Quê Hương tổng hợp
Khó hay dễ thực hiện chính sách “tinh giản biên chế”?
RFA
Đội ngũ tham gia phục vụ Đại hội Đảng 13 ở Hà Nội hôm 29/1/2021 (minh họa).
AFP PHOTO
Chính phủ Việt Nam vừa ban hành Nghị định tinh giản biên chế mà sẽ có hiệu lực từ 20/7/2023 và được truyền thông nhà nước đăng tải hôm 4/6/2023.
Nên làm đến nơi đến chốn
Diện tinh giản biên chế theo Nghị định mới sẽ rộng hơn so với trước đây. Đơn cử như trường hợp cán bộ, công chức, viên chức đang bị kỷ luật nhưng chưa đến mức bị bãi nhiệm hoặc buộc thôi việc… sẽ có thể bị tinh giản.
Việt Nam đặt ra vấn đề tinh giản biên chế chắc cũng đã 20 năm nay, nhưng chưa lần nào thành công, thậm chí lại phình to hơn. Chính vì vậy mọi người đều có ý hoài nghi đây có khi là chỉ đặt ra mục tiêu, nhưng cách thức làm vẫn chưa đủ cơ sở để thực hiện một cách triệt để.
-Giáo sư Đặng Hùng Võ
Việt Nam từ lâu đã có các quy định chính sách đối với các đối tượng tinh giản biên chế, liệu lần này có thành công hay không, Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên -Môi trường từ năm 2002 đến năm 2007, nhận định với RFA hôm 5/6:
“Việt Nam đặt ra vấn đề tinh giản biên chế chắc cũng đã 20 năm nay, nhưng chưa lần nào thành công, thậm chí lại phình to hơn. Chính vì vậy mọi người đều có ý hoài nghi đây có khi là chỉ đặt ra mục tiêu, nhưng cách thức làm vẫn chưa đủ cơ sở để thực hiện một cách triệt để. Thậm chí những sáu tổ chức được gọi là chính trị xã hội như Mặt trận Tổ quốc, Hội Nông dân, Tổng liên đoàn lao động… nhà nước không nên trả lương nữa, mà phải chuyển về vai trò của Hiệp hội, tự tạo ra sức thu hút của mình, mang lại lợi ích cho cộng đồng thì cộng đồng sẽ đóng góp để hiệp hội đó phát triển.”
Theo Giáo sư Đặng Hùng Võ, dù gần đây cũng đã có ý kiến chính thức yêu cầu các tổ chức chính trị xã hội như vừa nêu phải rút dần việc chi trả lương từ khu vực nhà nước, nhưng GS.Võ cho rằng, chủ trương thì có, nhưng làm như thế nào là cả vấn đề lớn. Bởi vì, theo ông, tư duy bao cấp vẫn tiếp tục chế ngự rất sâu trong nhiều người, đặc biệt trong một số lãnh đạo cấp cao. Ông Võ nói tiếp:
“Tôi cho rằng cần đặt ra như một chương trình, có biện pháp, có cách thức làm một cách rất cụ thể, với những mục tiêu rất cụ thể thì mới có thể thành công được. Tất nhiên đến một lúc nào đó, Việt Nam buộc phải làm, chứ không thể để như thế này nữa, bởi vì chi thường xuyên trong ngân sách là cực kỳ lớn và ngân sách không chịu nổi.”
Ảnh minh họa: Kỳ họp thứ 6 của Quốc hội khóa XIII hôm 22/10/2018. AFP.
Và, cần tinh thần tự giác?
Tinh giản biên chế được chính quyền Việt Nam “bàn” đến từ năm 2011, khi Chính phủ ban hành Nghị quyết về chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước đến năm 2020.
Tuy nhiên vào năm 2014 (chỉ ba năm thực hiện), Bộ Nội vụ lại công bố dự thảo nghị định về chính sách tinh giản biên chế của Chính phủ với thời gian từ 2014 đến 2016. Theo Nghị định mà Bộ Nội vụ công bố, có khoảng 100 ngàn người sẽ bị ảnh hưởng, trong đó 80% sẽ nghỉ hưu sớm và 20% mất việc. Tổng kinh phí cho chính sách tinh giản biên chế được cho biết lúc bấy giờ trong khoảng 8.000 tỷ đồng.
Tại Hội nghị toàn quốc triển khai nhiệm vụ của ngành Nội vụ diễn ra đầu năm 2019, Bộ Nội vụ dự kiến năm 2019 sẽ giảm 44.000 biên chế hưởng lương. Mặc dù đó chỉ là con số dự kiến vì sau đó các số liệu thống kê của Bộ Nội vụ chưa hoặc đã cập nhật nhưng không được truyền thông loan thì đến tháng 3 năm 2023, Bộ Nội vụ lại đề xuất cán bộ, công chức bị kỷ luật 'tự nguyện tinh giản biên chế'.
Chuyện tinh giản biên chế là chuyện phải làm một cách nhanh chóng vì nó liên quan đến ngân sách vốn đã cạn kiệt và cả vì nguyên tắc sống còn của chế độ.
- Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ
Đề xuất này cũng nằm trong ‘Nghị định tinh giản biên chế’ vừa ban hành hôm 4/6/2023. Nói về “công cuộc” tinh giản biên chế của Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ từ Na Uy cho rằng:
“Chuyện tinh giản biên chế là chuyện phải làm một cách nhanh chóng vì nó liên quan đến ngân sách vốn đã cạn kiệt và cả vì nguyên tắc sống còn của chế độ. Một hệ thống quá nhiều người vận hành, ai cũng đói, cũng cố muốn rút ruột, thì hệ thống đó sớm muộn gì cũng sập. Về nguyên tắc, để tinh giản biên chế thì người ta bỏ bớt người không có khả năng, giữ lại người có khả năng xử lý công việc. Mà để biết ai có khả năng đảm trách công việc thì chỉ có cấp trên trực tiếp, tức sếp.”
