Header Ads

  • Breaking News

    Gs. Nguyễn Mạnh Hùng: Phỏng vấn Linh Quang Viên Phần 1

    7 Tháng Sáu, 2023 


    Gồm 3 phần


    https://usvietnam.uoregon.edu/wp-content/uploads/2023/06/Screenshot-161.png

    Lời nói đầu: Đảng phái quốc gia Việt Nam, 1945-1954 – Lời kể của nhân chứng

    “Chúng tôi không có tham vọng viết lịch sử các đảng phái Quốc Gia trong những ngày tháng 8/1945, mà chỉ cung cấp những tài liệu thô (raw material), qua lời nói của các nhân vật liên hệ, để các nhà nghiên cứu tự mình đánh giá, bổ túc, và đào sâu thêm hầu trả lời mấy câu hỏi lớn liên quan đến cuộc cách mạng tháng 8/1945. 

    Trong tập tài liệu này, chúng tôi chỉ làm công việc ghi lại nguyên văn và tóm tắt những lời của chứng nhân. Chúng tôi tôn trọng người được phỏng vấn và không làm việc phối kiểm tính xác thực (fact check) của những tuyên bố của họ.”

    (Trích Lời Nói Đầu, Nguyễn Mạnh Hùng)

    PHỎNG VẤN LINH QUANG VIÊN

    Linh Quang Viên là một đảng viên kỳ cựu của Việt Nam Quốc Dân Đảng, cựu Trung tướng quân đội Việt Nam Cộng Hòa.

    Cuộc phỏng vấn được thực hiện tại Fairfax, Virginia, ngày 11/10/1987.

    Người phỏng vấn: Nguyễn Mạnh Hùng, Giáo sư Chính trị học, trường Đại Học George Mason.

    Tóm lược:

    Trong những năm đầu di tản, cựu Trung tướng Linh Quang Viên là môt khuôn mặt nổi ở vùng tôi.  Cụ là Chủ tịch Cộng đồng người Việt ở Virginia.  Lúc ấy, tôi là Giám đốc Indochina Institute (tạm dịch là Trung Tâm Nghiên Cứu Đông Dương) thuộc trường Đại Học George Mason.  Tôi cộng tác trong việc làm hai cái videos.  Cái thứ nhất nói tiếng Anh để giới thiệu cộng đồng người Việt ở Bắc Virginia do Joel Foreman, một đồng nghiệp trong trường, thực hiện; và một cái nói tiếng Việt nhân dịp Tết Nguyên Đán, do Phạm Bội Hoàn thưc hiện. Chúng tôi mời cụ Viên đến để quay hình đọc diễn văn chúc Tết bà con. Sau đó chúng tôi làm việc chung với nhau trong nhiều hoạt động cộng đồng khác.

    Tôi đến phỏng vấn cụ Viên ở nhà cụ lúc ấy đang ở chung với con cháu. Vì thế, tiếng trẻ con đôi khi xen vào cuộc nói chuyện.

    Linh Quang Viên gia nhập Việt Nam Quốc Dân Đảng năm 1944 sau khi đã tốt nghiệp trường sĩ quan Tông của Pháp ở Sơn Tây.  Ông cùng với Đỗ Đình Đạo tổ chức Đệ Tam Chiến Khu của Quốc Dân Đảng và từng tiếp xúc trực diện với môt số lãnh đạo cao cấp khác của đảng, như Vũ Hồng Khanh, Nguyễn Tường Tam, và Lê Ninh; cho nên có khá nhiều kinh nghiệm bản thân về giai đoạn 1944-1946.

    Theo Tướng Linh Quang Viên:

    1. Trước khi gia nhập Việt Nam Quốc Dân Đảng ông đã là sĩ quan trừ bị giải ngũ của quân đội Pháp.  Ông gia nhập đảng năm 1944 để tranh đấu cho độc lập và tự do cho quê hương, sau khi bàn bạc với một số anh em, trong đó có Đỗ Đình Đạo. Đó là thời gian Nhật áp lực Pháp, làm cho chế độ thuộc địa bị lung lay.

    2. Lòng yêu nước, quyết chí “đánh Tây, đánh Nhật,” chứ không phải Tam dân Chủ nghĩa, là động cơ thúc đẩy Viên gia nhập đảng. Ngay từ thời đó, ông và các bạn, qua tin tức từ hảỉ ngoại, đã thấy Cộng Sản là một hiểm họa cho đất nước.  Họ cũng đặt vấn đề là phải tranh thủ bằng võ lực để nắm chính quyền ngay từ 1944.

    3. Khi Việt Minh cướp chính quyền ở Hà Nội thì Linh Quang Viên, Đỗ Đình Đạo, và các bạn cũng cướp chính quyền ở Vĩnh Yên, thành lập Đệ Tam Chiến khu với dự định lấy luôn Phúc Yên, Hà Đông, Hà Nội, lên đến Việt Trì, Yên Bái, Lào Cai.  Hà Đông không lấy được vì bị phản bội.  Nếu lấy được Hà Đông thì có thể lấy được Hà Nội. Phúc Yên không lấy được vì bị lụt.

    4. Ngoài Đệ Tam Chiến khu của Quốc Dân Đảng, Việt Nam Cách Mệnh Đồng Minh Hội của Nguyễn Hải Thần cũng chiếm được Móng Cáy, phe Phục Quốc của Nông Quốc Long cũng chiếm Lạng Sơn, Cao Bằng.

    5. Đệ Tam Chiến khu kéo dài từ Vĩnh Yên lên đến Lào Cai.  Đỗ Đình Đạo là Tư lệnh Chiến khu, Lê Ninh coi về chính trị, Linh Quang Viên là Ủy viên Quân sự.  Khí giới thì lấy của Bảo An Binh và mua lại của Nhật.  Lúc ấy, anh em vừa phải đánh Pháp vừa bị Việt Minh phong tỏa, nhưng tinh thần trong chiến khu rất cao, anh em chiến đấu hào hùng tuy phải sống kham khổ, đói khát, thiếu đạn dươc, và không được trung ương giúp đỡ.  Tinh thần thương yêu nhau và chiến đấu hăng say vì cách mạng ấy làm Viên rất hãnh diện nhưng “về sau không còn thấy nữa.”

    6. Đỗ Đình Đạo là một thanh niên thông minh, yêu nuớc, hy sinh gia sản cho cách mạng.  Ông còn là người nghệ sĩ, tài hoa, làm cách mạng, nhưng thiếu kiến thức để làm chính quyền và cũng không ham chính quyền.  Sau Hiệp định Genève, Đạo có kế hoạch ở lại Bắc lập chiến khu chống Cộng. Việc ông bị ám sát hoặc bởi Pháp hoặc bởi Việt Minh, với sự can dự của bà Thụy An, là điều có thể tin được.

    7. Trong chiến khu, Lê Ninh và Duơng Tế Dân là những cán bộ có tài thuyết phục.  Dân nói bóng bẩy văn hoa, Ninh nói mộc mạc nhưng hùng hồn, hấp dẫn.

    8. Linh Quang Viên tham dự trận đánh đầu tiên ở Phong Thổ, chống cánh quân của Đại tá Alexandri kéo từ Trung Hoa về. Trong trận này, khoảng bốn chục người của Quốc Dân Đảng chống trả và cầm cự được môt ngày một đêm với hai ngàn quân Pháp là một điều hi hữu.  Tinh thần phe Quốc Gia rất lạc quan trong những năm 1945–1946.

    9. Linh Quang Viên là nguời lập ra trường Quân Chính đầu tiên ở Vĩnh Yên để huấn luyên cán bộ vừa biết chính tri vừa có khả năng quân sự.  Ông được sự giúp đỡ tự nguyện của một số hạ sĩ quan Bảo An Binh.  Măc dầu có lụt, thanh niên vẫn đi nườm nượp từ miền xuôi lên để gia nhập hàng ngũ cách mạng, trong đó có Bùi Tường Huân, Bùi Tường Minh, và Đinh Trình Chính. Họ là học trò của Linh Quang Viên ở trường Quân Chính.

    10. Thời đó có 4 trường quân sự nổi tiếng: Trường Tông ở Sơn Tây do Pháp lập năm 1942, sau Việt Minh lấy trụ sở ấy lập truờng Võ Bị Trần Quốc Tuấn; trường Quân Chính ở Vĩnh Yên do Linh Quang Viên lập; và trường Lục Quân Yên Bái do Đại Việt Quốc Dân Đảng phối hợp với Việt Nam Quốc Dân Đảng lập.

