Bí thư Bình Định: Dự án thép Long Sơn ‘không xả thải ra môi trường’. Bất khả thi?
Tuấn Khanh
Câu chuyện bãi biển Lộ Diêu đẹp mê hồn ở xã Hoài Mỹ, thị xã Hoài Nhơn, Bình Định, nay mai rồi sẽ bị san, dời để làm chỗ cho nhà máy luyện gang thép đồ sộ Long Sơn, đang khiến khắp nơi người dân Việt ai nấy biết đến đều nhói lòng. Cái tên Lộ Diêu bắt đầu ngày càng được nhắc đến nhiều hơn, được tò mò bàn tán về địa danh và thắng cảnh đẹp nguyên sơ: bởi lâu nay biển Lộ Diêu chưa được chính quyền dùng đến, quảng bá như một địa danh du lịch đặc biệt của Bình Định.
Vùng biển nhỏ, hẻo lánh ở Bình Định có thể không tạo nhiều ấn tượng trên các dòng tin, về một đổi thay sống còn của thiên nhiên Việt Nam, và cả vận mệnh của hàng trăm con người đã chia nhau sống và gìn giữ từ hàng trăm năm trước. Thế nhưng, chỉ cần ví von, nếu đặt một nhà máy thép ở Đà Lạt hay Sapa, ắt mọi người sẽ hình dung của sức nặng ham muốn làm kinh tế, để đánh đổi cả quá khứ và tương lai của một địa danh là như thế nào.
Trước đây, Dự án nhà máy gang thép Long Sơn định đặt ở huyện Phù Mỹ, nhưng rồi lại đổi ý, chọn Lộ Diêu. Trong công văn của nhà đầu tư gửi tỉnh Bình Định, số 1219-1/LSPM-KHTT, điểm quan trọng nhất được nêu trong báo cáo là do Lộ Diêu địa hình đất gần núi, khối lượng san và lấp không nhiều phí tổn, so với Phù Mỹ. Bên cạnh đó còn nhiều thuận lợi chuẩn, hướng ra biển. Nói trắng ra, có nghĩa là nếu dựng ở Phù Mỹ thì tốn kém cho nhà đầu tư, hơn là ở Lộ Diêu.
Ngôn luận của nhà đầu tư, đem lại một sự lo sợ ngấm ngầm cho bất cứ ai có suy nghĩ nhạy cảm, đồng nghĩa là bất cứ bờ biển nào có lưng là núi, mặt là biển, đều là cơ hội cho các nhà máy thép. Trong đại lộ chen nhau chạy về phía trước để làm ra tiền của ở Việt Nam lúc này, bất chấp các dự báo và ưu tiên dân sinh, dường như mọi thứ đều đang nằm trong tầm ngắm của các nhóm đại tư bản tầm thu hoạch nhiệm kỳ.
Nhưng đáng sợ, là sự ủng hộ tha thiết đến khó tin của những người lãnh đạo tỉnh Bình Định, được nhìn thấy đến mức như đem tính mạng của mình ra đặt cược, dù trong ngôn luận bảo đảm của các quan chức, không có gì thuộc luận cứ khoa học được giới thiệu.
Trước đây vài tháng, cái tên Hồ Quốc Dũng là một cái tên xa lạ, hầu như với cả nước chẳng ai biết. Chỉ đến khi câu chuyện dự án lập một nhà máy thép khổng lồ ở thôn Lộ Diêu, xã Hoài Mỹ, thị xã Hoài Nhơn trở nên ồn ào, và ồn ào hơn nữa với các tuyên bố “bán mạng” của ông, thì mới rõ: Hồ Quốc Dũng, bí thư tỉnh ủy Bình Định.
