Quê Hương tổng hợp
Chính phủ Việt Nam từ chối hầu hết đề nghị viếng thăm của các Báo cáo viên đặc biệt của LHQ
RFA
23/6/2023
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng tiếp Ngài Heiner Bielefeldt – Báo cáo viên Đặc biệt của LHQ về Tự do Tôn giáo năm 2014
Bộ Tư pháp
Chính phủ Việt Nam từ chối phần lớn các đề nghị viếng thăm đất nước của các Báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp quốc (LHQ), tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) nói Hà Nội không làm gương cho dù hiện đang làm thành viên của Hội đồng Nhân quyền.
Theo thống kê của Văn phòng Cao uỷ Nhân quyền LHQ, kể từ năm 2010 đến nay, có 24 lượt Báo cáo viên đặc biệt của LHQ đề nghị thăm Việt Nam nhưng chỉ mới có bảy trong số họ đến được đất nước độc đảng ở Đông Nam Á để tìm hiểu thực tế về lĩnh vực mình phụ trách.
Ông Phil Robertson, Phó giám đốc Phân ban Châu Á của tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) nói với Đài Á Châu Tự Do (RFA) qua tin nhắn trong ngày 23/6:
“Chính phủ Việt Nam có một hồ sơ tồi tệ về việc từ chối hoặc đơn giản là không đáp ứng các yêu cầu thăm viếng của các báo cáo viên đặc biệt.
Đây là một vấn đề hết sức nan giải, đặc biệt đối với một quốc gia như Việt Nam hiện đang là thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc.
Các quốc gia thành viên của Hội đồng Nhân quyền LHQ nên làm gương đi đầu, nhưng rõ ràng là Việt Nam về cơ bản đã thất bại trong vấn đề này.”
Theo Văn phòng Cao uỷ Nhân quyền LHQ, Hà Nội đã chấp nhận cho Báo cáo viên đặc biệt về Quyền phát triển được tiến hành chuyến viếng thăm Việt Nam. Ngày đề xuất cho chuyến thăm này là từ ngày 6/11 đến ngày 15/11/2023, tuy nhiên lịch trình này vẫn đang chờ Chính phủ Việt Nam xác nhận.
Trong khi đó, vào ngày 15/6, Báo cáo viên đặc biệt về Người bảo vệ nhân quyền nhắc lại yêu cầu về chuyến thăm Việt Nam và thời điểm đề xuất cho chuyến thăm là nửa cuối năm 2023. Cho đến nay, Hà Nội vẫn chưa chấp nhận yêu cầu.
Trong một số văn thư gần đây, Nhóm công tác về bắt giữ tùy tiện đã nhắc lại yêu cầu thăm Việt Nam nhưng nhà chức trách ở quốc gia này chưa phản hồi.
Kể từ năm 2020, nhiều Báo cáo viên đặc biệt, trong đó có Báo cáo viên đặc biệt về Người bản địa và Báo cáo viên đặc biệt về Buôn người đề nghị được viếng thăm nhưng Hà Nội chưa chấp nhận.
Trong số bảy báo cáo viên đặc biệt đã đến đất nước Đông Nam Á này trong hơn một thập niên qua, hầu hết là những người phụ trách những lĩnh vực ít nhạy cảm như vấn đề Nợ nước ngoài, nghèo đói cùng cực, văn hoá, lương thực,...
Riêng báo cáo viên đặc biệt về tự do tôn giáo đến thăm quốc gia độc đảng và có báo cáo trong hai năm 1998 và 2014.
Hà Nội thường im lặng trước các đề nghị viếng thăm của các báo cáo viên đặc biệt trong các lĩnh vực nhạy cảm hơn như tự do biểu đạt, chống tra tấn, tự do hội họp…
Trong vài năm gần đây, Nhóm công tác về bắt giữ tuỳ tiện gửi rất nhiều lần gửi thư cho Chính phủ Việt Nam chất vấn về các vụ bắt giữ người hoạt động mà cơ quan này cho là tuỳ tiện, và yêu cầu Hà Nội trả tự do cho họ. Chính phủ Việt Nam thường im lặng, hoặc bác bỏ cáo buộc, nói rằng những người đó bị bắt và kết án vì vi phạm luật pháp Việt Nam.
