Header Ads

  • Breaking News

    Liệu Mỹ vẫn còn kiên nhẫn với Việt Nam?

     Việt Nam bị liệt vào « danh sách xám » các nước rửa tiền, tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt

    Thu Hằng /RFI

    24/6/2023

    Việt Nam bị tổ chức quốc tế về phòng, chống rửa tiền và chống tài trợ khủng bố - FATF đưa vào « danh sách xám » các nước cần « tăng cường theo dõi ». Theo thông cáo ngày 23/06/2023 của FATF, ngoài Việt Nam còn có Cameroon và Croatia bị đưa vào danh sách đã có 23 nước trước đó. 


    Rửa tiền, tài trợ phổ biến vũ khí hàng loạt, Việt Nam bị đưa vào danh sách xám. AFP - MANAN VATSYAYANA 

    Như vậy, danh sách xám của FATF hiện có 26 nước bị cho là « thiếu chiến lược trong việc đấu tranh » chống rửa tiền, tài trợ khủng bố và phổ biến vũ khí hủy diệt nhưng « hợp tác tích cực » với tổ chức để giải quyết vấn đề và « cam kết giải quyết nhanh chóng ». Theo Reuters, vào tháng 03/2023, Hà Nội đã ban hành nhiều quy định về chống rửa tiền và tài trợ khủng bố. Tuy nhiên, tổ chức giám sát tài chính có trụ sở ở Paris cho rằng biện pháp cải tổ đó vẫn chưa đủ để tránh cho Việt Nam bị liệt vào « danh sách xám »

    FATF cũng cho biết Việt Nam đã cam kết giám sát các ngân hàng, giới kế toán, luật sư một cách hiệu quả để ngăn tài trợ cho vũ khí hủy diệt hàng loạt, như vũ khí hạt nhân, hóa học và sinh học. Hà Nội cũng đồng ý chứng minh là có thể ngăn chặn việc lách các biện pháp trừng phạt đối với những cá nhân, thực thể liên quan đến việc phổ biến vũ khí hủy diệt. 

    Việt Nam là một trong những nước hiếm hoi trên thế giới duy trì mối quan hệ tốt đẹp với Bắc Triều Tiên. Quốc gia khép kín này cùng với Miến Điện và Iran là ba nước duy nhất nằm trong « danh sách đen » của FATF, trong khi chế độ Bình Nhưỡng theo đuổi chương trình phát triển vũ khí nguyên tử bất chấp việc cộng đồng quốc tế lên án và trừng phạt. 

    Ngày 24/06, bộ Ngoại Giao Việt Nam chưa trả lời đề nghị bình luận của Reuters. Trước đó, trong chuyến công du Hà Nội của tổng thống Hàn Quốc hôm 23/06, Việt Nam cho biết sẽ tham gia quá trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.

    Là tổ chức phụ trách nghiên cứu cách thức tài trợ khủng bố, rửa tiền, FATF thảo ra những quy định và khuyến cáo để các nước thành viên có thể đưa ra những biện pháp cần thiết nhằm điều chỉnh những thiếu sót. 

    https://www.rfi.fr/vi

    Liệu Mỹ vẫn còn kiên nhẫn với Việt Nam?

    Jackhammer Nguyễn

    24/6/2023

    https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2023/06/1-56vvv.jpg


    Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp ông Lưu Ninh, Bí thư Khu ủy Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc tháng 3-2023. Nguồn: VGP 

    Tháng này đột nhiên có hai sự kiện liên tục xảy ra. Thứ nhất, hôm 22/6 Washington trải thảm đỏ đón ông Modi, thủ tướng Ấn Độ. Thứ hai, hàng không mẫu hạm Ronald Regan sẽ cập cảng Đà Nẵng ngày 25/6.

    Cả hai quốc gia Ấn Độ và Việt Nam đều có những thành tích nhân quyền không lấy gì làm sáng sủa. Bên Ấn Độ, dưới quyền ông Modi, những người Hồi giáo thiểu số bị đàn áp. Ở Việt Nam, ngoài các nhà bất đồng chính kiến bị đàn áp lâu nay; gần đây, một số nhà hoạt động môi trường bị bắt vì cáo buộc… trốn thuế! Cáo buộc trốn thuế là công cụ cuối cùng để nhà cầm quyền bắt bớ những người hoạt động xã hội, khi không buộc được họ vào các tội liên quan tới chính trị và an ninh.

    Với tư cách là một cường quốc đông dân nhất thế giới, lại là một thành viên của bộ tứ (Quad) bao vây Trung Quốc, cái lợi của Ấn Độ nếu họ thân với Mỹ, vượt qua cái hại về nhân quyền, cũng như thái độ không chỉ trích nước Nga trong cuộc chiến xâm lăng Ukraine.

