủ cho nhà nước nhỏ có khả năng bị tấn công bởi nước láng giềng lớn và hung hăng phụ thuộc vào việc bảo tồn một cốt lõi cứng rắn: giữ cho quân đội nguyên vẹn, tránh sự phụ thuộc kinh tế, tinh thần yêu nước của lãnh đạo và xã hội nói chung với khoảng cách văn hóa.”
Đồng thời, Forsberg và Pesu (2016) cũng nêu ra một số các ảnh hưởng tiêu cực khác như: “…tự kiểm duyệt quá mức; tham nhũng chính trị nói chung, dựa trên tầm quan trọng của việc có danh tiếng, không phải là thành phần chống LBSV; cũng như thói quen tích cực núp bóng hay mượn danh LBSV để ngoéo chân hay đá giò lái các đối thủ chính trị tầm cỡ đáng kính khác chắc chắn có thể tránh được. Nhưng những đòn này không chỉ là lựa chọn cá nhân mà chúng đã được xây dựng trong các cấu trúc của Phần Lan Hóa như một nền văn hóa chính trị.”
Không có nhận xét nào