Header Ads

  • Breaking News

    Chuyện Việt Nam ngày Thứ năm 29 tháng 6 năm 2023

    Quê Hương tổng hợp

    Doanh nghiệp Trung Quốc muốn đầu tư xây dựng nhà ở xã hội tại Việt Nam

    VNTB – Doanh nghiệp Trung Quốc muốn đầu tư xây dựng nhà ở xã hội tại Việt Nam

    Hàn Lam

    (VNTB) – Trong tương lai có thể sẽ hình thành nhiều khu nhà ở xã hội với chủ nhà người Trung Quốc.

    Luật ở Việt Nam còn giới hạn việc doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào lãnh vực nhà ở xã hội tại Việt Nam. Thế nhưng không rõ vì sao ở cuộc gặp Thủ tướng Phạm Minh Chính sáng 28-6 tại Bắc Kinh (Trung Quốc), một số tập đoàn kinh tế lớn của Trung Quốc đã bày tỏ mong muốn đầu tư vào lĩnh vực nhà ở xã hội tại Việt Nam.

    Tin tức này đã không được báo chí Việt Nam khai thác chi tiết.

    Giả dụ như Thủ tướng Phạm Minh Chính đồng ý với mong muốn trên, thì liệu ông có thể sử dụng quyền lực của mình để luật hóa chuyện này từ “cho thuê” sang “bán đứt” như trước đây lúc ông còn là Bí thư tỉnh ủy Quảng Ninh, ông đã đề xuất thời gian cho thuê đất 99 năm ở dự án đặc khu hành chính – kinh tế tại Vân Đồn (Quảng Ninh).

    Theo quy định hiện hành thì doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được kinh doanh bất động sản trong giới hạn sau đây của Luật kinh doanh bất động sản: Thuê nhà, công trình xây dựng để cho thuê lại;

    Đối với đất được Nhà nước cho thuê thì được đầu tư xây dựng nhà ở để cho thuê; đầu tư xây dựng nhà, công trình xây dựng không phải là nhà ở để bán, cho thuê, cho thuê mua;

    Nhận chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án bất động sản của chủ đầu tư để xây dựng nhà, công trình xây dựng để bán, cho thuê, cho thuê mua.

    Như vậy, theo luật thì doanh nghiệp Trung Quốc nếu chọn đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội tại Việt Nam thì họ chỉ được phép “cho thuê”, không được phép “bán”. Điều đó cho thấy trong tương lai sẽ hình thành nhiều khu chung cư thấp tầng của dự án nhà ở xã hội mà ông bà chủ là người Trung Quốc.

    Một vấn đề đặt ra ở đây là nếu Thủ tướng Phạm Minh Chính đồng ý các dự án nhà ở xã hội tại Việt Nam do Trung Quốc đầu tư, thì các dự án này sẽ đưa đến một khối lượng khổng lồ các mặt hàng thép, xi măng, đồng và nhôm trong bối cảnh giá các mặt hàng này sụt thê thảm do hoạt động xây dựng giảm tốc từ Trung Quốc sang Việt Nam.

    Theo quan sát từ một chủ doanh nghiệp thuộc Hiệp hội Bất động sản Việt Nam thì rõ ràng là phía Trung Quốc đã tận dụng việc Thủ tướng Phạm Minh Chính đang mời gọi đầu tư ở Bắc Kinh để nêu ván cược trong chuyện giúp Thủ tướng Việt Nam sớm ghi điểm trong mắt người lao động về chuyện an cư.

    Hồi quý đầu năm nay, Chính phủ Phạm Minh Chính đã công bố đề án xây ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội trong giai đoạn 2021-2030. Trong khi đó thì chính phủ nhìn nhận nhu cầu cũng giai đoạn này khoảng 2,4 triệu căn, tức cầu hơn cung rất nhiều.