    11. Đệ Tam Chiến khu và nhiều anh em khác chống lại Hiệp ước

    Sơ bộ 6/3/46 và Chính phủ Liên hiệp, vì sợ bị mắc mưu Công Sản, làm cho nó có chính nghĩa.

    1. Chỉ có Đệ Tam Chiến khu thi hành kế hoạch của mình, trừ việc không lấy được Hà Đông, Phúc Yên và Sơn Tây.  Vì địa bàn hoạt đông quá rộng, không đủ người, không đủ phuơng tiện mà không đuợc trung ương giúp đỡ, cộng thêm với việc nghi kị thỏa hiệp lập Chính phủ Liên hiệp nên cuối cùng phải thất bại.

    2. Sau khi trung ương chỉ thi lập Chinh phủ Liên hiệp ở các tỉnh, thì Đệ Tam Chiến khu từ từ tan rã, vì phương tiện kiệt quệ, mất liên lạc với trung ương, và tinh thần chán nản, Linh Quang Viên và Đỗ Đình Đạo bỏ về Hà Nội.  Từ đó, Viên sống ẩn náu và hoàn toàn không liên lạc với đảng.

    3. Thảm kịch của phe Quốc Gia là bị kẹt giữa hai gọng kìm, một bên là thực dân Pháp và một bên là Cộng Sản.

    4. Lý do thất bại của phe Quốc Gia là không có chủ thuyết, kế hoạch, thiếu tổ chức, lãnh đạo yếu kém không nắm vững tình hình, không quyết định dứt khoát, không nhận diện đuợc Cộng Sản, lẫn lộn Cộng Sản với kháng chiến.

    5. Hồi đó, phe Quốc Gia trong nước kỳ vọng rất nhiều ở hải ngoại, nhưng bị thất vọng nặng nề khi họ về nước mà không có đường lối rõ rệt để hướng dẫn trong nước, kéo theo một đạo quân Tàu trông rất “nhếch nhác” lại còn hà hiếp dân chúng.

    6. Trong nước Trương Tử Anh được coi là môt lãnh tụ sáng giá.

    7. Phe Quốc Gia lúc ấy có lực lượng mạnh mẽ mà để mất cơ hội. Phe Cộng Sản chỉ có mấy chục nguời mà cuớp được chính quyền.  Đó là điều đáng tiếc cho những người Quốc Gia đầy thiện chí, có tinh thần yêu nước, sẵn sàng hy sinh, chấp nhận gian khổ mà không thực hiện được hoài bão giành được độc lập và tự do cho quê hương.

    Toàn văn:

    Linh Quang Viên – VP-NMH-A042

    Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng (NMH): Thưa cụ Linh Quang Viên, chúng tôi được một học bổng để nghiên cứu về các đảng phái Việt Nam từ năm 1945 đến 1954.  Xin phép cụ cho tôi được phỏng vấn hôm nay và xin được – cái tapes này thì sau này – sau khi hoàn tất tất cả các phỏng vấn sẽ được đưa vào lưu trữ trong Thư viện Quốc Hội tại Hoa Kỳ, để về sau có thể cho những người khác dùng, những nhà nghiên cứu khác dùng được.  Nếu cụ bằng lòng thì xin cụ cho phép tôi được phỏng vấn?

    Ông Linh Quang Viên (LQV): Được.

    NMH: Thưa cụ Linh Quang Viên, xin cụ cho biết cụ gia nhập Việt Nam Quốc Dân Đảng vào năm nào và trong khung cảnh nào, khung cảnh hoạt động chung ra sao và lý do tại sao mà cụ gia nhập Việt Nam Quốc Dân Đảng?

    LQV: Thưa giáo sư, tôi đã gia nhập Việt Nam Quốc Dân Đảng từ năm 1944.  Sự thực ra thì chúng tôi thấy từ, kể từ năm 1943 thì tôi thấy tính hình chính trị ở Việt Nam hồi đó, nó đã biến chuyển rất nhiều, với sự, kể từ ngày 1943 nhất là khi Nhật bắt đầu vào ngả Lạng Sơn gây áp lực với với quân đội Pháp.  Thì chúng tôi nghĩ rằng đã đến cái giai đoạn tất cả những người Việt Nam, phải đem hết sức mình vào để cố gắng gây được cái sự, tạo sự, thực hiện được cái lý tưởng của mình là gây sự độc lập và tự do cho Việt Nam.  Tình hình chính trị lúc đó có thể nói là chín muồi và thôi thúc tất cả những người công dân Việt Nam nên làm cái gì cho đất nước.  Mà vì lý do đó, tôi đã tự nguyện gia nhập Việt Nam Quốc Dân Đảng với một số anh em, để thực hiện hoài bão của mình là tranh thủ độc lập và tự do cho quê hương.

    NMH: Thưa cụ thì, cụ nói là cụ có gia nhập với một số anh em đó thì tức là cụ gia nhập không phải một mình, mà có bàn thảo, rồi đi vào cùng lúc, có phải không ạ?

    LQV: Sự thực ra thì tôi đã, trước khi mà tôi gia nhập thì tôi đã có thảo luận với một số anh em, mà số anh em đó là phần nhiều là những chỗ quen biết cũ của tôi và cùng một chí hướng với tôi trước.  Thí dụ như một cánh anh, một người mà nhiều người biết tới, thí dụ như là Đỗ Đình Đạo.  Những người đó là những cái người đã thảo luận với tôi rất

    nhiều và đã khuyến khích tôi gia nhập Việt Nam Quốc Dân Đảng.

    NMH: Như vậy Đỗ Đình Đạo đã là đảng viên Việt Nam Quốc Dân Đảng từ trước?

    LQV: Đỗ Đình Đạo đã là đảng viên của Việt Nam Quốc Dân Đảng từ hồi 44.  Mà khi đó tôi thấy anh Đỗ Đình Đạo đã làm chủ cái đồn điền ở Tam Lộng, mà cái chỗ đồn điền Tam Lộng là cái nơi đã qui tụ tất cả các anh em hoạt động cho cách mạng rất nhiều trong những năm đó.

    NMH: Thưa cụ, khi mà mà cụ quyết định gia nhập đó thì lúc đó, năm đó cụ bao nhiêu tuổi và cụ đương làm gì?

    LQV: Năm, năm đó tức là 44, tức là tôi lúc đó vào năm, lúc đó tôi vào 25 tuổi.

    NMH: Và hồi đó cụ đang làm gì, đang làm gì?

    LQV: Hồi đó thì tôi giải ngũ, vừa giải ngũ ở trong quân đội Pháp vào năm 43.  Thì tôi cũng chưa làm gì.

    NMH: Cụ giải ngũ có vì lý do gì mà giải ngũ không?

    LQV: Không, giải ngũ là vì tôi muốn xin giải ngũ.

    NMH: Lý do gì mà cụ muốn xin giải ngũ?

    LQV: Giải ngũ là vì tôi sự thực ra thì lúc đó tôi muốn, sự thực lúc đó tôi là sĩ quan trừ bị.  Tôi học ở trường sĩ quan của Pháp ở Tông năm 1939 và 1940.  Và học cái lớp sĩ quan trừ bị, năm 40 tôi ra, thì tôi có đi hoạt động cho đến năm 43 thì lúc đó tôi thấy là sĩ quan trừ bị cho Nhật, tôi cũng xin giải ngũ, tính cái chuyện khác.

    NMH: Thế rồi đến năm 44 thì bắt đầu gia nhập Việt Nam Quốc Dân Đảng. Thưa cụ, thế sau đó thì cụ có được vào đảng, có được giới thiệu, với ai, ai là chỉ huy trực tiếp của mình, đảng bấy giờ tổ chức ra sao và có được huấn luyện gì?

    LQV: Sự thực ra thì tôi cũng, khi mà gia nhập đảng thì tôi nghĩ rằng là các đảng phái hồi đó cũng, họ có những cái nghi thức tuyên thệ, cũng có những nghi thức tuyên thệ và trước lá quốc kỳ và có một số gọi là nhân chứng để dự lễ tuyên thệ của tôi.

    NMH: Thì hôm, cái người mà chủ cái lễ tuyên thệ hôm đó, ai – cụ có thể cho biết được không?

    LQV: Dạ, là ai giữ…

    NMH: Vâng, ai đứng chủ lễ tuyên thệ?

    LQV: Ai chủ lễ tuyên thệ á?

    NMH: Dạ.