Nhưng trong hệ thống của chính quyền hiện nay, theo Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ, người trên đưa người dưới vào để họ nhận tiền “bán ghế”, thì rất khó có chuyện người trên gợi ý người dưới nên tự nghỉ việc hay đuổi người dưới. Hoặc cũng theo lập luận của TS. Vũ, nếu người dưới không mắc những tội nghiêm trọng thì càng khó tinh giản.
Do đó, theo ông, một hệ thống bao che như vậy thì khó có khả năng “tự tinh giản biên chế”, thậm chí nó chống lại việc tinh giản biên chế vì biên chế càng ít thì cấp trên càng ít thu nhập từ “bán chỗ”. Ông Vũ nhận định thêm:
“Đó là chưa kể trong cơ quan chính quyền còn tồn tại một cơ quan đảng song hành mà việc loại bỏ biên chế một cá nhân thì ít nhiều phải có sự can thiệp của các cơ quan đảng bộ. Nói như vậy để thấy rằng trong chế độ hiện tại rất khó để mà tinh giản biên chế.”
Theo Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ, tinh giản biên chế chỉ diễn ra một khi Việt Nam có dân chủ và một đảng khác lên lãnh đạo, họ không có “dây mơ rễ má” gì nhiều với những người trong hệ thống cơ quan chính quyền và lúc này họ mới có thể mạnh tay thay đổi bộ máy cơ quan chính quyền bằng cách đưa những người kém ra và tuyển những người có khả năng vào.
Trước đó vào ngày 18/10/2022, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt 103.300 biên chế công chức hưởng lương từ ngân sách Nhà nước của các cơ quan, tổ chức hành chính Nhà nước giai đoạn 2022-2026. Cụ thể, biên chế của các cơ quan ngang Bộ và Chính phủ nhưng không phải là đơn vị sự nghiệp công lập là 101.546 người. Biên chế của các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài là 1.068 người. Biên chế của hội quần chúng được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ ở Trung ương là 686 người.
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/is-expanding-the-area-of-downsizing-effective-06052023134657.html
Đỗ Duy Ngọc : Chứng cớ sờ sờ ra đấy…
06/6/2023
Căn biệt thự được cho là của Thiếu tướng quân đội Phạm Bá Hiền (quê huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh). Ảnh trên mạng
Hơn 100 năm ở Việt Nam, thực dân Pháp xây nhiều dinh cơ để làm việc, nhiều biệt thự để làm nơi ở. Những công trình đó vẫn còn ở Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, Đà Lạt, Sài Gòn và nhiều nơi khác. Tất cả đều sử dụng chi phí của nhà nước thuộc địa, hầu như rất ít của tư nhân. Thời Việt Nam Cộng Hoà ở miền Nam, tướng tá cũng nhiều nhưng chẳng mấy người có nhà to, đa số đều ở nhà công vụ, cư xá sĩ quan hay khu gia binh.
Cũng có người có nhà riêng nhưng cũng không xây dựng to lớn như toà lâu đài của quý tộc châu Âu như căn nhà của vị Thiếu tướng Quân đội Nhân dân Việt Nam ở Hà Tĩnh vừa được báo chí nhắc tới. Nghe nói toà lâu đài này do thân mẫu của Thiếu tướng hàng ngày đạp xe đi bán rau đứng tên. Hay thật! Bán rau mà cũng có hàng trăm tỷ để xây nhà. Lương Thiếu tướng bao nhiêu một tháng, con số đấy ai cũng biết, chẳng phải là điều bí mật gì. Thế thì ông tướng đó lấy tiền đâu mà làm căn nhà kinh thế. Bán rau làm gì tiền nhiều thế! Lương tướng cũng đâu lắm thế? Kết luận lại căn nhà này hình thành từ nguồn tiền nào? Câu hỏi mà ai cũng trả lời được mà sao cái lò vĩ đại đến giờ vẫn chưa lên lửa?
Ngày xưa, kẻ ăn hối lộ, tham nhũng giấu của cải, vàng bạc thâu tóm được như mèo giấu cứt. Giờ đây thì khác rồi, cán bộ tha hồ khoe của, nào biệt thự, nào xe, nào con cái đi học nước ngoài, vợ toàn sắm hàng hiệu, nào những cuộc ăn chơi, du hí còn hơn những tay tư bản của các nước giàu. Chỉ mới lên tướng mà đã tài sản như thế, thử hỏi các cấp cao hơn còn giàu có đến đâu? Đất nước nghèo mãi là đúng quá rồi. Phúc lợi đáng ra chia đều cho mọi người, nay chỉ một nhóm chia chác nhau, hỏi sao dân không khổ.
Dân ốm đau vào bịnh viện nằm ba, bốn người một giường, người bịnh không có tiền mua thuốc, có người bán máu để mua sách cho con đi học, nhiều gia đình không có mái lều để ở, sống vạ vật qua ngày. Hàng ngàn công nhân bị cho nghỉ việc, kéo theo hàng ngàn gia đình lâm vào cảnh bế tắc. Những đứa bé vùng cao đến trường với bụng trống và manh áo tả tơi trong cơn gió lạnh. Cũng có những đứa trẻ đến lớp bằng bao nilon trùm đầu nín thở qua sông, suối vì làng xã chẳng có cầu. Biết bao người dân đang khó nhọc vì vật giá tăng, xăng tăng, điện tăng, tất cả đều lên giá mà đồng lương mãi còm cõi.
