Header Ads

  • Breaking News

    Chuyện Việt Nam ngày Thứ tư 31 tháng 5 năm 2023

    Quê Hương tổng hợp

    Tổ chức Theo Dõi Nhân Quyền(Human Rights Watch. HRW): "Bộ trưởng Tô Lâm trả thù người làm video chế giễu mình!"

    RFA


    Ông Bùi Tuấn Lâm bên xe bán Bún bò Huế ven đường 

    https://www.rfa.org/++plone++rfa-resources/img/icon-zoom.pngFB Lê Thanh Lâm 

    Tổ chức Theo Dõi Nhân Quyền cho rằng, án tù dành cho ông Bùi Tuấn Lâm là kết quả của video chế giễu Bộ trưởng Công an Tô Lâm ăn bò dát vàng ở Luân Đôn, trong lúc người dân đang lao đao vì đại dịch COVID-19 và người dân sẽ chỉ nhớ đến hành động này. 

    Tổ chức Theo Dõi Nhân Quyền (Human Rights Watch) hôm 31/5 ra thông cáo có tiêu đề "Không được phép đùa giỡn ở Việt Nam" và cho rằng "Bộ Công an không có óc hài hước" hay "Bộ trưởng trả thù người làm video chế giễu". 

    Thông cáo được đưa ra sau 6 ngày "Thánh rắc hành" Bùi Tuấn Lâm bị tuyên án năm năm rưỡi tù giam với cáo buộc "tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam".  

    Ông Phil Robertson, Phó Giám đốc phân ban Châu Á của HRW cho rằng:

    "Bùi Tuấn Lâm trở nên nổi tiếng vào tháng 11 năm 2021 khi làm một đoạn video chế ghi hình bản thân bắt chước đầu bếp nổi tiếng có nghệ danh là Thánh Rắc Muối, người mấy ngày trước đã nổi như cồn ở Việt Nam sau khi rắc muối lên miếng bít tết dát vàng giá 2.000 đô la và bón tận miệng cho Bộ trưởng công an Việt Nam, Tô Lâm. 

    Trong đoạn video của mình, Bùi Tuấn Lâm thay miếng bít tết dát vàng bằng tô mì thường nhật với vài lát thịt và hành. Đoạn video này cũng được lan truyền rộng rãi, mang lại cho Bùi Tuấn Lâm cái tên lóng “Thánh Rắc Hành” và tai tiếng cho ông bộ trưởng."

    Bà Lê Thanh Lâm, vợ của ông Lâm ngày 31/5 nói với phóng viên Đài Á Châu Tự Do như sau: 

    "Theo suy nghĩ của tôi, căn cứ vào cáo trạng, không có dữ kiện nào cho biết chồng tôi bị bắt có liên quan đến video của ảnh cả. Nhưng thực tế cho thấy, ngay khi video này được công bố trên mạng xã hội chồng tôi bị triệu tập hai lần liên tục và cách nhau chỉ hai ngày. 

    Việc triệu tập sau cái video 'rắc hành' đó được úp lên làm cho chúng ta có cảm nhận rằng, cái án đó liên quan đến video rắc hành chế giễu Tô Lâm. 

    Thật ra trong video đó không có bất kỳ hành động nào liên quan đến việc chế giễu cả, đó là quyền tự do, chúng ta có thể làm bất cứ việc gì mà pháp luật không cấm. 

    Cái việc chúng ta làm một video hài hước bắt chước ai đó, cụ thể trong trường hợp này là Salt Bae, cái chuyện chồng tôi bắt chước một người ở nước ngoài là không có vi phạm pháp luật gì cả."

    Trong thông cáo gửi cho RFA qua email, ông Phil Robertson khẳng định:

    "Bộ trưởng Tô Lâm đã trả được thù riêng bằng cách bịt miệng một người lên tiếng chỉ trích mình, nhưng điều đó không cứu vãn được danh tiếng của ông. Người Việt ghi nhớ hình ảnh ông tận hưởng miếng bít tết hàng ngàn đô la trong lúc người dân thường đang cực nhọc giữa cơn suy thoái kinh tế vì dịch Covid-19 và lạm phát mất kiểm soát.

