Header Ads

  • Breaking News

    Thời sự đó đây ngày thứ tư 10 tháng 5 năm 2023

    Võ Thái Hà tổng hợp

    Prigozhin: Vẫn rút quân nếu thiếu đạn, dù Nga coi ai tự rút khỏi Bakhmut là phản bội


    Yevgeny Prigozhin đang phân trần trong video đăng hôm 9/5. 

    Ông Yevgeny Prigozhin, thủ lĩnh lính đánh thuê Wagner, người mấy ngày nay liên tục đe dọa rút quân khỏi Bakhmut, hôm 9/5 nói trên mạng xã hội ông được thông báo rằng ông và Wagner sẽ bị coi là phản quốc nếu tự ý rút quân khỏi các vị trí ở chiến trường Bakhmut. Tuy nhiên, ông tuyên bố vẫn cứ rút quân nếu không nhận đủ đạn dược.

    “Một quân lệnh được đưa ra ngày hôm qua, nêu rõ rằng nếu chúng tôi rời khỏi vị trí của mình [ở Bakhmut], điều đó sẽ bị coi là phản bội tổ quốc. Đó là thông điệp gửi tới chúng tôi,” ông Prigozhin kể lể.

    “[Nhưng] nếu không có đạn dược, thì chúng tôi sẽ rời khỏi vị trí của mình, và là người hỏi ai đang thực sự phản bội tổ quốc. Rõ ràng, kẻ [phản bội tổ quốc] là người đã ký vào đó [lệnh cung cấp quá ít đạn dược].”

    Reuters chỉ ra rằng đoạn video đó mang những ngôn từ thô tục kiểu nhà binh và được đăng lên mạng đúng ngày Tổng thống Nga Vladimir Putin tổ chức lễ duyệt binh ở Quảng trường Đỏ vào dịp ngày Chiến thắng, đánh dấu kết thúc Đại Thế chiến II.

    Reuters diễn giải một video khác vào ngày 10/5 của Prigozhin, cho rằng ông trùm lính đánh thuê này đang chơi với lửa khi dám ám chỉ Tổng thống Putin như một “ông nội vui vẻ” trong một chỉ trích gay gắt rằng “hóa ra ông nội là một tên hoàn toàn khốn nạn”. Reuters báo cáo rằng Prigozhin dùng lối nói ám chỉ, và được Reuters diễn giải ý ông nói là do kết quả cuối cùng của cuộc chiến sẽ có nhiều tổn thất hơn các công bố.

    Quay về vấn đề đạn dược, ông Prigozhin được biết đến là người đã liên tục đe dọa rút quân nếu vẫn thiếu đạn trong các tuyên bố đầy tính kích động.

    Gần đây, Prigozhin tuyên bố quân của ông đã chiếm gần như toàn bộ trấn Bakhmut, và chỉ còn một diện tích nhỏ vẫn nằm trong kiểm soát của Ukraine.

    Kể lể những chỗ xấu của Bộ Quốc phòng Nga, điều mà ông vẫn làm mấy ngày qua, Prigozhin cáo buộc rằng một số quân chính quy đã rời khỏi vị trí của họ gần đó, khiến sườn của Wagner tạm thời bị hở, một vấn đề mà lính Wagner đã phải đứng ra khắc phục.

    “Đây không phải là vấn đề của những người lính. Vấn đề là ở những người quản lý họ và giao nhiệm vụ cho họ. Nhà dột từ nóc,” ông nói, gọi mệnh lệnh được đưa ra bởi cái mà ông gọi là bè lũ hẹp hòi “tội phạm” và “phản bội”.

    Reuters không thể xác minh độc lập cáo buộc liên quan đến việc sườn Wagner bị bỏ trống.

    Nhật Tân

    Pháp kêu gọi EU liệt Wagner vào danh sách ‘khủng bố’; Anh Quốc đang xem xét

    https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2023/05/1244486055-700x480.jpg

    Quốc hội Pháp nói rằng lính đánh thuê Wagner tuân theo các chính sách địa chính trị của Tổng thống Nga Vladimir Putin.

    Quốc hội Pháp đã thông qua một nghị quyết kêu gọi Liên minh châu Âu chính thức coi lực lượng lính đánh thuê Wagner của Nga là một “nhóm khủng bố” khi xuất hiện các báo cáo rằng Vương quốc Anh dường như cũng sẵn sàng chỉ định nhóm này là một “tổ chức khủng bố”.

    Nghị quyết hôm thứ Ba, không mang tính ràng buộc và phần lớn mang tính biểu tượng, đã được quốc hội Pháp thông qua với sự ủng hộ nhất trí của các chính trị gia.