Thế nhưng những biệt phủ, những biệt thự sang trọng của các lãnh đạo liên tiếp mọc lên. Những đồng tiền thu được vẫn hàng ngày vẫn được xài như giấy. Hố sâu giàu nghèo càng lúc càng lớn, bất công càng ngày càng nhiều. Và từ đó dân mất lòng tin. Chứng cớ sờ sờ ra đấy, chẳng cần thanh tra, điều tra cũng có kết quả. Sao những ngôi nhà vẫn lừng lững giữa trời như những mũi dao đâm vào ngực dân đen, như cái gai trong mắt những người khốn khổ.
Những biệt thự như thế càng nhiều, dân đen càng mãi đói nghèo và tiền đồ còn tối đen hơn kiếp nạn của chị Dậu ngày xưa.
Khủng hoảng y tế vẫn chưa dừng lại
06/6/2023
Phạm Lê Đoan/VNTB
Việc Bộ Chính trị sắm vai bộ trưởng y tế cho bà Đào Hồng Lan dường như đã không giúp được ngành y tế vượt qua cơn khủng hoảng.
Chính khách Đào Hồng Lan xuất thân là một cán bộ phụ trách mảng bảo hiểm xã hội của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội. Chức vụ cao nhất ở Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội của bà Đào Hồng Lan là thứ trưởng. Tính từ năm 1945 đến nay bà Đào Hồng Lan là người đầu tiên đứng đầu Bộ Y tế mà không xuất thân từ ngành y.
Thế nhưng ngay cả chuyên trách về bảo hiểm xã hội, song khi bà là người đứng đầu Bộ Y tế thì các vấn đề trong bảo hiểm xã hội ở lãnh vực này, bà cũng không làm tròn được phận sự, khiến đưa đến những cảnh báo liên tục về vấn đề thuốc men trong điều trị.
Báo động khẩn về thiếu thuốc điều trị bệnh tay chân miệng
Theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), trong 7 ngày từ 22 đến 28-5, toàn thành phố ghi nhận đến 157 ca tay chân miệng, tăng 47,1% so với trung bình 4 tuần trước (107 ca). Trong đó, số ca bệnh tăng ở cả các trường hợp nhập viện điều trị nội trú và khám ngoại trú so với trung bình 4 tuần trước. Số mắc tích lũy đến tuần 21 là 1.670 ca.
Thông tin từ các bệnh viện nhi đồng trên địa bàn TP.HCM, trẻ mắc tay chân miệng điều trị nội trú và ngoại trú tăng trong 2 tuần trở lại đây. Có bệnh viện gia tăng gấp đôi trẻ đến khám, điều trị. Đã có một bệnh nhi 5 tuổi tử vong.
Đặc biệt, qua kết quả từ kỹ thuật PCR đã xác định một số trường hợp mắc tay chân miệng bệnh nặng là mắc vi-rút Enterovirus 71. Đây là vi-rút lây lan rất nhanh, gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, khiến hơn 100 trẻ em mắc tay chân miệng vào năm 2011 tử vong.
Hiện có 31 ca đang điều trị, tất cả đều là trẻ em dưới 5 tuổi, trong đó có 07 ca nặng (01 ca TP.HCM tại quận Tân Phú) và trong đó có 04 trường hợp đã xác định do EV71. Theo báo cáo nhanh của Bệnh viện Nhi đồng 1, ngày 31/5/2023, đã có 1 trường hợp mắc tay chân miệng nặng và đã tử vong. Bệnh nhi do bệnh viện đa khoa tỉnh Tiền Giang chuyển đến trong tình trạng rất nặng với bệnh cảnh phù phổi cấp và sốc nặng (độ 4).
Sở Y tế TP.HCM đang tiếp tục phối hợp với OUCRU (Đơn vị nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford đặt tại bệnh viện Nhiệt đới TP.HCM) để giải trình tự gene xác định các chủng gây bệnh nguy hiểm của EV71. Tại thời điểm của năm bùng phát EV71 với nhiều trường hợp nặng và tử vong (năm 2011) chủ yếu là type C4, đến năm 2018, số ca nặng có giảm và chủ yếu là type B5.
Đã ‘cầu cứu’ Bộ Y tế, và đang chờ…
“Sở Y tế đã thành lập Tổ chuyên gia hỗ trợ hội chẩn các trường hợp bệnh nặng và tổ chức các đoàn kiểm tra tại các quận, huyện về công tác phòng, chống dịch tay chân miệng.
Hiện tại, các bệnh viện chuyên khoa Nhi của Thành phố đã sẵn sàng các trang thiết bị hồi sức các trường hợp nặng (lọc máu, ECMO,…) và sẵn sàng thuốc điều trị theo phác đồ. Tuy nhiên, để chủ động hơn trong ứng phó khi tình hình dịch bệnh diễn tiến phức tạp, Sở Y tế đã có văn bản báo cáo Bộ Y tế và Cục Quản lý dược hỗ trợ cung ứng đủ thuốc điều trị, nhất là 2 loại thuốc Phenobarbital truyền tĩnh mạch, Gamma Globulin truyền tĩnh mạch.
Ngoài ra, Sở Y tế TP.HCM đã chỉ đạo HCDC kích hoạt các đội phản ứng nhanh cùng tất cả các Trung tâm Y tế quận, huyện và thành phố Thủ Đức khởi động ngay các hoạt động phòng chống và kiểm soát dịch bệnh tay chân miệng trên địa bàn, nhất là tại các hộ gia đình và các trường học” – trích một báo cáo của Sở Y tế TP.HCM.