    LQV: Chủ lễ tuyên thệ, sự thực ra là có một, hai anh em, bây giờ chắc có lẽ cũng chết rồi.

    NMH: Vâng, thế còn tuyên thệ thì mình phải tuyên thệ cái gì, cụ có nhớ lời tuyên thệ không?

    LQV: Không, tuyên thệ là trung thành với tổ quốc.

    NMH: Có thế thôi?

    LQV: Vâng.

    NMH: Có trung thành với đảng không?

    LQV: Không, làm tất cả cái gì cho cho quê hương, mà trung thành với đảng.

    NMH: Cụ có nhớ cái lời không?

    LQV: Không, lâu quá.

    NMH: Không nhớ, lâu quá rồi quên?

    LQV: Vâng. Không nhớ được.

    NMH: Cụ có nói rằng khi mà vào, nhưng mà như vậy đảng thì họ có giải thích tổ chức ra sao, cụ về sau vào Quốc Dân Đảng khá lâu, chắc phải biết?

    LQV: Có chứ, có thêm lớp huấn luyện.

    NMH: Vâng, thì họ huấn luyện xong.

    LQV: Khi họ huấn luyện xong thì có tất cả những tài liệu huấn luyện. Có những huấn luyện, có những, có những cái tài liệu huấn luyện để anh em biết cái đường lối, cái chủ nghĩa của Việt Nam Quốc Dân Đảng. Thì theo tôi, lâu ngày quá, tôi cũng không nhớ.  Nhưng mà đại khái thì cũng dựa theo cái thuyết Tam dân Chủ nghĩa của Tôn Dật Tiên và áp dụng vào cái hoàn cảnh của đất nước Việt Nam.

    NMH: Thế khi cụ, nhưng mà xin cụ cho tôi biết, thứ nhất là nói về cái vụ áp 

    dụng trong hoàn cảnh đất nước Việt Nam đó.  Tức là mình đã cũng có khác với Tàu hay sao, tức là mình áp dụng thuyết Tam dân Chủ nghĩa của Tôn Dật Tiên nhưng mà lại cho thích hợp hoàn cảnh Việt Nam.  Ở trong đó đảng có nói gì, làm thế nào để thích hợp Việt Nam?

    LQV: Không, cái đó thì, cái đó thì cái vấn đề của mình đầu tiên ấy là, mặc dầu cái thuyết của Tam dân Chủ nghĩa nhưng mà trong thực tế là mình với cái sự, gọi là hồi đó còn có áp lực của của Pháp, áp lực của Nhật thì cái đó mình phải hoàn cảnh, thứ nhất là mình phải gạt bỏ tất cả những cái ảnh hưởng đến cái áp lực của Pháp và của Nhật ra đã.

    NMH: Dạ, tức là cái tranh đấu bằng võ trang trước đã?

    LQV: Vâng, tranh đấu bằng võ trang.

    NMH: Tức là những cái chuyện mà thực hiện dân sinh, dân chủ thì là về sau?

    LQV: Vâng, cái đó là cái lý thuyết thôi, cái đó là cái lý thuyết về sau.

    NMH: Tức là chưa nói chuyện thực tiễn?

    LQV: Cái đấy thì sau đó.

    NMH: Thưa cụ, khi mà cụ vào Quốc Dân Đảng như vậy đó thì cụ có, lúc bấy giờ ai là Đảng trưởng, có biết ai là Đảng trưởng không, có nghe nói ai là Đảng trưởng Quốc Dân Đảng lúc bấy giờ không?

    LQV: Đảng trưởng hồi đó, sự thực ra thì tôi có, hồi đó thì có nói đến thuộc về cái phái Nguyễn Tường Tam, Vũ Hồng Khanh hồi đó.

    NMH: Tường Tam hồi đó.

    LQV: Vâng.

    NMH: Như vậy lúc đó là Đại Việt Dân Chính đó đã sáp nhập vào Việt Nam Quốc Dân Đảng rồi phải không?

    LQV: Vâng.

    NMH: Thế cái hồi năm 45 ấy thì đã sáp nhập với Đại Việt chưa?

    LQV: Tôi tôi nghĩ rằng là vào hồi 45 thì…

    NMH: À 44 đó, xin nói tới khi mà cụ vào?

    LQV: 44 thì có lẽ chưa.

    NMH: Chưa ạ?

    LQV: Vâng, có lẽ chưa.

    NMH: Nguyễn Tường Tam, Vũ Hồng Khanh đó.  Dạ, thưa cụ, cụ có thể cho biết, tôi muốn tìm hiểu là Quốc Dân Đảng lúc bấy giờ tổ chức ra sao, cái chương trình hoạt động ra sao.  Nói đánh Tây thì có tính rằng là có những cái kế hoạch gì?

    LQV: Sự thực ra thì tôi tôi nghĩ rằng là cái lúc đó thì cái cái tình hình vào khoảng 44 tương đối, tương đối ai người ta cũng biết tình hình rất là chín muồi.  Pháp hồi đó là bị áp lực của Nhật rất nhiều.  Và cái vấn đề đặt ra trước nhất, là làm sao mà phải là tranh đấu mà võ trang để mà giành lại cái độc lập đối với Nhật.  Mặt khác đó thì tôi nghĩ rằng Việt Minh – Cộng Sản cũng đã, cũng đã hoạt động rất, rất nhiều.  Mà chúng tôi hồi đó là những cái người có thể nói, đã nghĩ rằng là cái cái hiểm họa Cộng Sản là một cái sự, là một cái hiểm hoạ thực sự đối với đất nước và chúng tôi cũng đặt ra cái vấn đề, là phải tranh thủ bằng võ lực để nắm chính quyền ngay từ 44.

    NMH: Từ 44 đã đặt vấn đề đó?

    LQV: Đã đặt vấn đề đó.

    NMH:  Vâng, mà đã đã không ưa Cộng Sản.  Lý do gì mà hồi đó mà Việt nam Quốc Dân Đảng lại không ưa Cộng Sản.  Bởi vì lúc bấy giờ, cái hồi đó Cộng Sản đó, nó cũng đánh Tây, nó cũng đánh Nhật, phải không ạ?

    LQV: Vâng.

    NMH: Thế thì tại sao bây giờ mà Việt Nam Quốc Dân Đảng lúc bấy giờ mà cụ là đảng viên đó, lại nghĩ là Cộng Sản nó sẽ là cái hiểm hoạ?

    LQV: Theo tôi nghĩ đó là cái hồi đó thì chắc là quý vị cũng nhớ là hồi đó là ở bên, bên Liễu Châu thì phải, nó đã có cái lúc, có cái cái liên gọi là có cái cái Việt Nam Cách Mạng Đồng Minh Hội.  Thế nhưng mà là một số đảng phái nữa lập ra cái Việt, cái gọi là cái Việt Nam Độc Lập Đồng Minh Hội, Việt Nam Độc Lập Đồng Minh Hội thì vì thế nói tắt là cái đồng minh là Việt Minh.  Nhưng mà thực sự hồi đó là Việt Minh nằm trong cái tổ chức của Cộng Sản, của Hồ Chí Minh đó, cũng nằm trong cái tổ chức Việt Nam Độc Lập Đồng Minh Hội.  Nhưng mà trong cái số đó nhiều anh em Quốc Gia ta biết rằng là lúc đó Hồ Chí Minh đó, đã có cái  khuynh hướng là muốn, là muốn phản bội ông Nguyễn Hải Thần.  Vì thế cho nên có một số anh em nghĩ rằng trong là trong hội này…

    NMH: Tức là cụ nói đó là Việt Nam Cách Mệnh Đồng Minh Hội? 

    LQV: Cách Mạng Đồng Minh Hội đó, ông Nguyễn Hải Thần là Việt Nam Cách Mạng Đồng Minh Hội, ông và ông cái Việt Nam Cách Mạng Hội là một trong những hội theo tôi nhớ đó, là một trong những cái hội, hội họp với nhau, lập thành cái cái liên hiệp vậy đó, cái Việt Nam Độc Lập Đồng Minh Hội đó.  Thì trong số đó có Hồ Chí Minh.  Thành ra những danh từ là danh từ Việt Minh là do cái danh từ Việt Nam Độc Lập Đồng Minh Hội.  Nhưng mà lúc đó thì người ta đã đã có nhiều người, ngay cả những phần tử Quốc Gia Trung Hoa cũng đã tố cáo Hồ Chí Minh lúc đó là phần tử Cộng Sản.  Cho nên lúc đó chúng tôi lúc hồi, ngay từ hồi trong những tin tức mà liên lạc, anh em đã biết được cái vấn đề đó đã đã rất là nghi kị vấn đề Hồ Chí Minh, mà đặt cái vấn đề phải đấu tranh bằng võ lực đối với Cộng Sản.

