Header Ads

  • Breaking News

    Đấu tố và Cải cách ruộng đất – hồ sơ của một nhân chứng Phần 8

    Hoàng Tuấn Phổ /SGN

    Rau muống ngon nhất cữ Tháng Tám âm, trời nhiều mưa, ngọn mập non ngọt không có vị chát, luộc đúng cách mềm và xanh. Cá đồng loại ăn tạp, chén khoẻ như rô, giếc, chuối, hẻn, chạch… gặp nước to, ruộng lắm mồi, con nào cũng béo. Cá đồng om nấu với mẻ, mẻ chất chua gặp cá chất tanh, thành vị chua ngọt, gia vị lá gừng, lá nghệ, mùi tàu, chút ớt… vừa cay cay thơm thơm, làm món nước chấm rau muống luộc, tạo nên mối tình duyên ưa, phận đẹp không gì hơn.

    Nhà tôi, chú Côi là con nuôi ông bà tôi, anh Nậu con nuôi bố mẹ tôi đều là những tay “sát cá”. Chiều tối, hai người thường đặt mấy cái lừ (lờ) ven bờ ruộng. Ban đêm, lũ cá đi ăn thường bơi dọc ven theo bờ để kiếm mồi, sáng sớm nhắc lừ lên thế nào cũng được dăm ba chú cá giếc, rô, chuối, hẻn… Loại cá nhỏ chúng chui vào lại chui ra dễ dàng. Chú Côi lớn tuổi hay úp nơm chườm buổi tối ở cống nước chảy, nơi cá chuối hóng mồi.

    Ban đêm, trời mưa, chú Côi, anh Nậu thích đi kéo vó tại chỗ cống to nước chảy thông qua đường, từ cánh đồng này sang cánh đồng khác như cống đồng Kép, đồng Yểng, đồng Trai hoặc xuống tận sông Lý kéo vóng. Nếu cần ăn rằm có thể đánh cá ao. Nhà tôi có cái ao rộng trước vườn, thả nhiều cá mè, đủ lứa. Đánh cá mè ao dễ mà khó. Loài cá này ăn nổi, lúc đầu một người kéo vó giữa ao, một người xua đuổi quanh bờ. Mẻ vó thứ nhất, thứ nhì dễ được, đến mẻ thứ ba, thứ tư trở đi chỉ thấy trắng vó, vì chúng chạy vào bờ trốn hết. Phải bỏ vó, dùng nơm, tay úp, chân vùng, khiến cá sợ, càng sợ chúng càng nép vào bờ để trốn.

    Đã là cá đồng, cá gì nấu om cũng ngon. Cá om nấu kỹ, cùng gia vị lá thơm (gừng, nghệ, lá lốt) khi cá chín, nếu có bỏ thêm một vài đũa mắm tôm (tuỳ theo lượng nước) càng thêm dậy mùi, tăng vị ngọt. Có thể nói rau muống luộc chấm nước cá om xứng đáng gọi là ngon tuyệt!

    Đặc sắc nhất trên mâm cỗ là món củ chuối bung lươn đậm đà phong vị làng quê, nhà tôi thường chỉ chế biến vào dịp Tết Trung thu.

    Cá rô quyện với nồi rang

    Còn như củ chuối lươn vàng quện nhau

    Củ chuối hột là món ăn chống đói. Những năm mất mùa bạch lạng, nhà tôi như nhiều là nông khác, ăn củ chuối hột thay cơm là chuyện thường. Củ chuối hột chế biến làm thức ăn ngon phải vào mùa thu mưa nhiều, ít chát, mềm ngon. Chọn cây non, thái nhỏ bằng đầu đũa, ngâm kỹ nước lã.

    Con lươn chọn giống lươn vàng hoặc lươn nâu, làm thịt kỹ, bỏ ruột, dần nhừ xương sống, chặt khẩu mía, ướp với gia vị mẻ, hành khô, nước mắm, ruốc (rất ít) ớt, sau đó trộn chung với củ chuối hột thái, cho ngấm các thức vào với nhau, tạo điều kiện để đôi bạn lươn (âm) củ chuối (dương) “quen hơi bén tiếng”, sau đó đổ thêm nước sôi hoặc nóng vừa đủ xăm xắp, đậy vung kín, đun nhỏ lửa “bung” nhừ. Củ chuối và lươn chín nhừ, bắc ra, gia vị thêm lá lốt, mùi tàu thái nhỏ, trộn đều, nhẹ tay để thịt lươn khỏi nát. Món lươn bung củ chuối múc ra bát tô ăn chung, đông người thì dùng bát nhỏ cho tiện.