    “Bất cứ nơi nào có mặt, các thành viên Wagner gieo rắc bất ổn và bạo lực,” nhà lập pháp Pháp Benjamin Haddad phát biểu trước quốc hội.

    “Họ giết và tra tấn. Họ tàn sát và cướp bóc. Họ đe dọa và thao túng mà hầu như không bị trừng phạt,” ông nói.

    Các chiến binh Wagner không phải là những người lính đánh thuê đơn giản bị thúc đẩy bởi “sự thèm muốn tiền bạc” mà họ “đi theo một chiến lược rộng lớn, từ Mali đến Ukraine, nhằm hỗ trợ các chính sách hiếu chiến của chế độ Tổng thống [Vladimir] Putin đối với các nền dân chủ của chúng ta”, ông nói thêm.

    Các nhà chức trách ở Pháp cũng đổ lỗi cho nhóm điều hành các hoạt động tuyên truyền chống Pháp ở Tây Phi, đặc biệt là Mali.

    Haddad cho biết ông hy vọng nghị quyết này sẽ khuyến khích 27 thành viên của EU đưa Wagner vào danh sách chính thức của “các tổ chức khủng bố”.

    Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã ca ngợi quốc hội Pháp trong một thông điệp video và kêu gọi các nước khác noi gương Pháp.

    “Đặc biệt cảm ơn quốc hội Pháp vì quyết định ngày hôm nay công nhận nhóm tư nhân giả danh Wagner của Nga là một tổ chức khủng bố,” ông Zelensky nói.

    “Đây là điều nên được cả thế giới thừa nhận – mọi biểu hiện của chủ nghĩa khủng bố phải bị tiêu diệt và mọi kẻ khủng bố phải bị kết án,” ông nói.

    Trong khi đó, Bộ Nội vụ Vương quốc Anh đã xem xét vấn đề này trong hai tháng và việc dán nhãn Wagner là một “tổ chức khủng bố” “sắp xảy ra” trong vòng vài tuần tới, tờ The Times đưa tin hôm thứ Ba, trích dẫn một nguồn tin chính phủ.

    Nếu được thông qua, tham gia Wagner, khuyến khích ủng hộ hoặc mang logo của Wagner ở nơi công cộng sẽ là một hành vi phạm tội ở Anh.

    Tờ báo cho biết thêm, việc chỉ định này cũng sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt tài chính đối với nhóm và sẽ có những tác động đối với khả năng huy động tiền của Wagner nếu bất kỳ khoản tiền nào đi qua các tổ chức tài chính của Vương quốc Anh.

    Theo tờ báo, đã có “những nghi ngờ” rằng Tập đoàn Wagner đã giúp chuyển tiền ra khỏi Vương quốc Anh sau khi các lệnh trừng phạt tài chính được áp đặt đối với các nhà tài phiệt Nga và các đồng minh của Tổng thống Nga Vladimir Putin. Bộ Nội vụ cho biết họ đang xem xét báo cáo của Times.

    Trong khi nghị quyết của Pháp kêu gọi EU chỉ định Wagner là một “tổ chức khủng bố” sẽ cho phép các thành viên EU đóng băng tài sản của nhóm này và các thành viên, đồng thời cấm các công ty và công dân châu Âu giao dịch với tổ chức này, các biện pháp trừng phạt hiện tại dường như không cản trở hoạt động của nhóm.

    Wagner và nhà lãnh đạo doanh nhân Yevgeny Prigozhin đã nhiều lần bị EU trừng phạt, bao gồm cả vi phạm nhân quyền ở Châu Phi và tham gia vào cuộc xâm lược Ukraine của Nga.

    Ông Prigozhin đã bị đóng băng tài sản của mình ở EU vào năm 2020 và bị đưa vào danh sách đen cấp thị thực do triển khai các chiến binh Wagner đến Libya, một quyết định mà ông đã kháng cáo không thành công.

    Ngoại trưởng Pháp Catherine Colonna thừa nhận hôm thứ Ba rằng về mặt pháp lý, nhãn hiệu “khủng bố” của EU sẽ không có bất kỳ “tác động bổ sung trực tiếp” nào đối với nhóm này.

    Nhưng “chúng ta không nên đánh giá thấp tầm quan trọng mang tính biểu tượng của việc chỉ định như vậy, cũng như tác động ngăn cản mà nó có thể gây ra đối với các quốc gia muốn quay sang” theo Wagner, bà nói.

    Quốc hội của Litva và Estonia đã gán cho Wagner là một “tổ chức khủng bố”.