    NMH: Nhưng mà tại sao lại, tại sao lại hồi đó lại ghét Cộng Sản, tại sao hồi đó ghét khi mà nói Hồ Chí Minh là Cộng Sản. Tại sao các đảng phái Quốc Gia hồi đó lại ghét Cộng Sản.  Năm 44 nhớ, mình là khung cảnh 44 đó, tức là chưa có đánh nhau gì cả, chưa có xích mích gì cả, mà tại sao mình đã ghét Cộng Sản, vì lý do gì? Đây theo ý của cụ, coi lại quan niệm hồi đó, Việt Nam Quốc Dân Đảng tại sao mà Việt Nam du nhập Việt Nam Quốc Dân Đảng, trong Việt Nam Quốc Dân Đảng có nói cho mình biết cái gì, tại sao mình phải ghét, coi Việt Minh như là kẻ thù.  Ngoài cái việc là nó có thể phản bội?

    LQV: Sự thực ra thì có thể nói là theo những tin tức anh em liên lạc với bên lúc đó trong nước sự thực ra vẫn chưa có, trong nước chưa có hoạt động gọi là bên kháng chiến, tổ chức kháng chiến đi chống Nhật hay là đả Phát Xít nọ kia thôi.  Nhưng mà những cái tin tức mà chúng tôi biết được về thời điểm phần nào tin tức ở bên, ở ngoại quốc đưa về thì đúng hơn, ngoại quốc đưa về thấy rõ rằng trong hàng ngũ của đảng phái, trong các Quốc Gia có sự chia rẽ, có sự chia rẽ và đã nghi kị.  Nói chung mình là vì với nhiều bí danh này kia đã là một hoạt động của Đệ Tam Quốc Tế.  Vì thế cho nên đặt cái vấn đề nghi kị mà nghĩ rằng là phải phải… với hai nữa là Việt Nam Quốc Dân Đảng hồi đó cũng đã, cũng đã nghĩ rằng sau có thể tình hình khiến mình đi đến một cái giai đoạn mình phải đóng cái vai trò gì cho đất nước và phải đặt cái vấn đề võ trang.

    NMH: Nhưng mà như vậy là Việt Nam Quốc Dân Đảng năm 44 đó, là cũng 

    chủ trương chống Phát Xít Nhật?

    LQV: Việt Nam Quốc Dân Đảng sao?

    NMH: Năm 44 đó là cũng chủ trương chống Phát Xít phải không – chống Phát Xít Nhật?

    LQV:  Vâng, 54 có thể nói 44 là đã bàn tới cái vấn đề đó nhưng mà phải đến, đợi đến, đợi đến 45 lúc đó mới thành thực.

    NMH: Thế làm sao mà lại định đảo chính, khi đó mục đích như thế có chuẩn bị gì.  Mình đã định đảo chính cướp chính quyền này, mình cướp chính quyền tranh đấu vũ trang này thì Việt Nam Quốc Dân Đảng lúc bấy giờ có chuẩn bị như thế nào, để tiến hành cuộc tranh đấu vũ trang?

    LQV: Sự thực ra tôi thấy Việt Nam Quốc Dân Đảng lúc đó có thể nói là một cái đảng phái rất là, tôi tôi nói có thể nói rất là mạnh mẽ vì không phải là riêng ở trong cái vùng – riêng cái vùng Vĩnh Yên mà thôi, mà còn cho tất cả các vùng khác nữa.  Cái vùng khác nữa, thí dụ như là vùng duyên hải, thí dụ như là vùng Lạng Sơn, Cao Bằng, tất cả những vùng đó cũng có những đảng phái Quốc Gia khác.  Thí dụ như là của tụi, thí dụ như là vùng Móng Cái là của bên Việt Nam Cách Mạng Đồng Minh Hội, tức là bên Nguyễn Hải Thần, ngoài Móng Cái đó.  Rồi bên, về phía về phía vùng Lạng Sơn, Cao Bằng thì có cái gọi là phe Phục Quốc của ông Nông Quốc Long.  Vâng thì tất cả những cái tình hình hồi đó có thể nói là vào khoảng 44–45 thì lúc đó gần như là chín muồi, để thấy ai cũng có thể phải làm một cái gì, đó cái giai đoạn đó tức là rất là hợp với Nguyễn Hải Thần.

    NMH: Thưa cụ, bây giờ xin cụ cho biết đó, là cụ nói một cách rất như là tâm tình những chuyện từ hồi vào Việt Nam Quốc Dân Đảng năm 1944 đó, rồi kinh qua cho tới cái ngày mà 1945, cái giai đoạn đó những chuyện gì cụ làm cho đến tận năm 46. Nghĩa là xin cho biết đó là mình đã thấy trong giai đoạn lịch sử, có giai đoạn mà tranh đấu của các đảng từ năm, suốt từ năm 44 đến 46, rất nhiều. Thì xin cụ cho biết là, thứ nhất là trong cái cuộc đời cá nhân của cụ, cụ vào Việt Nam Quốc Dân Đảng, rồi cụ theo đảng, cụ làm những cái chuyện gì và sự liên hệ giữa đảng với chống Cộng Sản ra sao, chống Pháp, Nhật, liên hệ cả Pháp, Nhật, Trung Hoa cho đến năm 1946?

    LQV:  Cho đến năm 46?

    NMH: Vâng, cái năm tức là hai bên đánh nhau đó, mà cuối cùng Việt Nam Quốc Dân Đảng phải rút sang Tàu.  Thì xin cụ cho biết lại cái cuộc đời cụ trong giai đoạn đó? 

    LQV: Khi mà Nhật…

    NMH: Năm 44 khi mà cụ vào rồi thì bắt đầu từ đó thì sao, chuyện gì xảy ra?

    LQV: Vâng, thì bắt đầu lúc đó thì lúc tôi cùng một số anh em là lo tổ chức đảng ở cái vùng mà, vùng Vĩnh Yên, vùng Vĩnh Yên.  Thì trong số đó có một số các anh em khác nữa thì đến…

    NMH: Thưa cụ, xin xin tôi ngắt lời, bây giờ cụ, xin cụ nói đó thì nếu mà cụ có thể nói được những tên đó?

    LQV: Nên nói không?

    NMH: Vâng, nên, bởi vì cuối cùng cái này còn lâu lắm mới chuyển vào Quốc Hội, còn lâu lắm mới có người ta nghiên cứu thì lúc đó chuyện đã hết rồi.  Mà cái vấn đề là chính xác của lịch sử đó, phải có những cái đó, càng nhiều càng chi tiết càng tốt.  Thành nếu có cái gì mà cụ có thể nói được đó thì xin cụ cứ cho nói.  Vâng, còn nếu mà cụ nói được mà cụ không… nếu mà chỉ sensitive (nhạy cảm) đó thì cụ có thể nói là chuyện này có thể 5 năm sau mới được, được cho người ta biết thì cũng có thể chấp nhận được chuyện đó.  Chúng tôi có thể ghi vào tapes – tapes này 5 năm sau mới được.  Tại vì như vậy mới quí, tại vì bây giờ cụ cũng lớn tuổi rồi.  Cụ chả nói gì cũng quên hết những cái tên đó.  Thành những chi tiết nào mà cụ nghĩ là cần thiết để làm sáng tỏ cái lịch sử Việt Nam trong giai đoạn đó thì xin cụ cho biết.  Bởi càng mơ hồ đó thì mình khó khi mình giải thích căn cứ học giả đó thì không có sự khả tín đối với người ta, phải có rõ rệt thì mới được.  Thành ra xin cụ cứ tự nhiên, nếu mà cụ có đặt điều kiện 5 năm cũng được, không sao hết?

    LQV: Tôi, tôi không đặt điều kiện và tôi cũng nhớ một số anh em, một số tên một số anh em đó.  Mà tôi, cái vấn đề đặt ra là đây là câu chuyện nó xảy ra, nó cũng đã quá lâu, quá thời gian quá mà tôi đang còn nhớ, có khi nhớ nó không được, không được chính xác, cái đó xin giáo sư thông cảm cho vấn đề đó.

    NMH: Khi nào, dạ, vâng, vâng. 

