Võ Thái Hà tổng hợp
Hạ viện Mỹ thông qua dự luật siết chặt an ninh biên giới
12/5/2023
Biên giới Mỹ- Mexico.
Hạ viện Mỹ ngày 11/5 phê chuẩn dự luật do bên đảng Cộng hòa đề xướng nhằm ngăn chặn di dân và ma túy bất hợp pháp đi vào Hoa Kỳ qua đường biên giới phía tây nam giáp với Mexico.
Dự luật đề ra những giới hạn chặt chẽ đối với những người tới Mỹ xin tị nạn và đòi hỏi họ phải nộp đơn xin tị nạn Mỹ từ bên ngoài lãnh thổ Hoa Kỳ.
Dự luật này cũng sẽ cho tái tục xây một bức tường dọc theo biên giới và mở rộng các nỗ lực thực thi luật pháp liên bang. Đảng Dân chủ cảnh báo dự luật này sẽ bị chặn tại Thượng viện.
Hạ viện đã bỏ phiếu với tỷ lệ 219-213 để thông qua dự luật vừa kể, không có đảng viên Dân chủ nào ủng hộ. Có một đảng viên Cộng hòa phản đối.
Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Hạ viện Jim Jordan nói: “Thành tố quan trọng của dự luật này nằm ở chỗ chúng ta nhấn mạnh ‘Nếu quý vị đến đất nước của chúng tôi, theo luật, quý vị sẽ được nộp đơn xin tị nạn... nhưng quý vị sẽ bị giam giữ hoặc sẽ bị trả về trong khi đơn xin của quý vị được xét duyệt’.”
Cuộc bỏ phiếu diễn ra giữa bối cảnh điều luật 42 hết hạn. Điều luật này được áp dụng dưới thời cựu Tổng thống Trump vào năm 2020 khi đại dịch COVID bắt đầu hoành hành tại Mỹ, cho phép nhà chức trách Mỹ trục xuất di dân về lại Mexico mà không cho họ cơ hội xin tị nạn, với lý do lo ngại sức khỏe cộng đồng.
Các quan chức ở biên giới tây nam đã chứng kiến những dòng di dân khổng lồ kéo tới đây trong những ngày cuối cùng trước khi điều luật 42 hết hạn.
Mặc dù dự luật của Hạ viện dự kiến sẽ không tới được bàn của Tổng thống Joe Biden để ông ký thành luật, nhưng vẫn có hy vọng tại Thượng viện rằng nó sẽ châm ngòi cho các cuộc đàm phán về một biện pháp cải cách nhập cư và an ninh biên giới toàn diện, lưỡng đảng trong những tháng tới.
Thượng nghị sĩ độc lập Krysten Sinema nói với báo giới trước cuộc bỏ phiếu tại Hạ viện rằng dự luật của đảng Cộng hòa sẽ mở đường cho việc hình thành một văn bản luật cuối cùng để giải quyết không chỉ vấn đề an ninh biên giới mà cả những cải cách đối với hệ thống tị nạn của Hoa Kỳ và cách thức cấp thị thực.
Trong ba thập niên qua, những cải cách nhập cư có ý nghĩa đã không thành công tại Quốc hội. Trong khi ông Biden chuẩn bị tái tranh cử vào năm tới, tình trạng di dân bất hợp pháp ngày càng đổ về biên giới Mỹ đang khiến cử tri chú ý.
Một cuộc thăm dò của Reuters/Ipsos được công bố trong tuần này cho thấy 54% số người được hỏi, bao gồm 77% đảng viên Cộng hòa và 34% đảng viên Dân chủ, phản đối việc mở cửa biên giới cho nhiều di dân hơn mỗi năm. Chỉ 26% cho biết họ tán thành cách xử lý của ông Biden trong vấn đề nhập cư.
Mexico hợp tác với Mỹ đề phòng ‘hỗn loạn’ tại biên giới do làn sóng di dân
12/5/2023
Tổng thống Mexico cho biết chính quyền của ông đã quyết định đưa Vệ binh Quốc gia Mexico tới biên giới giáp ranh Mỹ và họ đã được lệnh không sử dụng vũ lực đối với di dân.
Mexico đang hợp tác với Hoa Kỳ để tránh ‘hỗn loạn’ và ‘bạo lực’ trên đường biên giới Mỹ-Mexico khi điều luật 42 ngăn cản di dân vì lý do COVID hết hạn, Tổng thống Mexico Andres Manuel Lopez Obrador loan báo ngày 11/5.
Kể từ năm 2020, điều luật 42 ngăn không cho hàng trăm ngàn di dân bị chặn bắt ở biên giới được xin tị nạn. Điều luật này sẽ kết thúc tối 11/5 và được thay thế bằng các quy tắc mới khó khăn hơn.
