Header Ads

  • Breaking News

    Chuyện Việt Nam ngày Thứ hai 05 tháng 6 năm 2023

    Quê Hương tổng hợp

    Bác sĩ giả, khám bệnh thật: Chỉ có ‘thiên tài’ mới làm được

    Lê Thiệt /SGN


    Bà Trần Xuân Ngọc (trái) tại Cơ quan điều tra – Ảnh: CA Đồng Nai 

    Ngày 2 Tháng Sáu, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai, cho biết họ vừa đề nghị VKSND truy tố bà Trần Xuân Ngọc (45 tuổi, ngụ Sài Gòn) về tội “Sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”.

    Nói rõ hơn là công an đề nghị truy tố bà Ngọc sử dụng bằng bác sĩ giả, để khám và chữa bệnh từ năm 2008 đến năm 2019.

    Trước đó, vào cuối tháng 4 năm 2020, Thanh tra Sở Y tế tỉnh Đồng Nai kiểm tra phòng khám đa khoa Đ.P (ấp Phước Lý, xã Đại Phước, Nhơn Trạch) phát hiện Bằng tốt nghiệp Đại học Y Khoa mang tên Trần Xuân Ngọc, sinh ngày 25/12/1978, tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, có nhiều nghi vấn được làm giả, nên tạm giữ và chuyển hồ sơ đến cơ quan điều tra.

    Ngọc khai là năm 1996 bà thi vào Trường Đại học Y Dược TP.HCM, nhưng bị rớt. Sau đó, Ngọc được Sở Nội vụ tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cử đi học tại Trường Đại học Y Dược TP.HCM theo hệ cử tuyển bằng ngân sách của tỉnh.

    Tại đây, Ngọc được học lớp bác sĩ y đa khoa khóa Y96 (năm học 1996-2002). Sau khi tốt nghiệp, từ năm 2008 đến năm 2019, Ngọc sử dụng tấm bằng trên đi xin việc và được nhận vào làm việc tại nhiều bệnh viện ở Sài Gòn, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, một đơn vị bảo hiểm xã hội tại Sài Gòn.

    Xác minh từ cơ quan điều tra cho biết, Ngọc không có tên trong danh sách được cử đi học tại Trường Đại học Y Dược TP.HCM và cũng không có tên trong danh sách công nhận tốt nghiệp đại học hệ chính quy Y khoa năm 2002 của Trường Đại học Y dược TP.HCM, không được cấp bằng ngày 10/10/2002.

    https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/06/02-thien-tai-2.jpg


    Trần Xuân Ngọc: Bác sĩ “rởm” hay “thiên tài”? – Ảnh: CA Đồng Nai 

    Nói chung là Ngọc đã cho lời khai giả về chuyện được cử đi học, thế nên, bằng tốt nghiệp của bà sau đó cũng là bằng giả. Cuối cùng, Ngọc khai nhờ người thân đã mất làm giả tấm bằng trên. Tổng số tiền lương Ngọc nhận được từ các bệnh viện, đơn vị bảo hiểm xã hội gần 637 triệu đồng.

    Ngọc bị bắt từ năm 2020, đến nay mới bị khởi tố, chứng tỏ cơ quan điều tra làm ăn quá “lề mề”. Mặt khác, trong tài liệu cung cấp cho báo chí, công an không đề cập đến khoảng thời gian bà Ngọc làm việc (từ năm 2008 đến 2019) dưới bằng cấp bác sĩ, khiến nhiều người đặt ra nhiều nghi vấn, mà công an chưa làm rõ, hoặc cố tình không cung cấp cho báo chí.

    Bà Ngọc làm bác sĩ “rởm” trong thời gian dài như thế mà không bị phát giác thì quả thật bà ta có tay nghề của bác sĩ thật! Mấy ai làm được như bà ta? Hàng ngày phải tiếp xúc với bệnh nhân, khám bệnh, cho toa thuốc, theo dõi, rồi tái khám, v.v… thế mà không một ai trong nghề phát hiện ra, không một bệnh nhân nào bị chết hay phải cấp cứu khi được (hay bị) bà bác sĩ “rởm” này chữa trị.

