Header Ads

  • Breaking News

    Tưởng Năng Tiến – Võ Văn Thưởng, Nguyễn Mạnh Hùng, Nguyễn Công Khế & Trần Huỳnh Duy Thức

    Trang Dân Luận có đăng tải một bài viết ngắn (“Tại Sao Báo Chí Chính Thống Không Có Một Dòng Nào Về Chuyện Trần Huỳnh Duy Thức Tuyệt Thực”) của nhà báo Nguyễn Công Khế, với phần kết luận – như sau:

    “Còn một việc nữa, mấy hôm nay, râm rang trên mạng xã hội, và các cơ quan báo chí nước ngoài đang nói chuyện tù nhân chính trị Trần Huỳnh Duy Thức tuyệt thực 27 ngày có nguy cơ dẫn đến nguy hiểm tính mạng. THDT cũng được trên mạng xã hội và truyền thông nước ngoài đánh giá là một người có trí tuệ trong giới bất đồng chính kiến. Thế thì tại sao trước một tin tức như vậy, phía Nhà nước và báo chí chính thống không hề có một dòng nào, hoặc có việc đó, hay không có?

    Tôi luôn nghĩ rằng, và luôn nhắc lại rằng, bài toán minh bạch thông tin sẽ giải quyết được rất nhiều vấn nạn trong xã hội ta, và từ đó mới loại được những tin giả, tin ‘bịa như thật’ trên mạng xã hội.

    Và tôi cũng tin rằng, hai nhân vật chủ yếu nắm công tác tư tưởng hiện nay làm được việc này. Đó là ông Võ Văn Thưởng và ông Nguyễn Mạnh Hùng.”

    Ngay bên dưới bài viết này là phản hồi của hai vị độc giả vô cùng nhanh nhảu:  

    Nguyễn Phương: Sao nó tuyệt thực lâu vậy mà chưa chết nhỉ?

    Đức Cường: Nó có dám tuyệt thực đéo đâu, nó lừa cho mấy thằng ngu hải ngoại tin để cho tiền nó mà.

    Hai ông Nguyễn Phương và Đức Cường đã giúp cho người đọc lý giải được, phần nào, nỗi băn khoăn (“Tại Sao Báo Chí Chính Thống Không Có Một Dòng Nào Về Chuyện Trần Huỳnh Duy Thức Tuyệt Thực”) của nhà báo Nguyễn Công Khế. Ngoài những phản ứng kịp hời (thượng dẫn) còn có rất nhiều trang trang mạng, với vô số những bài viết có liên quan đến Trần Huỳnh Duy Thức:

    Giọng điệu, cũng như lời lẽ, của những cái “loa phường” kể trên (nghe) quen lắm, cũng y như cách ăn nói của đám dư luận viên thuộc Binh Đoàn 47 vậy thôi. Bởi vậy, hai ông ông Võ Văn Thưởng và Nguyễn Mạnh Hùng khó mà chối được rằng mình (hoàn toàn) vô can với cái thứ ngôn từ “đầu đường xó chợ” này.

    Trong nhiều “trường hợp nhậy cảm,” nhà nước CHXHCNVN vẫn thường dùng “quần chúng tự phát” (hay đám dân phòng) vào việc “trị an,” thay vì lực lượng công an sắc phục. Tương tự, Ban Tuyên Giáo và Bộ Thông Tin đang xử dụng đám dân phòng trên mạng – thế cho báo chí chính thống – là điều hoàn nhất quán với đường lối và chính sách của Đảng hiện nay.

    Có thể vì bận rộn công việc gia đình (vì phải xuất ngoại thường xuyên) ông Khế đã không nắm vững tình hình nên đặt vấn đề trật (lất). Trong khi Nguyễn Công Khế chất vấn “hai nhân vật chủ yếu nắm công tác tư tưởng hiện nay” thì dưới bài viết (thượng dẫn) của ông, cũng có vị độc giả nêu câu hỏi như sau:

    Xuan Nguyen Van: Nguyễn công khế từ thằng chiêu hồi đến kẻ cơ hội nay trở thành kẻ biến chất. Không đủ tuổi và tư cách để chém gió về vấn đề dân chủ và minh bạch chính hắn môi giơi để Thằng Phước tặng sách cho nguyên chủ tịch nước rồi tung lên mang thực hiện cáo mượn oai hùm bị cựu chủ tịch nước nổi giận yêu cầu rỡ xuống không hiểu ông khế có thấy sấu hổ không?