Sau cuộc điện đàm với Tổng thống Mexico, Tổng thống Mỹ Joe Biden đầu tuần này dự đoán biên giới chung giữa hai nước sẽ ‘hỗn loạn’ trong một thời gian khi các quy định thay đổi. Một số di dân đã vội vã băng vào lãnh thổ Mỹ trước khi các quy định mới bắt đầu có hiệu lực.
Tổng thống Mexico cho hay giới hữu trách đang nỗ lực ở miền nam Mexico để ‘bảo vệ’ di dân trong bối cảnh gia tăng những kẻ buôn người mời chào đưa di dân qua Mỹ với giá cắt cổ, với hứa hẹn rằng biên giới đang mở cửa.
Tổng thống Mexico cho biết chính quyền của ông đã quyết định đưa Vệ binh Quốc gia Mexico tới biên giới giáp ranh Mỹ và họ đã được lệnh không sử dụng vũ lực đối với di dân.
Ông Lopez Obrador cũng thúc giục ông Biden áp dụng các chính sách ‘láng giềng tốt’ và hợp tác với các quốc gia như Cuba và Venezuela để công dân của họ không phải di cư. Tổng thống Mexico lâu nay đã thúc đẩy Mỹ đầu tư nhiều hơn vào khu vực để giải quyết các nguyên nhân gốc rễ của tình trạng di cư.
Đối phó với di dân bất hợp pháp đang tràn vào biên giới, Mỹ ra quy định mới
Liên Thành
Những người tị nạn lội qua sông Rio Grande đến El Paso, Texas, năm 2022. (Ảnh: CNN).
Theo Reuters, chính phủ Hoa Kỳ ngày 10/5 đưa ra một quy định mới mà qua đó sẽ từ chối tị nạn đối với hầu hết những di dân vượt biên giới Hoa Kỳ – Mexico bất hợp pháp, một phần quan trọng trong việc thực thi kế hoạch của Tổng thống Joe Biden giữa lúc điều luật 42 vốn hạn chế di dân vào biên giới Mỹ thời đại dịch hết hạn vào ngày 11/5.
Theo quy định mới, những di dân đến biên giới Mỹ sẽ không đủ điều kiện xin tị nạn – nếu họ đã đi qua các nước khác mà không xin tị nạn trước, hoặc không dùng các con đường hợp pháp để nhập cảnh vào Hoa Kỳ.
Bộ trưởng An ninh Nội địa Alejandro Mayorkas cho biết quy định mới sẽ mang lại những hậu quả khắc nghiệt hơn cho những người vượt biên trái phép. Thay vì nhanh chóng bị trục xuất về Mexico, họ có thể bị trục xuất và bị cấm nhập cảnh Mỹ trong 5 năm nếu không đủ điều kiện xin tị nạn.
“Chúng tôi nói rất rõ ràng rằng biên giới của chúng tôi không mở cửa, việc vượt biên trái quy định là phạm pháp và những người không đủ điều kiện được cứu giúp sẽ nhanh chóng bị trả về”, ông Mayorkas nhấn mạnh trong một cuộc họp báo ở Washington.
Ông đổ lỗi cho Quốc hội vì đã không thông qua cải cách di trú có ý nghĩa “trong hơn hai thập niên”, đồng thời nói thêm rằng các nhà lập pháp đã không cung cấp kinh phí theo yêu cầu của chính quyền Biden cho các nhân viên biên giới, cơ sở vật chất và phương tiện đi lại.
Chính quyền ông Biden hiện đang vật lộn với sự gia tăng kỷ lục các cuộc vượt biên trái phép bởi chính sách nới lỏng biên giới của ông so với người tiền nhiệm Donald Trump. Di dân tuần này đã tập trung đông đảo ở Mexico trong khi những người đã vào được lãnh thổ Mỹ đang gây căng thẳng cho các thành phố biên giới.
Theo Reuters, một số di dân đang tranh nhau vào Mỹ trước khi quy định mới có hiệu lực.
Ông Brandon Judd, chủ tịch hiệp hội các nhân viên tuần tra biên giới cho biết, trong hai ngày 8 và 9 tháng Năm, mỗi ngày có hơn 10.000 di dân đã bị bắt khi vượt biên giới Mỹ-Mexico bất hợp pháp. Con số này đã vượt con số ước đoán của một quan chức biên giới hồi tháng trước một khi điều luật 42 chấm dứt.
TT Zelensky ký sắc lệnh thành lập hai chính quyền quân sự ở vùng Kherson
Tạ Linh
TT Zelensky ký sắc lệnh thành lập hai chính quyền quân sự ở vùng Kherson (ảnh từ Tweet).