Theo báo cáo trên, Sở Y tế TP.HCM cho biết địa phương gặp khó khăn về thuốc điều trị bệnh này ở phân độ nặng, nhất là Phenobarbital truyền tĩnh mạch và Gamma Globulin truyền tĩnh mạch.
Cả nước đều thiếu như vậy!
Tại bệnh viện Nhi đồng thành phố, thống kê cho hay hiện vẫn còn đủ thuốc để điều trị, nhưng cần thêm để dự trù nếu số ca tay chân miệng tăng nhanh trong thời gian tới. Theo đó, hiện bệnh viện còn khoảng 200 lọ thuốc Gamma Globulin truyền tĩnh mạch. Với thuốc Phenobarbital thì đã hết loại truyền tĩnh mạch từ lâu, chỉ còn một ít thuốc dạng uống.
Do không có thuốc Phenobarbital truyền tĩnh mạch nên bác sĩ dùng thuốc Gamma Globulin truyền tĩnh mạch thay thế. Theo đó, với mỗi bệnh nhi mắc bệnh tay chân miệng độ nặng sẽ dùng khoảng 4-8 lọ thuốc Gamma Globulin. Như vậy, số lọ thuốc trên dùng cho khoảng 25 – 50 bệnh nhi mắc tay chân miệng nặng trong thời gian tới.
“Tác dụng điều trị của chúng thì giống nhau, thay thế được nhưng thời gian tác dụng của thuốc Phenobarbital dài hơn Gamma Globulin nên bệnh nhi có thể dùng thuốc Phenobarbital 1 lần/ngày, còn Gamma Globulin thì 2-3 lần/ngày”, bác sĩ Nguyễn Minh Tiến – phó giám đốc bệnh viện Nhi đồng thành phố (TP.HCM), cho biết.
Còn ở bệnh viện Nhi đồng 1, ghi nhận từ bác sĩ Dư Tuấn Quy, trưởng khoa nhiễm – thần kinh, thì từ lâu bệnh viện không còn thuốc Phenobarbital truyền tĩnh mạch, chỉ còn thuốc Gamma Globulin và thuốc IVIG.
“Hầu như các bệnh viện cả nước đều không có thuốc Phenobarbital truyền tĩnh mạch. Tại khoa chúng tôi, do không có thuốc Phenobarbital truyền tĩnh mạch nên tạm thời chuyển sang thuốc uống. Đây là phương án thay thế thuốc điều trị, chứ hiệu quả điều trị không bằng thuốc dịch truyền”, bác sĩ Dư Tuấn Quy cho biết như vậy.
Cắt điện triền miên, Hạ Long đón du khách kiểu gì?
An Vui /SGN
05/6/2023
Du khách đang đợi làm thủ tục lên tàu tham quan vịnh Hạ Long trưa 4 Tháng Sáu – Ảnh: Lao Động
Thủ phủ du lịch của tỉnh Quảng Ninh là TP.Hạ Long đang rơi vào cảnh cắt điện luân phiên nhiều nơi và có khi không báo trước, đến nỗi du khách phải hủy tour, hủy khách sạn và có những trải nghiệm tồi tệ như bị “hành xác”.
Truyền thông trong nước hai hôm nay liên tục kêu ca dùm Hạ Long, từ những câu chuyện thực tế của du khách. Trao đổi với VietnamNet ngày 4 Tháng Sáu, một du khách có con nhỏ là bà Đoàn Liên (Hà Đông, Hà Nội) cho biết gia đình bà bốn người, đến Hạ Long thuê một căn hộ chung cư ở cao ốc New Life Tower (Bãi Cháy, Hạ Long, Quảng Ninh) với giá 2 triệu đồng/hai đêm.
Nhưng vừa nhận phòng thì căn hộ mất điện một tiếng rưỡi, đến sáng hôm sau lại mất điện, không thể nấu nước pha sữa cho con nhỏ 2 tuổi, cũng không đặt đồ ăn gì được vì “mất điện toàn thành phố”, cả nhà phải xuống quán gần đó kiếm đồ ăn và ngủ trưa vạ vật dưới sàn nhà.
Đến chiều có điện trở lại, khi ra biển chơi, cả nhà dự định sẽ ở thêm một đêm nữa vì cảnh đẹp, đồ ăn ngon. Nhưng sáng ngày thứ ba thì điện lại cúp, thế là cả nhà bà sợ quá liền đưa hai con về Hà Nội.
Còn cô giáo Thanh Nga (Thanh Trì, Hà Nội) cùng đoàn giáo viên nhà trường tới Hạ Long du lịch ba ngày hai đêm từ 31 Tháng Năm đến 2 Tháng Sáu. Sáng ngày đầu tiên cả đoàn vừa đi tắm biển về thì điện cúp, cả đoàn của bà Nga phải ngồi vạ vật ngoài cửa khách sạn để bớt nóng, chờ cả tiếng sau mới có điện đi thang máy lên phòng.
Buổi trưa, cả đoàn đi ăn thì đến nhà hàng cũng cúp điện, nhà hàng có máy phát điện nhưng chỉ đủ bật đèn và quạt trần, ai cũng… toát mồ hôi, không còn tâm trạng thưởng thức. Sáng ngày hôm sau, đoàn đi thưởng thức sữa chua trân châu Hạ Long nhưng vừa bắt đầu ăn thì lại mất điện đột ngột, nhân viên quán phải treo biển đóng cửa, thế là cả đoàn lại ăn vội vàng để rời đi, chuyến du lịch thành ra chuyến đi “hành xác”.