    Để hoàn thành mục tiêu xây được ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội, nhà ở công nhân trong giai đoạn từ nay đến năm 2030, Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết sẽ trình Quốc hội ban hành nghị quyết thí điểm một số chính sách nhằm đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, sửa đổi Luật nhà ở và các quy định pháp luật về thuế…

    Theo đó, để dành quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội, Chính phủ yêu cầu Ủy ban nhân dân các địa phương khi lập, phê duyệt quy hoạch đô thị, nông thôn, quy hoạch phát triển các khu công nghiệp… phải xác định rõ diện tích đất dành cho phát triển nhà ở xã hội; coi phát triển nhà ở xã hội là một chỉ tiêu phát triển kinh tế – xã hội 5 năm, hằng năm của địa phương.

    Về vốn cho phát triển nhà ở xã hội, đề án của Chính phủ nêu rõ các địa phương phải xác định phát triển nhà ở xã hội là một hạng mục đầu tư bằng nguồn vốn trung và dài hạn của địa phương; trích một phần thu từ tiền sử dụng đất trên địa bàn để hỗ trợ giải phóng mặt bằng dự án nhà ở xã hội…

    Và trong tổng nguồn lực 849.500 tỷ đồng để xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội, Chính phủ Phạm Minh Chính đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước triển khai chương trình vay ưu đãi 120.000 tỷ đồng từ bốn ngân hàng thương mại BIDV, Agribank, VietinBank, Vietcombank, với mức lãi suất thấp hơn từ 1,5-2% lãi cho vay bình quân của các ngân hàng.

    …Giữa lúc khốn khó với những xoay xở như trên, thì với đề nghị ở hôm 28-6, rằng Bắc Kinh sẽ đầu tư các dự án nhà ở xã hội tại Việt Nam, nếu nhận cái gật đầu của Thủ tướng Phạm Minh Chính, xem ra ngân sách của Hà Nội đã có thể thở phào nhẹ nhõm.

    Và ai cũng biết, “hoa hồng” trong làm ăn của giới tài phiệt Trung Quốc là những con số “bôi trơn” đầy ma lực…

    Hôm qua đốt rừng, hôm nay xin… rút kinh nghiệm, đổ thừa cho dân

    Lê Thiệt /SGN
    28/6/2023

    https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/06/03-rut-kinh-nghiem-2.jpg


    Hiện trường diễn tập chữa cháy rừng hôm 26 Tháng Sáu – Ảnh: Tuổi Trẻ  

    Như tin đã đưa, ngày 26 Tháng Sáu tại khu vực rừng phòng hộ ở thôn Bình Trúc (xã Bình Sa, huyện Thăng Bình, Quảng Nam), Chi cục Kiểm lâm Quảng Nam phối hợp với UBND huyện Thăng Bình tổ chức một cuộc diễn tập chữa cháy rừng bằng cách… đốt rừng.

    Ông Châu Quang Anh, Chủ tịch UBND xã Bình Sa, cho rằng buổi diễn tập rất thành công. Ông Trần Út, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam, cho cho rằng việc đốt rừng phòng hộ để diễn tập “không ảnh hưởng lớn đến cây rừng”, và “tổ chức tại khu rừng đó là phù hợp”.

    Ông nào cũng nói cho đúng… chỉ đạo!

    Đến ngày hôm sau, khi báo chí tường thuật vụ đốt ừng để thực tập chữa cháy rừng này, và không đồng tình với cách làm của chính quyền tỉnh Quảng Nam thì mấy ông đổi giọng, xin… rút kinh nghiệm, và đổ thừa cho dân.

    https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/06/03-rut-kinh-nghiem-1.jpg


    Nhiều cây keo lưỡi liềm bị cháy đen chứ không phải chỉ bị “nhuốm màu đen” sau diễn tập chữa cháy rừng như lời lãnh đạo tỉnh Quảng Nam – Ảnh: Tuổi Trẻ 