Ngày 11/5, tờ Interfax đưa tin, Tổng thống Ukraina – ông Volodymyr Zelenskyy đã ký sắc lệnh thành lập thêm hai chính quyền quân sự ở vùng Kherson.
Sắc lệnh liên quan số 268 đã được công bố trên trang web của tổng thống.
Sắc lệnh viết: “Theo Luật pháp Ukraina ‘Về chế độ pháp lý của thiết quân luật’, Ukraina sẽ thành lập chính quyền quân sự làng Vynohradiv của quận Kherson thuộc vùng Kherson; và chính quyền quân sự thành phố Skadov của quận Skadovsky thuộc vùng Kherson”.
Tổng thống Ukraina cũng chỉ thị cho Bộ Tổng tham mưu Lực lượng vũ trang Ukraina, Cơ quan quản lý nhà nước khu vực Kherson thực hiện các yêu cầu liên quan đến việc thành lập chính quyền quân sự theo luật ‘Về chế độ pháp lý của thiết quân luật’.
Quyết định có hiệu lực từ ngày 10 tháng 5.
Wagner bực tức ở tiền tuyến: ‘Kẻ thù của chúng ta không phải Ukraina mà là bộ máy quan liêu Nga’
Liên Thành
Lãnh đạo tập đoàn quân sự Wagner – Yevgeny Prigozhin. (Ảnh: Telegram).
Vào thứ Ba (ngày 9 tháng 5), nhà lãnh đạo Wagner đã công bố một bài chỉ trích trên tài khoản mạng xã hội của mình, một lần nữa công kích rằng sự ủng hộ của Wagner bởi giới lãnh đạo quân đội Nga không đủ để không giữ được tuyến phòng thủ gần Bakhmut. Vào ngày hôm đó, Quảng trường Đỏ ở Matxcova đang ăn mừng chiến thắng từ Thế chiến Đệ nhị.
Theo tờ Da Yi Yuan, người sáng lập và nhà tài chính của Quân đoàn Wagner, ông Yevgeny Prigozhin đã chỉ trích việc quân đội Nga tập trung vào cuộc diễu hành Ngày Chiến thắng, diễn ra ngay khi cuộc phản công của Ukraine sắp xảy ra.
Ông Prigozhin nói: “Hôm nay (thứ Ba), một đơn vị của Bộ Quốc phòng (Nga) đã trốn thoát khỏi một trong các sườn của chúng tôi, từ bỏ mặt trận của họ. Tất cả đều bỏ chạy, để lại mặt trận rộng gần 2 km và sâu 500m, cắt đứt sườn theo hướng Bakhmut và tập hợp lại ở Zaporozhia”.
“Và cuộc phản công của (Ukraina) sắp bắt đầu”, ông phàn nàn trong một video đăng trên mạng xã hội hôm thứ Ba, rằng người Nga nên chú ý nhiều hơn đến những gì đang xảy ra ở Ukraina hơn là cuộc duyệt binh Ngày Chiến thắng trên truyền hình.
Ông nói: “Họ (Ukraina) đã nói hoàn toàn rõ ràng rằng cuộc phản công sẽ diễn ra trên mặt đất, không phải trên TV”. Nhà sáng lập Wagner tiếp tục rằng Ngày Chiến thắng thuộc về thế hệ trước.
Tổng thống Nga Vladimir Putin, phát biểu tại lễ kỷ niệm Ngày Chiến thắng trên Quảng trường Đỏ hôm thứ Ba, một lần nữa đổ lỗi cho “giới tinh hoa toàn cầu phương Tây”.
Nhà lãnh đạo Nga nói: “Tổ quốc của chúng ta đang trong một cuộc chiến thực sự”.
Ông Putin cho biết cả nước Nga đang cầu nguyện cho những “anh hùng” ở tiền tuyến, và kết thúc bằng việc kêu gọi mọi người “hãy tung hô chiến thắng cho nước Nga, cho các lực lượng vũ trang anh hùng của chúng ta!”
Còn ông Prigozhin nói: “Ngày Chiến thắng là chiến thắng của tổ tiên chúng ta. Chúng ta đã không giành được chiến thắng này, dù chỉ một milimet”.
Ông tiếp tục phàn nàn rằng các chiến binh Wagner lẽ ra đã có thể chiếm được thành phố Bakhmut, nơi đã bị bao vây trong nhiều tháng, nếu họ được cung cấp đủ đạn dược, nhưng Matxcova đã không thực hiện được lời hứa ban đầu.
Ông nói: “Chúng tôi đã được hứa vào ngày 7 tháng 5 rằng chúng tôi sẽ nhận được đạn dược, nhưng hóa ra là chúng tôi chỉ đơn giản là bị lừa dối một cách trắng trợn”.