    Ngân Hà (theo Al Jazeera)

    Các nhà lãnh đạo ASEAN kêu gọi Myanmar chấm dứt bạo lực, đàm phán toàn diện 

    10/5/2023 


    Các nhà lãnh đạo ASEAN nhóm họp ở Indonesia (Foto: Courtesy/Biro Setpres)


    Các nhà lãnh đạo ASEAN nhóm họp ở Indonesia (Foto: Courtesy/Biro Setpres) 

    Các nhà lãnh đạo Đông Nam Á họp tại Indonesia hôm thứ Tư (10/5) kêu gọi chấm dứt ngay bạo lực ở đất nước Myanmar do quân đội cai trị, trong nỗ lực tạo cơ hội đối thoại và cung cấp viện trợ nhân đạo trong lúc giao tranh tiếp tục gia tăng, theo Reuters.

    Hội nghị thượng đỉnh Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) dự kiến sẽ chứng kiến sự tranh cãi về cuộc khủng hoảng đẫm máu ở Myanmar, với sự kiên nhẫn giảm dần khi chính quyền quân sự của nước này thể hiện không có ý định theo đuổi một kế hoạch hòa bình đã nhất trí với khối khu vực sau khi họ lên nắm quyền trong một cuộc đảo chính năm 2021.

    “Chúng tôi lo ngại sâu sắc về tình trạng bạo lực đang diễn ra ở Myanmar và kêu gọi chấm dứt ngay lập tức mọi hình thức bạo lực và sử dụng vũ lực”, các nhà lãnh đạo ASEAN cho biết trong một tuyên bố chung.

    Các nhà lãnh đạo kêu gọi “một môi trường thuận lợi để cung cấp hỗ trợ nhân đạo một cách an toàn và kịp thời cũng như đối thoại quốc gia toàn diện”.

    Tổng thống Indonesia Joko Widodo, Chủ tịch ASEAN hiện tại, trước đó đã kêu gọi khối này cùng lên tiếng về những thách thức mà khối này phải đối mặt trong khu vực.

    “ASEAN sẽ chỉ im lặng hay ASEAN có thể trở thành động lực, hòa bình hay tăng trưởng?”, ông nói.

    ASEAN, vốn có chính sách không can thiệp vào công việc của các thành viên, ngày càng trở nên quyết đoán với chính quyền quân sự của Myanmar về việc nước này không thực hiện “sự đồng thuận” hòa bình năm điểm mà vị tướng hàng đầu của Myanmar đã đồng ý với ASEAN vài tháng sau khi cuộc đảo chính của ông ta gây ra sự hỗn loạn.

    “Malaysia thất vọng vì tiếp tục thiếu tiến bộ có ý nghĩa và thực sự trong việc thực hiện Đồng thuận hoà bình 5 điểm”, Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim phát biểu bên lề hội nghị thượng đỉnh.

    Các nhà lãnh đạo chính quyền của Myanmar hiện đang bị cấm tham dự các cuộc họp cấp cao cho đến khi họ thực hiện kế hoạch hòa bình, bao gồm cả việc chấm dứt chiến sự.

    Tuần trước, Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi cho biết Indonesia đã âm thầm thuyết phục quân đội Myanmar, chính phủ ngầm và các nhóm vũ trang sắc tộc cố gắng khởi động đàm phán hòa bình.

    Ngoại trưởng Philippines Enrique Manalo nói: “ASEAN đang làm hết sức có thể bởi vì khi quý vị hiện diện ở đó, điều đó không dễ dàng như vậy”.

    Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr cho biết cuộc họp của các nhà lãnh đạo cũng dự kiến bao gồm các cuộc thảo luận về bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông và căng thẳng gia tăng về vấn đề Đài Loan. Hiện không rõ liệu những điều đó đã được thảo luận hay không.

    Các nhà lãnh đạo ASEAN hôm 10/5 đã đưa ra một loạt tuyên bố chung, bao gồm các cam kết chung để chống nạn buôn người, bảo vệ người lao động nhập cư và hỗ trợ ngành công nghiệp xe điện trong khu vực.


    Cựu Thủ tướng Pakistan Imran Khan bị bắt, bạo lực lan nhanh trên toàn quốc

    https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2023/05/c1_2566764_230509200413.jpeg


    Pakistan Tehreek-e-Insaf party activists and supporters of former Pakistan’s Prime Minister Imran stand beside burning tyres as they block a road during a protest against the arrest of their leader in Hyderabad on May 9, 2023. Imran Khan was arrested on May 9, police said, during a court appearance for one of dozens of cases pending since he was booted from office last year. (Photo by Akram SHAHID / AFP) 

    Cơ quan chống tham nhũng của Pakistan đã bắt giữ cựu Thủ tướng Imran Khan tại Tòa án Tối cao Islamabad hôm thứ Ba, khiến đụng độ nổ ra giữa những người ủng hộ ông Khan và cảnh sát, làm ít nhất một người biểu tình thiệt mạng, Reuters đưa tin.