    Án tù độc ác và vô lối áp đặt lên Bùi Tuấn Lâm cùng với sự ngược đãi nhằm vào vợ ông sẽ chỉ tô đậm thêm những hành động đàn áp bừa bãi của chính quyền Việt Nam."

    Vợ của ông Lâm nhiều ngày sau khi diễn ra phiên tòa sơ thẩm xét xử chồng mình tại Tòa án nhân dân Đà Nẵng, vẫn cảm thấy bàng hoàng vì sự xúc phạm của nhân viên an ninh đối với tinh thần và chính cơ thể của bà. Bà bày tỏ: 

    "Tôi cảm thấy rất lo lắng vì chính họ là những người an ninh Việt Nam, họ ở ngay trong cơ quan công quyền của nhà nước, nhưng họ lại buông những lời đe dọa với một công dân không vi phạm pháp luật như tôi. 

    Thậm chí ngay cả khi tôi có vấn đề gì về mặt pháp lý, họ cũng không phải là những người có thể dùng những lời lẽ để xúc phạm tôi như vậy, tôi phản đối hành động đó và cảm thấy rất kinh tởm, tôi cảm thấy sự an nguy của các mẹ con tôi đang có vấn đề, vì họ nói trực diện với tôi rằng 'để xem mẹ con tôi sống có yên không?'"

    Bà Lê Thanh Lâm cũng cho biết, sau khi phiên tòa diễn ra ông Lâm nói sẽ kháng cáo bản án sơ thẩm, tuy nhiên đến giờ vẫn chưa biết được chồng mình đã làm đơn kháng cáo hay chưa. 

    Nguyễn Ngọc Tư - Lạc 

      

    Bạn đùa, có khi cái cô quậy tưng bừng ở sân bay được China trả lương. 

    Thời điểm cô náo loạn sân bay và cương quyết trình bày bản năng gốc, điên cuồng hơn thua với cuộc đời, tàu Hải Dương 8 của China quay trở lại bãi Tư Chính. Nhưng dư luận đã kịp bỏ rơi hiểm họa xâm lăng, tưng bừng chạy sang phía người đàn bà hành xử không phải lẽ. “Mấy rày tụi mình bỏ lớn lấy nhỏ, hao tổn tâm tư vì cổ quá”, bạn nói, có chút bẽ bàng.

    Dĩ nhiên là bạn nói cà rỡn thôi, bởi thuyết âm mưu theo kiểu đó, thì người của China đang ở khắp nơi. Họ gây đám cháy, dấy cuộc thảm sát tương tàn, xúi một câu lạc bộ bóng đá bên tận trời Âu sang mua cầu thủ của mình. Và không phải tình cờ mà ngôi sao nào đó vừa chia tay, hoa hậu nào đó sắm túi giá nửa tỉ, hết thảy họ đều cố ý chọn đúng điểm rơi, nhằm lôi kéo mọi người lạc vào ma trận tin tức mà quên khuấy mất biển đảo bị giày xéo ngoài khơi.

    Dĩ nhiên, bạn nói giỡn thôi.

    Ngồi nhà lo thì cũng không giúp được gì, bạn kể bạn cũng từng nghĩ vậy, người ta còn phải sống. Nước cũng không mất trong ngày một ngày hai. 

    Tư Chính tồn tại trong những lần sực nhớ, ủa rồi mấy chiếc tàu xâm lược đó còn không. Sáng cà phê hỏi nhau biển mình sạch chưa, ai nấy đều ngơ ngác. “Thiệt khác cái hồi phía họ lôi giàn khoan qua biển mình, cả nước rần rần, mọi người kéo nhau ra đường đọc thơ thần của Lý Thường Kiệt”, ai đó nhắc, chúng ta biết bày tỏ tức giận khi bị xâm phạm.

