Header Ads

  • Breaking News

    Đài Loan lược sử – Kỳ 3: Chế độ cai trị kiểu nửa-Leninist của Quốc Dân Đảng

    Thất bại trước Cộng sản, Tưởng Giới Thạch áp dụng đúng mô hình cai trị độc tài của kẻ thù.

    Trịnh Hữu Long 

    Gồm 4 kỳ

    https://www.luatkhoa.com/content/images/size/w1304/2021/10/D.jpg


    Chân dung Tưởng Giới Thạch. Ảnh nền: Cuộc biểu tình vào tháng 5/1986 đòi chính quyền Đài Loan gỡ bỏ thiết quân luật. Thiết kế: Luật Khoa. Nguồn: Wikipedia, Outreach for Taiwan. 

    Bài viết này nằm trong số báo tháng Mười năm 2022 của Luật Khoa tạp chí, được phát hành trên ấn bản PDF đề ngày 6/10/2022.

    Đọc tiêu đề bài viết, có thể bạn sẽ hơi ngạc nhiên vì sao Quốc Dân Đảng - vốn nổi tiếng là một đảng chống cộng - lại cai trị theo phương thức của vị lãnh tụ cộng sản khét tiếng Lenin?

    Ở Việt Nam, ta hay nghe nói tới chế độ độc tài của Tưởng Giới Thạch. Vậy thì đây, chế độ độc tài cai trị kiểu Leninist chính là mô hình mà Tưởng Giới Thạch cũng như Trung Hoa Quốc Dân Đảng theo đuổi cho tới khi bắt đầu dân chủ hóa năm 1987.

    Học hỏi từ kẻ thù

    Như đã nói ở kỳ trước, Quốc Dân Đảng tháo chạy ra Đài Loan năm 1949 sau khi thất trận trước đại kình địch Cộng sản Đảng, buộc phải nhường hoàn toàn đại lục lại cho kẻ thù và chờ ngày tái chiếm. Nhưng kẻ thù thường có xu hướng học hỏi lẫn nhau. Tưởng Giới Thạch biết tại sao mình thua trận. Trong một bài phát biểu năm 1951, ông nói thế này:

    “Trong cuộc chiến chống lại Cộng sản và Soviet, việc biến đảng ta thành một cỗ máy chiến tranh là đặc biệt cấp thiết và nguy ngập, bởi cuộc chiến giữa đảng ta với đảng họ cho tới nay là công cuộc vĩ đại nhất, nghiêm túc nhất, và anh hùng nhất. [...] Chỉ khi nào chúng ta có một đảng tập trung hơn thì chúng ta mới có cơ thắng. Kể từ khi đảng ta thua Cộng sản hai năm trước, tôi tin chắc rằng nếu chúng ta muốn diệt Cộng sản, tái chiếm Đại lục, và cứu lấy nhân dân, điều đầu tiên chúng ta phải làm là biến đảng ta thành một đảng vững chắc và mạnh mẽ hơn Cộng sản.” [1]

    Trên thực tế, không phải đến khi sang tới Đài Loan Tưởng Giới Thạch mới nhận ra điều này. Ngay từ năm 1947, ông đã nhận thấy cơ cấu tổ chức đảng bộc lộ những điểm yếu chết người. Đó là cơ cấu tổ chức kiểu phân quyền để kiểm soát, đối trọng nhau, dẫn đến tình trạng phe phái cạnh tranh nhau và gây mất đoàn kết nội bộ đảng. Tình trạng này có lợi cho Tưởng Giới Thạch, và chính ông cũng thúc đẩy các phe đánh nhau để không ai đủ mạnh nhằm cạnh tranh quyền lực với ông. Nhưng đứng trước kẻ thù Cộng sản Đảng và thế tiến công như chẻ tre của họ, ông buộc phải cải cách đảng theo hướng tập trung quyền lực, tăng cường đoàn kết và kỷ luật.

    Một chỉ thị hướng dẫn được ban hành vào tháng 9/1947, yêu cầu tổ chức lại toàn đảng theo hướng tập trung dân chủ. Nếu bạn nghe thấy cụm từ này quen thì thưa đúng, đây chính là nguyên tắc tập trung dân chủ mà chính Đảng Cộng sản Việt Nam cũng đang áp dụng. Mọi phe phái và các ý kiến chống đảng đều phải bị loại trừ.