    Ông Phạm Viết Tích – giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Nam – cho hay theo báo cáo của Chi cục Kiểm lâm, nhận định chuyên gia về lâm nghiệp, buổi đốt rừng này làm nhiều cây keo lưỡi liềm ở rừng phòng hộ do sức nóng của lửa nên bị cháy đen quanh thân, nhưng không sao. Ông Tích nói những cây bị ảnh hưởng nếu có mưa xuống sẽ phục hồi, còn những cây nhỏ khả năng sẽ bị chết. Mà những cây nhỏ chết thì trồng lại cũng dễ thôi. Ông cho biết thêm:

    “Trong diễn tập, do đám cháy bùng lên nhanh quá, không lường trước hết quy mô đám cháy, đây là vấn đề cần rút kinh nghiệm. Thiệt hại này sẽ được nghiên cứu kiểm điểm, rút kinh nghiệm”.

    Kinh nghiệm thì “xin được rút”, nhưng ông Tích cũng cho rằng việc chọn vị trí đốt rừng là “hoàn toàn đúng đắn”, vì vùng này là một điểm nóng về cháy rừng trong năm nay, nên diễn tập tại đây, phải làm tình huống gần như thật.

    Ông Từ Văn Khánh – phó chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Quảng Nam – giải thích rằng các ông chọn hiện trường gần như thực tế để khi xảy ra một trường hợp tương tự thì có sự hiệu quả hơn trong công tác chữa cháy. Thế nhưng ông lại không trả lời câu hỏi “vậy nếu tập chữa cháy nhà thì có dùng nhà ở làm hiện trường thực tế được không?” thì ông không trả lời.

    Chỉ những cây keo cháy đen nằm ngổn ngang, ông Khánh cho biết đó là cây ngã đổ của cơn bão năm trước được gom lại làm vật liệu cháy, chứ không phải đốt rừng (?!) Trong khi đó, bằng mắt thường, phong viên báo chí có mặt tại hiện trường cũng nhìn ra được gốc cây bị cắt bằng máy cưa cầm tay, và lõi cây còn tươi, chứng tỏ chúng mới bị cưa chứ không phải bị ngã do bão năm ngoái.

    Ông Khánh cho hay khi xây dựng kế hoạch, chi cục phối hợp với xã, giao việc chuẩn bị vật liệu cho xã, thôn, họ tận dụng những cây ngã, chết khô ở quanh đó. Trong quá trình triển khai thì chi cục cũng có thiếu sót trong việc giám sát việc người dân chặt cây để làm vật liệu cháy.

    Ông Tích cũng đưa ra nguyên nhân dẫn đến sai sót trên là do dân chứ không phải do lãnh đạo. Ông cho biết, “phương án diễn tập giao cho bà con chuẩn bị thực bì dẫn đến chuyện chặt cây trong rừng, việc làm đường băng cách lửa chưa hợp lý, có sự chủ quan. Trong quá trình làm có sai sót nhất định, chưa được cụ thể, chỉn chu”.

    Đến lúc đó bà con ở thôn Bình Trúc mới biết mình ngu, nên bị lãnh đạo xỏ mũi dắt đi. Một người dân thôn Bình Trúc nói: “Tụi tui có biết chi đâu? Mấy ổng nói sao thì tụi tui làm vậy thôi, bây chừ mấy ổng đổ lỗi cho dân là sao?”

    “Đặc sản” mưa là ngập ở Việt Nam

    An Vui /SGN
    28/6/2023

    https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/06/28.6.23_Anh-8.jpg


    Các loại xe trôi bềnh bồng trên quốc lộ 1K đã ngập như một dòng sông sau cơn mưa một tiếng – Ảnh: VnExpress 

    Mưa là đường sá ngập, các loại xe trôi bềnh bồng trong nước không còn là chuyện mới lạ ở Việt Nam. 