    Vụ bắt giữ ông Khan diễn ra một ngày sau khi quân đội khiển trách ông vì liên tục cáo buộc một sĩ quan quân đội cấp cao cố gắng dàn dựng vụ ám sát ông và cựu chỉ huy lực lượng vũ trang đứng sau việc phế truất ông vào năm ngoái.

    Hàng chục binh sĩ bán quân sự trong trang phục kiểm soát bạo loạn đã bao vây Khan – nhà lãnh đạo được yêu thích nhất của Pakistan theo các cuộc thăm dò dư luận – và đưa ông vào một chiếc xe tải màu đen, theo Reuters.

    Bộ trưởng Nội vụ Rana Sanaullah nói với các phóng viên rằng ông Khan đã bị Cục Trách nhiệm Giải trình Quốc gia (NAB) bắt giữ sau khi ông phớt lờ các giấy triệu tập.

    Các nhà chức trách ở ba trong số bốn tỉnh của Pakistan đã áp đặt lệnh khẩn cấp cấm tất cả các cuộc tụ tập sau khi những người ủng hộ ông Khan đụng độ với cảnh sát, chặn các con đường chính ở một loạt thành phố và xông vào các tòa nhà quân sự ở Lahore và Rawalpindi, theo các nhân chứng và video được đảng của ông chia sẻ.

    Bộ trưởng Nội vụ tỉnh Ziaullah Langove cho biết các vụ đụng độ đã giết chết một trong những người biểu tình và làm bị thương 12 người, trong đó có 6 cảnh sát ở thành phố Quetta phía nam.

    Cơ quan giám sát viễn thông của Pakistan nói với Reuters rằng các dịch vụ dữ liệu di động đã bị đình chỉ theo lệnh của bộ nội vụ, trong khi Netblocks, một giám sát internet toàn cầu, cho biết quyền truy cập vào Twitter, Facebook và YouTube đã bị hạn chế.

    Vụ bắt giữ ông Khan diễn ra vào thời điểm người dân Pakistan đang quay cuồng với cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ, với lạm phát cao kỷ lục và tăng trưởng yếu. Gói cứu trợ của Quỹ Tiền tệ Quốc tế đã bị trì hoãn trong nhiều tháng mặc dù dự trữ ngoại hối hầu như không đủ để trang trải nhập khẩu trong một tháng.

    Bộ trưởng Nội vụ Pakistan cho biết vợ chồng ông Khan đã bị cáo buộc nhận đất đai trị giá tới 7 tỷ rupee (24,7 triệu USD) từ một nhà phát triển bất động sản khi còn làm Thủ tướng. Nhà bất động sản này sau cũng đã bị buộc tội rửa tiền ở Anh.

    Ông Sanaullah nói thêm rằng chính quyền Anh đã trả lại 190 triệu bảng Anh (240 triệu USD) cho Pakistan liên quan đến rửa tiền, nhưng ông Khan đã trả lại số tiền này cho nhà bất động sản thay vì giữ nó trong kho bạc quốc gia.

    “Ông Khan bị cáo buộc phạm tội tham nhũng và các hành vi tham nhũng”, NAB cho biết trong một tuyên bố.

    Ông Khan đã phủ nhận mọi hành vi sai trái.

    GEO TV cho biết ông sẽ bị đưa ra trước tòa án chống tham nhũng vào thứ Tư.

    Vụ tham nhũng là một trong số hơn 100 vụ nhằm chống lại ông Khan kể từ khi ông bị lật đổ sau 4 năm cầm quyền. Trong hầu hết các trường hợp, ông Khan sẽ đối mặt với việc bị cấm giữ chức vụ công nếu bị kết tội.

    Trong khi đó, Đảng Pakistan Tehreek-e-Insaf (PTI) của ông Khan kêu gọi những người ủng hộ “đóng cửa Pakistan” sau vụ bắt giữ ông.

    Hàng trăm người ủng hộ ông Khan đã chặn đường ở các thành phố và đường cao tốc lớn trên khắp đất nước, bao gồm cả ở thành phố Lahore, quê hương của Khan và ở tỉnh Khyber-Pakhtunkhwa phía tây bắc, nơi cảnh sát đặt trong tình trạng báo động cao và cấm tụ tập nơi công cộng.

    Người biểu tình cũng chặn các con đường chính ở thành phố cảng Karachi và cảnh sát đã bắn hơi cay vào người biểu tình ở thủ đô Islamabad, theo các nhân chứng của Reuters.