    Cuộc cải tổ này cuối cùng thất bại, không tạo ra được thay đổi nào lớn, các phe phái trong đảng vẫn kèn cựa nhau và Quốc Dân Đảng vẫn tiếp tục phải co về phòng thủ trước Cộng sản Đảng. Tưởng Giới Thạch bị phe đối lập trong đảng buộc phải từ chức tổng thống Trung Hoa Dân Quốc vào tháng 1/1949 dù vẫn nắm chức chủ tịch đảng, và ông chỉ trở lại ghế tổng thống vào tháng 3/1950. Thất bại toàn diện này càng khiến ông quyết tâm cải tổ đảng theo hướng tập trung dân chủ và trung thành tuyệt đối với ông.

    https://www.luatkhoa.org/wp-content/uploads/2021/10/P08-200119-4.jpg


    Tưởng Giới Thạch (góc trái) và các thành viên của Quốc Dân Đảng trong một cuộc họp vào tháng 8/1950 với nhiệm vụ tái cấu trúc đảng. Nguồn: Taipei Times.

    Một quá trình cải tổ kéo dài gần 27 tháng bắt đầu từ tháng 8/1950, lấy chủ nghĩa Tam Dân (dân tộc độc lập, dân quyền tự do, dân sinh hạnh phúc) của nhà sáng lập Tôn Trung Sơn làm hệ tư tưởng của đảng; tăng cường tập trung quyền lực vào Tưởng Giới Thạch và Ban chấp hành Trung ương Đảng; tăng cường kỷ luật đảng; thành lập các chi bộ, đảng bộ đảng ở mọi cấp chính quyền và các tổ chức quần chúng; kiểm tra lại lý lịch đảng viên và kết nạp đảng viên mới; và kết nạp, đào tạo cán bộ nòng cốt của đảng.

    Cùng lúc đó, vào tháng 8/1950, ở Việt Nam, Hồ Chí Minh khởi hành đi tới khu vực Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn để mở chiến dịch biên giới. Quân Pháp thua trận, nhường địa bàn cho Việt Minh, đồng nghĩa với việc Việt Minh từ đây thoát thế bị cô lập, thông được sang Trung Quốc để tìm kiếm sự hỗ trợ của Đảng Cộng sản nước này. [2] Lịch sử Việt Nam kể từ đây rơi trở lại quỹ đạo chi phối của người láng giềng phương Bắc.

    Chế độ một đảng

    Nếu trở lại Đài Loan vào thập niên 1950 tới thập niên 1980, nhiều khả năng ta sẽ thấy dáng dấp một nước Việt Nam của thập niên 2020, mặc dù Đài Loan khi đó đang ở trong thời kỳ thiết quân luật. Bản Hiến pháp 1947 tương đối dân chủ đã bị “treo” lại từ năm 1948 với lý do chống phản loạn cộng sản. [3]

    Ta sẽ thấy một đảng độc tài nắm giữ toàn bộ quyền lực, đó là Quốc Dân Đảng. Các đảng đối lập bị đặt ra ngoài vòng pháp luật. Năm 1960, Lei Chen - chủ bút tờ “Trung Hoa Tự Do” (Free China) - cùng với một số nhà cải cách khác gặp nhau để lập ra Đảng Dân chủ Trung Quốc và kêu gọi thành lập các đảng đối lập. Lập tức, ông bị bắt và kết án 10 năm tù. Đài Loan không còn đảng đối lập nào khác mãi cho tới năm 1986. [4]

    Vào những năm 1950 và 1960, Đài Loan không có bầu cử cấp quốc gia. Chỉ có bầu cử ở cấp làng xã, thị trấn, quận huyện, và tỉnh thành. Cần lưu ý, khi đó Quốc Dân Đảng vẫn tổ chức chính quyền dựa trên giả định họ là đảng hợp pháp duy nhất của toàn bộ Trung Quốc, và Đài Loan chỉ là một tỉnh trong đó. Do vậy, chính quyền tỉnh Đài Loan cũng được lập ra qua bầu cử và vẫn được tính là bầu cử địa phương. Các cuộc bầu cử, dĩ nhiên, được thiết kế để người của Quốc Dân Đảng thắng. Rất ít khi người bên ngoài thắng.

