Header Ads

  • Breaking News

    Tuyên bố phản đối Trung Quốc vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam trên Biển Đông

    Dân tộc Việt Nam sống trên một bờ biển dài 3260 km, với truyền thống đánh bắt hải sản ngoài biển khơi có từ lâu đời; quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đã từ lâu là môi trường đánh bắt thủy hải sản của Việt Nam. Những tài liệu lịch sử của Việt Nam cũng như thế giới đã xác minh chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo đã có từ lâu đời, ít ra từ thời các Chúa Nguyễn vào thế kỷ thứ 17, và không hề bị tranh chấp. Cho đến khi Pháp chiếm Việt Nam, việc quản lý hai quần đảo này do Pháp thực hiện diễn ra trong hòa bình không bị tranh chấp, sau đó Pháp bàn giao lại cho Chính phủ Quốc gia Việt Nam, Chính phủ Quốc gia Việt Nam chuyển giao cho chính phủ Việt Nam Cộng hòa.

    Tại Hội nghị Hòa bình  San Francisco với 51 quốc gia tham dự thảo luận vấn đề chấm dứt tình trạng chiến tranh và tái lập bang giao với Nhật Bản, ngày 7 tháng 9 năm 1951, Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Trần Văn Hữu trưởng phái đoàn Quốc gia Việt Nam đã long trọng lên tiếng tái xác nhận chủ quyền Việt Nam ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, với tuyên bố như sau: “Và để tận dụng không ngần ngại mọi cơ hội để dập tắt mọi mầm mống bất hòa, chúng tôi khẳng định chủ quyền của chúng tôi trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ xưa đến nay vẫn thuộc cương vực Việt Nam”. Lời tuyên bố được ghi vào biên bản và được 46/51 quốc gia đồng ý.

    Bất chấp mọi căn cứ pháp lý nêu trên, ngày 19 tháng 1 năm 1974, Trung Quốc đã đem lực lượng bắn giết các chiến sĩ Hải quân Việt Nam Cộng hoà, cưỡng chiếm quần đảo Hoàng Sa. Chính phủ Việt Nam Cộng hòa đã ra công hàm phản đối. Ngày 14 tháng 3 năm 1988, Trung Quốc đưa quân tàn sát công binh Hải quân Việt Nam, chiếm 7 đảo (Châu Viên, Chữ Thập, Đá Gaven, Tư Nghĩa, Gạc ma, Vành Khăn, Subi) thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Chính phủ Việt Nam cũng đã ra công hàm phản đối.

    Tiếp theo đó Trung Quốc thường xuyên dùng lực lượng vũ trang bắn giết, cưỡng bức, đánh chìm tàu, tịch thu tàu, ngư cụ, sản phẩm của ngư dân Việt Nam trên hai ngư trường truyền thống của Việt Nam là Hoàng Sa và Trường Sa, phá hoại cuộc sống của ngư dân Việt Nam, đồng thời cưỡng bức phá hoại các hoạt động dầu khí trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

    Ngày 12 tháng 7 năm 2016, theo đơn kiện của Philippines, Tòa Trọng tài Thường trực được thành lập theo Phụ lục Vll của Công ước Liên Hiệp Quốc về luật biển 1982 (UNCLOS 1982) ra phán quyết phủ nhận cái gọi là Đường Lưỡi Bò của Trung Quốc tự vẽ. Với phán quyết này, Trung Quốc không có quyền lợi nào ở Biển Đông ngoại trừ việc lưu thông hàng hải theo luật pháp quốc tế.

    Hiện nay Trung Quốc tiếp tục bất chấp, giẫm đạp mọi luật pháp quốc tế, tiếp tục ngang nhiên ra lệnh cấm đánh bắt cá ở Biển Đông, xem Biển Đông trong đó có vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam là ao nhà của Trung Quốc, gây khó khăn cho cuộc sống của ngư dân Việt Nam, đồng thời phá hoại hoạt động dầu khí trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

    Cho đến nay, qua thực tế diễn biến lịch sử kéo dài, mọi người yêu chuộng hòa bình công lý trên thế giới đều nhận thức được rằng: duy nhất Trung Quốc là kẻ luôn luôn gây hấn, không ngừng đe dọa không gian sinh tồn của người Việt.

