Header Ads

  • Breaking News

    Hoa Kỳ: Tối cao Pháp viện phán quyết người sở hữu thẻ xanh có thể bị trục xuất vì cản trở công lý

    Matthew Vadum 

    Cẩm An biên dịch

    23/6/2023

    " ... Hôm 22/06, Tối cao Pháp viện ra phán quyết với tỷ lệ 6 phiếu thuận-3 phiếu chống rằng cản trở công lý là một tội đủ nghiêm trọng để biện minh cho việc trục xuất những thường trú nhân hợp pháp — còn được gọi là những người có thẻ xanh — bị tuyên án phạm tội này. .."


    Các thẩm phán của Tối cao Pháp viện chụp bức ảnh chính thức tại Tối cao Pháp viện ở Hoa Thịnh Đốn hôm 07/10/2022. (Ngồi từ trái qua) Thẩm phán Sonia Sotomayor, Thẩm phán Clarence Thomas, Chánh án John Roberts, Thẩm phán Samuel Alito và Thẩm phán Elena Kagan, (Đứng phía sau từ trái qua) Thẩm phán Amy Coney Barrett, Thẩm phán Neil Gorsuch, Thẩm phán Brett Kavanaugh và Thẩm phán Ketanji Brown Jackson. (Ảnh: Olivier Douliery/AFP qua Getty Images) 


    Hôm 22/06, Tối cao Pháp viện ra phán quyết với tỷ lệ 6 phiếu thuận-3 phiếu chống rằng cản trở công lý là một tội đủ nghiêm trọng để biện minh cho việc trục xuất những thường trú nhân hợp pháp — còn được gọi là những người có thẻ xanh — bị tuyên án phạm tội này. 

    Quyết định mới có phần chặt chẽ về mặt pháp luật này dự kiến sẽ giúp chính phủ liên bang dễ dàng hơn trong việc trục xuất một số cư dân hợp pháp của Hoa Kỳ bị kết án phạm tội ngay cả khi họ đã và đang sống ở nước này trong nhiều năm. 

    Thẩm phán Brett Kavanaugh đã chấp bút ý kiến đa số trong vụ Pugin kiện Garland (hồ sơ tòa án 22-23). Tham gia ý kiến này là các Thẩm phán Clarence Thomas, Samuel Alito, Amy Coney Barrett, Ketanji Brown Jackson, và Chánh án John Roberts. Bà Jackson đã viết một ý kiến riêng đồng tình với phán quyết của tòa án. 

    Thẩm phán Sonia Sotomayor đã viết một ý kiến ​​bất đồng mà hai thẩm phán khác tham gia cùng. 

    Vụ án liên quan đến ông Jean Francois Pugin, một công dân Mauritius được công nhận là thường trú nhân Hoa Kỳ vào năm 1985, và ông Fernando Cordero-Garcia, một công dân Mexico được chấp nhận vào năm 1965. 

    Theo luật Virginia, ông Pugin đã bị kết án là một kẻ tòng phạm sau khi sự việc này trở thành một trọng tội vào năm 2014. Ông Cordero-Garcia bị kết án vào năm 2009 theo luật California về nhiều tội danh khác nhau, trong đó có việc ngăn cản một nhân chứng báo cáo một hành vi phạm tội. 

    Nhưng cái gọi là sự phân chia khu vực xảy ra khi các tòa phúc thẩm liên bang đưa ra kết luận mâu thuẫn nhau về việc liệu hành động của những cá nhân này có thuộc định nghĩa về một trọng tội nghiêm trọng hay không, bởi vì tại thời điểm những thường trú nhân này thực hiện hành vi phạm tội, thì các cuộc điều tra chính thức liên quan đến những hành vi đó vẫn chưa được tiến hành. 

    Bộ An ninh Nội địa Hoa Kỳ (DHS) đã theo đuổi việc trục xuất cả hai người đàn ông này, lập luận rằng họ có thể bị trục xuất vì đã bị kết án phạm các trọng tội nghiêm trọng liên quan đến cản trở công lý. Trong cả hai trường hợp, thì các thẩm phán về di trú và Hội đồng Kháng cáo Di trú thấy DHS đã đúng. Những người đàn ông này đã kháng cáo. 

    Tòa phúc thẩm Khu vực thứ 4 của Hoa Kỳ quyết định rằng bản án của ông Pugin tạo thành một tội liên quan đến cản trở công lý. Tòa phúc thẩm Hoa Kỳ Khu vực thứ 9 thì đi theo một hướng khác, kết luận rằng ông Cordero-Garcia bị kết án vì một hành vi như giả mạo nhân chứng không phải là hành vi phạm tội liên quan đến cản trở công lý vì luật California không yêu cầu một cuộc điều tra hoặc một thủ tục pháp lý sẽ được thực hiện tại thời điểm xảy ra hành vi phạm tội. 

    Thẩm phán Kavanaugh viết (pdf) cho ý kiến đa số rằng luật liên bang “quy định rằng những người không phải là công dân bị kết án về một ‘trọng tội nghiêm trọng’ có thể bị trục xuất khỏi Hoa Kỳ.” 

    Định nghĩa về trọng tội nghiêm trọng bao gồm các tội cấp liên bang hoặc tiểu bang “liên quan đến cản trở công lý.” 