    Do Hiến pháp bị “treo” từ năm 1948, những dân biểu được bầu vào Quốc hội (National Assembly) và Viện Lập pháp trước đó cùng năm ở Trung Quốc được lãnh nhiệm kỳ trọn đời cho tới khi có thể tổ chức bầu cử trở lại ở đại lục. Chuyện này dĩ nhiên chưa bao giờ xảy ra nên các dân biểu khóa I đã tại vị tới 44 năm, trước khi Đài Loan cải cách Hiến pháp và bầu lại năm 1991. Nhưng trong 44 năm đó, Quốc Dân Đảng phải giải quyết một chuyện: nhiều dân biểu lần lượt qua đời, hoặc ốm đau không làm việc được, hoặc nghỉ hưu. Thế cho nên năm 1969, họ bắt đầu tổ chức các cuộc bầu cử cấp quốc gia đầu tiên để bầu bổ sung đại biểu cho hai cơ quan lập pháp kể trên. Và đó là khởi đầu cho một tiến trình sẽ ảnh hưởng lớn tới lịch sử Đài Loan. [5]

    Kể từ cuộc bầu cử năm 1969 đó, phong trào đối lập tangwai (đảng ngoại - ý chỉ những người không nằm trong Quốc Dân Đảng) ra đời và đưa người tranh cử cả ở cấp địa phương lẫn trung ương. Họ giành được nhiều ghế ở các cấp, bao gồm cả ghế thị trưởng ở một số nơi, mặc dù vẫn chỉ là phe thiểu số rất nhỏ bé trong các cơ quan lập pháp. Phong trào này được cho là một đảng đối lập không chính thức. Về sau, những thành viên của phong trào lập ra đảng đối lập đầu tiên ở Đài Loan vào năm 1986, Dân Tiến Đảng. Đây chính là đảng mà cho tới nay đã đưa được hai người vào ghế tổng thống: Trần Thủy Biển và Thái Anh Văn.

    https://www.luatkhoa.org/wp-content/uploads/2021/10/1474552849.jpg


    Các thành viên của phong trào đối lập biểu tình tại Đài Bắc vào ngày 27/9/1986, phản đối một bản án trước đó dành cho một nghị viên phe đối lập vì dám chất vấn quan chức chính quyền. Nguồn: peoplenews.tw.

    Kiểm soát toàn bộ xã hội

    Là một đảng độc tài, Quốc Dân Đảng kiểm soát chặt chẽ toàn bộ đời sống xã hội, mặc dù vẫn duy trì một nền kinh tế thị trường và mức độ tự do kinh tế tương đối cao.

    Thứ nhất, bộ máy an ninh được gia cường để trở thành một công cụ kiểm soát và đàn áp hiệu quả. Người đứng đầu bộ máy an ninh này là cánh tay phải của Tổng thống Tưởng Giới Thạch, và cũng là con trai ông: Tưởng Kinh Quốc.

    Tưởng Kinh Quốc, sinh năm 1910 ở tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc. Ông sau này sang Liên Xô học từ năm 1925 khi Quốc Dân Đảng và Cộng sản Đảng đang hợp tác chống phiến loạn, và ở lại đây tới tận năm 1937 mới về nước. [6]

    Năm 1950, ông được cha bổ nhiệm làm giám đốc cơ quan cảnh sát mật, chuyên tuyển dụng gián điệp, tổ chức theo dõi công dân, bắt bớ những người bất đồng chính kiến, và ám sát đối thủ khi cần thiết. Cơ quan này còn vươn vòi ra tận hải ngoại khi cài gián điệp nằm vùng theo dõi du học sinh Đài Loan ở Mỹ, mà một trong những điệp viên nổi tiếng nhất là người sau này sẽ trở thành tổng thống nước Đài Loan dân chủ: Mã Anh Cửu. Ngày nay, du khách Việt Nam đến Đài Loan thường được giới thiệu đi thăm Lục Đảo (Green Island), một hòn đảo nhỏ ở phía Đông nước này, nơi trong thời kỳ thiết quân luật đã giam giữ tới 20.000 tù nhân chính trị, chủ yếu là trí thức và sinh viên. [7]

