Header Ads

  • Breaking News

    Đài Loan lược sử : Cuộc cải cách ruộng đất không đổ máu và thành công vang dội

    Trịnh Hữu Long

    https://blogger.googleusercontent.com/img/proxy/AVvXsEiQChLaEpViXru_QHK0Wxp-64Nh9rW7m1pTjpXNHyLBfD-Dl_ii5ase2ruk1TjJXzyEBFW-lhjUkDm9sKks9uRiwKV2_7SQdmnbUVkmpY7nX6qe3O8dl05oRyRYHRR_KfS0XDUHT-_w01i53CuSzSKsb0PBGG18pE9ey8uCzpA_J9io=s0-d-e1-ft


    Cán bộ địa phương ở Đài Loan đang giải thích về chương trình 3-7-5 cho địa chủ. Ảnh chụp năm 1952. Nguồn: Kknews.cc.

    Đầu năm 1955, một người đàn ông tên là Wolf Ladejinsky đặt chân đến Sài Gòn với sứ mệnh cố vấn cho chương trình cải cách ruộng đất ở miền Nam Việt Nam dưới thời chính quyền Ngô Đình Diệm. Không phải ngẫu nhiên mà ông được chính quyền Hoa Kỳ giao nhiệm vụ này. [1]

    Ở một góc độ nào đó, thập niên 1950 tại châu Á có thể gọi là thập niên cải cách ruộng đất. Toàn bộ cấu trúc kinh tế và chính trị cũ của các nước Đông Á bị một thế lực chi phối mạnh mẽ: địa chủ. Nhu cầu cải cách là rất cấp thiết. Các đảng cộng sản cầm quyền ở Trung Quốc và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tiến hành cải cách ruộng đất dưới hình thức đấu tranh giai cấp; còn các nước tư bản như Việt Nam Cộng hòa, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan thì cải cách theo một cách thức hoàn toàn khác, và ngoại trừ Việt Nam Cộng hòa, các nước còn lại đều thành công vang dội. Một trong những kiến trúc sư chính đằng sau thành công vang dội đó là chuyên gia nông nghiệp Wolf Ladejinsky, một chuyên viên người Mỹ gốc Ukraine làm việc cho chính quyền liên bang Hoa Kỳ.

    Vào năm 1953, khi Bắc Việt thông qua Luật Cải cách Ruộng đất và bắt đầu ba năm “đấu tranh giai cấp” đẫm máu dưới ảnh hưởng của Trung Quốc cộng sản thì Ladejinsky - với tư cách là thành viên của Ủy ban Hỗn hợp Hoa-Mỹ về Tái thiết Nông thôn - đã giúp chính quyền Tưởng Giới Thạch ở Đài Loan hoàn thành cuộc cải cách ruộng đất một cách hiệu quả và hoàn toàn êm thấm. Đây được coi là tiền đề cho sự bùng nổ của nông nghiệp Đài Loan và cả nền kinh tế Đài Loan sau này.

    https://blogger.googleusercontent.com/img/proxy/AVvXsEi3xgdkbxCWhMxDAxorqj0LY8a4y8xSCFqfoqKilamFRjfR4eAJRN2pAmMgePZbnYWIH7KGjlx9xTx7AZtmpzcd3035h_OHJkRwcM6gtuJsfiXfnx6JcTtLgT8C2b6bUDpCkq4tZ3jsOrB7jBPrsYHVsXKMopzNNI3x=s0-d-e1-ft

    Nông dân được hưởng lợi nhờ chính sách điền địa mới. Ảnh chụp năm 1952. Nguồn: Kknews.cc.

    Cải cách ruộng đất ở Đài Loan có ba chính sách lớn. [2]

    Một, từ tháng 4/1949, Đài Loan buộc địa chủ giảm tô cho tá điền, khống chế mức thu tô không quá 37,5% sản lượng hàng năm của vụ mùa chính của năm 1948. Chính sách này còn được gọi là chương trình 3-7-5. Khoảng 44,5% nông dân được hưởng lợi nhờ chính sách này do thu nhập tăng vọt.

    Hai, từ năm 1951, chính phủ tiến hành bán đất công - vốn là đất nông nghiệp nông dân đang thuê canh tác - cho nông dân với mức giá tương đương 2,5 lần sản lượng vụ mùa chính, trả góp trong năm lần. Ai đang canh tác ở thửa ruộng nào thì được ưu tiên mua lại thửa ruộng đó. Kết quả, 96 nghìn hecta đất đã được bán cho 165 nghìn nông dân. Sở dĩ nông dân mua được đất một phần nhờ thu nhập tăng do chương trình 3-7-5 kể trên.

    Ba, kể từ năm 1953, chính phủ tiến hành chương trình “ruộng đất cho dân cày”. Theo đó, mỗi địa chủ được phép giữ lại tối đa 3-6 hecta đất, tùy từng loại, phần còn lại được chính phủ mua và bán lại cho nông dân với mức giá tương đương 2,5 lần sản lượng vụ mùa chính. Nông dân có thể trả góp 20 lần trong 10 năm với lãi suất 4%. 

    https://blogger.googleusercontent.com/img/proxy/AVvXsEinljvsUrDYQmvMK_rjR984Cx2YhIaRnx4_Xuk5efw-koJ8LzEwxeq7CK92KnyZQ3AnYhkBGWTVEFQF2GpxNytNC3ZARJCdXd2tU8co1Ru2vVxtFiHq3MjJ4z6T4RtF-Cf-g-FldabAIQDvnhsFXSib2B9FwhFyeMmu=s0-d-e1-ft

    Cán bộ địa phương ở Đài Loan đang giải thích về chương trình 3-7-5 cho địa chủ. Ảnh chụp năm 1952. Nguồn: Kknews.cc.

    Vậy chính phủ trả tiền mua đất cho địa chủ bằng cách nào? Họ trả 70% bằng trái phiếu và 30% còn lại bằng cổ phiếu trong các doanh nghiệp lớn của nhà nước. Kết quả, 65% tá điền mua được ruộng. Đài Loan từ chỗ có 36% nông dân là tá điền năm 1952 đã giảm chỉ còn 7% vào năm 1980.

    Cuộc cải cách ruộng đất diễn ra nhanh gọn, không đổ máu, và tất cả các bên đều được lợi. Thu nhập của người dân tăng nhanh, cơ hội tiếp cận giáo dục của người dân cũng tăng theo, khoảng cách giàu nghèo bị thu hẹp lại, tạo tiền đề cho sự bùng nổ của các sản phẩm nông nghiệp và nền công nghiệp Đài Loan sau này.

    Còn Ủy ban Hỗn hợp kể trên - từ năm 1958 - có thêm một thành viên là chuyên gia kinh tế nông nghiệp người Đài, tên là Lý Đăng Huy, người sau này sẽ làm nên đại nghiệp.

    Chú thích

    1. Conrad, D. A. (2014). “Before It Is Too Late”: Land Reform in South Vietnam, 1956-1968. The Journal of American-East Asian Relations, 21(1), 34–57. http://www.jstor.org/stable/43898363 

    2. Mai, C., & Shih, C. (2001, October 31). Taiwan’s Economic Success since 1980 (In Association With the Chung-Hua Institution for Economic Research). Edward Elgar Publishing. pp. 25-27.

    https://www.luatkhoa.com/2023/06


    Không có nhận xét nào