Đại diện Vivudi Travel, đơn vị vận hành nhiều căn hộ nghỉ dưỡng thuộc khu đồi Beverly Hills Villa and Resort, khu Vinhomes Dragon Bay… than với VietnamNet, suốt tuần qua Hạ Long bị mất điện không báo trước.
Có ngày mất điện từ 17 giờ hôm trước tới 4 giờ sáng hôm sau, có ngày mất từ 8 giờ sáng tới 16 giờ chiều, dù có máy phát điện thì đơn vị này cũng bị khách hàng khiếu nại, đồng loạt đòi hủy phòng, hoàn tiền.
Ông Nguyễn Minh Hải, chủ căn hộ cao cấp tại tòa Cintadines Hạ Long cũng “ăn ngủ không yên” vì mất điện kéo dài, khách yêu cầu hoàn tiền, trả phòng gấp. Ông Hải đã phải thuyết phục khách, xin tặng gói giảm giá 20% với hy vọng khách không đánh giá thấp trên các app trực tuyến.
Than thở với VietnamNet, ông Hải nói: “Căn hộ homestay của chúng tôi nằm trong một tòa nhà nên việc trang bị máy phát điện là không thể. Tòa nhà này cũng khá bị động do không biết trước lịch cắt điện. Đây thực sự là giai đoạn khó khăn với những người kinh doanh dịch vụ du lịch”.
Lao Động ngày 4 Tháng Sáu cũng phản ảnh mất điện triền miên đang là nỗi ám ảnh không chỉ đối với người dân Hạ Long mà còn đối với cả du khách. Nhiều du khách đến Hạ Long đã phải cắt ngắn kỳ nghỉ, vì có khi đang giữa đêm phải thu dọn hành lý chuyển từ khách sạn nhỏ sang khách sạn lớn để có điện, nhưng có phòng hay không lại là chuyện hên xui.
Chiếc máy phát điện đi thuê trước cửa khách sạn Green Suites, TP.Hạ Long – Ảnh: VnExpress
VnExpress ngày 5 Tháng Sáu cũng mô tả cả du khách lẫn các cơ sở lưu trú ở Hạ Long đều đang khốn đốn vì mất điện luân phiên!
Một du khách đến từ Sài Gòn là Nguyễn Thanh Đan, dự định nghỉ hai tuần ở Hạ Long với gia đình đã đặt một khách sạn năm sao mới ở Hùng Thắng, Hạ Long. Ngay trong ngày đầu tiên, khách sạn đã mất điện buổi đêm, đứa con nhỏ không chịu được nóng quấy khóc mãi nên bà Đan phải tìm thuê một khách sạn có điện khác.
Còn Hoàng Anh, nữ du khách Hà Nội, đặt phòng khách sạn ở Hạ Long vào cuối tuần này, khi được yêu cầu “đóng thêm 300,000 đồng mỗi đêm nếu khách sạn dùng máy phát”, cô đã phải đặt chỗ khác.
Đâu chỉ khách khổ, cơ sở lưu trú cũng khổ vì khách hủy phòng, đại diện khách sạn Green Suites cho biết: “Việc mất điện không thấy có thông báo trước. Khách sạn tôi khi đó đã nhận khách ở 70 phòng. Chúng tôi gọi điện đến cơ quan chức năng hỏi cũng không có câu trả lời khi nào có điện”.
Vì mất điện, toàn bộ khách hủy phòng và ngoài tiền phòng (khoảng 600,000 đồng/phòng), cơ sở này còn mất thêm một khoản tiền đền bù cho khách. Sáng ngày 5 Tháng Sáu, khách sạn này đã đi thuê một máy phát điện lớn đặt ngay trước cửa, đề phòng mất điện đột ngột như hôm trước.
VnExpress cũng dẫn lời một chủ khách sạn ở đường Phan Bội Châu, phường Bãi Cháy, TP.Hạ Long cho biết: “Máy phát điện mua hẳn thì khoảng một tỷ. Tiền thuê máy khoảng 25 đến 30 triệu một tháng. Mỗi ngày xài thì tốn vài triệu tiền xăng dầu. Chạy cả ngày, nhiều máy không chịu nổi”.
Đại diện khách sạn ba sao Phương Thảo Marina Square than: “Cứ tiếp tục cúp điện kiểu này, chúng tôi chẳng còn lãi”. Khách sạn này có 56 phòng, tốn khoảng 700,000-800,000 đồng một giờ nếu chạy máy phát điện. Riêng trong tuần qua, khách sạn đã tốn thêm hàng chục triệu đồng do mất điện 40-50 giờ. Trong ngày 5 Tháng Sáu, khu vực khách sạn này tọa lạc đã mất điện từ sáng tới tối.
Theo ông Phạm Ngọc Thủy, giám đốc Sở Du lịch tỉnh Quảng Ninh, các cơ sở lưu trú trên địa bàn tỉnh đều đang rất khó khăn, việc lắp thêm máy phát điện sẽ tốn thêm khoản lớn chi phí tiền dầu để chạy máy.
Hà Nội nóng ‘chảy mỡ’, Đồng Nai gặp nạn ‘đại hồng thủy’
Lê Thiệt /SGN
05/6/2023
Ngày 4 Tháng Sáu, để tránh nóng, tại một trung tâm thương mại ở quận Long Biên (Hà Nội) càng về trưa, dòng người đổ về đây mỗi lúc một đông – Ảnh: Ngôi Sao
Một chuyên gia về biến đổi khí hậu cho rằng đó là hệ quả tất yếu của nạn phá rừng, mà Việt Nam hiện đang phải trả giá.