    Những nỗ lực trước đây để bắt ông Khan tại nhà ở Lahore của ông đã dẫn đến xung đột gay gắt giữa những người ủng hộ ông và nhân viên thực thi pháp luật.

    Đấu đá chính trị diễn ra phổ biến ở Pakistan, nơi chưa có thủ tướng nào hoàn thành đủ nhiệm kỳ và quân đội đã cai trị gần một nửa lịch sử của đất nước.

    Các lực lượng vũ trang vẫn là thể chế quyền lực nhất của Pakistan, đã trực tiếp cai trị quốc gia Nam Á này trong gần một nửa lịch sử 75 năm qua ba cuộc đảo chính. Mặc dù có ảnh hưởng lớn, nhưng gần đây họ cho biết họ không còn can thiệp vào chính trị nữa.

    Lê Vy (theo Reuters)

    Lạm phát cao dai dẳng ở Mỹ

    Các ngân hàng trung ương, nhà đầu tư và người tiêu dùng đều muốn lạm phát qua đi. Nhưng lạm phát vẫn chưa buông tha họ. Các số liệu được công bố vào thứ Tư dự kiến cho thấy giá tiêu dùng ở Mỹ tăng 0,4% trong tháng 4 so với một tháng trước đó — đồng nghĩa tốc độ năm 5%, cao hơn gấp đôi mục tiêu 2% của Cục Dự trữ Liên bang.

    Điều đáng lo ngại là lạm phát cơ bản, tức không tính chi phí năng lượng và lương thực, có thể sẽ tăng với tốc độ gần bằng với lạm phát chung. Các dịch vụ như vận chuyển và chăm sóc y tế ngày càng đắt đỏ hơn do thị trường lao động khan hiếm. Giai đoạn giảm giá hàng hóa ngắn ngủi hồi đầu năm có thể đã qua đi.

    Lạm phát cứng đầu làm phức tạp hoá các quyết định của Fed. Nhiều nhà đầu tư cho rằng Fed sẽ ngừng tăng lãi suất do lo ngại về hậu quả từ khủng hoảng ngân hàng. Nhưng với lạm phát vẫn ở mức cao, Fed có thể sẽ phải làm ngược lại.

    Nỗ lực gây quỹ tranh cử của Joe Biden

    Tranh cử tổng thống rất tốn kém. Chiến dịch của Joe Biden từng huy động được hơn 1 tỷ đô la hồi năm 2020 và đang đặt kỳ vọng kêu gọi được nhiều hơn nữa cho chiến dịch năm 2024. Mặc dù còn 18 tháng nữa mới tới bầu cử, nhưng các ứng viên chính thức đã bắt tay vào gây quỹ và phải công bố tổng số tiền thu được cứ ba tháng một lần. Tiền tài trợ cho thấy ứng viên được ủng hộ đến đâu, bên cạnh việc trả tiền cho quảng cáo và các chi phí khác. Do đó, tiền tài trợ cao sẽ giúp tạo động lực cho chiến dịch. Ông Biden, người đã tuyên bố tranh cử vào tháng 4, sẽ công bố kết quả gây quỹ đầu tiên của mình vào ngày 15 tháng 7.

    Buổi gây quỹ tái tranh cử lớn đầu tiên của tổng thống sẽ được tổ chức vào thứ Tư tại New York. Được tổ chức bởi Tony James, một cựu giám đốc điều hành quỹ cổ phần tư nhân, buổi gây quỹ có chi phí tham dự là 25.000 đô la. Nhưng những người bạn tài chính của ông Biden có thể đang lo lắng về lợi tức đầu tư của họ: một cuộc thăm dò do Washington Post công bố vào cuối tuần qua cho thấy tỷ lệ ủng hộ ông Biden đã giảm sáu điểm so với tháng 2 xuống còn 36%. Và, với sự lựa chọn giữa ông Biden hoặc Donald Trump làm tổng thống tiếp theo, cử tri đang nghiêng về lựa chọn thứ hai.

    Syria cải thiện quan hệ với các nước trong khu vực

    Vào thứ Tư, các ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ và Syria sẽ tổ chức hội đàm chính thức lần đầu tiên kể từ khi nội chiến Syria bùng nổ vào năm 2011. Được tổ chức bởi Nga, và bao gồm cả Iran, cuộc họp là một chiến thắng ngoại giao cho chế độ Syria, vốn luôn bị xa lánh cho đến gần đây.

    Cả Recep Tayyip Erdogan, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, và Kemal Kilicdaroglu, đối thủ của ông trong cuộc bầu cử 14 tháng 5, đều muốn cải thiện quan hệ với tổng thống Syria, Bashar al-Assad. Nhiều nhà lãnh đạo Ả Rập cũng đã thiết lập lại quan hệ với Syria. Hôm 7 tháng 5, Liên đoàn Ả Rập đã tái kết nạp nước này sau gần 12 năm bị đình chỉ.