    Chúng tôi, các tổ chức xã hội dân sự và các cá nhân luôn luôn mong muốn có cuộc sống hòa bình với nhân dân Trung Quốc, nhưng không thể chấp nhận những hành vi giẫm đạp lên luật pháp quốc tế của nhà cầm quyền Trung Quốc, phá hoại cuộc sống yên bình của đất nước và nhân dân Việt Nam. Chúng tôi tuyên bố:

    1. Trung Quốc phải chấm dứt mọi sự gây hấn, phá hoại việc đánh bắt thủy hải sản của ngư dân Việt Nam ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

    2. Trung Quốc phải bồi thường các thiệt hại của ngư dân Việt Nam mà Trung Quốc đã gây ra từ trước đến nay.

    3. Trung Quốc phải chấm dứt các hành vi cản trở phá hoại các hoạt động dầu khí của Việt Nam trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

    4. Trung Quốc phải chấm dứt mọi việc xây dựng trái phép, phá hoại môi trường biển tại các đảo của Việt Nam bị cưỡng chiếm.

    5.Cực lực phản đối hành vi đơn phương áp đặt chủ quyền bất hợp pháp của Trung Quốc thông qua lệnh CẤM BIỂN trước nhân dân trong nước và nhân dân toàn thế giới.

    Ngày 2 tháng 5 năm 2023

    (Tham gia ký tên hưởng ứng xin vui lòng gởi về paracelle19011974@gmail.com)

    Các tổ chức xã hội dân sự

    1. Lập Quyền Dân. Đại diện: ông Nguyễn Khắc Mai

    2. Diễn đàn Xã hội Dân sự. Đại diện: TS Nguyễn Quang A

    3. Ban Vận động Văn đoàn Độc lập. Đại diện: PGS TS Hoàng Dũng

    4. Bauxite Việt Nam. Đại diện: GS Nguyễn Huệ Chi

    5. Câu lạc bộ Nguyễn Trọng Vĩnh. Đại diện: GS Nguyễn Đình Cống

    6. Câu lạc bộ Phan Tây Hồ. Đại diện: TS Hà Sĩ Phu

    7. Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng. Đại diện:  ông Võ Văn Thôn

    8. Câu lạc bộ Hoàng Quý. Đại diện: Hoàng Đức Kiên, kỹ sư chế tạo máy, cựu chiến binh , Hải Phòng.

    Cá nhân

    1. Ông Nguyễn Khắc Mai, Hà Nội

    2. TS Nguyễn Quang A, Hà Nội

    3. Nguyễn Huệ Chi, GS Hà Nội

    4. Nguyễn Nguyên Bình, nhà văn, Hà Nội

    5. Nguyễn Đình Cống, GS Xây dựng, Hà Nội

    6. Võ Văn Thôn, nguyên Giám đốc Sở Tư Pháp, CLB Lê Hiếu Đằng, TP HCM

    7. Hoàng Hưng, nhà văn, TP HCM

    8. Hoàng Dũng , phó Giáo Sư Tiến sĩ , tp HCM

    9. Andre Menras ( Hồ Cương Quyết) đạo diễn phim, CLB Lê Hiếu Đằng, Cộng Hòa Pháp

    10. Nguyễn Thị Kim Chi, nghệ sĩ, CLB Lê Hiếu Đằng, Sài Gòn

    11. Mạc Văn Trang, PGS Tâm lý học, CLB Lê Hiếu Đằng, Sài Gòn

    12. Lê Phú Khải, nhà báo, nhà văn, CLB Lê Hiếu Đằng, Sài Gòn

    13. Vũ Trọng Khải, PGS TS chính sách nông nghiệp, TP HCM

    14. Đỗ Như Ly, nhà báo, CLB Lê Hiếu Đằng, Sài Gòn

    15. Daniele Thiều Thị Tân, cựu tù Côn Đảo, CLB Lê Hiếu Đằng, Sài Gòn

    16. Lê Thân, nhà hoạt động xã hội, CLB Lê Hiếu Đằng, Sài Gòn.

    17. Bùi Nghệ, kỹ sư, CLB Lê Hiếu Đằng, Sài Gòn

    18. Lại Thị Ánh Hồng, nghệ sĩ, CLB Lê Hiếu Đằng, Sài Gòn

    19. Kha Lương Ngãi, nguyên Phó Tổng biên tập báo Sài Gòn Giải Phóng, CLB Lê Hiếu Đằng, Sài Gòn

    20. Huỳnh Sơn Phước, nguyên Phó Tổng biên tập báo Tuổi Trẻ, TP HCM

    21. Trần Minh Quốc, GS Trung học trước 1975, CLB Lê Hiếu Đằng Saigon.

    22. Cao Ngọc Lâm, cựu chiến binh, CLB Hoàng Quý, Hải Phòng

    23. Đỗ Thanh Cương, cựu chiến binh, CLB Hoàng Quý, Hải Phòng

    24. Lê Anh Tuấn, cựu chiến binh, CLB Hoàng Quý, Hải Phòng

    25. Lê Thanh Giang, cựu chiến binh, CLB Hoàng Quý, Hải Phòng

    26. Trần Hữu Quang, phó giáo sư xã hội học, Saigon


    Không có nhận xét nào