Như Hồ/SGN
Trong phiên tòa xử Bùi Tuấn Lâm ở Đà Nẵng trong ngày 25 Tháng Năm, một sự kiện bất ngờ đã diễn ra: Luật sư Ngô Anh Tuấn, đại diện bào chữa cho bị cáo, đã bị thẩm phán của tòa gọi công an gác tòa áp giải đưa ra khỏi phiên xử. Sự việc khiến ai nấy đều bất ngờ.
Nguyên do là luật sư Ngô Anh Tuấn đến phần tranh luận của mình, đã yêu cầu được đối thoại và làm rõ những điểm kết tội mơ hồ trong cáo trạng. Phía được yêu cầu là đại diện Viện Kiểm sát. Thế nhưng phía thẩm phán đã can thiệp, không cho luật sư Ngô Anh Tuấn được tiếp tục. Khi bị chất vấn, vị thẩm phán này (Nguyễn Anh Tuấn) đã thị uy, gọi công an đưa luật sư ra khỏi tòa, không cho bào chữa nữa.
Luật sư bào chữa còn lại là ông Lê Đình Việt chứng kiến và xác nhận sự việc. Ông kể lại rằng: “Khi sang phần tranh luận, giữa luật sư Ngô Anh Tuấn và đại diện Viện Kiểm sát có những bất đồng. Ông Ngô Anh Tuấn yêu cầu đại diện VKS phải tranh luận để làm rõ những quan điểm của mình và việc đó bị thẩm phán Nguyễn Anh Tuấn ngăn cản. Sau đó, thẩm phán Nguyễn Anh Tuấn yêu cầu lực lượng bảo vệ đưa luật sư Ngô Anh Tuấn có phản ứng lại việc mình bị đưa ra ngoài một cách vô lý như thế thì tiếp tục bị thẩm phán chủ toạ buộc ra ngoài”.
Áp lực cho phía bào chữa xuất hiện ngay lập tức, khiến luật sư Lê Đình Việt không còn yêu cầu đối chất được nữa, mà chỉ đọc văn bản bào chữa đã chuẩn bị trước. Tòa chỉ nghe chiếu lệ và sau đó công bố bản án như đã định sẵn.
Việc đuổi luật sư ra khỏi tòa, thường xảy ra khi những lời bào chữa kèm chất vấn làm rõ từ phía luật sư khiến thẩm phán cũng như Viện Kiểm sát đều không có khả năng trả lời. Nói sau khi ra khỏi phiên tòa, luật sư Lê Đình Việt kết luận: “Theo quan điểm của tôi thì với những tình tiết và diễn biến phiên toà hôm nay, việc ra bản án chưa đảm bảo cái sự khách quan cũng không đảm bảo quyền lợi hợp pháp của bị cáo Bùi Tuấn Lâm.”
Gia đình ông Bùi Tuấn Lâm (ảnh Facebook)
Ngay sau khi trở về, luật sư Ngô Anh Tuấn đã viết trên trang nhà của ông, với những lời hết sức đau đớn, trước hiện trạng của tòa án ma quỷ hiện nay ở Việt Nam, như sau:
Lần đầu tiên hay lần cuối cùng?
Sau nhiều năm hành nghề luật với gần 10 năm gắn bó với nghề luật sư tranh tụng, tới ngày hôm nay, trong một vụ án chính trị ở Đà Nẵng, lần đầu tiên tôi bị buộc rời khỏi phòng xét xử trong khi chưa kết thúc phần tranh luận của mình. Một dấu lặng trên một đoạn đường khá dài mà tôi đã trải qua.
Trong phần tranh luận với vị đại diện Viện Kiểm sát, do có một số nội dung mà vị này đã tranh luận nhưng quan điểm giữa chúng tôi chưa đồng nhất nên tôi phân tích để kiểm sát viên tranh luận tiếp thì một vị thẩm phán (không phải là chủ tọa phiên tòa) yêu cầu tôi không nhắc lại nội dung đã trình bày.
Tôi trả lời là vì vị đại diện Viện Kiểm sát chưa tranh luận hết nội dung mà luật sư đưa ra và họ cũng chưa từ chối tranh luận tiếp với luật sư thì theo luật, tôi vẫn tiếp tục tranh luận. Vị thẩm phán này không đồng tình với nội dung tôi nêu và yêu cầu tôi rời phòng xét xử dù tôi không có bất kỳ một hành vi to tiếng, quá khích nào nhằm cản trở hoạt động của phiên tòa.