Ông cho rằng cái giả phải trả sẽ tăng dần theo thời gian, cho đến khi thiên nhiên được khôi phục lại như 50 năm trước. “Nhưng điều đó là không thể”.
Ông không giải thích tại sao lại không thể, tuy nhiên, nhiều người nghĩ rằng nạn tham nhũng tràn lan chính là nguyên nhân gây ra thảm họa không thể cứu chữa này.
Người Hà Nội đổ vào siêu thị tránh nóng
Nhiều khu vực ẩm thực, vui chơi trẻ em hay khu ngồi chờ đều trong tình trạng quá tải so với trước đây – Ảnh: Ngôi Sao
Mấy ngày nay, Hà Nội và nhiều tỉnh phía Bắc đang phải chịu đựng cái nắng gay gắt, và kéo dài. Điều này khiến việc sử dụng điện tăng vọt, khiến nhiều nơi bất ngờ mất điện vì quá tải. Nhiều gia đình ở Hà Nội đã phải bỏ nhà lũ lượt kéo đến các trung tâm thương mại, công viên, bãi sông Hồng để tránh nóng.
Một số du khách từ xa về Hà Nội du lịch, thăm thân nhân cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự, khi vừa đến nơi thì được khách sạn thông báo… cúp điện.
Không kịp nghỉ ngơi sau quãng đường dài, họ gửi đồ tại khách sạn, di chuyển đến một trung tâm thương mại lớn tại quận Long Biên. Đây là trung tâm thương mại cho người Nhật làm chủ, người quản lý ở đây đã mở phòng chờ, bổ sung thêm ghế ngồi tại sảnh để hỗ trợ người dân và du khách “trốn” nóng.
Nhóm sinh viên Học viện Ngân hàng ăn uống, chuyện trò rôm rả ở bãi sông Hồng thời điểm 22h30. Một số sinh viên trong nhóm cho biết, họ thuê lều ngủ qua đêm ở bãi sông Hồng để tránh nóng – Ảnh: Dân Trí
Đến chiều, Công viên nước hồ Tây là địa điểm được nhiều người ưu tiên để tiếp tục “giải nhiệt”. Theo ghi nhận trên mạng xã hội, khu vực bãi sông Hồng gần chân cầu Chương Dương mấy tối nay là điểm “hẹn hò” của nhiều nhóm thanh niên rủ nhau ra vừa tránh nóng, vừa ăn uống đàn hát tới tận khuya. Một số nhóm bạn còn mướn lều ngủ lại.
Dân Đồng Nai hứng chịu lũ quét lớn chưa từng có
Một nhà dân bị thiệt hại nặng trong khu vực nước lũ ùa về, gần như toàn bộ đồ đạc trong nhà bị hư hại – Ảnh: Người Đưa Tin
Trong khi dân Hà Nội đang chạy trốn cái nóng hừng hực cả ngày thì ở huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai, chỉ sau cơn mưa lớn đêm 4 Tháng Sáu, người dân ở đây phải gánh chịu một trận lũ quét lớn chưa từng thấy, gây thiệt hại nặng nề.
Ông Trương Văn Học, nhà ở Thị trấn Hiệp Phước, huyện Nhơn Trạch cho biết, vào chiều qua, cơn mưa lớn kéo dài nhiều giờ khiến lượng nước đổ về rất lớn. Khoảng 6 giờ chiều, bức tường phía sau nhà (tường rào của công ty Hưng Nghiệp Fomosa) bất ngờ đổ sập khiến cơn lũ ập vào nhà ông và các nhà xung quanh.
Ngay sau đó, nước lũ bắt đầu tràn vào những nhà lân cận khiến người dân không kịp trở tay. Nhiều người nhanh chóng tìm cách leo lên gác, mái nhà để tránh bị dòng nước cuốn. Toàn bộ đồ đạc bị nhấn chìm trong nước, nhiều tài sản bị cuốn trôi. Ông Học kể tiếp:
“Sau khi tường sập chỉ khoảng 5 giây là nước lũ ập vào. Tôi đang lau nhà thì bị nước cuốn ra sân, vội vàng chồm dậy là đi kiếm vợ con liền. Nước lũ làm tủ đồ lớn trong phòng bị đổ sập, tôi tưởng vợ con bị đè nên cố gắng tìm kiếm nhưng không thấy. Một lúc sau mới phát hiện vợ con bị nước cuốn vô vách tường, cả hai may mắn bám được vào cửa sổ rồi leo lên mái nhà tránh lũ.”
Bức tường của công ty Hưng Nghiệp Fomosa bị đổ sập khiến nước lũ tràn vào nhà dân – Ảnh: Người Đưa Tin
Có thể nói, cơn lũ lớn như một trận “đại hồng thủy” khi cuốn phăng rất nhiều tài sản của người dân Nhơn Trạch.
Vẫn theo ông Học, chưa bao giờ nước tràn về lớn như bây giờ, mực nước cao tới 1.5 mét. “Ở đây không ai xoay sở kịp, nhiều nhà bị thiệt hại rất lớn”.
Cũng trong cơn lũ quét đó, nhiều xe máy và ngay cả xe hơi cũng bị cuốn trôi. Đến sáng 5 Tháng Sáu, nhiều chủ xe phải gọi xe cứu hộ đến “giải cứu”.