Báo cáo viên đặc biệt là cơ chế đặc biệt về nhân quyền của Hội đồng Nhân quyền LHQ. Khi họ đến thăm một quốc gia, họ thu hút sự chú ý đến các vi phạm nhân quyền, các trường hợp cá nhân, các vấn đề về luật pháp và chính sách. Họ cũng đưa ra khuyến nghị về những gì chính phủ và các chủ thể khác có thể làm để cải thiện tình hình.
Một chuyến thăm của Báo cáo viên đặc biệt là cơ hội để LHQ đưa ra báo cáo về lĩnh vực họ phụ trách với các khuyến nghị cho chính phủ của quốc gia mà họ thăm viếng nếu đó là chuyến thăm chính thức, cho nạn nhân được lên tiếng và gặp trực tiếp với đại diện của LHQ, nâng cao nhận thức về vấn đề nhân quyền ở cấp độ quốc tế.
Tuy nhiên, việc gặp gỡ với Báo cáo viên đặc biệt có thể dẫn sự trả thù của nhà cầm quyền. Một báo cáo mạnh mẽ của Báo cáo viên đặc biệt có thể làm giảm cơ hội được trở lại thăm viếng trong tương lai.
Việt Nam đang là thành viên của Hội đồng Nhân quyền LHQ khoá 2023-2025.
https://www.rfa.org/vietnamese
Hàng không mẫu hạm Mỹ USS Ronald Reagan thăm Việt Nam vào lúc Trung Quốc đẩy mạnh khiêu khích ở Biển Đông
Trọng Nghĩa /RFI
23/6/2023
Hàng không mẫu hạm Mỹ USS Ronald Reagan sẽ ghé thăm Việt Nam - cụ thể là ghé cảng Đà Nẵng - từ ngày 25 đến ngày 30/06/2023. Thông tin này do chính bộ Ngoại Giao Việt Nam đưa ra vào hôm qua, 22/06. Theo giới quan sát, việc tàu sân bay Mỹ ghé cảng Việt Nam là một sự kiện hiếm hoi, và chuyến thăm lần này của chiếc Ronald Reagan diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng có thêm nhiều hành động lấn lướt Việt Nam trên Biển Đông.
Ảnh tư liệu : Hàng không mẫu hạm Hoa Kỳ USS Ronald Reagan thăm cảng Manila, Philippines, ngày 14/10/2022. AP - Aaron Favila
Theo báo chí Việt Nam, trong cuộc họp báo thường kỳ tại Hà Nội chiều hôm qua, bà Phạm Thu Hằng, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao, đã xác nhận chuyến ghé cảng Đà Nẵng của tàu sân bay Mỹ, đồng thời giải thích thêm: “Vừa qua Việt Nam đã đón các chuyến thăm của tàu hải quân các nước, và dịp này là tàu USS Ronald Reagan. Đây là hoạt động giao lưu hữu nghị thông thường vì hòa bình ổn định, hợp tác, phát triển trên thế giới”.
Chiếc USS Ronald Reagan như vậy chỉ là tàu sân bay thứ ba của Mỹ ghé thăm Việt Nam từ năm 1975 đến nay. Lần đầu tiên là chiếc USS Carl Vinson vào tháng 03/2018, kế đến là chiếc USS Theodore Roosevelt vào tháng 03/2020.
Theo chuyên san Nhật Bản The Diplomat, hàng không mẫu hạm Mỹ Ronald Reagan ghé thăm Việt Nam vào thời điểm căng thẳng gia tăng trên Biển Đông, với việc Hà Nội gần đây đã lên tiếng phản đối một loạt hành vi của Bắc Kinh xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
The Diplomat nhắc lại rằng kể từ tháng 5, một tàu khảo sát cùng với một số tàu Trung Quốc khác đã liên tiếp xâm nhập vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam ở khu vực gần Bãi Tư Chính, làm căng thẳng gia tăng. Bãi Tư Chính là nơi xảy ra một vụ xâm nhập tương tự của Trung Quốc vào năm 2019, dẫn đến cuộc đối đầu giữa các tàu cảnh sát biển Việt Nam và Trung Quốc.