    Ờ hồi đó, bị giẫm lên chân còn biết kêu đau, sao giờ thấy tỉnh như không. Những thở dài cũng nguội. Như phần da thịt mình không còn thuộc về mình. Hay là do mỗi lần dân mình lên cơn yêu nước, quan đã không khen ngợi thì thôi, còn hầm hè đe nẹt, nên dân nản rồi nghĩ không hơi sức đâu mà bày tỏ thái độ. Sống thôi, sống như một con dân vô tư lự, tự cho phép mình lạc càng xa càng tốt, cho nhẹ đầu trước những toan tính rối ren.

    Nhưng sáng nay, bà giúp việc hỏi mấy chiếc tàu China mấy rày ngạo ngược chạy qua biển nước mình, nay đã về chưa, bạn không biết trả lời sao. “Đâu phải đất của mụ nội họ, mà chạy qua bày đặt thăm dò”, bà già nói thêm, rồi quạu quọ cắp giỏ đi chợ. Ở chợ bà sẽ biết được tin tức chiếc tàu, trong lúc lặn ngụp qua những tin bể hụi, đánh ghen. Và tin Tư Chính bà thu nhặt được biết đâu chỉ là tin giả, nhưng quan trọng gì, bà nhớ tới vùng biển đảo đó, và không bỏ rơi nó.

    Bà giúp việc từng làm bạn giật mình khi dạy thằng con bạn khi nó bị ức hiếp ở trường, “bị đánh là phải kêu đau, la cho thiệt lớn, la hoài hủy, rồi sẽ có người nghe. Không kêu thì ai biết đâu mà giúp”. Bà nói cá kèo bị nhốt muối còn giãy đành đạch tới lúc cuối cùng.

    Giờ nhớ lại lời bà bữa đó, bạn nghĩ tới mình. Những nửa đêm kể từ cuộc xâm phạm ngạo ngược nọ, bao lần tỉnh giấc bởi mưa khuya, bao lượt lăn trở mà vẫn chưa ngủ lại được, bạn không một lần sực nhớ quê hương còn mất.

    NGUYỄN NGỌC TƯ 30.05.2023

    Nguyến Thông -  Sự khác biệt 

    Nhà cháu biết, biên mấy điều sau đây chả khác gì cà khịa, chuốc sự mắng mỏ, nhưng nghĩ sao nói vậy.


    Hôm trước nhà cháu coi cái kênh gì đó trên tivi (bệnh coi tivi mậu dịch đã mạn tính, chữa mãi không khỏi), vô tình nghe/nhìn một chương trình ca nhạc, người hát là ca sĩ Quang Dũng.


    Phải thực thà thú nhận rằng lâu nay nhà cháu ngại nghe ca sĩ hò hát trên tivi bởi quá nhiều sự nhố nhăng làm mình chán nản. Vả lại, mỗi người mỗi cách cảm nhận, chả nên áp đặt thứ của mình cho ai. Mình bảo không hay, người ta nói rằng hay, chả nhẽ cãi nhau.


    Coi Quang Dũng hát, không chỉ thích mà cònthầm biết ơn anh ấy. Đó là một ca sĩ chững chạc, tử tế, chuẩn mực trên sân khấu, một thứ đẳng cấp khi xưa rất sẵn nhưng thời nay cực hiếm hoi. Từ giọng hát, trang phục, cách biểu cảm, cách đi đứng, khó có thể "bới" được ở anh ấy thứ gì.


    Coi Quang Dũng hát, tôi lại nhớ ca sĩ lừng danh một thời Trần Khánh. Thế hệ sinh ra trong thập niên 50 - 60 ở miền Bắc không mấy ai yêu âm nhạc lại không biết Trần Khánh. Giọng số 1 đã đi một nhẽ, mà cả tư cách, sự ăn mặc, bước đi dáng đứng... trên sân khấu đều tuyệt vời. Tôi coi trực tiếp bác ấy hát vài lần nên nhớ mãi hình ảnh con người tử tế nhất này. Còn nghe anh họ tôi kể, Trần Khánh hát cả đời nhưng vẫn không đủ tiền sắm một bộ com lê để diện trên sân khấu, chỉ sơ mi quần tây thường thôi, mà chả mấy ai vượt qua được, kể cả những Trần Thụ, Quốc Hương, Doãn Thịnh...