Tôi nói rằng vị chủ tọa mới là người điều hành phiên tòa và nếu ông mời/đề nghị/yêu cầu tôi rời khỏi phòng xử thì tôi sẽ chấp hành ngay. Vị chủ tọa mời tôi ngồi xuống nhưng gần như ngay sau đó, vị thông báo mời tôi rời khỏi phòng xử.
Dù trong lòng không đồng tình với quyết định của vị chủ tọa nhưng tôi chấp nhận rời phòng xử luôn vì không muốn không khí phòng xử nặng nề thêm nữa.
Tôi rời phòng xét xử theo sự hướng dẫn của lực lượng cảnh sát tư pháp bảo vệ phiên toà và được dẫn vào ngồi ở một phòng làm việc có ghi “chánh văn phòng” thuộc Tòa án thành phố Đà Nẵng. Tại đây, một số người không rõ danh tính đã làm việc với tôi, họ quay phim, lập biên bản vi phạm hành chính với nội dung không phản án đúng sự thật khách quan đã diễn ra (tôi ghi rõ trong phần ý kiến của mình).
Tuy vậy, sau đó người ký lập văn bản lại là thư ký phiên tòa, một người từng nhiều lần làm việc với tôi và rất thân thiện nên tôi không muốn nhắc tên ở đây. Nếu hôm nay không có luật sư Lê Đình Việt, người đồng nghiệp cùng tham gia bào chữa cùng tôi chứng kiến, làm chứng nội dung sự việc thì mình tôi sẽ không còn cách nào để “minh oan” cho mình.
Tôi đã có đơn giải trình nội dung sự việc, kèm theo văn bản làm chứng của luật sư đồng nghiệp; đồng thời tôi cũng đề nghị trích xuất file ghi hình qua camera trong phòng xét xử nhưng không chắc rằng sự việc sẽ đi được tới tận cùng. Bên cạnh đó, tôi cũng đang làm đơn thư tường trình, phản ánh nội dung sự việc lên Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội để hai tổ chức này tham gia xác minh sự việc một cách khách quan nhằm bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của thành viên.
Ls Ngô Anh Tuấn (ảnh Facebook)
___________
Những vụ đuổi luật sư ra khỏi tòa đáng chú ý:
Năm 2018: Sự kiện hi hữu xảy ra trong phiên tòa xét xử vụ án gây chết 8 người chạy thận ở Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình: Luật sư Trần Vũ Hải bị HĐXX yêu cầu ra khỏi phòng xử vì những chất vấn về tình tiết vụ án, tòa lấy lý do luật sư vì không tuân thủ theo sự điều khiển của chủ tọa.
Năm 2019: Luật sư Nguyễn Duy Bình, người tham gia bào chữa trong vụ án vợ chồng luật sư Trần Vũ Hải bị buộc tội “trốn thuế,” nói rằng Hội đồng Xét xử ra lệnh cho một tốp công an ập tới “kẹp nách, bẻ tay, lôi ra” khỏi phòng xử án và sau đó ông bị “kẹp cổ, lôi lên xe” đưa về đồn công an phường Phước Tân (Tp. Nha Trang) để “câu lưu hai tiếng đồng hồ” là hành động “vi phạm thủ tục tố tụng và lạm quyền”.
Năm luật sư bào chữa cho Tịnh thất Bồng Lai, nay đều bị công an đe dọa và sách nhiễu (ảnh Facebook)
Năm 2020: Vụ án người đánh bạc tên Lò Văn Toản và Phạm Văn Rỵ bị bắt. Bị cáo ra tòa tố cáo bị bức cung, và nói công an lấy cắp tiền ở sòng bạc. Luật sư Vũ Thị Nga yêu cầu làm rõ các tình tiết bị tố cáo, nhưng Hội đồng xét xử không đồng ý và gọi công an áp giải luật sư ra khỏi tòa.
Đã có những luật sư là nạn nhân của vấn đề pháp luật bị điều khiển từ nhà nước độc tài như Võ An Đôn, Đặng Đình Mạnh, Đào Kim Lân… Nghề luật trở nên nguy hiểm khi nói sự thật và bảo vệ sự thật ở Việt Nam.
Không có nhận xét nào