    Tết Trung thu, trên chiếc chiếu trải rộng, cả nhà quây quần chung quanh mâm “cỗ Tết”. Nhà tôi đông người, phải dọn hai mâm. Đàn ông ngồi một mâm, tiện khề khà tay đũa tay chén. Đàn bà, trẻ con, thứ hạng em út ngồi riêng một mâm. Chiếc mâm đồng được đánh sáng bóng, tròn vành vạnh in rõ khuôn mặt chị Hằng như vầng trăng thu. Chiếc bánh đa cũng tròn trịa như bà hàng bánh muốn mô phỏng bóng trăng thu.

    Nồi củ chuối bung lươn bắc trên bếp được bưng ra, vừa mở vung, toả bay ngào ngạt, mùi thơm khá đặc trưng của món ăn độc đáo làng quê Tết Trung thu kích thích mạnh khứu giác mọi người. Những chiếc bánh đa vừng thơm ngon, cũng được bẻ đôi bẻ ba, kêu vang lên đồm độp, răng rắc nghe vui tai lạ, hoà vào không khí rộn rã bữa ăn chỉ có món củ chuối bung lươn, cùng rau muống, cá om, mà thành bữa tiệc ngon miệng hấp dẫn. Ai gắp được, gặp được những sợi củ chuối kèm miếng lươn, củ chuối sần sật, miếng lươn mềm mềm, nhai kỹ, nghĩ sâu mới thấy thật thấm thía, thấu hiểu thế nào là “củ chuối lươn vàng quyện nhau”.

    Từ năm đi học xa, Tết Trung thu năm nào tôi cũng cố về nhà, nhưng không khí Tết kém vui dần, vì ông nội tôi đã mất năm 1946, chú thím tôi ra ở riêng nhà bên cùng với bà nội tôi. Nhà tôi chỉ còn lại bốn người, vẫn trải chiếu giữa sân với mâm “cỗ Tết” đơn sơ rau muống luộc, cá đồng om mẻ. Đặc biệt không bao giờ thiếu món củ chuối bung lươn. Đêm ấy, nằm bên mẹ, tôi lại được nghe tiếng ru ngâm giọng ấm áp, ngọt ngào như tuổi còn ấu thơ:

    Đang cơn bình địa nổi ba đào

    Ai đem củ chuối mà ngào với lươn

    Tất cả đã xa xưa lắm rồi! Bây giờ gia đình tôi chỉ có nỗi buồn đau, khi âm thầm, lúc sôi động như vô tận. Trên khoảng sân rộng trở nên mênh mông. Chỗ “ngày xưa” trải chiếu cả đại gia đình ngồi ăn Tết thưởng trăng, nay đám gạch bát sắc nâu tươi đã hoá màu tiết đọng thâm sì. Đó là đại dấu tích, một vết thương tích lớn về trận hoả thiêu độc nhất vô nhị đối với kho sách vở của gia đình tôi tích luỹ qua nhiều đời.

    Chúng bị kết án là tàn tích phong kiến đế quốc, là tài liệu tuyên truyền phản cách mạng, mặc dù rõ ràng giấy trắng, mực đen, nội dung là tuyên truyền, giáo dục cách mạng. Cho cả đến cuốn gia phả họ Hoàng và quyển học bạ lớp 7 phổ thông, giấy chứng nhận học lực của tôi cũng thành tro bụi. Họ vô tình hay cố ý triệt tiêu từ nguồn gốc gia đình, dòng họ đến cả tương lai, hy vọng của tôi, nếu tới lúc nào đó có thể hy vọng chút tương lai hết sức bé nhỏ?

    Càng nghĩ càng buồn! Tôi nhớ một câu hát cũ: “Ôi ta buồn ta đi lang thang…” Riêng tôi, tôi đâu có được đi lang thang để khuây khoả nỗi buồn mênh mang không bờ bến? Tôi chỉ được ra đến ngõ, nếu tôi vượt quá giới hạn, ông chó đá ngồi canh giữ tà ma sẽ nhắc tôi dừng bước. Chủ tịch Lời đã sai công an Lưỡng đến nhà tôi truyền lệnh: Hễ ra khỏi ngõ nửa bước, cứ trói nghiến lại, điệu cổ hắn lên xã lập biên bản tội chạy trốn, để bỏ tù mọt gông, tiệt hết giống nòi phản động!