    Cho đến nay, việc chấm dứt cô lập ngoại giao vẫn chưa mang lại cho ông Assad nhiều viện trợ và đầu tư để tái thiết đất nước bị chiến tranh và động đất tàn phá. Ông chắc chắn muốn quan hệ tốt hơn với các nước láng giềng giúp thay đổi điều đó. Nhưng họ lại muốn gửi về Syria ít nhất là một phần của 5 triệu người tị nạn Syria. Vấn đề là rất ít người Syria muốn hồi hương.

    Ukraine chuẩn bị sở hữu tên lửa tầm xa 300km khiến Nga lo sợ

    Viên Minh

    https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2023/05/ntdvn_untitled-1v.jpg


    Một máy bay chiến đấu RAF Tornado GR4 mang theo 2 tên lửa Storm Shadow dưới bụng. (Ảnh: Wikimedia) 

    Nhóm các quốc gia phương Tây do Anh dẫn đầu đang kêu gọi các nhà thầu quốc phòng cấp cho Ukraine tên lửa có tầm tấn công lên tới 300km, vũ khí có thể giúp Kiev thay đổi cục diện chiến sự.

    Theo Reuters, “Quỹ Quốc tế cho Ukraine” – nhóm các quốc gia gồm Anh, Na Uy, Đan Mạch, Hà Lan và Thụy Điển – đang khởi động quá trình tìm kiếm nhà thầu quốc phòng có thể cung cấp cho Ukraine tên lửa có tầm tấn công lên tới 300km.

    London kêu gọi các công ty hãy liên lạc nếu họ có thể cung cấp tên lửa có thể phóng từ đất liền, trên biển hoặc trên không với trọng tải từ 20-490kg. Dù vậy, một quan chức Anh cho biết chưa có quyết định cuối cùng về đề xuất cung cấp vũ khí nói trên. Tuy nhiên, đề xuất này được coi là bước quan trọng để Anh cung cấp tên lửa có tầm bắn xa nhất từ trước tới nay cho Ukraine.

    Các yêu cầu khác với tên lửa bao gồm “xác suất bị đánh chặn thấp”, có thể “thâm nhập phòng không để tăng xác suất tấn công thành công”. Thông báo cho biết các công ty phản hồi sẽ được liên lạc từ ngày 5/6.

    Khi được hỏi về chính sách của Anh trong việc cung cấp máy bay chiến đấu và tên lửa tầm xa cho Ukraine tại một sự kiện ở Mỹ, Ngoại trưởng Anh James Cleverly từ chối nêu chi tiết các kế hoạch cụ thể.

    Tuy nhiên, ông nói điều quan trọng là phải tiếp tục tìm cách “tăng cường và tăng tốc sự hỗ trợ mà chúng tôi dành cho Ukraine”. “Nếu chúng ta đang tiết kiệm đồ để sử dụng cho ngày mưa thì bây giờ là ngày mưa”, ông nói.

    Truyền thông phương Tây nhận định thông số kỹ thuật và năng lực mẫu vũ khí mà Anh nêu trong đề xuất phù hợp với Storm Shadow/SCALP EG, mẫu tên lửa hành trình phóng từ máy bay do Anh và Pháp hợp tác phát triển. 

    https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2023/05/ntdvn_2560px-raf-museum-colindale-london-dsc06025.jpeg


    Storm Shadow/SCALP EG có vận tốc tối đa 1.000 km/h, đánh trúng mục tiêu ở khoảng cách 250-560 km tùy biến thể. Một nguyên mẫu tên lửa Shadow/SCALP. (Ảnh: Wikimedia) 

    Nếu tên lửa có tầm tấn công 300km được chuyển cho Ukraine, đây sẽ là một bước ngoặt trong nỗ lực viện trợ quân sự cho Kyiv. Trước đó, phương Tây nhiều lần khước từ cung cấp các tổ hợp tên lửa chiến thuật (ATACMS) có tầm bắn lên tới 300km cho quân đội Ukraine. Lý do của phương Tây đưa ra là họ lo ngại các khí tài tầm xa sẽ được sử dụng để tấn công vào lãnh thổ Nga, diễn biến có thể làm leo thang xung đột và có khả năng dẫn đến Thế chiến III.

    Yuriy Sak, cố vấn của bộ trưởng Quốc phòng Ukraine, cho hay Kyiv không có thông tin cụ thể về thông báo của Quỹ Quốc tế cho Ukraine, nhưng Kyiv đã liên tục kêu gọi phương Tây cung cấp vũ khí tầm xa trong nhiều tháng.