Vào sáng thứ Hai (8/5), Prigozhin cho biết Matxcova đã ra lệnh cung cấp cho Wagner “mọi thứ” mà họ muốn. Tuy nhiên, sau đó họ chỉ nhận được “10% những gì được yêu cầu”.
Người sáng lập Wagner tiếp tục nói rằng Tổng tham mưu trưởng Nga, Valery Gerasimov, phải chịu trách nhiệm về quyết định này.
Ông nói: “Sáng nay, đích thân tham mưu trưởng đã sửa tất cả các con số và giảm xuống 10%. Nó rất tệ. Nếu nó tiếp tục như thế này, chúng tôi sẽ không thể chiến đấu. Nếu tất cả các nhiệm vụ đều nhằm đánh lừa Tổng tư lệnh, thì hoặc Tổng chỉ huy sẽ xé xác bạn, hoặc người dân Nga sẽ rất đau buồn nếu thất bại trong cuộc chiến”.
Prigozhin nói thêm rằng các chiến binh của ông sẽ không rời Bachmut, họ sẽ “giữ vững thêm vài ngày nữa”.
Ông nói: “Kẻ thù của chúng ta ngày nay không phải là AFU (Lực lượng vũ trang Ukraina), mà là bộ máy quan liêu của Nga. Đạn pháo đang nằm ngủ trong các nhà kho. Ngành công nghiệp đang sản xuất những nguồn dự trữ này, không giao chúng cho quân đội mà tích trữ chúng trong các nhà kho”.
“Họ không giết đạn pháo, họ giết những người lính của chúng ta”, ông nói.
‘Hãy ngoan ngoãn và Sa hoàng sẽ ban ân huệ cho bạn’: Nhà tuyên truyền Nga nhắn nhủ đến Georgia
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã dỡ bỏ lệnh cấm bay và áp dụng chính sách thị thực mới đối với Georgia. Nhà tuyên truyền nổi tiếng nhất của Nga, Sergey Mardan, coi động thái này là một trong những hành động nhân từ của tổng thống Putin, ban tặng phần thưởng cho người dân Georgia ngoan ngoãn. (Ảnh: SPUTNIK AFP).
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã dỡ bỏ lệnh cấm bay và áp dụng chính sách thị thực mới đối với Georgia, quốc gia mà Nga đã từng có một cuộc chiến tranh ngắn vào năm 2008.
Theo một sắc lệnh được Điện Kremlin công bố hôm thứ Tư, ông Putin đã áp dụng chính sách đi lại miễn thị thực trong 90 ngày cho công dân Georgia bắt đầu từ ngày 15 tháng Năm.
Một trong những nhà tuyên truyền nổi tiếng nhất của Nga, Sergey Mardan, coi động thái này là một trong những hành động nhân từ của tổng thống Putin, ban tặng phần thưởng cho người dân Georgia ngoan ngoãn.
Sergey Mardan viết trên kênh Telegram của mình rằng: “Người Georgia đã được miễn thị thực và du lịch hàng không đã được mở. Hãy ngoan ngoãn và sa hoàng Nga sẽ ban ân huệ cho bạn”.
Đồng thời với việc áp dụng chính sách thị thực mới, Nga đã dỡ bỏ lệnh cấm bay từ Nga đến Georgia đối với các hãng hàng không của mình. Kết nối hàng không trực tiếp giữa Nga và Georgia đã bị đình chỉ vào mùa hè năm 2019, sau khi bắt đầu các cuộc biểu tình chống Nga ở Tbilisi.
Tổng thống Georgia Salome Zourabichvili hôm thứ Tư đã chỉ trích quyết định của Matxcova, lên án động thái này là một “sự khiêu khích” mới. Tuy nhiên, chính phủ Georgia, không giống như tổng thống, tuyên bố ủng hộ quyết định nối lại hàng không của Nga.
Vị trí của Tổng thống Zourabichvili chủ yếu mang tính nghi lễ và bà đã nhiều lần cáo buộc đảng Giấc mơ Gruzia cầm quyền có quan hệ mật thiết với Matxcova.
Động thái quân sự gây chú của Trung Quốc gần căn cứ Mỹ
Liên Thành
Máy bay chiến đấu J-15 của Trung Quốc cất cánh từ tàu sân bay Sơn Đông trong cuộc tập trận chiến đấu của PLA quanh Đài Loan. (Ảnh: Xinhua qua AP).
SCMP đưa tin, lực lượng tên lửa của quân đội Trung Quốc đã cùng nhóm tác chiến tàu sân bay Sơn Đông tập trận gần căn cứ hải quân Mỹ ở đảo Guam.
