RFA
Hai nhà báo độc lập Nguyễn Tường Thụy và Phạm Chí Dũng bị kết án tù
AFP
Bộ Thông tin và Truyền thông mới đây tổ chức Hội nghị cung cấp thông tin cho báo chí về công tác nhân quyền và thông tin đối ngoại. Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Kỷ, Thiếu tướng, Phó Chánh văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo về nhân quyền của Chính Phủ, cho rằng: “Hoạt động lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền chống phá Việt Nam tiếp tục diễn biến phức tạp”.
Ông Kỷ dẫn phản ứng của nhiều tổ chức quốc tế theo dõi các hoạt động tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do báo chí, tự do ngôn luận, xét xử các nhà bất đồng chính kiến... tại Việt Nam trong thời gian qua và kết luận, các thế lực thù địch lợi dụng triệt để các sự kiện đối ngoại, các vụ việc phức tạp về an ninh trật tự để đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, xuyên tạc chống phá Việt Nam trên lĩnh vực dân chủ, nhân quyền, can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam.
Một luật sư không muốn nêu tên vì lý do an toàn, nêu bình luận của mình với RFA sáng 18 tháng 5 năm 2023:
“Thứ nhất, quá trình thực thi nhân quyền thông qua việc công dân thực hiện các quyền tự do dân chủ căn bản do hiến pháp quy định vẫn tiếp tục bị chính quyền ngăn cản và cấm đoán một cách có hệ thống. Nhận thức của chính quyền Việt Nam vẫn chưa có chuyển biến gì theo chiều hướng tích cực. Thậm chí ngược lại. Với nhiều diễn biến xét xử, bắt bớ, đàn áp dân chủ trong nước, kể cả giới luật sư lại có chiều hướng gia tăng hơn khiến bức tranh toàn cảnh về tình hình nhân quyền Việt Nam ngày càng xấu xí, đáng phê phán hơn.
Thứ hai, các vi phạm nhân quyền thông qua việc xét xử một cách bất công, không tuân thủ theo đúng các quy định tố tụng hình sự theo luật pháp Việt Nam đối với các nhà bất đồng chính kiến trong thời gian gần đây như ông Trương Văn Dũng, Nguyễn Lân Thắng, Trần Văn Bang... đã không được Ban Chỉ đạo về Nhân quyền Chính phủ đề cập. Song song đó, họ chỉ đề cập đến các vụ án này một cách hết sức phiến diện dưới khía cạnh bào chữa cho các vi phạm tố tụng của tòa án, sự lạm dụng các điều luật hình sự 331 và 117 khi bị các tổ chức theo dõi nhân quyền của quốc tế đánh giá mà thôi.
Thứ ba, cơ quan Ban Chỉ đạo về Nhân quyền Chính phủ, thực tế, cho thấy cơ quan này không có nỗ lực gì về việc cải thiện, bảo vệ thực thi nhân quyền như chức năng cũng như tên gọi của họ. Việc bác bỏ toàn bộ đánh giá và lưu ý của các tổ chức theo dõi nhân quyền quốc tế và xem họ như là những thế lực thù địch là hết sức đáng trách, khiến cho Việt Nam tiếp tục bỏ lỡ các cơ hội cải thiện nhân quyền trong nước. Hơn nữa, qua các tổng kết của cơ quan này hàng năm, thì nội dung hoạt động của họ không khác gì chỉ là cánh tay nối dài của cơ quan an ninh.
Với tình hình như vậy, tôi thật sự rất bi quan đối với việc thực thi nhân quyền tại Việt Nam trong tương lai gần.”
Hình ảnh một số nhà hoạt động bị chính quyền Việt Nam bắt giữ trong năm 2021. RFA photo
“Thế lực thù địch” lợi dụng các vụ án, lợi dụng dân chủ, nhân quyền để chống phá Việt Nam, là điều mà truyền thông Nhà nước nhắc đi nhắc lại. Tháng 4 năm 2022, Báo Điện tử Đài tiếng nói Việt Nam có bài viết tựa “Cảnh giác trước thủ đoạn lợi dụng các vụ án để chống phá Đảng, Nhà nước”. Bài viết quy kết các hãng truyền thông hải ngoại như RFA, RFI, VOA… đã lợi dụng việc cơ quan điều tra khởi tố, điều tra các vụ án, đã đăng tải nhiều thông tin bịa đặt, xuyên tạc bản chất vụ việc, chống phá Đảng, Nhà nước với các thủ đoạn tinh vi.