    Ông nói: “Chúng tôi sẽ hoan nghênh nếu Vương quốc Anh đảm nhận vai trò dẫn đầu trong việc cung cấp tên lửa tầm xa, giống cách họ đã làm với xe tăng chiến đấu chủ lực Challenger 2”.

    Nếu sở hữu vũ khí tấn công tầm xa hơn, Ukraine có thể nhằm vào mục tiêu nằm sâu trong khu vực mà Nga đang kiểm soát. Moscow sẽ khó đáp trả hơn vì đối phương phóng tên lửa ở khoảng cách hàng trăm km.

    Mỹ đã cung cấp một số Tổ hợp Pháo phản lực Cơ động cao (HIMARS) kèm rocket MLRS có tầm bắn 80 km cho Ukraine, đồng thời dự kiến chuyển rocket GLSDB với tầm bắn 160 km vào cuối năm nay.

    Tuy nhiên, Washington nhiều lần từ chối chuyển giao tên lửa đạn đạo ATACMS có thể phóng từ HIMARS, với tầm bắn 300 km tương tự Storm Shadow/SCALP EG, do lo ngại Ukraine dùng chúng tập kích mục tiêu nằm sâu trong lãnh thổ Nga và khiến chiến sự leo thang.

    Truyền thông Mỹ dẫn các nguồn thạo tin trong chính quyền nước này cho biết, Ukraine dường như đã gửi cho Mỹ danh sách đầy đủ về những mục tiêu của Nga mà họ dự định có thể nhắm tới. Động thái này được xem nhằm bảo đảm Kyiv sẽ không sử dụng vũ khí của Washington tấn công vào trong lãnh thổ Nga, theo giới quan sát.

    Trong cuộc họp với các đồng minh tại Hội nghị An ninh Munich ở tháng 2, Thủ tướng Anh Rishi Sunak kêu gọi các bên tăng hỗ trợ cho Ukraine, thay vì lo ngại kho dự trữ vũ khí của mình cạn kiệt.

    “Những kho dự trữ này có mục đích gì? Nếu số vũ khí đó làm suy yếu lực lượng vũ trang Nga, chúng sẽ tăng cường an ninh của chúng ta”, ông Sunak nói. “Anh sẽ là quốc gia đầu tiên cung cấp vũ khí tầm xa cho Ukraine”.

    Một số tài liệu của Mỹ bị rò rỉ gần đây cho biết tình báo nước này nhận định Anh sẽ chuyển cho Ukraine một số tên lửa Storm Shadow/SCALP EG, cũng như triển khai binh sĩ tới hỗ trợ lực lượng Ukraine sử dụng loại tên lửa này.

    Anh là quốc gia viện trợ quân sự cho Ukraine nhiều thứ hai sau Mỹ, với lượng vũ khí trị giá khoảng 2,5 tỷ USD. Giới chức Anh hồi tháng 1 thông báo chuyển 14 xe tăng Challenger 2 cho Ukraine, động thái mở đường cho Mỹ, Đức và một số quốc gia khác viện trợ xe tăng chủ lực tới Kyiv.

    Viên Minh (Tổng hợp)

    Mỹ kêu gọi WHO mời Đài Loan quan sát cuộc họp tháng 5 

    10/5/2023 

    Reuters 


    Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken.


    Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken. 

    Hoa Kỳ khuyến khích Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) mời Đài Loan làm quan sát viên tại cuộc họp thường niên của tổ chức này ở Geneva từ ngày 21-30 tháng 5, Ngoại trưởng Antony Blinken cho biết hôm 9/5, trong một phát biểu bị Trung Quốc phản đối, theo Reuters.

    Trung Quốc, vốn coi Đài Loan là một tỉnh của mình, bắt đầu ngăn cản Đài Loan tham gia cuộc họp thường niên của WHO từ năm 2017, trong một chiến dịch ngoại giao nhằm cô lập hòn đảo tự trị dân chủ này.

    Ông Blinken nói trong một tuyên bố: “Việc mời Đài Loan làm quan sát viên sẽ minh họa cho cam kết của WHO đối với cách tiếp cận toàn diện ‘sức khỏe cho mọi người’ trong hợp tác y tế quốc tế”.

    Ông nói thêm rằng Hoa Kỳ ủng hộ sự tham gia này của Ðài Loan phù hợp với chính sách một Trung Quốc của Washington.

    Trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Đài Loan cảm ơn Hoa Kỳ ủng hộ mạnh mẽ việc tham gia của họ, đồng thời nói thêm rằng việc loại trừ hòn đảo này sẽ “hoàn toàn vượt quá lý do” và gây tổn hại cho hợp tác y tế toàn cầu.