    Nói tới Quang Dũng, nhắc tới Trần Khánh, lại bần thần buồn bởi miền Bắc như tôi biết từng có nền nghệ thuật ca nhạc rất chỉn chu, chuẩn mực, văn hóa, thấm sâu lòng người. Vậy nhưng, chẳng hiểu tự khi nào, người ta quay ra chấp nhận, tán tụng thứ gào hú, nhảy nhót quay cuồng, nhíu mày trợn mắt, giơ tay đá chân, ăn mặc nhí nhố những ngù những cầu vai, kim tuyến, cánh này đuôi nọ, bôi son bôi phẩm, trông chả ra người chứ đừng nói là nghệ sĩ. Kiểu dạng như vậy bây giờ tràn lan, hát chẳng ra hát, diễn chẳng ra diễn, chỉ như trò cười. Giọng có thể hay, thậm chí hay hơn Quang Dũng, nhưng muôn đời không bằng Quang Dũng. Nhảy nhót ăn mặc thế, có thể kiếm được nhiều tiền hơn Quang Dũng do đáp ứng thứ âm nhạc ăn liền nhưng đẳng cấp như Quang Dũng thì cứ mơ đi.


    Không chỉ ngoài Bắc, trong Nam cũng có những tay mơ tự ảo tưởng về mình, kiểu "nhà vua tự xưng" vừa rồi vậy.


    Đó là thứ nghệ thuật, thứ âm nhạc xuống dốc, tàn tạ, vào ngõ cụt. Đáng tiếc là Hội Âm nhạc VN (đứng đầu là ông Đỗ Hồng Quân, ông này từng nức nở ca ngợi cha của bộ trưởng tham nhũng Trương Minh Tuấn), rồi Bộ VH-TT-DL, rồi Ban Tuyên giáo (cầm đầu là ông thượng tướng võ biền vừa xưng tụng cuốn sách chả mấy ai đọc được dịch ra 7 thứ tiếng), họ chẳng làm gì cho nền văn nghệ đất nước ngoài việc dung túng cho những nhố nhăng.


    Nguyễn Thông

    Xuất khẩu tôm của Việt Nam sụt giảm rất mạnh

    VNTB – Xuất khẩu tôm của Việt Nam sụt giảm rất mạnh

    Hàn Lam/VNTB

    Tôm Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ, EU giảm trên 45%.

     

    Ông Hồ Quốc Lực – cựu Chủ tịch VASEP (Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam), Chủ tịch hội đồng quản trị FIMEX Việt Nam, chuyện ồn ào từ cuối năm trước là giá tôm tiêu thụ giảm, sức mua các thị trường lớn trên thế giới chậm.

    Từ đầu vụ nuôi đầu năm nay, thêm ồn ào là tôm nuôi bị bệnh tấn công khá “toàn diện” khiến tôm chậm lớn và bị thiệt hại đầu con. Gần đây nhất là giá tôm thương phẩm giảm giá hàng ngày, thậm chí có ngày giảm tới ba lần! Và tất cả các yếu tố tiêu cực này đang có sự cộng hưởng nên sự ồn ào trong ngành tôm trở thành thời sự, khiến các bên tham gia chuỗi giá trị con tôm đều như ngồi trên đống lửa, chưa biết cách nào mà lần!

    Thống kê của VASEP cho biết, 4 tháng đầu năm nay, tôm Việt Nam được xuất khẩu sang 92 thị trường. Trong top 10 thị trường nhập khẩu đơn lẻ của tôm Việt Nam, xuất khẩu sang Mỹ, EU ghi nhận giảm mạnh nhất, trên 45%. Xuất khẩu sang các thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc ghi nhận giảm quanh mức 30%.

    Tính riêng trong tháng 4/2023, theo ghi nhận của VASEP, trong top 10 thị trường nhập khẩu đơn lẻ, Anh và Hồng Kông là 2 thị trường có ghi nhận tăng trưởng lần lượt 2% và 16% so với cùng kỳ năm ngoái. Mỹ vẫn là thị trường nhập khẩu đơn lẻ lớn nhất của tôm Việt Nam, chiếm 18% tỷ trọng. Tính tới tháng 4 năm nay, xuất khẩu tôm sang thị trường này đạt 159 triệu USD, giảm 45%. Riêng trong tháng 4 năm nay, xuất khẩu sang thị trường này đạt 55 triệu USD, giảm 42% so với cùng kỳ năm ngoái.