    LQV: Thế tôi trong, trong cái cái thời kỳ 44–45 thì tôi nghĩ là trong đó là trong, trong cái giai đoạn gần như là chuẩn bị, chuẩn bị kết bạn anh em, tổ chức các hệ thống, tổ chức cái khu riêng trong cái vùng Vĩnh Yên đó.  Thì lúc đó chúng tôi tổ chức thành một cái gọi là một cái coi như là Đệ Tam Chiến khu, coi như Đệ Tam Chiến khu của Việt Nam Quốc Dân Đảng.

    Thì hồi đó là khi mà thực ra mắt công khai đó thì sau khi Nhật cướp chính quyền, Nhật khi mà Việt Minh khi mà mà khi mà khi mà, mà gọi là khi mà Nhật cướp chính quyền.  Nhật cướp chính quyền và giao lại cho cho Chính phủ Trần Trọng Kim đó thì vào khoảng độ vào tháng… vào khoảng độ thì tôi nhớ là hình như vào tháng 8 gì đó năm 45, khi mà Việt Minh cướp chính quyền ở Hà Nội thì đồng thời chúng tôi cũng cướp chính quyền ở Vĩnh Yên.  Thì tôi cướp chính quyền ở Vĩnh Yên, thành lập cái Đệ Tam Chiến khu, Đệ Tam Chiến khu.

    Cái lúc đó là cái Đệ Tam Chiến khu là tập trung ở vùng Vĩnh Yên, Phúc Yên.  Nhưng mà trong cái kế hoạch của chúng tôi là sẽ sẽ lấy luôn cả cái Hà Đông, Hà Nội và lên đến tất cả từ lên đến Việt Trì, Yên Bái, Lào Cai, tất cả một dải.  Thì cái kế hoạch gọi là cướp chính quyền, cướp chính quyền đó, sự thực ra thì ngay Hà Đông đó thì chúng tôi sự thực ra cũng đã móc nối được cái số anh em ở vùng Hà Đông, mọi người lúc đó gọi là cơ quan Bảo An.  Bảo An là tôi nhớ là hồi đó như là gọi là ông Quản Trưởng.  Lúc đó là người chở ông Quản Trưởng ở Hà Đông thì lúc đó dự định cướp chính quyền nhưng mà bị lý do tôi nhớ là lý do bị phản bội, không có thực hiện được ở Hà Đông.

    Hồi đấy mà cướp được Hà Đông thì có thể lấy được Hà Nội.  Và Phúc Yên đó thì chúng tôi cũng có giải  pháp lấy đánh cái Phúc Yên.  Nhưng mà cái chẳng may nó bị lụt, lụt rồi thì tất cả lúc đó nó nó ngoài cái kế kế hoạch của chúng tôi.  Thành ra mất, khi nước lụt nó mênh mông mất hết, trung ương mất liên lạc, thành ra và cũng có một cái sự gọi là phản bội nào đó.  Thành ra chúng tôi không lấy được cái Phúc Yên, không lấy được Phúc Yên, không lấy được Hà Đông, thành ra mất liên lạc với Hà Nội.

    Nhưng mà trong còn về cái mặt khác thì chúng tôi về mặt phía trên, từ Vĩnh Yên mà đi trở lên Việt Trì, Phú Thọ, Lào Cai là chúng tôi lấy hết, chúng tôi lấy hết.  Thành ra tất cả cái chiến khu – cái Đệ Tam Chiến khu, chúng tôi lấy thì từ có thể nói là từ Vĩnh Yên lên tới, lên tới biên giới Lào Cai.  Và từ có thể nói là rất là lớn, rất lớn vì chúng tôi làm việc đó thì sự thực ra hồi đó thì trong cái, tôi là cương vị Ủy viên Quân sự của Đệ Tam Chiến khu.  Cái người người chỉ huy cái Đệ Tam Chiến Khu hồi đó là có anh Lê Ninh (Lê Ninh là bí danh), ngoài Lê Ninh thì có Đỗ Đình Đạo, còn một số anh em nữa cán bộ như là Lê Thanh, Nguyễn Vĩnh, như là mấy anh còn lại nhiều lắm, tôi không nhớ.

    Thì tất cả những anh em đó thì cũng đã đã đóng góp vào rất nhiều việc mở rộng cái Đệ Tam Chiến khu.  Tức là ít nhất là một, từ Vĩnh Yên lên đến Lào Cai là thuộc về Đệ Tam Chiến khu của chúng tôi.  Tuy rằng phải nói trong cái tinh thần tôi, tôi rất là, lúc nào tôi cũng nhớ lại cái cái khung cảnh hoạt động, mà cái tinh thần của các anh em trong hồi đó rất chi là làm việc rất là tích cực, hăng say.  Mà sự thực ra là là, mặc dù cũng bị Việt Cộng phong toả – phong toả từ Phúc Yên trở lên, không có liên lạc với với Hà Nội.  Nhưng mà một số anh em cũng vẫn mạo hiểm, vẫn bắt được liên lạc với tất cả các nơi.

    Còn riêng về cái gọi là vùng từ Đệ Tam Chiến khu tình thế, cả Yên Bái, cả chung quanh đấy.  Ngay cả, ngay cả Lào Cai thì là chúng tôi cũng nắm được tất cả Lào Cai.  Mà cái trận đánh đầu tiên, tôi nhớ cái trận đánh đầu tiên là đánh nhau với Pháp đó, là cái trận ở Phong Thổ đó, là lính của anh em Quốc Dân Đảng đã đánh lại, đã chống lại quân của Alexandri ở Phong Thổ, mà cùng với số anh em sinh viên đã tham gia, mà đã có thể nói và đã tham gia và đã ngăn cản.  Thì nghĩa là không chặn được nổi nhưng mà ít nhất cũng ngăn cản bước tiến của trong hai ngày, trong hai ngày gì đấy.  Còn vấn đề cái chuyện gọi là cái chuyện trận đánh ở Phong Thổ chẳng hạn, đấy là cái chuyện vì hồi đó tôi nhớ hình như thời báo ngày gọi là thời thời báo gì của…

    NMH: Phong Hoá – Ngày Nay ấy, của ông…

    LQV: Không, không, cái hội gì phải tờ – sau này của nhóm, của nhóm của ông Trần Trung Dung đó – đường Quan Thánh cũng đã đề cao, đề cao tới cái trận chiến của Việt Nam Quốc Dân Đảng đánh Pháp ở Phong Thổ lần đầu tiên ở Phong Tô đó, Phong Tô lần đầu tiên.  Sự thực ra thì cái trận Phong Thổ lần đầu tiên, tôi nhớ là một cái trận đó, sở dĩ thất bại là là gọi là cái người partisans (thân binh) của vùng trên đó, sự thực ra nó có mấy trăm người, đáng lẽ nó theo mình nhưng mà thấy Pháp thì nó sợ quá, nó trốn mất.  Thành ra còn có mấy chục anh em ở lại chống với một hàng, chống cả gần hàng hai ngàn người, mà đã cầm cự được một ngày một đêm.

    Như thế, tôi cho là cái chuyện hết sức là hi hữu, khi mà phương tiện không có, khi mà từng viên đạn đều phải đếm.  Còn khi mà trong cái thời gian từ 45–46 khi mà cướp chính quyền xong rồi, chúng tôi cũng có thành lập tất cả một cái chính sách, một cái chính sách hành chánh tại địa phương.  Tức là cũng có những, cũng có những chức vụ như là tỉnh vụ trưởng đó, tỉnh vụ trưởng để lo tất cả vấn đề.

    Thế rồi và ngày, tôi còn nhớ ngày khi mà sau khi 46, khi mà cướp chính quyền đó thì chính Cộng Sản – Việt Minh, cũng đã nhiều lần muốn gửi người đến thương thuyết.  Thì thương thuyết để cái vấn đề hợp tác, rồi chúng tôi không, không bao giờ có thể nghĩ rằng là, chúng tôi cương quyết không nghĩ được cái vấn đề hợp tác được với Cộng Sản.

    Thì cho đến nhưng mà tôi xin nói thêm là trong cái thời kỳ 45 thì 45, 46 đó, khi mà quân đội Tàu đó giao cái trách nhiệm giải giáp quân đội Nhật tại Bắc Kỳ đó thì có quân đội Lư Hán đã mang quân vào.  Thì trong khi mà quân đội Lư Hán mang quân vào, có một số anh em Việt Nam Quốc Dân Đảng ở hải ngoại cũng đã trở về theo, về theo.  Thì trong số đó thì có những anh em như là, như đặc biệt như là ông Vũ Hồng Khanh là cùng trở về trong cái nhóm đó và một số anh em khác nữa thì trở về đó.