    Mùa mưa 2023 bắt đầu là nhiều tỉnh/thành ở Việt Nam bị ngập, kể cả vùng cao nguyên như Đà Lạt, Bảo Lộc.

    Sự thống nhất trong cách quản lý đô thị “thông minh” ở Việt Nam có thể thấy rõ qua hình ảnh đường sá ngập nước, các loại xe vừa chết máy vừa chìm trong nước, còn nước thì tràn vào nhà dân, dù là những thành phố có sông, có biển như Sài Gòn, Nha Trang, Cần Thơ, Cà Mau, Phú Quốc!

    https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/06/28.6.23_Anh-11-640x480.jpg


    Nước mênh mông nơi cây xăng Châu Thới bên Quốc lộ 1K, trục đường huyết mạch nối Sài Gòn, Bình Dương và Đồng Nai – Ảnh: VnExpress 

    Cười ra nước mắt là cảnh TP.Đà Lạt ngập, khiến dân vùng cao nguyên Lang Biang (độ cao 1,500m so với mực nước biển) mà cũng phải vừa tát nước vừa khóc ròng như ở trung tâm Đà Lạt chiều 23 Tháng Sáu vừa qua.

    Đà Lạt ngập thì Bảo Lộc có là gì! Nên sau cơn mưa chiều 25 Tháng Sáu, Bảo Lộc ngập, với nhiều tuyến đường bị chia cắt, nước ngập sâu có nơi hơn 1m khiến xe gắn máy chìm trong nước, còn xe hơi thì chết máy, trôi bềnh bồng.

    Chiều 28 Tháng Sáu, người Sài Gòn cũng khổ sở khi tan sở làm sau cơn mưa, vì vừa bị kẹt xe kéo dài cả giờ đồng hồ, vừa lội bì bõm trong nước mà không biết bên dưới mặt nước là cái gì.

    Các tuyến đường Sài Gòn bị ngập sâu, như Đinh Bộ Lĩnh, Ung Văn Khiêm (quận Bình Thạnh); Hiệp Bình, Tô Ngọc Vân (TP.Thủ Đức)… khiến xe chết máy, người dân phải bì bõm lội nước dắt xe tìm chỗ sửa.

    https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/06/28.6.23_Anh-7-640x360.jpg


    Một quốc lộ cửa ngõ, nối Sài Gòn với hai tỉnh Bình Dương và Đồng Nai, được ví như huyết mạch của nền kinh tế phía Nam mà như thế này đây chỉ sau một cơn mưa – Ảnh: VnExpress 

    Nhưng quái lạ nhất là cơn mưa chiều 28 Tháng Sáu cũng khiến cả Quốc lộ 1K, đoạn nối Sài Gòn với TP.Dĩ An của tỉnh Bình Dương và TP.Biên Hòa của tỉnh Đồng Nai chìm trong nước, xe gắn máy ngã nhào đã đành, mà cả xe bồn kềnh càng cũng chịu, không thể di chuyển.

    Phóng sự ảnh chụp bằng flycam của VnExpress đã cho thấy tình trạng mếu dở khóc dở của các loại xe đang đi trên cung đường này sau cơn mưa chỉ kéo dài một tiếng, kẹt xe kéo dài vài kilomet, đoạn ngập nặng nhất gần 1m, nước tràn trên đường như dòng sông, ngay cả cây xăng cũng ngập, ai hết xăng cũng đành chịu không vào đổ được.

    https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/06/28.6.23_Anh-9-640x480.jpg


    Phụ nữ tay lái yếu đi xe gắn máy trong dòng nước đều dễ đổ nhào thế này – Ảnh: VnExpress 

    VnExpress ghi nhận lời vài người dân cho biết nước từ thượng nguồn suối Sệp chảy về mới khiến Quốc lộ 1K ngập nặng như vậy! Nhiều thanh niên ở gần Quốc lộ 1K phải xúm nhau giúp đỡ hàng chục người bị ngã xe gắn máy do nước chảy siết.