Câu nói của ông Hồ Quốc Dũng chắc nịch, tuyên bố rằng sẽ không thể có ô nhiễm. “Người dân Lộ Diêu cứ yên tâm. Vì nhà máy thép có công nghệ tuần hoàn, nước thải không xả trực tiếp ra môi trường biển và có hệ thống lọc, khói bụi”. Dĩ nhiên, là ông nói, chứ không hề là nhà đầu tư ra mặt nói. Nhưng cũng không có gì bảo đảm cho những ngôn luận đó, bởi ông Dũng chưa từng có trong tay một báo cáo thẩm định an toàn, nghiên cứu khoa học về tác động môi trường nào của nhà máy thép đó được đưa ra trước công luận và đưa ra cho các nhà khoa học mọi nơi góp ý.
Trong công văn trình cho Sở Kế hoạch Đầu tư Bình Định, nhà đầu tư liệt trong mục 7, mười điểm liệt kê bảo vệ môi trường cũng chỉ là dự đoán, vì mọi thứ không có chi tiết hoạt động, công suất cụ thể, nguồn thải và cũng không có ai kiểm tra văn bản đó là bao nhiêu phần trăm xác thực. "Nếu sau này nhà máy thép có m3 nước thải nào đổ ra biển, tôi sẽ chịu trách nhiệm. Dự án sẽ bị dừng khi ảnh hưởng môi trường", ông Hồ Quốc Dũng nói và cho biết khói bụi của nhà máy cũng được thu gom để phục vụ cho lĩnh vực khác – tuy nhiên, ông không cho biết lĩnh vực khác, là lĩnh vực nào cần đến khói bụi. Mọi cam kết chắc nịch của ông, cũng mông lung như trong văn bản của nhà đầu tư.
Trong các tuyên bố với báo chí, ông Hồ Quốc Dũng liên tục nói “Tôi chịu trách nhiệm nếu nhà máy thép xả thải ra biển”. Thật khó đoán, ông Dũng sẽ tự mình chịu trách nhiệm như thế nào với một dự án quy mô đến hơn 53 ngàn tỷ đồng mà chắc chắn sẽ không có sai sót? Trong các câu chuyện người xưa để lại, các vị quan liêm chính khi quyết chọn thi hành một phương sách, đã nhận đổi cả tính mạng của mình nếu thất bại. Ông Hồ Quốc Dũng liệu có đem tính mạng của mình đặt ra vào lúc đó?
Các vị quan chức tỉnh Bình tuyên bố là nếu lòng dân không thuận, sẽ không làm. Thế nhưng buổi giáp mặt với những người dân Lộ Diêu, vào sáng 30 Tháng Năm 2023, chính quyền đã không tìm được bất kỳ một lời ủng hộ nào. Nhưng thay vì đó là ý kiến cuối, chính quyền lại nói sẽ tìm cách thuyết phục thêm người dân. Rõ là sự đồng thuận của các quan chức trong phòng riêng với nhà đầu tư đã mang tính quyết định hơn cả. Cũng từ đó, ai quan sát câu chuyện Lộ Diêu cũng cảm thấy ngạc nhiên: Điều gì đến mức khiến ông Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng cả quyết đứng che cho cả nhà đầu tư, tuyên bố bảo đảm, thể hiện khát vọng muốn làm bằng được việc cho phép nhà máy thép hoạt động?
Trong buổi gặp mặt lấy ý kiến dân sáng 30 Tháng Năm, một bà cụ được dân trong thôn Lộ Diêu, gọi là Dì Hương, đã phát biểu đanh thép “Tôi muốn hỏi là hiện có một đảng Cộng Sản hay hai đảng, đảng nào trước kia nói dân Lộ Diêu phải giữ đất giữ làng, một tấc không đi một ly không rời. Giờ đây đảng nào lấy đất của dân Lộ Diêu giao cho doanh nghiệp tư nhân làm dự án mà không thông qua người dân? ". Câu hỏi này không được chính quyền tỉnh Bình Định trả lời, nhưng chìm trong tiếng vỗ tay tán thưởng rầm rộ cả khu thảo luận. Điều đáng nói, trong lúc Dì Hương nói những lời minh bạch vậy, micro của Dì đột nhiên lúc có lúc không, một cách dễ hiểu.