Tuy nhiên, The Diplomat cũng ghi nhận là chuyến thăm diễn ra vào một “thời điểm trì trệ tương đối trong quan hệ song phương Mỹ-Việt, với đà phát triển chậm lại trong những năm gần đây”. Tờ báo nêu bật ví dụ là trong năm qua, các quan chức Hoa Kỳ đã thúc đẩy mạnh mẽ việc nâng cấp mối quan hệ giữa hai quốc gia từ “quan hệ đối tác toàn diện” lên cấp “quan hệ đối tác chiến lược”. Thế nhưng, Hà Nội phản ứng khá thờ ơ, các quan chức Việt Nam tuyên bố rằng nội dung của quan hệ đối tác quan trọng hơn là cái tên mà hai bên đặt cho mối quan hệ đó.
Việt Nam, Hàn Quốc tăng cường hợp tác an ninh
Thanh Hà /RFI
23/6/2023
Trước mối đe dọa hạt nhân Bắc Triều Tiên, hôm nay, 23/06/2023 trong ngày thứ nhì chuyến công du Việt Nam, tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol và chủ tịch Việt Nam Võ Văn Thưởng đã ký kết 17 thỏa thuận hợp tác, trong đó có thỏa thuận về tăng cường hợp tác an ninh.
Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol và chủ tịch Việt Nam Võ Văn Thưởng duyệt Đội danh dự trong lễ đón tiếp tại Phủ Chủ tịch, Hà Nội, Việt Nam, ngày 23/06/2023. AFP - NHAC NGUYEN
Theo hãng tin Yonhap, trong buổi làm việc với lãnh đạo Việt Nam tại Hà Nội, tổng thống Hàn Quốc tuyên bố « các chương trình phát triển hạt nhân và tên lửa của Bắc Triều Tiên là một mối đe dọa càng lúc càng trở nên cấp bách đối với khu vực ». Trong bối cảnh đó,« Hàn Quốc và Việt Nam sẽ phối hợp chặt chẽ hơn trong khuôn khổ ASEAN cũng như ở cấp song phương » để vận động cộng đồng quốc tế thống nhất trong việc đối phó với mối hiểm họa này. Nguyên thủ quốc gia của Hàn Quốc cũng nhắc lại rằng ngoại trưởng hai nước có những cuộc họp thường niên và đây là cơ hội để đôi bên mở rộng hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng. Vẫn hãng tin Yonhap cho biết tuần duyên Hàn Quốc và bộ Công An Việt Nam đã ký một thỏa thuận ghi nhớ về việc Seoul hỗ trợ Hà Nội tăng cường an ninh trên biển.
Tuy nhiên, vế kinh tế chiếm vị trí rất lớn trong chuyến công du Việt Nam của tổng thống Yoon Suk Yeol. Seoul cam kết cấp 4 triệu đô la tín dụng cho Việt Nam từ nay đến 2030 với lãi suất ưu đãi. Nhân chuyến công du này, lãnh đạo hai nước cũng đề ra mục tiêu nâng tổng trao đổi mậu dịch hai chiều lên tới 150 tỷ đô la.
Các tập đoàn Samsung Electronic, LG... của Hàn Quốc là những công ty nước ngoài đầu tư nhiều nhất vào Việt Nam. Chủ tịch Võ Văn Thưởng kêu gọi các doanh nghiệp Hàn Quốc đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực khí đốt và công nghệ bán dẫn.
Nhà đầu tư nước ngoài sẽ rời đi nếu Việt Nam không giải quyết được việc thiếu điện
23/6/2023
Hình: Bài trên RFI
Ngày 19/6, RFI Tiếng Việt có bài “Hạn hán, cắt điện gây tác hại cho nền kinh tế Việt Nam”.
Theo đó, tình trạng nắng nóng và hạn hán kéo dài từ nhiều tuần qua, nhất là ở miền Bắc Việt Nam, đang gây rất nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài, trong nhiều lĩnh vực từ điện tử, xe hơi cho đến dệt may.
RFI cho biết, Việt Nam tiêu thụ điện ngày càng nhiều, nhưng các nguồn năng lượng ngày càng ít, nhất là vì để tuân thủ các cam kết về chống biến đổi khí hậu, Việt Nam buộc phải từ bỏ dần dần điện than. Riêng ở miền Bắc, phân nửa nhu cầu về điện được cung cấp từ các đập thủy điện. Nhưng hồ chứa của các đập thủy điện đang cạn dần do tình trạng hạn hán, nắng nóng, do những hiện tượng thời tiết cực đoan từ biến đổi khí hậu, khiến cho trở nên trầm trọng hơn.