Một chủ tiệm quần áo ở đây cho biết: “Tối qua, nước tràn về lớn quá, tôi và vợ không dám ở trong nhà nên đóng cửa tiệm để chạy về nhà. Đến sáng thấy nước tống vô làm hư cửa cuốn, quần áo trong cửa hàng bị ướt, dính đầy bùn, tủ lạnh cũng bị ngã, hư hỏng nặng”.
chưa thống kê thiệt hại, nhưng theo đánh giá chung cũng rất lớn. Điều may mắn duy nhất là không có thiệt hại về người.
Thiếu điện, phải cắt điện khẩn cấp thì không cần thông báo cho khách hàng chuẩn bị, chỉ có thể là EVN – Ảnh: Tuổi Trẻ
Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), vận hành hệ thống điện trong các tháng cao điểm nắng nóng (từ Tháng Năm đến Tháng Bảy) rất khó khăn. Hệ thống điện miền Bắc đối mặt với tình trạng thiếu khoảng 1,600-4,900 MW, vì hạn hán, thiếu nước kéo dài làm lưu lượng nước về các hồ thủy điện giảm; còn công suất và sản lượng các nhà máy điện gió giảm sâu do gió kém (?)
Còn theo điện lực Quảng Ninh, những ngày qua, miền Bắc thiếu hụt hơn 2,000 MW điện nên các công ty trực thuộc phải giảm công suất. Ngày 1 Tháng Sáu, công ty phải cắt giảm luân phiên 78/128 đường dây trung áp trên địa bàn, từ Đông Triều đến Đầm Hà. Ngày 2 Tháng Sáu, công ty cắt giảm 186 MW và ngày 5 Tháng Sáu là 236 MW.
Nhưng tại sao lịch cúp điện lại không báo trước cho khách hàng, để họ tự chuẩn bị phương án khác?
Tuổi Trẻ dẫn thông tin từ công ty Điện lực Quảng Ninh ngày 4 Tháng Sáu biện minh: vì toàn miền Bắc những ngày qua đang thiếu hụt công suất trên 2,000MW nên các công ty trực thuộc Tổng công ty Điện lực miền Bắc buộc phải điều tiết giảm công suất KHẨN CẤP theo lệnh của Trung tâm Điều độ hệ thống điện miền Bắc (A1).
Việc cắt giảm diễn ra trong tình trạng KHẨN CẤP nên tại một số thời điểm, ở một số khu vực, công ty không kịp gửi tin nhắn thông báo qua SMS và Zalo cho khách hàng sử dụng điện (?!).
EVN là tập đoàn của nhà nước, kinh doanh điện độc quyền nên thế đấy: giá không chỉ tăng mãi (chưa hề giảm), lại tính kiểu “chơi cha”, càng xài nhiều thì giá bán càng tăng, đã vậy khi thiếu hàng (điện) bán thì không chịu xoay sở để có đủ điện cung cấp cho khách hàng, mà chỉ biết… cúp, bất chấp ý muốn của khách hàng.
Sinh viên ra trường “bao” có việc làm
06/6/2023
Mai Lan/VNTB
Mùa tuyển sinh cận kề, nhiều trường đại học công bố tỉ lệ có việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp cao ngất ngưởng, có trường tỉ lệ này lên đến 100% tất cả các ngành.
Chạy xe ôm công nghệ cũng là… đi làm
Ở khối các trường đại học ngoài công lập, trường đại học Hoa Sen công bố tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp (năm 2021) có việc làm sau một năm của bốn khối ngành đều trên 94% (trong đó khối ngành III tỉ lệ 97,8%).
Tháng 1-2023, trường đại học Sư phạm kỹ thuật TP.HCM công bố báo cáo kết quả khảo sát cựu sinh viên sau một năm tốt nghiệp đạt tỉ lệ 97,31% (số liệu đã bao gồm chưa có việc làm vì phải học nâng cao); chỉ có 1,73% đã xin việc nhưng chưa có việc làm.
Trường đại học Tài chính – Marketing cho biết tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp năm 2022 có việc làm trên tổng số 2.055 sinh viên phản hồi khảo sát việc làm của trường là 92,65%. Trường đại học Công nghệ thông tin (Đại học Quốc gia TP.HCM) công bố tỉ lệ có việc làm trên tỉ lệ phản hồi 92,84% (1.038 sinh viên).
Theo báo cáo tình hình việc làm sinh viên tốt nghiệp khảo sát năm 2022 của trường đại học Giao thông vận tải TP.HCM, tất cả 2.047 sinh viên 14 ngành đều có việc làm, đạt tỉ lệ 100% (tỉ lệ sinh viên phản hồi khảo sát là 100%).
“Sinh viên ra trường chạy xe ôm công nghệ, làm thời vụ… trong lúc chờ xin việc phù hợp với ngành nghề đào tạo nhưng có thể vẫn được coi là ‘có việc làm’ nên tỉ lệ khảo sát sẽ rất ảo” – nhiều ý kiến lý giải về các con số báo cáo đầy màu hồng về đầu ra sau mấy năm dùi mài kinh sử trên ghế giảng đường.
Sa thải, mất việc cả trước và sau dịch Covid
Tổ chức chuyên về thống kê việc làm Navigos Group phân tích dựa trên dữ liệu tin tuyển dụng tại hệ sinh thái của doanh nghiệp này (VietnamWorks và Navigos Search) trong 4 tháng đầu năm 2019 (trước Covid-19), 4 tháng đầu năm 2022 (sau Covid-19) và 4 tháng đầu năm 2023.
Theo đó, ghi nhận của Navigos Group cho thấy nhu cầu tuyển dụng của các ngành trong 4 tháng đầu năm 2023 giảm trung bình 18% so với thời điểm trước dịch và giảm trung bình 16% so với thời điểm phục hồi sau dịch (năm 2022).