Theo Đài truyền hình nhà nước Trung Quốc (CCTV), nhóm tàu sân bay Sơn Đông vừa kết thúc cuộc tập trận kéo dài gần 30 ngày ở khu vực phía tây Thái Bình Dương, bao gồm các hoạt động tập trận chung có hệ thống chưa từng có với sự tham gia của lực lượng tên lửa và các nhóm tác chiến khác.
Cuộc tập trận diễn ra cách đảo Guam 741km về phía tây bắc vào tháng trước, với sự tham gia của tàu sân bay Sơn Đông, tàu khu trục Type 055, hai tàu khu trục Type 052D, hai tàu hộ vệ Type 054A và một tàu tiếp tế Type 901.
Mặc dù các cuộc tập trận của hải quân Trung Quốc gần đảo Guam không phải là hiếm, nhưng một số nhà phân tích cho rằng việc tiết lộ lực lượng tên lửa tham gia tập trận cho thấy chiến lược răn đe của quân đội Trung Quốc.
Theo các nhà phân tích, động thái này nhằm nhấn mạnh năng lực ngày càng được tăng cường của quân đội Trung Quốc đối với các cuộc tấn công chính xác vào các mục tiêu trên biển hoặc các căn cứ hải quân bên ngoài cái gọi là chuỗi đảo phòng vệ thứ nhất. Chuỗi đảo này bao gồm các đảo chạy từ Nhật Bản, Đài Loan, Philippines.
Theo Zhou Chenming, nhà nghiên cứu từ Viện Khoa học và công nghệ quân sự Yuan Wang ở Bắc Kinh, cuộc tập trận nhằm kiểm tra khả năng tấn công chính xác của tên lửa đạn đạo chống hạm dòng Dongfeng của Trung Quốc ở trên biển.
Chuyên gia Zhou nhận định, thông tin về cuộc tập trận do CCTV tiết lộ có thể được coi là một phần trong “sự răn đe chiến lược” của quân đội Trung Quốc, cảnh báo Mỹ và các đồng minh về khả năng tấn công được tăng cường của họ khi căng thẳng gia tăng ở eo biển Đài Loan.
Cuộc tập trận mới nhất của Trung Quốc diễn ra sau cuộc tập trận “Joint Sword” vào đầu tháng trước của Bộ Tư lệnh Chiến khu phía Đông, lực lượng giám sát khu vực eo biển Đài Loan, ngay sau khi nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn gặp Chủ tịch Hạ viện Mỹ trong một điểm dừng quá cảnh ở California.
Nhà quan sát quân sự Antony Wong Tong tại Macau cho biết bản tin của CCTV nhằm gây ấn tượng với Mỹ rằng, lực lượng tên lửa của Trung Quốc có khả năng tấn công đảo Guam bằng tên lửa đạn đạo tiên tiến DF-26 với sự hỗ trợ của tàu sân bay. Tên lửa DF-26 là phiên bản cải tiến của tên lửa “sát thủ tàu sân bay” DF-21 của quân đội Trung Quốc, có tầm bắn 4.000km và có khả năng tấn công đảo Guam từ Trung Quốc đại lục.
“Đây là lý do Mỹ chuẩn bị nâng cấp các hệ thống phòng thủ tên lửa trên đảo Guam với khả năng bảo vệ toàn diện hơn”, chuyên gia Wong nói, đề cập đến các kế hoạch gần đây của Ngũ Giác Đài đầu tư 1,5 tỷ USD vào hệ thống phòng thủ trên không và hệ thống tên lửa mới trên đảo.
Ukraina bắn hạ 7 UAV, tấn công 8 sở chỉ huy và 13 khu vực tập trung quân nhân của Nga
Tạ Linh
Ảnh: Tổng tham mưu lực lượng vũ trang Ukraine.
Vào ngày 11 tháng 5, Tổng tham mưu Lực lượng Vũ trang Ukraina cho biết trên Facebook rằng, vào ngày thứ 442 của cuộc xâm lược toàn diện của Nga, các lực lượng Nga đã tiến hành hơn 30 cuộc tấn công vào các mặt trận Lyman, Bakhmut, Avdiivka và Marinka. Trong khi đó, Lực lượng Phòng vệ Ukraina đã thực hiện 13 cuộc không kích vào các thiết bị quân sự của Nga và triển khai pháo binh tấn công 8 sở chỉ huy và 13 cụm quân nhân Nga.
Trích dẫn từ Bộ Tổng tham mưu: “Trong ngày hôm nay, các lực lượng Nga đã thực hiện sáu cuộc tấn công bằng tên lửa, bao gồm các cuộc tấn công vào các thành phố Sloviansk, Kostiantynivka và Zaporizhzhia. Họ cũng tiến hành 46 cuộc không kích và triển khai các hệ thống tên lửa đa phóng (MLRS) để tiến hành 69 cuộc tấn công tiếp theo vào các vị trí của lực lượng Ukraina và các khu định cư dân sự.