    NMH: Thưa cụ, cụ nói là Việt Nam Quốc Dân Đảng đó, khi mà Nhật đầu hàng đó thì đi cướp chính quyền trên Vĩnh Yên.  Thì cái chuyện ấy xảy ra mà cụ bảo khi Việt Minh cướp chính quyền ở Hà Nội thì mình cướp ở Vĩnh Yên thì tại sao không cướp Hà Nội ngay lúc đó?

    LQV: Hà Nội sự thực ra thì là tôi, riêng phần tôi là tôi chỉ biết được phần tôi.  Các nơi người ta cũng có cướp, cướp có phải không.

    NMH: À, tức là cụ chỉ biết gần gần mình thôi?

    LQV: Vâng.

    NMH: Mà trên có mà, tức là cụ biết là có kế hoạch là cướp các nơi?

    LQV: Vâng, các nơi, mà chứng – bằng chứng như là ngay các tỉnh như là ở vùng Lạng Sơn, Cao Bằng cũng, họ cũng có cướp chính quyền.

    Ngay vùng Móng Cái, vùng duyên hải Quảng Yên cũng có cướp chính quyền, họ cũng có nắm chính quyền chứ phải không.  Nhưng mà chỉ vì thế cho nên đó là một cái lực lượng đáng kể, cho nên Việt Minh đã phải tìm cách mà thương thuyết, rồi đi đến cái hiệp ước gọi là cái, đi đến cái cái cái Hiệp ước 6/3/46.  Cái Hiệp ước 6/3/46, sự thực ra là tôi nghĩ rằng là Việt Minh đã kết – cấu kết với lại Pháp để mà cố tình tiêu diệt các đảng phái Quốc Gia.  Và trong thực tế rồi thì khi, cũng về sau đó mới đi đến cái Chính phủ Liên hiệp nọ kia, cũng chỉ là một cái tính cách, là một cái đường lối để mà tiêu diệt các đảng phái Quốc Gia mà thôi.

    NMH: Thưa cụ, cụ có thể cho biết, có nhớ rằng khi mà cướp chính quyền, Việt Nam Quốc Dân Đảng cướp chính quyền, cụ có nhớ là đã chiếm được những nơi nào không.  Cụ nói là suốt từ từ Vĩnh Yên này cho suốt lên Lào Cai phải không ạ?   

    LQV: Ừ.

    NMH: Cụ nói có cả Cao Bằng, Móng Cái, cụ có thể liệt kê một số…

    LQV: Không, cái đó là tôi nói về nơi nào về Đệ Tam Chiến khu đó.

    NMH: Vâng, thế còn những nơi khác thì xin cụ?

    LQV: Các nới khác thì tôi biết thì thí dụ như là ở bên ông Nguyễn Hải Thần, cũng có Nguyễn Hải Thần với nhóm ông Nông Quốc Long thì ở bên vùng Lạng Sơn, Cao Bằng cũng có chiếm một thời gian nhưng mà cũng có chiếm – cũng thành lập chính phủ.  Thế nhưng cũng còn về vùng, vùng duyên hải Móng Cái thì cũng có… họ cũng có chiếm được một thời gian chứ không phải…

    NMH: Thế các đảng khác đó?

    LQV: Vâng, sự thực ra thì chỉ có vùng Hà Nội, với lại vùng gọi là vùng…

    NMH: Hà Đông?

    LQV: Vùng Trung, Trung Châu đó, còn không có thì sự thực theo tôi

    biết thì có lẽ những cái vùng đó đều có, cũng nổi lên mà chống lại, sự thực có chống lên, có cướp chính quyền.

    NMH: Tôi phỏng vấn một số người, với lại đọc sách thì có nói là cái chuyện mà Việt Minh cướp chính quyền 19/8 đó thì trước đó là các đảng phái Quốc 

    Gia thì cũng đã định, dự định cướp chính quyền rồi thì cụ có nghe nói gì về chuyện đó không?

    LQV: Ai, ai cướp chính quyền?

    NMH: Đảng phái Quốc Gia đó, hồi đó định cướp chính quyền tay trên của Việt Minh, tức là cướp ngay sau đó, lúc mà chính quyền đang ở tay Trần Trọng Kim, ngoài Bắc ấy thì là có ông Toại.  Thế thì bây giờ thì muốn cướp chính quyền của các ông ấy từ trong tay Chính phủ Trần Trọng Kim đó, tức là Việt Nam Quốc Dân Đãng cũng đã tính cái chuyện đó. Việt Nam Quốc Dân Đảng và Đại Việt lúc bấy giờ bắt đầu thống nhất rồi, tính chuyện cướp chính quyền thì cụ có nghe gì về chuyện đó không?

    LQV: Sự thực ra thì chúng tôi cướp được, khi mà cướp chính quyền hồi như là Vĩnh Yên đó, sự thực ra cướp chính quyền hồi đó còn là Chính quyền Trần Trọng Kim, còn là Chính quyền Trần Trọng Kim.

    NMH: Thì cướp luôn?

    LQV: Ừ.

    NMH: Thế cái chuyện đó xảy ra trước Hà Nội hay sau Hà Nội?

    LQV: Tôi tôi nghĩ rằng là bây giờ cái thời gian đã lâu ngày quá nhưng mà tôi nghĩ rằng nó cũng có thể nói là là đồng thời, hay là trước sau một ít ngày thôi chứ không có có lâu.

    NMH: Vâng, vâng.  Nhưng mà Đệ Tam Chiến khu là nhất định không có hợp tác.  Thì cụ nói là cướp chính quyền là phải dùng phương tiện đó.  Thế lúc bấy giờ lấy phương tiện đâu ra mà cướp chính quyền? 

    LQV: Cái phương tiện là chúng tôi dùng hoả lực, khí giới thành ra chúng tôi một mặt thì chúng tôi lấy khí giới của Bảo An Binh, của Bảo An Binh các nơi đó, hoặc những anh em lúc đó quân đội của mình chưa có.  Thì có cái thành phần ngày xưa gọi là Bảo An Binh đó thì của Chính phủ Trần Trọng Kim đặt ra cái Bảo An Binh.  Thì chúng tôi móc nối các vị gọi là gọi là chỉ huy của Bảo An Binh, họ theo dõi và lấy đó làm cái lực lượng nòng cốt và dùng cái vũ khí đó.  Mặt khác đó – một mặt khác thì chúng tôi đã lấy lại, mua lại những vũ khí của Nhật.

    NMH: Thế tiền ấy là lấy đâu ra?

    LQV: Cái tiền đó, sự thực ra là một số có những cái người là mạnh

    thường quân. Thí dụ tôi nghĩ là trường hợp của anh Đỗ Đình Đạo chẳng hạn đó, là một nhà đại điền chủ ở cái vùng Vĩnh Yên.  Thì ông ấy là một người đã rất là hi sinh cho đại cuộc, đã bán hết tất cả gia tư, điền sản, cả đồ nữ trang của bà ấy mà bỏ ra để mà mà đi, không những là mua vũ khí mà thôi, còn tiếp tế lương thực cho tất cả các anh em. Nhưng mà các anh em cũng thông cảm cái vấn đề đó, cho nên cũng không ai đòi hỏi gì cả.  Sự thực ra sống một cái cuộc sống hết sức là kham khổ, kham khổ gần như là chỉ có cơm ngày hai bữa với rau, với lại nước rau cứ thế thôi, cũng không có một cái gì hết.  Nhưng mà không có một ai phàn nàn gì hết cái chuyện đó hết.  Có thể nói là cái tinh thần rất cao, mà tôi luôn luôn ghi nhớ những cái chuyện, thực sự có một cái sụ tranh đấu hết sức là hào hùng trong cái chuyện…

    NMH: Cụ có thể kể những, nhớ lại những chi tiết gì mà nói về cái sự tranh đấu không.  Cái tinh thần hồi đó, cụ có ghi các chi tiết gì lại, phác họa lại một vài cái khung cảnh như thế nào?

    LQV: Hồi đó thì…

    NMH: Sinh sống ra sao, anh em sinh hoạt ra sao?