    Tôi đã bắt đầu nhận ra bản chất Lê Quang Lời. Mồm miệng ông thở ra khói, ra lửa. Lời lẽ ông có sắt của gươm, có thép của súng, có đồng của đạn. Súng đạn còn ở đâu nữa, ở ngay mồm ông, cất giấu trong bụng ông! Không biết thời gian làm lính bảo an tay sai cho Pháp-Nhật, ông đã lập thành tích phản dân hại nước gì?

    Vườn nhà tôi ở phía trước nhà, rộng khoảng hơn hai sào ta. Vốn xưa kia nó là cồn cây, mả củi của ông tộc trưởng họ Lê Văn, nằm chung thân đất với sân và nhà. Đằng sau cái nhà trên của gia đình tôi, là ngõ ống dài đi vào khu nhà thờ họ Lê Văn. Thế đất “chó ỉa đầu làng” của nhà tôi phải trải qua 200 năm, các cụ ra sức cải tạo, mở mang mới thành một thế đất được nhiều người khen là đẹp.

    Buồn quá, tôi thơ thẩn ra sân, càng buồn hơn, tôi lại thẩn thơ ra vườn. Vườn rộng, nhưng là vườn tạp. Tuy vậy, thuở ấu thơ đến thời niên thiếu, nó là thế giới kỳ diệu, hấp dẫn, một khu rừng tuyệt vời đối với tôi. Tôi không thể nhớ hết có bao nhiêu giống cây cỏ. Hồi nhỏ, chúng tôi hay chơi trò đố lá. Mỗi đứa ra vườn hái một ôm lá cây và cỏ đem vào sân để đố nhau, đoán xem là lá cây, cỏ gì. Nhiều thứ lá bị bứt khỏi cây, rất khó nhận ra. Bạn nào đoán trúng nhiều thì thắng, được búng tai bạn thua ba cái. Cả bọn vỗ tay cười vang. Bởi vậy, kiến thức về thế giới thực vật nhờ vào quan sát của chúng tôi được nâng cao, không trông chờ ở sự chỉ bảo của người lớn.

    Sau thời gian bận học hành xa nhà, vườn cây cỏ nhà tôi vẫn thuỷ chung xanh tốt, rậm rà chờ đợi. Cây dung ngày nhỏ cho tôi nhiều quả ăn lúc đói lòng. Cây sắn thuyền bắt đầu có quả chín tím đỏ giữa những chùm xanh chíu chít như sung. Hai cây dừa vô tư đứng nghiêng nghiêng soi gương mặt ao, lá dài thướt tha, nhàn nhã phe phẩy ghẹo trêu đàn cá mè nổi lên hớp không khí. Giữa vườn, một đám chè xanh vài ba chục cây tuổi tác nhiều năm, cánh hoa trắng muốt, nhuỵ vàng thơm ngát. Thân chè rêu mốc, gỗ làm nõ điếu hút kêu giòn giã, gọt miệng sáo diều thả bay lên trời vang vọng tiếng vi vu, xen lẫn âm thanh ru ru như cồng chiêng, lúc mơ hồ, khi thoảng hoặc như chốn tiên cung, thượng giới…

    Sớm sớm, bà nội tôi bắc ghế cao hái chè, đủ uống trong ngày. Các cụ quen uống nước chè xanh đặc, gọi là đặc “cặm tăm”. Chè vừa đun xong, đun trong ấm đất, rót ra bát tô, mùi thơm toả hương, khói bay nghi ngút, các cụ uống ngay, vừa thổi phì phù, vừa hít hà, tận hưởng hương vị đất trời đã cho con người một loài cây lá đặc biệt!

    Đứng giữa bờ vườn sát ngõ đăng đối với phía bên kia là cây núc nác:

    Vào rừng không biết lối ra

    Thấy cây núc nác ngỡ là vàng tâm

    Đó là chuyện của ai kia, với nhà tôi, các cụ xem núc nác là cây quí. Vỏ nó chính là vị hoàng bá nam làm thuốc, thay cho hoàng bá bắc phải tìm mua của Trung Quốc, công dụng không khác gì nhau.