    Việt Nam không có lợi thế về sức mạnh như Ấn Độ, nhưng dù sao cũng là nước quan trọng thứ hai về kinh tế và dân số ở Đông Nam Á, sau Indonesia. Về vị trí chiến lược, Việt Nam sát nách Trung Quốc; trong tình hình hiện tại, Việt Nam còn có phần quan trọng hơn Indonesia.

    Lần lại lịch sử đối đầu ở mức độ toàn cầu của Mỹ, chúng ta không ngạc nhiên về cách ứng xử này. Mục đích cuối cùng của Mỹ vẫn là một chế độ tư bản tự do, với nền tảng là nền dân chủ pháp trị. Tuy nhiên, ở từng thời điểm khác nhau, Washington có những bước đi chiến thuật khác nhau.

    Trong chiến tranh lạnh, Mỹ từng ủng hộ các chế độ độc tài cánh hữu Nam Mỹ để chống lại phong trào cánh tả ở lục địa đó. Ai mà biết được, nếu không ủng hộ các ông tướng ở Bolivia thì Che Guevara sẽ còn quậy tới mức nào?

    Ở châu Á, nhiều thập niên trước, Mỹ cũng đã từng làm ngơ với các chế độ đàn áp như ở Đài Loan (khủng bố trắng), Nam Hàn, Indonesia, hay miền Nam Việt Nam… Tất cả sự làm ngơ này nằm trong chiến lược Domino, ngăn chặn làn sóng đỏ từ Hoa lục.

    Đùng một cái, Mỹ thay đổi chiến lược. Mỹ sử dụng Bắc Kinh như con chủ bài để xé toạc khối cộng sản làm đôi. Thiệt hại kèm theo (collateral damage) rơi vào Việt Nam Cộng hòa. Thiệt hại đó lớn tới mức chấm dứt cả sự tồn tại của một quốc gia, tạo nên một cộng đồng ly hương tới hàng triệu người. Nhưng nó chẳng là bao so với một siêu cường. Khối cộng sản sụp đổ, hàng trăm triệu người được hưởng tự do, đổi lấy vài chục triệu người miền Nam Việt Nam rơi vào ách cộng sản. Mỹ tạm gọi là thành công.

    Bây giờ lại là lúc Mỹ đối phó với cường quốc toàn trị Trung Quốc, đang toan tính bá chủ thế giới. Trong chiến lược mới, việc đàn áp người Hồi giáo ở Ấn Độ, hay chế độ công an trị ở Việt Nam, đối với Mỹ không đáng kể.

    Nếu để ý kỹ, các bước đi ngoại giao của Mỹ trong hai mươi năm gần đây, mà mọi người có thể nhận thấy khá rõ trong hồi ký của cựu đại sứ Mỹ Ted Osius, là cách tiếp cận của Mỹ khá toàn diện. Nói theo văn từ cộng sản là… vừa đánh vừa đàm. Một mặt, Mỹ vẫn nêu những vấn đề nhân quyền. Nhưng mặt khác, Mỹ vẫn thân thiện, rủ rê Hà Nội, hay New Delhi vào cuộc bao vây Bắc Kinh.

    Cả hai nước Ấn Độ và Việt Nam đều không có lịch sử hữu hảo với Hoa lục. Nhưng điều quan trọng cần bàn ở đây là, Mỹ cũng chẳng tốn đồng nào cho Ấn Độ và Việt Nam, không phải như hàng tỷ dollar dành cho Việt Nam Cộng hòa, hay Afghanistan sau này.

    Lâu lâu lại có một nhà hoạt động đối kháng bên trong Việt Nam trốn qua Mỹ, hay bị Hà Nội trục xuất,… Mỹ nhận hết cả. Đó lại là một loại thiệt hại đi kèm (collateral damage) cho chiến lược mới.

    Có lẽ nhận ra điều này, nên Việt Nam vẫn tiếp tục thực hiện chính sách đu dây, thông qua cụm từ mỹ miều là “ngoại giao cây tre”. Có thể nhận thấy rõ nhất là vào thời điểm này, khi tàu sân bay của Mỹ USS Ronald Reagan thăm Việt Nam, thì Thủ tướng Phạm Minh Chính lại thân chinh thăm Trung Quốc.

    Một số người quan tâm tới tình hình Việt Nam, luôn mong đất nước sớm lùi xa khỏi quỹ đạo của Trung Quốc. Những người này quá kỳ vọng vào sự thay đổi trong chính sách đối ngoại của chính quyền CSVN. Họ đặt câu hỏi, liệu Mỹ có còn tiếp tục kiên nhẫn với Việt Nam nữa không.

    Dĩ nhiên sự kiên nhẫn nào cũng có giới hạn. Một khi Hoa Kỳ nhận thấy rằng, Việt Nam không còn giá trị nữa, thì lúc đó họ sẽ hy sinh… Như đã từng xảy ra với các đồng minh mà Mỹ đứng cùng phe.

    https://vietluan.com.au


    Không có nhận xét nào