    Ngoài ra, ở một con suối thấy rõ bọt nổi trắng xoá khi trời đang mưa lớn… mà nguyên nhân theo người dân là các công ty ở thượng nguồn suối Sệp lợi dụng trời mưa lớn để xả nước thải, ai lỡ nhúng chân vào nước bọt này thì tối đến đều bị ngứa ngáy không ngủ được!

    Nước mưa không thoát kịp vì cống nhỏ lại đầy rác và mật độ xây dựng quá dày đặc, cộng với nước suối từ thượng nguồn đổ về vì đã hết rừng cây ngăn chặn, còn cộng thêm nước thải ô nhiễm từ các nhà máy “trốn” việc xử lý nước, thì đúng là… thảm họa nước xảy ra là do chính con người phá hoại.

    https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/06/28.6.23_Anh-10-640x480.jpg


    Nước có sủi bọt theo người dân là nước thải ô nhiễm từ các nhà máy có thể gây ngứa ngáy nếu lỡ nhúng chân vào – Ảnh: VnExpress 

    Nhiều công nhân từ Bình Dương, Đồng Nai tan ca phải chịu trận ngồi yên trên xe chờ nước rút để về nhà.

    Ngoài Quốc lộ 1K, cơn mưa lớn cũng khiến nhiều khu dân cư khu vực phường Tân Đông Hiệp TP.Dĩ An (Bình Dương) ngập nặng, nước tràn vào nhà gây hư hỏng nhiều tài sản.

    Mãi đến 19:30 nước mới rút bớt, các loại xe trên Quốc lộ 1K mới di chuyển bình thường.

    Theo Đài khí tượng thuỷ văn Nam Bộ, mây và giông phát triển mạnh đã gây mưa lớn tại Sài Gòn. Lượng mưa đo được tại nhiều nơi từ 20-30mm. Một số khu vực ở phía Nam như Đồng Nai, Bình Dương có mưa đến hơn 90mm.

    Khởi tố vợ chồng tổng giám đốc Công ty Chứng khoán châu Á Thái Bình Dương

    RFA
    29/6/2023


    Khởi tố vợ chồng tổng giám đốc Công ty Chứng khoán châu Á Thái Bình Dương


    Ông Nguyễn Đỗ Lăng Tổng giám đốc Chứng khoán châu Á Thái Bình Dương. 

    https://www.rfa.org/++plone++rfa-resources/img/icon-zoom.pngVnEconomy 

    Hai vợ chồng tổng giám đốc Công ty CP chứng khoán châu Á Thái Bình Dương, và ba người khác bị khởi tố với cáo buộc thao túng thị trường chứng khoán.

    Công an Hà Nội trong ngày 28/6 cho truyền thông hay Cơ quan an ninh điều tra đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự thao túng thị trường chứng khoán, xảy ra tại Công ty CP chứng khoán châu Á Thái Bình Dương - APS, Công ty CP đầu tư châu Á Thái Bình Dương - API và Công ty CP đầu tư IDJ Việt Nam.

    Cùng với quyết định khởi tố, Cơ quan điều tra cũng đã bắt tạm giam ông Nguyễn Đỗ Lăng (tổng giám đốc APS), Phạm Duy Hưng (chủ tịch HĐQT), Huỳnh Thị Mai Dung (vợ ông Lăng), Nguyễn Thị Thanh (kế toán trưởng), Phạm Thị Đức Việt (phó phòng dịch vụ khách hàng) về tội thao túng thị trường chứng khoán.

    Các quyết định tố tụng trên đều được Viện Kiểm sát nhân dân Hà Nội phê chuẩn.