    Từ năm 1965, Tưởng Kinh Quốc được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Quốc phòng và vẫn tiếp tục nắm giữ các cơ quan an ninh quốc gia. Tình báo quân đội sau này sẽ trở nên khét tiếng với vụ ám sát một nhân vật bất đồng chính kiến người Mỹ gốc Đài Loan, Henry Liu, vào năm 1984 ở California, Mỹ. Trước khi bị ám sát, ông này đã xuất bản một số cuốn sách nói về tiểu sử của Tưởng Kinh Quốc và chỉ trích Quốc Dân Đảng. [8]

    Thứ hai, kiểm soát hoàn toàn hệ thống giáo dục và truyền thông. Chuyện này khá giống với Việt Nam ngày nay.

    Toàn bộ các trường học phải dạy theo sách giáo khoa do chính quyền ban hành, với mục tiêu nhồi sọ thế hệ trẻ Đài Loan, khiến cho họ nghĩ họ là người Trung Quốc và việc thống nhất với Trung Quốc chỉ là một sớm một chiều. Họ cũng được dạy phải trung thành với Quốc Dân Đảng và không được biết tới những tội ác của Quốc Dân Đảng như cuộc thảm sát 228. Chỉ sau này khi đi du học ở nước ngoài, họ mới bắt đầu được tiếp cận với các luồng thông tin khác về đảng cầm quyền.

    Mỗi trường học đều có cơ sở đảng và gián điệp. Mọi động tĩnh trong trường đều không qua mắt được những người này. Điều này lý giải cho sự tê liệt của giới sinh viên trong thời kỳ thiết quân luật, khiến cho họ không đóng vai trò gì đáng kể trong các phong trào xã hội trước khi Đài Loan bắt đầu dân chủ hóa năm 1987. [9]

    Một cuộc biểu tình phản đối thiết quân luật tại Đài Loan vào năm 1986, hưởng ứng phong trào "Hành động Xanh 519". Số 519 lấy mốc 19/5/1949, ngày chính quyền Đài Loan áp đặt thiết quân luật. Nguồn: New Bloom Magazine.


    Một cuộc biểu tình phản đối thiết quân luật tại Đài Loan vào năm 1986, hưởng ứng phong trào "Hành động Xanh 519". Số 519 lấy mốc 19/5/1949, ngày chính quyền Đài Loan áp đặt thiết quân luật. Nguồn: New Bloom Magazine.

    Với hệ thống truyền thông, tuy không cấm báo chí tư nhân nhưng mọi báo, đài đều phải xin giấy phép và chịu sự kiểm duyệt của chính quyền. Quốc Dân Đảng kiểm soát số lượng trang báo và hệ thống in ấn, phát hành. Kể từ năm 1960, chính quyền dừng cấp phép báo mới và duy trì con số 31, tất cả đều hoặc là báo đảng, báo nhà nước hoặc báo tư nhân tự kiểm duyệt. [10]

    Thứ ba, kiểm soát xã hội dân sự và các doanh nghiệp.

    Các tổ chức dân sự hầu hết là tổ chức do Quốc Dân Đảng lập ra hoặc ít nhất là chịu kiểm soát chặt chẽ về đăng ký, nhân sự, tài chính, quy mô hoạt động. Công đoàn bị giới hạn hoạt động trong phạm vi nhà máy chứ không được tổ chức thành công đoàn liên nhà máy, càng không được hoạt động ở quy mô quốc gia. Các tổ chức xã hội dân sự hay công đoàn độc lập không thể ra đời và hoạt động hợp pháp trong thời kỳ này. [11]

    Với các doanh nghiệp, Quốc Dân Đảng cũng lập ra rất nhiều tập đoàn quốc doanh và ưu đãi về mọi mặt cho các tập đoàn này để chi phối nền kinh tế. Thế độc quyền được xác lập cho nhiều doanh nghiệp nhà nước trong nhiều lĩnh vực như năng lượng, vận tải, hóa chất. Bên cạnh đó, tổ chức đảng cũng được lập ra trong các doanh nghiệp nhà nước này cũng như nhiều doanh nghiệp tư nhân để kiểm soát hoạt động của lãnh đạo doanh nghiệp và công nhân viên. [12] [13]