Thật không may, đã có dân thường thương vong, và một số tòa nhà dân cư cũng như các cơ sở hạ tầng hành chính và dân sự khác đã bị hư hại”.
Tuy nhiên Ukraina cũng đã bắn hạ 7 UAV Nga. Các đơn vị Lực lượng Tên lửa và Pháo binh Ukraina đã tấn công 8 sở chỉ huy của Nga, 13 khu vực tập trung quân nhân và thiết bị của Nga, một kho đạn dược, một kho chứa nhiên liệu và dầu nhờn, 5 đơn vị pháo binh dã chiến, một hệ thống phòng không và hai mục tiêu quan trọng khác.
Trích dẫn từ Bộ Tổng tham mưu: “Các lực lượng địch đang tiếp tục tập trung các nỗ lực chính của chúng vào các mặt trận Lyman, Bakhmut, Avdiivka và Marinka. Trong ngày, các lực lượng địch đã tiến hành hơn 30 cuộc tấn công vào các mặt trận này. Giao tranh ác liệt vẫn tiếp tục ở các mặt trận Bakhmut và Marinka”.Trên mặt trận Sivershchyna và Slobozhanshchyna, lực lượng Nga đang tiếp tục duy trì sự hiện diện tại các khu vực gần biên giới Nga-Ukraina.
Trong suốt cả ngày, họ tiến hành các cuộc không kích vào các khu vực lân cận Krasnyi Khutir, Krenydivka, Znob-Novhorodske và Uralove và triển khai súng cối, pháo binh để bắn vào Odradne, Dvorichanske, Kamianka, Topoli,.. vv..
Ở mặt trận Lyman, các lực lượng Nga đã tiến hành các chiến dịch tấn công ở khu vực lân cận Rừng Serebrianske nhưng không thành công và tiến hành một cuộc không kích vào Spirne.
Ở mặt trận Bakhmut, các lực lượng Nga đang tiếp tục thực hiện các chiến dịch tấn công. Giao tranh ở Bakhmut vẫn tiếp tục. Trong suốt cả ngày, quân đội Nga đã không thành công trong việc tiến tới khu định cư Stupochky và tiến hành các cuộc không kích vào Bakhmut, Kurdiumivka và New-York.
Các lực lượng Nga đã tiến hành các chiến dịch tấn công không thành công ở vùng lân cận Avdiivka trên mặt trận Avdiivka và nã pháo vào Novokalynove, Berdychi, Stepove, Avdiivka, Sieverne, vv..
Ở mặt trận Marinka, Lực lượng Phòng vệ Ukraina đã đẩy lùi nhiều cuộc tấn công của Nga gần thành phố Marinka. Hostre, Herohiivka, Marinka và Pobieda ở Donetsk đã bị Nga bắn.
Lực lượng Nga đang ở thế phòng thủ trên mặt trận Zaporizhzhia và Kherson. Họ tiến hành các cuộc không kích vào các khu vực trong và xung quanh Mala Tokmachka, Omelnyk và Kizomys.
Các lực lượng Nga cũng tấn công nhiều khu định cư nằm gần đường liên lạc, bao gồm Vremivka và Novopil (thuộc vùng Donetsk) cùng Olhivske, Huliaipole, Zaliznychne, Huliaipilske và Bilohiria,vv..
Hội An
Hàng loạt thống đốc Nga cáo buộc Ukraina tấn công vào kho dầu, cơ sở năng lượng
Ảnh minh họa.
Alexander Bogomaz – thống đốc vùng Bryansk của Nga, vào hôm 11/5 cho biết, một máy bay không người lái của Ukraina đã tấn công một kho dầu thuộc sở hữu của công ty dầu mỏ nhà nước Nga Rosneft.
Kho chứa dầu nằm ở thị trấn Klintsy, cách biên giới với tỉnh Chernihiv của Ukraina khoảng 80 km.
Theo ông Bogomaz, cuộc tấn công đã làm hư hại nền móng của kho và bể chứa dầu. Không có thương vong được báo cáo.
Trong những tuần gần đây, ngày càng có nhiều báo cáo về các cuộc tấn công vào mạng lưới đường sắt và nhà máy lọc dầu trên lãnh thổ Nga.
Trước đó, ông Bogomaz cũng đã báo cáo về vụ tấn công vào một tòa nhà hành chính ở Starodub vào ngày 10/5, trong khi hãng truyền thông Nga Baza viết rằng đó là tòa nhà của văn phòng nhập ngũ.