    Tôi hoàn toàn không biết chi về những chuyện lùm xùm (“tặng sách cho nguyên chủ tịch nước, cáo mượn oai hùm”) vừa dẫn. Lời than phiền của ông Nguyễn Văn Xuân chỉ khiến tôi chợt nhớ đến một trường hợp khác, một nghi vấn khác, theo như cách nhìn (khe khắt) của nhà phê bình văn học Vương Trí Nhàn:

    “Thế tại sao Nguyễn Khải lại viết Đi tìm cái Tôi đã mất? Theo tôi, trường hợp này cũng giống như Chế Lan Viên viết Di cảo thơ, và Tố Hữu tâm sự với Nhật Hoa Khanh. Thực chất cái việc các ông ‘cố ý làm nhòe khuôn mặt của mình’ như thế này là cốt để xếp hàng cả hai cửa.

    Cửa cũ, các ông chẳng bao giờ từ. Còn nếu tình hình hình khác đi, có sự đánh giá khác đi, các ông đã có sẵn cục gạch của mình ở bên cửa mới (bạn đọc có sống ở Hà Nội thời bao cấp hẳn nhớ tâm trạng mỗi lần đi xếp hàng và không sao quên được những cục gạch mà có lần nào đó mình đã sử dụng).”

    Tôi chả có sống “ở Hà Nội thời bao cấp” ngày nào cả nhưng vẫn thông cảm được cái “tâm trạng” xếp hàng hai cửa, nếu đúng, của một người ở hoàn cảnh (chân trong/chân ngoài ) như ông Nguyễn Công Khế. Tôi cũng hoàn toàn chia sẻ mọi nỗi khó khăn, với hai ông Võ Văn Thưởng và Nguyễn Mạnh Hùng, nơi chốn quan trường của nước CHXHCNVN.

    Nói một đằng làm một nẻo là chủ trương xuyên suốt của Đảng cầm quyền. Do đó, tuy tuyên bố là “tổ chức đối thoại” nhưng ông Trưởng Ban Tuyên Giáo và ông Bộ Trưởng Thông Tin Tuyên Truyền vẫn thản nhiên xua đám lâu la ra “đối thụi” bằng cái thứ ngôn ngữ của bọn đầu đường xó chợ.

    Trong một xã hội mà không có nhân cách người ta vẫn sống, thậm chí còn sống béo tốt hơn nên qúi ông Võ Văn Thưởng, Nguyễn Mạnh Hùng, Nguyễn Công Khế ... có thể dùng mọi phương tiện để biện minh cho cứu cánh của mình. Điều an ủi là giữa lúc nhiễu nhương như hiện cảnh tổ quốc vẫn còn có những người từ chối sống béo tốt, và sẵn sàng hy sinh tính mệnh vì lẽ phải như ông Trần Huỳnh Duy Thức.  

    Nhà báo Mạnh Kim nhận xét: “Ông Trần Huỳnh Duy Thức sẳn sàng chấp nhận cái chết đến, vì biết khó mà thuyết phục một nhà cầm quyền như Việt Nam biết thượng tôn pháp luật một cách đơn giản theo lẽ nhân loại văn minh.”

    Nếu chả may mà sự việc có xẩy ra bi thảm như vậy chăng nữa thì cái chết của ông cũng khiến cho đám thường dân đỡ phần tủi hổ. Chúng tôi cảm thấy vô cùng yên ủi khi biết rằng dù quê hương rơi vào hoàn cảnh bi đát đến thế nào chăng nữa thì đất nước này vẫn còn có những vị nhân sĩ đáng kính, hết lòng vì dân tộc, chứ không chỉ thuần là một lũ trí thức trùm chăn hay một đám cơ hội ăn theo.  09/13/2018


    Không có nhận xét nào