Một lần đứng giữa khu Manhattan, New York, toàn là nhà lầu và cao ốc, người viết chợt nghĩ nếu một đoàn du khách nào đó muốn thấy rõ thành phố New York mà không bị cản trở gì chỉ còn cách mua vé đi lên tận sân thượng của One World Trade Center, tòa nhà cao nhất ở New York, để nhìn xuống.
Tòa nhà nhận thức về chính trị và lịch sử Việt Nam cũng cao như tòa nhà One World Trade Center, New York. Nhưng khác ở chỗ có một số người dù lên tới sân thượng, tức đọc nhiều sách vở, vẫn có thể không nhận thức đúng.
Lý do, các anh chị đó nhìn lịch sử đất nước dựa trên những quy định được hệ thống tuyên truyền cộng sản áp đặt từ khi bắt đầu tập nói. Mọi câu trả lời, mọi lý luận, mọi giải thích về chiến tranh và lịch sử dù được anh hay chị cho là rất khách quan đi nữa cũng đều dựa trên quy định áp đặt đó.
Một trong những quy định đảng áp đặt trong nhận thức làm nền tảng cho mọi suy nghĩ của một số anh chị là quy định “thống nhất đất nước.”
Tuyệt đại đa số người Việt đều mơ ước quê hương Việt Nam được thống nhất. Đồng bào miền Bắc muốn thống nhất đất nước. Đồng bào miền Nam muốn thống nhất đất nước. Đảng cộng sản chẳng những muốn mà còn sẵn sàng “đốt cháy cả dãy Trường Sơn để thống nhất đất nước” nữa. Tuy nhiên, mục đích và mức độ cấp thiết khác nhau ở mỗi thành phần.
Đồng bào miền Bắc rất thiết tha với “thống nhất đất nước”.
Đúng, nhưng nếu ai ở miền Bắc và đã từng tha thiết thì xin hãy ngồi xuống lắng lòng suy nghĩ lại cái tha thiết đó có thật sự phát xuất từ trái tim Việt Nam trong sáng, chân thành từ khi cha sinh mẹ đẻ hay do đảng áp đặt vào tâm hồn.
Đọc các nhật ký của Đặng Thùy Trâm, Nguyễn Văn Thạc, những người chưa hề biết miền Nam trước đó, để thấy thương cho một thế hệ bị các khẩu hiệu “xích xiềng Mỹ Ngụy”, “lê máy chém”, “miền Nam đói khát” v.v…hành hạ cho đến chết.
Tình yêu nước không tự nguyện đó thực chất là sản phẩm tuyên truyền. Viên thuốc độc “giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước” mà hầu hết đồng bào miền Bắc bị đảng buộc phải uống từ ít nhất 48 năm trước, nay vẫn còn tác hại.
Đồng bào miền Nam tha thiết với thống nhất đất nước. Làm người Việt ai mà chẳng mơ non sông liền một dải nhưng họ không bị đánh bùa mê như đồng bào miền Bắc.
Trong bối cảnh chính trị phân cực trong thời kỳ Chiến Tranh Lạnh, chính phủ và nhân dân miền Nam tỉnh táo đặt ra những ưu tiên của đất nước theo mỗi thời kỳ. Ưu tiên trên hết là ổn định xã hội, sau đó tái thiết đất nước, xây dựng căn nhà dân chủ và thúc đẩy sự thịnh vượng kinh tế.
Hãy nhìn các chỉ số phát triển của Việt Nam Cộng Hòa trong năm năm sau khi đình chiến 1954 để thấy miền Nam tiến nhanh thế nào so với Đại Hàn, Thái Lan, Mã Lai. Những thành tựu đó nếu đạt được sẽ là nền tảng vững chắc cho một cơ hội thống nhất có thể đến sau này.
Con đường dân chủ mà chính phủ và nhân dân miền Nam trải qua có nhiều ổ gà, nhiều chướng ngại, nhiều khó khăn nhưng dù gì đi nữa cũng là chuyện của Việt Nam Cộng Hòa, không liên quan gì đến Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa.
Hơn cả hai thành phần dân tộc Bắc và Nam, đảng cộng sản Việt Nam rất muốn thống nhất đất nước vì cộng sản hóa Việt Nam là điều đầu tiên ghi trong nghị quyết của đại hội đảng Cộng sản Đông Dương do Trần Phú chủ trì năm 1930 và được Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương phê chuẩn vào tháng Tư cùng năm: "Vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản trong cuộc cách mạng; hai giai đoạn cách mạng từ cách mạng tư sản dân quyền chống đế quốc và phong kiến nhằm thực hiện mục tiêu độc lập dân tộc và người cày có ruộng và sau đó chuyển sang làm cách mạng xã hội chủ nghĩa.”
Kể từ tháng Tư 1930 đến nay, mục đích “cách mạng xã hội chủ nghĩa”, tức cộng sản hóa Việt Nam, không hề thay đổi.
Không cần phải một nhà nghiên cứu hay người học nhiều hiểu rộng mà bất cứ ai sống dưới chế độ cộng sản Việt Nam từ sau 1975 với trại tập trung, kinh tế mới, đánh tư sản, nhà tù mọc lên khắp ba miền để giam những tiếng nói bất đồng đều thấy ra điều đó.
Thực tế chứng minh rất rõ rằng “thống nhất đất nước” đối với đảng cộng sản Việt Nam chỉ là tiền đề để từ đó cộng sản hóa Việt Nam dựa trên chủ nghĩa Mác Lê tàn bạo.
Hôm nay, mục đích “làm theo năng lực hưởng theo nhu cầu” không còn, nhưng hầu hết các phương pháp và nội dung vẫn không thay đổi. Tuyên truyền tẩy não còn đó, bạo lực cách mạng còn đó, độc tài đảng trị còn đó. Như người viết có lần đã viết, đối với các đảng phái quốc gia, đảng chính trị chỉ là chiếc thuyền đưa dân tộc đến tự do nhưng với đảng cộng sản chiếc thuyền lại chính là dân tộc.
Khác với việc nhìn New York từ One World Trade Center, nhận thức phải được soi rọi từ bên trong.
Nhìn được từ bên trong là một điều rất khó, đòi hỏi anh hay chị phải vượt qua cho được tình cảm riêng tư, từ chối chính mình trong một thời binh lửa. Rất khó. Nhiều đồng đội của anh hay chị đã chết dưới ngọn cờ cộng sản, và có thể máu của chính anh hay chị đã từng đổ xuống dưới ngọn cờ đó. Muốn quên đi một quá khứ đầy gian nan chịu đựng như thế không phải là chuyện dễ dàng.
Vâng, nhưng muốn hướng tới tương lai, phải vượt qua quá khứ.
Không thể đấu tranh cho dân chủ dựa trên các quy định do đảng cài vào nhận thức như tiếng đầu đời. Vượt qua không có nghĩa quên đi. Không ai có thể buộc anh hay chị quên kỷ niệm, hãy ôm ấp kỷ niệm nhưng đừng sống với nó nữa, sống vì tương lai.
Quảng trường Anh Hùng ở thủ đô Budapest của Hungary chứa mười ngàn người là cùng và cuộc biểu tình đầu tiên ở Tiệp ngày 16 tháng 11, 1989 cũng chỉ khoảng mười ngàn người. Nhưng họ là những người dứt khoát với quá khứ cộng sản.
Như lịch sử chứng minh, cách mạng dân chủ luôn được viết từ những người dứt khoát chứ không phải những người do dự.
TRẦN TRUNG ĐẠO 01.05.2023
https://thuymyrfi.blogspot.com/2023/05
Không có nhận xét nào