    Tại sao có thể khẳng định như thế? Bởi nếu bác sĩ chữa bệnh gây ra biến chứng nguy hiểm cho bệnh nhân, chắc chắn sẽ bị kỷ luật, treo bằng.

    Như thế, kiến thức y khoa bà Ngọc được học từ đâu? Trường nào? Một người học bác sĩ phải mất 7, 8 năm học và thực hành miệt mài, không thể có chuyện mua sách về tự học rồi khám, chữa bệnh được.

    Nếu cơ quan công an cho rằng bà Ngọc không được học bất cứ một trường y dược nào hết, mà bà vẫn khám và chữa bệnh được trong suốt 11 năm, thì chỉ có một kết luận: Bà Ngọc là một “thiên tài”!

    Nếu bà Ngọc là “thiên tài” thì hãy để cho bà ta cống hiến chứ bỏ tù bà làm gì!

    Báo Khmer Times:

    - 2 bộ trưởng quốc phòng Cam-bốt và Trung Quốc cam kết tăng cường quan hệ quân sự song phương.
    - Nga sẽ tiến hành tập trận chung với Cam-bốt.
    - Hun Sen nói chỉ có đảng cộng sản Trung Quốc (CPP) mới đem lại hoà bình cho khu vực và thế giới.
    LỜI BÌNH: Trong mắt Hun Sen chỉ có anh Tàu, còn anh Việt thì đã bị giáng cấp từ lâu. Hun Sen chơi gác anh Việt bằng cách phát vé miễn phí coi Sea Games khiến con dân nước Việt ùn ùn kéo qua Cam. Giờ thì đã biết ai trên cơ, ai dưới cơ, ai hành xử như thằng anh thực sự.

    Báo Bưu Điện Bangkok

    - 3 ông lớn trong ngành sản xuất xe hơi điện và pin xe hơi điện của Trung Quốc là CATL, BYD và SVOLT sẽ đầu tư mở nhà máy sản xuất ở Thái Lan, khiến Thái Lan trở thành trung tâm sản xuất xe hơi điện ở Đông Nam Á.
    LỜI BÌNH: Xưa nay hàng Thái Lan nổi tiếng là có chất lượng tốt hơn hàng Việt. Nếu Thái Lan dùng luật thương mại giữa các nước ASEAN để xuất khẩu xe hơi EV của Tàu sản xuất tại Thái Lan vào Việt Nam thì thôi rồi, Vượng ơi. Vinfast hết đất dụng võ.

    Báo Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng:

    - Làn sóng du lịch mới của Trung Quốc là thế hệ trẻ hơn, yêu chuộng môi trường hơn, du lịch check-in cảnh đẹp và homestay trải nghiệm. Thái Lan, Indonesia và quần đảo Madives là điểm đến ưa chuộng.
    LỜI BÌNH: Khi nào họ mới tới Việt Nam thay cho những đám đông đi du lịch 0 đồng. Việt Nam làm gì để thu hút họ tới check-in các sơn động, Vịnh Hạ Long hay Hội An ?

    Thầy cúng trộm sợi dây chuyền trên tượng Bà Chúa Xứ

    An Vui /SGN

    https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/06/4.6.23_Anh-7.jpg


    Thầy cúng Lê Đại Vũ diễn lại cảnh ăn trộm sợi dây chuyền của pho tượng Bà Chúa Xứ vàm sông Ông Đốc (thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) – Ảnh cắt từ video của Tuổi Trẻ 

    Một thầy cúng đã thừa cơ vắng vẻ ăn trộm sợi dây chuyền vàng nặng 1.4 lượng (trị giá khoảng 50 triệu đồng/$2,128) đeo trên pho tượng của Bà Chúa Xứ. 

    Cũng là Bà Chúa Xứ, nhưng không phải pho tượng nổi tiếng ở núi Sam, Châu Đốc, An Giang mà là pho tượng Bà Chúa Xứ ở vàm sông Ông Đốc (thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau).