RFI cho biết, hãng tin AFP dẫn lời ông Nguyễn Quốc Trung, Phó Giám đốc Trung tâm điều độ hệ thống điện Quốc gia cho biết, trong khi nguồn cung cấp điện bị suy giảm mạnh, thì mức tiêu thụ điện lại tăng thêm 20% do người dân sử dụng máy lạnh nhiều hơn trong cái nóng kỷ lục. Ông dự báo, tình trạng thiếu điện sẽ kéo dài đến tháng 7.
Theo hãng tin AFP, vào đầu tháng 6, tại nhiều vùng ở miền Bắc Việt Nam, nơi có nhiều nhà máy của các tập đoàn nước ngoài, nằm không xa thủ đô Hà Nội, chính quyền đã yêu cầu phải giảm phân nửa tiêu thụ năng lượng, do nguồn cung cấp bị thiếu hụt. Có những ngày, điện bị cắt nhiều giờ, đôi khi không có báo trước và cắt vào giờ chót.
RFI cho hay, những vụ cắt điện liên tục khiến các Phòng Thương mại Nhật Bản, Hàn Quốc và châu Âu đã yêu cầu Chính phủ Hà Nội có biện pháp nhanh chóng để ngăn chận cuộc khủng hoảng đang gây thiệt hại hàng triệu đôla.
RFI dẫn lời chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho biết, “Đầu tư nước ngoài tuy vẫn vào Việt Nam, nhưng đã giảm sút”.
“Các nhà đầu tư cho chưa quyết định rời khỏi Việt Nam, nhưng vì bị cắt điện, nên một số doanh nghiệp không thực hiện được đúng kỳ hạn trong hợp đồng, tức là không giao hàng được đúng kỳ hạn và đấy cũng là điều đáng tiếc. Thiếu điện thì người lao động cũng bị ảnh hưởng đến đời sống, bởi vì bây giờ là mùa hè đang rất nóng, thiếu điện thì giấc ngủ sẽ không được tốt. Không có điện thì doanh nghiệp không hoạt động được, thu nhập của người lao động cũng sẽ bị giảm sút”.
RFI dẫn lời ông Susumu Yoshida, Phòng Thương mại Nhật Bản, một lần cúp điện có thể gây thiệt hại đến hơn 190.000 đôla cho 5 xưởng sản xuất trong một khu công nghiệp. Ông cũng cho biết là không thể nào thẩm định được tổng thiệt hại của các khu công nghiệp miền Bắc Việt Nam.
Hãng tin AFP cho biết, ông Hong Sun, Chủ tịch Phòng Thương mại Hàn Quốc ở Việt Nam, cảnh báo: “Vấn đề cúp điện sẽ rất nghiêm trọng không chỉ đối với các công ty đã đặt cơ sở ở Việt Nam, mà còn đối với chúng tôi, hiện đang cố thu hút các nhà đầu tư đến đây”.
Cũng theo RFI, tại Hải Phòng, nhiều hiệp hội đại diện cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực hậu cần và vận chuyển hàng hải đã đệ đơn kiện Tập đoàn Điện lực Việt Nam EVN. Lý do, cứ mỗi lần cắt điện hơn 6 tiếng đồng hồ, những doanh nghiệp này phải đền bù cho các tàu đang neo đậu chờ ở bến cảng. Những tàu này phải trả tiền neo đậu có thể lên tới 50.000, ngoài số tiền phạt khi giao hàng trễ.
RFI cũng cho biết, việc cắt điện cũng ảnh hưởng gián tiếp đến ngành du lịch, vì nó gây khó khăn cho các khách sạn và gây phiền hà cho du khách.
Thibaut Giroux, Chủ tịch của Stolz-Miras, một nhà thầu cho các công ty Nestlé, Unilever và Bayer, cho hãng tin AFP biết, chính quyền đã yêu cầu ông giảm 10% mức tiêu thụ điện từ nay đến năm 2025, cho dù nhà máy của công ty này đặt tại tỉnh Đồng Nai ở miền Nam, cách xa miền Bắc đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi tình trạng cắt điện. Để đáp ứng yêu cầu đó, Công ty của ông Giroux, hiện cũng là Chủ tịch Phòng Thương mại Pháp tại Việt Nam, phải giảm sản xuất vì chính các máy móc mới tiêu thụ nhiều điện. Nhưng ông than phiền: “Nếu làm như thế tôi sẽ chết dần chết mòn”.