    Sau khi ông Lăng cùng vợ và ba đồng phạm bị bắt, đại diện Uỷ ban Chứng khoán nhà nước lên tiếng trấn an các nhà đầu tư rằng việc điều tra khởi tố vụ án thao túng thị trường chứng khoán tại API, IDJ và APS là vụ việc đơn lẻ liên quan tới một số tổ chức và cá nhân trên thị trường và không ảnh hưởng đến hoạt động chung của thị trường chứng khoán Việt Nam.

    Thị trường chứng khoán VN hai năm gần đây có nhiều biến động do nhiều lãnh đạo các công ty, tập đoàn lớn bị khởi tố và bị tuyên án tù do thao túng thị trường chứng khoán như cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết, cựu Chủ tịch Louis Holdings Đỗ Thành Nhân…

    Hàn Quốc lại thu hồi sản phẩm ớt VN do dư lượng thuốc trừ sâu vượt chuẩn

    RFA
    29/6/2023


    Hàn Quốc lại thu hồi sản phẩm ớt VN do dư lượng thuốc trừ sâu vượt chuẩn


    Ớt Việt Nam được ưa chuộng tại thị trường Hàn Quốc. 

    VnEconomy 

    Hàn Quốc đã thu hồi lô ớt khô nhập khẩu từ Việt Nam do dư lượng thuốc trừ sâu vượt ngưỡng cho phép.

    Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật Việt Nam (SPS) thuộc Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn cho truyền thông hay tin trên trong ngày 29/6, nêu rõ lô hàng bị Bộ An toàn thực phẩm và Dược phẩm Hàn Quốc thu hồi là của Công ty TNHH Long Thành sản xuất, có mức dư lượng tricyclazone (hoạt chất trừ nấm, trừ sâu) trong các mẫu ớt đỏ khô dao động 0,02-0,04 mg/kg, vượt quá ngưỡng cho phép của Hàn Quốc là 0,01 mg/kg.

    Các sản phẩm bị thu hồi do ba công ty Hàn Quốc phân phối từ Công ty Long Thành.

    Ngay sau khi có thông tin về sản phẩm ớt khô của Việt Nam vi phạm quy định về an toàn thực phẩm của Hàn Quốc, Thứ trưởng Bộ NN&PTNN Hoàng Trung trong ngày 29/6 cho biết lãnh đạo Bộ đã chỉ đạo Cục Bảo vệ thực vật tiến hành kiểm tra, xác minh thông tin.

    Theo đó, Bộ đã gửi công văn yêu cầu lãnh đạo Công ty Long Thành (có trụ sở tại tỉnh Hải Dương) truy xuất các lô hàng bị cảnh báo, rà soát qui trình sản xuất, xuất khẩu của doanh nghiệp và gửi báo cáo kết quả thực hiện truy xuất và các biện pháp khắc phục về Cục Bảo vệ thực vật trước ngày 27/7/2023.

    Theo thứ trưởng Hoàng Trung, tiềm năng xuất khẩu ớt VN sang Hàn Quốc cũng như sang các thị trường khác đều rất tốt. Sản lượng xuất khẩu ớt hàng năm khoảng 4.000 - 5.000 tấn với khoảng 10 triệu USD.

    Riêng với thị trường Trung Quốc, hiện ớt đang được xuất khẩu thí điểm sang thị trường này. Việt Nam và Trung Quốc đang hoàn tất các thủ tục để ký kết nghị định thư.

    Hôm tháng 4/2023, Bộ an toàn thực phẩm Hàn Quốc còn thông báo ngừng bán ớt của Việt Nam khi lô hàng nhập khẩu ớt đỏ đông lạnh, sấy khô của VN bị phát hiện dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng tiêu chuẩn gấp 10 lần.

    Hàn Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba của Việt Nam. Trong hai tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Hàn Quốc đạt 3,79 tỷ USD, tăng 2,1% so với cùng kỳ năm ngoái và chiếm 7,6% kim ngạch xuất khẩu cả nước. Nhóm hàng gia vị, trong đó có ớt Việt Nam được thị trường này khá ưa chuộng.


    Không có nhận xét nào