    Theo số liệu của tổ chức FAS.USDA, 3 tháng đầu năm 2023, tổng nhập khẩu tôm vào Mỹ đạt hơn 181.111 tấn, trị giá 1,5 tỷ USD, giảm 18% về khối lượng và 29% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022.

    Giá trung bình tôm nhập khẩu vào Mỹ cũng liên tục giảm. Giá trung bình tôm nhập khẩu vào Mỹ trong quý 1 năm nay đạt khoảng 8,3 USD/kg, thấp hơn 13% so với cùng kỳ năm ngoái, và thấp hơn 11% so với giá trung bình của cả năm 2022. Hầu hết quốc gia xuất khẩu tôm sang Mỹ đều sụt giảm mạnh.

    Trong bối cảnh kinh tế khó khăn tại Mỹ, các nhà nhập khẩu Mỹ hầu hết trong trạng thái nghe ngóng tình hình. Dự kiến của VASEP là phải đến tháng 8 năm nay, nhập khẩu tôm của Mỹ mới có thể sôi động trở lại.

    Bên cạnh đầu ra thị trường, thì chuyện nuôi tôm ở Việt Nam cũng đang đối mặt nhiều rủi ro về dịch bệnh, và điều này nếu xử lý dằn dai kéo dài sẽ đe dọa cả ngành xuất khẩu tôm vốn đang tụt giảm rất mạnh của Việt Nam.

    Ông Hồ Quốc Lực đặt lên bàn các cơ quan quản lý và đội ngũ khoa học thủy sản của Việt Nam, rằng khó khăn đầu tiên là tôm nhiễm bệnh sớm.

    Nhiều phân tích cho thấy, khác trước đây, tôm có thể nhiễm bệnh từ tôm bố mẹ, từ đó làm giảm tỉ lệ nuôi thành công, người nuôi chùng tay thả giống. Liền ngay sau đó, giá tôm thương phẩm giảm giá mạnh liên tục, có thể đã tới mức 30%, nghĩa là vượt qua mức lãi nếu nuôi trúng khá, có nghĩa là nuôi tôm thu hoạch trung bình là cầm chắc lỗ.

    Khi mà đã cầm chắc lỗ thì ai dám nuôi, đại lý nào dám đầu tư cho hộ nuôi, khiến người nuôi nhỏ lẻ thêm bế tắc. Các bên liên quan đã chuẩn bị các mặt rồi, giờ tính sao?

    “Như trại giống đã nhập tôm bố mẹ, nay hạn chế đẻ vì sức cầu tôm giống thấp. Như nhà máy cung thức ăn đã nhập nguyên liệu, mà nguyên liệu này có thời hạn sử dụng! Các cơ sở cung ứng chế phẩm nuôi tôm chắc cũng sẽ giảm mạnh doanh số.

    Người nuôi treo ao vì có lý do chính đáng, nhưng người nuôi sẽ sinh sống bằng cách nào, bao lo âu. Vài tháng nữa tôm thương phẩm sẽ không nhiều, các doanh nghiệp chế biến sẽ không đủ nguyên liệu cho chế biến, trả nợ đơn hàng. Kim ngạch xuất khẩu tôm năm nay sẽ giảm không nhỏ. Một vòng tròn đi xuống, đang với tốc độ khá mạnh hiện nay! Làm sao hạn chế tình hình không tốt này?” – ông Hồ Quốc Lực gióng hồi chuông S.O.S về ‘sức khỏe’ của cả nền kinh tế đang đối mặt.

    Xem chừng đang chờ đợi “định hướng xã hội chủ nghĩa” sẽ được Đảng vận dụng ra sao cho xử trí loạt trường hợp rất cụ thể trên của kinh tế thị trường ở ngành nuôi tôm xuất khẩu của Việt Nam.


    Không có nhận xét nào