Lịch sử Việt Nam qua câu chuyện của một gia đình
Thập niên 1980 ở nước ta không chỉ có “giá-lương-tiền”, cuộc khủng hoảng thuyền nhân và công cuộc Đổi Mới. Đó còn là thời kỳ tự do hóa một cách dè dặt trong văn nghệ, hay giai đoạn cuối thập niên này còn được gọi là thời kỳ “cởi trói”, với dấu ấn của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh và tướng Trần Độ – Trưởng ban Tư tưởng – Văn hóa Trung ương. [1]
Tuy dè dặt và sau cùng đóng sầm cánh cửa lại, thập niên 1980 vẫn để lại một thế hệ văn nghệ sĩ lừng danh và có ảnh hưởng lớn tới tận bây giờ như Phạm Thị Hoài, Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh, Lê Lựu, Lưu Quang Vũ, Trần Văn Thủy.
Nhà văn Dương Thu Hương cũng là một trong những cái tên nổi bật trong thế hệ đó.
Và kể từ sau thập niên 1980, bà chưa bao giờ vắng bóng trên văn đàn, với hàng loạt các tác phẩm được xuất bản trong nước lẫn ở nước ngoài.
Tên bà lại một lần nữa trở thành tâm điểm của dư luận khi bà được trao giải thưởng văn chương danh giá Cino-Del-Duca vào tháng Tư năm 2023 tại Paris.
Mạng xã hội và báo chí hải ngoại xôn xao, nhưng báo chí chính thống tịnh không có một dòng về bà, trái ngược hẳn với không khí tưng bừng thường thấy mỗi khi có một người Việt hay “gốc Việt” được thế giới vinh danh. [2]
Tôi biết đến Dương Thu Hương từ độ năm 2006-2007 gì đó, khi bà mới bắt đầu phải sống lưu vong tại Pháp. Cuốn tiểu thuyết “Đỉnh cao chói lọi” của bà là một trong những tác phẩm mở mắt cho tôi về chính trị mà tôi đọc vào khoảng năm 2009-2010. Dù bị cấm trong nước, người ta vẫn nói về bà và những cuốn sách của bà với lòng tôn trọng. Tôi nhớ sau khi đọc ít lâu thì tôi đi dự một buổi bảo vệ luận án tiến sĩ luật, và một trong những người phản biện đã nhắc đến bà và “Đỉnh cao chói lọi” ngay giữa hội trường đỏ lòe cờ xí cùng những khẩu hiệu “muôn năm”, “sống mãi”.
Nhưng bài điểm sách này không nói đến “Đỉnh cao chói lọi”, vốn là một tác phẩm ra đời năm 2009 khi bà đã ra nước ngoài. Tôi muốn nói đến tiểu thuyết “Những thiên đường mù” của bà, ra mắt độc giả trong nước vào năm 1988, giữa không khí nổi sôi của thời kỳ “cởi trói”.
Cuốn tiểu thuyết này nói về bi kịch của một gia đình miền Bắc đã bị những biến động chính trị long trời lở đất trong thế kỷ XX giằng xé, dằn vặt theo những cách nghiệt ngã nhất.
Những bi kịch chính trị và đạo đức của xã hội Việt Nam được tái hiện thông qua câu chuyện gia đình nhân vật Hằng, Quế – mẹ Hằng, Tâm – cô Hằng, Chính – cậu Hằng, và Tốn – bố Hằng, với hai tuyến thời gian và không gian đan cài vào nhau: quá khứ và hiện tại, Việt Nam và Liên Xô.
Ta sẽ thấy công cuộc Cải cách Ruộng đất những năm 1950, cuộc cách mạng vô sản tiếp nối, và cuộc khủng hoảng kinh tế những năm 1980 đã xé nát một gia đình rồi đưa họ trở lại với nhau ra sao.
Trong “Những thiên đường mù”, Dương Thu Hương khắc họa cuộc xâm lấn tàn bạo của những “tư tưởng cách mạng” vào đời thường ở miền Bắc. Chúng va đập với nhau một cách gượng gạo, với phần thắng thuộc về những “dòng thác cách mạng”, những “lập trường giai cấp”, hay những thiên đường xã hội chủ nghĩa không ai biết hình hài ra sao và đi bao giờ mới tới.
Nhân vật cán bộ tuyên huấn Chính – cậu của Hằng – đại diện cho thứ tư tưởng xâm thực tàn bạo bất chấp đạo lý bình thường đó, và dĩ nhiên, bằng bạo lực. Bạo lực ở đây còn được tác giả mô tả tỉ mỉ, cắt gọn từng đường nét thông qua ba nhân vật thuộc “thành phần cách mạng”: phó chủ tịch Đường và hai “bần cố nông” Bích, Nần. Cách Dương Thu Hương đặc tả những nhân vật này cho người đọc cảm giác xồng xộc lên mũi về cái mùi ma quỷ trỗi dậy làm người – khi thiên đường vẫn chỉ còn là ảo ảnh.
Thứ bạo lực cách mạng đó đã đẩy bố và bà nội Hằng vào chỗ chết, và đẩy Hằng vào thế kẹt giữa cuộc giằng xé không hồi kết giữa mẹ Hằng và cô Tâm – chị gái của bố Hằng. Hai người đàn bà mạnh mẽ, một tay chống chọi lại cả một thời đại để sinh tồn, cùng có nỗi ám ảnh và tình yêu thương dành cho những người em trai của mình. Họ đẩy Hằng vào những chuyến thăm viếng từ năm này qua năm khác, mỗi lần là một cung bậc cảm xúc khác nhau, cho đến khi cô chính thức nắm lấy vận mệnh của mình và xác lập một thái độ với những ràng buộc của quá khứ.
Thật thú vị làm sao khi đọc cách Dương Thu Hương mô tả sự thay đổi trên những đường nét khuôn mặt của Chính và Thành – vợ của Chính – qua mỗi lần Hằng tới thăm. Cảm giác như có thể ép được cả lịch sử mấy chục năm vào những đường nét ấy.
Đọc “Những thiên đường mù”, tôi thực sự được tắm trong không gian văn hóa miền Bắc thời kỳ bao cấp lẫn thời kỳ “cởi trói” những năm 1980, vốn không xa lạ gì cho lắm với thế hệ 8x chúng tôi khi dư âm của chúng vẫn còn đậm nét lắm vào thập niên 1990. Có những câu cửa miệng hay lối nói khi thì khách sáo, khi thì sâu cay đậm đặc chất Bắc tôi tưởng tôi đã quên mất, nay trở về sống động trong tôi khi lần giở từng trang sách này.
_________
Chú thích:
1. Bên thắng cuộc – Huy Đức – Quyển II: Quyền bính» Chương 12: Cởi trói | Thư viện Vinadia. (2013, May 19). Thư Viện Vinadia. https://www.vinadia.org/ben-thang-cuoc-huy-duc-quyen-ii-quyen-binh/chuong-12-coi-troi/
2. BBC. (2023, April 23). Nhà văn Dương Thu Hương được trao giải “Cino del Duca 2023” – BBC News Tiếng Việt. BBC News Tiếng Việt; BBC News Tiếng Việt. https://www.bbc.com/vietnamese/articles/c3gpvljy85po
Không có nhận xét nào