Header Ads

  • Breaking News

    Nguyễn Mạnh Hùng - Phỏng vấn Trương Bảo Sơn

    25/6/2023


    https://usvietnam.uoregon.edu/wp-content/uploads/2023/06/Screenshot-218.png

    Lời nói đầu: Đảng phái quốc gia Việt Nam, 1945-1954 – Lời kể của nhân chứng

    “Chúng tôi không có tham vọng viết lịch sử các đảng phái Quốc Gia trong những ngày tháng 8/1945, mà chỉ cung cấp những tài liệu thô (raw material), qua lời nói của các nhân vật liên hệ, để các nhà nghiên cứu tự mình đánh giá, bổ túc, và đào sâu thêm hầu trả lời mấy câu hỏi lớn liên quan đến cuộc cách mạng tháng 8/1945. 

    Trong tập tài liệu này, chúng tôi chỉ làm công việc ghi lại nguyên văn và tóm tắt những lời của chứng nhân. Chúng tôi tôn trọng người được phỏng vấn và không làm việc phối kiểm tính xác thực (fact check) của những tuyên bố của họ.”

    (Trích Lời Nói Đầu, Nguyễn Mạnh Hùng)

    PHỎNG VẤN TRƯƠNG BẢO SƠN

    Trương Bảo Sơn là một lãnh tụ kỳ cựu của Việt Nam Quốc Dân Đảng, hiện cư ngụ tại Canada.

    Cuộc phỏng vấn được thực hiện tại Fairfax, Virginia, ngày 08/07/1988.

    Người phỏng vấn: Nguyễn Mạnh Hùng, Giáo sư Chính trị học, Trường Đại Học George Mason.

    Tóm lược:

    Truơng Bảo Sơn là môt lãnh tụ kỳ cựu của Việt Nam Quốc Dân Đảng và sau này, trong giai đoạn đảng bị phân hóa, đứng ra thành lập Chấn Hưng Quốc Dân Đảng để vực dậy đảng hầu tiêp tục tranh đấu giành độc lâp, tự do và công bình cho ngươi dân, nhất là dân nghèo.  Thoạt đầu ông hoạt động trực tiếp với Nhượng Tống, rồi từ khi chạy sang Trung Hoa thì làm việc chặt chẽ với Nguyễn Tường Tam. Ông là trưởng chi bộ Quốc Dân Đảng ở Hồng Kông.

    Sau 1975, ông di tản sang Canada. Tôi phỏng vấn Trương Bảo Sơn nhân dịp ông sang Washington, DC thăm bà con và bạn bè.  Ông nói cho tôi nghe một cách rành rẽ nhưng điều ông biết về hoạt động của đảng phái Quốc Gia trong giai đoạn sôi động 1945-1946, tranh chấp với Việt Minh, những ngày lưu vong bên Trung Hoa, về các lãnh tụ đảng phái Quốc Gia, và sự phân hóa khi về nước.  Theo Trương Bảo Sơn:

    1. Ông gia nhập Việt Nam Quốc Dân Đảng năm 1940 để đánh Pháp, qua sự giới thiệu của Nhượng Tống, và sinh hoạt trong cùng chi bộ với Nhượng Tống.  Khi vào đảng ông mới được biết Cộng Sản chỉ điểm cho Pháp để diệt đảng phái Quốc Gia cho nên chống cả Cộng Sản.

    2. Lúc ấy, Việt Nam Quốc Dân Đảng có hai nhóm: ở trong nước có Nguyễn Ngọc Sơn, Nguyễn Thế Nghiệp, và Nhượng Tống, những “người còn lại” của thời 1930; ở ngoại nước có nhóm của Vũ Hồng Khanh.