    LQV: À vâng, cái cái sinh sống thì có thể nói là chúng tôi gần như là thoát ly gia đình sống với nhau, sống với nhau, trong ngày hai bữa có cái anh em lo việc nội vụ, có anh em lo về tiếp tế, hay lo về tất cả các vấn đề khác.  Nhưng mà chúng tôi sống tập thể, sống rất tập thể và sự thực rất là thương yêu nhau.  Mà sự thực là cái phần ăn uống là anh em họ nội vụ lo nhưng mà cũng thông cảm là cái vấn đề mình sống trong cái cái khung cảnh nghèo nàn thiếu thốn, thành ra cốt ăn lấy no mà thôi.  Thí dụ như là có kiếm được tí cá khô đó, có thì ăn, kiếm được cái, không thì có rau muống, có khi ăn bữa canh buổi sáng, bữa rau buổi chiều, đại khái thế.  Thế tất cả ăn uống rất là kham khổ, mà cực khổ nhưng mà không có ai, có thể nói là không có ai phàn nàn vì cho là cái chuyện đó là sự hãnh diện là mình đóng góp vào cách mạng như vậy.  Mà cái chuyện đó tôi thấy là từ về sau này tôi không thấy có nữa…

    NMH: Thưa cụ, cụ kể hồi đó thì sống kham khổ lắm, cụ thấy rằng anh em làm việc như vậy đó thì cái, trong cái khung cảnh đó, anh em thấy cái triển vọng đạt được cái nguyện vọng của mình có nhiều không, có hi vọng gì nhiều không, mà tại sao lại như vậy?

    LQV: Chúng tôi phải nói rất, rất là hi vọng, là vì chúng tôi thấy cái không khí tranh đấu hồi đó nó bùng nổ gần như là, không phải là riêng trong cái vùng Vĩnh Yên mà thôi, mà tất cả gần như là trong toàn quốc. Tuy nhiên chúng tôi tuy rằng cái sự liên lạc có khó khăn vì năm đó, nhớ là cái năm đó lụt đấy.  Tuy rằng là sự liên lạc khó khăn nhưng mà theo tin tức biết thì chúng tôi anh em những người Quốc Gia hết sức là, vẫn là lạc quan.

    Và ngay trong năm 46 đó, có thể nói là tình hình lúc đó, ngay cả Việt Minh lúc đó cũng gặp nhiều khó khăn, ngay cả đối với về phía Pháp nữa, là cũng… Thành ra chúng tôi, ngay trong Hà Nội đó, cũng có những vụ như là Việt Minh treo cờ – chắc là giáo sư còn nhớ những vụ thanh toán anh em đảng phái Quốc Gia rất nhiều.  Nghĩa là cái sự tranh chấp ngay cả Hà Nội cũng có, chứ không phải ngay Hà Nội mà Việt Minh – Cộng Sản muốn làm gì mà làm, cũng có gặp những cái cái sự chống đối rất nhiều của nhân dân tại ngay tại Hà Nội, ngay tại Hà Nội.

    Cho nên những cái vụ mà, khi mà đưa ông Huỳnh Thúc Kháng ra làm Bộ trưởng Nội Vụ thì cũng là mục đích là xoa dịu những cái sự, mà cái xoa dịu cái mặt, xoa dịu cái chính sách đàn áp của Cộng Sản đi.  Hai nữa là lúc đó thì chúng tôi, nếu tôi nhớ không nhầm thì hồi đó ngay đã có một hồi Việt Cộng cũng, có thể nói rằng cũng đã rung rinh lắm rồi, đã phải đổi lại cái đảng Cộng Sản Đông Dương gọi là đảng, gọi là đảng Lao Động, gọi là đảng Lao Động, chứ không gọi là Cộng Sản.  Mãi khi sau này đó, khi mà mà sau này mới tái lập lại cái cái đảng Cộng Sản Đông Dương, chứ lúc đó thì có lẽ cũng sợ cái danh từ đó lắm.

    NMH: Thưa cụ, nhân vật Đỗ Đình Đạo là nhân vật rất đặc biệt.  Về sau này xuất hiện trong những tiểu thuyết, rồi rất nhiều truyện đồn về Đỗ Đình Đạo, ông cũng là một cá nhân rất đặc biệt.  Thì cụ là người mà gần ông Đạo nhất đó xin cụ có thể cho biết, mở rộng một người – nhân vật thứ hai là ông Lê Ninh chẳng hạn thì theo sự dò hỏi của tôi thì ông Lê Ninh, chính ông Lê Ninh là cái người mà, cái ngày mà đảo chánh đấy, trước ngày đảo chánh đã có ở Hà Nội.  Nhưng mà ông không đồng ý với cái thái độ mà lừng khừng của ông cố lãnh tụ khác thì ông bỏ đi về Vĩnh Yên và chính ông ấy đã cướp chính quyền, tổ chức cái chuyện cướp chính quyền ở trên Vĩnh Yên.  Thì những nhân vật ấy là nhân vật đặc biệt, mà về sau này thì rất ít chi tiết biết lắm.  Cụ là người ở gần ông ấy thì cụ có thể nào cho chúng tôi phác hoạ đó, cái hình ảnh các ông, nếp sống các ông ấy, thái độ các ông, chính sách các ông như thế nào, nhất là hai ông Đỗ Đình Đạo và Lê Ninh đấy.  Rồi về sau ông ấy… 

    LQV: Tôi, tôi…vâng, cái đó tôi…

    NMH: Cuối cùng ông ấy chết chết ra sao, hay là mất tích ra sao?

    LQV: Vâng, vâng.  Đối với ông Đỗ Đình Đạo và ông Lê Ninh là cái người tôi có thể nói như giáo sư đã nhận xét đó, tôi là người có thể nói biết, rất biết rõ ông Đỗ Đình Đạo và ông Lê Ninh, ít nhất là Đỗ Đình Đạo.  Ông Đỗ Đình Đạo là con người, là một, từ hồi đó gọi có thể nói là một thanh niên rất là thông minh, rất là yêu nước.  Nhưng mà cái cái vấn đề sự thực ra thì ông ấy là một người đại điền chủ tư bản, cho nên cái cái gọi là cái đây, đây là đi vào lịch sử về cái trí, kiến thức, về hiểu biết đó, nó không được biết nhiều như là những nhà – thường gọi là một nhà trí thức được.  Cho nên đó là cái trở ngại đó, chứ nếu ông là một người trí thức hoàn toàn thì ông sẽ nắm lấy chính quyền nọ kia. Nhưng mà trong cái chuyện này, ông chỉ muốn làm một cuộc cách mạng thôi, là vì ông có một cái tinh thần rất yêu nước.

    Mà tôi phải công nhận ông ấy hi sinh rất nhiều trong cái vấn đề mà mà tôi rất là hết sức ngưỡng mộ là ông có thể đọc, không những thế mà cả gia đình ông là người rất hi sinh cho cách mạng.  Đã bỏ hết cả tiền tài, ông nhớ là ông Đỗ Đình Đạo là một người rất là giàu, đại điền chủ ở trong cái vùng vùng Vĩnh Yên, Phúc Yên, Tam Lộng, nghĩa là ai người ta cũng biết tiếng ông – ngoài Bắc là đó là con cháu ông Đô Thống.  Thì ông ấy đã hi sinh rất nhiều cho cách mạng mà ông cũng, sự thực ra hi sinh thực sự, chứ không phải đòi hỏi một cái gì hết.  Thực ra tôi nghĩ rằng, lúc sau này về ông cũng đã gọi là đối với anh em đấy hết sức là chí tình cách mạng, không có không có một cái tinh thần gọi là tinh thần phong kiến là một.

    Ngay về sau này đó, khi mà đất nước, tôi nhớ là khi đất nước mà bị chia đôi đó thì ông đã là cái người muốn ở lại, đã có, đã có kế hoạch ở lại để mà lập lại cái chiến khu mà chống lại Việt Minh.  Phong trào và vì thế vì thế sau này, khi mà ngay những cái chuyện bà Thụy An với lại cái chuyện đó là cái chết Đỗ Đình Đạo, thì tôi cũng không lấy gì làm lạ.  Là vì tôi nghĩ rằng là vì Pháp không có thể chấp nhận cho ông Đạo làm.  Mà làm cái chuyện mà là quấy phá, phá đằng hậu gọi là làm phá cái, đổ vỡ cái cái kế hoạch của cuả Pháp rút lui được toàn vẹn đó.  Mà vì thế cho nên cái vấn đề mà bà Thụy An, dùng cái cách nào đó để mà giết Đỗ Đình Đạo, tôi cho cái chuyện đó là cái chuyện có thể được, rất có thể xảy ra được.