    Vị thầy cúng tên Lê Đại Vũ (34 tuổi, ngụ TP.Cà Mau) đã bị Công an huyện Trần Văn Thời bắt về hành vi trộm cắp tài sản ngày 4 Tháng Sáu.

    Việc mất sợi dây chuyền vàng trên cổ pho tượng được Ban quản lý miếu Bà Chúa Xứ phát giác hôm 2 Tháng Sáu 2023, khi họ chuẩn bị lễ cúng. Bị công an triệu tập và thẩm vấn, Vũ thừa nhận khi đến miếu cúng đã trộm sợi dây chuyền, giấu trong… quần lót.

    Lãnh đạo Ủy ban thị trấn Sông Đốc cho biết dây chuyền đeo trên pho tượng làm bằng vàng 18K, trọng lượng 1.4 lượng, do những chủ ghe trong vùng khi làm ăn khấm khá đã hùn nhau mua và đem đến cúng. Còn Lê Đại Vũ vốn là thầy cúng thường được Ban quản lý miếu thuê thực hiện các nghi thức lễ tại miếu.

    https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/06/4.6.23_Anh-9-640x380.jpg


    Sợi dây chuyền của pho tượng Bà Chúa Xứ vàm sông Ông Đốc mà thầy cúng Lê Đại Vũ ăn trộm – Ảnh cắt từ video của Tuổi Trẻ 

    Thói quen đeo vàng (lễ cúng cảm tạ) lên các pho tượng trong miếu, đình, đền thờ… đã thu hút những tên trộm. Ngày 21 Tháng Mười Hai 2022, Tiền Phong đưa tin một thiếu niên 17 tuổi (quê Thanh Hóa) đã bị Công an huyện Tiên Yên bắt giam vì dám ăn trộm vàng đeo trên tượng Đức Ông Hoàng Cần ở đền thờ Đức Ông tại xã Hải Lạng, huyện Tiên Yên (tỉnh Quảng Ninh).

    Số vàng bao gồm bốn kiềng vàng, bốn đôi hoa tai vàng… được tên trộm đem bán cho một cửa hàng trang sức ở phường Cửa Ông, TP. Cẩm Phả (tỉnh Quảng Ninh) với giá 100 triệu đồng.

    Trong lúc tên trộm đang ở trên xe đò trở về Thanh Hóa thì bị công an bắt.

    Theo Tiền Phong, Đức ông Hoàng Cần là vị tướng tài của triều đình nhà Trần, đã có công giúp dân dẹp loạn, lập làng, nên người dân đã xây dựng đền thờ Đức Ông khoảng cuối thế kỷ 18, lễ nhớ rằm Tháng Giêng hằng năm.

    Trong số các pho tượng có đeo vàng ở miền Nam thì tượng Bà Chúa Xứ ở núi Sam, TP.Châu Đốc (tỉnh An Giang) là có sợi dây chuyền nặng nhất (161 lượng vàng, khoảng 6 kg), được đeo lên cổ pho tượng hồi Tháng Sáu 2015.

    Sợi dây chuyền có ba vòng, bao gồm 187 hạt châu, đạt kỷ lục Việt Nam là sợi dây chuyền vàng nặng nhất, do Ban quản lý miếu Bà Chúa Xứ núi Sam đặt một tiệm vàng tư nhân ở Sài Gòn gia công. Số vàng trên là đồ cúng của bá tánh dâng cho Bà Chúa Xứ tích tụ trong nhiều năm.

    https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/06/4.6.23_Anh-8-640x853.jpg


    Sợi dây chuyền làm từ vàng cúng của bá tánh gom lại, được gia công ba lớp, có trọng 161 lượng vàng (gần 6 kg) đeo lên tượng Bà Chúa Xứ núi Sam, Châu Đốc dưới sự canh giữ của bảo vệ và camera – Ảnh: Thanh Niên 

    Theo Thanh Niên ngày 11 Tháng Sáu 2015, sợi dây chuyền được đeo trên cổ pho tượng Bà Chúa Xứ 4 ngày trong tháng (14-15 và 29-30 âm lịch) và đeo suốt trong tuần lễ vía Bà hằng năm để người dân “chiêm ngưỡng”, sau đó được đưa vào kho cất.