RFI cho biết, Phòng Thương mại Nhật Bản cũng đã gửi cảnh báo: Nếu các biện pháp thích hợp không được triển khai, “một số công ty thành viên có thể xem xét chuyển một số cơ sở sản xuất” ra khỏi Việt Nam.
Hình: Thiếu điện gây thiệt hại cho nền kinh tế
Quang Minh – Thoibao.de (Tổng hợp)
https://thoibao.de/blog/2023/06/23
Bộ Ngoại giao Mỹ lên án vụ bạo lực Đắk Lắk; VN nói ‘khủng bố’ ở Mỹ ‘chỉ đạo’
23/6/2023
Thiếu tướng Phạm Ngọc Việt, Cục trưởng Cục An ninh nội địa Bộ Công an Việt Nam phát biểu tại hội nghị do LHQ tổ chức, ngày 20/6 ở New York, Mỹ. Photo Bo Cong an.
Bộ Công an Việt Nam vừa cáo buộc rằng một tổ chức khủng bố ở Mỹ đã cử người về Việt Nam “chỉ đạo” tấn công 2 trụ sở chính quyền xã ở tỉnh Đắk Lắk hôm 11/6, nhưng không nêu tên tổ chức nào. Bộ Ngoại giao Mỹ phản hồi với VOA rằng Việt Nam “là bạn hữu, là đối tác” của Hoa Kỳ, đồng thời lên án cuộc tấn công này.
Ngày 20/6, tại Hội nghị cấp cao những người đứng đầu lực lượng chống khủng bố các nước do Liên Hợp Quốc tổ chức tại New York (Mỹ), Thiếu tướng Phạm Ngọc Việt, Cục trưởng Cục An ninh nội địa, Bộ Công an Việt Nam, phát biểu rằng hoạt động của nhóm đối tượng tấn công trụ sở chính quyền và người dân tại tỉnh Đắk Lắk vào ngày 11/6 là “hoạt động khủng bố có tổ chức” khiến 9 người thiệt mạng.
“Chúng tôi đã bắt giữ 65 nghi phạm, trong đó có đối tượng là thành viên của một tổ chức có trụ sở tại Mỹ, nhận lệnh chỉ đạo từ tổ chức này xâm nhập về Việt Nam và dàn dựng vụ tấn công”, Cổng thông tin Bộ Công an dẫn lời ông Việt cho biết hôm 22/6.
“Đây là hoạt động khủng bố có tổ chức, được trang bị các loại vũ khí; hành vi rất manh động, liều lĩnh, man rợ, mất nhân tính”, Thiếu tướng Việt cho biết thêm. “Việt Nam mạnh mẽ lên án các cá nhân, tổ chức đã dung túng, hậu thuẫn, chỉ đạo cũng như số đối tượng đã trực tiếp gây ra vụ việc này; đồng thời, kêu gọi các quốc gia, tổ chức quốc tế có liên quan hỗ trợ và hợp tác chặt chẽ với Việt Nam trong điều tra vụ việc cũng như đấu tranh đối với các hoạt động tương tự”.
Trao đổi với VOA qua email hôm 22/6, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh: “Chúng tôi lên án mạnh mẽ cuộc tấn công này”.
“Hoa Kỳ là đối tác và bạn hữu của Việt Nam, và chúng tôi bày tỏ lời chia buồn chân thành nhất tới gia đình những người thiệt mạng trong vụ tấn công này”, Bộ Ngoại giao Mỹ nói.
Quan chức của Bộ Công an cho rằng “các tổ chức phản động lưu vong người Việt, các phần tử theo chủ nghĩa cực đoan lợi dụng các vấn đề dân tộc, tôn giáo trú chân tại một số quốc gia thiết lập cơ sở, chân rết, tổ chức huấn luyện cho số đối tượng trong nước và cử người xâm nhập Việt Nam chỉ đạo thực hiện hành động khủng bố ở Việt Nam”.
Tính đến nay, Bộ Công an Việt Nam đã liệt ít nhất 3 tổ chức của người Việt ở nước ngoài, đa phần ở Mỹ, vào danh sách tổ chức khủng bố, bao gồm Việt Tân, Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời và Triều đại Việt.