    3. Trong giai đoạn các lãnh tụ đảng phái Quốc Gia lưu vong bên Trung Hoa tránh thực dân Pháp, Việt Nam Quốc Dân Đảng, Đại Việt Quốc Dân Đảng, Đại Việt Dân Chính và Đại Việt Duy Dân lập mặt trận thống nhất lấy tên Việt Nam Quốc Dân Đảng để phân biệt với Trung Hoa Quốc Dân Đảng, nhưng ở trong nước thì lấy tên chung là Quốc Dân Đảng khi ấy chỉ còn ba đảng – Việt Nam Quốc Dân Đảng, Đại Việt Quốc Dân Đảng và Đại Việt Dân Chính – mà Chủ tịch là Trương Tử Anh, Vũ Hồng Khanh lo phần quân sự, Nguyễn Tường Tam và Nghiêm Kế Tổ phụ trách ngoại giao, Xuân Tùng phụ trách tổ chức, Nguyên Văn Chấn tức “Chấn đen” lo việc kinh tài.

    4. Sau ngày 19/8 có một buổi họp giữa các lãnh tụ đáng phái Quốc Gia mà ông nhớ là có Nguyễn Ngọc Sơn, Nguyễn Thế Nghiệp, và Phan Châm Nguyễn Tiến Hỷ (có lẽ đại diện cho Trương Tử Anh).  Nhượng Tống và Trương Bảo Sơn vì chỉ là “thường đảng viên” không đươc tham dự, phải ngồi dưới nhà chờ kết quả. Buổi họp ấy bàn việc có nên nắm quyền hay không khi Nhật tỏ ý muốn trao quyền.  Khi Phan Châm xuống nhà cho biết hội nghị quyết định không chấp nhận đề nghị của Nhật vì sợ nếu sơ suất thì “có tội với Tổ Quốc,” nên Nhượng Tống “khóc như cha chết, mẹ chết”.  Lúc ấy, các anh em vũ trang ở các nơi đã kéo về Hà Nội đóng ở các trường học chờ lệnh, nhưng trung ương quyết định không hành động.

    5. Sau đó Trương Bảo Sơn theo Nhượng Tống và Lê Khang lên cướp chính quyền ở Vĩnh Yên, rồi lập ra Đệ tam Chiến khu mà Lê Khang làm chủ nhiệm, Đỗ Đình Đạo lo về quân sự, Trương Bảo Sơn là chủ nhiệm đảng bộ Vĩnh Yên.

    6. Quân của Đệ Tam Chiến khu đánh Phúc Yên nhưng thất bại nên quay về đánh lên tới Việt Trì.  Lúc ấy, Quốc Dân Đảng kiểm soát đuợc Vĩnh Yên, Việt Trì, Lào Cai, và Phú Thọ.

    7. Sau khi các đảng phái thỏa thuận lập Chính phủ Liên hiệp và chia ghế vào Quốc Hội, quân đội các bên trù liệu sẽ sát nhập vào nhau, quân Quốc Dân Đảng được lệnh rút lui vào một địa phương.  Nguyễn Tường Long đi cùng một phái đoàn lên Vĩnh Yên để làm gì Trương Bảo Sơn không biết, chỉ biết rằng khi đi được nửa đường thì Việt Minh tấn công luôn cả vào Việt Trì nơi có Nguyễn Tường Bách và Vũ Hồng Khanh.  Nguyễn Tường Long cũng theo đoàn quân của Khanh và Bách rút sang Trung Hoa. Trương Bảo Sơn và Đỗ Đình Đạo mỗi người đi riêng về Hà Nội.  Lúc ấy Lê Khang đã bị bắt.  Sơn có giấy giới thiệu của Trương Tử Anh theo đoàn quân Trung Hoa Dân Quốc rút về Tàu lánh nạn.

    8. Ở Thượng Hải, Sơn gặp phái đoàn ngoại giao của Quốc Dân Đảng gồm Nguyễn Tường Tam, Trần Văn Tuyên, Phan Quang Đán và Lưu Đức Trung đến để xin Trung Hoa Dân Quốc viện trợ, rồi lập Mặt trận Thống nhất Quốc Gia Việt Nam ủng hộ Bảo Đại trong viêc điều đình với Pháp đòi quyền “tự trị” cho Việt Nam.  Sau khi Bảo Đại đi riêng với Pháp và ký Hiệp ước vịnh Hạ Long thì mặt trận tuyên bố không ủng hộ Bảo Đại nữa.  Môt số người bỏ về nước, người khác đi Quảng Châu, Nguyễn Tường Bách đi Côn Minh, Nguyễn Tường Tam sau một thời gian mới về nước.  Đến 1952, Trương Bảo Sơn và Nguyễn Gia Trí cũng về nước.