Cụ thể, đối với ngành dệt may và da giày, nhu cầu về lao động của lĩnh vực tiếp tục sụt giảm đến 39% do chịu ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu, lạm phát tác động lên sức mua, đơn hàng.
Nhu cầu tuyển dụng lao động thời vụ, hợp đồng ngắn hạn giảm đến 63%, sinh viên mới tốt nghiệp giảm 49%.
“Không đứng ngoài xu hướng biến động thị trường và suy giảm kinh tế, nhu cầu tuyển dụng lao động các vị trí dành cho người nước ngoài, Việt kiều, thời vụ, hợp đồng ngắn hạn, sinh viên mới tốt nghiệp và nhân sự cấp trung, cấp cao cũng chứng kiến sự giảm sút đáng chú ý”, Navigos Group lưu ý.
Nếu nhìn qua lăng kính chính trị?
Theo ông Thái Phương Triều, giám đốc Công ty Talent – TP.HCM, một doanh nghiệp chuyên về tư vấn nguồn nhân lực, thì thực tế hai năm qua các doanh nghiệp rất khó khăn, nhu cầu tuyển dụng không nhiều. Trong khi báo cáo tình hình việc làm sinh viên tốt nghiệp của các trường công bố con số đều rất đẹp.
“Nếu muốn biết tình hình sinh viên ra trường có việc làm thế nào hiện nay ra đường, chỉ cần gọi xe ôm công nghệ là rõ ngay, rất nhiều bạn tạm thời làm việc này chờ xin việc phù hợp ngành học.
Theo tôi, cách khảo sát các trường đang thực hiện hoàn toàn không ổn. Vì vậy, nếu Bộ Giáo dục và Đào tạo dựa vào số liệu các trường công bố để quyết định chỉ tiêu tuyển sinh của các trường là không thực tế và chính xác được. Cần có đơn vị độc lập thực hiện việc này một cách khoa học hơn” – ông Thái Phương Triều ý kiến.
Tuy nhiên, theo một nhà quan sát chính trị, thì sở dĩ phía Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn chọn im lặng trước các số liệu mà phía trường đại học đưa ra trong kỳ tuyển sinh hiện tại, có nguyên do là những tỷ lệ phần trăm cao chót vót đó nó sẽ đồng bộ với tuyên bố của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại phiên khai mạc Đại hội XIII của Đảng Cộng sản sáng 26/1/2021:
“Chúng ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện hơn so với những năm trước đổi mới. Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.
Đoạn phát biểu trên còn được nhắc lại rất nhiều lần đến tận hiện tại.
Làm khổ trẻ con
06/6/2023
Vẫn biết người càng ngày càng đông, học trò càng ngày càng nhiều, cơ sở vật chất trường lớp thì chưa đủ, nên nhà chức việc quản lý giáo dục phải bày ra trò thi tuyển.
Kỳ thi vào… lớp 10 cho năm học mới mà người ta bắt đầu sáng nay là vậy. Hàng mấy chục vạn đứa trẻ lứa tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới” bị đẩy vào cuộc cạnh tranh, lo lắng, mất ăn mất ngủ, sợ sệt, chán nản, mà không chỉ riêng chúng, còn kéo theo cả cha mẹ, gia đình vào cuộc tranh đua vất vả vĩ đại ấy.
Ở xứ này, người ta có thể chi tiền tỉ tỉ để làm tượng đài, cổng chào, in sách không người đọc ra 7 thứ tiếng, chăng khẩu hiệu, lễ lạt linh đình, hội thảo hội nghị kỷ niệm ông này bà nọ ngày sinh ngày mất, thậm chí tổ chức cả hội nghị hoành tráng chỉ để tiễn một ông quan loại xoàng đến tuổi về hưu. Tiền ném qua cửa sổ, nhưng trường lớp cho trẻ con học hành vẫn thiếu kinh niên, khiến chúng và cha mẹ chúng bị đẩy vào cuộc tranh đua kỳ dị. Mà vất vả đâu phải để được làm ông nọ bà kia, chỉ để được đi học, được có kiến thức sau này có ích cho đời, cho dân cho nước, cho chính bản thân mình, không thành gánh nặng cho xã hội.
Những đứa trẻ nhà nghèo, học lực trung bình, rất dễ bị cuộc thi chọn vào lớp 10 đánh trượt (người ta ước tính khoảng 30% thí sinh bị trượt). Bố mẹ chúng tất nhiên không có tiền cho chúng học trường tư học phí cao, nên lại rơi vào cái vòng luẩn quẩn “con sãi ở chùa lại quét lá đa”, thậm chí chúng được bổ sung cho đám thanh niên hư hỏng, phá phách. Nguyên nhân ban đầu là “búp trên cành” không được đi học, bị bộ máy cai trị gây khó dễ, gián tiếp cấm cửa, không cho tới trường.
Nhà nước có trách nhiệm phải xây đủ trường lớp cho tất cả trẻ em được đến trường, đi học, chứ không phải duyệt chi làm tượng đài, nhà lưu niệm. Quốc hội họp để bàn những chuyện này, chứ không phải đòi… thượng tướng.
Đứa cháu họ tôi sống ở bên Úc kể mấy đứa con của nó đi học không mất tiền, cứ học hết lớp này, cấp này thì học tiếp lên lớp khác, cấp khác, như sự đương nhiên, không phải thi thiếc gì cả, thi vào lớp 10 lại càng không. Trẻ con sướng, cha mẹ cũng sướng. Giáo dục không phải là thứ khổ nạn đổ lên đầu dân như ở xứ này.
Không có nhận xét nào