    Mà tôi nhớ là ông Đỗ Đình Đạo là cái người rất là nghệ sĩ, rất là tài hoa. Ai ta cũng biết là bà Thụy An đâu có phải người đẹp nhưng mà bà ấy là cái người ăn nói trí thức, hiểu biết.  Cho nên ông Đạo, ông cũng có, có thể nói là ông cũng cũng cảm động về cái ăn nói, cái cái gọi là cái cái khéo léo của bà Thụy An, về tinh thần nhiều hơn, chứ không phải là vì cái sắc đẹp.  Nhưng mà vì sự thực cái vấn đề bà Thụy An cũng làm tay sai cho phòng nhì, tay sai cho Việt Cộng để mà giết anh Đạo đó.  Hai cái giả thuyết đều có thể cả và đều đi tới một cái mục tiêu hết là phải triệt Đỗ Đình Đạo.

    Vì hồi đó ai cũng biết vào năm 45–46 Đỗ Đình Đạo là một cái tinh thần Quốc Gia thời đó chống Cộng.  Thành ra là cựa quậy cũng phải giết Đỗ Đình Đạo cũng như là giết Trương Tử Anh.  Tôi còn và thì trước khi mà Đỗ Đình Đạo bị giết thì tôi thì có thể nói anh Đỗ Đình Đạo là người rất là xông pha.  Khi mà khi mà Phúc Yên bị bị Cộng Sản chiếm được, tức là Vĩnh Yên mất liên lạc, mất liên lạc với Hà Nội rồi đó thì chúng tôi, tôi với Đỗ Đình Đạo cũng nhiều, hoặc riêng tôi đi công tác, hoặc là tôi với anh Đỗ Đình Đạo đó cũng cũng liều mình đi qua cái Vĩnh Yên, đi về.  Mà rồi đi về cũng đã một vài lần mà bị Cộng Sản nó vào tận, vào vào đến tận nhà, đến tận nhà thương mà ám sát, mà không thành.  Rồi cái chuyện, cái chuyện giết Đỗ Đình Đạo là cái chuyện nhất định họ sẽ phải làm.  Và trước sau thì họ phải diệt làm được hoặc là Cộng Sản, hoặc là là thực dân Pháp, họ cũng vẫn tới cái mục tiêu đó, là phải triệt được Đỗ Đình Đạo.

    Thế nên nói tóm lại con người Đỗ Đình Đạo là con người cách mạng, không phải con người trí thức.  Con người muốn làm cái chuyện gì cho đất nước mà thôi.  Chứ nếu mà sự thực ra, chứ nếu mà ông ấy muốn làm câu chuyện gì, mà hồi đó có thể nói là ông muốn làm bộ trưởng, muốn làm việc đó nó quá dễ dàng đối với những chính khách nhưng mà ông không làm cái chuyện đó.  Cái đó tôi rất là, tôi tôi xin ca ngợi cái tinh thần của Đỗ Đình Đạo, tinh thần một người cách mạng.

    Nói ông Lê Ninh đó, sự thực ra thì ông ông Lê Ninh đó thì tôi cũng chỉ

    biết ông Lê Ninh là khi ông ở Vĩnh Yên.  Chứ ông ấy là con người, có thể nói là có cái sức thuyết phục đối với quần chúng rất là mạnh mẽ. Nói chung mà nói thao thao bất tuyệt, mà ông nói không phải là nói một cách bóng bẩy, có, tôi có hai, tôi đợt ấy có hai con người, ở trong cái cái chuyện ở Vĩnh Yên đó, có hai con người là tôi có thể nói là nắm được quần chúng một cách rất là chắc, nghĩa là là chặt chẽ đó, là một người là, một anh là Dương Tế Dân, không biết anh có biết không.  Ông Dương Tế Dân cũng là một cán bộ Cộng Sản – à cũng là cán bộ của Việt Nam Quốc Dân Đảng.  Anh này đó thì cũng có sức nói hấp dẫn lạ lùng nhưng mà có tính cách trí thức, có tính cách nói rất là bóng bẩy, văn hoa, rất là cũng rất là hấp dẫn, mà nghe cũng rất là say sưa.

    Nhưng mà cái người mà đăc biệt nhất là ông Lê Ninh, con người mà tôi cho là, tôi đánh giá hơn Dương Tế Dân, là ông ấy nói một cách rất là mộc mạc.  Nhưng mà nói rất một cách hùng hồn, mà rất là hăng say, mà mọi người đã đã nghe thì không nghe thì thôi, mà đã nghe gần như là có sức hấp dẫn như là mình nghe, bị điện giật, có một sức, có cái sức hấp dẫn lạ lùng, mà nói rất là, mà rất là mộc mạc, chứ không phải là nói cao, chủ thuyết gì cả.  Thành ra mỗi khi mà nói đến dân chúng, gọi là đứng hàng hai, ba ngàn người ra nghe và hoan nghênh hết sức.  Thì tôi nghĩ là ông Lê Ninh đó, theo tôi đó, ông ấy là con người cũng là tượng trưng cho một cái tinh thần cách mạng hết sức là cực đoan, mà mà có thể nói hoàn toàn là chống chống Cộng Sản, chống Việt Minh.

    Thì nói với ông Lê Ninh thì tôi có cái kỷ niệm, cái kỷ niệm nó có tính cách cá nhân tí.  Là khi đó tôi với ông Lê Ninh, hai người cũng đi về công tác thì tôi nhớ là hồi đó Hà Nội cũng có anh em hoạt động ngay tại Hà Nội.  Thành ra chúng tôi thì với tư cách, tôi ở trong cái gọi là trong cái Trung ương Đảng bộ đó thì tôi với Lê Ninh đi về công tác tại Hà Nội.

    NMH: Vâng, cũng ở trong Trung ương Đảng bộ, tức là với chức gì?

    LQV: Không, tôi thì vẫn là ủy viên quân sự nhưng mà có lối làm việc với ông Ninh nhè nhẹ đấy.

    NMH: Trung ương Đảng bộ? 

    LQV: Vâng.  Thì là tôi ở trên đó, tôi về với ông, đi về với ông Lê Ninh, đi về Hà Nội.  Về Hà Nội thì lúc đó thì cái chuyện, cái chuyện đó là

    chuyện hết sức nguy hiểm là vì nó biết là từ Vĩnh Yên đi về Hà Nội đó là phải qua Phúc Yên, mà chúng nó chặn dân kỹ lắm.  Nhưng mà chúng tôi thế cũng cứ liều đi, hoặc là giả trang, hoặc là cứ mà đi, mà chúng tôi cũng về Hà Nội.  Thì về Hà Nội thì phần nhiều là cái trụ sở của chúng tôi hồi đó là ở trên Hàng Bún.

    Trụ sở ở Hàng Bún đó thì tôi… tôi với Lê Ninh về đến nơi, đến cái trụ sở ấy thì có anh chị em cho biết là bây giờ phải tìm cách tránh đi, chứ đêm nay nó khủng bố.  Tụi Việt Minh nó khủng bố tất cả các trụ sở. Hồi đó nó đang giết, đang bắt bớ những vụ, những cái vụ khủng bố hồi ấy, nó cứ đi bắt bớ, khủng bố.  Thì nó, họ nói với tôi thì họ sẽ theo dõi cái cái trụ sở này nọ, bị thực dân khám phá rất… bị bị theo dõi rất là sát, mà không nên ở đây.

    Thì tôi với ông Lê Ninh đó, không nghĩ có cách nào khác cả.  Mà lúc đó mình là cán bộ, rõ là cán bộ Việt Nam Quốc Dân Đảng rồi.  Mà mình không thể nào đi đến cái nhà anh em, mà gây phiền lụy cho người ta. Thì lập tức tôi phải tìm cách, mà một cách rất là, rất là hi hữu nhất, là chúng tôi rủ nhau đi xuống nhà cô đầu, để ngủ – để mà tránh, tránh cái đêm hôm đó.  Thì ông Lê Ninh đi xe trước, đi xe tay kéo – đi trước, tôi đi xe sau, tôi đi xe sau.  Tôi, một người – một anh bạn nữa, với lại ông Lê Ninh ngồi lên xe trước; tôi ngồi với anh bạn, hai người ngồi lên xe sau, tôi ngồi xe sau.  Thì tôi hồi đó, tôi phải tôi nói ngay là hồi đó tôi vẫn có khẩu súng lục, tôi giắt ở ở chân này, tôi giắt trong chân đó.  Thì xe ông Lê Ninh đi trước, đi qua đường đường Halais đó, để đi xuống Khâm Thiên.

    Mời đọ tiếp Phần 2

    https://usvietnam.uoregon.edu/3668-2/


    Không có nhận xét nào