    9. Nhận được thư của Nguyễn Tường Tam, Trương Bảo Sơn bỏ Hà Nội vào Sài Gòn. Khi ấy, ông Tam tuyên bố “không làm chính trị nữa”, Trương Bảo Sơn đi dạy học đồng thời liên lạc với anh em cũ lập ra Chấn Hưng Quốc Dân Đảng trong đó có Hoàng Tường, Nguyễn Mạnh Vinh, và Lê Hưng (em Lê Khang) để chấn chỉnh đảng trước tình trạng đảng “gọi như là đã tan rã”.

    10. Sự tan rã bắt nguồn từ việc Vũ Hồng Khanh chống việc cả trong lẫn ngoài nước đều bầu Phan Châm (gốc Đại Việt) làm Tổng Thư Ký Quốc Dân Đảng (đảng chung).  Lúc ấy Trương Bảo Sơn là trưởng chi bộ đảng ở Hồng Kông.  Vũ Hồng Khanh tới Hồng Kông đòi phải để ông làm Bí thư trưởng (tương đương với Đảng trưởng), nhưng đề nghị này bị bác.  Khi ông Khanh không được mọi người công nhận là lãnh tụ thì những ông khác, như Lê Ngọc Chấn và Nguyễn Văn Lực, tách riêng để độc lập với ông ấy.

    11. Năm 1954, Trương Bảo Sơn ra Bắc dự định ở lại thành lập chiến khu chống Cộng.  Ở đó Sơn gặp Nguyễn Văn Lực, Lực cho biết đã tổ chức xong chiến khu ở Thái Bình, và Sơn không cần phải ở lại.  Về sau, Sơn gặp lại Lực ở miền Nam, nhưng không đề cập đến chuyện cũ.

    12. Trong giai đoạn 1945-1954, nhược điểm của Quốc Dân Đảng là phân tán và chia rẽ, không thống nhất, thiếu kỷ luật, mạnh ai người ấy làm, mỗi nhóm có chính sách riêng. Nhiều người chống Bảo Đại vì bị Bảo Đại “phản bội”, nhưng nhiều người khác lại tham chính, như Trần Văn Tuyên, Lê Ngọc Chấn, Phan Quang Đán, Vũ Hồng Khanh, Phạm Thái.

    13. Cơ hội tốt nhất mà bị bỏ lỡ là khi Nhật muốn giao chính quyền cho mình năm 1945 mà mình không nhận.

    14. Ưu điểm của Quốc Dân Đảng là dù phân tán, nhưng nhóm nào cũng tận lực làm việc.

    15. Lý do Nguyễn Tường Tam tuyên bố không làm chính trị nữa có lẽ một phần vì đau buồn về cái chết của Nguyễn Tường Long, một phần vì bất đồng ý kiến với Nguyễn Tường Bách khiến anh em phải chia tay, mỗi người đi một ngả.

    16. Ưu điểm của Cộng Sản Việt Nam là, ngoài việc có yểm trợ quốc tế và giỏi tuyên truyền, họ còn dám “làm bừa”.  Hồi 1945, trong lúc các lãnh tụ của họ còn ở ngoài nước mà có lẽ họ chỉ có độ “hai khẩu súng săn với một khẩu súng lục”, mà dám đi đến Bắc Bộ Phủ đòi Khâm sai Phan Kế Toại phải từ chức để nhường lại chính quyền cho họ.

    Toàn văn cuộc phỏng vấn sẽ được giới thiệu trong những ngày tiếp theo ...

    https://usvietnam.uoregon.edu


    Không có nhận xét nào