Trong khi đó Bộ Tài chính Mỹ không cho rằng các nhóm này là khủng bố và không đưa vào danh sách trừng phạt hay phong tỏa tài sản.
https://www.voatiengviet.com/a/bo-ngoai-giao-my-len-an-vu-bao-luc-dak-lak-vn-noi-khung-bo-o-my-chi-dao-/7149637.html
Báo chí Việt Nam: một thế kỷ đi tìm độc lập tự do
Trần Cảnh Chân/VNTB
Nhìn lại bài báo và tình hình báo chí Việt Nam hôm nay, có thể thấy dù cho 101 năm đã trôi qua, mọi chuyện vẫn y như cũ.
Ngày báo chí Việt Nam chỉ cần đơn giản là ngày Báo chí Việt Nam, nếu còn gọi đó là ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam thì đó không phải là một nền báo chí tự do, mà là nền báo chí định hướng xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của đảng cộng sản Việt Nam.
Tính đến ngày 30-11-2021, ở Việt Nam có 816 cơ quan báo chí in và điện tử, trong đó có 557 báo và tạp chí in; 29 báo và tạp chí điện tử; 114 báo và 116 tạp chí có cả hai loại hình (báo chí in và báo điện tử); 72 cơ quan có giấy phép hoạt động phát thanh, truyền hình, trong đó có 2 Đài phát thanh, truyền hình quốc gia, 1 đài kỹ thuật số, 64 đài địa phương, 5 đơn vị hoạt động truyền hình không có hạ tầng phát sóng truyền hình riêng. Về đội ngũ những người làm báo, cả nước có khoảng 40.000 người hoạt động trong cơ quan báo chí, trong đó có 17.161 người được cấp Thẻ Nhà báo.
Cùng với hệ thống cơ quan báo chí phủ khắp các mặt trận, các điều luật về báo chí cũng cho thấy nhà nước cộng sản Việt Nam tỏ ra rất “rộng lượng” với “quyền lực thứ 4”. Cụ thể, tại điều 25 Hiến pháp 2013 ghi nhận quyền tự do báo chí của công dân như sau: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”.
Bên cạnh đó, Luật Báo chí 2016 cũng qui định rõ trách nhiệm của nhà nước, của cơ quan báo chí; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức đối với quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân. Theo đó, nhà nước tạo điều kiện thuận lợi để công dân thực hiện quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí và để báo chí phát huy đúng vai trò của mình.
Tuy nhiên nhà nước độc tài cũng đưa ra nhiều điều luật để hạn chế các quyền đó. Điển hình là điều 331 trong bộ luật Hình sự hiện nay. Năm trước, RSF công bố báo cáo về “Chỉ số tự do báo chí thế giới năm 2022”. Theo bảng xếp hạng này, tự do báo chí Việt Nam ở vị trí 174/180 quốc gia và vùng lãnh thổ, chỉ đứng trên Trung Quốc (175) và ngay dưới Cu-ba (173). Như vậy, Việt Nam vẫn nằm trong nhóm các quốc gia có tình hình báo chí “rất tồi tệ”.
Cũng giống như quân đội, công an, một trong những điều đầu tiên mà người làm báo ở Việt Nam được dạy đó là phải tuyệt đối trung thành với đảng cộng sản. Sách Cơ Sở Lý Luận Báo Chí mà tất cả các sinh viên ngành báo đều phải học có ghi rõ về “tính đảng” của báo chí cách mạng Việt Nam. “Nhà báo phải trung thành với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của đảng cộng sản Việt Nam”. Buộc nhà báo phải trung thành với đảng mà không trung thành với sự thật thì đó chính là cầm tù tư tưởng của nhà báo. Cái tờ báo mà nhà báo đó phục vụ cũng không có độc lập, tự do.
Hơn 100 năm trước, 1922, Nguyễn Ái Quốc viết “Đây “công lý” của thực dân Pháp ở Đông Dương!” trên tờ Người Cùng Khổ tại Pháp. Trong đó có đoạn: “Giữa thế kỷ XX này, ở một nước có đến 20 triệu dân mà không có lấy một tờ báo! Các bạn có thể tưởng tượng được như thế không? Không có lấy một tờ báo bằng tiếng mẹ đẻ của chúng tôi…
Mãi đến bây giờ, chưa có người Việt Nam nào được phép xuất bản một tờ báo cả. Tôi gọi báo là một tờ báo về chính trị, về kinh tế hay văn học như ta thấy ở các nước Châu Âu hay Châu Á khác, chứ không phải là một tờ báo do chính quyền thành lập và giao cho bọn tay chân điều khiển, chỉ nói đến chuyện nắng mưa, tán dương những kẻ quyền thế đương thời, kể chuyện vớ vẩn, ca tụng công ơn của nền khai hóa và ru ngủ dân chúng. Báo đầu độc người ta như thế, thì ở Đông Dương cũng có ba hay bốn tờ đấy.”