Một nguời khác, được giới thiệu là chú Minh, khẳng định: “Chúng tôi không thể rời đi. Đó là ý kiến của tôi và có khi là ý kiến của một số bà con chung quanh đây, có phải không?”, ông quay lại hỏi trong tiếng vỗ tay và lại tán thưởng rầm rộ.
Tỉnh Bình Định đã nghe, đã biết, vậy nay vẫn còn muốn tổ chức thuyết phục người dân “chọn thép hay chọn cá” đến như thế nào nữa đây?
Tuấn Khanh
Bí thư Bình Định: Dự án thép Long Sơn ‘không xả thải ra môi trường’. Bất khả thi?
31/5/2023
Bí thư tỉnh Bình Định, ông Hồ Quốc Dũng, trao đổi với người dân Lộ Diệu về dự án thép Long Sơn, 30/5/2023.
Bí thư tỉnh Bình Định hôm 30/5 trấn an hàng trăm hộ dân ven biển rằng một dự án nhà máy thép sẽ “không xả thải ra môi trường”. Một chuyên gia môi trường với hàng chục năm kinh nghiệm nói với VOA rằng vị lãnh đạo tỉnh đã “nói quá” vì đến nay chưa có nhà máy thép nào, ít nhất là ở Việt Nam, hoàn toàn không xả thải ra môi trường.
Lãnh đạo tỉnh Bình Định lần đầu họp với 500 hộ dân thôn Lộ Diêu, xã Hoài Mỹ, thị xã Hoài Nhơn, vào ngày 30/5 để trao đổi thông tin về dự án khu liên hợp gang thép Long Sơn, nhiều báo Việt Nam đưa tin.
VNExpress, Thanh Niên và các báo cho hay Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Hồ Quốc Dũng cam kết dự án thép - công suất 5,4 triệu tấn một năm - sẽ không tác động xấu môi trường địa phương.
Các bản tin của VNExpress và một số tờ báo trích lời ông Hồ Quốc Dũng nói rằng công nghệ luyện thép của Long Sơn “hoàn toàn khép kín, không xả thải ra môi trường”. Ông Dũng nói thêm: "Nếu sau này nhà máy thép có m3 nước thải nào đổ ra biển, tôi sẽ chịu trách nhiệm. Dự án sẽ bị dừng khi ảnh hưởng môi trường".
Vẫn người nắm thực quyền lãnh đạo cao nhất ở tỉnh Bình Định phát biểu trước dân rằng khói bụi của nhà máy “cũng được thu gom để phục vụ cho lĩnh vực khác”.
Kỹ sư Đào Nhật Đình, một chuyên gia độc lập với 30 năm kinh nghiệm về môi trường công nghiệp, nhận xét với VOA rằng vị bí thư tỉnh Bình Định đã “nói quá”, “nói liều” khi dùng cụm từ “không xả thải ra môi trường” để nói về dự án nhà máy thép trong tương lai.
Với hiểu biết của mình về ngành thép ở Việt Nam và trên thế giới, ông Đình nhấn mạnh “chắc chắn là không” khi trả lời câu hỏi của VOA liệu có nhà máy thép nào không hề xả thải ra môi trường.
“Trên thế giới có nhà máy thép nào tuyệt đối không xả thải ra môi trường thì tôi không biết, còn ở Việt Nam chưa có nhà máy thép nào hoàn toàn không xả thải ra môi trường”, ông đưa ra quan sát.
Ông Đình nói khái quát rằng một nhà máy thép hay bất cứ nhà máy công nghiệp nào đều có hai phần nước thải, gồm nước thải sinh hoạt của tất cả những người trong nhà máy và nước thải từ các công đoạn sản xuất, từ đó, ông chỉ ra vì sao khó có chuyện tuyệt đối không xả thải ra môi trường:
“Ví dụ như công đoạn dập than cốc, nếu dập khô, người ta hầu như không dùng đến nước. Nhưng vẫn phải dùng đến nước để thau rửa các thiết bị. Thế thì nó vẫn thải ra một lượng nhất định. Và thường nước sử dụng cho sinh hoạt không bao giờ người ta lấy nước cũ mà bao giờ người ta cũng lấy nước từ nguồn mới, nên chuyện tuần hoàn 100% chắc là không có đâu”.