Roman Starovoyt, thống đốc vùng Kursk của Nga cũng đã tuyên bố rằng các lực lượng Ukraina đã tấn công một trạm biến áp điện ở làng Tyotkino, nơi được cho là đã làm gián đoạn nguồn cung cấp điện.
Theo Thống đốc Vyacheslav Gladkov, tỉnh Belgorod của Nga cũng đã bị tấn công. Ông nói rằng bảy khu định cư đã bị mất điện do cuộc tấn công có chủ đích.
Tất cả các khu vực của Nga được đề cập đều có biên giới với Ukraina. Kyiv chưa bình luận về việc liệu họ có chịu trách nhiệm về các vụ tấn công hay không.
Nga thường xuyên pháo kích vào các khu vực đông bắc của Ukraina giáp với Nga và các khu vực dọc biên giới của Nga cũng bị pháo kích.
Kể từ khi Nga bắt đầu cuộc chiến tổng lực chống lại Ukraina vào ngày 24 tháng 2 năm 2022, đã có nhiều báo cáo về các vụ hỏa hoạn bùng phát trên khắp nước Nga và các hành động phá hoại khác mà một số người cho rằng do quân đội Ukraina hoặc các nhóm đảng phái địa phương thực hiện.
Trung Quốc bất ngờ gây khó dễ, chặn cung cấp máy bay không người lái cho Nga
Liên Thành
Ảnh minh họa.
Nhu cầu về máy bay không người lái đang tăng vọt với chiến trường Nga-Ukraina, tuy nhiên phía Mát-xcơ-va gặp nhiều khó khăn hơn để trang bị các thiết bị này với số lượng lớn, chính quyền Trung Quốc mới đây đã làm khó dễ không cho họ mua hàng.
Hiện vẫn chưa rõ lý do đằng sau việc các hãng flycam, công ty sản xuất máy bay không người lái Trung Quốc e dè trong việc cung cấp thiết bị cho phía Nga, theo nhận định từ các chuyên gia, các công ty như DJI có thể e ngại đánh mất thị phần bởi các lệnh trừng phạt từ Âu – Mỹ.
Hãng DJI mới đây ra tuyên bố ngưng cung cấp flycam dòng Mavic 3T cho phía Nga, nếu nhà phân phối nào vi phạm thì sẽ bị chấm dứt hợp đồng, DJI không nêu cụ thể lý do đằng sau thông báo.
Được biết các dòng drone, flycam của DJI hiện đang được ưa thích sử dụng bởi cả Nga và Ukraina, đặc biệt DJI Mavic 3T dùng để bay trinh sát trên không, lấy tọa độ cho pháo binh, đánh quấy rối thả trái nổ xuống mục tiêu rất hiệu quả.
Quan chức cấp cao Mỹ-Trung gặp nhau, cam kết duy trì liên lạc
Liên Thành
Cố vấn An ninh Quốc gia Tòa Bạch Ốc Jake Sullivan đã gặp nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc Vương Nghị (Ảnh: AP).
Washington ngày 11/5 cho biết, Cố vấn An ninh Quốc gia Tòa Bạch Ốc Jake Sullivan đã gặp nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc Vương Nghị và cam kết sẽ giữ cho các đường dây liên lạc luôn mở
Tòa Bạch Ốc cho biết trong một tuyên bố, Ông Sullivan và ông Vương Nghị đã gặp nhau tại Vienna vào ngày 10 và 11/5, thảo luận về cuộc chiến của Nga với Ukraina, cùng các vấn đề khác. Tuyên bố viết:
“Hai bên đã có các cuộc thảo luận thẳng thắn, thực chất và mang tính xây dựng về các vấn đề chính trong mối quan hệ song phương Mỹ-Trung, các vấn đề an ninh toàn cầu và khu vực, cuộc chiến của Nga chống lại Ukraina và các vấn đề xuyên eo biển, cùng các chủ đề khác”. Ngoài ra, cuộc họp “là một phần của những nỗ lực không ngừng nhằm duy trì các đường dây liên lạc cởi mở và quản lý cạnh tranh một cách có trách nhiệm”.
Mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc từ lâu đã xấu đi do một loạt vấn đề, từ việc Washington cáo buộc Bắc Kinh có hành vi gián điệp, vi phạm nhân quyền cho đến việc Bắc Kinh hung hăng với ở khu vực châu Á Thái Bình Dương.
Hồi tháng 2, Ngoại trưởng Antony Blinken đã hủy chuyến đi dự kiến tới Bắc Kinh sau khi một khinh khí cầu của Trung Quốc bay vào không phận của Hoa Kỳ.
Chuyến đi của ông Blinken nhằm mục đích giúp hàn gắn quan hệ sau sự rạn nứt trước đó do chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện lúc bấy giờ là bà Nancy Pelosi tới Đài Loan.