    Bị loại khỏi hầu hết các tổ chức toàn cầu do sự phản đối của Bắc Kinh, Đài Loan nói rằng việc họ bị loại khỏi WHO đã cản trở nỗ lực chống lại đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, Đài Loan được phép tham dự một số cuộc họp kỹ thuật của WHO.

    Tại Bắc Kinh, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết các bình luận của Hoa Kỳ khiến công chúng bối rối và kêu gọi nước này tránh sử dụng cuộc họp của WHO để “thổi phồng” các vấn đề liên quan đến Đài Loan.

    “Sự tham gia của Đài Loan vào các hoạt động của các tổ chức quốc tế, bao gồm cả WHO, phải được xử lý theo nguyên tắc một Trung Quốc,” ông Uông Văn Bân nói trong một cuộc họp báo thường kỳ hôm 10/5.

    “Chúng tôi một lần nữa kêu gọi phía Hoa Kỳ tuân thủ nguyên tắc một Trung Quốc và các điều khoản của ba thông cáo chung Trung-Mỹ,” ông Uông nói, thúc giục Hoa Kỳ thực hiện các cam kết của các nhà lãnh đạo không ủng hộ “sự độc lập của Đài Loan”.

    Thủ tướng Trudeau: Canada sẽ không bị đe dọa bởi sự trả đũa của Trung Quốc 

    10/5/2023 


    Reuters 


    Thủ tướng Canada Justin Trudeau.


    Thủ tướng Canada Justin Trudeau. 

    Thủ tướng Justin Trudeau hôm thứ Ba (9/5) cho biết Canada sẽ không bị Trung Quốc đe dọa sau các vụ trục xuất ngoại giao ăn miếng trả miếng của Ottawa và Bắc Kinh, theo Reuters.

    Ottawa trục xuất nhà ngoại giao Trung Quốc Zhao Wei (Triệu Nguy) hôm thứ Hai (8/5) vì những cáo buộc liên quan đến sự can thiệp của nước ngoài, và vài giờ sau, Bắc Kinh yêu cầu một nhà ngoại giao Canada ở Thượng Hải rời khỏi Trung Quốc trước ngày 13/5 để đáp lại cái mà họ gọi là “hành động vô lý” của Ottawa.

    “Chúng tôi hiểu rằng có sự trả đũa, nhưng chúng tôi sẽ không bị đe dọa, chúng tôi sẽ tiếp tục làm mọi thứ cần thiết để bảo vệ người dân Canada khỏi sự can thiệp của nước ngoài,” ông Trudeau nói với các phóng viên ở Ottawa.

    Nguồn cung lúa mì và dầu thực vật toàn cầu đang khan hiếm do chiến tranh Ukraine, điều này có thể khiến Trung Quốc gặp khó khăn trong việc hạn chế nhập khẩu lúa mì và cải dầu của Canada.

    Ông Tyler McCann, giám đốc điều hành của Viện Chính sách Lương thực Nông nghiệp Canada, cho biết: “Với Trung Quốc, luôn có nguy cơ” bị trả đũa. “(Nhưng) có vẻ như chính phủ Trung Quốc nhạy cảm hơn về an ninh lương thực so với những năm trước và điều đó có thể giảm thiểu rủi ro”.

    Trung Quốc “đã có một phản ứng rất thận trọng”, ông Guy Saint-Jacques, cựu đại sứ Canada tại Trung Quốc, cho biết trong một cuộc phỏng vấn được phát sóng trên đài Canadian Broadcasting Corp. Ông cho biết Trung Quốc có thể phản ứng bằng cách trục xuất một hoặc nhiều quan chức cấp cao hơn.

    Ông Saint-Jacques cũng cho biết ông không nghĩ Trung Quốc sử dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế vì Bắc Kinh đang cố gắng trấn an các công ty nước ngoài rằng họ có thể làm ăn việc ở Trung Quốc sau khi các hạn chế hà khắc về COVID-19 được dỡ bỏ.

    Năm nay, Bắc Kinh trải thảm đỏ đón các nhà lãnh đạo phương Tây, bao gồm cả Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, và Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường đã liên hệ với các nhà lãnh đạo doanh nghiệp để đảm bảo với họ rằng đất nước hiện đang mở cửa cho hoạt động kinh doanh.

    Ông Saint-Jacques nhận định thêm rằng Bắc Kinh đang ra sức “quyến rũ (để) thuyết phục các doanh nghiệp nước ngoài quay lại Trung Quốc đầu tư”. Ông nói: “Vì vậy, áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với Canada ở giai đoạn này sẽ gửi một thông điệp rất xấu đến các công ty nước ngoài”.


    Không có nhận xét nào