    Chợ Nguyễn xã tôi thường bán nhiều cá nhám tươi, dân biển đưa lên, giá rẻ, thịt nạc, chỉ có một cái xương sống là xương sụn, cũng cứng như đầu của nó, nhai mềm sần sật. Bộ lòng cá nhám nấu dấm rất ngon. Cá nhám chửa đẻ con. Trong bụng con cá nhám có thể chứa đến gần chục cá con, cũng cho ta nồi dấm mẻ, dấm khế, không thứ cá nào sánh nổi. Nhưng nhược điểm của cá nhám là mùi khai, thành ra, “cái nết đánh chết cái đẹp”! Bà nội tôi kho thịt cá nhám với lá núc nác, dùng lá núc nác trị cái “nết khai” của nó. Thực ra, chỉ hạn chế được phần nào thôi. Muốn cá nhám hoá thơm tho, ăn ngon tuyệt, phải nướng cháy lớp da. Đây là thủ phạm gây ra mùi khai, vị nồng khó chịu. Cho nên, cá nhám ăn gỏi rất ngon, không kém gì cá đuối, cá lanh… Tất nhiên, phải lột bỏ lớp da nhám xàm xạp.

    Theo quan niệm xưa, cây núc nác kỵ tà ma quỉ quái. Nó đứng ở đâu, lũ ấy đều không dám bén mảng tới gần. Thế mà một cây núc nác phía bên kia bờ ngõ, cao đến ba thước tây đang tươi tốt bỗng dưng bị héo rũ dần rồi chết! Nói bị sâu ăn rễ hay đục thân? Điều này ít xảy ra với giống cây gỗ xơ.

    Bố tôi trên đường lên huyện Nông Cống thăm chú Ngãi ở xã Thượng Vạn, làng Lê Xá, đi qua Đò Sòng, hay ghé vào chơi với ông thầy Mù, làng Bến (nay thuộc xã Hoàng Giang). Ông bị mù từ lọt lòng, cha mẹ nhân đó đặt tên Mù. Càng lớn lên ông càng thông minh, mẫn tiệp. Cha mẹ cho đi học, ông không đọc được chữ, cũng không biết viết, nhưng chỉ nghe qua một lần bạn học, thầy giảng là nhớ nhập tâm ngay, không sai nửa chữ. Thầy cho học Kinh Dịch, ông thuộc từ đầu chí cuối. Thế là ông thành thầy bói và bói rất giỏi, nổi tiếng gần xa. Nhờ nghề này, ông tự kiếm sống, không phải ăn bám vào ai.

    Người ta nói: Thầy bói “nhãn nhập tâm” nên thông minh sáng suốt, thấy hết, biết hết việc đời. Tôi nghĩ không phải người mù nào cũng được như vậy. Đặc biệt, tai người mù rất thính, thính đến mức nếu đã được gặp gỡ một hai lần, chỉ cần nghe tiếng bước chân đủ biết người ấy là ai, lạ hay quen, nếu quen thì đích thị là ai.

    Lần ấy, bố tôi vào thăm chơi, thầy Mù không cần gieo quẻ, chỉ bấm đốt ngón tay rất nhanh rồi nói: “Nầy anh ký Thuỳ, tôi biết anh vô đây thăm tôi, không có ý hỏi tôi việc chi, nhưng chỗ thâm giao, tôi biết chi thì cứ nói. Nhà anh có một cái cây bị chết do đứa cường tà xâm nhập nhà ta để quấy phá, nên các pháp sư bắt trói giam giữ đã lâu. Anh cứ để mặc hắn ở đó với cái cây chết, không cần bận tâm!”

    Bố tôi cười: “Anh Mù làm thầy thiên hạ rõ xứng danh lắm!”.

    Thầy Mù bật cười to: “Mù tôi không xứng còn ai mới xứng!”

    Khi trở về nhà, bố tôi đem chuyện kể lại với ông nội tôi. Nghe xong, cụ im lặng, không nói gì.

    Cây núc nác cứ đứng như trời trồng, cành lá trơ trụi, trên ngọn teo tóp dần, trông rất chướng mắt. Ai nói chuyện chặt đốn đi, ông nội tôi nghiêm mặt; “Hãy cứ để đó!”. Kỳ lạ thay! Chừng một năm sau, cây núc nác ấy dần dần sống lại! Vì thế, trong gia đình tôi ai cũng bảo: Giống núc nác thiêng thật!

    CÒN TIẾP

    https://saigonnhonews.com


    Không có nhận xét nào