Tòa Bạch Ốc đã bày tỏ mong muốn sắp xếp lại chuyến thăm của ông Blinken cũng như các cuộc gặp cấp cao khác nhằm giữ cho các mối quan hệ không đi đến xung đột. Tòa Bạch Ốc cho biết:
“Hai bên đã đồng ý duy trì kênh liên lạc chiến lược quan trọng để thúc đẩy các mục tiêu này”.
Trung – Đức khẩu chiến, Ngoại trưởng Đức cứng rắn với Bắc Kinh
Liên Thành
Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock và Ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương (Qin Gang) nói chuyện với giới truyền thông tại một cuộc họp báo ở Berlin hôm 9 tháng 5. (Ảnh: Michele Tantussi/Getty Images).
Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương (Qin Gang) gần đây đã bắt đầu chuyến công du tới ba nước châu Âu để thuyết phục các nhà lãnh đạo châu Âu tăng cường đầu tư vào TQ. Tuy nhiên, quan hệ đối tác Trung-Nga đã trở thành một bài toán khó đối với ông.
Tại Đức, điểm dừng chân đầu tiên trong chuyến thăm châu Âu của ông Tần Cương, người đồng cấp Đức Annalena Baerbock đã có cuộc đối đầu gay gắt với ông Tần về “kế hoạch của EU trừng phạt các công ty Trung Quốc ủng hộ cuộc xâm lược của Nga”.
Khả năng áp đặt các hạn chế đối với tám công ty Trung Quốc đang được thảo luận trong EU. Tại cuộc họp báo sau cuộc gặp với bà Baerbock, khi được hỏi về triển vọng của các lệnh trừng phạt, ông Tần Cương tuyên bố rằng, ĐCSTQ kiên quyết phản đối bất kỳ lệnh trừng phạt đơn phương nào.
Ông cũng bảo vệ cách tiếp cận của Bắc Kinh, nói rằng: “Có sự trao đổi và hợp tác bình thường giữa các công ty Trung Quốc và Nga, điều này không thể bị gián đoạn”. Ông cũng nói thêm rằng, “Các vấn đề của Ukraina rất phức tạp…”
Bộ trưởng ngoại giao Trung Quốc Tần Cương cũng sử dụng kinh tế như một mối đe dọa, nói rằng nếu Đức tách rời ĐCSTQ, chỉ vì “sự khác biệt” về chính trị, thì nền kinh tế lớn nhất Liên minh Châu Âu sẽ phải trả “giá đắt”.
Ông cũng đe dọa phía Đức rằng nếu EU có các hành động trừng phạt Bắc Kinh, ĐCSTQ sẽ có “những phản ứng cần thiết”, v.v.
Tuy nhiên, ngoại trưởng Đức hoàn toàn phớt lờ nội dung cuộc nói chuyện của người đồng cấp Trung Quốc Tần Cương. Bà nói tại cuộc họp báo rằng: “Trung lập nếu có nghĩa là ủng hộ kẻ xâm lược, thì đó là lý do tại sao nguyên tắc chỉ đạo của chúng tôi là: nói rõ rằng chúng tôi cùng phe với nạn nhân”.
Bà nhắn nhủ ông Tần Cương rằng, trong cuộc xâm lược Ukraina của Nga, cái gọi là “trung lập” của Bắc Kinh chẳng khác nào đứng về phía Nga. Bà cũng gây áp lực buộc Bắc Kinh phải làm nhiều hơn để giúp chấm dứt chiến tranh.
Theo Ngoại trưởng Đức, EU muốn bảo đảm rằng, các biện pháp trừng phạt hiện có đối với Nga không bị các nước thứ ba phá hỏng, “các quốc gia nên hợp tác để ngăn chặn các bên phân phối vũ khí của Nga liên quan đến chiến tranh.
Bà cũng nhấn mạnh rằng “các biện pháp trừng phạt nhằm vào các công ty cụ thể chứ không phải các quốc gia cung cấp các bộ phận chính cho các nhà phân phối vũ khí của Nga”.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz cũng có bài phát biểu tại Nghị viện Châu Âu vào ngày 9 tháng 5, trong đó nêu quan điểm hoàn toàn trái ngược với thái độ của tổng thống Pháp Macron đối với ĐCSTQ.
Ông Scholz kêu gọi hợp tác toàn cầu hơn nữa trên cơ sở bình đẳng, đồng thời nhấn mạnh rằng “Hoa Kỳ vẫn là đồng minh quan trọng nhất của châu Âu”, và “ĐCSTQ cũng đang ngày càng trở thành một ‘đối thủ cạnh tranh’ và ‘đối thủ có hệ thống’ của châu Âu.
Không có nhận xét nào