    Cũng Thanh Niên cho biết: “Do sợi dây chuyền giá trị quá lớn nên khi đeo lên tượng Bà đều có người canh giữ sợi dây chuyền cẩn trọng, bên cạnh đó có gắn camera bí mật theo dõi nên công tác an ninh và đảm bảo cho sợi dây chuyền cực kỳ tốt” (!)

    Bà Chúa Xứ vốn linh thiêng chắc chắn là không vui, vì Bà – nếu có cũng là người cõi trên – cần gì đến vật chất của cõi phàm trần này?

    Thay vì đúc sợi dây vàng đeo lên cổ Bà Chúa Xứ thì Ban quản lý công khai số tiền và số vàng cúng dường từ những người đi lễ vía Bà hằng năm và dùng số tiền đó để làm từ thiện cho người dân quanh vùng như xây một ngôi trường và lập một thư viện (ngoài sách, còn có đủ các thiết bị công nghệ số như máy tính, iPad, máy chiếu) cho trẻ em nghèo – như thế có lẽ Bà Chúa Xứ sẽ vui hơn!

    Học sinh Việt Nam: Điểm học bạ đẹp như mơ, nhưng điểm thi tốt nghiệp kém

    An Vui

    https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/06/3.6.23_Anh-1.jpg


    Biếm họa của họa sĩ Tuổi Trẻ về thành tích đẹp như mơ trong học bạ của học sinh Việt Nam hiện nay 

    Nếu chỉ nhìn vào học bạ của học sinh Việt Nam năm cuối cấp (tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông) sẽ thấy điểm số các em rất cao, với điểm trung bình nhiều môn trên 9 – 9.9. 

    Các trường đại học (ĐH) tuyển sinh sinh viên năm nhất dựa theo học bạ đã phải sửng sốt khi nhìn điểm số các em đạt được gần như tuyệt đối, toàn học sinh xuất sắc, hiếm học sinh học khá hay tiên tiến.

    Tuổi Trẻ ngày 31 Tháng Năm 2023 ví dụ như trường ĐH Tài Chính – Marketing (Sài Gòn), trường ĐH Công nghiệp (Sài Gòn), trường ĐH Kinh Tế (Sài Gòn), nhiều thí sinh có điểm xét tuyển học bạ ba môn từ 27 điểm trở lên, tức bình quân mỗi môn 9 điểm.

    Có học sinh điểm trung bình cả năm lớp 10 và 11 là 9.2 và học kỳ I lớp 12 là 9; một học sinh khác có điểm trung bình học kỳ I lớp 12 là 9.3, trong đó nhiều môn đạt điểm gần tuyệt đối như toán 9.8, vật lý 9.9, ngoại ngữ 9.8.

    Tại khu vực miền Trung, số thí sinh xét tuyển vào trường ĐH Kinh tế (ĐH Đà Nẵng) cũng có điểm học bạ cao ngất. Trong đó, một học sinh thuộc một trường trung học tư thục tại Sài Gòn có điểm trung bình học kỳ 1 lớp 12 là 9 – 10. Điểm trung bình năm lớp 11 của học sinh này là 9.6 với điểm các môn đều trên 9.

    Một học sinh trường chuyên được xét tuyển vào ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng), có điểm trung bình học kỳ I lớp 12 đạt 9.6, không có môn nào thấp hơn 9.3, ngay cả môn văn cũng đạt 9.4, toán và lịch sử đạt 9.6.

    Nói với Tuổi Trẻ, ông Phạm Thái Sơn,  giám đốc Trung tâm tuyển sinh và truyền thông trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm thành phố (Sài Gòn) cho biết điểm học bạ của học sinh nộp vào trường vài năm gần đây cao hơn so với trước, có lẽ vì “thầy cô nới tay” khi cho điểm, nhất là điểm năm lớp 12. Vì thế, năm nay trường ĐH này giảm chỉ tiêu xét tuyển học bạ, vì nhận thấy kết quả này không phản ảnh chính xác năng lực học sinh.

