Header Ads

  • Breaking News

    Văn Bút Hoa Kỳ xếp Việt Nam nhóm bắt bớ người viết nhiều nhất thế giới

    VOA Tiếng Việt 



    PEN America xếp Việt Nam vào nhóm 10 quốc gia đáng quan ngại nhất trên thế giới về việc đàn áp các tác giả, nhà báo, với 16 người đang bị chính quyền giam cầm và 27 người đang đối mặt với nguy hiểm. 

    Văn bút Hoa Kỳ (PEN America) vừa xếp Việt Nam vào nhóm 10 quốc gia đáng quan ngại nhất trên thế giới về việc đàn áp các tác giả, nhà báo, với 16 người đang bị chính quyền giam cầm và 27 người đang đối mặt với nguy hiểm, chỉ sau Trung Quốc, Iran, và Ả Rập Xê Út.

    Bảng xếp hạng “Tự do Sáng tác 2022” công bố vào cuối tháng 4/2023 kèm theo báo cáo về phần Việt Nam của Văn Bút Hoa Kỳ viết: “Chính phủ Việt Nam tiếp tục bắt giữ và bỏ tù người viết vì đã đưa ra những phát biểu chỉ trích chính phủ Việt Nam, hành vi này bị coi là “tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 117 của Bộ luật Hình sự Việt Nam 2015”.

    “Số lượng người viết bị giam giữ tại Việt Nam trong năm 2022 là 16 người. Tương quan với việc chính phủ tăng cường truy cập vào dữ liệu nền tảng, dường như đã có sự gia tăng các vụ bắt giữ và bỏ tù các nhà bình luận trực tuyến tại Việt Nam. Gần như tất cả những người viết bị cầm tù ở Việt Nam—15 trong số 16 người—đều là nhà bình luận trên mạng”, Văn Bút Mỹ cho biết.

    Tổ chức này nêu các trường hợp của ông Bùi Văn Thuận, Trần Hoàng Huấn, Lê Mạnh Hà bị phạt tù dài hạn trong năm 2022 hay trường hợp của ông Nguyễn Lân Thắng trong năm nay với cáo buộc “Tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 117 Bộ Luật Hình sự. Tổ chức này cũng nêu trường hợp của nhà báo Lê Anh Hùng và Phạm Đoan Trang.

    “Chính phủ Việt Nam kiểm soát hiệu quả tất cả các phương tiện truyền thông truyền thống, bao gồm báo chí, truyền hình, đài phát thanh và các ấn phẩm khác. Chính quyền Việt Nam giám sát các không gian trực tuyến để kiểm duyệt và giám sát nội dung trực tuyến” tổ chức này cho biết thêm.

    Văn Bút Mỹ cũng ghi nhận việc chính phủ Việt Nam gia tăng áp lực lên các nền tảng công nghệ, yêu cầu nhanh chóng xóa nội dung cụ thể hoặc quyền truy cập vào dữ liệu cá nhân của người dùng trực tuyến. “Tại Việt Nam, chính phủ yêu cầu các nền tảng gỡ bỏ nội dung “tin giả” trong vòng 24 giờ, đồng thời những tiếng nói bất đồng chính kiến bị quấy rối và báo cáo sai sự thật bởi các lực lượng dân quân kỹ thuật số ủng hộ chính phủ”.

    Pen America, tổ chức có trụ sở tại New York với hơn 100 năm thâm niên, tập hợp hơn 7,500 tác giả, nhà báo, cũng lên án Lực lượng 47, một nhóm do Tổng cục Chính trị Quân đội Việt Nam lãnh đạo, được thành lập theo một chỉ thị cùng tên vào năm 2016, hậu thuẫn quan điểm của Đảng, Nhà nước Việt Nam trên mạng xã hội.

    Lực lượng 47 được giao nhiệm vụ chống lại sự chỉ trích chính phủ trên các nền tảng MXH, chủ yếu là Facebook và YouTube, và có bằng chứng cho thấy Lực lượng 47 “đã mở rộng đáng kể trong những năm qua” với sự ra đời của lữ đoàn dân sự E47.

    Văn Bút Mỹ cho biết Blogger Mẹ Nấm, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, người dù đã sống lưu vong ở Mỹ, nhưng vẫn bị chính quyền nhắm mục tiêu vì bị “báo cáo” hàng loạt trên trang Facebook và kênh YouTube của bà, và bà nghi ngờ “các phóng viên” thuộc Lực lượng 47 là người ra tay.

    Bộ Ngoại giao Việt Nam chưa phản hồi ngay yêu cầu bình luận của VOA về bảng xếp hạng này.

    Bà Trịnh Thị Nhung, vợ của ông Bùi Văn Thuận, nói với VOA về bản án 8 năm tù đối với chồng bà và nguy cơ bị kết tội theo Điều 117 đối với những người viết trên mạng.

    “Khi thấy tòa án kết án anh Bùi Văn Thuận với mức án cao như vậy thì tôi rất phẫn nộ”.

    “Tôi nghĩ rằng bất cứ ai cũng có thể trở thành nạn nhân của điều luật này. Những người muốn bày tỏ ý kiến trái chiều đều hoàn toàn có thể sẽ bị kết tội”.

    “Tòa án Việt Nam ủng hộ xu hướng phạt tù dài hạn bất chấp sự lên án từ Văn phòng Cao ủy Nhân quyền LHQ và các tổ chức nhân quyền”, PEN America viết.

    Văn Bút Hoa Kỳ khuyến nghị Việt Nam hủy bỏ Điều 117 của BLHS, điều khoản được dùng để hình sự hóa các cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước”, đồng thời kêu gọi các nhà lập pháp Hoa Kỳ tái giới thiệu và thông qua Dự luật Nhân quyền Việt Nam, và yêu cầu Chính phủ Việt Nam tuân thủ các quyên tắc nhân quyền và tự do ngôn luận như một yếu tố nền tảng của mối quan hệ song phương giữa hai nước.

    Trong bảng xếp hạng 2022 của Văn Bút Mỹ, ngoài Việt Nam, hai nước Belarus và Myanmar cũng có 16 người viết bị giam cầm, đồng hạng 4 trên thế giới.

    Hôm 3/5, tổ chức Phóng viên Không biên giới (RSF) xếp Việt Nam vào gần cuối bảng về tự do báo chí 2023, đứng thứ 178/180 quốc gia, chỉ trên Trung Quốc và Triều Tiên.

    https://www.voatiengviet.com


    Không có nhận xét nào