    Việc kinh doanh của Quốc Dân Đảng khiến cho đảng này trở thành đảng chính trị giàu nhất thế giới nhiều năm liền, với tài sản đăng ký chính thức vào năm 2014 lên tới gần 900 triệu USD. Năm 1994, tờ Far Eastern Economic Review gọi Quốc Dân Đảng (KMT) là “KMT Inc.” - Công ty Quốc Dân Đảng. [14]

    ***

    Với người Việt Nam, để hình dung ra chế độ cai trị của Quốc Dân Đảng trong thời kỳ thiết quân luật thì cách tốt nhất là liên hệ với bối cảnh Việt Nam ngày nay. Với cơ chế chính trị một đảng cầm quyền theo mô hình nửa-Leninist cộng với một nền kinh tế thị trường do chính phủ kiểm soát, Đài Loan xưa quả là mang bóng dáng của Việt Nam nay.


    Chú thích

    1.   LIN, C.-. (1998, May). Paths to Democracy: Taiwan in Comparative Perspective. Yale University.

    2.  P. (2020b, September 15). Chiến thắng Biên Giới Thu Đông 1950 70 năm vẹn nguyên giá trị lịch sử. Https://Dangcongsan.Vn. https://dangcongsan.vn/tien-toi-dai-hoi-dang-bo-cac-cap-va-dai-hoi-xiii-cua-dang/tu-lieu-van-kien/chien-thang-bien-gioi-thu-dong-1950-70-nam-ven-nguyen-gia-tri-lich-su-563574.html

    3.  Introduction. (n.d.). Presidential Office. https://english.president.gov.tw/page/93

    4.  台北時報. (2020, February 26). The opposition party that never happened. Taipei Times. https://www.taipeitimes.com/News/feat/archives/2015/10/04/2003629214

    5.  Chao, L., & Myers, R. H. (2000). How Elections Promoted Democracy in Taiwan under Martial Law. The China Quarterly, 162, 387–409. http://www.jstor.org/stable/656014

    6.  Chiang Ching-kuo | president of Taiwan. (n.d.). Encyclopedia Britannica. https://www.britannica.com/biography/Chiang-Ching-kuo

    7.  Low, Z. (2017, May 17). Remembering Green Island’s First Political Prisoners. The News Lens International Edition. https://international.thenewslens.com/article/68499

    8.  Mathews, J., Mathews, J., Report., W. P. S. W. S. W. D. O. C. T. T., & Mathews, J. (1985, January 16). Taiwan Admits Role in Murder Of U.S. Author. Washington Post. https://www.washingtonpost.com/archive/politics/1985/01/16/taiwan-admits-role-in-murder-of-us-author/5e98e4eb-6c60-47e7-8e51-8ac38c0d6dbf/

    9.  Tu Cheng-sheng (2007). Taiwan's Educational Reform and the Future of Taiwan. Taiwan’s Ministry of Education’s website. https://english.moe.gov.tw/cp-117-21022-B8B67-1.html

    10.  Editor Winberg Chai (2000) The Transformation of the Mass Media in Taiwan since 1950: Introduction, Asian Affairs: An American Review, 27:3, 133-140, DOI: 10.1080/00927670009598836

    11.  Ming-sho Ho (2012). Beyond Tokenism: The Institutional Conversion of Party-

    12.  Ming-sho Ho (2007). The Rise and Fall of Leninist Control in Taiwan's Industry. The

    13.  Kau, M. Y. M. (1996). The Power Structure in Taiwan’s Political Economy. Asian Survey, 36(3), 287–305. https://doi.org/10.2307/2645693

    14.  台北時報. (2020b, March 4). KMT is again ‘world’s richest party.’ Taipei Times. https://www.taipeitimes.com/News/taiwan/archives/2014/07/24/2003595820

    https://www.luatkhoa.com/2021/10


    Không có nhận xét nào