Các nhà máy thép đều có nước thải, khí thải và chất thải rắn khi chúng vận hành, chỉ khác nhau ở mức độ xử lý các chất thải đó đến đâu trước khi xả ra môi trường, kỹ sư Đình nói. Nếu các chất thải, bao gồm cả nước thải, được xử lý càng nhiều, độ ô nhiễm càng thấp, điều đó đòi hỏi chi phí càng cao, ảnh hưởng đến khả năng lỗ, lãi của nhà máy.
Các nhà máy lớn thường đặt ven biển để tăng khả năng có lãi và cũng cần có công suất từ 10 triệu tấn/năm trở lên, theo kỹ sư Đình, và ông đánh giá công suất của dự án Long Sơn ở Lộ Diêu là “hơi ít”. Ông phân tích thêm rằng đặt nhà máy ven biển sẽ có thuận lợi về vận chuyển quặng, than cho đầu vào và xuất sản phẩm thép đi ở đầu ra.
Thông tin trên báo chí Việt Nam cho thấy Công ty Cổ phần Gang thép Long Sơn muốn đầu tư 53.500 tỉ đồng để thực hiện dự án khu liên hợp gang thép ở thôn Lộ Diêu, thuộc thị xã Hoài Nhơn, và vào cuối năm 2022, họ đã được Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Định chấp thuận về chủ trương.
Tuy nhiên, dự án vấp phải sự phản đối từ phía người dân trong nhiều tháng từ đó đến nay, theo quan sát của VOA.
Tường thuật về buổi họp giữa lãnh đạo tỉnh với người dân thôn Lộ Diêu hôm 30/5, báo Thanh Niên và các cơ quan báo chí khác cho biết nhiều người dân “bày tỏ quan điểm không đồng tình với dự án”.
Một trong những người dân Lộ Diêu nêu lên sự trớ trêu rằng thời Chiến tranh Việt Nam, thường được gọi là “chiến tranh chống Mỹ” ở Việt Nam, người dân địa phương còn trụ lại được vậy mà nay họ lại đối mặt với nguy cơ bị di dời.
Tờ Thanh Niên trích lời ông Trần Văn Nghĩa, 68 tuổi, cư dân thôn Lộ Diêu, nói: "Từ thời chống Mỹ, bao nhiêu người có công cách mạng đã ngã xuống tại đây, giặc Mỹ đã dồn ép cho nhân dân Lộ Diêu dời đi. Nhưng người dân Lộ Diêu vẫn kiên quyết bám đất giữ làng… Cho nên tôi xin nêu ý kiến sẽ không đi bất kỳ đâu hết".
Một người dân khác, không thấy nêu danh tính trong bản tin của Thanh Niên, phát biểu rằng từ năm 1975, khi Chiến tranh Việt Nam kết thúc sau chiến thắng của những người cộng sản, thôn Lộ Diêu đến nay đã phát triển, các gia đình đều giàu có.
“Về dân sinh, chúng tôi có môi trường ổn định, làm ra tiền thì người già cũng làm được, người trẻ cũng làm được… Từ những lý do đó, chúng tôi không thể đi khỏi đây. Nên mong muốn lãnh đạo tỉnh xem xét dời dự án này đi nơi khác", người dân này nói.
Theo các báo trong nước, trước những ý kiến của người dân, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Hồ Quốc Dũng trấn an rằng “Bà con cần bình tĩnh, tin tưởng vào đảng và nhà nước, không có một lãnh đạo nào đẩy dân đến khó khăn, bế tắc”.
Ông Dũng điểm lại việc tỉnh Bình Định đã di dời người dân ở rất nhiều vùng để thực hiện các dự án, và ông lưu ý rằng “nhờ đó mà cuộc sống người dân tốt hơn khi đến nơi ở mới”, thậm chí là “điểm sáng để cả nước học tập Bình Định”.
Không có nhận xét nào