Nhà báo độc lập Nguyễn Khắc Toàn nêu quan điểm của ông với RFA sáng 18 tháng 5 năm 2023:
“Công dân trong nước có nhiều nguồn tin chính xác và khả tín, bởi vì thông tin rò rỉ từ trong nội bộ của họ. Sở dĩ nó rò rỉ là do trong nội bộ cũng có những người bất mãn không bằng lòng với cách quản trị của đảng và nhà nước nên họ cung cấp tin cho bên ngoài.
Nhưng nếu đưa ra mà bất lợi cho nhà nước, bất lợi cho bộ máy tuyên truyền của ban tuyên giáo, nên họ bị chụp cho cái mũ Điều 117 hoặc Điều 331. Hai điều luật này có thể chụp mũ và bắt bất cứ ai. Hình sự hóa tất cả. Do đó, nếu nói những thông tin về đối ngoại hay nhân sự từ trong nước thì phải nói theo nghị quyết của Đảng, nói theo những văn bản chính thống của nhà nước. Thế thì còn gì là ý kiến của xã hội, của nhân dân nữa?!
Tất cả những cơ quan truyền thông như Đài Á Châu Tự Do, BBC của Anh Quốc, VOA của Hoa kỳ hay RFI của Pháp, và các cơ quan truyền thông của người Việt ở hải ngoại đều bị coi là “thế lực thù địch” hết, bởi họ hoạt động có tính chất độc lập.”
Điều 117 quy định tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Điều 331 quy định tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm quyền và lợi ích của tổ chức và cá nhân.
Cả hai điều luật này đã bị các tổ chức nhân quyền quốc tế và các chuyên gia của Liên Hiệp Quốc lên tiếng chỉ trích là mù mờ, cần phải được loại bỏ khỏi Bộ luật Hình sự.
Với mục đích được nói là đẩy mạnh các hoạt động thông tin đối ngoại về thành tựu đảm bảo quyền con người của Việt Nam trên tất cả các lĩnh vực, qua đó đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền để chống phá Việt Nam, Ban Chỉ đạo Nhân quyền Chính phủ đã ban hành kế hoạch triển khai các hoạt động tuyên truyền hướng tới kỷ niệm 75 năm Ngày nhân quyền thế giới (10/12/1948-10/12/2023).
Thực tế nhân quyền ở Việt Nam được nhà báo Võ Văn Tạo nhận định:
“Mỗi lần Việt Nam họp báo để thanh minh thanh nga về vấn đề nhân quyền với dư luận thế giới, Bộ Ngoại giao Việt Nam luôn có lập trường cho rằng các cơ quan nhân quyền quốc tế nhìn nhận không đúng về thực tế nhân quyền ở Việt Nam.
Nhưng thực chất, những người trong nước như chúng tôi thì thấy rõ ràng là họ (các tổ chức nhân quyền - NV) nói quá đúng, thậm chí họ nói chưa đủ hết về mức độ xâm phạm nhân quyền thô bạo ở Việt Nam. Chiếu theo Điều 19 Công ước quốc tế về Quyền dân sự và chính trị thì thấy rằng, không có quyền nào mà người dân Việt Nam được tôn trọng một cách đầy đủ.
Nhà cầm quyền họ ngang nhiên xâm phạm và đổi trắng thành đen, đen thành trắng. Ví dụ như vụ anh Trần Bang mới đây với bản án 8 năm tù và 3 năm quản chế để thấy rõ nhân quyền ở Việt Nam bị chà đạp hàng đầu thế giới.”
Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị (Công ước ICCPR) là một công ước quốc tế do Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc thông qua ngày 16 tháng 12 năm 1966, hiệu lực từ ngày 23 tháng 03 năm 1976. Việt Nam gia nhập công ước vào ngày 24 tháng 9 năm 1982.
Điều 19 công ước nêu rõ mọi người đều có quyền giữ quan điểm của mình mà không bị ai can thiệp; mọi người có quyền tự do ngôn luận.
Không có nhận xét nào