    “Câu hỏi đặt ra ở đây là liệu một hành vi phạm tội ‘có liên quan đến hành vi cản trở công lý’ theo [Đạo luật Nhập cư và Quốc tịch, hay INA] hay không ngay cả khi hành vi phạm tội đó không yêu cầu có một cuộc điều tra hoặc thủ tục được thực hiện. Câu hỏi đó được đặt ra bởi vì một số hành vi phạm tội cản trở có thể xảy ra khi không có một cuộc điều tra hoặc thủ tục, chẳng hạn như đe dọa nhân chứng để ngăn cản nhân chứng đó báo cáo hành vi phạm tội với cảnh sát,” ông Kavanaugh viết. 

    “Chúng tôi kết luận rằng một hành vi phạm tội có thể ‘liên quan đến cản trở công lý’ theo [đạo luật INA] ngay cả khi hành vi phạm tội đó không yêu cầu phải có một điều tra hoặc thủ tục diễn ra.” 

    Vị Thẩm phán này viết rằng một “cơ sở tài liệu lớn có thể làm căn cứ” về vấn đề pháp lý này, trong đó có “từ điển, luật liên bang, luật tiểu bang, và Bộ luật Hình sự Mẫu” ủng hộ quan điểm của khối đa số của tòa án. 

    “Các cá nhân có thể cản trở quá trình xét xử ngay cả khi sẽ không xảy ra một cuộc điều tra hoặc thủ tục.” 

    “Chẳng hạn, một kẻ sát nhân có thể đe dọa sát hại một nhân chứng nếu nhân chứng báo thông tin cho cảnh sát. Một hành động như vậy không kém phần cản trở hơn chỉ vì chính phủ vẫn chưa nắm bắt được và bắt đầu một cuộc điều tra.” 

    “Như Tổng Biện lý sự vụ [Elizabeth Prelogar] tuyên bố một cách thuyết phục, người ta có thể cản trở bánh xe công lý ngay cả trước khi bánh xe bắt đầu chuyển động; thật vậy, việc cản trở công lý thường ‘hiệu quả nhất’ khi hành vi đó ngăn chặn ‘một cuộc điều tra hoặc thủ tục khởi đầu ngay từ ban đầu.’” 

    Tối cao Pháp viện đã xác nhận phán quyết của Khu vực thứ 4 liên quan đến ông Pugin và đảo ngược quyết định của Khu vực thứ 9 liên quan đến ông Cordero-Garcia, trả lại vụ kiện của ông Cordero-Garcia cho tòa án khu vực đó “để tiến hành các thủ tục tiếp theo phù hợp với ý kiến này.” 

    Thẩm phán Jackson viết rằng bà đồng ý với ý kiến đa số rằng Khu vực thứ 9 “đã áp dụng sai một yêu cầu về thủ tục đang chờ giải quyết” và Khu vực thứ 4 “đã bác bỏ một cách đúng đắn bất kỳ yêu cầu về thủ tục đang chờ giải quyết nào như vậy.” 

    Bà Jackson cho biết có thể có “lý do tại sao một hành vi phạm tội ban đầu không cần phải có mối liên hệ với một cuộc điều tra hoặc thủ tục tư pháp sắp diễn ra hoặc đang diễn ra để đủ điều kiện là ‘một hành vi phạm tội liên quan đến cản trở công lý’ theo nghĩa của đạo luật nhập cư này.” 

    “Khi Quốc hội đưa cụm từ ‘tội phạm liên quan đến cản trở công lý’ vào [INA] thì rất có thể Quốc hội đã đề cập đến một loại hành vi phạm tội cụ thể và được chỉ định trước đó — các hành vi phạm tội được nhóm lại với nhau trong Chương 73 của Đề mục 18 của Bộ luật Hoa Kỳ, dưới tiêu đề ‘Cản trở Công lý.’ … Và không phải tất cả các hành vi phạm tội được đề cập trong Chương 73 đều có yêu cầu về thủ tục đang chờ giải quyết,” vị thẩm phán này viết. 

    Thẩm phán Sotomayor không đồng tình với ý kiến đa số của pháp viện và đưa ra ý kiến ​​bất đồng duy nhất. Ý kiến này được các Thẩm phán Neil Gorsuch hoàn toàn đồng ý và Thẩm phán Elena Kagan đồng ý một phần. 

    “Từ những luật ban đầu của Hoa Kỳ, đến các từ điển, rồi đến các đạo luật cản trở hiện đại của liên bang và tiểu bang, thì việc can thiệp vào một cuộc điều tra hoặc thủ tục đang diễn ra là cốt lõi của ý nghĩa của ‘một hành vi phạm tội liên quan đến cản trở công lý.’ …

    “Pháp viện tránh né bằng chứng phong phú này chỉ bằng cách giăng một tấm lưới rộng và sau đó ném trả lại tất cả trừ những thứ không cần thiết. Cách tiếp cận đó ‘hoàn toàn làm đảo lộn cách tiếp cận xác thực,’ … và phá hoại ý nghĩa thường được hiểu là ‘cản trở công lý’ khi Quốc hội ban hành [một phần của đạo luật INA] hồi năm 1996.”

    https://www.epochtimesviet.com


    Không có nhận xét nào