    Còn ông Lê Trường Tùng, chủ tịch Hội đồng trường ĐH FPT, nhận định dường như giáo viên trung học có sự nới tay trong đánh giá kết quả học tập của học sinh, nếu đã nâng điểm một học sinh sẽ nâng cho toàn bộ lớp, vì thế nếu tuyển sinh ĐH dựa vào học bạ sẽ không công bằng.

    Đó là lý do trường FPT không xét điểm trung bình các năm học của học sinh mà dựa trên phương pháp của Úc để xếp hạng kết quả học tập của học sinh toàn quốc.

    Hệ thống này đối chiếu kết quả học phổ thông và điểm tốt nghiệp của từng tỉnh trong nhiều năm để có hệ số điểm phù hợp cho học sinh tỉnh đó. Dựa trên kết quả học tập của từng thí sinh, hệ thống sẽ điều chỉnh để cho ra kết quả tương đối.

    Riêng ông Huỳnh Thanh Phú, hiệu trưởng trường trung học phổ thông Bùi Thị Xuân (Sài Gòn) lại cho rằng học sinh trung học có điểm số cao là do… công nghệ phát triển mạnh, học sinh có thể tìm kiếm được nhiều kiến thức cho bài học của mình, khi làm tốt sẽ được cộng thêm điểm khuyến khích.

    Ông Phú cũng cho biết: trước đây mỗi môn chỉ có một bài kiểm tra hằng tháng, nhưng hiện nay có nhiều bài kiểm tra hơn, điểm bài nào cao nhất mới được ghi vào sổ (!)

    Dước góc nhìn phụ huynh, ông Quang Phú (ngụ Sài Gòn) bóc mẽ: “Chúng ta dần dần áp dụng cách của nước tiên tiến là xét tuyển sinh viên đại học qua học bạ thay cho thi cử, những tưởng qua học bạ thì đánh giá đúng sức học trong ba năm của học sinh. Nhưng ai cũng biết điểm ở trường có “số phận” như thế nào. Khi con tôi đạt điểm trung bình hay khá, cô giáo bảo con tôi làm lui làm tới để được điểm cao, để lớp xuất sắc theo thành tích trường giao. Đó là chưa kể trường hợp “này nọ” để có điểm đẹp”.

    https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/06/3.6.23_Anh-2-640x448.jpg


    Sự chênh lệch giữa điểm thi tốt nghiệp và điểm đẹp như mơ trong học bạ của học sinh Việt Nam, so sánh của Bộ Giáo dục – Đồ họa: Tuổi Trẻ 

    Điều hề nhất là dù điểm học bạ đẹp như mơ, nhưng điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông của học sinh luôn thấp, đó là kết quả so sánh của Bộ Giáo dục. Sự chênh lệch giữa điểm thi tốt nghiệp và điểm học bạ cao nhất thuộc về các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, các tỉnh miền núi phía Bắc, Tây Nguyên.

    Kết quả này chính xác, cho thấy điểm số trong học bạ không phản ảnh sức học của học sinh Việt Nam. Giống như các tân cử nhân, kỹ sư… tốt nghiệp các trường ĐH Việt Nam vẫn khó tìm được việc làm, vì không đáp ứng được yêu cầu tuyển dụng của các công ty.

    Tiền Phong ngày 2 Tháng Sáu 2023 đăng câu chuyện của một phụ huynh có con vừa tốt nghiệp tiểu học là bà Trần Thị Hoàn (ngụ Hà Nội). Bà Hoàn nghẹn ngào nói quá bất ngờ vì con của bà học rất giỏi (toàn điểm 10, chỉ có hai điểm 9 vào năm cuối cấp) nhưng lại bị loại từ vòng hồ sơ, khi thi tuyển vào lớp 6 trường trung học phổ thông chuyên Hà Nội – Amsterdam.