Nhìn lại bài báo và tình hình báo chí Việt Nam hôm nay, có thể thấy dù cho 101 năm đã trôi qua, mọi chuyện vẫn y như cũ. Chỉ khác là 101 năm trước Việt Nam là thuộc địa của Pháp, còn hiện nay Việt Nam nằm trong tay đảng cộng sản. Dù bây giờ Việt Nam độc lập nhưng đảng cộng sản vẫn dùng mọi cách để khống chế báo chí nhằm giữ vững thế độc tôn của một nhà nước toàn trị. Cho dù Hồ Chí Minh có sống lại cũng không thể trả lại độc lập và tự do cho báo chí Việt Nam nếu nhà nước cộng sản mà ông ta sáng lập vẫn còn cai trị quốc gia với chính sách độc tài toàn trị.
Hơn 46,600 lao động Việt Nam bỏ trốn để được làm việc ở nước ngoài
Rất nhiều người lao động Việt Nam bỏ trốn tại các nước sở tại, số lượng nhiều nhất là ở Đài Loan. (Ảnh minh họa: baochinhphu.vn)
Theo thống kê, Việt Nam có hơn 710.000 lao động đang làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Tuy vậy, trong số này có hơn 46.600 người đã bỏ trốn và cư trú bất hợp pháp ở các quốc gia đang làm việc, nhiều nhất tại Đài Loan, Hàn Quốc và Nhật Bản.
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) vừa có văn bản trả lời chất vấn của đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình liên quan tới lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (lao động xuất khẩu), báo Tiền Phong đưa tin.
Cụ thể, Việt Nam có hơn 712.600 người lao động đang làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Trong đó, có hơn 46.600 người vi phạm hợp đồng (bỏ trốn) và cư trú bất hợp pháp tại các nước sở tại.
Đài Loan là quốc gia đứng đầu về số lao động Việt Nam bỏ trốn ở lại bất hợp pháp để làm việc, với 24.000 người (chiếm 9% trong tổng số hợp đồng lao động tại nước này).
Còn xét theo tỷ lệ lao động bỏ trốn, thị trường Hàn Quốc có tỷ lệ cao nhất, với hơn 12.200 người bỏ hợp đồng trốn ra ngoài làm việc “chui”, chiếm tới 26% tổng số lao động được đưa sang làm việc.
Tại Nhật Bản cũng có gần 4.700 người lao động bỏ trốn. Số lượng này tại các nước châu Âu gần 600 người.
Xét theo khu vực thì thị trường châu Á có số lao động vi phạm hợp đồng, cư trú bất hợp pháp cao nhất, với hơn 41.000 trong tổng số 697.700 người.
Đáng chú ý, trong số lao động bỏ trốn, cư trú bất hợp pháp và làm việc “chui” tại các nước, có nhiều lao động còn vi phạm pháp luật nghiêm trọng hơn như: trộm cắp, nấu rượu lậu, cờ bạc, đánh nhau…
Theo Bộ LĐ-TB&XH, mục đích của lao động bỏ trốn và cư trú bất hợp pháp là để ở lại nước ngoài làm việc lâu hơn, có thu nhập cao hơn khi làm theo hợp đồng.
Bên cạnh đó, giai đoạn từ năm 2020-2023, do ảnh hưởng dịch COVID-19, nhiều lao động hết hạn hợp đồng không thể về nước, nên bỏ trốn tiếp tục ở lại làm việc, nhiều nhất tại Đài Loan, Nhật Bản.
Gần đây nhất, vào tháng 10/2022, Bộ Ngoại giao Việt Nam xác nhận có việc gần 100 người Việt bỏ trốn sau khi nhập cảnh với visa du lịch qua sân bay Yangyang của tỉnh Gangwon, Hàn Quốc.
Đức Minh
Không có nhận xét nào