    Bà cho biết lý do con bà bị loại, không được dự thi vào lớp 6 trường này, chỉ vì năm lớp 1, môn Âm nhạc chỉ là “Hoàn thành” chứ không phải “Hoàn thành tốt”, còn Năng lực phẩm chất chỉ được đánh giá là “đạt”.

    https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/06/3.6.23_Anh-3-640x822.jpg


    Một học sinh nhiều điểm 10 suốt 5 năm tiểu học vẫn trượt vòng xét tuyển vào lớp 6 trường trung học chuyên Hà Nội – Amsterdam vì lý do môn Âm nhạc và Thể dục chỉ ở mức hoàn thành – Ảnh: Phụ huynh cung cấp 

    Bà Hoàn kể lể với Tiền Phong: “Từ khi con bị loại hồ sơ, tôi bị sốc, buồn và tiếc công sức của hai mẹ con. Thật sự, chỉ vì đặt mục tiêu thi tuyển vào ngôi trường này mà con không có tuổi thơ đúng nghĩa như các bạn khác. Con không biết đến ngày nghỉ lễ, nghỉ cuối tuần là gì. Kể cả Tết dương lịch, các bạn đi chơi, mẹ con vẫn cần mẫn đi học thêm.

    Mỗi tuần, ngày học hai buổi ở trường, mẹ còn tìm lò luyện thi tốt nhất cho con để luyện thêm hai buổi Toán, hai buổi tiếng Anh, một buổi Ngữ văn. Vừa rồi con thi đỗ lớp 6 trường Ngôi Sao và trường Archimedes nhưng vì tự tin con đủ điều kiện vòng hồ sơ trường trung học chuyên Hà Nội – Amsterdam nên mẹ đã không đặt cọc”.

    Thật quá tội cho đứa nhỏ, phải chạy theo tham vọng của bà mẹ!

    https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/06/3.6.23_Anh-4-640x402.jpg

    Một học sinh trung học buồn bã đến nhịn ăn và mất ngủ vì có điểm tổng kết 9.5 nhưng xếp hạng thứ 38 (gần cuối) trong lớp – Ảnh chụp màn hình 

    Ở một góc khác, một phụ huynh có con học trung học phản ảnh với VTC News: “Điểm trung bình môn của con tôi đạt hơn 9 phẩy nhưng vẫn trượt khỏi Top 10 điểm cao, và xếp thứ 40 trong lớp”.

    Vị phụ huynh này kể: “Năm học vừa qua, con gái tôi có điểm tổng kết hơn 9 phẩy. Thời của tôi, để đạt được 8 phẩy còn khó, nói gì đến chuyện chạm ngưỡng điểm tuyệt đối như vậy. Nghịch lý thay, con tôi “trượt” khỏi top 10 điểm cao của lớp, xếp thứ hạng 40!”

    Khi về nhà, con tôi vừa khóc vừa nói: “Con đã cố gắng hết sức rồi, biết điểm con rất vui nhưng vẫn chưa bằng được các bạn”, sau đó con tôi nhịn ăn, mất ngủ suốt cả đêm hôm đó”.

    May là vị phụ huynh này khẳng định trong vấn đề nuôi dạy con cái, bà đặt niềm vui và sự phát triển của con lên trên hết. Và bà biết giải thích với con: “Để trở thành ai đó ngoài xã hội, con cần biết sống tử tế và hết mình trước tiên. Những điểm 10 tròn trịa trong học bạ chưa chắc phản ánh con là cô bé giỏi toàn diện. Con thấy đấy, mẹ cũng từng nằm trong Top này Top kia của lớp, nhưng khi ra đời mẹ cũng trầy da tróc vảy suốt cả tuổi trẻ mới trưởng thành được”.

    Để có những điểm học bạ đẹp như mơ, cho vừa lòng thầy cô, nhà trường và Phòng Giáo dục/Sở Giáo dục… thực tế là học sinh Việt Nam bắt đầu đi học thêm (từ chiều đến tối) từ khi học năm cuối ở trường mẫu giáo, tức từ khi 5 tuổi, chuẩn bị vào lớp một!


    Không có nhận xét nào